Lịch sử hòa bình lưu giữ ở Hiroshima

(ICTPress) - Đã đến Nhật Bản, đến Hiroshima, bạn nên đến thăm Công viên Hòa bình. Công viên Hoà bình có khu tưởng niệm hoà bình Hiroshima (Genbaku Dome), nơi tưởng niệm những người đã mất trong trận Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6/8/1945.

Công trình này được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới năm 1996. Với nỗ lực của nhiều con người, trong đó có thành phố Hiroshima, khu tưởng niệm này vẫn được bảo tồn nguyên trạng không chỉ bởi nó là biểu tượng nghiệt ngã và có sức lay động lòng người mạnh mẽ của một trận huỷ diệt nhất mà con người từng tạo ra. Công viên hoà bình cũng là nơi còn thể hiện khát vọng về một thế giới hoà bình và chấm dứt vĩnh viễn vũ khí hạt nhân.

Bia tưởng niệm Hoà bình ở công viên này để tưởng niệm tất cả các trẻ em đã chết do trận nổ bom nguyên tử ở Hiroshima. Bia tưởng niệm này lấy cảm hứng từ cái chết của em Sakado Sasaki bị nhiễm xạ từ quả bom nguyên tử ở tuổi lên 2. 10 năm sau em bị bệnh bạch cầu và ra đi mãi mãi. Sự ra đi khi còn quá trẻ của em đã thúc đẩy những bạn bè trong lớp em kêu gọi việc xây dựng một bia tưởng niệm cho tất cả những em đã chết vì bom nguyên tử. Bia tưởng niệm này được xây dựng với sự đóng góp của 3.200 trường học ở Nhật Bản và nhiều người hiến máu ở 9 quốc gia.

Công trình này được khai trương ngày 5/5/1958. Trên đỉnh bia tưởng niệm cao 9 m là bức tượng một bé gái nhấc bổng một con hạc giấy có niềm tin về một nền hoà bình trong tương lai. Trên các bề mặt của bia tưởng niệm là hình ảnh một cậu bé và một cô bé. Trên phiến đá dưới biểu tượng có khắc dòng chữ: Đây là nơi chúng ta tuởng nhớ, cầu nguyện để xây dựng hoà bình cho thế giới này. Trên bề mặt của quả chuông treo bên trong bia tưởng niệm có những dòng chữ: “Hàng ngàn con hạc giấy”, “Hoà bình trên trái đất và trên thiên đường” được TS. Hideki Yukawa, người đoạt giải Nobel Vật lý, khắc tay. Quả chuông và con hạc màu vàng được treo bên trong bia tưởng niệm là những bản sao thật được sản xuất năm 2003.

Tôi rất ấn tượng khi gặp từng tốp học sinh phổ thông được thầy, cô giáo đưa đến đây học lịch sử ngay tại công viên. Một bài học tại chỗ như thế này thật hay và ý nghĩa hơn nhiều khi ngồi ở trường và cứ học, đọc chay, nghe chay.

Khách viếng thăm công viên Hoà bình có thể nhìn thấy nhiều con hạc giấy màu sáng ở mọi nơi. Những con hạc giấy này có nguồn gốc từ nghệ thuật xếp giấy truyền thống của Nhật Bản, và hiện nay được biết đến như biểu tượng của hoà bình, niềm tin bất diệt. Những con hạc giấy gấp thể hiện ước vọng hoà bình ở nhiều nước trên thế giới. Mối liên hệ giữa hạc giấy và hoà bình cũng liên quan đến em Sakado Sasaki. Trước khi mất Sasaki cũng tin tưởng rằng gấp hạc giấy sẽ giúp em hồi phục và em đã gấp hạc giấy cho tới tận giờ phút cuối cùng, ngày 25/10/1955, sau tám tháng chống chọi với bệnh tật và ra đi mãi mãi.

Tôi viết vài dòng về Công viên hoà bình ở Hiroshima trong những ngày đất nước ta kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn đất nước 30/4, cảm xúc được sống trong một đất nước hoà bình lại nghèn nghẹn trong lòng. Hai từ “Hoà bình” thật là thiêng liêng!

Linh@

Tin nổi bật