ATC 2014: công bố những nghiên cứu tiếp theo về công nghệ 4G - 5G

(ICTPress) - Với chủ đề chính của  ATC  2014 về “Công  nghệ  tiên tiến trong truyền thông”, Hội nghị quốc tế về công nghệ tiên tiến trong truyền thông năm 2014 (ATC 2014) đã khai mạc sáng nay 15/10 tại Hà Nội.

Hội nghị được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phối hợp với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức từ ngày 15 - 17/10/2014, tập trung trao đổi, công bố những công trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá khoa học về xu hướng công nghệ thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực di động (4G và 5G).

Đây là Hội nghị quốc tế thường niên do Hiệp hội Điện tử Viễn thông Việt Nam, Phân hội Viễn thông của IEEE khởi xướng và chủ trì. Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chính thức tham gia với vai trò cơ quan bảo trợ cho Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, đại diện các Bộ Giáo dục đào tạo, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các hãng công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ điện tử viễn thông, công nghệ thông tin trong và ngoài nước và 150 nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết Hội nghị ATC 2014 là một trong những điểm nhấn cho Khoa học và Công nghệ của Việt Nam. Hội nghị là một diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực Điện tử Và Viễn thông giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế để thảo luận và trao đổi các đóng góp khoa học.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu chào mừng Hội nghị

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng cho biết thêm hiện nay Bộ TT&TT đang tập trung vào việc xây dựng thiết kế chuẩn cho hệ thống thông tin quốc gia đảm bảo sự thống nhất của cả nền tảng công nghệ và hạ tầng dịch vụ của Việt Nam. Bộ TT&TT cũng đang tổ chức cơ chế cấu trúc và các chính sách thúc đẩy tổ chức và triển khai các hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Những vấn đề quan trọng này cần sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu và đào tạo, và các tổ chức doanh nghiệp mà ở đó các hoạt động hội nghị khoa học như ATC 2014 đóng góp một vai trò quan trọng.

Thu hút 271 bài báo khoa học từ 26 quốc gia

Với chủ đề này, ATC 2014 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử truyền thông. Hội nghị đã có sự tham gia của 675 tác giả thông qua 271 bài báo khoa học đến từ 26 quốc gia (Châu Á, châu Âu và châu Mỹ); Hiện nay, Học viện đã mời khoảng 900 nhà khoa học trên thế giới tham gia phản biện các bài báo khoa học để đưa các báo cáo điển hình vào chương trình Hội nghị.

Qua đánh giá chuyên môn số lượng bài viết, báo cáo khoa học gửi về Hội nghị, cho thấy ATC 2014 có số lượng bài tăng gần 10% so với ATC 2013, số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà nghiên cứu, chuyên gia tham dự tăng thêm 5 quốc gia so với ATC 2013. Qua phân loại cho thấy tỷ lệ bài của các nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các trường Đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam là hơn 50%. Một số quốc gia có số lượng đông các nhà khoa học tham gia Hội nghị là Nhật, Mỹ, Hà Quốc, Ấn Độ, Pháp, Malaysia và Trung Quốc.

PGS. TS. Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT khai mạc Hội nghị

PGS. TS. Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT cho biết Hội nghị ATC 2014 là nơi gặp gỡ của nhiều nhà khoa học hàng đầu về ICT. Đây cũng là điều kiện, cơ hội để Học viện xây dựng quan hệ hợp tác với các Viện nghiên cứu, nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực ICT.

3 bài phát biểu chính đáng chú ý

Trong buổi khai mạc Hội nghị sáng nay, 3 diễn giả nổi tiếng là giáo sư, chuyên gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực điện tử, viễn thông là Giáo sư Lajos Hanzo đến từ Đại học Southampton Vương Quốc Anh, Giáo sư Tetsuya Kawanishi Viện Công nghệ Quốc Gia Nhật Bản NICT và Chủ tịch Hiệp hội anten và truyền sóng quốc tế IEEE, ông Tapan K. Sarkar đã phát biểu chính tại Hội nghị.

Giáo sư Lajos Hanzo đã thuyết trình giải pháp điều chế không gian. Đây là một giải pháp tạo ra 2 tính năng cơ bản của thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng không dây (5G) đó là: tăng cường tốc độ truyền dẫn và chống nhiễu.

Giáo sư Lajos Hanzo trao đổi với các nhà khoa học tại Hội nghị

Giáo sư Lajos Hanzo mạng di động thế hệ tiếp theo - 5G sẽ kế thừa tất cả những đặc điểm nổi trội từ mạng 4G và quan trọng hơn cả, 5G sẽ giải quyết được vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của công nghệ mạng không dây, đó là khả năng nhanh chóng tìm kiếm được một kết nối ổn định và đáng tin cậy. Mục tiêu chính của 5G là luôn duy trì kết nối cho người dùng đầu cuối với các yêu cầu về dung lượng đường truyền lớn hơn, nhanh hơn, sự thông suốt tại mọi vị trí, thời điểm (mở rộng diện tích phủ sóng, giảm nhiễu do vật cản, nhiễu sóng…). 5G được thiết kế không chỉ dành riêng cho smartphone, mà còn dùng để kết nối tới mọi thiết bị tiên tiến khác như smartwatch (đồng hồ thông minh), smarthome (nhà thông minh). Ngoài ra, 5G còn đem lại những cải tiến đáng kể trong phương pháp truyền dữ liệu, giúp tiết kiệm năng lượng, bổ sung thêm tính năng cho phần cứng.

Giáo sư Tetsuya đã thuyết trình công nghệ quang tiên tiến, sẽ là công nghệ dành cho mạng hội tụ, kết hợp giữa mạng có dây và không dây. Công nghệ quang tiên tiến sẽ là công nghệ lõi trong truyền dẫn tốc độ cao, dung lượng lớn. Đây là nền tảng cho các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trong xu hướng hội tụ trong tương lai.

Trình bày bài thuyết trình chính thứ ba, chuyên gia Tapan K. Sarkar trình bày mô hình toán dự đoán dung lượng suy hao đường truyền. Thuật toán để dự đoán, tính toán khoa học, chính xác mức độ suy hao dung lượng trên đường truyền là nhu cầu cấp thiết đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền dẫn. Việc áp dụng thuật toán khoa học giúp nhà thiết kế mạng trong quy hoạch mạng lưới; các nhà sản xuất thiết bị và nhà cung cấp dịch vụ tối ưu hóa chất lượng dịch vụ, sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giá thành dịch vụ.

Tại ATC 2014 bên cạnh các bài báo, báo cáo khoa học tập trung vào chủ đề công nghệ di động thế hệ tiếp theo, còn có một số nghiên cứu về lĩnh vực an toàn bảo mật và hệ thống mạng...

Minh Anh

Tin nổi bật