Sơn Trà Tịnh Viên - Bảo tàng tre độc đáo

(ICTPress) - Trong cái nắng oi bức của Đà Nẵng một ngày cuối tháng 6, chúng tôi không thể tưởng tượng được đón nhận không khí trong lành, mát lạnh ngay giữa ban trưa chỉ cách khu đô thị mới sầm uất hơn nửa cây số.

Tiếp chúng tôi là một nhà sư có pháp danh Thích Thế Tường, thầy đã chia sẻ cùng chúng tôi suốt cả buổi chiều về đề tài tre trúc Việt Nam.

Thầy Thích Thế Tường quê ở Huế, đi tu từ năm 14 tuổi. Cách đây 10 năm, ông được một phật tử cúng dường một hecta đất ở Suối Đá trên bán đảo Sơn Trà. Giữa chốn núi rừng hoang vu, lau sậy bạt ngàn, thầy Tường dựng một cái am nhỏ làm nơi tu hành.

Quan điểm của thầy là tư tưởng nhập thế “cư trần lạc đạo”, tu không nhất thiết phải vô chùa, đóng cửa tụng kinh mà tìm niềm vui của đạo ngay trong chốn trần ai. Bởi vậy, thầy rất ngưỡng mộ dòng thiền Trúc Lâm, một dòng thiền thuần Việt. Vì tư tưởng ấy mà thầy đã chọn một lối đi cũng là lối tu: Sưu tầm toàn bộ các giống tre trúc còn có ở mọi miền đất nước về trồng để bảo tồn giống tre trúc Việt. Thầy đặt tên cho khu rừng của mình là Sơn Trà Tịnh Viên.

Ban đầu, để tạo mặt bằng và cảnh quan từ một vùng núi đá hoang sơ là một kỳ công của Thích Thế Tường. Thầy phải lao động cật lực suốt ngày đem để đào đất, xeo đá, san lấp. Từ một dòng suối thác cao hằng năm bào mòn bao nhiêu đất đá, thầy phải tách dòng đến hai chặng thành bốn nhánh suối với độ dốc và lưu lượng nước ít hơn. Do đó tạo được sự hài hòa giữa dòng chảy và nước tồn nên bảo vệ được chống xói mòn và làm đất thêm màu mỡ. Ngay cả những nông dân cần cù nhất cũng phải nể phục sự bền bỉ và chịu đựng khó nhọc của thầy.

Đối với thầy Tường thì từng viên đá cũng đều có linh hồn của rừng núi nên thầy không bao giờ phá một tảng đá nào mà chỉ thay đổi vị trí bề mặt cho hợp với phong cảnh và tạo chỗ ngồi hóng mát cho du khách trong rừng. Những cây bản địa thầy cũng gìn giữ nâng niu cẩn thận, hạn chế tối đa việc thay đổi hệ sinh thái. Do đó, bảo tàng tre trúc được trồng xen kẽ với rừng bản địa trông rất đẹp mắt và cộng sinh được sự phát triển.

Hơn 10 năm qua, thầy Tường đã biến khu rừng hoang vu thành một bảo tồn tre trúc vừa có giá trị về sinh học, vừa có giá trị về văn hóa, du lịch. Nơi đây đang là điểm đến của du khách, của những ai nâng niu các giá trị truyền thống dân tộc. 

Tre bao bọc ao cá

Thầy Tường giải thích: “Tôi chọn cây tre, trước hết vì nó là cây thuần Việt. Nó lại là loại cây biểu tượng cho phẩm giá của người Việt. Ngoài ra, đây còn là loại cây làm nên tên tuổi một dòng thiền từng nổi tiếng của Việt Nam đó là Trúc lâm Yên Tử”.

Thấy chúng tôi có vẻ lo ngại về đời sống tinh thần ở đây, thầy Tường liền đem laptop ra rồi vào Facebook để xóa tan nỗi nghi ngờ. Không ngờ, thầy là người rất am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.

Tôi hỏi: thầy đã đến Bảo tàng tre trúc Phú An tại Bình Dương chưa? Thầy bảo không những đến đó mà thầy còn nghiên cứu kỹ về Phú An, ngoài ra thầy còn đi nhiều nước để nghiên cứu về tre trúc, trong đó Thái Lan là nơi thầy đánh giá cao nhất về khả năng bảo tồn và phát huy các giống tre quý.

Thầy cho biết, hiện nay, cả nước có 3 nơi bảo tồn tre lớn đó là Phú An, Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam tại Hà Nội và nơi thứ 3 là Sơn Trà Tịnh Viên.

Khi được hỏi nhận định về qui mô giữa 3 bảo tàng này, sau một ngụm trà,  thầy từ tốn trả lời rằng: mỗi một bảo tàng có một phương châm riêng. Bảo tàng Phú An thì thiên về làng nghề khép kín bằng việc nuôi trồng, khai thác, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm tre trúc với mục tiêu góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; đối với Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam thì qui mô khá lớn nhưng tre trúc chỉ là một phân hệ nhỏ. Còn riêng Sơn Trà Tịnh Viên thì quy mô chả là gì so với các bảo tàng trên nhưng thầy chú trọng phương châm bảo tồn tất cả các giống tre Việt Nam. Do vậy, nếu đem so sánh các bảo tàng này với nhau thì có phần khập khiễng.

Thấy hàng rào quanh nhà thầy được trang trí bằng giống cây nhỏ nhưng khá dễ thương, anh bạn tôi phải thốt lên: “Ôi loại trúc gì mà đẹp quá vậy!”. Thầy mỉm cười cho biết đó là giống tre đuôi gà chứ không phải trúc. Từ đó thầy dẫn chúng tôi tham quan và chỉ cho cách phân biệt giữa tre và trúc. Chẳng hạn: tre thì nhánh có một chính hai phụ còn trúc thì một chính một phụ; tre thì mọc thành cụm liền còn trúc có thể mọc mầm mới tách xa bụi gốc một quãng khá xa… Ngoài tre và trúc thì có một giống lai ở giữa là cây vầu, đó là loại cây có các đặc tính nửa trúc nửa tre.

Thầy Tường bên tác phẩm của mình

Tuy nhiên, thầy cũng cho chúng tôi biết là dù đã nghiên cứu nhiều nhưng thầy vẫn còn “bí” bởi một vài giống, chẳng hạn thầy chỉ chúng tôi bụi cây thầy ghi tên là Trúc quân tử Huế nhưng thầy cười ha hả bảo rằng đó là ghi theo trực quan mình thôi chứ thầy đang gửi hồ sơ đến các cơ quan chuyên ngành để xác định giống cây trước khi ghi tên khoa học chuẩn xác mới công bố.

Điều thầy luôn trăn trở là có nhiều loại tre, trúc quý có tên trong cuốn Tre trúc Việt Nam nhưng đã không còn ngoài thực tế. Mỗi ngày qua đi, nguy cơ tre trúc Việt bị hủy diệt càng lớn.

Để có được nhiều giống tre như vậy, thầy Tường phải lặn lội khắp các tỉnh miền Trung, rồi vào Nam, ra Bắc để đi tìm tre, trúc cả ở những nơi hoang vu rừng núi, vùng sâu, vùng xa trong suốt 10 năm qua.

Đến nay, Sơn Trà Tịnh Viên đã có hơn 100 loài tre, trúc khác nhau. Với vị trí trung tâm, giao thoa khí hậu, vùng đất của thầy đã dung hòa được tre trúc cả 3 miền. Tại đây có những loại huyền trúc đặc biệt quý hiếm, ngày xưa có rất nhiều ở Yên Tử nhưng bây giờ chỉ còn rải rác ở Lào Cai và Hà Giang. Khu rừng tre này, không khác gì một viện bảo tàng, nơi khát vọng, trí tuệ và công sức đều đáng ngưỡng mộ.

Rời Sơn Trà Tịnh Viên cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Trong lòng ai cũng lâng lâng một niềm vui khó tả. Chợt trong lòng tôi lại dậy lên những câu thơ đầy dân dã mà triết lý của Nguyễn Duy: “Tre xanh. Xanh tự bao giờ. Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh…”.

Trnh Quang

Tin nổi bật