Câu chuyện về 2… nữ phi công ở ngành Bưu Điện

Cuối tháng 5/2012, một số báo đưa tin: “…Để đối phó với tình trạng bị hàng không lùi chuyến, chậm chuyển hàng gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, một số doanh nghiệp bưu chính lớn đã dự định hợp tác đầu tư thuê, mua máy bay chuyên dụng… Song đến nay ý tưởng đó  vẫn  vướng nhiều “rào cản”...

“Ý tưởng” đó thực ra không hẳn mới. Nó đã từng là “ước mơ” được ấp ủ của nhiều thế hệ bưu chính của nước ta. Chẳng những vậy, ngay từ những năm 60 thế kỷ trước - không biết bạn có tin không chứ đã có những nhân viên bưu điện từng được “tung cánh vẫy vùng” giữa bầu trời cao rồi…

… Chắc chắn rằng một số bạn đọc - nhất là các bạn hay qua lại khu vực “Đại bản doanh Bưu Điện 18 Nguyễn Du Hà Nội” cách đây độ chục năm - thì các bạn cũng đã từng gặp các “phi công” này rồi - 2 “nữ phi công”. Duy chỉ có các bạn  không biết 2 chị đã từng là người lái máy bay mà thôi!

Bầu trời thật là cao:

Có lẽ từ ngàn xưa bầu trời mênh mang vẫn là nơi con người luôn muốn vươn tới. Lên đó, mọi sự chen lấn trong cuộc sống chật hẹp ở mặt đất không còn nữa. Con người thỏa chí ước mơ thanh thoát bồng bềnh và vẫy vùng...

Ở đó dù đạt tới độ cao nào thì phía trên vẫn  những đích cao hơn đang vẫy gọi…

…Hè này khối cháu một hai tuổi đã theo bố mẹ bay hết vào Nam lại ra Bắc …nhưng bác tôi, năm nay tầm tuổi chưa đến tám mươi mà kể với con cháu: …“Trước Cách mạng” - nói theo kiểu các cụ thì phải hiểu đó là khoảng những năm 40 - “ …làng mình thi thoảng thấy có chiếc xe đạp kính coong là đã chạy theo xem, phục lắm! Người ta đi phăng phăng mà hễ mình leo lên là ngã chổng kềnh…”. Rồi ngay năm 80 đây thôi, anh tôi ra nước ngoài, lần đầu tiên được đi máy bay mà về nhà kể cho cả người lớn trẻ con nghe cả tuần không hết chuyện. Nói như vậy để thấy rằng chúng ta đang sống trong một thời đại công nghệ tiến bộ cực nhanh. Ngày nay có nói về “nữ phi công” chẳng mấy ai ngạc nhiên… Nhưng cách đây 50 năm, phụ nữ điều khiển ô tô, xe máy kiếm còn chẳng thấy thì lái được máy bay là chuyện thật… hiếm!…

Hai chị…:

Làm việc tại 18 Nguyễn  Du chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Tôi năm ấy mới 30. Cứ nghĩ rằng các chị hơn mình 5,7 tuổi là cùng nên tôi vẫn chị chị em em với các chị suốt. Tới hôm chị bảo: “Tớ chuẩn bị nghỉ hưu!” tôi mới giật mình nhẩm tình và vội nói: “Chết thật! thế thì lẽ ra em phải gọi chị là… cô mới phải!” Quen biết nhau lâu vậy mà tôi cũng đâu có biết…

…Cho tới một ngày kia, khi tiễn một bác hưu trí từ miền Nam ra đến cơ quan Tổng Cục có việc chi đó, gặp chị bác ngạc nhiên: “Ơ, Quỳnh Yên …sao “mi” lại ở đây thế này!?”. Thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng bác bảo: “Thế cháu không biết à, vận động viên, xạ thủ số 1 của Tổng Cục đấy!” - “Loại này ngày xưa không bắn thì thôi, chứ đã bắn “thằng” nào chết “thằng” đó! Lại còn lái cả mô tô, máy bay nữa”. Bác đùa đùa làm tôi nghi hoặc. Quả thực đến nay nhìn chị vẫn nguyên nét duyên dáng rất dễ mến nên nếu xưa có nhiều người “đổ” vì chị cũng không có gì là lạ. Nhưng còn chuyện lái máy bay…?. Nhưng bác lại hỏi: “Này còn “cái” Dung Nghi ngồi đâu nhỉ? Hai cô này xưa đều ở Nhà máy Thiết bị Bưu Điện với bác, đều là “nữ phi công”, nổi tiếng một thời” đấy”.

Chị Dung Nghi

Ai chứ chị Dung Nghi tôi cũng chẳng lạ. Chị làm việc tại Cửa hàng Tem 18 Nguyễn Du. Nổi tiếng là người vui vẻ, đon đả và chiều khách, chị còn sở hữu một giọng hát hay và hay hát rất hồn nhiên, nhất là các bài hát xưa bằng tiếng nước ngoài… Chị còn được nhiều người biết vì vốn là con gái cố giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, người nổi tiếng trong xã hội Hà Nội xưa vì mới 23 tuổi đã đỗ 2 bằng tiến sỹ tại Pháp.

Con đường dẫn tới trời cao:

Chị Dung Nghi kể: “Ngày đó đang học phổ thông thì chị được chọn vào Câu lạc bộ Hàng Không. Ban đầu bọn chị cũng phải học lý thuyết kỹ lắm. Nào là Điều lệnh, Đồng hồ, Khí động, Khí tượng và Chế tạo…v.v. Có đạt rồi mới được học bay” .

Máy bay thì có bàn điều khiển kép. Giáo viên ngồi phia sau vừa hướng dẫn vừa giám sát và bảo đảm an toàn cho mình. Những bài đầu là bay theo hình kín. Tầu lượn được cáp kéo dần bay lên cao. Đến một độ nhất định thì điều khiển nhả móc cho bay lượn tự do. Khi đó mình phải điều khiển lượn theo một hình chữ nhật. Hết “quành 1” lại “quành 2”… Cuối cùng thì giảm tốc sao cho tầu hạ xuống chữ thập ở giữa hình chữ nhật đó là được… Chị hồi đó người nhỏ, không đủ cân nên mỗi lần bay phải “độn” thêm vào chỗ ngồi khoảng 50 kg mới đủ để cho máy bay chúc mũi xuống ...!. Vậy mà cũng bay được 76 chuyến đấy”.   

Thế chị về Nhà máy Thiết bị Bưu Điện từ bao giờ…?”. “Năm 1964, tốt nghiệp trường Phổ thông Công nghiệp chị về bộ phận cơ điện của nhà máy.  Hàng tuần vẫn tham gia tập bay đều đặn đến khi CLB ngừng hoạt động”. Những năm Hà Nội chống Mỹ chị tham gia tự vệ dũng cảm lắm. “Thương binh loại có thẻ hẳn hoi đấy nhé, cậu đừng tưởng…” - chị bảo. Năm 1983 chuyển về Công ty Tem rồi nghỉ hưu chị vẫn tiếp tục làm việc tại Hội Tem và Tạp chí Tem cho đến nay. …

Chị Quỳnh Yên

…Còn chị Yên thì: “Năm 1961, tốt nghiệp cơ khí của Trường Giao thông mình được phân về Bưu Điện. Ngày đó Giao thông Bưu Điện còn chung một ngành. Là công nhân đúc loại giỏi chị còn tham gia tự vệ. Bắn đạn thật bao giờ mình cũng đạt thành tích cao. Ba viên mà thường đạt được từ 27, 28 điểm trở lên. Vì vậy được vào đội tuyển của Tổng Cục cùng  anh chị em các tỉnh đi thi đấu ở nhiều nơi. Khi Câu lạc bộ Hàng không thành lập, tuyển người trong số đoàn viên ở các cơ quan, xí nghiệp thì chị may mắn được lọt vào danh sách. Hà Nội 10 người, Hải Phòng 10 người. Nhà máy cho đi học tập trung hẳn 6 tháng. Ban đầu hồi hộp bỡ ngỡ nhưng dần thấy mình điều khiển được thiết bị thì ham lắm. Các bài bay theo hình xong thì được mở rộng bay theo khu vực. Tầu lượn được máy bay dắt lên cao. Mình tự cắt khỏi tầu dắt và chủ động dựa vào các hiện tượng khí tượng, khí động, dựa vào sự thăng dáng của các dòng khí mà cho máy bay vận động giữa trời cao… Khó nhất là làm các động tác nhào lộn. Khi ngược lên trời lúc lộn xuống đất  nếu không nhanh mắt không thể nhận biết được phương hướng, địa hình… Có một lần trở về sân bay, khi đang đáp xuống, chị đã mở cánh cản để giảm tốc độ thì gặp chỗ không khí loãng, máy bay bị hụt độ cao và có thể sẽ bị chạm vào mái nhà. Chị đã xử trí nhanh khép cánh cản lại để giữ cho tốc độ máy bay đủ vượt lên qua vật chướng ngại. Tới mặt đất thì cũng là lúc máy bay hết đà dừng ngay lại. Thật hú vía!

Hồi đó xã hội mình tin tức còn ít, tin này mà báo chí cũng chụp ảnh đưa tin. Ảnh chị có lần còn được đưa cả lên báo Thanh niên của Tiệp nữa cơ đấy. Chị còn bảo: “Tên chị ngày xưa mộc mạc lắm, chỉ có Nguyễn Thị… thôi. Chẳng hiểu sao lần đó mấy  anh nhà báo lại gọi là “Quỳnh Yên”. Thấy hay hay anh chị em gọi miết nên bây giờ thành quen”. Với dáng vẻ và tên gọi của chị như vậy khiến từ lâu tôi cứ ngỡ chị là người Hà Nội gốc.   

Chị kể: có lần một chị ở Hải Phòng cũng gặp trường hợp tương tự như chị. Phải hạ ngay xuống đường cái mà thế nào tới lúc đâm vào cột điện mới dừng lại được. Vậy mà người thì không hề hấn gì. Thầy giáo người Tiệp Khắc cũng phải ngạc nhiên về sự may mắn hi hữu này. Đây là chuyến bay đôi nên khi về mọi người cứ chế mãi chắc 2 anh chị mải “tâm sự” quá… đến đâm cả vào cột điện mới tỉnh… Mãi năm 1964, khi Mỹ đánh phá ra Miền Bắc thì Câu lạc bộ ngưng hoạt động”. …

Ngày ấy đã mấy ai nghĩ phụ nữ mà cũng điều khiển được cả một phương tiện hiện đại phức tạp như máy bay. Nhiều anh nam giới mơ chẳng được vì  điều kiện sức khỏe đòi hỏi rất khắt khe. Thấy học lái các anh trêu: “Yểu điệu thế này có “lái phi công” thì giỏi chứ lái thế nào được máy bay!”… 

Năm 1965 chị lập gia đình cùng anh Đinh Đăng Phúc ở phân xưởng thiết bị. Anh là cháu nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định và cũng sinh hoạt trong Câu Lạc bộ Thể thao Quốc phòng. Chưa được gặp anh nhưng tôi chắc anh phải thuộc loại “cao to đẹp trai”. Vì ngày ấy được vào đội mô tô phân khối lớn phải cao ít nhất mét bẩy và trên 70 kg. Các anh còn phải đi biểu diễn, đi đón khách như… Ngự lâm quân vậy. Chẳng biết có phải vì vậy mà bác hưu trí bảo chị “lái được cả mô tô” không?. Sau này anh làm Phó Quản đốc phân xưởng còn chị năm 1983 về Phòng Thường trực của Văn Phòng Tổng cục làm việc mãi đến năm 1999. “Người ngành ta” qua lại ai mà chẳng có lần đã gặp chị...

…Chị Dung Nghi, sau 1964, bỏ lái máy bay mà cũng chẳng “lái …phi công”. Chị “lái…hẳn một ông nhạc sỹ” - Nhạc sỹ Hồ Quang Bình hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Hà Nội …

…Mai đây, nếu đội bay bưu chính ra đời, chẳng hiểu bảo tàng của họ sau này có ảnh các chị không. Có lẽ tít bài và ảnh trên báo Nhân Dân viết về chị Yên ngày đó đã khẳng định “vị trí lịch sử” của chị rồi: “Người phụ nữ đầu tiên trên bầu trời Hà Nội” !. Ảnh của chị cũng đã có lần treo trong Bảo tàng Quân đội. Một người bạn thấy vội chụp lại tặng chị. Ấy vậy mà bây giờ hỏi đến thì chị phải lục tìm mãi mới ra!...                                                                 

Song Tuệ

Phụ nữ Bưu điện

Tin nổi bật