Chuyện dọc đường
Đầu năm xin lộc Tây Hồ
Submitted by nlphuong on Tue, 24/01/2012 - 10:28(ICTPress) - Bạn hãy làm một chuyến du xuân quanh Hồ Tây để xin lộc đầu năm mới và nhiều điều thú vị đang chờ đợi bạn xuất hành.
(ICTPress) - Trong những ngày xuân, một trong những địa chỉ ở Hà Nội bạn không thể bỏ qua là đi lễ và vãn cảnh xuân xung quanh Hồ Tây.
Men theo con đường bao quanh Hồ Tây được hình thành, dài gần 20km, bạn có thể đến lễ hoặc vãn cảnh tại tại 20 đình, đền, chùa, miếu, phủ thờ Mẫu được xếp hạng là di tích quốc gia.
Bạn hãy làm một chuyến du xuân quanh Hồ Tây để xin lộc đầu năm mới và nhiều điều thú vị đang chờ đợi bạn xuất hành.
Đền Quán Thánh - nơi thờ tự Thăng Long tứ trấn xưa
Đền Quán Thánh có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Bốn ngôi đền đó là: Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành). Cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.
Qua gần một thiên niên kỷ, đền Quán Thánh vẫn còn nguyên vẹn, duyên dáng bên hồ Tây thơ mộng, không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, Đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay.
Thành kính |
Xem bản đồ Thăng Long Đông Kinh 1490 bên trong Đền Quán Thánh và nhiều cổ vật như Tượng Đồng Trấn Vũ Chuông Khánh, Cây Đèn Đồng |
Ngọn lửa của những mong cầu |
Mua chút may mắn đầu năm ở quầy sổ xố |
Chùa Trấn Quốc - đóa sen Hồ Tây
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội, ngót 1.500 năm, nằm cạnh Hồ Tây, ở cuối đường Thanh Niên. Chùa Trấn Quốc là một biểu tượng của văn hóa Thủ đô.
Dòng người nườm nượp vào chùa ngày đầu năm |
Cầu mong đầu năm tại chùa Trấn Quốc |
Cùng thưởng thức một tấm ảnh đẹp chụp bên cây Bồ Đề |
Hãy mua cho em quả bóng bay |
Phủ Tây Hồ - đi lễ mẫu
Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ). Ngày đầu năm, nhiều người nhưng chưa phải là lúc đông nhất, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.
Vẫn chưa phải là lúc đông nhất tại Phủ |
Chuẩn bị lễ vào Phủ dưới những gội cây la đà |
Gốc cây ở Phủ Tây Hồ |
Bà và cháu hưởng chút nắng bừng lên trong ngày đầu năm khá rét |
Chùa Kim Liên - không gian tĩnh tại
Khuôn viên chùa khá rộng, nằm ở ven hồ, gần khách sạn nổi Intercontinental, không nhiều người chen chúc như Phủ Tây Hồ, không đông như trẩy hội chùa Trấn Quốc trong ngày đầu năm mới, không gian của chùa Kim Liên thật tĩnh tại.
Không gian rộng và thưa người ở chùa Kim Liên |
Chùa Sãi - nét cổ kính bên Hồ Tây
Chùa Sãi, tên chữ là Tĩnh Lâu tự, nằm bên bờ Hồ Tây, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì chùa Tĩnh Lâu có từ thời Lý. Chùa vừa hoàn thành trùng tu lại theo hướng bảo tồn nguyên vẹn di tích.
Một góc kiến trúc chùa Sãi |
Ngắm những đường nét bên trong chùa |
Chùa Vạn Niên
Chùa Vạn Niên tọa lạc tại thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Thăng Long - Hà Nội. Không giống như các ngôi chùa khác người ta đến xin cầu tài làm ăn, chùa Vạn Niên mang hơi hướng cầu bình an, tránh tà, cầu xin sức khỏe cho gia đình, con cháu.
Cổng chùa Vạn Niên |
Bức tượng Phật bằng đồng nguyên khối trong sân chùa Vạn Niên |
Khách nước ngoài đến chùa |
Bức tường bằng gỗ lim - một kiến trúc độc đáo của Vạn Niên Tự |
Chùa Tảo Sách
Nằm trong quần thể chùa, đình, phủ, miếu nổi tiếng ven Hồ Tây, chùa Tảo Sách hay còn gọi là Tào Sách, Linh Sơn tự, 600 năm tuổi là một trong số những ngôi cổ tự khá hiếm hoi, cổ kính, u tịch, trang nghiêm không gian Phật.
Công đức đầu năm mới |
Lịch vạn sự và mặt đá được nhiều người hỏi mua ở cổng chùa Tảo Sách |
Chụp tấm ảnh kỷ niệm bên cặp Rồng và đài phun nước ở gần chùa Tảo Sách và công viên nước Hồ Tây |
ML
Tết ở Việt Nam là sự kiện “phức tạp”
Submitted by nlphuong on Mon, 23/01/2012 - 22:10Tết ở Việt Nam là một sự kiện “phức tạp” và “đa nghĩa” hơn là dịp đón năm mới ở phương Tây. Tết Việt Nam có nhiều ngày hơn, có nhiều sự kiện, nhiều phong tục truyền thống hơn.
Jim Goodman là nhà nghiên cứu người Mỹ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về văn hóa, lịch sử các nước châu Á như Nepal, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Nhân dịp năm mới, Jim đã chia sẻ với báo PNTĐ về Tết Hà Nội mà Jim từng trải nghiệm…
Mùa Xuân năm 1999, lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, tôi đã bị thành phố này “mê hoặc” ngay. Hà Nội khác biệt với những thành phố châu Á khác mà tôi đã từng đặt chân qua. Hà Nội của các bạn vẫn bảo tồn được khá nhiều đường nét của một thành phố châu Á cổ truyền, trong khi ở nơi này nơi khác những “dấu tích” đó đã ít nhiều mất đi. Có hai khía cạnh về văn hóa Hà Nội. Đó là kiến trúc/di sản lịch sử của các đình chùa và các công trình công cộng, hàng trăm những căn nhà cổ. Hiện nay, tôi biết rằng, người dân sống ở những căn nhà cổ này không dễ dàng gì vì hiện trạng nhiều ngôi nhà đã xuống cấp. Nhưng, tôi hy vọng khi nhà cổ được đầu tư sửa chữa thích đáng, tình hình sẽ thay đổi. Khía cạnh thứ 2 của văn hóa Hà Nội chính là “đời sống” của Hà Nội. Hà Nội rất độc đáo với các quán cà phê nhà hàng, bia hơi, quầy hàng thương mại… nằm ở phía trước của các căn nhà ống. Và những gánh hàng rong - quầy “thương mại di động” cũng ra nét riêng có của Hà Nội…
Ảnh minh họa |
Những nét đặc sắc của Hà Nội cùng với bề dày lịch sử phía sau đã làm nên nguồn cảm hứng kỳ diệu giúp tôi viết nên cuốn đầu tay “Độc đáo Hà Nội”. Và rồi, biết rằng một thế kỷ mới đang tới với Hà Nội, tôi lại bắt tay ngay vào viết cuốn sách thứ 2. Nói vậy để các bạn hiểu rằng, tôi yêu Hà Nội nhiều đến mức nào.
Cái Tết đầu tiên của tôi ở Hà Nội là vào mùa đông năm 2004. Cái cảm giác được nhìn ngắm những cửa hàng trên phố hàng Lược, hàng Mã cho tới khi chúng được đóng cửa vào buổi chiều cuối cùng của năm cũ thật thú vị. Tôi đã đi loanh quanh qua nhiều phố phường, và rồi về lại khách sạn, leo lên tầng cao để ngắm pháo hoa. Tất nhiên, với một người nước ngoài, vào thời khắc đó cũng ít nhiều cảm thấy cô đơn. Bởi vì xung quanh tôi, mọi người hầu như đã trở về với gia đình của mình….
Hà Nội những ngày Tết làm tôi thực sự thích thú bởi sự “sụt giảm” đáng kể của lưu lượng xe cộ, các đám đông cũng không còn ngoại trừ ở hồ Hoàn Kiếm và những khu vực đền, chùa lớn như Đền Ngọc Sơn, Đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ… Tôi cũng đã có những phút giây vời khi được xem các tiết mục xiếc và biểu diễn văn hóa xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Mùng 5 Tết, tôi đi thưởng hội ở gò Đống Đa và sau đó thì phiêu bạt sang Cổ Loa. Từ các Tết đầu tiên, những năm gần đây, tôi đã trở lại Hà Nội để ăn Tết, lần nữa và lại… lần nữa. Điều tôi thích nhất khi ăn Tết ở Hà Nội chính là không khí và tinh thần của người Việt. Mọi người đều hạnh phúc và tràn ngập những ý nghĩ tích cực và lạc quan về một năm mới phía trước. Tết ở Việt Nam là một sự kiện “phức tạp” và “đa nghĩa” hơn là dịp đón năm mới ở phương Tây. Tết Việt Nam có nhiều ngày hơn, có nhiều sự kiện, nhiều phong tục truyền thống hơn. Giá trị của Tết không phải là ở “mâm cao cỗ đầy” mà chính là ở sự làm mới chính mình. Dịp Tết mọi người cùng “làm mới” quan hệ trong gia đình, họ hàng, bạn bè, giữa con người với thần linh, tiên tổ.
Bởi vì Tết thực sự là sự kiện của mỗi gia đình, và theo phong tục của Việt Nam, mỗi khi các gia đình có sự kiện thì người phụ nữ luôn giữ vai trò chính. Do đó, người phụ nữ Việt Nam, theo tôi cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong dịp lễ Tết. Họ chính là những người đi chợ, nấu những món ăn đầy hương vị Tết với bánh chưng, chân giò, lợn, gà, giò, hành muối… Cũng chính họ là người đến chùa xin hóa giải những gì không may mắn của năm cũ và cầu chúc may mắn sẽ đến với gia đình, cộng đồng của mình trong năm mới. Bạn có thể thấy bóng dáng những người đàn ông “ghé” vào bếp hay hộ tống chị em đi chùa, dù có như vậy thì trong trường hợp này, anh em cũng chỉ là… nhân vật phụ, làm theo “mệnh lệnh” của những người phụ nữ mà thôi.
Mảnh đất mà người Hà Nội đang sống là mảnh đất giàu văn hóa Việt. Nền văn hóa này vẫn sẽ luôn tồn tại cho dù những thứ khác có thể bị mất, bị lãng quên, bị phá hủy… Tết còn là lễ hội của quốc gia được làm nên bởi chính những con người Việt Nam, giữa từng cá nhân và dân tộc của họ.
Trung Thu (ghi)
Phụ nữ Thủ đô
Nhâm Thìn 2012 - đi sắm Tết … "phi vật thể"
Submitted by nlphuong on Sun, 22/01/2012 - 10:14(ICTPress) - "Cánh chơi tem bọn mình thì Tết nào cũng háo hức đi tìm Tem Tết. Thú lắm! cứ như đi giữa chợ hoa vậy…"
(ICTPress)… Tiết trời Hà Nội năm nay cuối đông mà cứ như mới chớm thu, không khí Tết lúc này đã có phần lắng lại… Dọc đường Trần Hưng Đạo đến chợ tem, tôi chợt gặp một bác lớn tuổi. Thấy bác lững thững tôi dừng lại chào và hỏi xem bác đi đâu?. "Sắm nốt cái Tết!" - bác bảo.
"Sát ngày rồi mà bác vẫn chưa xong à? Sao không ngồi nhà điện thoại hoặc vào mạng nhấp chuột có đỡ vất vả hơn không?!". - "Ồi dào mấy cái món "vật thể" đó thì nói làm gì. Tôi là tôi muốn sắm những cái "phi vật thể" cơ !. Chỉ có tự tìm thì mới đúng ý được". Chưa kịp hiểu thì bác đã giải thích: "Có 7 món mà trong nhà chưa có là tôi xem như chưa …Tết". "Này nhé, Hoa Tết, Tranh Tết, Câu đối Tết, Lịch Tết, Báo Tết, Thiếp chúc Tết và… À mà thôi, tạt về nhà tôi làm chén nước cái đã!... ". Thoáng nhẩm tôi mới thấy có 6 khoản… ?!.
… Khi mùi cà phê đã tràn ngập căn phòng nhỏ chật cứng những tủ và sách, tôi hỏi: Thế "thất vị Nguyên Đán phi vật thể" của bác sao em mới thấy có "lục vị" [1] ? …"Thôi được, chờ một chút rồi tôi sẽ cho anh xem!".
"Đọc"… tem ngày Tết
Cánh chơi tem bọn mình thì Tết nào cũng háo hức đi tìm Tem Tết. Cùng một đề tài mà tem mỗi nước lại thể hiện khác nhau. Nhiều kiểu, nhiều dáng vẻ phong phú lắm, cứ đa dạng như là những… lời chúc mừng năm mới vậy. Chúng vừa phải nói lên được cái ước vọng chung của mọi người đối với năm mới mà còn phải mang tính truyền thống, tính ước lệ, tượng trưng cao… Đặt chúng cạnh nhau, ngắm nghía, suy nghĩ, bình phẩm rồi thì mỗi lúc lại tìm thấy được thêm một điểm mới, một ý hay…Thú lắm! cứ như đi giữa chợ hoa vậy…
Tết âm lịch hàng năm bây giờ kể có đến cả vài ba chục nước và vùng lãnh thổ đua nhau phát hành tem [2]. Những nước có nguồn gốc âm lịch và còn giữ ngày tết truyền thống như kiểu Việt Nam mình mà ra tem thì đã đi một nhẽ. Một số nước có đông người của các nước kể trên đến cư trú cũng đã đành… Nhưng cũng có không ít nước ra tem Tết Âm lịch chỉ là… để ăn theo do thấy có nhiều người thích thú và tìm kiếm. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý là "Tem Tết" phải có những đặc điểm nhất định khác với tem thông thường (ordinary stamp) và tem kỷ niệm (commemorative stamp). Vì vậy đừng thấy những con tem có hình ảnh ngày tết và phát hành vào dịp tết đã vội xếp vào loại này.
Năm nay "tem Tết" ra sớm nhất là Nhật Bản (11/11/2011), tiếp đến là Liechtestein (14/11/2011). Bước sang tháng 12/2011 cả một loạt nước dồn dập phát hành: ngày 1/12 thì có Việt Nam, Đài Loan, Macao, Singapore, Hàn Quốc... Trung Quốc ngày 5/12, Pháp ngày 6/12… Còn một số nơi để sang năm 2012 mớí cho ra mắt như Hong Kong 14/1, Anh 20/1, Mỹ 23/1/2012…
Bộ tem Tết năm Rồng của Việt Nam |
Bộ tem năm Rồng 2012 của Hàn Quốc |
Tem năm Rồng của Pháp |
Nhưng đó mới chỉ là những con tem đã có thông báo chính thức, đã trông thấy tem và còn có cả một số thông tin cụ thể chi tiết nữa… Chứ nhiều con tem giờ đây tuy mặt mũi đã tường mà trong lòng vẫn cứ bán tín bán nghi. Người đưa cho xem cũng bảo trước: "Anh xem thì cứ xem, nhưng thật giả lúc này chưa biết được. Kẻo sau đây thấy UPU thông báo đó là "tem ma" thì lại trách em". "Ôi cái thời đồ thật, đồ giả, hàng cóc, hàng nhái đầy chợ này thì anh em mình cứ phải là "người tiêu dùng thông minh" anh ạ!".
Một số nước và vùng châu Á có truyền thống ra tem Tết Âm lịch thì năm nay vẫn giữ được thông lệ.
Nhật Bản ra 2 bộ tem mừng năm mới như họ vẫn thường làm từ năm 2004 đến nay. Bộ 1 thể hiện 2 loại đồ chơi truyền thống mang hình đầu rồng nhưng nhìn từ 2 phía khác nhau nên vẽ thành 4 mẫu trông khá ngộ nghĩnh vui tươi. Hai mẫu giá mặt 50, 80¥ thì dùng cho mục đích bưu chính thông thường. Còn 2 mẫu cỡ kích lớn hơn có dãy số phía dưới và phụ thu 3¥ thì để dự mở số trúng thưởng. Phải nói đây là một nét độc đáo của bưu chính Nhật đã có từ năm 1989. Còn gì thú bằng đầu xuân có thiếp chúc mừng mà lại còn… trúng thưởng?! Bộ này lại phát hành đúng ngày 11/11/2011 - ngày mà phải cứ 100 năm mới xuất hiện 1 lần nên chắc có nhiều người mua gửi thiếp để lấy dấu. Bộ thứ 2 phát hành sau 10 ngày gồm 10 tem có tên là “Can chi văn tự thiết thủ” nghĩa là bộ chữ viết tay về can chi. Trong đó 9 tem mang chữ “Thìn” và 1 tem là chữ “Long” theo chữ Nhật cổ. Một ông bạn thư pháp cũng thuộc bậc cao thâm vậy mà khi mới trông thấy các chữ viết này phải thốt lên “Đẹp tuyệt!”. Trên mạng giờ đây chào bán tờ 10 tem này với giá ban đầu là 15 USD tức là gần gấp rưỡi giá mặt rồi.
Bộ tem năm Rồng của Nhật Bản |
Đài Loan ra 2 tem và 1 bloc. Thoạt trông 3 con rồng màu xanh lẫn với đen mờ nhạt chẳng bắt mắt chút nào. Nhưng soi kỹ và ngẫm thấy cũng hay. Hình vẽ thì vẫn theo cung cách tranh thủy mặc như năm ngoái. Tem 1 vẽ một đôi giao long với ý tưởng “luôn là của nhau” mang ý nghĩa “mọi ước mong đều thành sự thật”. Tem 2 vẽ một con rồng đang ngẩng cao đầu chào đón mùa xuân. Hình Rồng biểu hiện sự “kiêu hãnh tự hào”, tượng trưng cho sự “vui vẻ khỏe mạnh” và “mong sao được vậy”. Tem 3 thì là hình rồng đang hướng lên trời cao thể hiện sự “vươn tới” và “thành công”. Trên tờ tem kỷ niệm (bloc) này lại không phải là dành chỗ cho con tem có giá mặt cao nhất, chắc có mang một ý đồ thương mại nào đó.
Còn lại Ma Cao với 5 tem và 1 bloc, Singapore 3 tem, Trung Quốc 2 tem hình rồng vờn cầu lửa trông khá dữ dội,… Hong Kong cũng vẫn 4 tem + 2 bloc trong đó bloc “tiễn năm cũ đón năm mới” có mạ bạc ròng và vàng 14 cà rá hẳn hoi. Tuy nhiên cũng chưa sang bằng đảo Christmas của Australia. Giữa thời buổi giá vàng như diều đứt dây này mà dám ra hẳn 1 bản sao 2 con tem Nhâm Thìn của họ bằng vàng 4 con 9!...
Bộ tem Rồng và bloc của Ma Cao |
3 con tem năm Rồng của Singapore |
Bộ tem Rồng của Hong Kong |
Hai con tem Rồng vờn cầu lửa của Trung Quốc |
Nhìn sang phía Tây, ngoài các nước như Mỹ, Canada, Anh, Pháp v.v…như ta vẫn thường biết thì năm nay còn có một nước nữa cũng phát hành tem Nhâm Thìn 2012 là Công quốc Liechtenstein. Họ ra con tem này vừa để kỷ niệm 100 năm có con tem đầu tiên, vừa thể hiện mối tình giao hảo giữa họ - một vùng đất chỉ rộng 160 km2 với khoảng 3,5 vạn dân ở giữa lòng châu Âu - với Trung Quốc ngay từ những năm 1950 đến nay. Tem của họ cũng thường được các họa sỹ Trung Quốc giúp… Lần này, tem Tết Nhâm Thìn là một con tem mầu đỏ rực, trong có hình rồng theo nghệ thuật dân gian cổ ở Trung Quốc. Tờ tem kỷ niệm gồm 4 tem chung quanh có 4 chữ Hán “Phúc, Thọ, Hỷ , Lộc”… Họa sỹ thiết kế Stefan Erne thì nói rằng chọn màu đỏ như vậy vì ở Trung Quốc mầu đỏ tượng trưng cho may mắn. Điều đặc sắc ở đây là người ta đã dùng công nghệ laser hiện đại nhất để khắc trổ và tạo nên các con tem mà hình bên trong là hình rỗng. Những phần dập nổi của tem đều được mạ bằng vàng lá.
Tem Rồng và bloc của Công quốc Liechtenstein |
Và những con tem chưa rõ thực hư
“Đây tôi đưa anh xem, còn khoảng trên chục con tem nữa cũng vẽ rồng bay, rồng cuốn, có tên nước, có giá tiền cụ thể nhưng chưa tìm được thông báo chính thức của cơ quan phát hành nên chưa dám khẳng định đó có phải là tem Tết Nhâm Thìn thật không? Nhìn chúng thấy cứ hao hao giống nhau. Có con tem trông có tên là của Côte d’ Ivoire (Bờ Biển Ngà) nhưng lại mang hình ông Đặng Tiểu Bình nên chẳng hiểu ra sao!...
Block tem của Bờ Biển Ngà |
…“Thôi cuối năm rồi. Ngày Tết nhà ai cũng bận tôi không giữ anh. Kể ra ngày xưa thì đến giờ gia đình nào cũng đã vớt bánh chưng rồi đây. Và khi anh đứng dậy ra về thì ít nhất tôi cũng gửi biếu được cặp bánh…".
…Thôi, nhưng đến giờ tôi mới thấy nhẹ cả người. Lúc nãy đi về hỏi nốt được mấy cái thông tin về các con tem Tết mà thấy cứ… như vừa xong cái nồi bánh chưng!… À mà cũng giống cái nồi bánh chưng thật nhỉ. Suốt từ đầu năm đã phải đeo đẳng tìm kiếm theo dõi các chương trình phát hành tem. Cuối năm lại đôn đáo tìm kiếm, liên hệ, hỏi han, trao đổi… đến giờ mới xong. Có được nếm miếng nào đâu mà vẫn thấy đậm đà hương vị. Con người ta cũng lạ thật. Có những nhu cầu hưởng thụ “phi vật thể” như vậy đấy! Mà thế là từ sáng đến giờ tôi cũng đã biếu được anh cặp bánh “phi vật thể” rồi có phải không nhỉ? Khỏi phải băn khoăn…”. “Vâng, bác bảo thì em phải vâng. Nhưng nhân đây cũng xin bác cho phép nếu thấy bạn bè họ quí là em bóc ra cùng chia sẻ với họ luôn. Chia sẻ trên Tạp chí Tem đấy có được không ạ?
Nhìn bác vui hẳn lên khi thấy có kẻ đồng cảm với mình, hiểu được giá trị “công trình” của mình. Vẻ “âm lịch” từ sáng đến giờ chợt biến đâu mất và bác vung tay một cách “rất Tây”… “Ok!”!!!...
Hà Nội, Xuân Nhâm Thìn 2012
MC (Tạp chí Tem)
[1]. "thất vị": bảy món; "lục vị": sáu món
[2]. theo tác giả Nguyễn Hiếu Tín đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật năm 2005 thì thế giới đã có hơn 70 quốc gia phát hành tem Tết âm lịch với hơn 1.000 mẫu tem con giáp (?!)
Thương nhớ Tết Hà Nội
Submitted by nlphuong on Sat, 21/01/2012 - 08:22(ICTPress) - Khi trời bắt đầu rét đậm xen lẫn những hạt mưa lất phất ấy là báo hiệu một cái Tết đang đến gần. Không khí rạo rực khắp nơi, màu sắc tràn ra phố của hoa...
(ICTPress) - Khi trời bắt đầu rét đậm xen lẫn những hạt mưa lất phất ấy là báo hiệu một cái Tết đang đến gần. Không khí rạo rực khắp nơi, màu sắc tràn ra phố của hoa - cây cảnh, của bánh mứt kẹo, của đồ trang trí, của ánh đèn nhấp nháy khắp các cửa hiệu - nhà hàng, của phục trang người đi đường…
Khoảnh khắc đó năm nào ta cũng gặp mà vẫn thấy bâng khuâng, khó tả. Nó gợi nhắc trong ta hương vị Tết đi cùng năm tháng, đi cùng ký ức để ta nhung nhớ, tìm về…
Ảnh: TTO |
Nhớ Tết Hà Nội “thời xa vắng” là nhớ hình ảnh đảm đang của mẹ lo toan cho một cái Tết thật tươm tất. Thực phẩm cho Tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ… được mẹ túc tắc chuẩn bị trước cả tháng. Nếp cũ này ăn sâu như một thói quen khó bỏ của mẹ dù bây giờ chợ bán hàng cả trong Tết. Để có nồi bánh chưng, mẹ lo mua ống giang chẻ lạt từ cả tháng trước, những bó lạt trắng phau mềm óng để nhà gói bánh và đem biếu họ hàng là những hình ảnh của một thời chẳng dễ mà quên được. Mẹ là gái làng Ước Lễ, cái khéo là gói bánh chưng bằng tay chặt và vuông vức trăm cái như một, cái đảm là mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng đủ lệ bộ là bốn bát - sáu đĩa. Mẹ có hẳn một bộ bát đĩa cổ để bày cỗ mà giờ chẳng mấy khi dùng đến. Tết nay đã giản tiện đi nhiều phần cho hợp với nếp sống mới của dâu, của rể - chơi Tết hơn là ăn Tết. Và Tết đến mẹ vẫn lôi chúng ra, lau sạch sẽ như lần giở kỷ niệm gia đình. Mình đã từng ao ước sẽ có lúc gói được những chiếc bánh chưng đẹp đẽ, xếp đĩa thịt gà hình bát úp, bó giò xào chặt tay như mẹ. Nhưng từng ấy năm trôi qua, đi học - đi làm - lấy chồng - sinh con mình vẫn chỉ biết chạy ra siêu thị khoắng vèo một cái là lo đủ cho Tết…
Ảnh: afamily |
Nhớ Tết Hà Nội là nhớ cái thời Hà Nội còn thênh thang những nẻo đường đê Yên Phụ chạy qua Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân với những vườn quất vàng óng, vườn đào thắm sắc uốn lượn quanh Hồ Tây. Đường xưa không rộng nhưng vẫn nườm nượp xe cộ chở quất, đào, hoa cây cảnh đón Tết đổ từ các ngả vào thành phố chứ không ùn tắc, chen lấn trong khói bụi như bây giờ. Đến sáng tinh sương ngày 30 Tết, rủ con bạn thân gần nhà đi chợ hoa Nghi Tàm. Chợ chỉ là khu đất trống và họp từ tờ mờ sáng. Chợ hoa của hơn 10 năm về trước chưa có nhiều hoa Đà Lạt, hoa Sapa, hoa Trung Quốc, chủ yếu là các loại hoa đặc trưng của Tết Hà Nội, là thược dược, vạn thọ, violet, xu-xi, bươm bướm, lay-ơn, đồng tiền, …thường chỉ rộ vào dịp Tết Nguyên Đán. Những loại hoa bền sắc trong cái giá lạnh của Hà Nội như phong lan, đỗ quyên, tu-lip, lys của Đà Lạt không có được vẻ đẹp mong manh, khiêm nhường như thế. Lọ hoa ngày Tết vì thế rực rỡ mà sâu lắng.
Ảnh: tin247 |
Nhớ Tết Hà Nội còn là nhớ những chiều giáp Tết cả khu tập thể chộn rộn bắc củi, những âm thanh lép bép - tí tách của than củi luộc bánh chưng. Nhà nào cũng làm nồi bánh chưng thật lớn để ăn qua rằm. Đôi khi là mấy nhà luộc chung một nồi to bằng thùng phuy, các nhà thay nhau canh lửa đủ 12 tiếng. Hồi nhỏ hai anh em đứa học sáng, đứa học chiều được mẹ phân công canh bánh, dặn dò tỉ mỉ khi nào đổ thêm nước, khi nào đút thêm củi. Và quà cho cái công đó là chiếc bánh chưng con vớt vội, củ khoai, bắp ngô nướng vùi trong lúc ngồi trông. Góc khác nơi bể nước chung của khu là các chị, các mẹ đang tỉ mẩn rửa lá rong, đãi gạo, đãi đỗ ríu rít chuyện trò. Trong những gian bếp, xực lên mùi mứt gừng, mứt táo hay nem rán, măng khô ninh, thịt thủ xào để bó giò. Ở sân khu tập thể, thong thả nhất vẫn là đám thanh niên tự tay cuốn pháo đùng chơi Tết, những quả pháo to bằng bắp chân người lớn mà mỗi khi nổ bay lả tả những mảnh giấy báo, giấy vở cũ. Đây đó là tiếng pháo râm ran càng làm cho không khí ngày Xuân đủ đầy với âm thanh, mùi vị.
Nhớ Tết Hà Nội là nhớ ngày 30 cả nhà bận rộn từ sáng tới đêm, mỗi người một việc để lúc giao thừa là ăn vận đâu ra đấy, quây quần bên mâm cỗ ăn nhẹ với rượu sâm-panh. Vẫn là những câu chuyện năm cũ - năm mới xen lẫn, vẫn những lời chúc yên vui - mạnh khỏe mà sao thiêng liêng đến vậy. Xa nữa, đêm 30 là tiếng pháo đì đùng khắp nơi mà đối với đứa bé con là mình khi ấy thì khiếp hãi vô cùng, chỉ biết nằm im chùm kín chăn. Những năm mới bỏ pháo, Tết như thiếu hẳn sinh khí và buồn đi nhiều.
Rồi qua sáng 1, ngỡ ngàng trước sân nhà nhuộm hồng xác pháo hòa lẫn trong làn sương mỏng và mưa phùn lất phất. Pháo làm cho Hà Nội đẹp như bức họa mùa xuân đầy chất thơ. Mùi pháo, mùi hương trầm đủ làm người ta nao lòng. Cũng sáng 1 khi người xông đất chưa đến, tụi trẻ con không được phép đi ra khỏi cửa. Đường phố vắng lặng, không một bóng người. Thời gian chờ đợi thật lê thê trong cái bồn chồn của con trẻ. Cái khu tập thể nhà mình, thế hệ bố mẹ vốn gắn bó với nhau từ thời chiến, tối lửa tắt đèn có nhau đã lập ra quy ước sáng mùng 1 họp mặt cánh đàn ông ở sân chung thành đoàn đi xông nhà khắp khu - chẳng còn ngại chuyện hợp đất hay không. Chờ đến lượt nhà mình xong, là đám trẻ con túa ra, túm năm tụm ba khoe quần áo mới. Ngày mùng 1 yên ắng thoáng chốc mà trôi đi.
Ngày mùng 2, cả nhà mới đi chúc Tết họ hàng, vào phố du xuân. Mùng 3 là Tết đã vãn, trên các con phố bắt đầu bập bùng lửa hóa vàng. Ở nhà thì mình giúp mẹ làm bún thang, nem cuốn - hai món mình chờ đợi nhất trong ngày Tết cho cỗ hóa vàng. Mùng 4, mùng 5 là đi với bạn cấp 3, đại học, công ty… Thường là đi chùa cầu may, vào Văn Miếu, lên Phủ, lượn Hồ Gươm rồi qua nhà các bạn bù khú.
…Những ngày Tết rồi cũng vèo qua. Cuộc sống hối hả lại cuốn ta vào những guồng quay vô tận để rồi lại mong được xum họp vào năm mới, để được ôn lại những ký ức tuổi thơ thật đẹp và ngọt ngào, những ký ức nuôi ta lớn lên, trưởng thành.
Thùy Minh
Tùng Dương và các nghệ sỹ Nhật Bản biểu diễn nhạc jazz tại Hà Nội và TP. HCM
Submitted by nlphuong on Wed, 18/01/2012 - 06:34(ICTPress) - Đặc biệt trong chuyến thăm diễn lần đầu tiên này tại Việt Nam của ban nhạc, Tùng Dương, một trong những ca sĩ tài năng nhất của Việt Nam với giọng ca mạnh mẽ và truyền cảm sẽ biểu diễn giao lưu cùng với “unit asia”.
(ICTPress) - Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hợp tác với YAMAHA và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. HCM tổ chức chương trình hòa nhạc jazz với ban nhạc “unit asia” vào các tối ngày thứ Sáu 3/2 tại Hà Nội và Chủ nhật 5/2 tại TP. HCM.
“unit asia” được thành lập nhân đợt lưu diễn một tháng ở Đông Nam Á từ giữa tháng 10/2008 tại Singapore, Philippines, Brunei, Malaysia và Thái Lan do Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) tổ chức bởi 5 nghệ sĩ hàng đầu châu Á mang đậm phong cách riêng gồm 3 nhạc công tên tuổi người Nhật Bản với các chương trình biểu diễn phong phú đa dạng trong đó có nhạc jazz, fusion và pop là Isao Miyoshi (guitar), Hiroyuki Noritake (bộ gõ) và Shigeki Ippon (bass), một nghệ sĩ kèn saxophone tài ba người Thái Lan Koh Mr. Saxman và Tay Cher Siang, một nghệ sĩ dương cầm đầy hứa hẹn người Malaysia.
“unit asia” đã hoạt động tích cực trong và ngoài nước Nhật Bản, “sáng tạo một hình thức mới cho nhạc jazz”, trao đổi giao lưu các ý tưởng âm nhạc với nghệ sĩ của mỗi nước họ đến biểu diễn.
Ban nhạc unit asia |
Trong chuyến lưu diễn Đông Nam Á năm 2008, âm nhạc của họ đã phát triển, sự hiểu biết lẫn nhau và tình bạn giữa các nghệ sĩ trở nên sâu sắc hơn sau mỗi chương trình biểu diễn. Các nghệ sĩ thể hiện sự sáng tạo phong phú trên sàn diễn và đón nhận được những đánh giá cao nhất của các chuyên gia âm nhạc và giới truyền thông, đồng thời xuất hiện trước công chúng như một cơn bão ấn tượng.
Một đĩa nhạc thu trực tiếp từ cuộc lưu diễn mang tên “unit asia công diễn lần đầu! từ chuyến lưu diễn Đông Nam Á 2008” đã được phát hành.
Vào tháng 10/2010, đĩa nhạc đầu tiên của họ ra đời với tên gọi unit asia “Smile for You”. Trong đĩa nhạc mới này, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và tình cảm các nghệ sĩ dành cho “unit asia”, các khả năng trình diễn xuất chúng, tính nhạy cảm và các ý tưởng cũng như các yếu tố âm nhạc khác nhau như rock và pop dựa trên nền nhạc jazz được kết hợp tự do vào các giai điệu gốc với nhiều kiểu khác nhau do mỗi thành viên tự sáng tác, họ tạo nên một âm nhạc duy nhất đầy năng lượng vượt tầm cỡ quốc gia, văn hóa và thể loại âm nhạc.
Vào tháng 11/2010, với mong muốn phát triển hơn nữa, “unit asia” thực hiện tour diễn “Trung Đông và Ấn Độ năm 2010” do Japan Foundation tổ chức tại Cairo (Ai Cập), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Chennai và Kolkata (Ấn Độ). Ban nhạc giới thiệu một chương trình đầy năng lượng và đón nhận được sự quan tâm nhiệt thành của khán giả. “unit asia” sẽ mở rộng hoạt động của ban nhạc hơn nữa. Hãy đón chờ các chương trình mới của “unit asia”!
Đặc biệt trong chuyến thăm diễn lần đầu tiên này tại Việt Nam của ban nhạc, Tùng Dương, một trong những ca sĩ tài năng nhất của Việt Nam với giọng ca mạnh mẽ và truyền cảm sẽ biểu diễn giao lưu cùng với “unit asia”. Âm nhạc điêu luyện của châu Á, do các nghệ sĩ châu Á biểu diễn cho khán giả châu Á chắc chắn mang lại cho quý vị và các bạn một bữa tiệc âm nhạc hoành tráng.
Tất cả các thành viên của ban nhạc vô cùng háo hức về chương trình biểu diễn lần đầu tiên tại Việt Nam ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nghệ sỹ guitair Isao “Sankichi” Miyoshi cho biết.
Thời gian và địa điểm của buổi biểu diễn tại Hà Nội và TP. HCM:
Tại Hà Nội:
19h30 Thứ Sáu, 03/2/2012, tại Nhà hát Tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tại TP. HCM:
19h30 [Biểu diễn] 20h00 Chủ nhật, 05.02.2012
Tại Nhà hát Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM)
Vé vào cửa được phát miễn phí tại từ thứ Tư, 18/1, và sau kỳ nghỉ Tết:
Tại Hà Nội: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TEL 04-3944-7419
Giờ mở cửa: 09h00 – 18h00, từ thứ Hai đến thứ Bảy, đóng cửa các ngày Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết từ 23 - 27/1/2012.
Tại TP. HCM:
Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM:
* Vé mời được phát tại 13 - 17 Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM
[Giờ mở cửa] 14h00 – 16h00, đóng cửa các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày nghỉ Tết từ 23 - 27/1/2012
Nhà hát Bến Thành:
*Vé mời được phát từ thứ Bảy, 28/1/2012 tại số 6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP. HCM
Giờ mở cửa: 08h00 - 11h00, 14h00 - 17h00
Bảo Ngọc
Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (kỳ 5)
Submitted by nqmhien on Sun, 15/01/2012 - 14:29Kỳ 5: Thị trấn ma Calico
Kỳ 5: Thị trấn ma Calico
Dọc hành trình du lịch miền Tây nước Mỹ có một địa điểm tham quan đặc biệt thú vị, đó là thị trấn ma Calico.
Khoảng hơn trăm năm trước, thị trấn Calico được xây dựng lên bởi những người làm giàu bằng việc kiếm tìm và khai thác các mỏ khoáng sản. Các mỏ bạc và nhôm đã được phát hiện ở nơi đây và Calico nhanh chóng trở thành một trong những thị trấn giàu nhất vùng.
Một ngôi nhà trong thị trấn Calico |
Thị trấn Calico chính thức được khai sinh vào tháng 3 năm 1881 với 40 cư dân. Năm tiếp theo, năm 1882, dân số Calico tăng gấp hơn 7 lần, thị trấn có 300 người. Việc khai khoáng phát triển rất nhanh, Calico đã cung cấp cho thị trường một sản lượng lớn bạc có giá trị lên tới 86 triệu đô la, sản lượng nhôm có giá trị 45 triệu đô la trong khi dân cư của Calico vào lúc cao điểm nhất, năm 1887, cũng chỉ có 1200 người. Hai năm tiếp đó, dân cư ở Calico có sự thay đổi: năm 1888 dân số giảm xuống 500 người, năm 1889 lại tăng lên 800 người.
Vào thời kỳ hoàng kim nhất, thị trấn này có 22 xưởng sản xuất. Tuy nhiên sau khi các mỏ bạc và nhôm bị khai thác cạn kiệt thì cư dân cũng bỏ đi nơi khác sinh sống, vì vậy năm 1890 chỉ còn có 80 người dân sinh sống ở thị trấn này. Việc khai khoáng và buôn bán vẫn được duy trì ở mức thấp và cố gắng hồi phục vào năm 1893 với dân số tăng lên 300 người nhưng không cải thiện được tình hình. Sau nhiều biện pháp cố gắng tìm cách duy trì thị trấn nhưng dân cư chỉ còn lại rất ít (năm 1951 - có 10 cư dân, năm 1981 - có 15 cư dân và đến 2001 - chỉ còn 8 cư dân), chính quyền đã quyết định biến thị trấn này thành một địa điểm tham quan du lịch và vận động cả sự quyên góp ủng hộ của các nhà hảo tâm để duy trì trị trấn như một di tích còn sót lại về một thời người ta đổ xô đến miền tây nước Mỹ để tìm vàng.
Cái tên thị trấn ma Calico (GhostCalicoTown) cũng được đặt để gợi trí tò mò của khách du lịch. Tuy nhiên chúng tôi đã không có may mắn được diện kiến bất kỳ con ma nào ở thị trấn này để thỏa trí tò mò. Có thể là chúng tôi đã đến Calico vào lúc giữa trưa, khi cái nắng gay gắt trên sa mạc miền tây nước Mỹ đẩy nhiệt độ lên đến hơn 40oC, nên các con ma của Calico cũng tìm chỗ để chốn nắng chốn nóng ở nơi nào đó.
Dọc con đường chính của thị trấn Calico, chúng tôi được chiêm ngưỡng những ngôi nhà mang dáng vẻ xưa cũ của hơn một trăm năm trước và hình dung về cuộc sống của những người dân miền viễn tây nước Mỹ xa xưa qua dáng điệu của những ma-nơ-canh đàn ông mang súng ngắn trễ hông, ngồng nghênh mũ phớt, quần bò trước cửa quán rượu hay những ma-nơ-canh phụ nữ búi tóc đang cặm cụi vá may bên cửa sổ. Nhạc vẳng ra từ những quán rượu, những nhà hàng cũ kỹ nhưng nhìn vào chỉ thấy bàn ghế, quầy bar mà không có khách hàng, cả người bán hàng cũng không. Đứng trước một căn nhà gắn biển “Calico Leathers Works & Idian Trading Post”, tôi cố gắng tìm một ai đó để hỏi có thể gửi một bưu thiếp từ đây về Việt nam hay mua một món quà lưu niệm làm từ da thuộc, nhưng vài người tôi gặp đều lắc đầu không biết, họ cũng chỉ là du khách đến tham quan. Thế ngoài những ma-nơ-canh, những cư dân ảo, thì cư dân thực sự của Calico đang sống ở đâu nhỉ?
Điều đáng ngạc nhiên nhất khi tham quan thị trấn xưa cũ này là thông tin đọc được trong tờ hướng dẫn khách tham quan: vào thời kỳ hoàng kim nhất, thị trấn này đã có 22 xưởng sản xuất với 1200 dân cư bao gồm một khu dân cư người Hoa (China town). Người Trung hoa với khát vọng làm giàu đã đến miền viễn Tây nước Mỹ khai mỏ từ rất sớm và tạo lập nên những cộng đồng cư dân riêng của người Hoa trên đất Mỹ từ hơn trăm năm trước, mặc dù ngày nay không còn China Town trong Calico Town.
Sa mạc miền Tây nước Mỹ |
Kỳ sau: San Francisco - phố tây và phố tầu
Anna Nguyễn
Đặc sản trai sò từ Bỉ
Submitted by nlphuong on Fri, 13/01/2012 - 06:42(ICTPress) - Người Bỉ thích hải sản. Ở nhiều nơi trên khắp nước Bỉ, bạn thường bắt gặp những nhóm người háo hức vây quanh nồi trai sò hấp nghi ngút khói.
(ICTPress) - Người Bỉ thích hải sản. Ở nhiều nơi trên khắp nước Bỉ, bạn thường bắt gặp những nhóm người háo hức vây quanh nồi trai sò hấp nghi ngút khói.
Con trai bắt đầu là ấu trùng, cho đến khi đủ trọng lượng để rồi chìm xuống đáy biển, nơi chúng lớn lên mảnh khảnh nhưng dẻo dai - được gọi là những râu - cho phép chúng bám vào bất cứ thứ gì xung quanh, tạo nên những nhóm vỏ đen và vôi khá nặng.
Càng sống dưới sâu, thì chúng càng trở nên khỏe trên phù du và phát triển bụ bẫm. Trai biển có xu hướng sống trên các bờ biển chênh vênh trong hải phận phần của bờ biển giữa lúc triều lên và triều xuống. và sau 2 đến 3 năm sẽ sẵn sàng cho thu hoạch. Zeeland, ở bờ biến phía Bắc nước Bỉ và Hà Lan phía Tây là một nơi tuyệt vời cho loại động vật thân mềm này sinh sống và là một nơi có nhiều trai nhất ở Bỉ. Những bức ảnh dưới đây được chụp vào cuối năm 2011.
Trai ở nhà hàng Volle Gas ở Bỉ |
Một khách hàng chuẩn bị thưởng thức trai hấp |
Đầu bếp Lavdim Kelmendi đang lắc một nồi trai ở nhà hàng Volle Gas |
Đầu bếp người Bỉ Alexandre Vanlancker đang lắc một nồi trai ở nhà hàng Chez Leon ở trung tâm thủ đô Brussel |
Đầu bếp Alexandre Vanlancker thể hiện một đĩa trai theo kiểu Provence, vùng Đông Nam nước Pháp với pho mát, tỏi, bơ và nước sốt cà chua tại nhà hàng Chez Leon |
Bảo Ngọc
Theo Sina
Khám phá nước Áo đẹp như mơ
Submitted by nlphuong on Wed, 11/01/2012 - 06:40(ICTPress) - Từ vùng hoang dã gồ ghề, như tạc điêu khắc của những ngọn núi của nước Áo đến các thành phố đậm chất lịch sử như Vienna.
(ICTPress) - Từ vùng hoang dã gồ ghề, như tạc điêu khắc của những ngọn núi của nước Áo đến các thành phố đậm chất lịch sử như Vienna, các nhà báo du lịch của CNN sẽ đưa chúng ta thực hiện một chuyển đi vòng quanh nước Áo qua các địa điểm đẹp như mơ.
Hallstatt
Marie Sager đã chụp bức ảnh này trong khi sống ở Áo. “Hallstatt là một viên đá quý được cất giấu - bạn có thể ngắm cảnh và làm nhiều việc ở đây và sẽ không thất vọng”.
Steve Riegel chụp tấm hình này trong khi đạp xe ở một con đường nông thôn gần Hallstatt. “Tôi yêu đất nước này và những con người thân thiện. Một trong những chuyến đi thỏa mãn và nghỉ ngơi nhất của chúng tôi cho tới nay - thật tuyệt vời để khám phá bằng xe đạp”.
Stubai Glacier
“Đây là công viên địa chất ở Stubai Glacier, chỉ mất gần 1 giờ đi từ Innsbruck. Đây là bức ảnh ngắm ngọn núi kỳ thú từ độ cao 10.300 feet.", Ryan Duckwitz nói về bức ảnh này.
Gaschurn
Christopher Kent Norden chụp tấm hình hai nhà thờ này ở Gaschurn từ khu nghỉ dưỡng trượt tuyết của thị trấn thung lũng Montafon, Gaschurn-Partenen.
Christopher Kent Norden đã viếng thăm thị trấn núi của Gaschurn ở thung lũng Montafon và chụp bức ảnh này trên con đường lớn.
Vienna
Jeanne Grunhard chụp bức hình này ở cung điện Schoenbrunn ở thủ đô Vienna. “Một thành phố tuyệt đẹp với nhiều việc có thể làm”, cô nói về chuyến đi 10 ngày của mình.
Kevin Kasmai chia sẻ bức ảnh này của Karlskirche, một thánh đường phong cách hoa mỹ thế kỷ 17. "Tôi đã dành 3 ngày ở Vienna - đó là khoảng thời gian chỉ vừa đủ để nắm bắt bề nổi của thành phố lịch sử này”, Kevin Kasmai cho biết.
Kevin Kasmai chụp cảnh đẹp duy nhất này từ trên đỉnh thánh đường thánh Stephen.
Innsbruck
Kristina Dickey chụp tấm hình về các tòa nhà đầy màu sắc của Innsbruck từ một quán café trên sông Inn. “Những ngọn núi và kiến trúc thật đẹp và đi bộ xung quanh để tham quan bạn sẽ khám phá rất nhiều điều thú vị”.
Innsbruck
Ryan Duckwitz chụp tấm ảnh này trong khi đang học ở Innsbruck: “Áo là một đất nước vô cùng ấn tượng và hoàn toàn tuyệt vời để viếng thăm. Nơi đây có một số dải núi đẹp nhất trong dãy Alples”.
Ryan Duckwitz chụp tấm hình này trong khi đi bộ vòng quanh núi Nordkette, trên Innsbruck.
Ryan Duckwitz có được bức ảnh này khi máy bay của anh hạ cánh xuống sân bay Innsbruck và cho biết “Có lẽ đây là chuyến bay tuyệt đẹp nhất mà tôi đã từng đi”.
Thung lũng Rheintal
Susan Crandall chụp tấm hình này trong khi đi cáp treo. Cao hơn, cô có thể nhìn thấy “cảnh đẹp đến nín thở của những ngọn núi Thụy Sỹ và thung lũng Rheintal nhìn được từ trên cao Dornbirn".
Công viên quốc gia Hohe Tauern
Nadine Hamad cho biết: cảnh của cái hồ tự nhiên này từ Franz-Josephs Hohe, điểm ngắm chính cho ngọn núi hùng vĩ Grossglockner. Không có mô tả nào có thể truyền tải được vẻ đẹp đến nín thở của những ngọn núi này”.
Bảo Ngọc
Nước Mỹ - từ Đông sang Tây (kỳ 4)
Submitted by nqmhien on Mon, 09/01/2012 - 09:19Kỳ 4: Hollywood và những ngôi sao trên hè phố
Kỳ 4: Hollywood và những ngôi sao trên hè phố
Hầu như ai tham quan Hollywood cũng muốn ghé thăm Đại lộ Danh vọng, nơi lưu danh những ngôi sao nổi tiếng trong làng điện ảnh, truyền hình, âm nhạc Hoa kỳ. Chạy từ đông sang tây của Đại lộ Hollywood từ phố Gower đến La Brea Avenue, và từ phía bắc xuống nam trên phố Vine Street giữa phố Yucca và Đại lộ Sunset, nơi này có vẻ là một con phố tương đối lớn hơn là một đại lộ bởi xen lẫn những nhà hàng cao tầng gương kính sáng choang là những cửa hiệu giản dị be bé bày bán những món quà lưu niệm xinh xinh.
Những ngôi sao đây rồi. Mỗi ngôi sao gồm một viên đá lát bao gồm một ngôi sao năm cánh màu hồng có viền đồng và lát vào một viên đá sẫm màu hình vuông. Phía trong ngôi sao hồng là tên của người được vinh danh được dát bằng đồng, dưới đó là biểu tượng tròn bằng đồng biểu thị danh mục ngành nghề của người được tặng. Các biểu tượng là: Máy quay phim cho những đóng góp cho ngành công nghiệp phim ảnh; Máy thu hình cho những đóng góp cho ngành công nghiệp truyền hình; Máy hát cho những đóng góp cho ngành công nghiệp thu âm; Micro cho những đóng góp cho ngành công nghiệp phát thanh và Mặt nạ đôi bi kịch, hài kịch cho những đóng góp trong kịch nghệ.
Nhiều du khách cố gắng tìm kiếm tên ngôi sao mà mình yêu thích để chụp một bức ảnh kỷ niệm. Những ai được gắn tên ở đây hẳn đã rất hãnh diện về điều đó mặc dù biết rằng hàng chữ mang tên họ của mình chắc chắn sẽ bị dẫm lên bởi hàng triệu đôi giày của khách đi đường và khách tham quan bởi những ngôi sao mang theo tên họ của những người nổi tiếng được gắn ngay trên hè đường, nằm dưới chân khách qua lại. Không biết ai là người đầu tiên đã đưa ra ý tưởng đưa những ngôi sao này ra hè phố chứ không phải là gắn trên trần cao của những tòa nhà hay trên một bức tường nào đó, nhưng quả thực đó là cách hay để những người được vinh danh trở nên gần gũi với công chúng một cách khiêm tốn nhất.
Sau một hồi ngó nghiêng, tôi nhìn thấy một viên đá có tới năm ngôi sao cùng hàng chữ “Absolut Vodka” và biểu tượng chai rượu nằm chính giữa viên đá nên đã chụp nhanh một kiểu ảnh để giới thiệu với bạn bè. Thì ra câu “rượu ngon phải có bạn hiền” có vẻ đúng từ phương đông sang phương tây và trên đại lộ Danh vọng này thì biểu tượng chai rượu cũng được bố trí ở giữa 5 ngôi sao trên cùng một viên đá.
Những ngôi sao trên hè phố Hollywood |
Đường phố rộn ràng và có phần ầm ỹ bởi những ban nhạc với chiếc hộp đựng tiền lẻ phía trước đang đua nhau trình diễn. Một em tóc vàng hoe, môi đỏ chót trang điểm kiểu Marilyn Monroe ra sức cười duyên và uốn éo mời chụp ảnh cùng, cạnh đó là một vài nhân vật trong bộ phim nào đó với trang phục cổ quái cũng nhanh nhảu nắm tay mời mọc các du khách “nhí”; 5 usd là giá cho một lần đứng cạnh chụp ảnh cùng như thế.
Chợt bắt gặp lối xuông ga tàu điện ngầm, trong khi hầu hết mọi người trong đoàn vẫn đang say sưa mua sắm áo quần made in China, made in Bangladesh, made in Vietnam…ở các cửa hiệu trên đại lộ Hollywood, tôi tạm chia tay với họ và tự làm một tour tham quan nho nhỏ để so sánh tàu điên ngầm Hollywodd với những nơi mình đã qua.
Không tráng lệ và đẹp một cách kinh điển như các ga tầu điện ngầm ở Moscow, không đông đúc và hiện đại như những ga tầu điện ngầm mới được xây dựng ở Bắc kinh, Thâm quyến; ga tàu điện ngầm ở Hollywood vắng vẻ, không nhìn thấy rác nhưng khó nói là sạch sẽ bởi vẻ cũ kỹ và có vẻ ít được chăm sóc. Khác với dòng người hớn hở và nét hào hoa của những ngôi sao trên đại lộ Danh vọng, chỉ cách khoảng chục mét sâu dưới lòng đất nhưng ga tầu điện ngầm mang dáng vẻ nhọc nhằn khác hẳn. Sân ga và lối vào sảnh chờ tàu vắng vẻ với vài hành khách có phần đăm chiêu và vội vã…Bất chợt có cảm giác hơi ít an toàn nên tôi chỉ dừng lại ở việc ngắm nghía nhà ga tàu điện ngầm chứ không lên tàu làm một chuyến đi ngắn.
Ga tàu điện ngầm ở Hollywood |
Quay trở lại với đoàn và xe du lịch đưa chúng tôi tiếp tục tham quan trường quay Universal. Đúng là một phim trường của nền công nghiệp điện ảnh với những cảnh quay được thiết kế sẵn. Xe của trường quay đưa khách tham quan qua những dãy phố châu Âu cổ kính, những ngôi nhà và tháp Ả rập bàng bạc màu thời gian, cây cầu cong kiểu Trung quốc bắc ngang một dòng suối nhân tạo đang chảy siết... Bỗng giật mình khi hiện ra cảnh xe ô tô bốc cháy, hơi nóng bốc thẳng vào mặt khách tham quan; tiếp đó lại lạnh người khi phía trước là một căn nhà vắng vẻ có một xác chết bê bết máu ngay trước cửa và tên sát nhân đang lăm lăm con dao xông về phía xe tham quan. Các cháu bé la hét khi xe chạy qua một đoạn hầm tối, chú King Kong hiện ra túm lấy chiếc xe lắc lấy lắc để, rồi một con khủng long to tướng vụt nhào tới phun nước phì phì…
Kỳ sau: Thị trấn ma Calico
Anna Nguyễn
Khách sạn băng ở Rumani
Submitted by nlphuong on Fri, 06/01/2012 - 06:19(ICTPress) - Khách sạn băng Balea Lac ở trên núi Fagaras, 184 dặm phía Tây Bắc từ Bucharest, Romani.
(ICTPress) - Khách sạn băng Balea Lac ở trên núi Fagaras, 184 dặm phía Tây Bắc từ Bucharest, Romani.
Hoàn toàn làm bằng băng, khách sạn này có 10 phòng đôi với các giường cỡ lớn. Nhiệt độ của khách sạn từ -2 đến 2oC và có giá 35 euro (45,73 USD)/người.
Khách du lịch ăn bữa tối bên trong khách sạn Balea Lac |
Khách du lịch thăm một phòng bên trong khách sạn |
Một cậu bé chạm vào bờ tường bên ngoài khách sạn |
Một người phục vụ ở quầy rượu chuẩn bị các ly đá bên trong khách sạn |
Khách du lịch tham quan bên trong khách sạn Balea Lac |
Một người phục vụ dọn bữa tối cho khách du lịch bên trong khách sạn |
Bảo Ngọc
Theo Sina