83% người dùng Việt tin vào website có thương hiệu

(ICTPress) - Đây là một trong những kết quả thu được mới đây từ điều tra về mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào quảng cáo do Nielsen toàn cầu thực hiện vừa công bố.

Bên cạnh hình thức quảng cáo ở dạng truyền miệng từ gia đình và bạn bè là nguồn đáng tin cậy nhất đối với người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á, các kênh truyền thông trực tuyến cũng đang dần thể hiện rõ hiệu quả trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh.

Theo đó, ở Đông Nam Á có tới 88% người tiêu dùng có niềm tin lớn nhất vào các khuyến nghị từ gia đình và bạn bè (phương thức quảng cáo truyền miệng), người tiêu dùng Philippines dẫn đầu với 91% (tăng 1 điểm so với 2013). Ở Việt Nam, phương thức quảng cáo truyền miệng đạt mức tăng lớn nhất, tăng 8 điểm đến 89%. Tương tự như vậy, 89% người Indonesia (tăng 4 điểm) tin vào các lời khuyến nghị từ những người thân quen mà họ biết, tiếp theo là Malaysia (86%, tăng 1 điểm), sau đó đến Singapore ở mức 83% (giảm hai điểm) và Thái Lan ở mức 82% (tăng ba điểm).

Các hình thức mà quảng cáo mà người tiêu dùng Việt tin tưởng nhiều nhất (Nguồn: Nielsen)

Đặc biệt trong đó, các trang web có thương hiệu cũng là một trong số các kênh quảng cáo đáng tin tưởng nhất với mức 83% người Việt có niềm tin. Tiếp đến, 75% số người trả lời khảo sát Việt Nam chỉ ra rằng họ tin tưởng vào các ý kiến của người tiêu dùng được đăng trực tuyến.

Sự tín nhiệm vào các phương tiện quảng cáo trực tuyến trả tiền ngày càng cao hơn

Trong các định dạng quảng cáo trực tuyến trả tiền, người tiêu dùng Việt Nam có niềm tin nhiều nhất vào các quảng cáo gắn với công cụ tìm kiếm với 55%. Độ tin cậy vào quảng cáo video trực tuyến, quảng cáo trên các mạng xã hội và quảng cáo banner trực tuyến theo sát ở 52%, 48% và 45% tương ứng.

Các hình thức quảng cáo trực tuyến mà người Việt tin tưởng nhiều nhất (Nguồn: Nielsen)

Quảng cáo trực tuyến làm người tiêu dùng dễ hành động sau khi xem quảng cáo

Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy rằng ở Việt Nam, chỉ số hành động qua mặt chỉ số niềm tin đối với hầu hết 19 định dạng quảng cáo trong cuộc khảo sát. 93% người trả lời khảo sát Việt Nam cho biết rằng đa số họ sẽ làm theo những khuyến nghị từ gia đình và bạn bè, tiếp theo là phương thức quảng cáo trên các web mang thương hiệu và quảng cáo trên truyền hình dễ làm cho người tiêu dùng có hành động, tương ứng với 89% và 82%. 

Chỉ số hành động và niềm tin khi xem xong quảng cáo (Nguồn: Nielsen)

Lại có những định dạng quảng cáo có mức độ tin tưởng thấp nhưng lại có hiệu quả rất cao trong việc thúc đẩy người tiêu dùng đến các điểm mua hàng. Điều này đặc biệt đúng đối với các định dạng quảng cáo trực tuyến và quảng cáo trên các phương tiện di động. Chỉ số hành động vượt quá chỉ số niềm tin hơn hai con số cho hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội (48% người tin; 72% người sẽ có hành động), quảng cáo gắn với các công cụ tìm kiếm (55% người tin; 79% người có hành động), banner quảng cáo trực tuyến (45% người tin, 64% người có hành động), quảng cáo trên các thiết bị di động (37% người tin; 58% người có hành động) và quảng cáo video trực tuyến (52% người tin; 70% người có hành động).

Quảng cáo nào có ảnh hưởng lớn nhất đến người tiêu dùng

Quảng cáo có nội dung liên quan đến gia đình có nhiều khả năng cộng hưởng đến người tiêu dùng Việt. Tiếp đến, nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe, có tính hài hước và theo chủ đề thực tế cuộc sống cũng có khả năng gây cảm xúc đến người xem.

"Để thực hiện một kết nối lâu dài và có ý nghĩa với người tiêu dùng, các nhà quảng cáo cần phải hiểu về khán giả và sở thích của họ. Quảng cáo có tính tập trung vào gia đình, sức khỏe, mang tính hài hước hoặc những câu chuyện mang tính thực tế có khả năng thu hút và dễ gây cảm xúc cho người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á và mang đến cho họ những phản ứng tích cực.", Trưởng bộ phận Các Giải Pháp Tiếp Cận Người Tiêu Dùng khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương của Nielsen cho biết

Điều tra toàn cầu của Nielsen về độ tin cậy vào quảng cáo được tiến hành từ 23/2 - 13/3/2015 và lấy ý kiến của hơn 30.000 khách hàng ở 60 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Mỹ Lantin, Trung Đông, châu Phi và Bắc Phi. Điều tra được dựa trên độ tuổi và giới tính ở mỗi quốc gia, dựa trên số người sử dụng Internet và được tính toán làm đại diện của người tiêu dùng Internet. Điều tra có sai số ±0.6%. Điều tra của Nielsen được dựa duy nhất trên hành vi của người trả lời khi tiếp cận trực tuyến. Mức độ thâm nhập Internet của mỗi nước là khác nhau. Nielsen sử dụng chuẩn báo cáo tối thiểu 60% thâm nhập Internet hay dân số trực tuyến 10 triệu người cho điều tra. Điều tra toàn cầu này cũng bao gồm chỉ số lòng tin khách hàng (Global Consumer Confidence Index) được hình thành vào năm 2005.

QA

Tin nổi bật