Chuyện dọc đường
Sông Hồng - một trong những thắng cảnh quyến rũ của thế giới
Submitted by nlphuong on Wed, 28/09/2011 - 21:53(ICTPress) - Sông Hồng của Việt Nam vừa được Tạp chí Ria Novosti tuần trước đưa vào danh sách là một trong 18 thắng cảnh đẹp nhất trên thế giới cùng với hẻm núi Grand Canyon của Mỹ, vườn quốc gia Komodo, Indonesia và hồ Baikal của Nga...
(ICTPress) - Sông Hồng của Việt Nam vừa được Tạp chí Ria Novosti tuần trước đưa vào danh sách là một trong 18 thắng cảnh đẹp nhất trên thế giới cùng với hẻm núi Grand Canyon của Mỹ, vườn quốc gia Komodo, Indonesia và hồ Baikal của Nga...
Tạp chí này giới thiệu “Hành tinh của chúng ta thật là to lớn. Nếu bạn đi vòng quanh sẽ là 40.000 km. Và nếu bạn viếng thăm từng quốc gia, bạn sẽ đi nhiều hơn con số này. Đối với những ai không có thời gian, thì hãy ngắm nhìn những bức ảnh dưới đây”.
Ria Novosti mô tả sông Hồng là một trung tâm văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Cái tên sông Hồng là do nước sông nhiều phù sa màu nâu hồng chảy từ Tây Nam Trung Quốc qua miền Bắc Việt Nam đổ vào vịnh Bắc Bộ. Với chiều dài 120 km và 140 km chiều rộng, sông Hồng là một trong những đường vận tải thủy chính cho tàu bè đi lại. Hiện nay, sông Hồng không chỉ là một trong những trung tâm vận tải quan trọng mà còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn ở Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh về các thắng cảnh được Tạp chí Ria Novosti lựa chọn:
Sông Hồng của Việt Nam |
Thác nước Iguaza nằm ở biên giới hai nước Argentina và Brazil, một trong những thác nước có mức nước chảy mạnh nhất thế giới đạt đến 450m3/s |
Được dân địa phương gọi là “biển”, hồ Baikal là hồ sâu nhất trên thế giới, có chứa nhiều nước hơn 5 hồ lớn cộng lại |
Thung lũng nước nóng ở Kamchatka - một trong những thung lũng suối nước nóng lớn nhất thế giới và là duy nhất thuộc về châu Á và châu Âu |
Thành phố và là trung tâm du lịch có khoảng 90.000 dân ở Zambia là nhà của khoảng 1.300 sinh vật hoang. |
Quần đảo Kuril - một chuỗi đảo núi lửa nằm giữa bán đảo Kamchatka và đảo Hokkaido |
Vườn quốc gia Komodo được thành lập năm 1980 và bao phủ diện tích 603 km đất và 1.214 km biển. Động vật phổ biến nhất là rồng Komodo và những sinh vật thằn lằn lớn nhất |
Linh@
“Nhật Bản: Vương quốc của những nhân vật biểu trưng và hoạt hình”
Submitted by nlphuong on Tue, 27/09/2011 - 19:36(ICTPress) - Khách tham quan sẽ được ngắm nhìn các nhân vật nổi danh như Astro Boy, Ultraman, Hello Kitty, Doraemon, Gundam, Evagelion, Pokemon,... được trưng bày tại triển lãm dưới hình thức tượng, hình nộm, ảnh và trình chiếu video.
(ICTPress) - Khách tham quan sẽ được ngắm nhìn các nhân vật nổi danh như Astro Boy, Ultraman, Hello Kitty, Doraemon, Gundam, Evagelion, Pokemon... được trưng bày tại triển lãm dưới hình thức tượng, hình nộm, ảnh và trình chiếu video.
Trong những năm gần đây, nền tiểu văn hóa truyện tranh và phim hoạt hình tại Nhật Bản đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ trên toàn thế giới. Để tìm hiểu cặn kẽ về trào lưu này, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức một triển lãm có tên gọi “Nhật Bản: Vương quốc của những nhân vật biểu trưng và hoạt hình” tại ba thành phố Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Các nhân vật biểu trưng và hoạt hình được xem là cội rễ của nền tiểu văn hóa này của Nhật Bản.
Trước khi mỗi chúng ta có thể nhận thức ra được thì các nhân vật này đã trở thành một phần trong đời sống thường nhật của chúng ta. Các nhân vật này xuất hiện khắp nơi, ở các vật dụng của người lớn hay trẻ nhỏ, dù ở những không gian riêng tư hay không gian công cộng. Ví dụ như, các nhân vật hoạt hình được in trên sổ tiết kiệm ngân hàng hoặc trên thẻ đi tàu điện và sự xuất hiện thường xuyên của các nhân vật biểu trưng tại các bốt cảnh sát. Nền tiểu văn hóa này đã thấm sâu vào cuộc sống hằng ngày của người dân Nhật Bản ở mức độ không ai có thể tiên đoán được.
Triển lãm sẽ giúp khách quan phần nào trả lời các câu hỏi: Vậy các nhân vật này là gì? Tại sao chúng lại trở nên quá phổ biến như vậy? Những nhân vật này phản ánh một xã hội như thế nào và sự ảnh hưởng của chúng lên xã hội đó như thế nào? Và câu hỏi cuối cùng là nền tiểu văn hóa của các nhân vật này sẽ đi đến đâu trong tương lai?
Khách tham quan sẽ được ngắm nhìn các nhân vật nổi danh như Astro Boy, Ultraman, Hello Kitty, Doraemon, Gundam, Evagelion, Pokemon, Haruhi Suzumura, Sentokun, Hikoyan và Namisuke v.v.. được trưng bày tại triển lãm dưới hình thức tượng, hình nộm, ảnh và trình chiếu video.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hy vọng qua triển lãm lần này khách tham quan sẽ có cái nhìn đầy đủ về bối cảnh lịch sử và văn hóa ẩn chứa trong sự yêu chuộng mà người dân Nhật Bản dành cho các nhân vật biểu trưng và hoạt hình cũng như về tương lại của các nhân vật đó trong xã hội Nhật Bản đương đại.
Triển lãm mở cửa tự do tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ Thứ Năm ngày 6 cho đến Chủ Nhật ngày 23/10, sau đó triển lãm sẽ đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, Huế từ thứ Tư ngày 2 đến Chủ Nhật ngày 13/11, cuối cùng là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh từ thứ Sáu 25/11 đến ngày 4/12/2011.
Linh@
Những điều thú vị về lễ hội bia nổi tiếng nhất thế giới
Submitted by nlphuong on Mon, 26/09/2011 - 19:16Hơn 200 năm tuổi, lễ hội bia mang đậm nét văn hóa riêng biệt, độc nhất vô nhị của nước Đức chứa đựng rất nhiều điều thú vị.
Ngày 17/9/2011, Oktoberfest - lễ hội bia thường niên lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới đã khai mạc tại thủ phủ Munich, bang Bavaria, Đức. Hơn 200 năm tuổi, lễ hội bia mang đậm nét văn hóa riêng biệt, độc nhất vô nhị của nước Đức chứa đựng rất nhiều điều thú vị.
Các cô gái cùng nâng ly trong ngày khai mạc lễ hội bia Oktoberfest |
1. Lễ hội Oktoberfest (còn được gọi là Lễ hội tháng Mười, tiếng Đức: Oktoberfest nghĩa là Tháng 10) được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 10/1810 nhân lễ cưới của Thái tử Ludwig xứ Bavaria, miền Nam nước Đức, với Công chúa Therese của vùng Saxe-Hildburghausen. Vì vậy, khu vực lễ hội được mang tên cô dâu và thường gọi là Theresienwiese- Cánh đồng Therese. Kể từ đó, Oktoberfest được tổ chức hàng năm, dù trong lịch sử có một số lần bị hủy bỏ do dịch bệnh hoặc chiến tranh. Thế nên năm 2010 đánh dấu 200 năm ngày tổ chức Lễ hội Oktoberfest đầu tiên, tuy nhiên trên thực tế đây mới là lần tổ chức thứ 177.
2. Một điều đặc biệt là Oktoberfest khởi thủy không phải là một lễ hội mà bia là nhân vật chính như hiện nay. Ban đầu Oktoberfest là lễ hội mang đậm chất thể thao, trong đó đua ngựa là môn chủ đạo. Có lẽ chính vì điều này mà nhân dịp Thế Vận Hội tại Athens năm 2004, một tờ báo của Đức đã có bài cho rằng Lễ hội tháng Mười có thể được xem như là tiền thân của Thế Vận Hội hiện đại. Còn về duyên cớ đẩy Oktoberfest từ một lễ hội thể thao là chính sang… uống bía là chính được cho là có căn nguyên từ… thời tiết. Nhiệt độ cao nhất trong tuần đầu tiên của Lễ hội tháng Mười có thể tăng lên đến 30 °C làm cho khách đến lễ hội thêm… khát nước. Mà bia từ lâu vẫn được tiếng là thứ nước giải khát tuyệt vời nhất. Để giải quyết rắc rối này, các hãng bia ở München sản xuất một loại bia đặc biệt với thành phần mạch nha và hoa bia nhiều hơn (vì thế mà nồng độ cồn cũng cao hơn) cho lễ hội này. Năm 1880 hội đồng thành phố Munich bắt đầu cho phép bán bia. Từ đó Octorberfest là dịp hiếm có trong năm để du khách thưởng thức những loại bia ngon nhất ở Đức. Bia tại lễ hội được phục vụ trong những chiếc cốc lớn dung tích 1 lít để đảm bảo rằng cơn khát của tất cả mọi người đều được giải toả. Loại bia được bán và uống ở lễ hội thường có nồng độ cồn cao hơn bia thường và chúng được đặt cho cái tên "Wiesn Märzen". Trung bình mỗi lễ hội tiêu thụ khoảng 6 triệu lít bia, nửa triệu con gà và hàng trăm con bò.
3. Một trong những điểm nhấn chính của Lễ hội tháng Mười Oktoberfest là cuộc diễu hành của các chủ lều tham gia Oktoberfest. Họ được các đoàn nhạc công trong các lều tháp tùng, diễu hành xuyên qua thành phố và về đến Cánh đồng Therese vào lúc 12 giờ. Buổi diễu hành bao giờ cũng được tiến hành vào ngày thứ Bảy đầu tiên của Lễ hội. Sau khi các chủ lều về đến nơi, thị trưởng thành phố sẽ khui thùng bia đầu tiên vào lúc 12 giờ, chính thức khai mạc lễ hội. Oktoberfest được khai mạc bằng 12 phát súng chào và sau khi thị trưởng đương nhiệm đóng vòi khui thùng bia đầu tiên. Bia cũng chỉ được bán từ giây phút này. Ngày nay, hằng năm khách lễ hội đều hồi hộp chờ xem người thị trưởng phải cần bao nhiêu nhát búa gỗ để khui được thùng bia đầu tiên. Nhiều người còn tham gia đánh cá độ việc này. Lễ hội bao giờ cũng được khai mạc vào một ngày Thứ Bảy và kết thúc vào ngày Chủ nhật đầu tiên trong tháng 10 (Dù mang tên Lễ hội tháng Mười, nhưng Oktoberfest được tổ chức từ tháng 9, vì vào cuối tháng 9 thời tiết đẹp hơn, ấm áp hơn, du khách có thức khuya uống bia cũng không bị lạnh). Nếu như ngày Chủ nhật đấy là ngày 1 hay 2 tháng Mười thì lễ hội sẽ được kéo dài cho đến ngày 3 tháng 10 (Ngày Quốc khánh Đức). Vì thế thông thường lễ hội kéo dài khoảng 16 ngày. Trong 16, 17 ngày đó, từ sau câu “thần chú” “O’zapft ist!” (Rót ra nào) trong lời khai mạc của vị Thị trưởng, những người tham gia lễ hội sẽ được… tắm trong bia, những lời reo hò, chúc tụng và... say xỉn (người ta ước tính khoảng 30% tổng sản lượng bia của các nhà máy bia lớn của Munich được tiêu thụ trong hai tuần của Lễ hội Oktoberfest).
4. Nói về Lễ hội bia độc nhất vô nhị của nước Đức, thiết nghĩ cũng nên nói một chút về thói quen uống bia, sản xuất bia của người Đức. Người Đức có câu châm ngôn “Kẻ nào không yêu phụ nữ và bia, thì họ sống trên đời làm gì?”. Tửu lượng của người Đức thuộc loại hàng “top” trên thế giới, chỉ xếp sau người Ireland và người Czech. Bia Đức được sản xuất theo một đạo luật có tên “Reinheitsgebot” (có nghĩa là “Tinh khiết”), đạo luật này bắt đầu lưu hành từ thế kỷ 16 và vẫn có giá trị đến ngày nay. Theo luật việc sử dụng tạp chất trong quá trình chế biến bia bị nghiêm cấm. Người Đức nổi tiếng về một “tinh thần thép”, cả trong cuộc sống lẫn kinh doanh, nên đạo luật này được thực thi nghiêm chỉnh. Chính nhờ điều đó mà bia Đức luôn giữ được chất lượng tuyệt hảo và giá cả ở mức bình ổn. Nước Đức có số lượng nhà máy bia thuộc hàng kỷ lục của thế giới: 1.300 nhà máy với hơn 5.000 nhãn hiệu bia khác nhau. Nhà máy sản xuất bia lâu đời nhất có tên Weihenstephan Abbey, nằm tại thị trấn Bavarian, thành phố Freising. Nhà máy bia này ra đời vào năm 725. Tại nước Đức, gần như mỗi vùng, mỗi làng đều có ít nhất một nhãn hiệu bia riêng. Đối với người Đức, bia không chỉ là thức uống lúc rảnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu, người Đức còn dùng bia làm nước giải khát trong cuộc sống hàng ngày. Ở Đức, bạn có thể uống bia thoải mái miễn là không say xỉn túy lúy dẫn đến việc không kiểm soát được những hành động của mình.
5. Lễ hội Oktoberfest bắt đầu phát triển trở thành một lễ hội quần chúng thế giới từ những năm của thập niên 1960. Người Nhật, Mỹ và New Zealand đầu tiên khám phá lễ hội. Nhờ vào những người này mà danh tiếng của thành phố được lan truyền đi khắp trên thế giới. Sau gần 2 thế kỷ, Oktoberfest vẫn diễn ra, với quy mô ngày càng lớn, hàng năm mang lại cho thành phố Munich hàng chục nghìn việc làm và hàng tỷ euro. Không chỉ có thế, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội bia vẫn được lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trở thành “sản vật” du lịch có một không hai của nước Đức. Cho đến năm 2007, số du khách đến tham dự lễ hội bia Oktoberfest tăng lên kỷ lục: 6,2 triệu lượt người. Lễ hội nổi tiếng khắp nơi từ Trung Quốc tới Chile, từ New Zealand đến Phần Lan, được biết đến ở khắp năm châu bốn biển và có tới 3.000 lễ hội bia khác ở khắp nơi trên thế giới lấy nó làm nguyên mẫu. Tháng 9 hàng năm, lễ hội Oktoberfest gần như được tổ chức khắp thế giới, với những quy mô khác nhau.
6. Đến với Oktoberfest, không chỉ được thưởng thức những ly bia tràn đầy hương vị đặc trưng của một vùng đất có truyền thống lâu đời về sản xuất bia, du khách còn được chìm đắm trong không khí lễ hội, thưởng thức những món ăn, những điệu nhạc, điệu múa, tranh vẽ truyền thống, được ngắm nhìn người dân địa phương trong những bộ quần áo truyền thống đầy ấn tượng. Trong không khí náo nhiệt của lễ hội, bạn có thể thỏa sức hát hò, làm quen với bất cứ ai và tất cả đều trở thành bạn bè. Lễ hội Oktoberfest còn một “đặc sản”, “cực” quyến rũ du khách, ngoài những cốc bia Đức, đó là những người đẹp ở lễ hội này. Chính những nữ phục vụ với nụ cười tươi như hoa và dáng vóc vô cùng gợi cảm đã là liều doping làm tăng hương vị say nồng của những cốc bia Đức và làm nóng thêm không khí cuồng nhiệt của lễ hội Oktoberfest.
Hà Anh
Nhà báo và Công luận
“Cảm xúc Hà Nội” qua ống kính nhiếp ảnh
Submitted by nlphuong on Sun, 25/09/2011 - 21:00(ICTPress) - Hãy đến triển lãm ảnh do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức hàng năm vào mùa thu, dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10 với tên gọi “Cảm xúc Hà Nội để thưởng thức Hà Nội qua các ống kính nhiếp ảnh.
(ICTPress) - Hãy đến triển lãm ảnh do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức hàng năm vào mùa thu, dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10 với tên gọi “Cảm xúc Hà Nội để thưởng thức Hà Nội qua các lăng kính nhiếp ảnh.
Mùa thu về làm cho con người luôn lắng đọng và cảm xúc lâng lâng. Hà Nội - một thành phố vẫn còn mang đậm dấu ấn cổ xưa, với những di tích, danh lam thắng cảnh đầy tính lịch sử. Hà Nội xuất hiện trong cả văn, thơ, nhạc… Hãy đến triển lãm ảnh truyền thống do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức hàng năm vào mùa thu, dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10 với tên gọi “Cảm xúc Hà Nội”, tại Nhà Thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội để thưởng thức Hà Nội qua các ống kính nhiếp ảnh.
"Cảm xúc Hà Nội" là chủ đề cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 41 do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm Giải phóng thủ đô 10/10. Cuộc thi năm nay đã nhận được 1.078 ảnh của 217 tác giả từ 17 tỉnh thành trong cả nước.
Lễ khai mạc triển lãm và trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 8/10. Triển lãm sẽ trưng bày 16 tác phẩm được trao giải cùng 108 tác phẩm được chọn lựa từ cuộc thi. 16 tác phẩm được trao giải có: giải Nhất của tác giả Nguyễn Như Hảo với tác phẩm “Em yêu hòa bình”; hai giải Nhì là “Ngày hội” (Lại Diễn Đàm) và “Bà cháu” (Nguyễn Xuân Chính) và ba giải Ba: “Mùa sen Hồ Tây” (Đỗ Phương Mai), “Bạn già” (Trần Nhân Quyền), “Nhà nghiên cứu thư pháp - Cung Khắc Lược” (Nguyễn Anh Tuấn) và 10 giải khuyến khích: “Học nghề” (Trương Tuấn Anh), “Bên khúc sông quê” (Vũ Thành Chung), “Tung chài” (Nguyễn Thong Dong), “Hà Nội thành phố hòa bình” (Lại Diễn Đàm), “Soi sáng Lầu Văn” (Nguyễn Trọng Nghị), “Tưng bừng lễ hội” (Trần Nhân Quyền), “Ảnh Bác bằng tranh đá quý” (Hoàng Ngọc Thạch), “Em bé Hà Nội” (Bùi Đăng Thanh), “Từ trong vốn cổ” (Bùi Đăng Thanh), “Nghệ nhân đầu sư tử” (Hoàng Thanh Thúy).
Còn rất nhiều bức ảnh đẹp lung linh, mời bạn ghé thăm triển làm từ ngày 8/10.
Em yêu hoà bình - Tác giả: Nguyễn Như Hảo |
Ngày hội - Tác giả: Lại Diễn Đàm |
Bà cháu - Tác giả: Nguyễn Xuân Chính |
Mùa sen Hồ Tây - Tác giả: Đỗ Phương Mai |
Bạn già - Tác giả: Trần Nhân Quyền |
Nhà nghiên cứu thư pháp - Cung Khắc Lược - Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn |
Nguồn ảnh: vapa.org.vn
“40 năm nghệ thuật video Đức”
Submitted by nlphuong on Wed, 21/09/2011 - 17:38(ICTPress) - Triển lãm giới thiệu 43 tác phẩm nghệ thuật video được lựa chọn trình chiếu dưới dạng kỹ thuật số.
(ICTPress) - Triển lãm giới thiệu 43 tác phẩm nghệ thuật video được lựa chọn trình chiếu dưới dạng kỹ thuật số.
Lúc 16 giờ ngày 24/9, Viện Goethe Hà Nội sẽ khai mạc Triển lãm “40 năm nghệ thuật video Đức” với sự tham gia của GS. Rotraut Pape và buổi thuyết trình cùng chủ đề vào lúc 15 giờ 30 ngày 25-9 tại 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Triển lãm sẽ giới thiệu 43 tác phẩm nghệ thuật video được lựa chọn trình chiếu dưới dạng kỹ thuật số với mục đích bảo vệ những chất liệu quý giá mang đến cái nhìn điển hình vào lịch sử 40 năm nghệ thuật video Đức. Trong đó có các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Joseph Beuys, Wolf Kahlen, Lutz Dammbeck, Nam June Paik và những nghệ sĩ khác.
Nghệ thuật video xuất hiện vào những năm 60 tại Mỹ và Đức, trở thành một trong những loại hình nghệ thuật giàu ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Các hệ thống kỹ thuật liên tục phát triển, thay đổi hoặc thậm chí là mất đi: Màn hình vô tuyến trước kia bị màn hình máy tính chiếm ngôi, băng video được thay thế bởi các chương trình phần mềm và ổ cứng.
Thách thức lớn nhất của nghệ thuật video là ở sự nhất thời của nó do điều kiện thông qua tuổi thọ ngắn ngủi của các công cụ lưu trữ dữ liệu điện tử. Do vậy sự tồn tại của nghệ thuật video phụ thuộc vào quá trình thích ứng không ngừng với tiêu chuẩn công nghệ mới.
Dự án “40 năm nghệ thuật video Đức” là sáng kiến của Quỹ văn hóa liên bang Đức bảo trợ và trung gian cho nghệ thuật video. Năm bảo tàng lớn tại Đức đã bắt tay cùng nhau thực hiện dự án này, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm nghệ thuật và công nghệ truyền thông Karlsruhe. Tại đây các tác phẩm nghệ thuật video được lưu trữ, số hóa và bảo quản.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 2/10 và mở cửa tham quan từ 9 giờ đến 19 giờ hàng ngày trong thời gian diễn ra triển lãm.
Trước đó, từ ngày 19 đến 23/9, Viện Goethe Hà Nội tổ chức chương trình hội thảo “Nghệ thuật video” dành cho những nhà làm video trẻ với sự tham gia hướng dẫn của nữ nghệ sĩ, giáo sư về nghệ thuật truyền thông Rotraut Pape và nghệ sĩ video người Pháp Gérard Couty.
MV
Đà Nẵng bình dân ẩm thực ký
Submitted by nlphuong on Tue, 20/09/2011 - 16:09(ICTPress) - Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn đọc những quán cực quê mùa nhưng cực ngon và cực rẻ để du khách nếu có dịp thử đến một lần xem sao.
(ICTPress) - Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn đọc những quán cực quê mùa nhưng cực ngon và cực rẻ để du khách nếu có dịp thử đến một lần xem sao.
Đà Nẵng đã và đang được biết đến như một thành phố du lịch của cả nước. Có được lợi thế ấy phần lớn là nhờ ưu đãi của thiên nhiên. Đà Nẵng hấp dẫn du khách bởi sự đan xen núi, biển, sông, hồ, đồng ruộng với phố phường tấp nập (“núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” - lời bài hát Đà Nẵng tình người).
Du khách đến Đà Nẵng mà nói về ở là chuyện nhỏ (như gan thỏ!). Đà Nẵng không chỉ tiếp các khách VIP mà còn chào đón những vị khách bình dân nhất. Bên cạnh những khách sạn, resort 5 sao hoa lệ là những nhà nghỉ, nhà trọ cách trung tâm thành phố chưa đến 5km với giá chỉ 40.000 đồng/phòng cho một đêm tá túc. Bởi vậy, việc ở đối với Đà Nẵng không là vấn đề. Tuy nhiên, ở rẻ rồi thì phải ăn gì “cho xứng” với ở. Với niềm tự hào là người Đà thành, tác giả xin được dẫn du khách đi “ăn” một vòng quanh thành phố.
Nói đến ẩm thực, người ta thường hay nói đến những nơi tiếng tăm như cố đô Huế hay Kinh đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ở đó các đầu bếp được biết đến như là các nghệ nhân và những người thưởng lãm cũng là những khán thính giả “khó tính nhất”. Còn ở Đà Nẵng người ta ít quan tâm đến “ăn” nhưng không phải Đà Nẵng không có những nghệ nhân và khán thính giả “VIP” của… bếp núc. Rảo một vòng quanh thành phố ta có thể cảm nhận được khá nhiều quán ăn, nhà hàng với những đặc sản. Những nhà hàng, quán ăn sang trọng như Bánh tráng thị heo Trần, Bánh tráng thịt heo Năm Mậu, Hải sản Bà Thôi, Cháo lòng Bà Thế, Thịt dê Thuận… đã có trong danh mục du lịch Đà Nẵng thì tôi miễn bàn ở đây. Tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn đọc những quán cực quê mùa nhưng cực ngon và cực rẻ để du khách nếu có dịp thử đến một lần xem sao.
Khoảng tầm giữa buổi, các bạn gái thường hay đến quán Tâm (291 Nguyễn Chí Thanh). Ở đó có bánh cuốn, bánh nậm, bánh bột lọc thơm lựng. Những chiếc bàn nho nhỏ ngồi chen chúc. Bánh được nấu nướng, chế biến tại chỗ trong không gian ấm mùi khói bếp. Các tiếp viên là những thanh thiếu niên nhanh nhẹn và vui tính. Đặc biệt, mỗi món có một loại nước chấm do quán tự pha chế cực kỳ hợp vị, vừa mang ra chưa đến bàn là đã thấy cồn cào trong bụng ngay. Hôm nào đi làm về trễ, nếu muốn lấy điểm với bà xã thì các đấng mày râu nên ghé lại đây mua vài món đem về. Đảm bảo khó có bà xã nào chê được.
Ảnh minh họa: phuot |
Các bợm nhậu khi có “vài ve”, tan tiệc thì lại thích đến quán bún Hương (229 Đống Đa) hoặc bún Thuỷ (218/4 Đống Đa). Quán Hương thì rộng hơn nhưng Quán Thuỷ thì hơi chật. Hơn 90% khách đến đây chỉ thích ngồi ngoài đường để ăn. Quán chỉ che lều bạt. Nếu lúc vắng khách thì không ai biết đây là quán bún cỡ “xịn” tại Đà Nẵng. Quán đông từ 4h chiều đến tận khuya. Tôi thích nhất là được ăn một tô bún xương ở đây. Xương được nấu đủ để thực khách thấy mình không nên bỏ sót một chút thịt nào còn dính trên xương. Thực khách rút từng thớ thịt thơm ngát chấm với loại nước mắm nguyên chất được chiết từ cá mờm Nam Ô mới thấy giá trị của vị ngon. Nhóm bạn của tôi khi nhậu ngà ngà khoảng về khuya là hay đến đó xơi mỗi cậu một tô trước khi về.
Ảnh minh họa: nina82vn |
Nhưng độc đáo phải kể đến quán lẩu bò tại 38 Lê Hồng Phong. Quán rộng chỉ độ hơn 20 mét vuông. Đa số tận dụng vỉa hè để cơi nới thêm không gian. Đúng 4h chiều quán mới bán (nếu khách đến sớm hơn thì xin mời… ngồi chờ). Quán chật chội, nhiều khi là nóng nực ấy thế mà các thực khách vẫn vào ra nườm nượp. Trong số đó có cả các người đẹp đi theo nhóm hoặc đi cùng bạn trai nữa. Cái độc đáo của quán là bán đúng giờ và ăn vừa bụng. Nếu thực khách gọi nhiều quá là chủ quán “nhắc” ngay: “Ăn thế đủ rồi, đừng gọi nữa, phí”. Ở đây bán các món bò, nào là lẫu bò, phá lấu, bó nướng, bò rôti, bò quấn lá cải… Giá cả rẻ cực sốc, cỡ 4-5 người vào thì phiếu tính tiền chỉ khoảng dưới 200-250 ngàn đồng là ăn… mệt nghỉ.
Sáng mai thức dậy, nếu các bợm nhậu hay ai đó do lao lực mệt mỏi, cảm thấy người uể oải, chán ăn thì xin mời hãy đến quán cháo lòng vỉa hè tại 34 Trần Quốc Toản. Quán này nhiều khi thực khách đến có thể chờ năm, mười phút, mắt liên tục nhìn quanh để chờ người khác đứng dậy mới có cơ hội tìm được chỗ ngồi. Bát cháo lòng nóng hổi, những lát lòng được luộc tươi màu, bóng bẩy, thơm phức, trang điểm nhẹ bằng những cọng hành hay mớ lá ngò hương, rắc thêm một ít bột tiêu Tiên Phước sẽ gây sóng gió cho tuyến nước bọt của bạn và hẳn bạn sẽ quên đi trạng thái chán ăn ngay lập tức.
Xa xa một chút phía nam thành phố, trên đường về Hội An, du khách có thể vui lòng rẽ vào 2km đường làng Đông Trà, phường Hoà Hải, Ngũ Hành Sơn để thưởng thức những món nhà quê chính hiệu của Quán Gió Đồng. Quán này không có tủ lạnh và cũng không bao giờ làm trước thức ăn. Khách đến có vội có vàng gì đi nữa thì cũng bình tĩnh xuống nhà bếp chỉ trỏ món mình thích rồi chủ quán mới làm. Điều làm cho thực khách thích thú là đang ngồi nhậu nhưng thỉnh thoảng lại có bác nông dân, vai vác cuốc, chân còn lấm bùn, tay cầm con gà nước, con vịt trời hay bưng rổ ốc bưu vừa bắt được trên đồng đến bán cho quán. Quán lợp lá dừa, vách tre, nằm sát dòng kênh nước trong veo bên cánh đồng lúa mênh mông. Không hề có quạt nhưng gió trời làm mát cả ngày. Trong khi chờ mồi lên mâm, khách có thể ngã lưng trên chiếc võng đung đưa để tận hưởng cái hồn quê tha thiết làm sao.
Thật tiếc cho những thực khách nào chưa nhận ra quán Nhu với tiết canh vịt xiêm (ngan) và thịt thỏ ngon hết chê tại bán đảo Sơn Trà (đường Yết Kiêu). Khách vào quán cứ tưởng như mình là một thượng khách đang đi công cán qua vùng sơn cước. Vừa bước vào là chủ quán niềm nở đón rước, rót trà mời thân mật. Tuỳ khách, ngồi trên bàn gỗ, trên sạp tre hay có thể chọn cho mình một chiếc giường đá khoảng mươi mét vuông có bóng cây che mát rượi để ngồi nhâm nhi vài li rượu với tiết canh ngan ngon khó tả. Món thịt thỏ ở đây cũng ít nơi nào có được. Thỏ rôti, thỏ nấu măng hay kho tộ đều thơm lựng, ngon tất. Quán trước kia là trang trại của một sỹ quan nay đã về hưu nhưng đầy không khí trẻ trung văn nghệ sỹ. Nếu khách có nhu cầu ca hát là lập tức được đáp ứng ngay bằng một cây ghi ta hay sáo trúc. Và nhạc công nếu cần thì có thể là chủ quán.
Không còn thú vị nào hơn được ngồi trên một tảng đá to, bằng phẳng, dưới bóng cây gió bầu râm mát, nghe những điệu nhạc du dương. Bên dưới là dòng suối chảy róc rách, mấy con cá cấn bơi lội tung tăng.
Cách Tân
Tìm hiểu tranh Đông Hồ
Submitted by nlphuong on Mon, 19/09/2011 - 22:39(ICTPress) - Khi tham dự, người quan tâm sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử tranh Đông Hồ…
(ICTPress) - Khi tham dự, người quan tâm sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử tranh Đông
Hồ…
Bạn đã từng đọc những câu thơ sau trích trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm để thấy được tranh dân gian Đông Hồ cô đọng cả hồn dân tộc.
… “Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” …
Lúc 17 giờ ngày 21/9/2011, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội sẽ diễn ra chương trình Góc nghệ thuật chiều thứ Tư với chủ đề “Màu dân tộc” trên tranh Đông Hồ.
Khi tham dự, người quan tâm sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử tranh Đông Hồ, các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu hay cách làm giấy dó, một nguyên liệu quan trọng, nền tảng để tạo nên các bức tranh Đông Hồ.
Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, người tham gia sẽ được trực tiếp thực hiện những bước cơ bản để tiến hành làm ra một bức tranh.
Những ai quan tâm có thể đăng ký tham gia chương trình trước ngày 21-9 qua điện thoại 043 944598 - 043 9445981 (máy lẻ: 115) hoặc đăng ký trực tiếp tại bàn lễ tân tầng 1 Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc. Lệ phí tham gia: 20.000 đồng/ người.
MV
Bà Nà Hill thật tuyệt vời
Submitted by nlphuong on Sun, 18/09/2011 - 22:51(ICTPress) - Có lẽ Đà Nẵng là một thành phố sạch nhất Việt Nam có thể gọi Đà Nẵng là Singapore của Việt Nam!
(ICTPress) - Có lẽ Đà Nẵng là một thành phố sạch nhất Việt Nam có thể gọi Đà Nẵng là Singapore của Việt Nam!
Nhân mấy ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 mấy ông cháu có chuyến du lịch nội địa đi Đà Nẵng khá thú vị. Từ sân bay về đến khách sạn, không có cảnh ùn tắc xe cộ như ở TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Những đường phố thoáng đãng sạch sẽ, cây cối hai bên đường xanh tốt tạo cho du khách một cảm giác thoải mái. Có lẽ Đà Nẵng là một thành phố sạch nhất Việt Nam có thể gọi Đà Nẵng là Singapore của Việt Nam!
Về tới đến khách sạn Thời Đại, một khách sạn mini nhưng rất đẹp trên đường Trần Phú nhận phòng, nghỉ ngơi một chút rồi đi ăn trưa. Gọi taxi đến quán Trần, ăn đặc sản “Bánh tráng cuốn thịt heo”. Không giống nơi khác là không dùng nước làm mềm bánh đa mà trên bàn có sẵn một đĩa bánh tráng chỉ cần ấn bánh đa vào đó lột ra là được một miếng bánh đa rất mềm. Cho rau thơm và thịt heo thái mỏng như tờ giấy, cuộn lại chấm với một thứ nước chấm đặc biệt, ăn vào có một cảm giác rất thú vị, xứng đáng được coi là một món đặc sản của Đà Nẵng.
Buổi chiều đi thăm chùa Linh Ứng (Thờ Phật Bà) nằm trên một đỉnh núi khá cao. Ngày xưa lên đây thật là vất vả, còn bây giờ xe con leo lên tận đỉnh. Từ xa ta đã thấy một pho tượng Phật khổng lồ sừng sững nhìn ra biển. Trên đường xe còn qua bãi biển Mỹ Khê, một bãi biển được Hiệp hội du lịch quốc tế bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Buổi tối cả nhà lại đi thưởng thức Hải sản tại nhà hàng 88, những con hào bao tử, những chú mực nướng cũng bao tử còn đọng lại mãi hương vị ngọt ngào của chúng.
Sáng dậy một mình xách máy ảnh đi ra bờ sông Hàn thưởng thức cảnh bình minh trên sông, một cảnh bình minh say đắm lòng du khách. Người Đà Nẵng có vẻ rất chăm tập thể dục, tiếng nhạc vang lên rất đông người hoa chân mứa tay đều như đi biểu diễn. Trên vỉa hè người đi bộ ngược xuôi, khi gặp nhau dù không quen cũng nở những nụ cười rất thân thiện.
Trước khi đi Bà Nà cả nhà cùng chú lái xe thưởng thức món Mì Quảng đặc sản của Đà Nẵng. Xe bon bon trên những con đường mới mở, Thành phố Đà Nẵng như vươn xa hơn và cũng đẹp hơn. Xe đi khoảng nửa tiếng thì đến Bà Nà Hill, tiên cảnh của thành phố này. Một ngày hội tụ đủ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Đứng dưới nhìn lên cao một hệ thống cáp treo đạt hai kỷ lục thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới: 5.042,62m và độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới: 1.291,81m. đang hoạt động. Những chiếc cabin tròn có, vuông có rất lịch sự có thể chứa được 6 người.
Những Cabin ấy treo cách nhau khoảng chừng 100 m thành hàng dài, một đường lên một đường xuống êm ru. Ngồi trong Cabin nhìn ra ngoài một vùng núi xanh ngắt, trên trời thì mây trắng bồng bềnh trôi. Người ta ví Bà Nà nơi tiên cảnh quả không sai. Tiếng nhạc nhẹ du dương bên tai. Đến nửa chừng có một chiếu nghỉ mọi người có thể đi thăm Chùa Linh Ứng (Phật Thích Ca) rồi lại đi tiếp lên đỉnh. Trên đỉnh là một khu vui chơi đang xây dựng như kiểu Disneyland của một số nước trên thế giới.
Ba ông cháu chỉ chơi có ba trò: “Vòng quay tình yêu”, “Đường hầm ma” và xem phim 4D. Trong trò chơi đầu gây cho ta một cảm giác mạnh tưởng có thể văng ra ngoài, tiếng hét vui vẻ át cả tiếng động cơ. Trò đường hầm ma lại gây cho những ai yếu tim chắc phải ngất xỉu vì tiếng nhạc rùng rợn và những hình nộm gớm ghiếp xuất hiện trong đường hầm. Thú vị nhất có lẽ là xem phim 4D. Những chú cá mập khổng lồ với hàm răng nhọn hoắt lao thẳng vào khán giả như nuốt chủng người ta. Rồi những chú cá heo nhảy múa ngay trên đầu du khách làm người ta cứ phải né tránh hoặc có thể tóm được đuôi của nó.
Trên đường xuống rẽ thăm chùa Linh Ứng (Bà). Pho tượng Phật ngồi ở đây không kém gì pho tượng đứng ở chùa Linh Úng.vừa tham quan chiều qua... Phóng tầm mắt ra xa nhìn cảnh hùng vĩ của núi non đồng ruộng. Trời thì xanh mây thì trắng làm ai cũng thấy xốn xang.
Tôi đã nhiều lần đến Đà Nẵng, nhưng đây là lần đầu tiên được đến nơi tiên cảnh Bà Nà Hill. Chí có thể thốt lên “tuyệt vời!”, Bà Nà thật “tuyệt vời”! và cả thành phố mới nổi Đà Nẵng cũng thật “Tuyệt vời”.
Tượng phật khổng lồ trên chùa Linh ứng |
Cầu Thuận Phước một trong 6 cây cầu bắc qua sông Hàn |
Bình minh trên sông Hàn sáng mùng 3 tháng 9 |
Cáp treo Bà Nà Hill giữ 2 kỷ lục thế giới |
Pha Lê
www.kehe.name
Hyderabad - những hình ảnh bên đường
Submitted by nlphuong on Fri, 16/09/2011 - 00:04(ICTPress) - Những hình ảnh dưới đây là vài hình ảnh về cuộc sống đời thường và thành phố Hyderabad trong những lần hiếm hoi chúng tôi được đi và tự khám phá.
(ICTPress) - Những hình ảnh dưới đây là vài hình ảnh về cuộc sống đời thường và thành phố Hyderabad trong những lần hiếm hoi chúng tôi được đi và tự khám phá.
Tôi có may mắn được đến Hyderabad, Ấn Độ vào mùa hè này. Trước đó chỉ được nghe đến Hyderabad là nơi tổ chức Hội nghị Toán quốc tế 2010 và nhân dịp này GS. Ngô Bảo Châu đã được trao Huy chương Field.
Ngoài thông tin trên tôi không đọc được thông tin nào khác về Hyderabad, Ấn Độ bằng tiếng Việt trên mạng.
Hyderabad là thủ phủ của bang Andhra Pradesh, phía Nam Ấn Độ, nằm trên đôi bờ Musi và đồng bằng Deccan. Là một thành phố có lịch sử và truyền thống 400 năm tuổi, hiện nay Hyderabad đang cạnh tranh “vương miện” thành phố CNTT của Ấn Độ với Bangalore, Chennai. Microsoft và Google cũng có trụ sở tại đây.
Tuy là sang học khóa học về CNTT, viễn thông mà chúng tôi gồm các thành viên từ hơn 10 nước ở châu Á lại không được sắp xếp một buổi đi thăm một công ty CNTT mặc dù có kiến nghị với ban tổ chức lớp học ngay từ buổi đầu.
Khâu tổ chức của nước bạn Ấn Độ có lẽ còn nhiều điều phải bàn bởi có quá nhiều điều bức xúc mà các học viên trong suốt quá trình ăn, ở, đi lại và học tập tại đây trình bày với ban tổ chức vào cuối khóa học. Tôi là người quen “đi bụi” nên cứ được đi, được ngắm, được biết thêm đã là cảm thấy may mắn rồi.
May mắn nhất có lẽ là được giao lưu, học hỏi các thầy dạy trên lớp, các đồng nghiệp làm việc về lĩnh vực ICT ở nhiều nước và tìm hiểu được nhiều thông tin về người Ấn Độ. Giờ nghĩ lại tôi vẫn sung sướng nhất là cuối khóa học những gương mặt mệt mỏi, không vui của các đồng nghiệp các nước những ngày đầu mới đến Hyderabad bởi những điều kiện ăn, ở học tập quá khó khăn và đối với một số người là không tưởng tượng được đã rạng rỡ hơn hẳn. Mọi người dường như quên hết và gặp nhau là trao đổi kinh nghiệm và trêu đùa không ngừng. Có lẽ tiếng cười và sự gần gũi đã làm mọi thứ tươi mới.
Thời gian học không quá dài và tình hình an ninh ở Ấn Độ không phải lúc nào cũng an toàn nên việc đi lại của chúng tôi luôn được ban tổ chức kiểm soát tương đối chặt chẽ nên việc tìm hiểu cuộc sống bên ngoài không nhiều.
Những hình ảnh dưới đây là vài hình ảnh về cuộc sống đời thường và thành phố Hyderabad trong những lần hiếm hoi chúng tôi được đi và tự khám phá.
Một cửa hàng bán đồ mỹ nghệ lưu niệm tại làng nghề truyền thống |
Những bức tượng về các nhân vật Ấn Độ được đặt ở nhiều nơi nhưng dường như đều rất nhỏ |
Trạm BTS và phương tiện giao thông chen nhau như nêm cối |
Hyderabad nổi tiếng với những công trình đá trắng nhưng rất ít người vào tham quan |
Một góc chợ Hyderabad tương đối gọn gàng |
Những phụ nữ bế em nhỏ ăn xin dọc đường là khá phổ biến |
Hiếm hoi có một phụ nữ đạo Hồi không che mặt |
Charminar - một kiến trúc, biểu tượng 400 năm tuổi của Hyderabad nhưng không làm cho khách viếng thăm nhớ đến nhiều |
Một ông lão xin được một chút cơm thừa và vội vàng quay một góc ở Charminar để ăn |
Bán hàng bất cứ chỗ nào |
Một cảnh đời khác |
Những phương tiện khá phổ biến cùng với xe tuk tuk |
Những biển hiệu cảnh báo cẩn thận không mất đồ như thế này khá phổ biến |
Món ngô rang trộn với hành sống được bán ở nhiều địa điểm đông người |
Tượng Phật Cô-đàm lớn nhất ở Ấn Độ được làm từ đá granite nguyên khối, cao 17 mét và nặng 320 tấn, được đặt giữa hồ Hussain Sagar vào 1/12/1992 - một hồ nhân tạo, là điểm chia tách giữa hai thành phố Hyderabad và Secunderabad |
Cả Hyderabad là công trường |
HM
Bên cây Dã Hương nghìn tuổi
Submitted by nlphuong on Sat, 10/09/2011 - 21:54(ICTPress) - Trong một buổi sớm mai tinh khôi mùi thơm tỏa ra từ cây Dã Hương như quyện với lòng người, đất trời.
(ICTPress) - Trong một buổi sớm mai tinh khôi mùi thơm tỏa ra từ cây Dã Hương như quyện với lòng người, đất trời.
Nhân một chuyến công tác về Huyện Đoàn Lạng Giang, Bắc Giang, khối đoàn thanh niên cụm 1 Đoàn khối các cơ quan Trung ương đã được giới thiệu đi thăm cây cổ thụ Dã Hương ngàn năm tuổi tại xã Tiên Lục, Lạng Giang.
Theo các nhà khoa học, cây này được vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây dã hương lớn nhất nước). Cây Dã Hương Việt Nam này được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larousse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille, Pháp năm 1932 ghi rõ dòng chữ Cây dã Tiên Lục - cây dã hương thứ 2 thế giới, có vòng đời gần 1000 năm. Trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam. Cây dã hương già nhất ở châu Phi được biết mới chết vì sâu, mối.
Năm 1989, Bộ Văn hóa đã xếp cây Dã Hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia gồm cây Dã hương, đền Tiên Lục, chùa Quang Phúc, đình Thuận Hòa. Theo những người làm công tác nghiên cứu vòng đo điểm to nhất của thân cây Dã Hương là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m. Lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Ước lượng gốc cây to đến 8 người ôm.
Tán cây dã hương xòe phủ kín mái đình Tiên Lục, tạo ra một cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa dã hương thường nở vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ lan.
Cây Dã Hương được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại. Người dân trong xã cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà dân ở đây có một sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây lan.
Theo lời kể của bạn đoàn viên Nguyễn Thị Cúc, Huyện Đoàn Lạng Giang, có một linh nghiệm thú vị liên hệ giữa cây Dã Hương cổ thụ với các sự kiện lịch sử của đất nước. Rằng cây dã hương chẳng bao giờ gãy cành vì gió bão. Khi có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên là đều có những sự kiện trọng đại diễn ra. Cụ thể như năm 1945, cành dã hương đầu tiên mà người dân thấy khô rụng xuống như cánh chim báo tin vui trước thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Cuối năm 1974 cây dã hương rụng cành thứ hai - như thể muốn báo hiệu một mùa xuân đại thắng sắp đến.
Bạn Cúc còn cho biết thêm rễ của cây Dã Hương vươn rất xa. Có những gia đình làm nhà cách cây Dã Hương cả km khi đào đất vẫn thấy rễ của cây Dã Hương. Còn mùi thơm của cây Dã Hương theo gió lan tỏa cả vùng rộng lớn.
Riêng tôi ao ước không gian của cây Dã Hương nếu được thì cần được mở rộng, chỉnh trang hơn nữa, có nhiều ghế ngồi để trở thành một khuôn viên xứng tầm di tích văn hóa quốc gia và quốc tế để không chỉ thu hút mọi người đến trong chốc lát.
Sau khi đi một vòng xung quanh cây, tất cả chúng tôi người đều ngồi xuống bên gốc cây, trên tảng đá, ghế đá lặng yên trong khoảnh khắc để hít thật sâu mùi thơm tỏa ra nhè nhẹ. Trong một buổi sớm mai tinh khôi mùi thơm tỏa ra từ cây Dã Hương như quyện với lòng người, đất trời.
Chụp ảnh lưu niệm bên gốc cây Dã Hương |
Bảo Ngọc