Nguyên TBT Lê Khả Phiêu - người thúc đẩy ngành CNTT Việt Nam

Trong hồi ức của Tiến sĩ Mai Liêm Trực và Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu góp phần quan trọng cho sự phát triển CNTT Việt Nam.

Năm 1997, Việt Nam chính thức có Internet, kết nối ra thế giới. Trong bối cảnh mạng thông tin toàn cầu còn là một thứ xa lạ và phức tạp, "quản được đến đâu, mở đến đó" trở thành phương châm khi triển khai các vấn đề liên quan đến Internet và công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Internet vào Việt Nam phải có ba điều kiện. Thứ nhất phải có mạng điện thoại tự động hoá trong nước và quốc tế. Thứ hai là có các doanh nghiệp nắm công nghệ Internet và đầu tư trang thiết bị. Nhưng cái khó nhất là làm sao có được sự cho phép của các lãnh đạo cao nhất. Khi đó, Internet còn mới mẻ, nhạy cảm, nhiều lo ngại về "nguy cơ lộ bí mật nhà nước" hay "có quản được thông tin độc hại không".

"Chúng ta vừa trải qua chiến tranh nên lo ngại đó hoàn toàn chính đáng", Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, cho hay.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong một sự kiện công nghệ thông tin năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ông Trực kể lại, sau quá trình chuẩn bị, tháng 7/1997, ông cùng các chuyên gia trình bày kế hoạch với ông Lê Khả Phiêu, khi đó là Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị. "Cụ Phiêu hỏi rất kỹ các giải pháp có chặn được hết nguy cơ lộ bí mật nhà nước không. Tôi báo cáo thật là không thể chặn hết được bởi từ thời chưa có Internet cũng đã xảy ra tình trạng thư từ, thông tin qua máy fax bị lộ mật. Tôi tưởng cụ sẽ lo, nhưng khuôn mặt cụ vẫn thoải mái, rồi cụ gật đầu: Các cậu cố gắng làm cho cẩn thận các giải pháp đã nêu ra", ông Trực nhớ lại. "Sau đó, chúng tôi tiếp tục có cuộc gặp tại nhà riêng của Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi về, Thủ tướng vỗ vai tôi nhắn nhủ: Trực ơi, quản lý cho tốt vào nhé".

Ngày 19/11/1997, lễ ấn nút mở cửa Internet diễn ra. Tuy nhiên, với quan điểm quản đến đâu mở đến đó, suốt ba năm sau đó, Việt Nam chưa có các đại lý Internet, trong khi CNTT cũng phát triển chậm. Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý, trong đó có Giáo sư Đặng Hữu, khi đó là Trưởng Ban khoa giáo Trung ương, đề xuất xây dựng một Chỉ thị của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

"Trong phần về viễn thông và Internet, chúng tôi đề xuất một số quan điểm là mở cửa cạnh tranh trong viễn thông, xoá bỏ độc quyền, đồng thời quản lý phải theo kịp sự phát triển, thay vì quản đến đâu mở đến đó. Khi trình lên, cụ Phiêu đã chấp nhận, ủng hộ và Chỉ thị 58 được ban hành vào tháng 10/2000", tiến sĩ Mai Liêm Trực cho hay.

Theo ông Trực, Chỉ thị 58 là một mốc rất quan trọng cho sự phát triển viễn thông, Internet và công nghệ thông tin Việt Nam. "Nguyên TBT Lê Khả Phiêu không phải người xuất thân từ lĩnh vực công nghệ, nhưng rất tin vào lĩnh vực này, luôn khích lệ cái mới, cũng như tin vào thế hệ trẻ", nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông nói.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Lưu Quý.

Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), coi nguyên TBT Lê Khả Phiêu là người đỡ đầu cho ngành CNTT, đặc biệt là xuất khẩu phần mềm.

Theo ông, từ những quyết sách quan trọng được ký dưới thời nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu như nghị quyết 07 hay Chỉ thị 58, khái niệm "công nghiệp phần mềm" lần đầu xuất hiện với danh nghĩa là một ngành kinh tế mới, được đánh giá là có giá trị gia tăng cao, nhiều triển vọng. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội), Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TP HCM) mà hàng nghìn người làm việc hiện nay, đã ra đời từ những chỉ thị như vậy.

Trước năm 2000, FPT là công ty duy nhất tại Việt Nam tìm đường xuất khẩu phần mềm. Sau khi Chỉ thị 58 ra đời, một loạt tên tuổi như CMC, Tinh Vân, TMA, KMS, Luvina... và hàng trăm công ty khác đã chuyển hướng, tham gia phục vụ khách hàng toàn cầu. Tháng 12/2010, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Phó Thủ tướng, khẳng định Chỉ thị đã đưa vị trí CNTT Việt Nam trên thế giới "từ không thành có".

Năm 2018, xuất khẩu phần mềm của Việt Nam ước đạt 3,5 tỷ USD. Ngoài các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Bắc Mỹ còn có những thị trường mới nổi như Châu Âu, Myanmar... Việt Nam được đánh giá là một trong sáu điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo đánh giá của Gartner năm 2016.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA kể lại những kỷ niệm với cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Lưu Quý.

"Nhắc về ngành CNTT trong nước giai đoạn đầu, đọng lại trong tôi là sự biết ơn nguyên TBT Lê Khả Phiêu - một người đã luôn dành sự quan tâm cho ngành phần mềm. Mở đầu thiên niên kỷ là một loạt chính sách như ánh sáng đầu tiên soi đường cho ngành CNTT Việt Nam. Sau 20 năm, ánh sáng ấy giờ đã trở thành một quả cầu lửa, truyền nhiệt cho những quyết sách lớn tiếp theo để Việt Nam khẳng định vị thế trong công cuộc chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Bình nói.

Nguồn: Lưu Quý - Châu An/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nguyen-tbt-le-kha-phieu-nguoi-thuc-day-nganh-cntt-viet-nam-4146024.html

Tin nổi bật