Chuyện dọc đường
Hồ Tây - một ngày rằm nắng đẹp
Submitted by nlphuong on Thu, 08/03/2012 - 09:50(ICTPress) - Hà Nội một ngày nắng đẹp và vào ngày rằm, chúng tôi quyết định “phi” xe máy lên Hồ Tây. Thầy tiếp tục bị chất vấn về kinh nghiệm chụp ảnh chân dung, ánh sáng, trọng tâm, và cả bị lôi ra làm “người mẫu”.
(ICTPress) - Tiếp tục trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh của buổi chia sẻ trên lớp ngày hôm trước, ngày 7/3 các nhà báo ảnh Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi đi chụp hình thực tế với nhiếp ảnh gia người Mỹ Ted Engelmann, hay đơn giản các phóng viên gọi ông bằng Thầy.
Hà Nội một ngày nắng đẹp và vào ngày rằm, chúng tôi quyết định “phi” xe máy lên Hồ Tây. Thầy tiếp tục bị chất vấn về kinh nghiệm chụp ảnh chân dung, ánh sáng, trọng tâm, và cả bị lôi ra làm “người mẫu”. Thầy chia sẻ cả việc phải giao tiếp với con người, những đối tượng muốn chụp ảnh. Ví dụ, vào thời điểm 4h chiều 7/3 ánh sáng rất đủ để chụp cây bồ đề lớn trong khuôn viên chùa Trấn Quốc do Tổng thống Ấn Độ tặng, có đến 50 năm tuổi. Thầy cho rằng chụp thời điểm này, hôm sau, vào lúc sáng sớm, vào lúc khác nữa quay lại chụp, mỗi lần chụp sẽ có những điều khác biệt nhau. Một điểm quan trọng nữa mà thầy chia sẻ là phải “giao lưu” với cây để có kết nối giữa người chụp và cây để có “tình cảm” thì sẽ được chụp được cái “thần” của cây với tình cảm của người chụp gửi gắm.
Thầy, trò say sưa chụp, trao đổi nghiệp vụ và cả nói chuyện về văn hóa Việt, phong tục ngày rằm.
Thầy trao đổi về lấy ánh sáng, góc chụp ảnh chân dung |
Trò trao đổi với Thầy về phong tục, văn hóa Việt |
Hoa và quả cho ngày rằm |
Cả hàng cây bị đốn ở cửa chùa Trấn Quốc, gốc trên bờ, thân làm đòn bắc. Trước cổng chùa mọi thứ lật tung |
Bức ảnh phong cảnh này theo Thầy là hơi xấp bóng (Ảnh: Ngọc Ninh, Tạp chí Xã hội Thông tin) |
Góc chụp này thầy cho là đủ ánh sáng hơn |
Một chớp ảnh như của Thầy và Thầy cứ nói là "may mắn" |
Bức ảnh chân dung của nhà báo Đoàn Ngọc Ninh, Tạp chí Xã hội thông tin được thầy đánh giá cao |
Thêm một bức ảnh của thầy. Thầy nói không mấy khi chụp ảnh số |
Người đi vào, người đi ra ở phủ Tây Hồ |
Thầy bị lôi ra làm "người mẫu" ảnh chân dung (Ảnh: Ngọc Lân, Báo điện tử VnMedia) |
"Một chút nghỉ ngơi", ảnh chụp bằng iPad của nhà báo Nguyễn Phong Doanh, VietnamNet |
Mai Anh
Đón xem phim Nhật Bản kỷ niệm 1 năm sau thảm họa động đất
Submitted by nlphuong on Tue, 06/03/2012 - 19:46(ICTPress) - Người dân ở Nhật Bản có một lịch sử dài trong việc sống và đương đầu với nhiều loại thiên tai như động đất, sóng thần... Những thảm họa này đã truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn phim Nhật Bản để làm những bộ phim làm rung động lòng người.
(ICTPress) - Nhân kỷ niệm một năm sau thảm họa động đất Tohoku 11/3/2011 ở Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm phim có nội dung liên quan tới các thảm họa tự nhiên tại Nhật Bản, từ thứ Sáu 16/3 tới Chủ nhật 18/3 tại Phòng chiếu số 4, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ, Hà Nội.
Người dân ở Nhật Bản có một lịch sử dài trong việc sống và đương đầu với nhiều loại thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa và bão lớn. Việc chống lại những thiên tai này là rất khó khăn, vất vả và tốn nhiều thời gian để chế ngự và khắc phục hậu quả. Những thảm họa này, tuy nhiên, cũng truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn phim Nhật Bản để làm những bộ phim có nội dung liên quan đến thiên tai, hoặc có ảnh hưởng tự nhiên tới việc quay phim. Bốn bộ phim được chọn chiếu dịp này là những ví dụ tiêu biểu.
Bộ phim “Tứ tấu” (2012) nói về Kai Nagae hy vọng trở thành một nghệ sĩ violin chuyên nghiệp. Em sống ở thành phố Urayasu cùng với bố mẹ và chị gái. Gia đình Kai trước đây thường cùng biểu diễn nhạc cổ điển, nhưng gần đây, họ ít quan tâm đến nhau và âm nhạc. Mong ước gia đình được đoàn tụ, Kai quyết định thành lập nhóm tứ tấu gia đình. Liệu họ có thành công?
Bộ phim được quay tại thành phố Urayasu, nơi có nhiều hậu quả nhiễm độc khoáng đất sau trận động đất. Đoàn làm phim đã hoàn thành bộ phim với sự trợ giúp của rất nhiều tình nguyện viên. Khi ta biết về hậu trường của bộ phim, thông điệp của phim (về tầm quan trọng của một gia đình đoàn tụ) tỏa sáng hơn và làm rung động lòng người sâu sắc.
“Hành trình của Haru” (2010) được quay tại tỉnh Miyagi và bị ảnh hưởng trực tiếp khi động đất và sóng thần xảy ra. Mặc dù bộ phim được thực hiện trước thảm họa ngày 11/3, các vấn đề về người già trong phim gợi cho chúng ta những hướng suy nghĩ về người lớn tuổi trong các khu vực bị thiên tai.
Bộ phim tài liệu “Những cô gái múa hula tỉnh Fukushima” (2011) ghi lại những vật lộn với cuộc sống và các hoạt động của “các cô gái múa hula” ở khu nghỉ dưỡng Hawai, nơi bị tàn phá bởi bốn thảm họa: động đất, sóng thần, phóng xạ hạt nhân và các lời đàm tiếu. Những cố gắng nỗ lực của họ để xây dựng lại thiên đường và để mang tiếng cười trở lại với Nhật Bản thật xúc động.
Bộ phim “Wanko” (2011) mô tả cuộc sống của một gia đình và một chú chó tại Miyakejima, một hòn đảo nhỏ có núi lửa đang hoạt động. Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật khiến khán giả cảm động rơi lệ.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hy vọng qua bốn bộ phim này, khán giả sẽ ghi nhớ thảm họa động đất Tohoku và qua đó trân trọng những giá trị trong cuộc sống của chúng ta.
Tất cả các phim được chiếu nguyên bản tiếng Nhật với phụ đề tiếng Việt và Anh. Vé mời miễn phí được phát tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 10h00, ngày thứ Sáu 9/3/2012.
Chương trình chi tiết bạn đọc có thể tải tại đây.
Bảo Ngọc
Hang động, địa đạo và hầm rượu ở Việt Nam hút khách du lịch
Submitted by nlphuong on Mon, 05/03/2012 - 07:16(ICTPress) - Một số đặc trưng ấn tượng nhất của Việt Nam lại nằm dưới mặt đất.
(ICTPress) - Một số đặc trưng ấn tượng nhất của Việt Nam lại nằm dưới mặt đất. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các công trình cao tầng, nhưng có những thứ chìm dưới lòng đất hứng thú hơn nhiều so với tòa nhà chọc trời - đó là những hang động cao tới 40 tầng và những địa đạo nằm ngay dưới bàn chân bạn.
Dưới đây là những địa điểm dưới lòng đất chỉ có ở Việt Nam được trang du lịch của CNN giới thiệu.
Hang động lớn nhất thế giới
Cả một khối phố Manhattan, gồm các tòa nhà, có thể chui vừa bên trong hang Sơn Đoòng ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Một cái hang tuyệt vời để ẩn náu |
Nhưng bạn sẽ không tìm thấy thứ gì thuộc đô thị ở đây. Ở hang lớn nhất thế giới này có những măng đá sừng sững, có măng cao đến 70m, sừng sững thành các khối văn phòng bê tông trong khi những tia sáng từ trên rót xuống những khu vườn hoang dã ở dưới chân hang.
Sơn Đoòng là một trong nhiều hang nằm ở dưới sâu 85.754 hectare của vườn quốc gia, là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong khi phong cảnh đá vôi trên đỉnh rất ấn tượng, hệ thống hang động và các dòng sông ngầm cho du khách một trải nghiệm riêng biệt có thể gọi là “Chuyến đi đến trung tâm của trái đất”.
Để đến được đây phải mất 6 tiếng di chuyển vất vả vào rừng. Hai hang mà nhiều khách du lịch thường đến là địa điểm trùng tên của vùng này là Phong Nha và Thiên Đường.
Ngạc nhiên Hạ Long
Vịnh Hạ Long nổi tiếng bởi sự vùng đá vôi tách biệt rải rác trên toàn bộ Di sản thế giới do UNESCO công nhận này. Một hành trình lý thú, tuy nhiên, còn là màu nước lục bảo và đá vôi; những chuyến đi thường phải đến hang Sửng Sốt.
Một hang động rất tuyệt vời cho những ai muốn ẩn náu |
Hang siêu lớn này còn có hai không gian măng đá và thạch nhũ được thắp sáng bằng những chiếc đèn màu cầu vồng nở hoa. Có vẻ như hơi sơ sài so với Phong Nha - Kẻ Bảng nhưng rất giá trị để khám phá.
Hướng dẫn viên địa phương say sưa mô tả những phần nổi bên trong trông giống những hình người và các con vật và vào lúc cao điểm những đèn leser đỏ của người hướng dẫn lia liên tục lên trần hang. Mặc dù vào lúc đông đúc thì nơi đây vẫn thấy rộng, từ dưới lên trần cao tới 30m.
Địa đạo Củ Chi
Khách du lịch chui xuống hầm. |
Đi dưới địa đạo Củ Chi không dành cho người sợ hãi bị giam giữ - thậm chí ở cả những khu vực đã được nới rộng cho những người phương Tây.
Những du khách như cảm thấy bị siết lại chỉ chịu được vài phút, tuy nhiên, không thể so sánh với cuộc sống đã như thế nào đối với hàng ngàn người dân Việt Nam đã phải nhiều năm sống dưới mặt đất ở đây trong cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.
Việc xây dựng địa đạo này bắt đầu trên mạng lưới những con đường bí mật vào những năm 1940 và lúc hoàn thành là trải rộng hơn 250km, kéo đến tận biên giới Campuchia. Bên trong là bệnh viện, những khu vực riêng cho sinh hoạt, ăn uống, ngủ và lập kế hoạch quân sự, tất cả do quân đội sử dụng để thực hiện các công tác bí mật dưới lòng đất trong 20 năm.
Hiện nay chỉ có hai phần được mở để đón du khách là Bến Đình và Bến Dược, nằm cách 60 - 70 km về phía Tây Bắc Sài Gòn. Bên cạnh đó đi qua một phần mở rộng của địa đạo, khách du lịch có thể ngạc nhiên ở những hành lý thô sơ của một thời ác liệt hay thậm chí đã cháy hết.
Ngôi làng bí mật
Địa đạo Vĩnh Mốc chỉ khoảng 1% chiều dài của địa đạo Củ Chi, nhưng vẫn dài tới 2km. Địa đạo này không gây ngạc nhiên như Củ Chi nhưng khi bạn chứng kiến những cùng cực mà những gia đình đã sống ở đây thì bạn vô cùng ấn tượng.
17 em bé đã ra đời tại đây |
Vĩnh Mốc nằm ở miền Trung dưới sự bao vây của những đột kích trên không trong cuộc chiến tranh với Mỹ. Để bảo vệ, người dân ở làng này đã di chuyển xuống sống dưới lòng đất và hình thành một ngôi nhà bí mật dưới lòng đất.
Nơi đây cũng có 3 tầng, tầng thấp nhất là sâu dưới 23m. Địa đạo này mất 18 tháng để đào xong và người dân sống dưới hầm trong 6 năm - trong khoảng thời gian này có 17 em bé đã chào đời dưới địa đạo.
Để đến được đây bạn phải bắt xe hoặc đi xe ô tô riêng từ Đồng Hới hoặc Huế mất vài tiếng.
Hà Nội uy nghi theo thời gian
Đi chầm chậm vào khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long yên tĩnh, bạn như cảm giác bạn ở đâu đó bất định.
Cách xa những ồn ảo và lưu dấu tích lịch sử |
Không giống như những điểm đông khách du lịch khác của thủ đô nơi đây là còn lại của thành lũy cổ - Hà Nội cổ giống như Tử Cấm Thành của Bắc Kinh - và khu khảo cổ học cách xa những tòa nhà lớn nên khá yên tĩnh.
Khu vực này rộng 33.000m2, là phần trung tâm của Hà Nội còn lưu giữ những dấu vết của các triều đại đã trị vì đất nước hơn 1000 năm. Khách du lịch có thể đi bộ dọc theo những đường đi trên nền cũ vượt qua những cái giếng, những con lạch khô nước, và nhiều chồng đá.
Những biển hiệu dọc bên đường là bằng tiếng Việt và nếu bạn không quá quan tâm tới khảo cổ học bạn có thể thích thú với những tòa nhà nằm yên tĩnh dọc con phố bên cạnh Hoàng Thành.
Nơi đây chỉ mở cửa thứ 7 và chủ nhật từ 9h đến 11h và 14h đến 17h.
Kho 5 sao của Hà Nội
Những vị khách ở khách sạn Sofitel Metropole lâu đời ở Hà Nội trong thời hỗn loạn của cuộc chiến tranh đã có trải nghiệm dưới lòng đất khá rộng rãi. Vào mùa hè năm 2011, quầy Bar Bamboo đã được sửa chữa dựa trên cái kho đã bị quên lãng từ lâu.
Ngồi trong hầm rượu |
Không gian rộng 40m2, sâu 2m dưới sàn quầy bar, được làm thành 5 phòng và hai hành lang. Có câu chuyện kể rằng ca sỹ dân gian Mỹ Joan Baez đã từng có buổi biểu diễn ngẫu hứng trong cuộc tần công năm 1972, đã làm yên lòng các vị khách.
Việc quản lý khách sạn 110 năm này không thích bằng việc mở ra có chỗ cho du khách nhưng điều này vẫn chưa thực hiện được. Có thể nơi đây sẽ trở thành một bảo tang hay hầm rượu, nhưng vẫn chưa ý kiến nào được quyết định. Nơi đây có thể trở thành hầm/bar rượu mát lạnh của Hà Nội.
Thùy Dương
Ảnh "độc" qua những chuyến đi không giống ai
Submitted by nlphuong on Fri, 02/03/2012 - 07:02(ICTPress) - Những ngày không ngủ, nhiều giờ lái xe, bị mang tiếng là điên… tất cả những yếu tố này bạn cần phải vượt qua để theo đuổi việc chớp được tấm hình hoàn hảo.
(ICTPress) - Hark Lee là một kỹ sư và là một người chụp ảnh phong cảnh. Là một người chụp ảnh về phong cảnh, tôi xử lý tình hình thời tiết rất khác với nhiều người. Một ngày nắng đẹp không mây ở California có khi lại làm tôi không thích, Hark Lee cho biết.
Một người chụp ảnh phong cảnh sẽ phải nỗ lực phi thường để đến được đúng nơi đúng lúc mà điều này chỉ thực hiện được nhờ quyết tâm có tính phân tích và quyết định khách quan, chứ không chỉ là nỗ lực kiên trì thông thường.
Những ngày không ngủ, nhiều giờ lái xe, bị mang tiếng là điên… tất cả những yếu tố này bạn cần phải vượt qua để theo đuổi việc chớp được tấm hình hoàn hảo.
Dưới đây là 6 "bí kíp" mà ông chia sẻ với những người thích chụp ảnh phong cảnh:
1. Sử dụng những đám mây
Những đám mây là những gương phản xạ ánh sáng tuyệt vời nhất trong thiên nhiên. Phụ thuộc vào sự phân bổ và độ cao của những đám mây, ánh sáng thay đổi và theo đó tác động tới việc chụp hình của bạn.
Những đám mây cao hơn (3.000 - 7.500 m) sẽ cho bạn những màu sắc mạnh nhất nhưng những đám mây (dưới 3000 m) sẽ cho bạn kết cấu tốt hơn và độ tương phản cao hơn.
Sử dụng những đám mây cao hơn chụp hình hướng tới mặt trời sẽ cho ảnh đẹp và những đám mây thấp hơn là để chụp ảnh không cần mặt trời.
2. Sử dụng Google Earth
Trước khi tôi bắt đầu tìm kiếm những địa điểm khả thi để chụp ảnh, tôi thường sử dụng Google Maps và Google Earth để xem xét những đặc điểm hình học khác nhau.
Google Earth rất hữu ích bởi vì nó mang lại cho bạn viễn cảnh mặt đất và bạn có thể mô phỏng các điều kiện ánh sáng bằng cách thay đổi các thời điểm và xem ánh sáng thay đổi như thế nào.
Tuy nhiên, nên nhớ là Google Earth chỉ phù hợp cho những nơi rộng lớn như núi non và hồ nước. Nó không phù hợp cho cảnh có những tảng đá nhỏ và đá cuội, điều này rất quan trọng để xây dựng cận cảnh.
3. Cập nhật thông tin khi tìm kiếm các vị trí
Năm nay mùa đông rất lạ lùng. Thực tế là đã không có tuyết ở California và đặc biệt khô hanh. Trong khi tìm kiếm một chuyến đi chụp ảnh, tôi đã đọc được rằng đây là lần đầu tiên kể từ năm 1933 Tioga Pass ở Yosemite đã không đóng cửa vào tháng 1 do tuyết rơi. Đối với một người chụp ảnh phong cảnh, đây là một tin được xem là cơ hội để phát hiện điều gì đó mới mẻ.
Đúng như vậy, khi tôi đến các khu vực của Yosemite, nếu thời điểm này vào năm ngoái Yosemite đã đóng cửa. Tôi đã chụp được hình. Đó là một cái cây đứng cô quạnh trên một cái đồi đóng khung bằng một cái hồ ở hậu cảnh.
Chỉ quanh thời điểm đông chí thì cái cây này mới có ánh sáng le lói - vì chỉ sau đó mặt trời lặn ở hướng cực nam và ánh sáng sẽ không còn bị cản trở do một ngọn núi gần đó.
Với ánh sáng mạnh, cái cây như đang bốc cháy, trong tương phản tuyệt vời với những đám mây vần vũ và hồ yên tĩnh ở phía sau. Đây là một cơ hội có thể nói là một lần trong đời.
4. Tận dụng ưu điểm của thời tiết không thuận
Bão lớn là kiểu thời tiết xấu mà một người chụp ảnh phong cảnh có thể sử dụng để trở thành ưu điểm. Vào mùa hè ở California, bão có xu hướng lớn vào đầu giờ chiều và giảm dần vào lúc hoàng hôn.
Vì những đám mây của bão thường chỉ ở địa phương này và tăng lên theo chu kỳ kéo dài khoảng 1 tuần, chúng có xu hướng tạo nên các bối cảnh có thể dự báo được và các cơ hội thích hợp xuất hiện trong một thời gian dài hơn.
5. Nhận thức sự chịu đựng của bạn có thể không có ý nghĩa gì
Mặc dù tất cả những nỗ lực phi thường mà bạn đã làm, những chịu đựng của bạn không cần thiết tăng thêm giá trị nào cho công việc của bạn. Đôi khi đó là điều khó khăn nhất để chấp nhận.
6. Bắt đầu như một nhà khoa học và kết thúc như là một người đánh bạc
Đây là điều tôi thích nói với các bạn của tôi khi họ hỏi tôi cái gì đưa tôi trở thành một nhiếp ảnh phong cảnh. Ý của tôi ở đây là gì, bạn phải sử dụng sự phân tích của bạn để khách quan có thể và xử lý tất cả các thông tin bạn có do đó bạn có thể phân tích tình hình không kể đến những lộn xộn có thể, cuối cùng là phải nói đến sự may mắn nữa.
Bạn có thể làm mọi thứ chính xác theo sự phân tích của bạn nhưng không có nghĩa là bạn sẽ có được tấm hình đó.
Dưới đây là những bức ảnh chụp về phong cảnh Hark Lee chia sẻ với bạn đọc:
Ánh sáng của dãy núi dài có sườn dốc và đường nét lởm chởm
Sau khi nghỉ một đêm ở hồ Connes ở dãy núi cao Yosemite, tôi định dậy sớm để chụp những tấm hình vào buổi sáng. Tuy nhiên, do cơn mưa lớn vào lúc nửa đêm, thời tiết trở nên tồi tệ hơn. Các cơn mưa nặng hạt và gió thổi mạnh đã đập mạnh vào lều cả đêm, và không phải là một ý hay nếu rời chiếc lều. Nhưng cuối cùng gió cũng lặng xuống tôi đi xuôi xuống một con lạch nhỏ mà tôi đã khám phá ra vào đêm hôm trước, và tôi đã may mắn khi bắt được khoảnh khắc diệu kỳ. Cái ba lô đeo trên vai hoàn toàn là cách tốt nhất để khám phá thiên nhiên còn nguyên sơ và là một nhiếp ảnh gia về phong cảnh luôn luôn làm tôi háo hức khám phá.
Đường ánh sáng
Sau khi đi chụp nhiều ngày ở Davenport, California, tôi đặt các ống kính của tôi trên những tảng đá có hình thù rất thú vị này ở bãi biển Davenport. Vào lúc thủy triều từ trung bình đến cao, các con sóng xô và và chùm lên dòng thủy triều và nhanh chóng rút ngược trở ra, tạo nên một luồng nước trong chốc lát đến khi mặt trời lặn. Hiện tượng này diễn ra chỉ vào đầu và cuối mùa đông, khi mặt trời thẳng hàng với eo biển trong những phút cuối của ngày. Trong khịp chụp, tôi bị mất cân bằng trên các tảng đá và rơi vào khe giữa hai núi đá. May mắn là các con sóng giữ lại khoảnh khắc và tôi vật lộn bằng sức mạnh để nâng mình khỏi mặt biển và rêu trơn.
Cảng cát
Gió đóng một vai trò quan trọng khi nước liên quan đến việc chụp hình của bạn. Những lúc không gió đôi khi biến những hồ và ao trở thành những tấm gương và thậm chí đôi khi biến những phong cảnh chán ngắt thành đặc biệt. Vào ngày đặc biệt này, những đám mây cao phản chiếu ánh sáng cuối cùng của mặt trời và bừng lên những màu sắc mãnh liệt, được phản chiếu trên mặt hồ yên tĩnh. Kính phân cực được sử dụng để giảm phản chiếu ở cận cảnh và tập trung cận cảnh dưới mặt nước.
Màu xanh của mùa đông
Những người chụp ảnh phong cảnh đôi khi bị hút đến những nơi mà phần lớn mọi người lại tránh. Sau nhiều giờ lái xe xuyên qua những trận bão tuyết khắc nghiệt ở Sierra Nevada, chứng kiến một số lái xe đang bị cuốn và rơi xuống một cái mương, tôi đã đến hồ Convict, đang vào mùa đông tinh khôi. Dù thời tiết khắc nghiệt, hồ vẫn êm đềm và đẹp lạ thường. Chớp được những phản chiếu của trăng muộn và những ngọn núi xa sẽ làm bạn quên hết những ngón chân và mặt mũi đang bị đóng băng.
Lúc mặt trời lặn
Hiện tượng đặc biệt này xảy ra hai lần/năm và bạn sẽ có một chớp ảnh bùng nổ tuyệt với thậm chí trong hoàn cảnh hoàn toàn backlit, chụp qua một mở nhỏ được hình thành bằng góc trên bên trái của cửa và đá đắng sau nó. Thách thức ở đây là lấy mặt trở có kích thước vừa vặn (bằng cách kiểm soát kích thước mở) và chớp được sự chuyển động của nước ở phía bên phải cùng thời điểm. Tôi phải tìm cách tiến lên từ phía dưới và chụp đi chụp lại trong 20 - 30 giây khi mặt trời đang lặn. Khoảng 10 phút trước khi mặt trời lặn, cảnh trở nên cân bằng kỳ lạ về ánh sáng.
Giấc mơ
Một điểm lợi thế gần Rodeo Cove, California là một trong những vị trí tốt hơn cho chụp ảnh bờ biển. Vào mùa hè, mặt trời lên ở phía Tây Bắc và lặn cùng với núi đã biển duy nhất. Buổi chiều đến với sương mù dày đặc, được xem là điểm nhấn cho những loại cây nào có gỗ màu đỏ ở một nơi khá khô như ở Bắc California. Trong một bài báo có nói thay đổi thời tiết đã dẫn đến việc ít sương mù hơn vào mùa hè và đe dọa những cánh rừng cây gỗ đỏ. Vào ngày đặc biệt này, bầu trời quang do sương mù ít và tôi đã ngạc nhiên đến hài lòng với một cảnh hoàng hôn đẹp sửng sốt.
Con Fuoco
Nổi tiếng là khu vực địa nhiệt lớn nhất trên trái đất, công viên quốc gia Yellowstone mang lại một cảnh tượng tuyệt vời trong sự tiến hóa của hành tinh chúng ta và các hình hài cuộc sống của vườn quốc gia này. Một buổi sáng mùa hè, tôi được chào mừng bằng các suối nước nóng nhiều khoáng chất và mặt trời mọc đẹp đến nín thở. Không giống như hạn hán của ngày trước, nước và hơi nước từ các suối nước nóng đã mang khu vực này trở lại cuộc sống.
Hẻm núi Grand Canyon
Sau nhiều giờ mưa to không ngừng, thời tiết cuối cùng yên lặng trở lại và tôi có thể khám phá ra nền đất mới trong hẻm núi. Khi tôi leo xuống một vài tảng đá và tìm kiếm một hình ảnh tươi mới, tôi không thể rời mắt khỏi những cây cối tuyệt đẹp này. Lúc đó còn hơi sớm cho một ánh sáng đẹp, nhưng khi tôi đặt máy ảnh của tôi để ngắm bố cục, một con chim bay vào từ đâu đó và đậu trên đỉnh cây. Những khoảnh khắc như vậy là nhắc nhở tuyệt vời mà bất cứ khi nào chụp bạn cần lưu ý, trên thực tế, rất độc đáo.
Lối chụp đắp
Ở những tầm cao, ánh sáng rơi rớt lại của ngày sẽ đi một khoảng cách dài hơn nhiều, làm mất đi nhiều màu xanh và vẽ mọi thứ trên đường đi của nó bằng màu đỏ rực rỡ. Vào một ngày mùa đông ở Bonsai Rock, Hồ Tahoe, một cơn bão mùa đông đã đổ bộ vào và để lại thứ tự những đám mây vào cuối ngày. Đây có lẽ là một trong những trải nghiệm kỳ lạ mà tôi từng có khi là một người chụp ảnh phong cảnh. Lần nữa các đám mây là những tấm gương phản chiếu tự nhiên tuyệt vời nhất, do đó chúng ta hãy sử dụng chúng một cách thông minh.
Ánh sáng sa mạc
Các hẻm núi Antelope là một trong những nơi nổi tiếng ở Tây Nam, và là nơi tuyệt vời để tkhám phá các hiệu ứng ánh sáng về các đường đi, hình dạng và kết cấu. Chụp một nơi đã nổi tiếng không hề dễ dàng, do đó phải chuẩn bị cho những gián đoạn có thể, vì số khách du lịch đến hẻm núi này đã tăng đột biến trong những năm gần đây. Bề mặt phức tạp của hẻm núi khe sẽ làm bạn nản lỏng, do đó cần phải tìm kiếm sự đơn giản, đối xứng, nhiều mảng và những đường ánh sáng và vòng tròn chủ đạo.
Thung lũng Aspen
Sau khi đi bộ hoàn toàn trong bóng tối, tôi đã đến được một điểm lợi thế. Đi bộ qua một cánh rừng có những cây dương lá rung lọt hẳn vào trong thung lũng, tôi đã chú ý tới thời gian của mình và ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn LED không đặc biệt hữu ích trong việc phân biệt những màu sắc đẹp tiềm năng. Những áng mây chậm đang di chuyển qua bầu trời và với ánh sáng đầu tiên trong ngày, tôi đã chứng kiến màn màu sắc mùa thu đẹp đến nín thở này.
Hạt Tuolumne
Một bức ảnh nhanh chóng chuyển thành một chuyến đi khám phá khi bão ở hẻm núi cao bắt đầu giảm xuống nhanh chóng, với những đám mây lùi xa nhanh chóng. Khi tôi cuốc bộ ngắn ở một đồng cỏ, tôi đã rất vui bởi những người dân Yosemite mặc áo lông màu nâu. Một chút kiên nhẫn để đưa họ tới gần cái ao, và họ khá tốt bụng để làm bối cảnh cho tôi.
Bảo Ngọc
Theo CNNGo
Đường sắt Nhật Bản - không gian xã hội mới
Submitted by nlphuong on Wed, 29/02/2012 - 06:52(ICTPress) - Đường sắt Nhật Bản có thể nói là ấn tượng đối với những người từng đến Nhật và có lẽ cả với những người được nghe kể.
(ICTPress) - Giáo sư, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế học, Trường Đại học Meiji Gakuin, Nhật Bản, Hara Tekeshi vừa thuyết trình chủ đề “Đường sắt và Nhật Bản cận đại” và những thông tin của ông về đường sắt cao tốc Nhật Bản. Hoạt động này được Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation) tổ chức tại Hà Nội, Huế và TP. HCM.
Hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản (Ảnh: wordpress.com) |
Nhật Bản là một đất nước rất phát triển về ngành đường sắt. Khi nói đến sự biến đổi, thăng trầm trong lịch sử ngành đường sắt Nhật Bản, người ta thường nói về sự ra đời của các cộng đồng xã hội khác nhau. Những chia sẻ của GS. Hara Takeshi cho chúng ta nhiều thông tin thú vị về con người, đất nước Nhật Bản qua sự phát triển của đường sắt.
Đường sắt Nhật Bản - không gian xã hội mới
Vào năm 1872 (Minh Trị thứ 5), đường sắt Nhật Bản được đưa vào sử dụng. Ngay từ đầu, đường sắt đã tạo ra một không gian xã hội mới khi tất cả mọi người dân Nhật Bản bắt đầu chuyển sang sử dụng lịch dương. Trước đó, người dân Nhật sinh hoạt theo lịch âm. Tiếp theo là mọi người dân Nhật bắt đầu hình thành thói quen đúng giờ, thói quen này đã trở thành và ăn sâu lối sống, tác phong của người Nhật từ đó tới nay. Vào thời điểm đó, mọi người đều phải có mặt ở ga tàu trước 15 phút. Điều này không hề dễ dàng mà phải có sự can thiệp từ chính phủ bằng một chỉ thị.
GS. Hara Takeshi khẳng định không có đường sắt thì người dân Nhật không có thói quen chi phối thời gian được rõ ràng như ngày nay. Nhà ga đường sát có vai trò lớn là kiểm soát mọi người về thời gian và hình thành giá trị văn minh.
Đường sắt Nhật Bản đã tạo nên không gian công cộng. GS. Hara Takeshi cho biết không cần phải nói có lẽ ai cũng biết, người mua xe riêng là cá nhân. Đó là phương tiện cá nhân, ví dụ kể cả chúng ta có những người trong gia đình hay bạn bè đi nhờ xe đi chăng nữa thì cũng không có việc xe là phương tiện sử dụng chung với người khác. Với ý nghĩa đó, điều này (việc mua xe riêng) trùng hợp với chủ nghĩa cá nhân.
Đường sắt không phải là thứ cá nhân mua mà do nhà nước hay vốn tư bản tư nhân xây dựng. Một xã hội mà trong đó tại nhà ga có những người khác nhau tập hợp lại rồi phân tán nhiều lần, họ cùng lên một chuyến tàu, cùng ngồi trong một khoang tàu… được hình thành. Không gian công cộng này không chịu sự thống chế của quyền lực quốc gia.
Các thị trấn và làng mạc tại Nhật Bản trước thời Minh Trị không có không gian công cộng tương đương với các nhà thờ hay quảng trường ở châu Âu, hoặc những không gian tương đương với salon hay quán cà phê tại châu Âu. Tại thời điểm này thì có thể nói rằng đường sắt Nhật Bản đã thực hiện một vai trò chính trị lớn hơn so với đường sắt châu Âu.
Nói cụ thể hơn, nơi tương đương với nhà thờ hoặc quảng trường châu Âu là nhà ga, những nơi tương đương với salon hay quán cà phê tại châu Âu là không gian bên trong tàu điện.
Vào năm 1872, ngay từ đầu đường sắt Nhật Bản đã bắt đầu chạy tuyến Shimbashi - Yokohama (nay là Sakuraghicho theo chế độ 3 cấp của Anh. Giá của toàn tuyến này như sau: loại cao cấp (loại 1) là 1 yen 12 sen 5 rin (1 rin = 1/1000 yen), loại trung bình (loại 2) là 75 sen, và loại cấp thấp (loại 3) là 37 sen 5 rin, vì ngay cả đi loại cấp thấp cũng có thể mua được khoảng 10kg gạo nên lúc đầu không phải ai cũng có thể đi tàu được. Tuy nhiên, với nhiều lý do như cùng với sự mở rộng của đường sắt ra nhiều vùng trên cả nước, giá vé cũng giảm đi, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng loại 3 tăng cao, lượng người sử dụng đường sắt đã tăng rất nhanh.
Và nhà ga đã trở thành không gian tập trung rất nhiều người, kể cả một số người không sử dụng đường sắt.
Trong và ngay bên cạnh các trạm tàu dừng là những khu mua sắm đông đúc |
Không gian bên trong ga Kyoto (Ảnh: Internet) |
Một điểm quan trọng nữa là đường sắt ra đời cũng ra đời văn hóa theo đường sắt. Chính phủ Nhật cho biết xây dựng chiến lược văn hóa này sẽ làm mất đi tính vùng miền, đối địch, tạo ra văn hóa theo chiều dài đường sắt.
Còn bây giờ đã đến thời của tàu siêu tốc? GS. Hara Takeshi cho biết giờ đây bạn còn có thể thấy hình ảnh các nhân viên công ty ngồi mở laptop trên tàu siêu tốc hay hành khách ngồi nhìn vào màn hình điện thoại hoặc điện thoại thông minh (smartphone) trên băng ghế dài tàu điện.
Tuy nhiên những toa tàu có 2 ghế xoay mặt vào nhau vẫn còn. Trong những tàu của các tuyến JR Higashi Nihon đã bị ngừng do trận động đất phía Đông Nhật Bản vừa qua, ngoài tuyến Sengoku thì tất cả các tuyến khác đều có. Đường sắt Sanriku cũng vậy. Cũng chính vì vậy, những hành khách đã được cứu thoát trong những chuyến tàu đó đã có thể cùng nhìn nhau, mừng vui vì sự an toàn cùng và động viên lẫn nhau và hơn nữa những người trên khắp toàn quốc khi lên tàu để đến viện trợ cũng có thể trực tiếp động viên những người con dân vùng động đất đã bị mất gia đình, nhà cửa.
Một điều rõ rang nhất được chỉ ra trong trận động đất phía Đông Nhật Bản vừa qua đó là sức mạnh cộng đồng của những vùng gặp nạn. Ví dụ, tác giả chuyên viết truyện người thật việc thật (non-fiction) Sano Shinichi có ghi lại rằng tại bán đảo Hirota thuộc thành phố Rukuzen Takata tỉnh Iwate - nơi bị cô lập hoàn toàn bởi sóng thần, có một ngôi làng đã tập hợp tất cả số gạo họ có tất cả là 70 kg, và quyết định phân phát cho người dân mỗi ngày 1go3/người (1go = 0,18l)
GS. Hara Takeshi giả sử tại Tokyo cũng xảy ra trận động đất với quy mô lớn như vậy có thể nảy sinh sự hỗn loạn, bởi vì người dân chỉ luôn mải mê nhìn vào màn hình điện thoại di động hoặc smartphone mà không quan tâm đến những người cùng lên tàu với mình hoặc vô tâm với những khung cảnh trên tàu.
Việt Nam có nên làm đường sắt cao tốc
Trong thời gian qua, Việt Nam quan tâm nhiều đến vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc. Được hỏi về vấn đề Việt Nam nên xây dựng đường sắt cao tốc hay đường sắt thường, GS. Hara Takeshi cho biết khi xây dựng đường sắt vào năm 1872, Nhật Bản không có phương tiện đi lại nào khác. Bước vào thế kỷ 20, câu chuyện đường sắt không chỉ của Việt Nam. Thời Nhật Bản xâm chiếm Hàn Quốc, Nhật cũng phát triển đường sắt ở Hàn Quốc. Nhưng sau này Hàn Quốc đã xây dựng đường bộ cũng rất phát triển. Ở Mỹ, đầu thế kỷ 20 đường sắt cũng rất phát triển. Hiện nay, Los Angeles có đường sắt chạy trên mặt đất. Theo ông, đường sắt Nhật Bản không phải là chuẩn. Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng đường sắt cao tốc.
Việt Nam có thể học hỏi qua tai nạn đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải thảm khốc năm ngoái làm 35 người chết, 210 người bị thương khi tốc độ chạy của tàu này còn lớn hơn tàu cao tốc Shinkansen của Nhật.
Vẻ đẹp dọc đường sắt (Ảnh: Internet) |
Đường sắt Nhật Bản có thể nói là ấn tượng đối với những người từng đến Nhật và có lẽ cả với những người được nghe kể. Tôi may mắn có cơ hội đến Nhật và phương tiện chủ yếu đi lại là đường sắt. Tuy nhiên, suốt thời gian ở Nhật tôi cũng chỉ dám “nhảy lên” Shinkansen một lần để biết. Những trải nghiệm dọc theo đường sắt có lẽ là một trong những nỗi nhớ về đất nước mặt trời mọc.
Linh@
Hình ảnh Beeline và Unitel ở Viêng Chăn
Submitted by nlphuong on Mon, 27/02/2012 - 14:04(ICTPress) - Trong 5 - 6 năm qua, kinh tế - xã hội Lào đã có những thay đổi đáng kể. Với dân số 6 triệu dân, thị trường di động Lào đã có 5 nhà khai thác di động được cấp phép.
(ICTPress) - Trong 5 - 6 năm qua, kinh tế - xã hội Lào đã có những thay đổi đáng kể. Với dân số 6 triệu dân, thị trường di động Lào đã có 5 nhà khai thác di động được cấp phép. Năm 2011 là năm thị trường di động Lào cạnh tranh nóng.
Vinpelcom đặt vấn đề mua 78% cổ phần của Millicom ở Tingo, sau trì hoãn khá lâu thỏa thuận này cuối cùng được cơ quan quản lý nhà nước thông qua vào tháng 3/2011, nhà khai thác này có thương hiệu mới là Beeline. Cũng trong năm 2011, Beeline bị từ chối kết nối trong một thời gian bởi ba nhà mạng khác sau một thỏa thuận về định giá cước và khuyến mãi không thành. Năm 2011, bốn nhà mạng ở Lào đã cung cấp cấp dịch vụ 3G.
Bước vào năm 2012, mức độ thâm nhập di động đã vượt qua mốc 80% với tốc độ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 25%. Unitel, liên doanh di động giữa Viettel và Lào Asia Telecom, Quân đội Lào đã đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh, tiếp tục thúc đẩy thị trường. Cùng với Beeline, hai nhà mạng này đã tăng cường năng lượng đáng kể cho thị trường di động nước này.
Dưới đây là một vài hình ảnh Beeline và Unitel tại Viêng Chăn đầu năm 2012:
Logo Unitel tại cửa khẩu biên giới Cầu Treo và Lào trong một ngày mưa rét, sương mù dày đặc |
Logo Beeline và Unitel ở đường phố Viêng Chăn |
Logo Beeline trên tờ khai nhập cảnh Lào |
ML
Hằng số Istanbul
Submitted by nlphuong on Fri, 24/02/2012 - 09:45(ICTPress) - Lịch sử, kiến trúc và mua sắm thoải mái đã níu kéo khách du lịch đến tới thành phố năng động này trong nhiều thế kỷ.
(ICTPress) - Lịch sử, kiến trúc và mua sắm thoải mái đã níu kéo khách du lịch đến tới thành phố năng động này trong nhiều thế kỷ.
Riêng cái tên của đất nước này đã tạo nên một thước phim trong tâm trí. Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) có nghĩa là kiến trúc lộng lẫy, các nhà thờ Hồi giáo lâu đời hàng thế kỷ, món ăn mặn dọn vào cuối bữa, cà phê dịu dàng, và làn nước trong xanh của Bosporus - đường thủy đẹp như tấm bưu thiếp ảnh chia tách châu Âu khỏi châu Á ở nơi rất trung tâm của Istanbul.
Đường thủy Bosporus chia tách hai phần châu Âu và châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ, mang đến một khung cảnh lộng lẫy lúc bình minh và hoàng hôn |
Tới thành phố này, một chuyến đi hoàng hôn trên biển sẽ là một kết thúc hoàn hảo. Nếu thời gian của bạn ngắn ngủi, bạn có thể tham gia vào nhóm đông người trên một nhà hàng nổi và làm quen với hàng trăm bạn bè mới, cả khách du lịch và người thường xuyên đi lại.
Để có cái nhìn cận cảnh và tự khám phá, bạn hãy đi bằng một con thuyền bé. Bắt đầu từ việc lang thang các chợ cá nổi - một cảm giác tuyệt vời theo bất cứ cách nào - và đi men theo các bến tàu.
Bạn có thể mặc cả với nhóm lái tàu, đặc biệt nếu bạn đi với nhóm bạn sẽ có khoảng 4 hoặc nhiều ghế hơn trên những chiếc thuyền moto thuê. Nếu may mắn, bạn sẽ tìm ra ai đó giống như “Thuyền trưởng Kadir”, một thanh niên trẻ năng động chuyện gẫu nhiều thông tin về những gì chúng ta đang thấy trên cả hai lục địa, trong khi ở dưới bếp bạn có thể tụ tập uống trà ngọt và đặc.
Ở đây có rất nhiều thuyền là thuộc sở hữu doanh nghiệp gia đình và bạn có thể thực hiện một ngày đáng nhớ về Bosporus mãi mãi.
Quang cảnh 360o của thành phố này, và và lịch sử lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ như là cây cầu giữa hai nền văn hóa đã để lại ấn tượng. Không có thành phố nào có thể là thủ đô của ba đế chế (Roman phía Đông, Byzantine và Ottoman).
8000 năm lịch sử đã làm nên vẻ đẹp mạnh mẽ của Istanbul và sự kính trọng của du khách đối với thành phố này. Thành phố này tự hào về về đường chân trời mờ ảo xa xa giúp bạn có thể nhìn thấy những kỳ quan từ rất xa, trong đó có nhà thờ Hồi giáo Blue và Hagia Sofia, nhà thờ lớn nhất ở Christendom từ thời Roman (sau đó là nhà thờ Hồi giáo Aya Sofia, hiện nay là một bảo tàng).
Ngoài tìm hiểu văn hóa và lịch sử, bạn có thể mua sắm tại chợ Lớn (Grand Bazaar), “chợ lớn nhất trên thế giới” với hơn 4000 người buôn bán.
Quận Sultanahmet phụ cận là trái tim của thủ đô cổ kính này, nơi đây bạn có thể tìm thấy một khu vực chợ người Ai Cập với trọn bộ gia vị sẽ lấn át tất cả các cảm giác của bạn, những người buôn bán trên phố không thể đợi chờ lâu để phục vụ bạn một cốc nước lựu tươi ngon, và bạn sẽ gặp rất nhiều người chào mời mua thảm.
Cánh đồng rộng lớn đỏ rực và kích cỡ của chiếc thảm là 3.6x4.2 feet (1,1m 1,x3m), được xuất sang châu Âu nơi những quý tộc và những thương gia giàu có sử dụng làm thảm trải bàn vào đầu thế kỷ 15 |
Bạn sẽ được nghe một câu như thế này khi đi qua: “Bác tôi là siêu nghệ nhân làm thảm và là người duy nhất buộc những nút thảm chặt đến như vậy, hiện đang uống trà nếu cô chú thích hãy mời đi theo lối này…”
Hãy thận trọng với những người bán hàng rong này, nhưng không nên gạt bỏ hẳn. Nếu bạn không biết một người dệt thảm Ba tư từ Kleenex, bạn chỉ đi ngắm thôi. Bạn sẽ nhận được câu trả lời sẽ là “Không vấn đề gì”.
Sau đó bạn có thể dành 1 giờ thưởng thức trà táo trong khi “người bác” la hét cậu chào mời khách hoặc mang đến ba (hoặc sáu) tấm thảm, được trải tới chân bạn bằng lời chào mời liến thoắng như súng liên thanh để bạn xem. Bạn sẽ được nhấm nháp trà từ từ và được nghe tại sao bạn nên mua thảm được dệt kép (hoặc đơn), tại sao thảm Thổ Nhĩ Kỳ tốt hơn nhiều so với tưởng tượng, việc dệt thảm không theo quy luật nào là thảm dệt bằng tay chức không hề máy móc tẹo nào và nhiều nữa.
Hãy nhắc bạn bè của bạn là bạn chỉ đi ngắm nhưng thích thú việc học hỏi. Thảm sẽ được buộc rất chặt, treo lên và được chạm vào ngọn lửa của chiếc bật lửa để cho thấy là những chiếc thảm này của thật và rất bền. Những người bán hàng cuối cùng cũng sẽ cố gắng bán cho bạn bằng bất cứ cách nào, tất nhiên với một thái độ lịch sự không bị lay chuyển bạn có thể không bị bạn bè lung lay.
Những người bán hoa quả bên đường đang xay những quả lựu tươi thành nước hoa quả (ảnh: Mike Peters) |
Thực phẩm? Món doner kebabi có ở mọi nơi là món nướng, tươi, nhiều nước được những người bán hàng đường phố từng trải bán khắp phố phường ở Istanbul. Món bánh ngọt thì thôi rồi - không chỉ là bánh baklava đã được đóng dấu được chuẩn bị kèm với nhiều quả hạch và mật ong mà còn có bánh Sigara boregi, dondurma (kem), revany (một kiểu bánh ngọt được làm với bột hòn) halva, Sutlak (một kiểu bánh gạo của người Thổ Nhĩ Kỳ) và nhiều thứ khác nữa. Bạn hãy tìm một quán cà phê và thưởng thức cùng với loại bánh ngọt mà bạn yêu thích.
Những người hâm một thể thao có thể bị hấp dẫn (hay choáng váng) bởi môn đấu vật Thổ Nhĩ Kỳ - hãy đến gần Edirne vào đầu tháng 6 này bạn thích sức dầu và tham gia vào cuộc thi quốc gia đầy tính truyền thống này.
Một thú giải trí phổ thông hơn là tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Những người gác cổng khách sạn hay những cuốn sách hướng dẫn có thể giúp bạn tránh những nơi xơ xác. Trải nghiệm tắm này được gọi là hamam, là tắm truyền thống, bắt đầu bằng thư giãn trong “phòng ấm”, được làm nóng bằng một luồng khí nóng, khô liên tục làm cho người tắm toát mồ hôi tự do. Tiếp theo là sang một phòng nóng hơn trước khi tiếp tục tự tắm với nước lạnh. Sauk hi toàn thân sạch và được massage, người tắm sẽ thư giãn trong “phòng mát”. Thậm chí bạn chưa từng thư giãn kiểu này trước đó, thì bạn sẽ nhanh chóng được thư giãn thanh khiết.
Bảo Ngọc
Theo Sina
Vẻ đẹp lãng mạn của những thị trấn nước Pháp
Submitted by nlphuong on Tue, 21/02/2012 - 07:28(ICTPress) - Cách xa khỏi sự huy hoàng và phù hoa của Paris, có ít nhất 101 thị trấn nhỏ đặc biệt và nổi tiếng thu hút đông khách du lịch.
(ICTPress) - Cách xa khỏi sự huy hoàng và phù hoa của Paris, có ít nhất 101 thị trấn nhỏ đặc biệt và nổi tiếng thu hút đông khách du lịch.
Những thị trấn này nổi bật bởi những lâu đài, pháo đài, những khách sạn nhỏ nửa là gỗ như những bức tranh vẽ quá lãng mạn và những đặc sản địa phương quá ngon. Mời bạn viếng thăm một số trong những thị trấn lãng mạn và màu sắc nước Pháp.
Sault |
Simiane-la-Rotonde |
Arles |
Toulouse |
Annecy |
Evian |
HY
Theo Sina
Giao lưu với một nhà văn thế hệ mới của Nhật Bản
Submitted by nlphuong on Fri, 17/02/2012 - 13:36(ICTPress) - Nhà văn Ono sẽ mang đến bạn đọc câu chuyện về văn chương và sự lựa chọn cách viết của anh, cũng như trao đổi với các diễn giả Việt Nam và bạn đọc.
(ICTPress) - Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Japan Foundation), phối hợp cùng Nhà xuất bản Trẻ, được tổ chức buổi trò chuyện văn học với Masatsugu Ono, một trong những nhà văn thế hệ mới của Nhật Bản đã từng đoạt nhiều giải thưởng, về tập truyện “Tiếng hát người cá”, hiện đã được dịch ra tiếng Việt và được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản tháng 2/2012.
Nhà văn Masatsugu Ono, sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Tokyo, Tiến sĩ Văn học tại Đại học Paris VIII, là nhà văn, phiên dịch, biên dịch tiếng Pháp và văn học Pháp tại Đại học Meiji Gakuin. Anh Masatsugu Ono đã rất năng động trong lĩnh vực văn chương, từ việc viết tiểu thuyết, dịch các tác phẩm văn học nước ngoài cho đến phê bình văn học và thuyết trình trước công chúng.
Tháng 3/2011, anh đã có những buổi hội thảo đầu tiên của mình về Văn học Nhật Bản đương đại tại Hà Nội, Huế và TP.HCM. Anh cũng đã thích thú đối thoại và trò chuyện với các nhà văn, nhà phê bình văn họcViệt Nam cũng như những học giả và sinh viên quan tâm.
Nhà văn Masatsugu Ono |
Ono đã nói về đề tài viết của mình: “Murakami viết về toàn cầu hóa nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng ở Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền-hiện-đại-hóa và chỉ toàn người già sống ở đó. Trong một xã hội già hóa này, tôi thích, hay có thể nói, tôi thấy thoải mái khi viết những câu chuyện về người già và địa phương, và cách tôi mang tiếng cười vào tác phẩm của mình”.
Bìa cuốn truyện “Tiếng hát người cá” |
Tinh thần và các thử nghiệm văn học của Ono đã được thể hiện trong “Tiếng hát người cá” và “Trôi trên Vịnh” - tiểu thuyết ngắn được trao Giải Mishima Yukio (tác phẩm này cũng dịch trong tập “Tiếng hát người cá”).
Nhà văn Ono cũng mang đến bạn đọc tham dự câu chuyện về văn chương và sự lựa chọn cách viết của anh, cũng như trao đổi với các diễn giả Việt Nam và bạn đọc. Tại Hà Nội, diễn giả là nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức và tại TP.HCM là nhà báo Lê Hồng Lâm. Độc giả hâm mộ có thể mua cuốn sách “Tiếng hát người cá” với giá ưu đãi giảm 30% và sẽ có thể nhận chữ ký của tác giả sau buổi nói chuyện.
Dưới đây là một số tác phẩm và truyện dịch của nhà văn:
Tác phẩm: Ngôi mộ vùi trong nước (giải thưởng Cây bút mới của báo Asahi 2001); Trôi trên Vịnh (giải thưởng Mishima Yukio 2002); Ven rừng - 2006; Chiếc xe buýt mini - 2008 (đề cử giải thưởng Akutagawa 2008); Mênh mông hơn cả đêm đen - 2010
Truyện dịch: V.S. Naipaul, “Miguel Street”, (dịch với Shizen Ozawa) ; Édouard Glissant, “Introduction à une poétique du divers”, Paul Nizan, “Aden, Arabie”, Marie NDiaye, “Rosie Carpe”.
Các buổi nói chuyện của anh Masatsugu Ono sẽ được tổ chức vào 9 giờ sáng thứ Tư, 22/2/2012 tại Hội quán Sáng tạoTrung Nguyên (36 Điện Biên Phủ, Ba Đình, HàNội) và 9 giờ sáng thứ Năm, 23/2/2012 tại Trường Đại học Hoa Sen (93 Cao Thắng, Quận 3, TP HCM). Vào cửa tự do.
BN
Thưởng thức sống chậm ở phố Tây, Viêng Chăn
Submitted by nlphuong on Thu, 16/02/2012 - 01:22(ICTPress) - Thời gian lưu trú tại con phố này đã cho tôi thấy một cuộc sống chậm thú vị. Tôi không rõ đã có ai đặt tên cho con phố này và các con phố lân cận là khu phố Tây ở Viêng Chăn chưa.
(ICTPress) - Lần đầu tôi đi phượt Viêng Chăn (Vientiane), Lào và như mọi chuyến đi, lên đường lại làm tôi phấn chấn. Vất vả cả một chặng đường dài ô tô và mưa rét từ Hà Nội đến biên giới Lào qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, chúng tôi đến Viêng Chăn vào buổi chiều nắng vàng.
Bạn tôi đã lần thứ hai đi Viêng Chăn nên kinh nghiệm hơn. Đến bến xe, chúng tôi nhanh chóng thuê một xe túc túc chạy về khu phố đông khách du lịch sát sông Mê Kông. Nếu không thuê được 1 xe nhỏ riêng bạn hãy cũng đi với những người dân địa phương bởi bạn sẽ có ngay 1 chuyến tour thành phố biết thêm nhiều ngõ ngách mà vừa nhanh, vừa rẻ. Đến phố Fa Ngum, nơi tập trung nhiều khách du lịch, sau khi vào vài khách sạn hỏi giá phòng, chúng tôi đã chọn ở Youth Inn 1, ngay đầu phố Francois Ngin. Thời gian lưu trú tại con phố này đã cho tôi thấy một cuộc sống chậm thú vị. Tôi không rõ đã có ai đặt tên cho con phố này và các con phố lân cận là khu phố Tây ở Viêng Chăn chưa.
Con phố này cũng như khu phố Tây ở Phạm Ngũ Lão - Đề Thám, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh hay khu phố Tây ở Nha Trang có rất đông khách du lịch lưu trú, đi lại và có nhiều dịch vụ đáp ứng. Nhưng khác với khu phố Tây ở TP. Hồ Chí Minh hay ở Nha Trang, hoạt động và các dịch vụ nơi đây chậm và rất từ từ.
Một người nước ngoài ngồi vẽ ngay ở ngã tư. Con phố trong ngày đi làm nhưng cũng rất ít phương tiện đi lại. |
Khu phố này có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… nhưng mọi khu nhà đều nho nhỏ, cũ cũ một chút, thi thoảng có 1 - 2 cái khách sạn, nhà hàng bóng bẩy chút nhưng cũng rất ít tầng và không gian yên tĩnh. Yên tĩnh bởi lượng xe ô tô đi lại rất ít và cũng chẳng có mấy ai bấm tiếng còi nào. Khách du lịch đi lại khá nhiều nhưng ai cũng thanh thản, vui tươi cũng chẳng nói chuyện với nhau ồn ào kể cả những khách trông rất “ngầu”. Nhiều cửa hàng có biển hiệu bán hàng hóa nhưng cửa đóng hờ, thậm chí đóng cửa. Khách vào tự đẩy cửa và tự gọi chủ nhà. 10 giờ tối các cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa không phục vụ.
Chỗ chúng tôi ở gồm 3 không gian là cửa hàng Internet, nhà nghỉ và nhà hàng. Cả 3 nơi lúc nào cũng có người vào ra nhưng mọi hoạt động chẳng hề ồn ào. Cửa hàng Internet thông báo 9 giờ mở cửa nhưng 9h15 mới thấy chủ cửa hàng là một thanh niên trẻ lững thững đến. Nhà hàng Sabaidee (Xin chào!) mở sớm hơn và bận rộn cả ngày vì lượng khách vào đông nhưng rồi cũng vẫn …“từ từ phục vụ”. Có lần tôi chứng kiến một ông khách trung tuổi, gương mặt cũng khá dữ dội và xăm hình đợi 15 phút mới có đồ ăn, mặc dù ông đã cho nhân viên biết trước là phải ăn vội để còn đi có việc. Sau 2 lần chúng tôi đã quen với cách thức đợi trung bình 10 - 15 phút để có được thức mình muốn. Tuy nhiên, nhà hàng này vẫn luôn đông bởi một không gian ấm cúng, bởi những chi tiết trang trí tinh tế, hợp lý tạo cảm giác ấm nóng và muốn ăn uống. Hơn nữa, ở đây bạn có thể gọi rất nhiều thức uống và ăn tươi, ngon, hợp khẩu vị mà giá cả rất phải chăng. Và điểm quan trọng là khách có thể ngồi lê thê và thoải mái kể cả khi chỉ yêu cầu 1 cốc nước nhỏ. Ngoài kia, qua tấm cửa kính những khách du lịch cứ thả bộ vòng vòng hết con phố, quay sang phố khác rồi lại quay trở lại không vội vã. Ngồi trong quán, bạn có thể thả hồn theo những giai điệu của một ban nhạc châu Âu như Modern Talking từ những năm 80 thế kỷ trước. Trong không gian ở khu phố này mặc dù là bản nhạc sôi động nhưng tôi vẫn thấy chậm và xa xăm. Tôi đã chứng kiến nhiều khách du lịch Âu, Mỹ, một doanh nhân, một gia đình đông đúc người Hàn Quốc, dường như trút bỏ hoàn toàn những ồn ào, vội vã ở đất nước họ để lắng đọng tại không gian này.
Một góc Sabaidee |
Bạn tôi cho biết cách đây 5 năm bạn đã gặp chủ nhà nghỉ này là một Việt kiều và hiện nay là cả cửa hàng Sabaidee nhưng tuyệt nhiên trong những ngày ở đây chúng tôi không thấy bóng dáng chị chủ. Các nhân viên tự quản lý, tự chủ làm việc và bảo ban nhau. Sau đó chúng tôi biết chị đã mở thêm 1 nhà nghỉ và cửa hàng ăn cuối con phố này cũng đông khách. Cũng vài lần lượn qua địa điểm mới nhưng chúng tôi cũng không thấy bóng dáng chị. Có lẽ những nhân viên của chị có cả người Việt và người Lào mà tôi tiếp xúc khá thân thiện, chăm chỉ, chu đáo đã khiến chị ở một tầm quản lý khác.
Giữa con phố này tôi ấn tượng với một nhà hàng vỉa hè chỉ mở vào chập tối. Thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn ở đây gồm cá tươi ngậm xả được nướng thơm lừng, gạo dẻo nóng và bia Lào (Beerlao), chúng tôi hiểu tại sao nhà hàng ngoài trời, trên móng một ngôi nhà cũ này lại đông khách đến vậy. Cá được ngậm xả, được ướp thêm muối đã được giã và rang, sau đó được nướng vừa chín tới, vỏ cá thì ròn mà thịt thì ngọt và thơm. Vị cá tươi cùng với hương xả thơm quyện vào và chút đầm đậm của muối rất hợp với cơm gạo dẻo cùng không gian chầm chậm xung quanh làm cho chúng tôi ngấm hơn cái giá trị cuộc sống chậm. Các bàn bên cạnh cũng nhẹ nhàng thưởng thức món ăn nướng rất hấp dẫn khác cùng gạo dính, bia Lào.
Món ngon đường phố là đây |
Buổi tối du khách đổ về con phố trước mặt sông Mê Kông mùa này cạn nước để dạo chợ đêm Viêng Chăn (Vienttiane Night Bazzar). Không ồn ào, tấp nập như Chợ Đêm, Chợ Sinh viên ở Hà Nội… chợ đêm Viêng Chăn có được một không gian rộng rãi và các gian hàng đều có chung một khung vải màu đỏ. Bạn có thể mua được nhiều món quà nhỏ xinh và ý nghĩa như một con linh vật nhỏ theo tuổi, một bức tranh phong cách nghệ thuật Lào, một số quà tặng hình con voi, hình That Luong, những biểu tượng của đất nước Lào...
Xứ Lào là xứ chùa. Chỉ quanh khu vực phố Tây này bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi chùa như Watchan, Mixai, Watmixayaram, Ong Teu… và đặc biệt bạn hãy viếng thăm That Luang và đến Patuxay chụp tấm hình. Nếu bạn đi đầu giờ sáng một mình, bạn sẽ không thể tìm được một ai để có thể nhờ chụp hộ một tấm ảnh kỷ niệm.
That Luong |
và Patuxay lúc sáng sớm |
Bạn tôi cho biết, chính cái giá trị chầm chậm, chân chất, tình cảm của người dân Lào đã làm bạn tôi muốn trở lại Lào lần nữa. Giá trị cuộc sống là gì - đó phải chăng là những khoảnh khắc chậm như thời gian ở Viêng Chăn, Lào.
Lúc tôi viết xong bài này, một anh bạn đồng nghiệp có hỏi tôi về giá sinh hoạt, giao tiếp... ở Viêng Chăn, tôi chia sẻ ngay rằng giá cả cực kỳ hợp lý. Khi biết giá phòng ngủ, thức ăn, thức uống chỉ còn việc gật đầu mà không cần đến một phút "lăn tăn". Đi lại bằng xe túc túc, phương tiện phổ biến ở Viêng Chăn, thì bạn hãy mặc cả đôi chút. Đây cũng là cái thú khi bạn đi đâu đó. |
Linh@