Cuốn sách viết lại mã sự sống được nhiều tờ báo đánh giá cao

“Viết lại mã sự sống - Jennifer Doudna, chỉnh sửa gen và tương lai loài người” - cuốn sách được viết bởi bậc thầy tiểu sử Walter Isaacson, từng là cuốn sách bán chạy số 1 New York Times và từng được đánh giá hay nhất năm bởi Time Magazine, The Washington Post, Smithsonian Magazine, Amazon, BookPage, Science News. 

Walter Isaacson, sinh 20/5/1952, là nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông từng đảm nhận vị trí Tổng biên tập của tạp chí Time, Chủ tịch và CEO của CNN, CEO của Aspen Institute và giáo sư lịch sử tại đại học Tulane. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy được yêu thích, trong đó một số được xuất bản ở Việt Nam như: Benjamin Franklin - Cuộc Đời Một Người Mỹ, Einstein - Cuộc Đời và Vũ Trụ, Tiểu sử Steve Jobs, Những người tiên phong, Leonardo da Vinci, Elon Musk.

Trong cuốn sách “Viết lại mã sự sống - Jennifer Doudna, chỉnh sửa gen và tương lai loài người”, Walter Isaacson đã kể cho bạn đọc nghe câu chuyện về những nhân vật đằng sau chiếc “kéo di truyền” đã đưa khoa học sự sống sang một kỷ nguyên mới. 

Câu chuyện bắt đầu từ khi Jennifer Doudna - nhà khoa học nữ nhận giải Nobel Hóa học 2020 - học lớp 6, trở về nhà và thấy trên giường có một cuốn sách mang tên “DNA: Hành trình khám phá chuỗi xoắn kép”. Khi lướt qua các trang sách, Doudna đã không thể rời mắt khỏi cuộc chạy đua để khám phá ra “mật mã” về sự sống và từ đó theo đuổi mơ ước trở thành một nữ khoa học gia.

Bà và các cộng sự đã biến sự tò mò về tự nhiên thành một phát minh có thể biến đổi loài người: CRISPR-Cas9 - một kỹ thuật có cái tên viết tắt không hề dễ nhớ cho phép cắt và thay đổi có chọn lọc những mẩu DNA. 

Nghiên cứu mang tính bước ngoặt này dựa trên khả năng phòng vệ do vi khuẩn tạo ra trong cuộc chiến hơn 1 tỷ năm chống lại virus, mở ra cánh cửa giúp nhân loại có khả năng kiểm soát các làn sóng virus trong tương lai – chặn đầu đại dịch bằng cách tầm soát và điều trị tốt hơn, thậm chí tạo ra những con người với khả năng miễn dịch mạnh mẽ. 

Sự phát triển của CRISPR và cuộc chạy đua để tạo ra vắc-xin cho coronavirus đã thúc đẩy một cuộc cách mạng tiến bộ vĩ đại. Nếu nửa thế kỷ qua là kỷ nguyên kỹ thuật số, dựa trên vi mạch, máy tính và internet thì bây giờ chúng ta đang bước vào một cuộc cách mạng khoa học sự sống.

Chúng ta có nên tận dụng sức mạnh tiến hóa mới này để giúp cho loài người ít bị nhiễm virus hơn, phòng chống trầm cảm, hay để tăng cường chiều cao, cơ bắp hoặc chỉ số thông minh cho con cái không? Cùng với khả năng mang đến những tiến bộ cho nhân loại, công cụ này cũng khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi về mặt đạo đức của việc chỉnh sửa gen người. 

Bằng cách kể câu chuyện về Jennifer Doudna, tác giả cũng hy vọng sẽ đưa ra một cái nhìn khác về cách thức hoạt động và những góc khuất của ngành khoa học. Điều gì thực sự xảy ra trong phòng thí nghiệm? Các khám phá phụ thuộc đến mức nào vào sự xuất sắc của các cá nhân, và khả năng làm việc nhóm trở nên quan trọng tới đâu? Sự cạnh tranh về giải thưởng và bằng sáng chế có làm suy yếu sự hợp tác khoa học không?

Tờ The Economist đánh giá: “Isaacson đã thể hiện rất tốt những quy trình trong khoa học, bao gồm cả vai trò của cơ hội. Sự vất vả bên bàn thí nghiệm, những cảm hứng lóe sáng, tầm quan trọng của các hội thảo với vai trò tụ hội sự sáng tạo, sự ganh đua – có lúc thân thiện, nhưng cũng có lúc khốc liệt – cũng như ý thức về mục tiêu chung đều được thể hiện trong cuốn sách. The Code Breaker mô tả một vũ điệu theo nhạc điệu của thời gian với mỗi bước nhảy là một thành tựu, bắt đầu từ Charles Darwin và Gregor Mendel và không hề có dấu hiệu sẽ chấm dứt”.

Trong khi đó, tờ The New York Times cho rằng: “Isaacson thể hiện mọi thứ bằng thứ ngôn ngữ thông suốt thường thấy của ông; với tiết tấu nhanh, hấp dẫn và hài hước. Độc giả sẽ có được từ cuốn sách những hiểu biết sâu sắc hơn về cả khoa học và cách nó được thực hiện". Còn The Washington Post, “The Code Breaker có thể được coi là cuốn biên niên kí của năm đại dịch 2020”.

ND

 

Tin nổi bật