Hay và tuyệt vời như… ngành Kỹ thuật!

Câu chuyện của Lê Trung Hiếu, chàng sinh viên kỹ thuật vừa ra trường và có được cơ hội đào tạo thực tế 4 năm tại Anh, Úc và Singapore.

Hiếu đã được Hội đồng Anh Việt Nam lựa chọn là gương mặt Đại sứ Tuổi 20, nhân dịp Hội đồng Anh đưa những giáo sư hàng đầu ngành kỹ thuật của Vương quốc Anh sang Việt Nam để thực hiện Sterling Tour 2013 với Buổi nói chuyện Kỹ thuật Kiến tạo Tương lai.

Lọt vào Vòng Chung kết năm Olympia 2008, Thủ khoa Đại học Hàng hải với số điểm 29,75. Giành học bổng vào thẳng Đại học của Anh mà không phải qua khóa Foundation và A-level. Trở thành Đại sứ Sinh viên của Đại học Southampton, một trong 40 sinh viên kỹ thuật xuất sắc của Vương quốc Anh được nhận Giải thưởng Lãnh đạo trẻ của Hiệp hội Kỹ sư Hoàng gia Anh. Vượt qua 280 đội đến từ khắp nước Anh để đứng trong top 5 cuộc thi kinh doanh IBM University Business Challenge. Hiếu cũng là 1 trong 20 người đoạt giải trong cuộc thi Nước Anh trong mắt tôi 2013.

Hiếu đi đón các bạn sinh viên quốc tế tại sân bay Heathrow

Đó là liệt kê chưa đầy đủ về Lê Trung Hiếu. Nhưng có lẽ, ở chàng trai chuyên Toán đất Cảng này, những ý tưởng luôn thường trực trong đầu, thái độ sống nồng nhiệt và đam mê kỹ thuật khiến những câu chuyện Hiếu kể thực sự trở nên hấp dẫn và truyền cảm hứng đến người nghe.

Vấp ngã ở BP

Học xong năm thứ hai chương trình Thạc sỹ ngành Kỹ sư Tàu thủy, Đại học Southampton, một đại học danh tiếng về chuyên ngành Kỹ thuật nằm trong Sterling Group, Hiếu hân hoan khi được nhận vào thực tập tại công ty năng lượng BP, xếp hạng 5 trong số những công ty lớn nhất thế giới. Thông thường, những sinh viên sau khi đã thực tập trong hè năm thứ hai sẽ tiếp tục được mời thực tập trong hè tiếp theo. Nhưng Hiếu thì không!! Nhớ lại thời điểm đó, Lê Trung Hiếu tâm sự: ‘Có lẽ tính cách của em quá ‘mạo hiểm’ đối với BP. BP là một công ty dầu khí lớn, do đó ít khi chấp nhận rủi ro. Mà em thì lúc nào cũng đầy ắp các ý tưởng mới và muốn thử nghiệm (cười).’ Ngay cả sếp phụ trách Hiếu ở BP cũng khuyên em nên tìm một công ty nào trẻ hơn và năng động hơn để bắt đầu vì nó sẽ phù hợp hơn với Hiếu.

Nghe theo lời khuyên chân thành của sếp, mùa hè năm sau, Hiếu đã đăng ký và được nhận vào thực tập tại công ty Tư vấn Kỹ thuật và Hàng hải London Offshore Consultants (LOC). Trong kỳ thực tập tại chi nhánh Singapore của London Offshore Consultants, Hiếu được ‘tận tay’ hỗ trợ làm 3 dự án thực tế, một dự án mô phỏng và tính toán độ ổn định của một tàu chở dầu trên biển, một dự án mô phỏng vụ va chạm giữa hai tàu biển mà công ty nơi Hiếu thực tập được giao giải quyết và một dự án về tính toán sự rung lắc trong bão của một tàu container. Với sư khiêm tốn học hỏi và hiệu quả làm việc tốt, Hiếu được đề nghị tiếp tục tham gia chương trình đào tạo thực tế 4 năm tại Anh, Úc và Singapore của London Offshore Consultants khi em vừa ra trường.

Hiếu cùng những người đồng nghiệp tại công ty LOC

Hiếu nói: “Em rất vui khi được mời làm Đại sứ của Hội đồng Anh và có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ lựa chọn học ngành kỹ thuật. Khi đi du học, em biết rằng ngay cả những quốc gia phát triển như Anh hay Mỹ cũng đang vô cùng “khát” nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, nên em tin rằng một đất nước đang phát triển như Việt Nam lại càng cần hơn. Ngày trước, khi em thi đại học, ngành của em có vẻ như bị lép vế trước ngành tài chính, ngân hàng, ngoại thương. Nhưng khi đi du học em mới thấy sinh viên ngành kỹ thuật được các công ty tìm kiếm và tin tưởng trao cho cơ hội làm việc ngay từ khi còn chưa ra trường.”

Sinh viên Kỹ thuật làm kinh doanh!

Nghe có vẻ hơi đặc biệt, nhưng đây chính là điều mà khoa kỹ thuật nơi Hiếu theo học đã khuyến khích sinh viên của mình. Khoa cấp kinh phí để sinh viên thành lập các đội tham dự cuộc thi IBM University Business Challenge. Trường Southampton rất chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cũng như kỹ năng kinh doanh cho sinh viên kỹ thuật, vì họ nhận ra rằng nếu sinh viên kỹ thuật học hỏi được những kỹ năng đó thì có khả năng rất lớn sẽ trở thành những người chủ của các công ty tương lai.

280 đội thi trên toàn Vương quốc Anh tham gia thử thách kinh doanh trong năm tuần. Nhiệm vụ là trở thành ban lãnh đạo của một công ty ảo; các đội sẽ phải lên kế hoạch sản xuất, định giá và lập kế hoạch bán sản phẩm. Nếu giá quá cao thì không bán được hàng, còn nếu để giá quá thấp thì hàng lại hết quá nhanh; khi khách cần lại không có, dẫn đến việc không làm vừa lòng khách hàng.

Nhận được thông tin về cuộc thi qua email, Lê Trung Hiếu đã lên mạng tìm hiểu kỹ và quyết định nắm lấy cơ hội vì Hiếu thấy rằng đây là cơ hội tuyệt vời để Hiếu có thể rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm. Chưa có kinh nghiệm kinh doanh, cả đội năm người lần mò trong những tuần đầu với kết quả khá bi quan, thậm chí đứng áp chót bảng sau tuần thứ hai. Và rồi mọi chuyện thay đổi khi nhóm lợi dụng thế mạnh về Toán và khả năng sử dụng Excel của sinh viên kỹ thuật để mô phỏng thị trường ảo. Chức năng này đã trợ giúp cho việc tính toán doanh thu lợi nhuận một cách nhanh chóng trong các trường hợp khác nhau, do đó trợ giúp cho nhóm đưa ra những quyết định chính xác Nhờ vậy, nhóm của Hiếu đi dần đến bán kết, chung kết và kết thúc với vị trí thứ Năm.

Hiếu nói cuộc thi IBM University Business Challenge đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời sinh viên của em. Hiếu đã học được những bài học quý giá về phương pháp làm việc nhóm, động viên tinh thần cho mọi người khi kết quả không được như ý cũng như những kiến thức về công việc kinh doanh. Hiếu bảo: “Em thi nhiều nhưng gần như không được giải nhất bao giờ, nhưng có khi thế lại tốt. Nhìn người ta được giải nhất để mình còn biết cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Bấm vào đây để xem video của Hiếu tại cuộc thi.

Hãy chọn trường của tôi!

Năm thứ nhất, Hiếu đã tham gia tình nguyện cho các hoạt động của trường liên quan đến STEM (Science, Technology, Engineering and Math) (Khoa học, Kỹ Thuật, Cơ khí và Toán học). Năm thứ hai, em trở thành Đại sứ của Khoa nơi mình học và đến năm thứ ba em trở thành Đại sứ Sinh viên của Đại học Southampton với “sứ mệnh” thuyết phục sinh viên tương lai lựa chọn Southampton.

Một hoạt động mà Hiếu rất tâm đắc là khi em được phân công phụ trách một nhóm bảy đến tám sinh viên tiềm năng, đưa các em đi tham quan khuôn viên, cơ sở vật chất trường. Mỗi nhóm với sự hướng dẫn của Đại sứ sinh viên sẽ tham gia vào thử thách “Thiết kế, thử nghiệm và xây dựng mô hình tàu cao tốc bằng xốp, gỗ và động cơ” Đây là dịp kiểm nghiệm khả năng thiết kế, tư duy logic của các em học sinh cũng như truyền cảm hứng để các em yêu ngành kỹ thuật hơn. Nhóm nào thắng cuộc sẽ được thưởng 100 bảng Anh còn Đại sứ hướng dẫn cũng được trường trả ‘lương’ 7,2 bảng một giờ.

Lê Trung Hiếu nói: ‘Em thực sự yêu thích ngành kỹ thuật. Trước đây, với vai trò đại sứ của Đại học Southampton, em đã có dịp chia sẻ tình yêu đó với các em sinh viên ở Anh và bây giờ, em rất vui khi một lần nữa được chia sẻ tình yêu đó với các bạn Việt Nam. Là Đại sứ của Sterling Tour 2013, em hy vọng các bạn sẽ đến gặp gỡ các giáo sư hàng đầu chuyên ngành kỹ thuật của Anh để tìm cơ hội cho chính mình trong các chương trình giao lưu tại Hà Nội (Thứ Ba ngày 10/9), Đà Nẵng (Thứ Sáu ngày 13/9) và TP. Hồ Chí Minh (Thứ Hai ngày 16/9).

Nguồn: Hội đồng Anh

Tin nổi bật