Syndicate content

Chuyển động ngành

Qualcomm và Microsoft hợp tác trên Windows 8

(ICTPress) - Qualcomm và Microsoft ngày 13/9 đã công bố hợp tác trang bị dòng chipset Qualcomm Snapdragon™ thế hệ tiếp theo của bộ vi xử lý di động cho máy tính sử dụng hệ điều hành Window 8.

Qualcomm và Microsoft ngày 13/9 trong khuôn khổ hội nghị BUILD diễn ra từ ngày 13 - 16/9 tại thành phố Anaheim, bang California đã công bố hợp tác trang bị dòng chipset Qualcomm Snapdragon™ thế hệ tiếp theo của bộ vi xử lý di động cho máy tính sử dụng hệ điều hành Window 8 thế hệ đầu tiên sắp tới, trở thành một trong những nhà cung cấp silicon duy nhất cho đến nay được định vị hỗ trợ cả điện thoại thông minh và máy tính sử dụng hệ điều hành Windows.

Ngoài ra, các giải pháp kết nối Internet di động Qualcomm’s GobiTM sẽ cung cấp cho máy tính chạy Windows 8 kết nối không dây 3G/4G một trải nghiệm kết nối liên tục. Microsoft Corp. đã trình diễn trước các nhà phát triển các máy tính chạy thử hệ điều hành Window 8 bản thử nghiệm đầu tiên được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon và kết nối Gobi trong suốt bài phát biểu chính tại hội nghị BUILD diễn ra vào sáng 13/9.    

Lần đầu tiên ra mắt, giải pháp công nghệ Gobi của Qualcomm cung cấp kết nối 3G/4G LTE cho các máy tính thử nghiệm chạy trên nền Windows 8. Giải pháp kết nối Internet di động Gobi của Qualcomm là một module đa thức 3G/4G LTE hợp chuẩn, giúp các nhà sản xuất thiết bị gốc dễ dàng xác nhận kết nối cho bất cứ máy tính nào chạy Windows 8. Bằng việc tích hợp module dựa trên công nghệ Gobi vào các máy tính chạy Window 8, Qualcomm sẽ mang lại giải pháp kết nối toàn cầu nhanh chóng và dễ dàng sử dụng với một trải nghiệm không giới hạn và năng suất cao cho người sử dụng.

Họ bộ vi xử lý di động dòng Snapdragon của Qualcomm cũng đem đến kết nối Wi-Fi® hai băng tần, Bluetooth và sóng FM thông qua bộ chip Atheros’ WCN3660 của Qualcomm. Bộ chip WCN3660 là một giải pháp tích hợp tối ưu hóa để làm việc với một phạm vi rộng các hệ điều hành di động, và sẽ là bộ chip đầu tiên trong loạt giải pháp mạng LAN không dây chuẩn 802.11n nhằm hỗ trợ hoàn toàn cho hệ điều hành Windows 8.

Linh Hoàng

Doanh nghiệp CNTT Pháp tìm kiếm hợp tác tại Việt Nam

Với mong muốn phát triển hoạt động, quan hệ đối tác tại thị trường CNTT Việt Nam, 4 công ty trong lĩnh vực CNTT của Pháp là ESI Group, MEGA International, Sysun Technologies và Worketer đã có những trình bày thú vị về công ty và các sản phẩm, giải pháp CNTT trong khuôn khổ Hội thảo “Thách thức và triển vọng phát triển CNTT trong doanh nghiệp ở Việt Nam: Cơ hội hợp tác thương mại Pháp - Việt".

Tiên phong trong lĩnh vực mô phỏng, ESI cung cấp các giải pháp mô phỏng ảo để nâng cao thiết kế và hiệu suất sản phẩm, cũng như các quy trình sản xuất nhờ sở dụng vật liệu thực để thúc đẩy sáng tạo thông qua sự hợp tác và môi trường ảo.

Mega International là công ty mong muốn giảm những phức tạp vận hành, thiết lập quản trị thành công và quản lý các rủi ro liên quan với 2 giải pháp cho doanh nghiệp và cho khu vực công là MEGA EA Suite và Mega GRC.

Sysun là công ty chuyên về tổng hợp giọng nói và hình ảnh giới thiệu 4 sản phẩm Phonegate, Linkgate, Quick Monitore và Sipfone. Đây là những giải pháp dành cho các doanh nghiệp và các cơ quan công để đạt được các hiệu suất liên lạc, quy trình hoạt động.

Worketer lại tập trung vào ứng dụng web xã hội để kết nối một cộng đồng những người có bằng cấp trình độ và các cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số.

Cả 4 doanh nghiệp đều mong muốn mở rộng hoạt động thương mại và thiết lập quan hệ đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực giải pháp CNTT hỗ trợ quản trị nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu hóa quy trình, chất lượng hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, quan hệ khách hàng, đa dạng hóa kênh bán hàng và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.

Hội thảo lần này theo ông Marc Cagnard, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Cơ quan thương mại UBIFRANCE tại Việt Nam cho biết là nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, lĩnh vực đang cần được phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.

BM

FPT "xuất khẩu" Đại học FPT sang Nigeria

(ICTPress) - Dự kiến đầu năm 2012, trường đại học tại Nigeria sẽ có giấy phép hoạt động và triển khai các công tác xây dựng, tuyển sinh ngay trong năm học 2012.

Thông tin từ FPT cho hay, ngày 11/9, Trường Đại học FPT vừa kí thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Viễn thông - CNTT hàng đầu Nigeria - 21st Century Technologies để mở trường đại học quốc tế tại quốc gia Tây Phi này.

Theo đó, Đại học FPT sẽ cung cấp chương trình, giáo trình, quy trình đào tạo, cử cán bộ quản lý, giảng viên, còn phía đối tác sẽ chịu trách nhiệm về giấy phép, cơ sở vất chất và chi phí hoạt động.

Với thỏa thuận hợp tác này, Đại học FPT đã sớm hiện thực hóa mục tiêu "xuất khẩu giáo dục" được đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập: sau 10 năm có cơ sở đào tạo tại nước ngoài.

Trong 5 năm qua, Đại học FPT đã tạo các nền móng ban đầu cho mục tiêu này với chương trình đào tạo mang tính quốc tế, giáo trình tiếng Anh và quan trọng hơn cả là quy trình hoạt động mang tính "đóng gói" để có thể triển khai tại nhiều nơi với cùng một mặt bằng chất lượng và cho phép chuyển giao.

Nigeria có trên 150 triệu dân nhưng chỉ có hơn 100 trường cao đẳng, đại học. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Về lý do chọn Nigeria để khởi đầu cho việc "toàn cầu hóa", TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT trả lời trên Ấn phẩm nội bộ của FPT cho biết: "Cứ 6 người châu Phi có 1 người là công dân Nigeria. Đây là một thị trường rất lớn để triển khai các dịch vụ - đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến CNTT và giáo dục đào tạo".

"Nigeria cũng là một trong 5 nước nói tiếng Anh 'xịn' nhất - có số lượng người sử dụng tiếng Anh đông nhất (ngoài Mỹ, Anh, Ấn Độ và Philippines), tạo cầu nối thuận lợi cho các dịch vụ, chương trình dựa trên tiếng Anh. Do chênh lệch về mức độ phát triển giữa Việt Nam và Nigeria, khi triển khai hoạt động tại Nigeria chúng ta sẽ tận dụng được nhiều bài học kinh nghiệm của các các nước phát triển khi triển khai hoạt động tại Việt Nam", ông Lê Trường Tùng nói.

Được biết, FPT và 21st Century Technologies đã đặt quan hệ hợp tác từ cuối tháng 6/2011. Cuối tháng 8 vừa qua, sau khi FPT có chuyến khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Nigeria, ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch HĐQT FPT Software - khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tại Nigeria và có lời kêu gọi các nhân viên FPT cùng sang châu Phi.

Lê Nguyên

Tin liên quan:

Người Việt ngày càng chuộng smartphone

Điện thoại thông minh nhập vào Việt Nam có tỷ trọng tăng, trong khi máy di động cơ bản giảm, nhiều chuyên gia nhận định, giá tốt, nhiều chức năng và các gói cước 3G rẻ hơn đang làm smartphone ngày càng "ăn khách".

Theo số liệu của IDC về lượng nhập điện thoại vào Việt Nam quý II/2011, trong tổng số 4,5 triệu chiếc, tỷ lệ smartphone đưa về chiếm 9,4% và tăng 2,5% so với quý trước. Trong khi đó, điện thoại phổ thông, các dòng không có hệ điều hành lại giảm 24,5% so với quý I và 13,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Khoảng 400.000 smartphone đã xuất hiện qua đường chính ngạch vào thị trường Việt Nam trong quý II. Ông Nguyễn Lâm, đại diện IDC tại Việt Nam, cho biết smartphone nhập về hiện chỉ chiếm hơn 9%, so với mặt bằng chung trong khu vực là 24%, tỷ lệ này vẫn còn thấp. Ông Lâm nhận định, điện thoại thông minh còn rất nhiều tiềm năng để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Giá tốt và các nội dung phong phú là một trong những yếu tố khiến smartphone bán chạy. Ảnh: Quốc Huy.

Theo ông Vi Quốc Hoàn, Giám đốc sản phẩm HTC Việt Nam, mức giá tốt hơn là một trong những yếu tố quan trọng để smartphone ngày càng bán chạy. Hiện điện thoại thông minh đã xuống đến ngưỡng 2 đến 3 triệu và không chỉ các nhà sản xuất lớn như Nokia, Samsung, LG.. mà cả nhiều thương hiệu nhỏ như FPT, Q-mobile... đã trình làng những thiết bị chạy Android có mức giá ngang bằng một chiếc điện thoại cơ bản.

Ông Hoàn cũng cho rằng, việc sở hữu một chiếc di động với nhiều chức năng, ứng dụng phong phú khiến người dùng có lý do hơn để chọn smartphone. Trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống chuyên bán di động cao cấp ở TP HCM, nhận định người dùng ngày càng có thói quen dùng điện thoại làm thiết bị giải trí, lướt web, xem clip trực tuyến... những lý do này khiến smartphone đang trở thành thiết bị cá nhân tiện dụng hơn.

"Sự ra mắt gói cước 3G giá rẻ từ các nhà mạng, cho phép truy cập Internet, kết nối mạng xã hội mở ra một trào lưu sử dụng smartphone ngày càng mạnh mẽ hơn", ông Mai Triều Nguyên nói. Trong một buổi giới thiệu di động Motorola mới tại TP HCM, ông Patrick David Aronson, Giám đốc công ty phân phối BrightStar Việt Nam, phát biểu Việt Nam là một trong những quốc gia có cước sử dụng 3G rẻ nhất thế giới, điều này hấp dẫn các nhà sản xuất đưa smartphone đến.

Thị trường di động tại Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua của các thương hiệu lớn, nhỏ trên phân khúc smartphone với nhiều dòng sản phẩm chạy Symbian, Android, Bada, Windows Phone, iOS. Nhóm máy 5 triệu hiện được nhiều chủ hàng cho biết bán tốt, trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên nhận định, xu hướng di động giải trí, màn hình đẹp và đa kết nối từ 7 triệu trở lên có xu hướng mua nhiều hơn.

Theo số liệu của IDC, hệ điều hành Symbian đang chiếm hơn 50% trong tổng số các nền tảng smartphone nhập chính ngạch về Việt Nam trong quý. Trong khi đó, Android đang có dấu hiệu tăng.

Theo admin một diễn đàn di động tại Hà Nội, con số thị phần 9% smartphone nhập về Việt Nam chỉ mang tính tương đối. "Việt Nam đang có một thị trường khác là điện thoại xách tay. Nhóm hàng với các sản phẩm 'trôi nổi' này tập trung vào smartphone, đặc biệt có những thiết bị 'ăn khách' và ảnh hưởng tới thị trường như iPhone. Ngoài ra, LG, Samsung hiện cũng đã sản xuất điện thoại thông minh ở trong nước", người này phân tích. "Tỷ lệ smartphone tại Việt Nam cao hơn nhiều con số 9% và sẽ tiếp tục tăng".

Ông Mai Triều Nguyên cho biết, smartphone Android đang là sự lựa chọn của nhiều khách hàng, trong khi đó, ông Vi Quốc Hoàn nhận định, năm nay và sang 2012, điện thoại thông minh vẫn là cuộc chơi của Android và iOS.

Quốc Huy

Theo VNE

Nhiều khách sạn tăng cường ứng dụng công nghệ cao

Nếu dự án của ông Trợ lý Tổng quản lý kiêm Giám đốc bộ phận phòng của KS Caravelle (TP HCM) được triển khai, trong chuyến du lịch đến TP HCM sắp tới, bạn có thể mở cửa phòng bằng điện thoại di động, đặt bàn dùng bữa tối bằng iPad và có thể là các dịch vụ khác, và chỉ cần sử dụng một tờ giấy cho cả kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần.

Nhiều phần trong dự án đã được triển khai, và những điều lý thú kể trên sẽ sớm thành hiện thực.

Vào tháng 6/2011, khách sạn Caravelle ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã thay chìa khóa thẻ từ bằng các chìa khóa ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng tần số radio (RFID), một công nghệ được ứng dụng bởi nhiều khách sạn hàng đầu thế giới. Với chìa khóa này, khách chỉ cần đến gần phòng là có thể mở được cửa.

Ông Linton Borthwick, Trợ lý Tổng quản lý kiêm Giám đốc bộ phận phòng của khách sạn, bày tỏ: "Hãy tưởng tượng bạn đang về phòng với nhiều đồ đạc trên tay và chiếc chìa khóa trong ví hoặc trong túi sẽ tự động mở cửa cho bạn nếu khoảng cách giữa chiếc chìa khóa và cánh cửa đủ gần. Bạn sẽ không phải quay lại quầy lễ tân do những trục trặc từ chiếc chìa khóa cũ nữa, bởi vì sự giao tiếp giữa các vi mạch điện tử và cánh cửa là cực kỳ hoàn hảo và chính xác".

Nỗ lực tạo nên những dịch vụ tiện lợi hơn, hiệu quả hơn và mang tính cá nhân hơn là một việc làm rất được chú trọng trong ngành công nghiệp dịch vụ khách sạn. Tuy nhiên tại Việt Nam, đây thật sự là một ngạc nhiên thú vị khi các khách sạn nổi tiếng lâu đời giờ đây càng khẳng định vị trí tiên phong thông qua việc ứng dụng các phần mềm và thiết bị công nghệ cao vào phục vụ khách hàng.

Caravelle là khách sạn có bề dày lịch sử 52 năm và vốn nổi tiếng với vai trò là nơi lưu trú của các nhà báo trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Gần đây, Caravelle đã cài đặt hệ thống GPS trong tất cả các xe Mercedes đưa đón khách của khách sạn. Đây có thể nói là dịch vụ hoàn hảo nhất để phục vụ các vị khách VIP.

Cũng trong tháng này, dự án triển khai dịch vụ nhận phòng bằng điều khiển từ xa của Linton cũng sẽ được khởi động. Với 2 Wii-pad, các bảng điều khiển từ xa, khách có thể đăng ký nhận phòng tại bất cứ nơi nào trong khách sạn mà không cần phải đến quầy lễ tân. Hiện tại, khách sạn Caravelle cũng đang tiến hành dịch vụ nhận phòng qua mạng di động từ khu vực sảnh của khách sạn. Tuy nhiên, Caravelle mong muốn mở rộng dịch vụ này đến các khu vực khác trong khách sạn như thang máy, quầy bar trên sân thượng, hồ bơi, v.v.

Trong khi khách sạn Caravelle liên tục tạo nên những dấu ấn tại thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp và sôi động thì tại thủ đô Hà Nội, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, "bà đầm đáng kính" của ngành dịch vụ du lịch tại ViệtNam, cũng đang có những bước tiến đáng kể về công nghệ.

Phòng Graham Greene Suite – KS Metropole Hà Nội

Tương phản với không khí cổ điển và trang nhã với các thiết kế mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, một loạt các thiết bị hiện đại đã được lắp đặt tại tất cả các ngóc ngách của khách sạn có nhiều dấu ấn lịch sử này. Hệ thống buồng phòng được trang bị hệ thống âm thanh BeoSound 8 hiện đại cùng với máy iPad cá nhân để khách sử dụng trong trường hợp họ không mang theo máy tính xách tay.

Ngoài ra khách hàng cũng có thể sử dụng iPad tại Lễ tân khu vực Club Lounge (dành cho khách VIP), hoặc quầy Concierge để tra cứu thông tin về các tour du lịch trên mạng, hay tìm hiểu về các loại rượu trên tại nhà hàng Ý Angelina. Từ tháng 10 năm nay, khách ở tại Metropole được sử dụng Wifi miễn phí.

Khách sạn Metropole còn ứng dụng những công nghệ mới mang tính đột phá để lưu trữ các yêu cầu của khách hàng, tạo cơ sở dữ liệu lễ tân và điều hành khách sạn.

Trong số đó, chương trình Go Concierge được thiết lập để hỗ trợ và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Các nhân viên lễ tân đang trực sẽ giúp khách hàng đặt vé hay giới thiệu nhà hàng cho khách một cách nhanh chóng bằng cách in thông tin từ cơ sở dữ liệu có sẵn. Khách hàng sẽ có trong tay thư xác nhận, lịch trình và thậm chí cả những chỉ dẫn chỉ trong ít phút.

Bên cạnh những trải nghiệm thú vị về một khách sạn lâu đời và giàu lịch sử tại Metropole Hà Nội, khách hàng còn được đáp ứng yêu cầu và được phục vụ những công nghệ mới nhất.

Không chỉ hai khách sạn lớn ở hai đầu đất nước mới có những đổi thay vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, du thuyền Emeraude Classic Cruises trên vịnh Hạ Long vốn đã mê hoặc du khách bởi chính thiết kế mang đậm chất hoài cổ và những hành trình khám phá tại một trong những thắng cảnh thiên nhiên tráng lệ và huyền ảo nhất thế giới, giờ đây càng thu hút du khách bởi những trang thiết bị hiện đại.

Thuyền trưởng Jacques Le Fur - Emeraude

Theo thuyền trưởng người Pháp Jacques Le Fur, không có phương tiện nào hiện đại hơn hệ thống xác định thời gian bằng dấu vân tay, radar 3D và hệ thống GPS được trang bị trên du thuyền Emeraude. Mặc dù không được đòi hỏi trong các quy định về du lịch trên biển của Việt Nam, các phương tiện này thể hiện sự khác biệt của du thuyền Emeraude và sự quan tâm của Emeraude đối với khách hàng.

Hệ thống định vị GPS tự động của Emeraude sẽ báo động khi mỏ neo bị trôi, hoặc khi thuyền có độ nghiêng bất thường. Thuyền trưởng Le Fur có thể xác định chắc chắn rằng các kỹ sư và thủy thủ vẫn kiểm tra thuyền hàng giờ bằng cách giám sát hệ thống xác định thời gian qua dấu vân tay được nhập khẩu từ Đài Loan (TQ).

Bằng cách vượt qua những trở ngại để ứng dụng các công nghệ hiện đại, các khách sạn này đang gửi đi một tín hiệu số rằng khi cần đổi mới thì Việt Nam sẽ đổi mới ngang tầm với những khách sạn hàng đầu trong ngành công nghiệp du lịch dịch vụ toàn cầu.

Hoài Thanh

Theo HNMO

Nhiều doanh nghiệp ngành ICT được khen chấp hành tốt về thuế

(ICTPress) - Các doanh nghiệp ngành CNTT - điện tử viễn thông chiếm tới 11 trong tổng số 50 doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng bằng khen do chấp hành tốt chính sách thuế hàng hoá xuất nhập khẩu năm 2010.

Các doanh nghiệp viễn thông luôn đứng đầu trong đóng góp thuế cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: VNE.

Danh sách này vừa được Bộ Tài chính công bố chiều qua (7/9) trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Hải quan. Trong số đó góp mặt nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn như Viettel, MobiFone, EVN Telecom, Hanoi Telecom và các doanh nghiệp điện tử nước ngoài như Samsung Electronics Việt Nam, LG Electronics Việt Nam.

Ngoài ra, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, kinh doanh xăng dầu, và ô tô xe máy,...

Các doanh nghiệp được tặng Bằng khen phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Chấp hành tốt các Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Quản lý thuế và các quy định khác của Nhà nước; Số thuế nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm đạt từ 100 tỷ đồng trở lên; Không còn nợ thuế quá hạn tính đến thời điểm xét khen thưởng và không có hợp đồng gia công chưa thanh toán.

Ngoài việc đáp ứng được các tiêu chí trên, Tổng Cục Hải quan tiếp tục lấy ý kiến của 04 đơn vị gồm Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu về các doanh nghiệp trong diện được xét tặng Bằng khen.

Theo số liệu được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Tạp chí Thuế công bố tháng 9 năm ngoái, MobiFone và Viettel cũng là hai doanh nghiệp xếp đầu bảng Danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam từ 2007 đến 2009.

Danh sách 11 doanh nghiệp ngành CNTT - điện tử viễn thông trong số 50 doanh nghiệp được Bộ Tài chính khen tặng:

1. Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom)

2. Công ty TNHH phân phối công nghệ Viễn thông FPT

3. Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel)

4. Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Viteco

5. Công ty cổ phần Thương mại Bưu chính Viễn thông (Cokyvina)

6. Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom)

7. Công ty Thông tin Di động (MobiFone)

8. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam

9. Công ty TNHH Viễn Thông An Bình

10. Công ty TNHH điện tử LG ELECTRONICS Việt Nam

11. Công ty TNHH MTV Công nghệ tin học Viễn Sơn

Lê Nguyên

Quyết tâm đưa Viettel, MobiFone lên sàn trong năm 2012?

Trong một nỗ lực nhằm khởi động lại tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có văn bản đề xuất việc cổ phần hóa và niêm yết bốn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông và sản xuất đồ uống.

Quá trình cổ phần hóa MobiFone đã trải qua nhiều lần lỡ hẹn.

Bốn "ông lớn" được nêu tên trong báo cáo này bao gồm Viettel, MobiFone, Habeco và Sabeco, những doanh nghiệp mà tiến trình cổ phần hóa và niêm yết đã được khởi động từ lâu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà cho đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn tất.

Ngoài việc cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói chung, theo đó sẽ chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Trong một diễn biến liên quan, kể từ ngày 5/9/2011, Nghị định 59 mới được ban hành thay thế cho Nghị định 109 về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần sẽ chính thức có hiệu lực với một số điểm mới.

Một số điểm mới đáng chú ý là nghị định này cho phép doanh nghiệp được bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trước khi tiến hành IPO; vẫn cho phép chuyển đổi trong trường hợp IPO không đạt một tỷ lệ nhất định...

Đây là những điểm mấu chốt đang được các nhà đầu tư chiến lược đặc biệt quan tâm.

Đáng chú ý là trong cuộc gặp mặt các chuyên gia quốc tế vào ngày 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết là trong năm 2012, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy trở lại sau một giai đoạn khá trầm lắng.

Trong cuộc gặp này, chủ đề thúc đẩy cổ phần hóa cũng đã được các chuyên gia đồng loạt kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, xem đó như một trong những công việc cần tiếp tục được duy trì ngay cả trong thời điểm khó khăn.

Đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Quốc Doanh, hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ, giữ chức Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong một nỗ lực kiện toàn tổ chức của cơ quan này nhằm thúc đẩy cổ phần hóa.

Anh Minh

Theo TBKTVN

Viettel khai trương mạng viễn thông thứ 3 tại nước ngoài

(ICTPress) - Viettel vừa thông báo đã chính thức khai trương cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Haiti ngày hôm qua (7/9). Sau Campuchia và Lào, đây là thị trường thứ 3 được doanh nghiệp này đầu tư và cũng là thị trường xa nhất, khó khăn nhất.

Viettel chính thức đầu tư tại Haiti từ tháng 9/2010, thông qua liên doanh với Ngân hàng Trung ương Haiti (BRH) hình thành công ty Natcom, trong đó Viettel sở hữu 60% vốn và BRH sở hữu 40%.

Sau một năm, Natcom đã lắp đặt và phát sóng gần 1.000 trạm BTS 2G và 3G – nhiều hơn 30% so với mạng di động lớn nhất Haiti đã triển khai trong 6 năm. 3.000km cáp quang được xây dựng mới phủ đến cấp huyện và gấp 20 lần số cáp quang mà Haiti có trước tháng 9/2011.

Với việc khai trương này, Natcom trở thành công ty duy nhất cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, bao gồm cả 3G, và là nhà mạng sở hữu cổng kết nối Internet quốc tế duy nhất của Haiti qua tuyến cáp quang biển 10Gbps tới Bahamas kết nối đi Mỹ.

Như vậy, Viettel đang tiếp tục áp dụng chiến lược "mạng lưới đi trước, kinh doanh theo sau" từng triển khai thành công tại Lào và Campuchia - trước tiên phát triển hạ tầng rộng khắp rồi triển khai kinh doanh quyết liệt để vươn lên số 1 về thị phần thuê bao.

Haiti là quốc gia lớn thứ 3 tại vùng biển Ca-ri-bê, có dân số khoảng 9,8 triệu người, diện tích 27.751 km2với địa hình chủ yếu là đồi núi. Hai phần ba dân số Haiti sống dựa vào nông nghiệp, trang trại nhỏ và thường xuyên chịu thảm họa tự nhiên gây ra. Theo số liệu quả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 570 đô la Mỹ (IMF), 80% dân số Haiti sống dưới mức nghèo và 54% sống dưới mức cực nghèo.

Tỷ lệ người sử dụng điện thoại cố định của Haiti mới chỉ có 1,7% - thấp nhất trong khu vực châu Mỹ Latin và vùng biển Carribe. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động là 35% với khoảng 3.250.000 thuê bao.

Trước khi Natcom khai trương, mức cước liên mạng khoảng 10 cent/phút - gấp 1,5 lần so với Việt Nam, còn mỗi thuê bao Internet phải trả bình quân 23 USD/tháng, tức gấp hơn 10 lần ở Việt Nam.

An Du

Xem thêm:

Viettel "làm khó" đối thủ tại Campuchia

“Đính chính” vụ lỗ của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có công văn gửi Tổng công ty Bưu chính VN (BCVN), xác định lại kết quả kinh doanh năm 2009 của đơn vị này. Trước đó, tại cuộc họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2010, KTNN đã công bố kết quả kinh doanh 2009 của BCVN lỗ 1.026 tỉ đồng.

Công văn của KTNN cho biết: "Theo báo cáo kiểm toán, trong tổng chi phí để xác định kết quả kinh doanh năm 2009 của BCVN bao gồm cả chi phí hoạt động dịch vụ công ích (thực hiện theo nhiệm vụ Nhà nước giao) nhưng chưa có nguồn thu bù đắp".

Mặc dù trong công văn KTNN không nói cụ thể về "nguồn thu bù đắp" này nhưng theo BCVN, thực tế khoản lỗ 1.026 tỉ do KTNN nêu là phần doanh thu công ích của BCVN được Nhà nước thanh toán thông qua việc thực hiện hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm 2009-2010 giữa Nhà nước với BCVN.

Tại thời điểm KTNN tiến hành kiểm toán, hợp đồng nêu trên đang được Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Tài chính phối hợp rà soát, chưa được ký kết, nên các số liệu của hợp đồng chưa được tổng hợp trong báo cáo tài chính của năm.

Thực tế, Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Tài chính xác nhận mức trợ cấp năm 2009 cho BCVN là 1.102 tỉ đồng. Do vậy, nếu tính cả khoản thu này thì BCVN sẽ lãi 76 tỉ đồng chứ không lỗ như KTNN kết luận.

M.Quang

Theo TTO

Xem thêm:

Làm rõ thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng"

Thương vụ đầu tư 60 triệu USD gây "chấn động" ngành Internet Việt Nam

(ICTPress) - Hôm qua (7/9), IDG Ventures Việt Nam cùng 2 quỹ đầu tư nước ngoài là Rebate Networks (Đức) và RuNet Global (Nga) công bố khoản đầu tư kỉ lục - 60 triệu USD - vào công ty MJ Group hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam.

Thương vụ sẽ đi vào lịch sử của ngành thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến Việt Nam. Ảnh: VnEconomy.

MJ Group vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập các công ty đang sở hữu 4 thương hiệu Địa điểm (diadiem.com - bản đồ và địa điểm, Nhóm Mua (nhommua.com - mua hàng giảm giá theo nhóm), Two (two.vn - ứng dụng dịch vụ trên ĐTDĐ) và Two Media (dịch vụ kĩ thuật số).

Ông Tom Trần, Giám đốc điều hành MJ Group và đồng sáng lập các công ty con của MJ là người được biết đến với khả năng tìm kiếm và thu hút vốn đầu tư. Trước đó, công ty Địa Điểm đã được IDG Ventures Việt Nam đầu tư từ năm 2007 (số vốn không được tiết lộ), còn Nhóm Mua được Rebate Networks "rót" 1 triệu USD vào năm ngoái – thông tin từ trang tin công nghệ uy tín TechCrunch.com.

Dù vậy, con số 60 triệu USD được công bố lần này khiến nhiều chuyên gia am hiểu ngành Internet tại Việt Nam bất ngờ và đánh giá là "khó tin".

Thông thường, đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo từng vòng (round) và hay được ví như việc vào số xe. Một công ty thường sẽ trải qua một số vòng đầu tư, tại mỗi vòng sẽ tìm đủ vốn để đạt được tốc độ cần thiết và chuyển sang "số" tiếp theo. Đầu tư ít sẽ khiến công ty không đủ "năng lượng" để đạt mục tiêu ngắn hạn cần thiết. Trái lại, đầu tư quá nhiều cũng nguy hiểm không kém, nó được Paul Graham – nhà sáng lập quỹ đầu tư tên tuổi Y Combinator - ví như đang cố khởi hành một chiếc xe từ số 3.

Theo thống kê, ở quy mô toàn cầu hiện chỉ có dưới 100 công ty công nghệ có mức đầu tư ở những vòng đầu lớn hơn 60 triệu USD. Ngay chính Groupon (dịch vụ mua hàng giảm giá theo nhóm mà Nhóm Mua áp dụng) hay thậm chí mạng xã hội Facebook cũng nhận đầu tư ở hai vòng đầu không quá 30 triệu USD.

Tại Việt Nam, số vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất được công bố đến thời điểm này là 2 triệu USD do IDG Ventures Việt Nam đầu tư vào Công ty Truyền thông Việt Nam (VC Corp) hồi năm 2007.

Mức đầu tư lớn khiến nhiều người bất ngờ còn bởi các sản phẩm được nhận đầu tư không chứa đựng ý tưởng mới và đi kèm mô hình kinh doanh hứa hẹn sẽ "bùng nổ". Diadiem.com đã có 7 năm hoạt động nhưng chưa đạt được mức phổ biến đáng kể và đang phải chịu sự cạnh tranh nhất định từ Google Maps cũng như các dịch vụ tương tự trong nước có tên tuổi như vietbando.com. Còn nhommua.com hoạt động theo mô hình "nhái" của Groupon với sự cạnh tranh của hàng chục công ty, trong đó có những thương hiệu không hề thua kém hay thậm chí còn đang có phần trội hơn như muachung.vn, hotdeal.vn.

Dù nhìn nhận ở khía cạnh nào, thương vụ đầu tư "lịch sử" này cũng là thông tin khích lệ lớn với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam. Đồng thời, việc công bố đầu tư lớn của hai quỹ đến từ châu Âu sẽ thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư thế giới đối với thị trường CNTT và truyền thông Việt Nam.

- IDG Ventures Việt Nam là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ tại Việt Nam, đang quản lý số vốn 100 triệu USD, hiện đã đầu tư vào trên 40 công ty trong lĩnh vực CNTT & Truyền thông tại Việt Nam, tiêu biểu có VNG, VCCorp, Vietnamworks,...

- Rebate Networks (Đức) đã đầu tư vào các công ty hoạt động theo mô hình Groupon tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

- RuNet (Nga) đang sở hữu Yandex - công ty tìm kiếm hàng đầu của Nga, cùng dịch vụ thương mại điện tử Ozon và dịch vụ mua theo nhóm Biglion.

 An Du