45 năm - Viện nghiên cứu đầu ngành về BCVT và CNTT

(ICTPress) - 45 năm qua Viện KHKT Bưu điện luôn phát triển và trưởng thành, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu Ngành về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin của đất nước.

Sáng nay 17/9, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) thuộc VNPT đã long trọng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất tại Hà Nội. Đến dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Nguyễn Bắc Son; Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về Công nghệ thông tin kiêm Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Phạm Long Trận, lãnh đạo của Ngành, của Viện cùng các cán bộ công nhân viên của Viện qua các thời kỳ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho lãnh đạo Viện

Đúng ngày này cách đây 45 năm, ngày 17/9/1966, Viện nghiên cứu khoa học Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh được thành lập theo quyết định số 180/CP của Hội đồng Chính phủ - tổ chức tiền thân của Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện ngày nay. Trải qua những thăm trầm thay đổi tổ chức và nhiệm vụ, 45 năm qua Viện luôn phát triển và trưởng thành, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu Ngành về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin của đất nước.

Hình ảnh các lãnh đạo được Chính phủ bổ nhiệm đã có thời gian công tác tại Viện được trưng bày tại Lễ kỷ niệm

Viện trưởng Viện KHKT Bưu điện Nguyễn Kim Quang cho biết 45 năm xây dựng và trưởng thành của Viện gắn liền với xây dựng và phát triển của đất nước của Ngành qua 4 thời kỳ: Phục vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam (1966 - 1975), Thống nhất đất nước, xây dựng cơ sở vật chất, quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên cả nước (1976 - 1985), Đất nước bắt đầu đổi mới và thực hiện chiến lược tăng tốc, hiện đại hóa ngành Bưu điện (1986 - 1996) và Thực hiện chiến lược tăng tốc giai đoạn II của Ngành trong mô hình gắn kết nghiên cứu với đào tạo - sản xuất kinh doanh để Hội nhập và Phát triển (1997 - 2011).

Trong số hàng nghìn đề tài nghiên cứu của Viện trong 45 năm qua và trong khuôn khổ này xin điểm những nghiên cứu khoa học nổi bật của các thế hệ cán bộ của Viện đi cùng với chiều dài phát triển của đất nước và của Ngành: Trong giai đoạn 1966 – 1975, Viện đã tham gia nghiên cứu phá bom từ trường và thủy lôi ở Vịnh Bắc Bộ bằng phương án điều khiển tàu không người lái T5 có ý nghĩa quan trọng trong quân sự, đảm bảo giao thông (1967 – 1972); chế tạo và lắp đặt hệ thống đạp cò súng cao xạ tự động bắn đồng loạt và hệ thống tăng âm chỉ huy ở các cụm pháo Phòng không (Trung đoàn 234) để bảo vệ Trung ương và Chính phủ; thiết kế, chế tạo bảo mật điện thoại BM-01, BM-02 dựa trên nguyên lý đảo phổ chuyển giao cho quân đội để phục vụ các chiến dịch, nhằm bảo mật cuộc gọi, nâng cao chất lượng thông tin, giảm bớt tạp âm và độ méo.

Năm 1984, Viện chủ trì biên soạn “Chiến lược khoa học kỹ thuật ngành thông tin liên lạc đến năm 2000”. Qua đó, Viện đã đưa ra tư tưởng chiến lược “Bỏ qua trung gian, đi thẳng vào hiện đại. Tư tưởng này đã được Ngành chấp nhận. Đó là một đóng góp quan trọng của Viện vào sự nghiệp phát triển toàn Ngành.

Trong giai đoạn 1986 – 1990, Viện tập trung nghiên cứu các vấn đề lớn có tầm vĩ mô như xây dựng mạng viễn thông quốc gia thuộc Chương trình Nhà nước KC-01. Trong các năm 2001 – 2005, Viện đã tham gia các dự án “Hệ thống chuyển mạch tập trung cho Tổng công ty trên 62 tỉnh, thành phố”, Thiết lập đường truyền số liệu tốc độ cao chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Chính phủ”. Các năm 2006 – 2011, Viện thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước, 146 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, 115 đề tài, nghiệm vụ cấp tập đoàn… Năm 2010, Viện đóng góp gần 30% doanh thu nghiên cứu khoa học của Học viện.

Những thành tích vẻ vang của Viện đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Ngành, Tập đoàn ghi nhận và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất (1996), Huân chương Độc lập hạng Ba (2001), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2006) và hôm nay Viện vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Ghi nhận những thành quả của Viện tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu “Có được thành tích hôm nay là do công sức, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ công nhân viên của Viện. Viện KHKT Bưu điện đã xây dựng được một đội ngũ khoa học công nghệ đầu đàn với những công trình, đề tài nghiên cứu được triển khai thực tiễn trên mạng lưới của toàn ngành. Hoạt động nghiên cứu của Viện 100% theo đặt hàng của Tập đoàn và các doanh nghiệp – đây là một kết quả đáng ghi nhận của quá trình biến thành quả nghiên cứu khoa học, thành lực lượng sản xuất trực tiếp tại doanh nghiệp”.

Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT PGS. TS. Hoàng Minh cho biết Học viện đã lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày Truyền thống của Học viện. Trong thời gian tới, Học viện cùng với Viện sẽ phát triển hơn nữa, thành lập các phân viện đào tạo thương hiệu Học viện tại các trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế làm đòn bẩy quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, gia tăng sức cạnh tranh của Học viện, tiến tới thành lập cơ sở đào tạo tại nước ngoài.

Ngọc Khánh

Tin nổi bật