Các siêu thị điện máy liên tiếp đóng cửa

Nguồn tin từ các DN kinh doanh siêu thị điện máy cho biết, siêu thị điện máy Best Carings tại Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh vừa phải đóng cửa do khách hàng quá vắng.

Thu hẹp và giải tán

Trường hợp trên của Best Carings chri là một ví dụ nhỏ trong vô số siêu thị điện máy đã đóng cửa từ đầu năm đến nay.

Vừa qua, chuỗi cửa hàng điện máy Thế giới số 24g của Nguyễn Kim tại Tp Hồ Chí Minh cũng đã đóng cửa. Chuỗi cửa hàng này mới mở cửa cách đây không lâu bỗng dưng lại đóng cửa làm nhiều người không khỏi bất ngờ.

Theo tin từ Nguyễn Kim thì chuỗi cửa hàng này sẽ chuyển thành Trung tâm thương mại Sài Gòn Nguyễn Kim và sẽ tiếp tục phuc vụ khách hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên một số nguồn thạo tin cho hay kinh doanh thua lỗ, trong khi mặt bằng đã thuê dài hạn không trả lại được nên phải chuyển hướng.

Tại Hà Nội một loạt các siêu thị điện máy cũng bắt đầu thu hẹp quy mô trưng bày. Siêu thi Điên máy Pico tại 173 Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, trước đây bề thế với 4 tầng nay đã thu lại còn 3. Tuy mặt bằng thuê dài hạn, nhưng vẫn phải thu hẹp để cắt giảm các chi phí cố định như tiền điện.

Siêu thị điện máy Trần Anh tại 292 Tây Sơn, quận Đống Đa cũng trong tình cảnh tương tự, thu hẹp quy mô từ 4 tầng nay giảm xuống còn 3 nhằm giảm các chi phí.

Cuối năm 2011 Trần Anh vừa mở 1 siêu thị điện máy tại quận Long Biên với diện tích 5.000 m2 thì nay sau vài tháng bán hàng đã quyết định trả lại 1/2 diện tích.

Siêu thị Media Mart mới đây đã phải đóng cửa điểm bán hàng ở Nguyễn Chí Thanh, còn siêu thị Việt Long cũng dừng bán ở Hà Đông.

Một DN kinh doanh điện máy cho biết hiện nay có không ít các siêu thị tại Cần Thơ, Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội lâm vào cảnh tài chính rất khó khăn, không có tiền trả tiền thuê mặt bằng, nợ lương, nợ bảo hiểm nhân viên, giảm bớt nhân viên...

Các DN cho biết, nhu cầu về hàng điện máy sau Tết nguyên đán đã giảm từ 50%- 70% so với trước Tết. Hiện doanh thu các mặt hàng điện máy của nhiều siêu thị tại Hà Nội chỉ ở mức 100 triệu đồng/ ngày trong khi trước kia con số này phải là 1 tỷ đồng/ngày.

Nhỏ lẻ bị diệt vong

Doanh thu giảm mạnh, trong khi hợp đồng thuê mặt bằng đã ký dài hạn, chi phí thuê không hề giảm xuống. Chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị điện máy. Tính toán sơ bộ, để có hiệu quả thì doanh số tính trên m2 diện tích sàn ở mức 100 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay giá thuê mặt bằng thì cao, trong khi sức mua lại giảm mạnh khiến nhiều siêu thị không đạt được con số trên. Doanh số thu được của các siêu thị giờ chỉ đạt dưới 30 triệu đồng/m2.

Kinh doanh thua lỗ, nhưng muốn trả lại mặt bằng cũng không dễ, do đã ký hợp đồng thuê dài hạn và phải đặt cọc với số tiền lớn đến hàng chục tỷ đồng, nếu chủ cho thuê không đồng ý mà bỏ coi như bị mất toàn bộ tiền đặt cọc nên đành phải chấp nhận.

Ông Đinh Anh Huân, giám đốc Thế Giới Điện Tử cho biết, nếu tính từ khâu phân phối, xuống khâu bán lẻ đến giá cho người tiêu dùng đầu cuối, để "cầm cự qua ngày", ít nhất giá phải tăng khoảng 15% - 18% so với hồi trước Tết, do các chi phí đều tăng, nhưng tất cả không thể tăng giá bán.

Ngược lại do hàng tồn kho tăng cao, nhiều siêu thị đã phải thực hiện xả hàng tồn kho, chấp nhận thua lỗ, trong đó có nhiều chiêu khuyến mãi giảm giá rất sâu. Từ đầu năm 2012 đến nay, thực trạng các siêu thị lớn nhỏ trong nước ồ ạt khuyến mãi như giảm giá 20% - 50% cho từng sản phẩm, giảm giá thêm cho khách hàng mua online, vận chuyển miễn phí hàng trăm cây số để câu khách tỉnh xa... chấp nhận lãi ít hoặc bù lỗ phần nào cho thấy các DN cũng đang cố gắng để "giải quyết vấn đề".

Hiện chỉ cần 4 triệu đồng cũng có thể mua được 1 chiếc tivi LCD 32 inch thương hiệu Hàn Quốc hoặc Nhật Bản tại các cửa hàng điện máy mà trước đó, giá sản phẩm này gần 7 triệu đồng. Các mặt hàng tiêu dùng khác như nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố... giá cũng đang giảm mạnh.

Việc mua bán, sáp nhập các siêu thị điện máy cũng đang chững lại. Nhiều DN chào bán mà không có người mua, hoặc trả giá quá thấp. Một nguồn tin từ các DN kinh doanh điện máy cho biết, có DN đã tính bán chuỗi siêu thị điện máy có thương hiệu khá lớn của mình cho nhà đầu tư Hồngkông. Cuối năm ngoái, nhà đầu tư này trả 70 triệu USD mua lại 70% cổ phần thì không đồng ý, đòi 120 triệu USD. Nay cũng 70% cổ phần đó, người ta chỉ trả có 30 triệu USD.

Mặc dù vậy, một số siêu thị điện máy dù hoạt động rất khó khăn nhưng vẫn cố "sống" với hy vọng khi nền kinh tế phục hồi sẽ lấy lại sức bật. Tuy nhiên theo nhận định thì thị trường điện máy còn khó khăn đến hết quý 1/2013.

Nhận định của giới kinh doanh ngành hàng điện tử, điện máy cho thấy, rất có thể ngay trong quý 2/2012 sẽ xảy ra "cú sốc" lớn khi có thêm một vài con "cá lớn" kinh doanh ngành hàng này phải tuyên bố phá sản.

Đại diện một hãng phân phối máy tính, điện thoại và thiết bị siêu thị khá lớn trên đường Thái Hà cho rằng, năm 2012 tiếp tục là thời kỳ thị trường điện máy có sự đào thải theo hướng "Mạnh sống, yếu chết". Dự kiến trong tương lai chỉ còn lại 3 DN lớn chiếm khoảng 70% thị phần, tất cả các DN khác chia nhau 30% còn lại và các cửa hàng nhỏ lẻ thì dần dần biến mất hoặc chuyển sang thị trường ngách, kinh doanh các mặt hàng chuyên dụng.

Trần Thủy

(Theo Vef)

Tin nổi bật