Dự kiến chi 224,8 triệu USD để chuyển đổi PTTH sang kỹ thuật số tại Việt Nam

Sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để chuyển đổi

Số hóa phát thanh truyền hình (PTTH) là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, phù hợp với sự phát triển thông tin liên lạc trong kỷ nguyên băng rộng. Tuy nhiên, số hóa như thế nào là vấn đề còn gặp nhiều lúng túng ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước châu Á, nơi khoảng cách số còn lớn với nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đây là vấn đề lớn vì nó ảnh hưởng đến người dân cả nước đã có thói quen sử dụng truyền hình tương tự trong nhiều thập niên.

Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu đã xây dựng lộ trình dừng cung cấp PTTH analog để chuyển hẳn sang số hóa vào năm 2015. Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình không áp dụng máy móc cho mọi quốc gia. Với những quốc gia chỉ có 5% cư dân dùng truyền hình analog thì việc dừng khá dễ dàng. Song với những quốc gia như Anh, Ý, Tây Ban Nha nơi hơn 30% dân số dùng truyền hình analog thì việc triển khai phải có nhiều bước thích hợp khác nhau.

Mặc dù tại các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, số lượng người dân sử dụng truyền hình số chiếm đa số (trên 70%), nhưng Pháp cũng phải mất 5 năm (tháng 3/2005 đến hết năm 2010) và chi phí khoảng 60 triệu USD để chuyển đổi. Để dừng cung cấp vào tháng 12/2010, Pháp đã phải thông báo cho người dân và chuẩn bị cho sự kiện này từ năm 2005. Việc dừng được tiến hành theo từng vùng, vùng có mật độ sử dụng công nghệ kỹ thuật số cao thì dừng trước. Qua thực tế tại Anh, các chuyên gia ITU cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi như thế nào để giảm can nhiễu và tầm quan trọng của việc đàm phán với các quốc gia lân cận. Theo Giám đốc Bộ phận Vô tuyến ITU Francois Rancy thì việc đàm phán với các quốc gia lân cận về phối hợp tần số là rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn và ở Pháp nó được ví như “một cơn ác mộng”.

Tại khu vực châu Á, Nhật Bản đã hoàn thành việc số hóa PTTH trong năm nay 2011, Hàn Quốc hoàn thành vào năm 2012. Việc chuyển đổi này sẽ mang lại lợi ích cho những đối tượng tham gia lĩnh vực PTTH, các công ty viễn thông, các công ty di động. Lộ trình chuyển đổi cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kinh tế, chính trị, sự hài hòa trong khu vực, khung giải pháp ở cấp vĩ mô trước khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi.

Chuyển đổi từng bước

Lộ trình chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số tại Việt Nam

Việt Nam đã xây dựng lộ trình chuyển đổi PTTH từ analog sang kỹ thuật số, từ nay đến năm 2020. Là một quốc gia đang phát triển, có dân số đông, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số người dân quen sử dụng truyền hình analog nên việc chuyển đổi này của Việt Nam sẽ rất tốn kém và diễn ra trong thời gian dài.

Theo số liệu của Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, thị phần truyền hình analog tại Việt Nam đang chiếm tới 76,5%, truyền hình kỹ thuật số mặt đất mới chỉ chiếm 12,5%. Thị phần ít ỏi còn lại là truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh. Mạng phát sóng truyền hình tương tự của các đài PTTH tại Việt Nam đang chiếm giữ rất nhiều kênh tần số. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ sử dụng 59 kênh, Nam Bộ 62 kênh nên hiện còn rất ít kênh tần số trống để triển khai truyền hình số sử dụng lâu dài.  

Việc nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh vực này sẽ là thách thức lớn. Trong việc tuyên truyền, Việt Nam sẽ thực hiện quảng bá lộ trình chuyển đổi qua các phương tiện báo chí, truyền hình kèm theo áp phích, tờ rơi, sách hướng dẫn. Trong các tài liệu hướng dẫn sử dụng ti-vi, thiết bị chuyển đổi tín hiệu truyền hình (STB) sẽ in kèm theo lộ trình chuyển đổi. Ngoài ra, Việt Nam sẽ lập các website, các trung tâm giải đáp qua điện thoại (call center), các bảng hiển thị điện tử, quảng cáo trên đường phố và thông tin hỗ trợ trong các sự kiện về nội dung lộ trình chuyển đổi.

Kinh phí cho quá trình chuyển đổi đã được dự toán bao gồm: Hỗ trợ cho thiết bị giải mã (set-top box - STB): 113 triệu USD, chi phí điều tra, thống kê tới hộ gia đình: 3,6 triệu USD, chi phí quảng cáo, truyền thông: 2,5 triệu USD. Những chi phí này sẽ được lấy từ Quỹ Viễn thông công ích.

Ngoài ra, việc chuyển đổi tại các đài PTTH địa phương và toàn quốc sẽ được huy động từ các nguồn khác và được hỗ trợ bằng cả ngân sách nhà nước. Ước tính khoản chi phí này vào khoảng 105,7 triệu USD. Như vậy, tổng chi phí cho quá trình chuyển đổi PTTH sang kỹ thuật số tại Việt Nam trong 10 năm tốn khoảng 224,8 triệu USD.

Mạnh Vỹ

Tin nổi bật