Syndicate content

Chuyện dọc đường

Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (kỳ 8)

Tóm tắt: 

Kỳ 8: California và Little Saigon

Kỳ 8: California và Little Saigon

California, còn được gọi tắt là Cali, là tiểu bang đông dân nhất của Hoa kỳ với dân số lên tới 36 triệu người trên diện tích 410 ngàn km2, diện tích lớn thứ 3 trong các tiểu bang ở Hoa kỳ. California nằm ven bờ biển phía Tây nước Mỹ và có tới hàng trăm khu đô thị. Hai khu vực đô thị lớn nhất California là Los Angeles và vùng vịnh San Francisco chiếm tới 68% dân cư của bang, hai thành phố lớn khác là San Diego và San Jose. Californiacũng là bang có nhiều người gốc Việt sinh sống nhất.

Có khoảng 3 triệu người gốc Việt sinh sống tại Hoa kỳ, và là cộng đồng dân tộc gốc Á lớn thứ tư tại Mỹ, sau cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc Ấn Độ và người Mỹ gốc Philipin. Tại bang California, người Việt tập trung sinh sống làm ăn buôn bán khá đông tại quận Cam (Orange). Đối với nhiều người gốc Việt đang sinh sống trên đất Mỹ, Little Saigon tại quận Cam, California được xem như một trung tâm sinh hoạt của cộng đồng người Việt, nhất là vào dịp lễ tết.

Tuy nhiên khi đi từ bờ Đông sang bờ Tây đất nước cờ hoa này, trên đường đi ta có thể nhiều lần bắt gặp hình ảnh quen thuộc mô phỏng chợ Bến Thành hay những biển hiệu “Phở”, “Hủ tiếu’, vài ngôi chùa được viết tên bằng chữ quốc ngữ Việt Nam trước cửa một căn nhà hay trên lầu hai của một tòa chung cư, không có mái cong và chạm trổ rồng phượng, cạnh đó có thể lại là phòng khám nha khoa hay cửa hiệu làm móng, cửa hàng bán quần áo…Những cửa hàng này được sắp đặt mang dáng vẻ Việt Nam. Đối với phần lớn người Mỹ, Little Saigon là tên gọi chung cho các khu thương mại của người Việt cũng như China Town là tên gọi chung cho các khu phố người Hoa trên lãnh thổ của Hợp chủng quốc.

Cửa hiệu của người Việt ở Hoa Kỳ

Chúng tôi đến tham quan một khu thương mại Little Saigon của người Việt ở California. Ấn tượng đầu tiên ngay khi bước chân vào là nhìn thấy tượng võ thần tài Quan Công mặt đỏ râu dài, bức tượng rất lớn, đó là khu vực thờ cúng, tâm linh. Sàn gạch men sạch bong, một tấm thảm lớn được trải thay cho chiếc chiếu dành cho người quỳ lễ. Hòm công đức được đặt ngay kế bên. Trên một chiếc bàn đặt phía trước tượng Quan Công còn có cả một cái ống đựng những chiếc thẻ tre ghi số để người đến lễ có thể gieo quẻ. Thế thì quẻ sẽ viết tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Hoa và ai sẽ là người đọc quẻ, giảng quẻ? Khá tò mò, chúng tôi cũng xin gieo quẻ để lấy số và được chỉ dẫn để tìm tờ giấy ghi quẻ của mình ngay trong chiếc tủ mái cong cạnh đó. A, nó được viết bằng tiếng Việt và là những câu thơ khá trúc trắc khó hiểu. Có tiếng rì rầm phía sau, thì ra một bác cao tuổi người Việt, khoảng U70, đang giảng quẻ cho một anh U50, cũng người Việt. Các cửa hàng quanh đó, tầng trên, tầng dưới đều là người Việt bán hàng, có người khoe mới sang cách đây hai tháng trước. Hàng hóa được bán ở Little Saigon tương tự như hàng hóa bán ở chợ Bến Thành hay chợ An Đông. Mặt hàng quần áo có màu sắc, kiểu dáng và kích cỡ có lẽ chủ yếu để bán cho người Việt. Không nhiều người Mỹ gốc Âu hay gốc Phi ra vào mua sắm ở đây.

Đi dạo một lúc mỏi chân, tôi nhìn thấy hai chiếc ghế matxa chân và một người phụ nữ khoảng hơn sáu chục tuổi đon đả mời “Chỉ 2 đô la thôi”. Tôi ngồi xuống và đưa hai tờ 1 USD cho người phụ nữ lớn tuổi đó. Nhưng bà không cất vào ví mà cẩn thận nhét từng tờ 1 USD vào cái khe ở tay ghế, bấm nút và máy matxa chân bắt đầu chạy. Bà giải thích rằng ghế đó tự động nhận tiền bà chỉ hướng dẫn giúp bởi hàng ngày ngồi nhà buồn quá, bà bắt xe bus đi hai giờ đồng hồ đến đây để được nói chuyện với đồng hương rồi đến chiều lại đi xe bus hai giờ đồng hồ trở về nhà. Bà sang đây ở với con gái đã sáu năm, hàng ngày con và cháu đi làm, bà không biết tiếng Mỹ và cũng không thể ghé sang hàng xóm chơi như ở Việt Nam. Bà đi lại khá nhanh nhẹn với đôi giày thể thao nhưng lại vận áo quần kiểu bà ba nam bộ. Chút rầu rĩ trong giọng nói khi bà kể về một làng quê miệt vườn Châu Đốc, bà nhớ những đứa con, đứa cháu nghèo vẫn đang sống ở đó cùng những hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn chia nhau miếng trầu lá thuốc, nơi “khổ vật chất nhưng sướng tinh thần” còn sống trên đất Mỹ đối với bà là nơi “sướng vật chất khổ tinh thần”. Một bà lớn tuổi khác cũng đi giày thể thao và ăn vận theo lối cũ kỹ đi qua rồi dừng lại, sau khi gạ tôi xem bói với giá “chỉ 5 USD thôi” nhưng gặp cái lắc đầu quầy quậy của tôi thì bà mới đến quay sang nói chuyện với bà ngồi cạnh ghế matxa. Họ đều chung nỗi niềm xa xứ, không có tiền nên dẫu nhớ quê hương cũng chẳng thể trở về, sống trên đất Mỹ mà không hiểu được tiếng Mỹ…Little Saigon quả là một may mắn cho các bà và những ai cùng cảnh.

Đã hết mỏi chân, tôi tiếp tục dạo bước trong Little Saigon. Phòng vé máy bay ở tầng hai, toàn nhân viên trẻ, họ làm việc nhanh nhẹn, tự tin và chu đáo với khách hàng. Hầu hết sinh ra, lớn lên và được học hành trên đất Mỹ, họ không có nỗi niềm của người xa xứ và việc về Việt nam (hay là đến Việt Nam) chỉ là hơn chục giờ ngồi trên máy bay mà những người họ hàng hay bạn bè thì có thể trò chuyện hàng ngày trên internet. Với những người hay di chuyển, Little Saigon hay California chỉ là điểm dừng chân trong hành trình.

Lời kết:

Ký sự “Nước Mỹ - từ Đông sang Tây” đăng trên ICTpress cũng xin được dừng ở đây bởi Little Saigon, Las Vegas, San Francisco, California, Washington DC hay NewYork… chỉ là những điểm dừng chân tham quan trong hành trình du lịch nước Mỹ và du lịch nước Mỹ cũng chỉ là một trong vô số những chuyến đi thú vị. Sẽ gặp lại các bạn với những bài viết về các chuyến du hành đến các địa danh hấp dẫn khác. Chúc các bạn may mắn trong hành trình của mình. Cảm ơn và hẹn gặp lại.  

Anna Nguyễn

Những con tàu chờ rời bến ở San Francisco bang California
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyện dọc đường

Quần áo cũ lối sống mới

Tóm tắt: 

Hầu hết các thành phố lớn ở nước Mỹ như Washington D.C, New York, Boston… đều có những cửa hàng kiểu Second time around (phân khúc từ trung bình đến cao cấp, quy mô nhỏ). Các tên tuổi có thể kể ra là Second time around, Buffalo Exchange...

Cô bạn gái của tôi, trong chuyến đi Nhật công tác đã ghé cửa hàng quần áo “second hand” và chọn được chiếc đầm rất xinh. Không ai biết đó là đồ sang tay cho đến khi cô vui vẻ bật mí với chồng về giá rất hời của món đồ mua được, chủ yếu là “khoe” mình mua sắm nhưng vẫn rất tiết kiệm. Phản ứng của chồng cô là bắt cô… vứt ngay chiếc áo đó, vì “không ai lại đi mua đồ cũ về mặc bao giờ”. Tôi nhớ lại một câu chuyện tương tự, lúc còn ở Việt Nam, chị giúp việc nhà tôi thường lấy áo quần cũ làm vải vụn, chị dặn tôi không được đem quần áo của mình cho người khác.

Vì vậy, khi cô bạn cùng lớp rủ tôi cuối tuần đi dạo mấy cửa hàng đồ “second hand”, tôi từ chối. Mặc dù quần thừa, áo cũ không phải là khái niệm mới với tôi, tôi đã ê hề với chúng từ những ngày học tiểu học. Lớn thêm một chút, tủ áo quần của tôi toàn đồ “sida”. Nhưng ở cái xứ Mỹ đầy ắp các outlet, chương trình giảm giá quanh năm suốt tháng, một chiếc áo thun, nếu mua đúng mùa giảm giá, chỉ mất vài đôla, không có lý do gì để mua đồ cũ.

Hàng hoá được sắp xếp theo từng chủng loại rất tiện lợi cho người mua.

Nhưng tôi… thay đổi khi được biết chiếc túi “vintage” tuyệt đẹp của Maureen, người quản lý thư viện là hàng second hand. Tôi đã không ngần ngại hỏi bà mua chiếc túi xách ở đâu, vì tôi đã đi rất nhiều các outlet, store, trung tâm thương mại, kể cả một vài yard sales cửa hàng đồ cổ lớn vùng Boston để “săn” đồ vintage mà luôn phải về tay không. Bà vui vẻ chỉ tôi một tiệm đồ cũ ở Davis Square “một trong những nơi có thể tìm được đồ phong cách Vintage ở Boston, con gái ạ”. “Và, bạn có tin không, chiếc váy D&G tôi mặc bữa tối tuần trước cũng là đồ second hand đó. Nhớ là đừng la lớn cho mọi người biết”. Cô bạn tôi phá lên cười vui vẻ “và nó chỉ có 120 đô thôi”.

Thế là chuyến “đột kích” những cửa hàng đồ cũ của chúng tôi được lên kế hoạch. Nhìn vào tờ giấy note ghi địa chỉ nơi đến, tôi, một lần nữa không khỏi ngạc nhiên, không lẽ mua bán đồ second hand lời nhiều lắm hay sao mà hầu hết những cửa hàng này đều tọa lạc tại những con phố du lịch, mua sắm sầm uất và giàu có nhất Boston như Beacon Hill, Havard Square, Newbury (tương đương với khu Đồng Khởi, Nguyễn Huệ ở Sài Gòn), nơi mà giá thuê mặt bằng không bao giờ rẻ?

Mặt tiền cửa hiệu Second time around.
Tầng hầm của cửa hiệu Second time around khiến phụ nữ nào cũng phải ghé mắt nhìn qua.

Second time around ở Beacon Hill, một trong những khu phố cổ mà tôi thường gọi là “khu nhà giàu” ở trung tâm Boston được bài trí khá đẹp mắt và đặc biệt… thơm tho. Đầu mùa hè nên cửa hàng rực rỡ sắc màu từ loạt quần áo mới, mũ, nón rộng vành dùng để đi biển. “Chúng tôi có hàng mới hầu như mỗi ngày. Còn mùi thơm, là một trong những tiêu chí quan trọng của cửa hàng, vì chúng tạo cho khách hàng cảm giác dễ chịu và… mới”. Cô bán hàng vui vẻ giải thích. Thật vậy, cách thiết kế cửa hàng và trưng bày hàng hoá không hề cho tôi cái cảm giác… nghèo nàn khi đi mua đồ cũ, đặc biệt là khu để đồ “hi-end” gồm toàn các thương hiệu nổi tiếng như D&G, Miumiu, Chloe, Stella Mcncarney. Lần shopping này, cô bạn tôi mua được một đôi giày Prada màu đen mũi hơi vuông rất cổ điển, đi êm chân, giá còn 90 USD. Đôi giày, thật ra nhìn không vintage lắm, mà hình như cũng chẳng phải mốt của một hai năm gần đây, nhưng 90 USD cho một đôi giày Prada là giá không tưởng, cô bạn tôi hồ hởi. Tôi thích một chiếc quần hiệu Marc Jacobs còn mới tinh, nhưng là “new arrival” nên giá tới 120 USD. Thấy tôi lưỡng lự, bạn tôi nói, thôi chờ sale đi. Khoảng một tháng sau là bắt đầu sale rồi đó. Nhìn lên tường, tôi thấy bảng hướng dẫn xem mác giảm giá. Màu xanh là 10%, màu vàng là 20%... và năm màu là 60%. Bạn tôi giải thích: “Thường thì hàng để càng lâu, càng khó bán thì giá càng rẻ, vì cửa hàng hoạt động trên nguyên tắc hàng ký gửi”. Nhưng họ tìm đâu ra nguồn hàng, và làm sao huấn luyện nhân viên mua hàng cũng như quản lý dòng tiền mặt cho hình thức kinh doanh quá mới như vậy, tôi tò mò, theo đúng nghĩa của một sinh viên học quản trị kinh doanh.

Tôi đem điều ấy hỏi cô bán hàng nếu tôi muốn bán lại quần áo cũ của mình thì sao, và tôi được chỉ dẫn rất tận tình. Phải đảm bảo quần áo còn gần như mới, hợp thời trang, không bị rách, lỗi, giặt ủi sạch, hẹn trước và đem đến cửa hàng. Cửa hàng sẽ thoả thuận giá, ghi giấy xác nhận đồng thời cung cấp cho người bán mã số để theo dõi online trên trang web xem hàng của mình bán được chưa. Khi hàng có người mua, chủ shop sẽ lấy một số tiền nhất định (thường khoảng 50% trở lên) theo thỏa thuận và chuyển khoản cho bạn số tiền còn lại. Như vậy, xét về cách mua hàng, có ba loại cửa hàng “second hand”. Loại thứ nhất là nguồn hàng có được hoàn toàn do quyên góp, từ thiện, tặng và cho không, mà đại diện là Goodwill, vốn vô cùng quen thuộc với dân Mỹ (tiền thu được sẽ dành cho các dự án phát triển cộng đồng, giúp đỡ người nghèo). Loại thứ hai hoạt động theo hình thức mua hàng đứt đoạn, trả tiền mặt, mà đại diện là One Upon a child, một trong những chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ dùng và quần áo cũ của trẻ con theo hình thức nhượng quyền kinh doanh lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Loại thứ ba là làm trung gian giữa người bán và người mua và “ăn” phần trăm nhất định, như kiểu Second time around. Tuy nhiên, xét về phân khúc thị trường thì những cửa hàng như Second time around kể trên định vị mình ở một phân khúc cao cấp hơn trong khi những trung tâm lớn như Goodwill lại ở phân khúc khá thấp. Quần áo, đồ dùng ở Goodwill tuy nhiều hơn, đa dạng hơn, nhưng có vẻ… cũ hơn và dĩ nhiên là giá rẻ hơn, không “kích thích” được việc chi mạnh tay khi mua sắm của phụ nữ.

Có thể tìm thấy cả những thương hiệu cao cấp như Prada, Chanel tại các cửa hàng bán đồ cũ.

Một đặc điểm nữa mà tôi nhận ra ở các cửa hàng “quần áo cũ cao cấp” này là “cá tính”. Vì nguồn hàng của cửa hàng phụ thuộc hoàn toàn vào dân cư xung quanh, nên áo quần, dù cùng một hệ thống, ở mỗi cửa hàng lại mang một sắc thái khác nhau. Ví dụ, Second time around ở Havard Square lại có khá nhiều áo quần, túi xách mang phong cách vintage trong khi cũng cửa hàng này, tại Newbury street, con đường mua sắm sầm uất nhất Boston lại rất nhiều đồ hiệu cao cấp. Tôi nhìn thấy cả những chiếc túi Prada và Chanel được trưng bày ở đây. Dù vậy, theo trực giác của tôi thì không nên chọn mua đồ len, lụa, đồ dệt kim từ những cửa hàng như thế này, trừ khi là hàng còn rất mới hay của những nhãn hiệu cao cấp, vì kỹ thuật giặt ủi cao cấp có thể “tút” lại một chiếc áo len không còn sắc nét.

Cả người bán và người mua cùng được lợi, mà người có lợi nhất là… chủ cửa hàng. Đó có lẽ cũng chính là lý do tại sao hàng second hand không bao giờ lỗi thời, mỗi năm, theo ước tính của hiệp hội Các cửa hàng sang nhượng Mỹ (National Association of Resale & Thrift Shops (NARTS) ước tính doanh số của các cửa hàng bán quần áo, vật dụng cũ này luôn tăng khoảng 5%, mà theo tôi, con số đó có thể còn cao hơn trong những năm kinh tế khủng hoảng này, vì có dân tộc nào thực dụng hơn người Mỹ đâu.

Hầu hết các thành phố lớn ở nước Mỹ như Washington D.C, New York, Boston… đều có những cửa hàng kiểu Second time around (phân khúc từ trung bình đến cao cấp, quy mô nhỏ). Các tên tuổi có thể kể ra là Second time around, Buffalo Exchange... Mỗi thương hiệu thường sở hữu khoảng dưới 25 cửa hàng. Những cửa hàng, dù quy mô nhỏ, nhưng hoạt động chuyên nghiệp không thua những trung tâm thương mại lớn bằng cách thường xuyên có những đợt giảm giá lớn vào cuối mùa, cuối tháng hay vào các dịp lễ lớn như Thanksgiving. Phòng thử đồ rất đẹp và thoáng, có phong cách.

One Upon a child có khoảng 235 cửa hàng tại vùng Bắc Mỹ. Theo số liệu thống kê cho đến năm 2010 thì mặc dù đây là năm nước Mỹ lao đao vì khủng hoảng kinh tế, nhưng đây lại là năm One Upon a child đạt được doanh thu và số lượng khách hàng cao nhất trong lịch sử 25 năm thành lập và phát triển của mình.

Bài và ảnh: Thục Quyên

Sài Gòn Tiếp thị

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (kỳ 7)

Tóm tắt: 

Kỳ 7: Las Vegas - “N trong 1”

Kỳ 7: Las Vegas - “N trong 1”

Nhắc đến Las Vegas ai cũng nghĩ đó là một sòng bài lớn, nhưng thực tế Las Vegas có nhiều hơn thế.

Đến Las Vegas, du khách được chiêm ngưỡng hầu hết những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Ngay tại trung tâm Las Vegas, tọa lạc một khu phố lịch lãm phong cách Pháp với tháp Eiffel thu nhỏ. Xuyên qua đường phố và các dãy nhà, khi ẩn khi hiện giữa các cửa hiệu và khách sạn, là một dòng sông nhân tạo với những người chèo thuyền mặc trang phục châu Âu thế kỷ 18, mang đến cảm giác lãng mạn gợi nhớ về Venice ở Italia. Mặc dù thời tiết ban trưa ở Las Vegas khá nóng, nhưng khi bước chân vào dãy phố được kiến tạo phỏng theo phong cách cổ châu Âu, du khách lại được cảm nhận không khí dịu mát cùng một bầu trời xanh mây trắng nhân tạo ngay trên đầu, đá lát dưới chân với các cửa hiệu, quán café, khách sạn… liên thông trong một hệ thống. Cạnh những tòa lâu đài tráng lệ và rực rỡ như trong chuyện cổ tích của Andersen lại là đường phố mang dáng dấp Ai cập cổ đại với các cây cột cao vút chạm trổ những chữ tượng hình… Cách đó không xa là tượng nữ thần Tự do nước Mỹ màu xanh đang giơ cao ngọn đuốc. Chụp ảnh lưu niệm với tượng nữ thần tự do ở đây dễ hơn nhiều so với việc chụp với tượng thật ở New York bởi đây tượng ở đây là mô hình thu nhỏ và ở ngay trên đường phố.    

Tượng nữ thần tự do ở Las Vegas

Theo giới thiệu, Las Vegas được bắt đầu xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Ban đầu thành phố chỉ có một ga xe lửa nhỏ cùng vài toà nhà nằm trên sa mạc. Năm 1946, sòng bài đầu tiên tại Las Vegas đã hoạt động, nhưng đầu những năm 1950, du khách đến Las Vegas không chỉ đánh bạc mà còn xem các cuộc thí nghiệm bom nguyên tử ở sa mạc nằm ngoài thành phố, ngày đó người ta không biết nó nguy hiểm, thậm chí còn nghĩ nó rất thú vị.

Mặc dù được xây dựng ngay trên sa mạc với địa hình và khí hậu không lấy gì làm thuận lợi, nhưng các kiến trúc sư quả thật đã rất thành công khi biến mảnh đất cằn cỗi này thành một thành phố đẹp như thiên đường trong chuyện cổ tích. Mỗi khách sạn lớn ở Las Vegas đều được thiết kế rất đặc biệt và đặc trưng theo phong cách khác nhau. Có khách sạn như một hòn đảo nhiệt đới cùng sắc màu rực rỡ, khách sạn khác được thiết kế và trang trí theo  kiến trúc Hy lạp cổ đại với những bức tượng điêu khắc tuyệt đẹp, lại có khách sạn mang dáng vẻ huyền bí Ả rập… Nhưng điểm chung của tất cả các khách sạn này là đều có sòng bạc, máy đánh bạc và đa số được bố trí nằm ở tầng hầm của khách sạn. Các sòng bạc của các khách sạn lớn được xây dựng thành một tổ hợp liên thông với nhau. Khi đứng tại sòng bạc dưới tầng hầm của khách sạn đang ở, chúng tôi hỏi nhân viên ở đó về đường đến sòng bạc lớn nhất ở Las Vegas thì được chỉ dẫn là không cần trở lên cửa chính của khách sạn để ra phố mà cứ đi dưới tầng hầm này theo lối chỉ dẫn thì chỉ khoảng 10 phút đi bộ là sẽ đến nơi, dọc theo lối đi có nhiều sòng bạc khác, nằm dưới các khách sạn khác. Muốn đến tham quan các khách sạn khác thì cũng có thể đi bộ xuyên qua các dãy sòng bạc và các máy đánh bạc rồi tìm thang máy để lên tầng trên của các khách sạn khác.

Wow, thật là tiện và tiết kiệm thời gian cho những ai muốn thử vận may với trò đỏ đen này. Nhưng trẻ em thì không, tuyệt đối không, bởi trong khi đợi làm thủ tục nhận phòng khách sạn, một cháu nhỏ trong đoàn du lịch mỏi chân vừa đến ngồi lên chiếc ghế ở máy đánh bạc thì lập tức một giám sát viên  tiến lại yêu cầu cháu rời ngay khỏi chỗ ngồi trong khi các cô chú người lớn thì cứ việc ngồi hay đánh bạc trên máy thoải mái. Các sòng bạc nằm dưới tầng hầm khách sạn và đèn thì sáng suốt ngày đêm, vì vậy nếu không nhìn đồng hồ thì thật khó biết lúc nào là sáng, trưa hay chiều, tối; bởi vậy Las Vegas còn được gọi tên là “Thành phố Ánh sáng”

Dòng sông nhân tạo trong nhà ở Las Vegas

Las Vegas đúng là một thành phố của những sòng bạc, ngoài những cái tên đẹp, nhiều người Mỹ còn gọi Las Vegas là "Lost Wages" (có nghĩa là "mất hết tiền lương"). Theo giới thiệu thì Las Vegas, tên của thành phố, còn được đặt cho một thuật toán: “Thuật toán Las Vegas” (Las Vegas Algorithm). Thật khó hình dung ra thành phố của những sòng bạc và trò giải trí này lại là nơi ra đời của một thuật toán phức tạp khô khan. Nhưng có lẽ có mối liên hệ nào đó giữa thuật toán này với quy luật thắng thua của những trò đỏ đen và có thể nó đã được hiện thực hóa trong những cỗ máy đánh bạc đang vận hành ở thành phố xinh đẹp này./.

Kỳ sau: California và Little Saigon

Anna Nguyễn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyện dọc đường

Những chấm phá khác biệt cho mùa Valentine 2012

Tóm tắt: 

Nói như nữ hoàng nhạc nhẹ Thanh Lam, thì ngày lễ Valentine không chỉ dành cho các cặp uyên ương mà tình yêu, tình thương còn mở ra nhiều biên giới khác. Có lẽ chính vì vậy mà giải trí mùa lễ Valentine năm nay sẽ có những điều khác biệt…

Nói như nữ hoàng nhạc nhẹ Thanh Lam, thì ngày lễ Valentine không chỉ dành cho các cặp uyên ương mà tình yêu, tình thương còn mở ra nhiều biên giới khác. Có lẽ chính vì vậy mà giải trí mùa lễ Valentine năm nay sẽ có những điều khác biệt…

Nhà hát lớn sẽ biến thành Gallery tranh nhờ “Thương”

Bắt đầu từ trên một chương trình tivi trước Tết, khi Thanh Lam thấy một bà mẹ ôm đưa con bị bệnh ung thư nức nở nói: “Cảm ơn các anh chị đã cứu sống con tôi”, chị đã không cầm lòng được. Chị hiểu mình và con mình còn sung sướng hơn biết bao nhiêu mảnh đời các em nhỏ bị ung thư ngoài kia. Khi tìm hiểu sâu hơn, chị còn biết có những em bé được chữa khỏi bệnh mà sau đó gia đình cạn kiệt không còn tiền để cho em đi học trở lại… Xót lòng trước những cuộc sống như thế, Thanh Lam đã quyết định quy tụ các nghệ sỹ để thực hiện một đêm nhạc có tên là “Thương” vào dầu năm, cũng là đêm nhạc mở đầu cho hoạt động nghệ thuật của chị trong năm 2012. Thanh Lam chọn đúng ngày Lễ tình nhân để làm chương trình bởi chị nghĩ, tình yêu không thể chỉ gói trọn ở tình trai gái mà lớn lao hơn, đó là tình yêu giữa người với người, giữa trái tim và trái tim…

Thanh Lam và Tùng Dương kết hợp trong liveshow "Thương"

Đêm “Thương” sẽ là một đêm nhạc khá đặc biệt từ ý tưởng của Thanh Lam với sự kết hợp của nhạc và họa. Toàn bộ Nhà hát lớn sẽ biến thành gallery thanh. 30 bức tranh của các em nhỏ bị ung thư được vẽ bằng bút sáp được trưng bày toàn bộ không gian sảnh Nhà hát lớn. Những bức tranh này cũng sẽ đề giá bán để những khán giả hảo tâm mua ủng hộ các em nhỏ. Đêm nhạc sẽ đấu giá tranh do 2 họa sỹ nổi tiếng Lê Thiết Cương và Đào Hải Phong tặng. Toàn bộ đêm nhạc “Thương” sẽ là tổng hòa của những tình yêu, Thanh Lam và Tùng Dương sẽ hát các ca khúc về tình yêu nổi tiếng của các nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Dương Thị,…

Thanh Lam nói, năm nay là năm mà tình hình kinh tế co hẹp, để làm được đêm nhạc gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chị và các nghệ sỹ cố gắng nhất có thể để thu được một số tiền nào đó trao trực tiếp tới những mảnh đời bất hạnh. Theo dự kiến của chị, nêu đêm nhạc thành công số tiền thu về sẽ ít nhầ là 500 triệu đồng.

Những món quà “đặc biệt” cho lễ tình nhân

Hiện nay, hầu hết các chương trình giải trí mừng lễ tình nhân đã được quảng bá rộng rãi. Thừa thắng xông lên với sự sôi động của mùa âm nhạc năm 2011, hàng loạt chương trình lớn được tổ chức vào dịp này quy tụ hàng loạt ngôi sao ca nhạc Nam – Bắc như “Cảm ơn tình yêu” ngày 14/12 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, đêm nhạc “Ngày chung đôi” với hai cặp uyên ương trong làng nhạc Hà Anh Tuấn - Phương Linh và Thanh Bùi - Văn Mai Hương ở chương trình “Âm nhạc trên tầng cao”, rồi chương trình “Tiếng Xuân” với đông đảo ca sỹ nổi tiếng tại Nhà hát lớn…

Bên cạnh các chương trình ca nhạc thì khán giả trẻ đang kháo nhau về “món quà” rất độc trong dịp này là bộ phim kinh dị Việt Nam “Ngôi nhà trong hẻm” sẽ ra mắt và sau đó là “Bẫy cấp 3”. Sau thành công của “Lời nguyền huyết ngải” thì “Ngôi nhà trong hẻm” mang nhiều hy vọng sẽ thu bộn tiền. Bộ phim có sự tham gia của hai diễn viên chính là Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân. Trần Bảo Sơn được đánh giá cao với vai nam chính trong “Giao lộ định mệnh”, Ngô Thanh Vân thì đây là sự trở lại sau 2 năm không tham gia phim ảnh.

Nam Phong

Phụ nữ thủ đô

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Đón xem triển lãm sắp đặt mô hình nhựa tại Hà Nội

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Nhóm nghệ sĩ paramodel danh tiếng thế giới sẽ giới thiệu triển lãm sắp đặt nghệ thuật “mô hình nhựa của paramodel là paramodel” từ ngày 17/2 tới hết ngày 11/3/2012 tại Hà Nội.

(ICTPress) - Nhóm nghệ sĩ paramodel danh tiếng thế giới sẽ giới thiệu triển lãm sắp đặt nghệ thuật “mô hình nhựa của paramodel là paramodel” từ ngày 17/2 tới hết ngày 11/3/2012 tại Hà Nội.

paramodel được hai nghệ sĩ Nhật Bản Hayashi Yasuhiko và Nakano Yusuke sáng lập năm 2001. Tên của nhóm được hợp nhất từ các từ Paradise (thiên đường), Paradox (nghịch lý) và Model (mô hình). Ngoài ra, tên của nhóm trong tiếng Nhật Puramoderu còn có nghĩa là sắp đặt sa bàn với đồ chơi. Qua việc kết hợp tinh xảo đồ chơi bằng nhựa cùng với các vật liệu đời thường khác, hai nghệ sĩ sáng tạo ra các bản thiết kế Thiên đường đồng thời nhấn mạnh các nghịch lý của cuộc sống. Các tác phẩm nghệ thuật hoành tráng của paramodel bao gồm từ các sắp đặt trải rộng kín khắp không gian phòng trưng bày tới các hình điêu khắc nhỏ xinh, cùng với video, tranh vẽ và nhiếp ảnh, cũng như kết hợp với các phương tiện truyền thông khác.

Các tác phẩm nghệ thuật này vui, bình dân và bắt mắt, và luôn gợi cho khán giả cảm giác quay trở về thời thơ ấu của họ. Hai nghệ sĩ sử dụng đồ chơi và các vật dụng đời thường theo những cách mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được dễ dàng mà không cần phải có kiến thức nghệ thuật.

Trong hai tuần lưu trú tại Hà Nội, paramodel sẽ sáng tạo tác phẩm sắp đặt trong không gian của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản - Japan Foundation với đồ chơi của Nhật Bản và Việt Nam và các vật dụng khác.

Hai nghệ sĩ cũng sẽ giao lưu cùng nghệ sĩ và khán giả Việt Nam qua một chương trình hội thảo từ 14h00 tới 16h00 ngày thứ Sáu, 17/2/2012 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Các bạn quan tâm có thể đăng ký tham gia miễn phí chương trình hội thảo này tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, (ĐT: 04-3944-7419).

Dưới đây là hình ảnh một số tác phẩm nghệ thuật của paramodel:

Mugen Co. paramodel Pipeline (2010) Bảo tàng nghệ thuật Otani Memorial, Hyogo, Japan Từ triển lãm cá nhân “The World According to paramodel” © paramodel/Photo by paramodel
paramodelic-grafitti (2010) Bảo tàng nghệ thuật Otani Memorial, Hyogo, Japan Từ triển lãm cá nhân “The World According to paramodel” © paramodel/Photo by paramodel
paramodel airline – Mabuchi motor 280 #002 (2010) Bảo tàng nghệ thuật Otani Memorial, Hyogo, Japan Từ triển lãm cá nhân “The World According to paramodel”
© paramodel / Photo by paramodel
paramodelic-grafitti (2011) Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia, Osaka, Japan Từ triển lãm tập thể “Ways of Worldmaking” © paramodel/Photo by paramodel

Bảo Ngọc

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nhà của Thủ tướng Anh lần đầu tiên lên tem bưu chính

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Số 10 phố Downing là nhà của Thủ tướng Anh đầu tiên Robert Walpole cho đến các thủ tướng sau này kể từ năm 1735. Nơi đây đã trở thành địa điểm nổi tiếng thế giới.

(ICTPress) - Số 10 phố Downing là nhà của Thủ tướng Anh đầu tiên Robert Walpole cho đến các thủ tướng sau này kể từ năm 1735. Nơi đây đã trở thành địa điểm nổi tiếng thế giới.

Bưu chính Hoàng gia Anh (Royal Mail) đã phát hành bộ tem gồm 26 con tem thể hiện các địa điểm nổi tiếng của Vương quốc Anh thu hút nhiều khách du lịch trên khắp thế giới, trong đó có ngôi nhà số 10, phố Downing.

Thủ tướng Anh David Cameron đã ký phát hành bộ tem bên ngoài cánh cửa màu đen nổi tiếng số 10 phố Downing. Con tem về phố Downing là một trong bộ tem gồm 26 con tem hạng 1 theo bảng chữ cái từ A – Z thể hiện những phong cảnh nổi tiếng từ 4 nước trong Vương quốc Anh.

Đó là nhà của tôi! Thủ tướng Anh David Cameron nâng con tem hạng nhất thể hiện hình ảnh số 10 phố Downing bên ngoài cánh cửa số 10  cùng với bưu tá cung điện Westminster Martyn Hardy.

Thủ tướng David Cameron cho biết: Vương Quốc Anh có những phong cảnh và di sản đẹp nhất, những nơi mà bạn có thể hoàn toàn tự hào. Tôi rất vui mừng được nhìn thấy một số trong những phong cảnh được yêu thích nhất trên những con tem này và một trong số đó là cánh cửa trước của số 10 phố Downing, tất nhiên, là con tem vô cùng đặc biệt.

Giám đốc điều hành của Bưu chính Hoàng gia Anh Royal Mail, ông Moya Greene cho biết: Bộ tem theo chữ cái A - Z của Vương quốc Anh là để kỷ niệm một số địa điểm được yêu thích nhất ở nước này, trong đó có cánh cửa số 10 phố Downing, lần đầu tiên được thể hiện trên con tem bưu chính.

Phần 1 của bộ tem này bắt đầu từ chữ cái A - L. Số 10 phố Downing trong tiếng Anh bắt đầu bằng chữ cái D. Thùng thư bằng đồng thau trước cánh cửa đen được khắc chữ từ năm 1735 đến nay.

A = Angel of the North (Gateshead, Tyne and Wear)
B = Blackpool Tower (Blackpool, Lancashire)
C = Carrick-a-Rede (Ballintoy, County Antrim)
D = Downing Street (London)
E = Edinburgh Castle (Edinburgh, Scotland)
F = Forth Railway Bridge (Firth of Forth, Scotland)
G = Glastonbury Tor (Glastonbury, Somerset)
H = Harlech Castle (Harlech, Gwynedd)
I = Ironbridge (Ironbridge Gorge, Shropshire)
J = Jodrell Bank (Cheshire)
K = Kursaal (Southend, Essex)
L = Lindisfarne Priory (Berwick Upon Tweet, Northumberland)

Phần 1 của bộ tem hạng nhất thể hiện nhiều phong cảnh nổi tiếng của Vương quốc Anh trong đó có cánh cửa ngôi nhà số 10 phố Downing của Thủ tướng Anh.

Những con tem trong phần 2 từ M - Z sẽ được phát hành vào tháng 4/2012.

Bảo Ngọc

Theo Royal Mail, DailyMail, BBC

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (kỳ 6)

Tóm tắt: 

Kỳ 6: San Francisco - phố tây và phố tầu

Kỳ 6: San Francisco - phố tây và phố tầu

Trái ngược với cái nóng nực ở Los Angeles và Las Vegas hay cái gay gắt khô khan ở Calico cùng những cung đường chạy qua vùng sa mạc cằn cỗi của miền tây nước Mỹ, chuyến du lịch đã đưa chúng tôi đến những cảm nhận khác hẳn về một thành phố ở miền tây này - thành phố San Francisco.

Giữa những ngày hè nhưng San Francisco mát mẻ thậm chí còn hơi lạnh như thời tiết ở Bắc Âu. Hoa ở San Francisco tuyệt đẹp. Có lẽ thời tiết lạnh kèm theo chút sương mù khiến những bông hoa có cơ hội se sua khoe sắc: đỏ thì đỏ rực, tím thì tím ngắt, vàng thì vàng ươm… Phong cảnh thành phố thật  lãng mạn nên thơ với những luống hoa rực rỡ trong nắng sớm, đâu đó vẫn còn vương đọng những giọt sương li ti chưa kịp tan, những cơn gió thì đủ lạnh để người ta xích lại gần nhau hơn…

Cầu cảng vịnh San Francisco

Sương mù cộng thêm với gió từ biển thổi vào cầu cảng khiến cái lạnh chuyển thành cái rét khi chúng tôi phải đợi khá lâu để lên tàu du lịch tham quan vịnh San Francisco với cây cầu Cổng vàng nổi tiếng. Thế là mọi người tranh thủ ghé vào các cửa hàng lưu niệm để mua sắm áo mặc cho đỡ rét. Quần áo trong các cửa hàng này toàn “made in china”, ngắm nghía thêm một chút thì hầu hết là trang phục màu xanh, xám và đen trắng kẻ sọc. Có vẻ giống trang phục tù nhân trong các nhà tù liên bang Mỹ mà chúng ta vẫn thấy trong các bộ phim trên kênh HBO hay Cinemax. Thì ra đây cũng là những món hàng lưu niệm độc đáo bởi chuyến tham quan vịnh San Franisco không chỉ có chiêm ngưỡng cây cầu Cổng vàng mà còn được nhìn ngắm từ xa khu nhà tù trên đảo Alcatraz. Tuy vậy những chiếc áo xanh, xám hay sọc đó vẫn được bán  rất chạy bởi nhiều khách tham quan bị bất ngờ trước cái lạnh ở đây. Chiếc áo khoác mỏng mà tôi mang theo từ sáng sớm đã khiến tôi trở nên may mắn vì không phải bỏ tiền ra mua một chiếc áo “độc đáo” chỉ để mặc một lần ở đây.

Được xây dựng bên bờ của đại dương lớn nhất thế giới, cầu có tên Cổng Vàng vì cầu bắc qua eo biển Cổng Vàng. Eo biển này nối Vịnh San Francisco với Thái Bình Dương, đó là cửa ngõ cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của California nói riêng và của nước Mỹ nói chung với thế giới bên ngoài. Cổng Vàng là một eo biển hẹp, rộng chỉ hơn một kilômét, mỗi lần thủy triều lên hoặc xuống, sự thay đổi mực nước giữa Đại Dương và Vịnh San Francisco khiến cường độ dòng chảy ở đây rất lớn, thêm vào đó là gió bão, sương mù… Mặc dù vậy, cây cầu từng được coi là “không thể xây dựng được” lại được hoàn thành chỉ trong một năm rưỡi. Cây cầu nổi tiếng bởi vẻ đẹp tráng lệ, tính hoàn hảo trong kiến trúc và sự hài hòa với phong cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên sương mù khá dày đặc ngay cả lúc giữa trưa nên chúng tôi đã không chụp được trọn vẹn hình ảnh của cây cầu. Dưới chân cầu về phía thành phố San Francisco là Pháo đài Fort Point được xây từ giữa thế kỷ 19 để bảo vệ cửa biển Cổng Vàng.

Một ngã tư ở San Francisco - ảnh 1

Chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan khu trung tâm San Francisco. Thành phố nằm trên sườn của những quả đồi nên có nhiều đường phố là những con dốc thoai thoải gợi nhớ về những thành phố châu Âu nơi có những quán rượu nằm dưới tầng hầm, vào mùa hè hay mùa thu khách ngồi bên cửa sổ có thể thỏa thích chiêm ngưỡng những đôi chân đẹp đang vô tư dạo phố. Một chiếc tàu điện dừng lại giữa phố, sao thế nhỉ? Đi tiếp đến ngã tư lại thấy một chiếc tàu điện khác cũng đỗ giữa dốc. Mất điện! Lạ nhỉ. Ở Mỹ cũng mất điện? Cảm giác quen quen như đang ở Hà Nội.

Một ngã tư ở San Francisco - ảnh 2

Xe tiếp tục chạy, chúng tôi nhận ra mình đang tiến vào khu phố tầu nổi tiếng ở San Francisco bởi những hàng chữ Trung quốc chạy dọc trên biển hiệu cửa hàng. Có lẽ sau khi Calico và miền tây cạn kiệt khoáng sản, những người Hoa đã nhanh chóng tụ về San Francisco, nơi đã được họ gọi tên là “Cựu kim sơn” - núi vàng cũ. Với tài buôn bán kinh doanh dường như bẩm sinh, những người Trung hoa ở đây lại tiếp tục khai thác những ‘mỏ vàng” mới với việc tạo lập nên một Chinatown khá rộng lớn ở thành phố này. Không lẫn vào đâu được dáng vẻ của khu phố tầu khi xe dừng lại trước một cửa hàng ăn có những chú vịt quay vàng suộm được treo lủng lẳng ngay trên quầy. Vịt quay ở San Francisco hấp dẫn không kém gì vịt quay Bắc Kinh. Món vịt quay ngon lành khiến chúng tôi có thêm năng lượng để cuốc bộ dạo trên những con phố khá dốc.

Một ngã tư ở San Francisco - ảnh 3

Thêm một ngạc nhiên nữa khi chúng tôi phát hiện ra vô số quần áo phơi đầy mặt tiền tầng trên của những ngôi nhà. To nhỏ, lớn bé, trong ngoài… quần áo sau giặt được phơi đầy trên ban công và cửa sổ của các căn hộ, có lẽ chỉ cần quan sát số quần áo được phơi ở ban công hay cửa sổ là có thể đoán ra căn hộ đó có bao nhiêu người và mấy thế hệ đang sống ở đó.

Dừng chân ở một ngã tư, những bức ảnh chụp được là sự trái ngược giữa sự hiện đại văn minh với cái xô bồ, nhếch nhác. Có lẽ đó cũng là nét đặc trưng của San Francisco. 

Một ngã tư ở San Francisco - ảnh 4

Kỳ sau: Las Vegas - “N trong 1”

Anna Nguyễn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Những biển hiệu vui nhộn trên thế giới

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Đi du lịch thật thú vị và biển báo cũng thú vị không kém.

(ICTPress) - Đi du lịch thật thú vị và biển báo cũng thú vị không kém.

Biên tập viên ảnh và nhà sưu tập biển hiệu Doug Lansky đã dành hơn 1 thập kỷ để sưu tầm và so sánh những bức ảnh về những biển hiệu không rõ ràng, vui nhộn và kỳ lạ trên toàn thế giới.

Trong cuốn sách mới của Doug Lansky “Biển báo 4: Nghệ thuật của những truyền thông gây nhầm lẫn” vừa xuất bản, bạn có thể tìm thấy những sưu tập của ông trên trang web www.signspotting.com.

Dubrovnik, Croatia

Chúng tôi hy vọng quốc gia đứng dậy và hoạt động trở lại. Chỉ là một số vấn đề kỹ thuật.

Thái Lan

Chúng tôi cần nhà máy, vì voi không đủ tự nuôi chúng.

Roche, Thụy Sỹ

Có thể bắt được vụ mưu sát nhờ biển hiệu chi tiết này.

Công viên Fujikyu, Nhật Bản

Chúng tôi biết làm thế nào để tiến tới và làm một thoi con gấu vào mũi của nó. Chúng tôi vẫn biết cách này. Nhưng chỉ 1 lần thôi, chúng tôi đề nghị bạn hãy chung sống hòa bình.

Bushmills, Bắc Ireland

Với những biển hiệu khá phổ biến của máy ATM, không biết ATM ở đây có tiền hay không hay không

Disneyland, California, Mỹ

Mãi mãi nhưng giới hạn

Baignolet, Pháp

Cho những ai không đủ thông minh đến Margaritaville.

Giza, Ai Cập

Chúng tôi đưa bạn đến đó. Bạn hãy tự tìm đường về.

Honolulu, Mỹ

Chú ý! Lươn có thể trơn

Quảng Châu, Trung Quốc

Tình huống này là như thế nào

Taichung, Đài Loan

Bạn đã tìm mọi cách đến phòng tắm và bạn giữ chặt trong 30 cm kế tiếp.

Milan, Italia

Chỉ có những người vui nhộn có chương trình video tại gia đình thú vị.

Malcom, Nebraska, Mỹ

Thay da lông thú, sắp xếp lại sọc vằn, thay gạc… cách nào thích hơn? Bạn thích 2 năm hay 30.000 dặm (48.000 km) bảo dưỡng một lần.

Bảo Ngọc

Theo CNNGo

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Ngạc nhiên với những tấm ảnh iPhone dọc đường

Tóm tắt: 

(ICTPress) - iPhone đã trở thành công cụ tuyệt vời cho lúc đi du lịch vì sự tin cậy trong mọi tình huống.

(ICTPress) - Thế hệ điện thoại máy ảnh đầu tiên được sử dụng để có được những bức ảnh nhận thực người gọi mờ mờ. Hiện nay, iPhone đã có thể chụp và biên tập ảnh.

iPhone đã trở thành công cụ tuyệt vời cho lúc đi du lịch vì sự tin cậy trong mọi tình huống. Bạn có thể cầm theo mọi lúc thay cho chiếc máy ảnh to, và rất nhiều ứng dụng khác nhau có thể tương tự như những hiệu ứng của máy ảnh như ngẫu hứng (lomography), Cross Process hay còn gọi là “Xpro” là một mẹo rất phổ biến của  dân chơi Lomography để đem lại màu sắc dị thường cho những bức ảnh, và ghép nhiều ảnh thành 1 ảnh (auto-stitch panorama).

Dưới đây là một số tấm ảnh ấn tượng được các nhà báo CNN chụp bằng iPhone qua những chuyến đi.

Duomo di Milano, Milan, Italia

Joanne Huang chụp tấm hình này trên đỉnh mái của một thánh đường ở Milan. “Tôi đã bị kỳ quan kiến trúc tân cổ điển, Roman, Gothic ở Milan mê hoặc. Một điều tôi thích làm bất cứ khi nào tôi ở Milan là chỉ lang thang quanh các con phố, tự hỏi phải mất bao lâu để xây dựng nên những kỳ quan kiến trúc này, và cũng cảm được những gì mà thành phố này đã như thế nào trong thời cực thịnh”, Joanne Huang cho biết.

Bầu trời rực rỡ ở Austin, Texas, Mỹ

Nhà báo Archi Agarwal chụp tấm hình này trong khi đi bộ đến khu đỗ xe văn phòng của mình ở Dallas Texas. “Thường vào buổi chiều, tôi ngại đi bộ đến ô tô của mình bởi vì tôi phải hướng về phía Tây và mặt trời luôn rọi thẳng vào mặt. Nhưng vào hôm đó mặt trời đã không rọi vào mắt và cực kỳ đẹp. Tôi đã không sử dụng bất cứ hiệu ứng đặc biệt nào, ánh mặt trời tự xuất hiện rực rỡ”, Argawal bày tỏ cảm xúc khi chụp được tấm hình này.

Công chúa yêu nước ở thành phố Quezon, Philippines

Bức ảnh này được chụp trong hoạt động kỷ niệm Liên hợp quốc ở thành phố Quezon, Philippines. Nhà báo Sherbien Dacalinio cho biết: Những hoạt động trong ngày Liên hợp quốc là một sự kiện lớn ở các trường học và các phố buôn bán lớn nơi cơ quan Liên hợp quốc tại đây khuyến khích học sinh phổ thông mặc trang phục dân tộc đẹp nhất mà các em thích. Cô bé trong bức ảnh này đã tham dự lễ rước của Liên hợp quốc và em đã mặc trang phục của Argentina. Tôi đã hỏi bố mẹ của em liệu tôi có thể chụp 1 tấm hình. Tôi thích chụp ảnh bằng chiếc iPhone 4 bởi vì giúp tôi lưu giữ được những khoảnh khắc sống động mà ảnh không bị mờ”.

Thủy triều đỏ ở San Diego, California

Nhà báo Donald Haake đã chụp những tấm ảnh thủy triều đỏ này ở bờ biển Encinitas ở San Diego, California. Thủy triều đỏ là một sự kiện hiếm có của tảo hình roi phát sáng làm sáng nên những con sóng tản ra với một luồng đỏ xanh tươi kỳ lạ.

Cảng thương mại ở Brookings, Oregon

Bức hình này được chụp tại một cảng thương mại ở Brookings, Oregon. “Hiệu ứng này chỉ là một cái gì đó tôi đang thử nghiệm. Đây là bức ảnh chụp thực tế đi du lịch đầu tiên của tôi”, nhà báo James Brunson cho biết.

Bãi biển Sport Haven ở Brookings, Oregon

Brunson chụp tấm hình tuyệt vời này ở bãi biển Sport Haven ở Brookings, Oregon. “Tôi đã sử dụng iPhone 4 được gắn vào một thiết bị là ALM OWLE Bubo. Chiếc điện thoại vừa với phía sau của Bubo và chiếc máy ảnh điện thoại này chụp qua một lăng kính góc rộng, hoặc thấu kính macro để đạt được cận cảnh trong và nhanh. Việc biên tập ảnh được thực hiện ngay trên chiếc điện thoại bằng PhotoShop Express, Brunson chia sẻ.

Thành phố Praha, Cộng hòa Séc

Marcela chụp tấm hình này vào tháng 2/2010 khi cô đang gần lâu đài Praha ở Praha, Cộng hòa Séc. Cô cho biết: Chúng tôi đang đi nghỉ và hoàn toàn khuyến khích viếng thăm nơi đây trong mùa Đông bởi vì sẽ ít người hơn và tuyết làm cho thành phố này hàng triệu lần đẹp hơn”.

Cua biển ở công viên biển Harris ở Brookings, Oregon

“Tôi đang tìm cách vượt qua các vực thủy triều ở công viên biển Harries khi tiến gần đến con cua. Chỗ nhỏ là chỉ khoảng 1 inch (2,54 cm) trên thân, không kể càng. Thật khó để chụp được tấm hình này vì nó không dừng lại đủ lâu”, James Brunson nhớ lại khoảnh khắc của tấm hình.

Bảo Ngọc

Theo CNNGo

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Tết của những người trẻ thích “xê dịch”

Tóm tắt: 

Tết với nhiều người là dịp đoàn tụ gia đình nhưng với nhiều bạn trẻ, Tết lại là dịp để hiện thực những chuyến đi dài…

Tết với nhiều người là dịp đoàn tụ gia đình nhưng với nhiều bạn trẻ, Tết lại là dịp để hiện thực những chuyến đi dài…

Khám phá

Từ 3 đến 4 năm nay, Tết nào cũng vậy, cứ mồng 2, mồng 3 Tết là Trần Hồng Ngọc (sinh năm 1984, quê Việt Trì, Phú Thọ, công tác tại Ngân hàng Hàng Hải) lại xách ba lô đi du lịch. Năm thì cùng bạn bè bay vào Sài Gòn, ra Cát Tiên, Phú Quốc để tránh cái rét “cắt da cắt thịt” miền Bắc, khám phá không khí, hương vị Tết phương Nam; năm thì đặt vé máy bay giá rẻ để đi du lịch nước ngoài 7 đến 10 ngày…

Hầu hết các chuyến đi trong dịp Tết của Ngọc đều được lên kế hoạch “dài hạn” trước đó nửa năm, hay thậm chí cả năm. Chủ động tìm hiểu trước địa điểm đến: Thăm nơi nào, chơi ở đâu, đi lại bằng gì, ăn, ngủ chỗ nào… và chỉ đợi các hãng máy bay tung đợt bé giá rẻ là Ngọc và bạn bè tranh thủ lên mạng săn vé, tiết kiệm được khá chi phí.

Việc chọn điểm đến cũng không phải hoàn toàn ngẫu hứng. Trong danh sách các điểm đến của Ngọc, thăm các nước ở khu vực Đông Nam Á được ưu tiên trước, bởi điều kiện địa lý tương đồng, chi phí đi lại, sinh hoạt không quá đắt đỏ và còn được miễn phí visa (giấy phép nhập cảnh) đối với công dân Việt Nam. Đến nay, trong 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, Ngọc đã đến được 5 nước: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia.

Tết này, Ngọc sẽ đến Myanmar. Do thời tiết ở đây khá nắng nóng nên mùa du lịch tốt nhất tại Myanmar là từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm. Vì vậy, việc đi du lịch Myanmar vào dịp Tết Nguyên đán là khá hợp lý, vừa không phải chịu nắng nóng quá mức, vừa tiết kiệm được mấy ngày phép. “Trước Tết em tranh thủ gặp mặt bạn bè. Mồng 1 Tết cùng ăn với gia đình bữa cơm đầu năm mới, đi chúc Tết ông bà, chú bác… Thực hiện “nghĩa vụ” xong, em ung dung xách ba lô lên đường. Ban đầu, bố mẹ cũng “cằn nhằn” đôi chút nhưng sau đó thành… quen. Bây giờ mẹ còn phụ  sắp đồ cho em” - Ngọc cười giòn tan kể.

Du xuân trên những triền núi ẩn hiện trong mây của Sapa (Ảnh: VTC)

Nguyễn Thanh Nga (SN 1980, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa) lại chọn Tết xa nhà vì: “Mấy năm nay, năm nào về quê ăn Tết, họ hàng ai cũng hỏi: “Không dẫn anh nào về ra mắt à?”, rồi: “Bao giờ định lấy chồng thế?”… Biết là mọi người quan tâm, lo lắng cho mình, nhưng vẫn thấy buồn. Thế là Tết năm ngoái tôi “bám càng” 1 đồng nghiệp tham gia nhóm phượt 7 ngày đi Apachải (tỉnh Điện Biên) - nơi “một tiếng gà gáy, 3 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Lào) đều nghe được”. Kỷ niệm của chuyến đi với bao chuyện “nhặt” dọc hành trình từ Hà Nội – Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Mường Nhé - Apachải - Sapa, cùng việc khám phá cuộc sống, văn hóa, tinh thần của người dân, nhất là các dân tộc miền núi phía Bắc đã để lại trong Nga ấn tượng mạnh với những cảm xúc thật khác lạ. Những trải nghiệm mới đã thôi thúc Nga thực hiện các chuyến hành trình mới với mong muốn khám phá thêm về đời sống của người dân Việt trên mọi miền đất nước.

Lập hội chơi Xuân

Những năm gần đây, trong trào du lịch Tết cũng được nhiều gia đình, nhóm bạn thân lựa chọn. Những người không “lôi kéo” được người thân tham gia thì ngay từ giữa năm đã chọn cách lên các diễn đàn: du lịch, phượt… lập topic rủ rê, tìm bạn đồng hành.

Tại diễn đàn www.phuot.com, trong mục Tìm bạn đồng hành, chỉ ngó sơ qua đã có thể điểm được vài chương trình hay ho như: Tìm bạn đồng hành đi Ấn Độ - Nepap dịp Tết Nhâm Thìn 2012 từ 22/1/2012 (30 Tết) đến 4/2/2012, Myanmar 11 ngày xuyên Tết (18 - 29/1/2012 tức 25 đến mồng 7 Tết) hay chương trình nghỉ Tết - du xuân xuyên Việt khoảng 20 ngày, dự kiến khởi hành từ sáng mồng 2 Tết…

Hầu hết các topic này đều có chung đặc điểm: Tên chuyến đi, lịch trình dự kiến, các địa điểm sẽ ghé thăm mỗi ngày, tổng chi phí tạm tính. Người lập topic để lại điện thoại, email hay nick chat và những ai có cùng sở thích, sắp xếp được thời gian tham gia có thể dễ dàng kết nối, hẹn gặp mặt để bàn bạc kế hoạch, rồi chuẩn bị đến ngày là lên đường.

Với những người trẻ thích “xê dịch”, Tết càng trở nên ý nghĩa hơn khi họ được thỏa sức khám phá cuộc sống sôi động, hòa mình vào không khí Tết ở những miền đất mới.

Khánh Phạm

Phụ nữ Việt Nam

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường