Syndicate content

Chuyển động ngành

Huawei Việt Nam ủng hộ đồng bào miền Trung 1 tỷ đồng

Tóm tắt: 

Số tiền 1 tỷ đồng này sẽ được để dành mua các vật tư, cây giống, con giống và chuyển tới tận tay những người dân miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt, giúp đồng bào vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam (Huawei Việt Nam) cùng toàn thể cán bộ, nhân viên đã chung tay quyên góp 1 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Những ngày qua, tình hình mưa bão và lũ lụt ở các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, khiến cuộc sống của người dân ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

 Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ, Công ty Huawei Việt Nam phát động lễ quyên góp với tinh thần “tương thân tương ái”, cùng nhau vượt qua khó khăn do thiên tai.

Bà Fiona Li, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Huawei Việt Nam gửi số tiền 1 tỷ ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn sau bão lũ thông qua báo Tuổi trẻ.

Tại buổi lễ phát động, ông Wei ZhenHua, Phó Tổng Giám đốc công ty Huawei Việt Nam, chia sẻ: “Trong những ngày vừa qua, đã có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Là doanh nghiệp đã phát triển 22 năm tại Việt Nam, Huawei cam kết luôn đồng hành cùng Việt Nam và thể hiện trách nhiệm xã hội của công dân doanh nghiệp. Nhóm kỹ sư và đội ngũ kỹ thuật của công ty đã phối hợp cùng với khách hàng, chuẩn bị sẵn sàng cho việc bảo đảm mạng lưới an toàn, thông suốt ngay từ thời điểm diễn ra lũ lụt”. 

 Ông Wei cũng nói: “Để thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, công ty Huawei và mọi người cùng quyên góp, ủng hộ cho người dân miền Trung. Rất cảm ơn mọi người đã tham gia ủng hộ, mọi người đều là 1 phần của Huawei Việt Nam. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt sớm vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động và xây dựng lại miền Trung tươi đẹp”.

 Công ty Huawei Việt Nam sẽ phối hợp cùng với báo Tuổi trẻ TPHCM để dùng số tiền 1 tỷ đồng này mua các vật tư, cây giống, con giống và chuyển tới tận tay những người dân miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt, giúp đồng bào vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

 Công ty Huawei đã có 22 năm đóng góp tích cực vào sự phát triển bùng nổ của ngành viễn thông Việt Nam, góp phần vào việc tạo ra một thị trường viễn thông cạnh tranh và cởi mở, giúp các dịch vụ ICT tiếp cận gần hơn và chi phí phải chăng hơn với mọi người dân Việt Nam, đồng thời luôn đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới viễn thông cho các nhà khai thác viễn thông Việt Nam.

Huawei đã tích cực thể hiện hình ảnh của một công dân doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng thông qua hàng loạt hoạt động xã hội nhằm thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy phát triển xã hội, đảm bảo môi trường ICT bền vững và đặc biệt là các hoạt động nhằm hỗ trợ công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy ứng dụng và phát triển ICT tại Việt Nam.

 ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bộ Thông tin và Truyền thông trao 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra

Tóm tắt: 

Ngoài số tiền ủng hộ thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ, công nhân viên chức, lao động, đoàn viên Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam còn tham gia nhiều chương trình vận động, quyên góp.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng ngày 22/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao 500 triệu đồng do cán bộ, công nhân viên chức, lao động Bộ Thông tin và Truyền thông quyên góp cho Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra.

Đồng chí Chu Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết, những ngày qua cán bộ, công nhân viên chức, lao động của Bộ luôn theo dõi rất sát tình hình bão lụt ở các tỉnh miền Trung, chia sẻ những mất mát lớn lao về người và tài sản của đồng bào. Với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, đùm bọc chia sẻ lúc khó khăn và hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ, công nhân viên chức, lao động đã quyên góp, ủng hộ số tiền 500 triệu đồng đến đồng bào vùng bão lụt để cùng chung tay chia sẻ trong lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như góp phần khắc phục hậu quả do thiên tai để lại.

Đồng chí Chu Văn Bình cũng cho biết thêm, ngoài số tiền ủng hộ thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ, công nhân viên chức, lao động, đoàn viên Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam còn tham gia nhiều chương trình vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung qua các tổ chức xã hội từ thiện khác đồng thời các nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về đồng bào miền Trung thương yêu.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN tiếp nhận từ Bộ TT&TT số tiền 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt

Thay mặt Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là thay mặt cho bà con vùng bị thiên tai, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, công nhân viên chức, lao động Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng chí khẳng định, MTTQ Việt Nam sẽ sớm chuyển số tiền này đến bà con vùng bão lụt các tỉnh miền Trung trong thời gian nhanh nhất. 

Nguồn: Công đoàn TT&TT
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

VNPT ủng hộ 10 tỷ đồng hỗ trợ 5 tỉnh miền Trung khắc phục bão lụt

Tóm tắt: 

Đây là số tiền do toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) Tập đoàn VNPT chung tay đóng góp, mỗi người một ngày lương.

Đây là số tiền do toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) Tập đoàn VNPT chung tay đóng góp, mỗi người một ngày lương.

Tại Lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, được tổ chức sáng ngày 21/10, Tập đoàn VNPT đã công bố trao tặng ủng hộ 10 tỷ đồng cho 5 tỉnh miền Trung, mỗi tỉnh 2 tỷ đồng. 

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (phải) trao tượng trưng 10 tỷ đồng do CBCNV VNPT chung tay để hỗ trợ đồng bào miền Trung

Đây là hành động thiết thực, nghĩa tình của người VNPT để hỗ trợ đồng bào trong lúc khó khăn, hoạn nạn, đồng thời tôn lên nét đẹp "tương thân tương ái" của mỗi CBCNV, người lao động VNPT. Tập đoàn VNPT sẽ trao tặng trực tiếp số tiền trên cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Hà Tĩnh.

Với tinh thần hướng về miền Trung, trong mấy ngày qua, bên cạnh việc sát cánh cùng chính quyền địa phương triển khai cứu trợ bà con, đảm bảo giữ vững mạng lưới thông tin huyết mạch trên địa bàn, nhiều đơn vị thành viên của VNPT cũng đã có các hoạt động thiết thực để hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả của thiên tai. Các đơn vị đã thiết lập các điểm phục vụ người dân nạp nguồn điện thoại, đèn pin dự phòng, tham gia cung cấp lương thực thực phẩm tới bà con…

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bộ TT&TT phát động ủng hộ đồng bào miền Trung

Tóm tắt: 

Chiều ngày 19/10/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai.

Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam và truyền thống nghĩa tình của ngành Thông tin và Truyền thông, được sự đồng ý của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát động và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn và người lao động trong toàn Ngành tự nguyện ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chiều ngày 19/10/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai. Tham dự buổi phát động có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Phan Tâm; Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn; cùng các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm và cán bộ công nhân viên chức Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung

Tại buổi phát động, Chủ tịch Công đoàn  Thông tin và Truyền thông Việt Nam Chu Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, thiên tai, bão lũ liên tục đổ vào nước ta gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân dân, đồng bào các tỉnh miền Trung.

 

Mưa lũ đã gây ngập lụt nghiêm trọng, nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản và đời sống của trên 135.000 hộ dân tại trên 200 xã, phường của các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng.

 

Tính đến tối 18/10, mưa lũ đã làm trên 122 người chết và mất tích, nhiều người vẫn còn bị mất liên lạc; gần 600 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi bị sạt lở, vùi lấp. Hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập lụt. Bao gia đình lâm vào cảnh tang thương, nhiều người bị mất tích và thiệt mạng trong thời gian qua. Thiên tai đã gây ra tổn thất to lớn cả người và tài sản cho các tỉnh miền Trung.

 

Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ những tổn thất, những đau thương mất mát và xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, thân nhân những cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, những gia đình có người thân bị nạn do lũ lụt gây ra.

 

Đồng thời, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam và truyền thống nghĩa tình của ngành Thông tin và Truyền thông, được sự đồng ý của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát động và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn và người lao động trong toàn ngành tự nguyện ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Ông Bình cũng đề nghị các cấp Công đoàn trong toàn Ngành phối hợp với lãnh đạo chuyên môn đồng cấp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình tổ chức phát động tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên và người lao động ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Một số hình ảnh tại buổi phát động:

Lãnh đạo Bô TT&TT quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung

Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam Chu Văn Bình quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung


Các cán bộ công chức, viên chức Bộ TT&TT quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung tại điểm cầu Trụ sở Bộ TT&TT
Tại đầu cầu trụ sở Cục Tần số Vô tuyến điện, lãnh đạo và cán bộ các đơn vị cùng tham gia Lễ phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. (Ảnh: Phạm Bình Minh)
Cán bộ nhân viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: Phạm Bình Minh

Nguồn: Thu Hương/mic.gov.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

40 sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” xuất sắc góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số

Tóm tắt: 

Cùng với việc tôn vinh 31 cơ quan nhà nước, đơn vị chuyển đổi số tiêu biểu, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã chọn trao giải cho 40 sản phẩm, giải pháp công nghệ số xuất sắc của 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ.

Cùng với việc tôn vinh 31 cơ quan nhà nước, đơn vị chuyển đổi số tiêu biểu, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã chọn trao giải cho 40 sản phẩm, giải pháp công nghệ số xuất sắc của 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ.

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia số

 Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020 được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều ngày 18/10 tại Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTC1, VTC2 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và báo điện tử VietNamNet.

Sự kiện có sự tham dự của ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội; Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh; nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo giải thưởng; nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Phó trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho biết, trong các năm tới, giải thưởng sẽ tiếp tục phát hiện và tôn vinh những sản phẩm, giải pháp công nghệ số tiêu biểu của Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Trưởng ban tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 nhận định, lễ trao giải thưởng năm nay diễn ra vào thời điểm hết sức ý nghĩa. Đây là thời điểm sau hơn một năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749 ngày 3/6/2020.

 
“Xu thế chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam”, ông Hồng nhấn mạnh.
 
Ông Hồng cũng cho biết, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam sẽ được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức thường niên để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ chính trị về CMCN 4.0, Chương trình chuyển đổi số quốc gia cùng nhiều chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số với nền kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số hàng đầu trong khu vực và tiên tiến trên thế giới.
 
“Tôi tin tưởng rằng, giải thưởng sẽ tiếp tục phát hiện và tôn vinh những dịch vụ, sản phẩm, giải pháp công nghệ số tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”, để quảng bá tới thị trường trong nước và quốc tế.
 
Đồng thời, giải thưởng cũng tiếp tục cổ vũ, khuyến khích các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi số thành công”, ông Hồng chia sẻ.
 
Vinh danh 58 cơ quan, doanh nghiệp xuất sắc
 
Trong năm nay, năm thứ 3 giải thưởng được tổ chức, từ 232 hồ sơ dự thi, Ban tổ chức đã chọn trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 cho 40 sản phẩm, giải pháp công nghệ số xuất sắc nhất thuộc 27 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và 31 đơn vị là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu.
Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) là một trong bảy cơ quan nhà nước được trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020.

Cụ thể, ở hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, giải được trao cho 7 cơ quan có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số, gồm: Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương); Cục CNTT (Bộ Y tế); Đài khí tượng cao không; Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT); Sở TT&TT Đà Nẵng; Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh trao giải cho Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Thủ đô, 1 trong 27 doanh nghiệp có sản phẩm, giải pháp số tiêu biểu.

Bên cạnh đó, 22 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã được vinh danh ở hạng mục “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”, đơn cử như: Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có 4 doanh nghiệp gồm Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện; 

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có Công ty CP Công nghệ Giáo dục Thành Phát được trao giải; Lĩnh vực y tế, an sinh xã hội có 2 đơn vị được trao giải là Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh; Lĩnh vực giao thông, bưu chính, logistics, doanh nghiệp được vinh danh là Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost)…
Với công cụ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tham gia công việc dán nhãn dữ liệu, Công ty CP InLab là 1 trong 2 đơn vị nhận được giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 ở hạng mục thu hẹp khoảng cách số.
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020 đã vinh danh nhiều doanh nghiệp xuất sắc.
Đối với hạng mục giải thưởng về thu hẹp khoảng cách số, 2 đơn vị được vinh danh là Công ty VNPT IT thuộc tập đoàn VNPT với nền tảng học và thi trực tuyến VNPT LMS; và Công ty CP InLab với công cụ phần mềm hỗ trợ người khiếm thị tham gia công việc dán nhãn dữ liệu.
 
Còn ở hạng mục “Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu”, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam  được trao cho 40 giải pháp tiêu biểu của 27 doanh nghiệp, tập đoàn như: VNPT với 3 sản phẩm Meclip, ứng dụng MyTV Net và giải pháp thúc đẩy tài chính VNPT Pay; Viettel Telecom với ứng dụng My Viettel; Tổng công ty dịch vụ số Viettel với ứng dụng ViettelPay; Công ty Abivin với sản phẩm Abivin vRoute; Công ty CP Hanel với phần mềm giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số; Công ty CP MISA với 2 sản phẩm là nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS và phần mềm quản lý nhà hàng MISA CUKCUK…
 
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2020 được đánh giá, bình chọn dựa trên các tiêu chí chính như: Tính năng/chức năng của sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, công nghệ, bảo mật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Sự nổi trội của sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường; Sản phẩm, dịch vụ mới, có tiềm năng ứng dụng; Lực lượng nhân sự, mức đầu tư cho ICT; Quy trình quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh; Đánh giá hiệu quả của Quá trình chuyển đổi bằng doanh thu, thị phần; Năng lực uy tín của đơn vị, chủ doanh nghiệp…
 

Vân Anh (VietNamNet)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Sôi động mùa Giải thưởng Sách quốc gia thứ ba

Tóm tắt: 

Đây là mùa giải thu hút nhiều đơn vị tham gia, quy tụ nhiều bộ sách có giá trị lý luận thực tiễn cao.

Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba do Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì tổ chức tối 9/10, tại Hà Nội. Đây là mùa giải thu hút nhiều đơn vị tham gia, quy tụ nhiều bộ sách có giá trị lý luận thực tiễn cao.

Tham dự buổi trao giải có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sách là trường học vĩ đại nhất. Việt Nam muốn sánh vai với các cường quốc năm châu thì phải có một xã hội học tập, đọc sách. 

Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam cùng các cơ quan đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, Phó Thủ tướng mong rằng các cơ quan sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực hơn nữa để Giải thưởng Sách Quốc gia và nhiều hoạt động cùng với giải thưởng này đón nhận được sự quan tâm đông đảo của công chúng, góp phần đẩy mạnh hơn nữa văn hoá đọc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Minh Quân

"Tôi xin chúc mừng các tác giả, các dịch giả và các đơn vị xuất bản đoạt giải lần này. Các tác giả, các dịch giả và các đơn vị chưa đoạt giải nhưng bằng việc tham gia vào Giải thưởng này là sự đóng góp thiết thực cho phát triển văn hoá đọc nói riêng và cho phát triển văn hoá cũng như phát triển đất nước nói chung".

"Tôi xin chúc mừng các tác giả, các dịch giả và các đơn vị xuất bản đoạt giải lần này. Các tác giả, các dịch giả và các đơn vị chưa đoạt giải nhưng bằng việc tham gia vào Giải thưởng này là sự đóng góp thiết thực cho phát triển văn hoá đọc nói riêng và cho phát triển văn hoá cũng như phát triển đất nước nói chung".

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cho biết: So với hai kỳ giải trước, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba được tổ chức trong điều kiện chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhiều đơn vị trong ngành xuất bản, công ty phát hành sách, công ty sách bị ngưng trệ sản xuất. Doanh thu của các đơn vị phát hành, công ty sách bị sụt giảm mạnh, trong điều kiện vẫn phải trang trải chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng...

Nhiều cửa hàng sách phải tạm thời đóng cửa, thu nhập của người lao động trong ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn... Theo Điều lệ giải, Giải thưởng Sách Quốc gia được tổ chức và trao giải hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam (21/4), nhưng do dịch bệnh Covid-19, công tác tổ chức chấm giải, họp các hội đồng chấm giải gặp không ít khó khăn. Vì vậy, Kế hoạch tổ chức Lễ trao Giải cũng đã phải lùi đến tháng 10/2020.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song điều đáng mừng là số lượng các Nhà xuất bản (NXB) tham gia dự giải lần này vẫn tăng hơn so với các giải trước với 48/59 NXB tham gia. Số lượng tên sách và số cuốn về cơ bản vẫn giữ ở mức tương đương so với mùa giải trước (Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai có 259 tên sách và bộ sách, gồm 355 cuốn; lần thứ ba có 255 tên sách và 362 cuốn sách).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao giải A cho tác giả và đại diện tác giả . Ảnh: MQ

Các tác phẩm công phu, nhiều giá trị

Các tác phẩm đạt giải A năm nay bao gồm: Lịch sử (Historiai), tác giả Herodotus, người dịch: Lê Đình Chi, NXB Thế giới liên kết với Công ty CP Sách Omega Việt Nam xuất bản; Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập) do PGS. TS. Nguyễn Văn Thường (Chủ biên) và tập thể tác giả, NXB Y học xuất bản; Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ Trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt), tác giả Quang Dũng, NXB Kim Đồng xuất bản.

Tại lễ trao giải năm nay, 10 giải B, 14 giải C cũng đã được trao cho các cuốn sách. Các bộ sách được trao giải thưởng đều giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội, thực tiễn cao và được xã hội quan tâm.

Tác phẩm Lịch sử của  Herodotus đạt giải A có giá trị đặc biệt về khoa học lịch sử, thực tiễn xã hội, được đánh giá là tác phẩm lịch sử mở đầu cho Sử học hiện đại phương Tây. Đoàn Binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng được viết từ năm 1952 là một cuốn sách quý hiếm trong kho tàng sách thiếu nhi Việt Nam. Tác phẩm Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (02 tập)  thể hiện tính sáng tạo, độc lạ trong trình bày bệnh học nói chung, bệnh học da liễu nói riêng, giúp cho người dạy, người học và các bạn đọc quan tâm đến bệnh học da liễu thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tham khảo.

Tác phẩm "Biến động môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực Quần đảo Trường Sa" của TS. Đỗ Huy Cường nằm trong bộ sách Chuyên khảo về Biển đảo Việt Nam là nguồn tư liệu quý phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững cho khu vực Quần đảo Trường Sa. Đồng thời, tác phẩm góp phần khẳng định chủ quyền và thực thi nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. 

Tác phẩm Lược khảo văn học (3 tập) của GS. Nguyễn Văn Trung là Bộ sách có giá trị về mặt văn học sử, góp phần giúp những người nghiên cứu và yêu văn học hôm nay hiểu thêm về bộ phận văn học, văn chương tiến bộ thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trước năm 1975.

Giải thưởng Sách Quốc gia được tổ chức và trao giải hằng năm, là giải thưởng quy mô, uy tín nhằm trao cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn và được công chúng đón nhận, giới chuyên môn đánh giá cao ở các lĩnh vực.

Giải thưởng nhằm khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.

Danh sách các tác phẩm đoạt Giải thưởng sách lần thứ 3

03 tác phẩm đoạt giải A

1. Lịch sử, tác giả Herodotus, người dịch: PGS.TS Lê Đình Chi; NXB Thế giới; đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Omega Plus Việt Nam.

2. Bộ sách: Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập), Tập thể tác giả do PGS,TS Nguyễn Văn Thường (Chủ biên); NXB Y học.

3. Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt), tác giả: Quang Dũng, NXB Kim Đồng.

10 tác phẩm đoạt giải B gồm:

1. Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, tập thể tác giả, Mai Trực (Chủ biên); Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

2. Mặt trái của công nghệ, tác giả: Peter Townsend, người dịch: Quế Chi; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Thái Hà.

3. Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ học hiện đại, tác giả: GS,TS Nguyễn Thiện Giáp; NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, tác giả: PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh; NXB Khoa học xã hội. Đơn vị liên kết Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam.

5. Thực phẩm chức năng, tập thể tác giả: PGS.TS Trần Đáng (Chủ biên); NXB Y học.

6. Biến động môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực quần đảo Trường Sa, tác giả: TS Đỗ Huy Cường; NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ.

7. Lược khảo văn học (3 tập), tác giả: Nguyễn Văn Trung; Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

8. Hát Then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam (3 cuốn), biên soạn: Đặng Hoành Loan, Phạm Minh Hương, Nguyễn Thủy Tiên; NXB Văn hóa dân tộc.

9. Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ (2 cuốn), tập thể tác giả: Nguyễn Thị Thu Hòa, GS.TS Trịnh Sinh, Lê Bích do Nguyễn Thị Hòa chủ biên; NXB Thế giới.

10. Sài Gòn của em (2 cuốn), tranh: Lê Thư, lời: Hoàng Nguyên; sách tương tác: Lê Thư, Thiện Kiều; NXB Trẻ.

14 tác phẩm đoạt giải C gồm:

1. Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tác giả: TS Lê Văn Cử, NXB Quân đội Nhân dân.

2. Chiến lược đại dương xanh, tác giả: W. Chan Kim và Renée Mauborgne, người dịch: Phương Thúy, hiệu đính: Ngô Phương Hạnh, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Alpha.

3. GEN - Lịch sử và tương lai của nhân loại, tác giả: Siddhartha Mukherjee, người dịch: Bùi Thanh Châu, Nhà xuất bản Dân trí, đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Omega Việt Nam.

4. Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ, tác giả: GS.TS Đinh Xuân Dũng, NXB Văn học, đơn vị liên kết: Công ty CP Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam.

5. Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhóm tác giả: TS Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, NXB Mỹ thuật.

6. Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (2 tập), nhóm tác giả: TS Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, NXB Tổng hợp TP.HCM.

7. Bộ sách Hóa học phân tích hiện đại (3 cuốn): Cuốn 1: Cơ sở lý thuyết của các phương pháp phân tích điện hóa; cuốn 2: Các kỹ thuật và phương pháp chuẩn bị mẫu phân tích; cuốn 3: Các phương pháp phân tích hóa học; tác giả: Phạm Luận; NXB Bách khoa Hà Nội.

8. Vật liệu biến hóa có chiết suất âm - Công nghệ chế tạo, tính chất và ứng dụng, tác giả: PGS.TS Vũ Đình Lãm, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ.

9. Được học, tác giả: Tara Westover, người dịch: Nguyễn Bích Lan, NXB Phụ nữ.

10. Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế, nhóm tác giả: Léopold Michel Cadière, Edmond Gras; người dịch và chú giải: Lê Đức Quang; NXB Hà Nội; đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Thái Hà.

11. Chào thế giới bây giờ con đã đến, tác giả: Lê Minh Quốc; Inspired by: Coco Mì, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM.

12. Vào bếp nấu ăn săn ngay điểm tốt; nhóm tác giả: TS Đỗ Xuân Thảo, Phan Thị Hồ Điệp; NXB Lao động; đơn vị liên kết: Công ty CP Sách Thái Hà.

13. Giáo dục đa giác quan (4 cuốn): Cuốn 1: Ú òa, sa mạc và nước xiết, cuốn 2: Ú òa, rừng rậm và tuyết phủ, cuốn 3: Ái chà, kỳ thú rừng xanh, cuốn 4: Ái chà, bí mật vườn nhà; tác giả: Pavla Hanácková, minh họa: Linh Dao, Irene Gough, người dịch: Hoàng My; Nhà xuất bản Hà Nội; đơn vị liên kết: Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

14. Lật mở cùng con (4 cuốn): Cuốn 1: Con từ đâu tới?; cuốn 2: Tự lập không hấp tấp!; cuốn 3: Làm việc nhà dễ thôi mà!; cuốn 4: Bình tĩnh chuyện giới tính; Lời: Bảo Ngọc, tranh: Thu Nấm, Hoàng Đậu Xanh; NXB Thanh niên; đơn vị liên kết: Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Văn hóa Đinh Tị.

Nguồn: ictvietnam.vn
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Hà Nội trưng bày tem, vật phẩm bưu chính giá trị nhân kỷ niệm 1010 năm

Tóm tắt: 

Triển lãm Tem Bưu chính Hà Nội mở rộng 2020 sẽ được tổ chức để chào mừng các sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước và Hà Nội trong năm 2020.

Triển lãm Tem Bưu chính Hà Nội mở rộng 2020 sẽ được tổ chức để chào mừng các sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước và Hà Nội trong năm 2020.

Chào mừng các sự kiện lớn trong năm 2020, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Hội Tem Hà Nội sẽ tổ chức Triển lãm Tem Bưu chính Hà Nội mở rộng 2020. Sự kiện cũng để chuẩn bị cho Triển lãm Tem Bưu chính quốc gia Vietstampex.

Được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bảo trợ, Hội Tem Hà Nội phối hợp với các Hội Tem: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh; Bưu điện Thành phố Hà Nội và Công ty Tem Bưu chính tổ chức Triển lãm lần này.

Triển lãm cũng là dịp tạo điều kiện cho các hội viên, thanh thiếu niên sưu tập tem được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bộ sưu tập, phát triển phong trào sưu tập tem.

Rất nhiều người yêu thích sưu tập tem đã đến tham dự triển lãm trước đây (Ảnh minh họa - plo.vn)

Với khoảng 200 khung trưng bày tiêu chuẩn, Triển lãm quy tụ các bộ sưu tập tem đến từ các Hội Tem: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Trong đó, số lượng các khung dự thi: Sưu tập chuyên đề 75 khung, Sưu tập Truyền thống 10 khung, Sưu tập tuổi trẻ 10 khung, còn lại là các khung Sưu tập Bưu thiếp cực đại, Sưu tập Mở và Một khung. Bên cạnh các khung dự thi, Triển lãm còn trưng bày 25 khung Danh dự.

Các bộ sưu tập giới thiệu nhiều mẫu tem và vật phẩm bưu chính quý hiếm, có giá trị cao trong nước và quốc tế, thể hiện sự nghiên cứu, tìm kiếm, sưu tầm công phu của các tác giả với nhiều độ tuổi khác nhau. Tác giả lớn tuổi nhất tham dự Triển lãm năm nay đã trên 90 tuổi. Tác giả nhỏ tuổi nhất chỉ mới 10 tuổi.

Các bộ sưu tập tem tham dự Triển lãm hướng tới chủ đề "Đổi mới và phát triển bền vững" mang đến cho công chúng thêm tình yêu quê hương, đất nước, về những thành tựu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong khuôn khổ Triển lãm Tem Bưu chính Hà Nội mở rộng 2020 sẽ diễn ra Lễ trao giải cho các tác giả có bộ sưu tập tem chất lượng tốt, được lựa chọn kỹ lưỡng, làm cơ sở hoàn chỉnh để tham gia Triển lãm Tem Bưu chính quốc gia Vietstampex.

Triển lãm được tổ chức tại Bưu điện Hà Nội, 75 phố Đinh Tiên Hoàng và mở cửa đón khách tham quan từ ngày 10/10/2020 đến ngày 12/10/2020.

Nguồn: ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bộ TT&TT ra mắt chuyên mục chính sách pháp luật

Tóm tắt: 

Chuyên mục chính sách pháp luật TT&TT cung cấp thông tin một cách hệ thống về các văn bản chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TT&TT, công tác xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật...

Hôm nay (9/10), Bộ TT&TT chính thức ra mắt chuyên mục chính sách pháp luật TT&TT tại địa chỉ http://cspl.mic.gov.vn/.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ đã có những đóng góp tích cực, cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin, dịch vụ ngày càng nhiều của Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt Đề án "xây dụng chuyên mục chính sách pháp luật" trên cơ sở Cổng TTĐT Bộ tại địa chỉ http://cspl.mic.gov.vn.

Chuyên mục chính sách pháp luật TT&TT cung cấp thông tin một cách hệ thống về các văn bản chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TT&TT, công tác xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực TT&TT cũng như cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế.

Chuyên mục cũng đăng tải các nội dung hướng dẫn, thông báo tới các đơn vị trong và ngoài Bộ về việc thực hiện chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực TT&TT, tích hợp các dịch vụ và ứng dụng nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ; cung cấp, trao đổi thông tin giữa Bộ TT&TT với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân gửi đến, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đề ra, theo lộ trình phát triển Chính phủ điện tử.

Nội dung và cấu trúc chuyên mục được kế thừa toàn bộ các tính năng, ứng dụng, dữ liệu của hệ thống Cổng TTĐT của Bộ và được bổ sung thêm các yêu cầu, ứng dụng mới đáp ứng nhu cầu hiện tại và có khả năng phát triển mở rộng trong tương lai.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: Chuyên mục sẽ ngày càng phong phú, đa dạng về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tích cực trong công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Phát biểu tại Lễ ra mắt chuyên mục, Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ công chức Vụ Pháp chế đã mạnh dạn đề xuất, triển khai Chuyên mục Chính sách pháp luật TT&TT và sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin - đơn vị vận hành Cổng TTĐT, Tập đoàn VNPT.

Thứ trưởng hy vọng chuyên mục sẽ ngày càng phong phú, đa dạng về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tích cực trong công tác quản lý nhà nước của Bộ. Theo thời gian, Chuyên mục sẽ khẳng định rõ nét đây là kênh chính thức cung cấp thông tin về hoạt động liên quan tới chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TT&TT; là công cụ quan trọng tiếp nhận ý kiến phản hồi, góp ý của các tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng và hoạch định chính sách.

Để đáp ứng những mục tiêu đề ra, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế từng bước đổi mới, hoàn thiện chuyên mục Chính sách Pháp luật hỗ trợ cho công tác xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật lĩnh vực TT&TT. Các đơn vị thường xuyên truy nhập và phổ biến pháp luật tại đơn vị của mình.

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Nhị Thủy và Giám đốc Trung tâm Thông tin Võ Quốc Trường bấm nút khai trương chuyên mục

Cho biết thêm về chuyên mục, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Nhị Thủy cho biết Bộ Tư pháp đã đồng ý để chuyên mục được dẫn nguồn toàn bộ các nghiệp vụ pháp chế, cũng như toàn bộ những vấn đề khúc mắc trong thực hiện nghiệp vụ pháp chế liên quan đến xây dựng văn bản, kiểm tra, xử lý văn bản khi có vấn đề…

Đối với chính sách pháp luật TT&TT, bà Thủy cho biết Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT thực hiện đưa tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Bộ lên cơ sở dữ liệu (CSDL) pháp luật quốc gia, hiện chuyên mục cũng đã dẫn nguồn về chuyên mục. Hiện Vụ Pháp chế cũng đang chủ trì thực hiện phát điển toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực TT&TT với 8 đề mục, trong đó có 2 đề mục đã hoàn thiện là đề mục về báo chí, an toàn thông tin, trong năm nay Vụ cũng đang làm đề mục Tần số Vô tuyến điện, Xuất bản. Dự kiến trong năm 2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ 8 đề mục.

5 chuyên mục chính

Chuyên mục Chính sách pháp luật TT&TT bao gồm trên 05 chuyên mục chính (Giới thiệu văn bản chính sách mới, Chính sách pháp luật, Nghiệp vụ pháp chế, Phổ biến giáo dục pháp luật, Giảm định tư pháp, và 7 mục nhỏ, bao gồm:

Giao diện của chuyên mục

1. Giới thiệu văn bản chính sách mới: Chuyên mục này giới thiệu các văn bản, chính sách mới ban hành của ngành TT&TT và của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực TT&TT.

2. Chính sách pháp luật: Chuyên mục này giới thiệu các dự thảo văn bản, dự kiến các chính sách trong ngành TT&TT, hay một số định hướng lớn dự kiến triển khai trong thời gian tới.

3. Nghiệp vụ pháp chế: Trong mục này gồm 07 nghiệp vụ pháp chế gồm: kiểm tra văn bản QPPL, cải cách hành chính, xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, xây dựng pháp luật, pháp điển trong đó có giới thiệu các tài liệu, quy trình thực hiện.

4. Phổ biến giáo dục pháp luật: Cung cấp các tài liệu phổ biến để các cơ quan đơn vị thực hiện hoạt động tuyên truyền.

5. Giám định tư pháp: Hiện nay chuyên mục đang giới thiệu các quy định về giám định tư pháp cũng như danh sách các tổ chức giám định tại địa phương...

Ngoài ra, chuyên mục được tích hợp CSDL và hệ thống chuyên ngành như cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, CSDL về pháp điển, cổng dịch vụ công quốc gia để các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Nguồn: ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Bưu điện có thể là lợi thế khi triển khai 5G

Tóm tắt: 

Báo cáo mới của Bưu chính Mỹ cho thấy cơ quan 228 năm tuổi này hoàn toàn có thể đóng vai trò lớn trong triển khai 5G.

Báo cáo mới của Bưu chính Mỹ cho thấy cơ quan 228 năm tuổi này hoàn toàn có thể đóng vai trò lớn trong triển khai 5G.  

Văn phòng Tổng thanh tra Bưu chính Mỹ (OIG) kết luận trong báo cáo rằng có cơ hội để tận dụng mạng lưới hơn 31.000 chi nhánh trên toàn quốc. Trong báo cáo dài 24 trang, OIG đưa ra một số đề xuất, chẳng hạn: đặt cột tháp 5G lên nóc các bưu cục; cung cấp dịch vụ Wi-Fi công cộng miễn phí tại bưu cục nông thôn; đặt trung tâm dữ liệu điện toán biên trong bưu cục; bảo đảm an toàn liên lạc công cộng qua bưu cục; giao cho nhân viên bưu chính thu thập dữ liệu về tình hình băng rộng.

OIG viết: “Khi các nhà chính sách chuyển sự chú ý sang gây quỹ và quảng bá triển khai hạ tầng băng rộng và 5G, họ có thể cân nhắc những giải pháp tận dụng mạng lưới bưu chính toàn quốc một cách tiết kiệm. Bằng cách đóng vai trò lớn hơn trong triển khai 5G và băng rộng, dịch vụ bưu chính sẽ tiếp tục sứ mệnh nền tảng của mình là gắn kết quốc gia”.

Điều quan trọng mà báo cáo nhắc tới là nhiều bưu cục đã tham gia vào triển khai 5G. Theo đó, 62 bưu cục cho các công ty di động thuê diện tích, mang về 1,4 triệu USD doanh thu hàng năm. Những thỏa thuận này có thể mở rộng để hỗ trợ nhu cầu lắp đặt ăng-ten 5G ngày một lớn. Nó đặc biệt hấp dẫn tại khu vực hẻo lánh, nơi nhà lập pháp cảnh báo về hố ngăn cách số giữa lúc dịch bệnh buộc sinh viên và người lao động phải ở nhà. Phân tích của OIG cho thấy 2.364 bưu cục đặt trong khu dân cư chưa được phục vụ băng rộng.

Đây mới chỉ là khởi đầu. Báo cáo còn bàn về tiềm năng của các công nghệ khác như điện toán biên và vai trò của các bưu cục. Dù không phải bưu cục nào cũng là địa điểm phù hợp để đặt máy chủ, một số bưu cục và 280 trung tâm xử lý thư có thể đặt điện toán biên.

Báo cáo của thanh tra Bưu chính Mỹ xuất hiện vào thời điểm khá thú vị. Nhà chức trách Mỹ công khai thảo luận rầm rộ về cuộc đua 5G giữa Mỹ và Trung Quốc, đề ra nhiều giải pháp từ tài trợ R&D đến mua lại Nokia hay Ericsson để cải thiện vị trí của Mỹ. Mặt khác, chính quyền Trump lại có lập trường đối nghịch với bưu chính Mỹ.

Nguy cơ của Bưu chính Mỹ sẽ tăng lên nếu tiếp tục thua lỗ hàng tỷ USD trong bối cảnh người Mỹ tiếp tục gặp khó khăn trong kết nối Internet. Với chính sách kỹ thuật số đúng đắn, tình hình tài chính Bưu chính Mỹ có thể khởi sắc đồng thời với kết nối Internet trên cả nước. Người Mỹ cuối cùng sẽ được nối mạng với sự giúp đỡ từ bưu chính.

“Bằng cách tham gia vào triển khai 5G, bưu chính sẽ tận dụng tối đa hạ tầng khổng lồ và từ đó củng cố vai trò vốn đã vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Mỹ”, OIG nêu trong báo cáo.

Du Lam (Theo Lightreading)/vietnamnet.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khởi động "Kết nối triệu con tim" quyên góp máy tính bảng, smartphone cũ

Tóm tắt: 

Mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ có thể chuyển tặng phẩm là điện thoại thông minh, máy tính bảng đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 2017 đến nay, còn sử dụng tốt đến các bưu cục của Bưu điện Việt Nam nơi gần nhất.

Chiến dịch kéo dài trong 03 tháng, từ 01/10 - 31/12/2020. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ có thể chuyển tặng phẩm là điện thoại thông minh, máy tính bảng đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 2017 đến nay, còn sử dụng tốt đến các bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) nơi gần nhất.

Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ "Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá", hôm nay 1/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các đơn vị tham gia Đề án tổ chức Chương trình "Kết nối triệu con tim" phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ngân hàng Quân đội (MB), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post)… và các câu lạc bộ thiện nguyện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Đề án Tri thức Việt số hóa là đề án của tất cả mọi người Việt Nam, không của riêng ai với mục đích tất cả vì cộng đồng, vì tương lai của Việt Nam. Đề án chỉ thành công khi tất cả mọi người tham gia.

Sau ba năm thực hiện Đề án, một số nền tảng đã đi vào hoạt động, trong đó có nền tảng Nhân đạo số iNhandao, Bản đồ số Vmap...

Được triển khai từ năm 2018, với mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, KH&CN, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác, tạo ra các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống, đến nay, sau một thời gian triển khai với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, viện, trường và doanh nghiệp, Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá" đã xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính…

Các nền tảng số này cho phép kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết iNhandao.vn được xây dựng dựa trên nền tảng mạng xã hội với hàng triệu người tham gia. Qua đó, nền tảng giới thiệu và khuyến khích người dùng chia sẻ cập nhật thông tin địa chỉ nhân đạo của các chiến dịch nhân đạo ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào.

Việc xây dựng hệ thống nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông tin đầy đủ và chính xác của các trường hợp cần trợ giúp và các chiến dịch vận động nhân đạo nhằm đảo bảo việc trợ giúp đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, minh bạch, tạo sự thay đổi lớn về cách thức và mức độ ảnh hưởng đến xã hội, phát triển các ứng dụng kết nối, điều phối công tác nhân đạo trên cả nước trên nền tảng web và di động.

Chủ tịch Nguyễn Thị Xuân Thu cũng chia sẻ thêm: Các nhà tài trợ ngoài việc triển khai tài trợ thuận tiện cũng có thể theo dõi hoạt động, kết quả tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, trực tiếp. Những tiện ích này sẽ phát huy tác dụng trong công tác cứu trợ thiên tai, bão lũ hoặc trong phòng chống dịch bệnh như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu nhấn nút khởi động chương trình "Kết nối triệu con tim"

Tại Chương trình này, thông qua nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tổng công ty BĐVN, Bộ GD&ĐT chính thức phát động Chiến dịch "Kết nối tương lai" quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được để giúp đỡ cho các em học sinh miền núi 02 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.

Mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ có thể chuyển tặng phẩm là những máy tính bảng, điện thoại thông minh (smartphone) đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 2017 đến nay, còn sử dụng tốt đến các bưu cục của BĐVN nơi gần nhất. Thiết bị sẽ được kiểm tra kỹ thuật, làm sạch và bàn giao đến thầy, cô, các em học sinh.

Hưởng ứng Chiến dịch, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã trao tặng 50 máy tính bảng và điện thoại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.

Để giới thiệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và tham gia trợ giúp, mỗi cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ: http://inhandao.vn và thực hiện các bước theo hướng dẫn.

"Kết nối triệu con tim" cũng chính là chủ điểm hoạt động của Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá" trong năm 2020 nhằm kêu gọi tất cả mọi người, bằng tấm lòng của mình, tham gia đóng góp dưới mọi hình thức vật chất, trí tuệ và công sức thông qua nền tảng số của Đề án để triển khai các hoạt động vì cộng đồng, phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Nguồn: ictvietnam.vn
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành