67 tác phẩm xuất sắc đạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2017

(ICTPress) - 67 tác phẩm thông tin đối ngoại (TTĐN) xuất sắc đã được lựa chọn từ 931 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba, và Khuyến khích.

 Ngày 14/6/2018, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương phối hợp Báo Nhân dân tổ chức Lễ trao giải thưởng toàn quốc về TTĐN năm 2017 (tác phẩm báo chí và sách). Tham dự và trao giải có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Công tác TTĐN Trung ương Võ Văn Thưởng, đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương và các tác giả đạt giải.

Năm 2017 là năm thứ 4, Giải thưởng được tổ chức kể từ năm 2014 để ghi nhận, tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí và sách xuất sắc trong lĩnh vực TTĐN. Giải thưởng năm 2017, Ban Tổ chức đã nhận được 970 tác phẩm gửi dự thi, tăng gần 9% so với giải thưởng năm 2016. Trong đó, 931 tác phẩm đạt yêu cầu dự thi, gồm các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách, với 15 ngôn ngữ, gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bungary, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Khmer, Slovakia, Đức, Thái Lan.

Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn 67 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba, và Khuyến khích. Cụ thể, gồm 7 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 27 giải Khuyến khích theo các loại hình: báo in, báo điện tử tiếng Việt; báo in, báo điện tử nước ngoài; phát thanh; truyền hình; ảnh và sách.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng trao giải Nhất cho các tác giả đạt giải

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng các tập thể, cá nhân, các tác giải đã đạt các giải thưởng TTĐN. 67 tác phẩm của các tác giả được vinh danh là kết tinh của trí tuệ và tâm huyết và tuyên dương Ban Chỉ đạo công tác TTĐN, những người làm công tác TTĐN, những người chung tay làm nên thành công của giải thưởng công tác TTĐN.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh TTĐN là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên truyền, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong hơn 70 năm qua, TTĐN đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đóng góp trực tuyến vào thành tựu của công tác đối ngoại đối ngoại, góp phần tạo dựng sự đồng thuận và củng cố lòng tin của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế  của Việt Nam trên trường quốc tế.

Giải thưởng đã khẳng định giá trị và uy tín lơn. Chỉ sau 3 năm số lượng tác phẩm dự thi đã tăng gấp đôi lên 970 tác phẩm. Số ngôn ngữ đã tăng lên gấp rưỡi,, thứ tiếng nâng lên 15, với chất lượng được tăng lên rõ rệt. Điều này cho thấy sự thu hút, thành công, lan tỏa của Giải cũng như vị thế của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế.

Để tiếp tục phục vụ thiết thực xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác TTĐN, trong đó có giải thưởng toàn quốc về TTĐN cần làm tốt tập trung một số việc trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò công tác TTĐN trong tình hình mới, bám sát các chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TTĐN; tình hình quốc tế và trong nước để phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Trong bối cảnh môi trường đối ngoại và thông tin đang có sự thay đổi mạnh mẽ, công tác TTĐN cần không ngừng đổi mới, cải tiến cả nội dung và hình thức, cách tiếp cận nhất là đối tượng là người nước ngoài, địa bàn ở nước ngoài với văn hóa, phong tục, tập quán riêng theo phương châm chích xác kịp thời, linh hoạt, kịp thời với từng đối tượng, đặc biệt là cần đẩy mạnh TTĐN bằng tiếng nước ngoài, nhất là các thông tin về kinh tế - xã hội đất nước, bảo vệ chủ quyền tổ quốc. “Việc thông tin bằng tiếng nước ngoài hết sức quan trọng để đối tượng TTĐN là người nước ngoài mà chúng ta muốn truyền tải chủ trương, chính sách, hoạt động của công tác đối ngoại trên địa bàn tiếng nước ngoài”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần tăng cường ứng dụng các CNTT truyền thông thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 trong triển khai các hoạt động TTĐN”.

Tiếp theo, Phó Thủ tướng chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến du lịch và đầu tư. Đồng thời, tranh thủ tốt hơn đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những người bạn của Việt Nam trong việc triển khai TTĐN.

Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng triển khai công tác TTĐN, thu hút và trọng dụng nhân tài, vinh danh, khích lệ kịp thời những cống hiến xuất sắc. Làm công tác TTĐN là vừa làm công tác thông tin tuyên truyền, vừa làm đối ngoại, do đó, đòi hỏi trau dồi nhiều kiến thức tổng hợp, bên cạnh lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị và chuyên môn.

Cuối cùng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất có trọng tâm trọng điểm, trong đó cần nghiên cứu tiếp tục mở rộng các loại hình của Giải thưởng, để phát huy uy tín của Giải thưởng. Bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước, cần sáng tạo, chủ động hơn trong việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao các giải Nhì
Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu và Thượng tướng Vũ Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao các giải Ba

Theo Ban Tổ chức giải thưởng, điểm nổi bât là nhiều tác phẩm dự thi được đăng tải trên các báo, tạp chí nước ngoài uy tín, tính lan tỏa của thông tin đến với độc giả cao, góp phần tăng cường hiệu quả tuyên truyền đến đông đảo bạn bè quốc tế. Các tác phẩm dự thi có hình thức thể hiện đa dạng, sinh động. Đối tượng tham gia Giải thưởng rất đa dạng, gồm các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà xuất bản, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam.

Ngoài các cơ quan thông tấn, báo chí đối ngoại chủ lực, Giải thưởng đã nhận được sự tham gia của 115 cơ quan báo chí, xuất bản của các đơn vị, địa phương. Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, nhiều kiều bào Việt Nam, bạn bè quốc tế đã nhiệt tình tham gia Giải thưởng. Đặc biệt, có sự tham dự của 22 tác giả đến từ các nước Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Cu Ba, Bungary, Slovakia, Ấn Độ, Pháp, Đức…

Minh Anh

Tin nổi bật