Côn Đảo - Du lịch “nhà tù” và tâm linh

(ICTPress) - Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng.

Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý. Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này, thường gọi là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor.

Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km². Đảo Côn Sơn có hình dạng giống như một con gấu. Côn Đảo là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Côn Đảo được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển). Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng. Côn Đảo được Tạp chí du lịch Travel And Leisure công bố là một trong 20 hòn đảo chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất thế giới (theo Wikipedia).

Tuy nhiên, nói đến Côn Đảo là nói đến hệ thống nhà tù nổi tiếng của nó. Kể từ ngày 1 tháng 2 năm 1862, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng.

“Côn Nôn đi dễ khó về

Già đi bỏ xác, trai về nắm xương.”

Ngay từ khi thành lập nhà tù Pháp đã đày ra Côn Đảo 50 phạm nhân (3/1862), rối tiếp sau là hàng ngàn người. Đó là những nông dân và sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, chống thuế Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ. Trong đó có các cụ Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Dương Đình Thách, Trương Bá Huy, Ngô Đức Kế, Phạm Cao Chẩm, Trần Trọng Cung, Trần Cao Vân... Tiếp theo những năm sau có hàng vạn cán bộ, đảng viên đảng cộng sản như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh...

Tháng 3/1955, thực dân Pháp bàn giao lại nhà tù Côn Đảo cho chính quyền Sài Gòn. Năm 1957, Mỹ-Diệm mở rộng hệ thống nhà tù. Riêng trong năm 1957, liên tiếp lưu đày ra Côn Đảo 10 chuyến tổng số 3.080 người.

Từ khi chiến tranh leo thang, số lượng tù nhân bị giam giữ tăng dần có lúc lên đến con số 10.000 người (1967-1969). Trong số đó phụ nữ, sinh viên, học sinh và một số cháu bé từ 1 đến 8 tháng tuổi (theo mẹ). Sau hiệp định Paris (1/1973) nhiều đợt phân loại chuyển tù. Số lượng tù nhân Côn Đảo được bổ sung và biến động ở mức 8.000 người cho đến ngày giải phóng.Cho tới  ngày Côn Đảo giải phóng (1-5-1975) có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị (494 phụ nữ).

Hệ thống nhà tù của Côn Đảo thì khá đồ sộ. Ngoài các nhà tù như BAGNE (BANH) I, còn được gọi các tên lao I, trại CỘNG HOÀ, TRẠI 2 và sau cùng (11/1974) được gọi là trại PHÚ HẢI xây dựng năm 1862 và chỉnh trang lại kiên cố năm 1896; BANH II, còn gọi các tên: Lao II, trại NHÂN VỊ, trại 3, và sau cùng là trại PHÚ SƠN;  BANH 3, còn gọi các tên: Lao III, Trại BÁC ÁI, Trại 1, và sau cùng là trại PHÚ THỌ; BANH III còn gọi các tên Lao III phụ, trại phụ BÁC ÁI, TRẠI 4 và cuối cùng là TRẠI PHÚ TƯỜNG thì nổi tiếng nhất là các chuồng cọp.

Trại Phú Hải (bagne I) 1/10/2011

Chuồng cọp do Pháp  xây  dựng năm 1940 với tổng diện tích là 5.475 m². Trong đó diện tích phòng giam 1.408 m², phòng tắm nắng 1.873 m², khoảng trống 2.194 m². Bao gồm 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng). Đặc điểm bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn). Ngoài ra còn có 60 phòng không có mái che được gọi là Phòng tắm nắng (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng). Phòng tắm nắng còn là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn.

Chuồng cọp do Việt Nam Cộng Hòa xây dựng còn có tên là trại 7 hay là trại Phú Bình được xây dựng năm 1971 với Tổng diện tích 25.768 m². Trong đó diện tích phòng giam là 3800 m2, nhà phụ thuộc là 673 m², nhà ở là 173 m², khoảng trống là 22.369 m². Bao gồm 384 phòng biệt giam (chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng). Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp.

Chuồng Cọp 1/10/2011

Có lẽ không đâu trên đất Việt Nam lại có mật độ người chết lớn như ở Côn Đảo. Cô hướng dẫn viên cho biết: “dân sống ở đảo có khoảng 27000 người, buổi sáng có 7000 người, nhưng đến tối đêm anh có thể gặp 20.000 người còn lại”.

Chiều 1/10/2011, chúng tôi viếng nghĩa trang Hàng Keo. Gọi là nghĩa trang nhưng chỉ có một bia tưởng niệm những người chết vô danh mà không có mộ. Nhiều người chết đã được vùi vội trong các lớp đất tại đây, không bia, mộ, không tên tuổi. Cảnh hoàng hôn chiều ảm đạm cùng với tiếng gió từ biển vọng vào khiến mọi người có cảm giác lạnh dọc sống lưng.

Nghĩa trang Hàng Keo ngày 1/10/2011

 Nhưng nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo là Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nướcViệt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài từ năm 1862 đến năm 1975, trong nhà tù Côn Đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, và sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Họ đã chết dưới sự tàn bạo của cai ngục và hoàn cảnh sống khắc nghiệt tại nhà tù.

Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích khoảng 20 ha, và được chia làm 4 khu (theo Wikipedia):

  • Khu A: Gồm 688 ngôi mộ, có 7 mộ tập thể trong đó 86 mộ có tên và 602 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Nơi đây có mộ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.
  • Khu B: Gồm 695 ngôi mộ, có 17 mộ tập thể trong đó 275 mộ có tên và 420 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 đến1960. Nơi đây có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.
  • Khu C: Gồm 372 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể) trong đó 329 mộ có tên và 43 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến 1975. Nơi đây có mộ của anh hùng Lê Văn Việt.
  • Khu D: Gồm 148 ngôi mộ, trong đó 11 mộ có tên và 137 mộ khuyết danh. Đặc biệt mộ khu D được quy tập các mộ từ Hòn Cau và Hàng Keo về.

Đã thành thông lệ ở Côn Đảo người dân và các du khách đều đi viếng mộ vào ban đêm từ 23 giờ. Vào giờ này nơi nghĩa địa, giữa ngàn ngôi mộ, đêm yên tĩnh, không có tiếng người nói to, không có tiếng chân bước gấp, chỉ có tiếng gió hàng phi lao (Hàng Dương) vi vút như bản nhạc ngàn đời thiên tạo, ru các vong linh vào cõi vĩnh hằng.

Hành trình dâng hương bắt đầu từ khu tưởng niệm. Lúc 23h30, khu tưởng niệm đã đông người thắp hương và dâng hoa. Tiếp đến đoàn đi dọc theo một lối nhỏ hút gió. Trời tối om, chỉ nghe thấy tiếng chân và tiếng thở phả từ sau lưng, chúng tôi đến khu A viếng mộ liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và thắp hương cho nhiều ngôi mộ liệt sĩ vô danh.

 Đúng 12h đêm, chúng tôi đến khu B viếng mộ chị Võ Thị Sáu, tên thật là Nguyễn Thị Sáu (1935 - 1952), mộ chị Sáu là nơi đông người viếng, khói hương nghi ngút. Dân trên Đảo đều gọi chị là Cô Sáu với lòng thành kính. Sự thành kính được củng cố bằng niềm tin tâm linh, bằng những sự mất niềm tin vào những giá trị hiện nay. Mộ chị Sáu nhộn nhịp hơn về đêm khiến dân tình trên đảo kể nửa đùa nửa thật rằng cô Sáu có mấy lần hiện về than phiền là người ta chỉ chăm chăm viếng mộ cô, trong khi các vị tiền bối như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong thì nằm khuất trong sự thưa vắng hơn, coi không đặng chút nào.

Viếng chị Sáu lúc nửa đêm

Đã có thời kỳ người ta cho rằng kéo theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường là sự biến mất của tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng, thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Khi kinh tế càng phát triển, thì nhu cầu về đời sống tâm linh, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng càng được coi trọng. Lối sống của người Việt Nam đang bị phá vỡ, bon chen, nhốn nháo... Vì thế, những nơi tâm linh là nơi đọng lại tâm hồn con người, giúp con người hướng thiện, sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó những biến tướng của hình thức tâm linh này ngày càng phát triển. Người ta nghe rất quen những lời khấn đại loại như “Con tên là Trần Văn A, Nguyễn Thị B, con là TGĐ tổng công ty X, chồng con là giám đốc công ty Y, trưởng phòng Z, con kính xin Cô phù hộ độ trì cho con được C, D, E,..”. Mặc dù có sự cám dỗ khó cưỡng lại của những lời khấn nhưng nhớ lời vợ dặn không được xin những thứ như tiền tài, danh vọng, mình đành chấp nhận với lời khấn cho gia đình được bình an, sức khỏe và công việc thuận lợi. Quả là càng lên cao, niềm tin tâm linh càng mạnh!

Hôm nọ, ông Nguyễn Cảnh Bình, GĐ công ty Alphabooks có ý tưởng về việc du lịch “gông cùm”, trong chuyến du lịch đó các vị lãnh đạo, các nhà doanh nghiệp được nếm trải trọn một ngày trong chuồng cọp với gông cùm xích vào chân để có thời gian suy nghĩ về những gì mà các vị tiền bối cách mạng đã từng trải qua. Tôi nghĩ nên cho các vị ấy có thêm cảm giác mạnh hơn của việc bị bịt mắt dẫn ra ngoài bãi Nhát, mũi Cá mập dựa vào cây cột như chị Sáu cách đây 60 năm.

Đến 3h sáng, đoàn trở về đến khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo. Một đêm nhiều mộng mị.

Bãi biển Côn Đảo

Sáng sớm được ngâm mình trong làn nước xanh, phẳng lặng của biển, bao ưu tư phiền muộn như chợt tan biến. Ngồi yên lặng ở quán cà phê Côn Sơn trên đường Tôn Đức Thắng nhìn thẳng ra biển, xa sự náo nhiệt, ồn ào, bon chen của chốn thị thành, lòng thanh thản, tâm bình yên. Chợt nghĩ, không bị gông cùm ở chân nhưng liệu có cái cùm nào trong tâm tưởng?

Trung Thành

Tin nổi bật