Để những cơ hội như "Flappy Bird" không “chết tức tưởi”

(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Tin học Việt Nam và đầu Xuân Giáp Ngọ, nhiều chuyên gia CNTT Việt Nam đã có buổi tọa đàm có chủ đề “CNTT-TT Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Hội Tin học Việt Nam vừa chủ trì tổ chức tại Hà Nội.

Một lần nữa “Flappy Bird” đã làm “nóng” buổi tọa đàm - gặp mặt của các chuyên gia CNTT - Truyền thông khi trao đổi về những cơ hội và thách thức cho CNTT - Truyền thông của Việt Nam.

Cơ hội mọi nơi trong thế giới phẳng

Năm mới nói về cơ hội của CNTT, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết “Flappy Bird” cho thấy mọi người có thể ngồi ở bất cứ nơi nào trong thế giới phẳng đều có cơ hội. Cơ hội cho CNTT cũng đến từ đội ngũ những người làm CNTT giỏi. Qua câu chuyện “Flappy Bird” có thể thấy Việt Nam không thiếu người trẻ tài năng.

Ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc CMC co biết khi hiện tượng “Flappy Bird” xảy ra củng cố thêm niềm tin là cơ hội cho ngành CNTT của chúng ta là cơ hội phục vụ cho 6 tỷ dân của thế giới. Nhu cầu quốc tế rất lớn. Trên Internet cực kỳ nhiều cơ hội cho ngành CNTT. Chúng ta đang sống trong nền kinh tế tri thức mà nền tảng dựa vào giao thức Internet, tuy nhiên, thách thức cũng vô cùng lớn. “Flappy Bird” mang lại niềm tin là một cá nhân với một phần mềm chỉ vài trăm k nhưng tiệm cận tới “trái tim” của 50 triệu người vì có 50 triệu khách hàng sử dụng “Flappy Bird”. Điều này có thể hiểu sự sáng tạo trí tuệ của một người có thể chinh phục được cả thế giới. Và một người trẻ, tài năng rất tuyệt vời làm ra “Flappy Bird” chứng minh một điều nữa trong thế giới ngày nay những sáng tạo, công nghệ mới không quá phụ thuộc vào quốc gia quá hùng mạnh, phòng lab lớn mà đôi khi chỉ cần một cá nhân với  khoản đầu tư nhỏ cũng làm nên một sản phẩm lớn nhìn ở quy mô khách hàng sử dụng.

Làm sao để những cơ hội như "Flappy Bird" không chết tức tưởi?

Cơ hội đến nhưng làm sao để “Flappy Bird” - “con chim bé nhỏ” không chết tức tưởi? Ông Mai Liêm Trực đặt câu hỏi và cũng cho rằng nếu “Flappy Bird” là sản phẩm của doanh nghiệp thì chắc sẽ tồn tại. “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông là sản phẩm hoàn toàn của cá nhân, được làm vì sự đam mê cá nhân, chuyên nghiệp và ý tưởng, chứ không phải vì tiền. Và vì cá nhân nên không chịu áp lực nên phải gỡ xuống.

Vậy chúng ta có cách nào để duy trì sản phẩm kiểu như “Flappy Bird” lâu dài để kiếm ra tiền. Chúng ta phải có chính sách gì để hỗ trợ cá nhân giỏi như Nguyễn Hà Đông để có sản phẩm toàn cầu. Những người trẻ làm CNTT không chỉ cần đào tạo CNTT, mà còn cần được đào tạo về luật pháp, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thị trường. Các công ty mới nổi Việt Nam tương tự cũng có nhiều nhưng làm sao duy trì. Duy trì được rất khó. Nếu cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ nhạy cảm, phát hiện thì duy trì được trò chơi “Flappy Bird” này. Chúng ta duy trì để có thương hiệu lớn, kiếm được tiền, ông Trực đặt câu hỏi và cũng phần nào trả lời.

Tuy nhiên, theo ông Mai Liêm Trực “Flappy Bird” chết cũng có cái hay của nó vì chúng ta rút được những bài học. Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng rút được kinh nghiệm.

Cũng về khía cạnh chính sách, ông Nguyễn Ngọc Bình, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia cho rằng trong câu chuyện “Flappy Bird” tất cả các bên xúm vào nhưng không đưa ra giải pháp gì cả. Cần phải tĩnh tâm để có chính sách để chủ động, lường trước không thì không ai muốn làm.

Tĩnh tâm để thống kê xem Việt Nam có bao nhiêu người viết trò chơi và bao nhiêu người có sản phẩm được “treo” trên Apple hay một số nơi để tạo ra làn sóng tốt. Ngoài Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông còn một số phần mềm khác vậy cái đó là cái gì, xếp hạng ra sao… để khuyến khích các bạn trẻ theo chiến lược rõ ràng qua đó nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu để phát triển, ông Bình cho biết thêm.

Ở một khía cạnh khác, ông Mike MacDonald, Giám đốc Công nghệ (CTO), Tập đoàn Huawei khu vực Đông Nam Á cho biết qua câu chuyện "Flappy Bird" cho thấy tài năng trẻ, những người viết phần mềm trẻ cần mô hình kinh doanh cực kỳ đơn giản, không quá phức tạp.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho hay trường hợp Nguyễn Hà Đông, trước hết là niềm vui, niềm tin, niềm tự hào và chúng ta khuyến khích sáng tạo cá nhân, tài năng chứ chưa gì đã nói thu thuế thu nhập và bao nhiêu thứ khác làm triệt tiêu hết sáng tạo. Chúng ta nên chăng khuyến khích mọi người sau khi thu nhập tự điều chỉnh thu nhập vì những người nghèo có thể người đó sẽ đóng góp nhiều hơn. Chúng ta phải tư duy theo cách hướng thiện. Đây là cách lấy tiền của thế giới.

HM

Tin nổi bật