Châu Á - TBD còn quá nhiều cơ hội phát triển các dịch vụ thanh toán Bưu chính điện tử

(ICTPress) - Các dịch vụ thanh toán Bưu chính điện tử vẫn còn khá sơ khai và có cơ hội phát triển mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị “phát triển các dịch vụ thanh toán Bưu chính điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương” vừa khai mạc sáng nay 4/12 tại Hà Nội thể hiện quyết tâm khai thác các dịch vụ đầy tiềm năng này của ngành bưu chính tại các quốc gia trong khu vực. 

Đây là Hội nghị lần thứ tư trong khuôn khổ dự án kết hợp giữa Liên minh Bưu chính thế giới (Universal Postal Union - UPU) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (Intemational Fund for Agricultural Development - IFAD). Mục tiêu của Dự án nhằm phát triển mạng lưới thanh toán bưu chính điện tử thông qua mạng lưới Bưu chính các nước để phục vụ đối tượng là người dân nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT Nguyễn Thị Bội Lan phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ tư sau khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng điều hành (Council of Administration - CA) của UPU tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới lần thứ 25 tại Qatar tháng 10/2012 chứng tỏ Bưu chính Việt Nam đang ngày càng có uy tín trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Tham dự Hội nghị lần này có đại biếu đến từ các nước: Bangladesh, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Pakistan, Thái Lan, các chuyên gia cao cấp của UPU và điều phối viên dự án khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nội dung của Hội nghị nhằm đánh giá mục tiêu, kế hoạch tổng thể, rà soát thực trạng triển khai Dự án chung và của từng nước tham gia đến thời điểm hiện nay. Các bên sẽ cùng phân tích và triển khai các bước tiếp theo trong mục tiêu của Dự án trên cơ sở kết quả ban đầu, dự kiến về việc mở rộng hợp tác giữa các nước tham gia Dự án UPU-IFAD và các nước khác trên thế giới. Hội nghị cũng đánh giá việc triển khai và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ dịch vụ chuyển tiền (IPS), thảo luận giải pháp thương mại điện tử cho dịch vụ phát hàng thu tiền trên hệ thống IPS.

Châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử. Đây chính là cơ hội phát triển cho các hãng chuyển phát trong khu vực. Trong khi ngành bán lẻ truyền thống đang trì trệ vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, doanh số bán hàng trực tuyến vẫn tăng trưởng mức hai con số ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 44% lượng người sử dụng Internet toàn thế giới. Các nước đang phát triển như Thái Lan và Malaysia đang nhanh chóng đạt tỷ lệ truy cập Internet 80%, Trung Quốc và Indonesia có số dân rất đông đã phát triển được thị trường thương mại điện tử khổng lồ. Sự phát triển của thương mại điện tử đem đến cơ hội rõ ràng cho bưu chính. Nếu phát triển được mạng lưới chuyển phát rộng khắp và thương hiệu đáng tin cậy, bưu chính các nước sẽ thu được lợi thế kinh doanh quan trọng.

Bên lề Hội nghị, Bưu chính Việt Nam sẽ có các phiên làm việc song phương với Bưu chính các nước Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào và Campuchia để trao đổi các bước thử nghiệm triển khai cung cấp dịch vụ, xây dựng chương trình phối hợp quảng bá dịch vụ chuyển tiền giữa bưu chính Việt Nam và các nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị là lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực bưu chính tới từ UPU và các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thông qua Hội nghị, Bưu chính Việt Nam hướng đến thị trường kiều hối có tiềm năng to lớn, đặc biệt chú trọng đến khốì lượng 30% bằng tiền mặt trong tổng số kiều hối chảy về Việt Nam qua các kênh chính thức. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 4 triệu người học tập, lao động và sinh sống ở nước ngoài, thị trường xuất khấu lao động ngày càng tăng trưởng, xu hướng toàn cầu hóa thị trường lao động và nhóm DN vừa và nhỏ ngày càng lớn mạnh, số nguời sử dụng điện thoại di động và Intemet ngày càng tăng nhanh... Đây là những tiền đề rất thuận lợi để thị trường kiều hối và dịch vụ chuyển tiền phát triển tốt hơn nữa. Trong thời gian trước mắt, Bưu chính Việt Nam tập trung vào các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản.

Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, hàng năm, có khoảng hơn 4 tỷ USD kiều hối được chuyển về Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau. Kênh chính thức có các dịch vụ quốc tế chất lượng cao như Wesstern Union, Money Gram, nhưng kênh này có giá cước cao. Còn các kênh chợ đen hoạt động ngầm thì giá cước rẻ hơn nhưng khách hàng gặp phải rủi ro cao khi chuyển tiền qua kênh này. Chuyển tiền quốc tế qua bưu điện tại Việt Nam có độ an toàn cao và cước phí rẻ, nhưng thực tế sản lượng lại rất thấp, chiếm thị phần rất nhỏ. nguyên nhân khiến dịch vụ chưa hấp dẫn khách hàng một phần do Bưu chính nhiều nước chưa quan tâm tới dịch vụ này, một phần là dịch vụ chuyển chưa nhanh vì vẫn chưa tận dụng tối đa khả năng của hệ thống bưu chính điện tử và hệ thống IPS.

Trong thời gian qua, Bưu chính Việt Nam đã nghiên cứu để triển khai các cơ hội cung cấp các dịch vụ Tài chính Bưu chính mới như cải tiến cung cấp dịch vụ Phát hàng thu tiền (COD) trên hệ thống PayPost; triển khai dịch vụ phân phối điện tử bằng SIM Bông sen… Bưu chính Việt Nam cùng với 5 nước trong khu vực tham gia Dự án UPU-IFAD về phát triển dịch vụ thanh toán bưu chính điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trao đổi song phương, xúc tiến chuyển đổi hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ Chuyển tiền Quốc tế từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử với các nước như Maylaysia, Lào…

Tuy nhiên, để dịch vụ chuyển tiền điện tử phát triển, năng lực mạng lưới phải không ngừng mở rộng với sự tham gia tích cực của nhiều quốc gia trong khu vực, ứng dụng triệt để những tiện ích của hệ thống IPS.

      Mạnh Vỹ

Tin nổi bật