“Sói già” của làng báo Sài Gòn

Cuộc chiến khốc liệt tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn gay cấn 1971-1975, đã là “thỏi nam châm”“hút” hàng trăm ký giả từ khắp nơi trên thế giới về đây hội tụ, tác nghiệp. Và cũng chính cuộc chiến này đã là nơi sản sinh ra nhiều tên tuổi huyền thoại, được mệnh danh là những “sói già” trong giới phóng viên chiến trường.

Các nhà sư và phụ nữ đang kéo chướng ng i vật bằng dây kẽm gai, được thiết lập trước chùa Giác Minh, Sài Gòn nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình ngày 17/07/1963. Ảnh: Horst Faas

Peter Arnett- 13 năm và 3.000 bài báo

Nhắc đến những phóng viên lẫy lừng nhất trong chiến tranh Việt Nam không thể quên Peter Arnett, phóng viên thường trú của hãng thông tấn Mỹ AP. Giữa năm 1962, Arnett sang thường trú tại Sài Gòn để theo dõi cuộc chiến tại Việt Nam đang bắt đầu leo thang và gắn bó với cuộc chiến này suốt 13 năm cho tới ngày cuộc chiến kết thúc. 13 năm viết về chiến tranh Việt Nam (1962 – 1975), Peter Arnett có mặt ở nhiều trận đánh, sự kiện chính trị lớn ở miền Nam Việt Nam.

Từ trận Ấp Bắc tới thung lũng Ia drang cho đến cả sự kiện 30/4/1975, khi hầu hết người nước ngoài đã di tản khỏi Sài Gòn, ông vẫn ở lại để chứng kiến ngày ngụy quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ. Trong con mắt các đồng nghiệp đương thời, ông là một nhà báo có sức làm việc phi thường. Theo một thống kê chưa đầy đủ, 13 năm thường trú, Peter Arnett đã viết tới khoảng 3.000 bài báo. Có lẽ nhờ thâm niên tác nghiệp lâu năm bậc nhất, số lượng bài “khủng” hàng bậc nhất nên Peter Arnett được dân trong nghề đánh giá là một trong những phóng viên am hiểu nhất về cuộc chiến tranh này.

Giải thưởng Pulitzer danh giá ông nhận được năm 1966 cũng là bài báo ông viết về cuộc chiến Việt Nam, viết về việc quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng khí gas và các biến thể gas với tác dụng gây nôn mửa, ngất xỉu, ngạt… để tấn công đối phương. Thời điểm đó, Peter Arnett là phóng viên đầu tiên phanh phui việc quân Mỹ sử dụng vũ khí hóa học. Bài báo của Peter ngay lập tức tạo nên một làn sóng dư luận và những cuộc tranh cãi chính thức trên chính trường.
Từ kinh nghiệm ở Việt Nam, Arnett tiếp tục có mặt tại những điểm nóng của thế giới như chiến tranh vùng Vịnh, Afghanistan… và được đánh giá là một trong những phóng viên chiến trường lành nghề, kỳ cựu của thế giới. Nhưng cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam cũng như đất nước hình chữ S đã để lại dấu ấn không phai trong lòng phóng viên người Mỹ này. “Tôi đã thăm Việt Nam 15-20 lần rồi và mỗi lần lại là một trải nghiệm khác. Việt Nam sau chiến tranh là một đất nước rất khác Việt Nam trong thời chiến.

Trong suốt cuộc chiến tranh thì ở đâu cũng có dây thép gai và khi đến các xóm làng tôi có thể cảm nhận được rằng người dân Việt Nam luôn phải sống trong lo sợ. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc thì nỗi sợ đó đã không còn nữa. Đó là sự thay đổi lớn nhất. Tôi có thể tự do đi lại và người dân Việt Nam đã có được một cuộc sống tốt đẹp hơn trước kia nhiều”- Peter Arnett tâm sự.

5 trưởng văn phòng đại diện AP: George Esper, Malcolm Browne, George McArthur, Edwin Q White và Richard Pyle.

George Esper- huyền thoại  về khả năng săn tin

“George nổi tiếng nhất với những bài viết sắc sảo, sự gan dạ và lòng kiên trì, đặc biệt là tại Việt Nam. Những người may mắn được gặp ông sẽ nhận được sự rộng lượng và sự cổ vũ to lớn từ ông”, -Kathleen Caroll, Tổng biên tập kiêm phó chủ tịch AP – dã nói như vậy về George  Esper- một trong những cây bút kì cựu của AP. Kathleen Carroll có căn cứ để nói như vậy. Năm 1965, khi quân đội Mỹ ở Việt Nam chuyển dần vai trò từ cố vấn sang trực tiếp tham chiến, Esper đã tham gia hoạt động tại văn phòng AP ở Sài Gòn và gắn bó với mảnh đất này tới 10 năm.

George Esper chính là một trong những phóng viên kiên cường của AP, cương quyết từ chối rời nhiệm sở trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam và ở lại để đưa tin về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. 10 năm tác nghiệp tại Sài Gòn, với 2 năm cuối trong vai trò trưởng phân xã AP, cuộc chiến tranh Việt Nam thực sự đã là điểm sáng trong sự nghiệp kéo dài 42 năm của George Esper. Thậm chí chính từ việc tác nghiệp trong cuộc chiến này, George Esper được mệnh dành là một huyền thoại về khả năng đưa tin tại những nơi xảy ra chiến sự. Đơn cử như lần Tổng thống Lyndon B. Johnson có chuyến đi thăm vội vã Australia hồi năm 1967, người ta tin rằng ông sẽ ghé qua miền Nam Việt Nam để thăm lính Mỹ.

Đoán rằng căn cứ quân sự Cam Ranh là nơi ông này sẽ tới, Esper đã tìm cách gọi điện tới đài kiểm soát không lưu. Bằng tài thuyết phục, ông được viên sĩ quan kiểm soát đài xác nhận rằng Johnson đã tới đây và anh này còn chuyển cho ông đoạn ghi âm bài phát biểu của Tổng thống. Vài giờ sau, một phái đoàn báo chí của Nhà Trắng bí mật từ Bangkok bay sang miền Nam Việt Nam để tìm hiểu về sự kiện đã ngã ngửa ra khi thấy câu chuyện họ đang tìm kiếm đã nằm chình ình trên mạng tin của AP. Giới làm nghề còn truyền tai nhau rằng Esper tìm thấy những câu chuyện hay nhất của ông thông qua sự kiên trì và những thủ thuật báo chí mà kẻ khác không có được. Tháng 12/1972, ông đã có bài phỏng vấn đặc biệt với một viên phi công lái máy bay B-52 của Không lực Mỹ đang đối diện với tòa án binh vì từ chối không bay đi ném bom miền Bắc Việt Nam.

Ông đã theo dấu nhân vật này tới tận Thái Lan và được anh ta kể cho nghe toàn bộ câu chuyện. Hết buổi nói chuyện, viên phi công nói rằng anh ta đã được yêu cầu phải ngậm miệng không nói gì về vụ việc và Esper đã đưa luôn chi tiết đắt này vào bài viết của mình.

Esper viết bài báo đáng nhớ nhất của ông vào ngày 30/4/1975, thời khắc chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đánh dấu sự chấm dứt của chiến tranh. Khi ấy, ông và 2 phóng viên khác của AP đã từ chối tham gia dòng người nước ngoài chạy trốn khỏi Sài Gòn. Trong ngày lịch sử đó, 2 người lính miền Bắc đã tiến vào trụ sở hãng tin AP, theo chân họ là một phóng viên ảnh tự do của AP, người lúc ấy mới tiết lộ mình là một điệp viên bí mật. Người điệp viên này đã khẳng định với Esper và các cộng sự rằng họ được an toàn. Esper bèn lấy nước ngọt Coca Cola và bánh ra mời những người lính rồi nhân thể phỏng vấn họ. Vài giờ sau, đường dây liên lạc của AP với Mỹ bị ngắt đột ngột, nhưng câu chuyện đã kịp được gửi ra ngoài. Tờ New York Times đã đăng nó lên trang nhất.

Frank McCulloch- bậc thầy về phóng sự điều tra

Trưởng văn phòng đại diện Time- Life của Mỹ tại Đông Nam Á và Sài Gòn những năm 1963-1968, theo nhà báo lừng danh David Halberstam, là “một huyền thoại, một trong những nhà báo có óc nhận định và phán đoán thời sự giỏi nhất làng báo Mỹ”. Tờ American Journalism Review thậm chí còn nói rằng Frank McCulloch là một trong những nhà báo vĩ đại nhất lịch sử báo chí cận đại Mỹ. Chính óc nhận định và khả năng phán đoán giỏi đã khiến Frank McCulloch trở thành một cây bút được mệnh danh là “bậc thầy về điều tra”.

Frank McCulloch đến Việt Nam năm 1963 theo yêu cầu tổng biên tập Time Henry  Luce để “tìm nguyên cớ tại sao chúng ta sa lầy ở đó”. Bản thân là cựu binh thủy quân lục chiến, Frank McCulloch đến Đông Nam Á với ham muốn trở thành nhân chứng một cuộc chiến phức tạp. Danh tiếng sẵn có đã khiến ngay khi đặt chân tới Time-Life Sài Gòn, Frank McCulloch đã khiến hầu hết các cây bút vốn nổi tiếng sừng sỏ của tờ báo danh tiếng này, cũng phải ngả mũ cúi chào và công nhận là “nhà báo được kính trọng và được ưu ái nhất”. Có tài lại được lòng người, văn phòng Time-Life Sài Gòn hoạt động hiệu quả hơn cả Time Henry Luce trông đợi.

Trong bốn năm ở châu Á, văn phòng Đông Nam Á của Time-Life dưới quyền điều hành của Frank McCulloch tung ra hàng nghìn tin bài về chiến sự Việt Nam. Nhờ mối quan hệ cũ với giới sĩ quan thủy quân lục chiến, McCulloch còn chỉ đạo phóng viên thực hiện nhiều bài điều tra độc đáo và nhạy cảm đến mức, Tổng thống Lyndon B. Johnson điện trực tiếp cho tổng biên tập Time Hedley Donovan, với yêu cầu mang tính đe dọa: “Donovan, tổng thống Hoa Kỳ đây, anh đang cho cái gã đầu hói (Frank McCulloch) nhởn nhơ dưới ánh nắng nhiệt đới mà hắn chẳng chịu đội mũ. Hắn bị say nắng và phát điên rồi. Tốt hơn anh nên rút hắn đi chỗ khác!”.

Ý tổng thống là ý trời nên cho dù không muốn, TBT Henry Luce buộc phải “có động thái mạnh” với ông bạn thân thiết của mình. Tháng 1/1968, McCulloch bị rút khỏi châu Á. Buồn bã vì phải rời mảnh đất mình đang gắn bó và có cơ hội trổ tài, nhưng bù lại Frank McCulloch có được một vinh dự không dễ mấy ai có. Đó là một bài viết chia tay đầy cảm động trên chính tờ báo của mình. “Khi rời châu Á, Frank McCulloch sẽ được mọi người ở Sài Gòn nhớ đến, từ các tướng Mỹ đến đám nhóc đánh giày” – tổng thư ký tòa soạn Life George P. Hunt viết trên bài báo chia tay McCulloch đăng trong Life số đề ngày 15/12/1967 – “Vì Frank là một trong những cây bút kỳ cựu nhất trong giới phóng sự chiến tranh Việt Nam và là một trong những nhà báo được kính trọng nhất tại châu Á”.

Eddie Adams- chỉ một bức ảnh cũng đủ làm chấn động thế giới

Bức ảnh “Xử bắn trên đường phố Sài Gòn 1968” của Eddie Adams.

Giới nhiếp ảnh đã hơn một lần tự hào mà rằng: một tấm ảnh báo chí có làm thay đổi cả thế giới, có thể nói lên sự thật còn hơn cả ngàn lời. Niềm kiêu hãnh, tự hào ấy của họ là có căn cứ. Đơn cử như bức ảnh “Xử bắn trên đường phố Sài Gòn 1968” khiến thế giới bàng hoàng, mô tả giây phút Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia VNCH Nguyễn Ngọc Loan cầm súng ngắn xử tử chiến sĩ cách mạng Việt Nam hồi Tết Mậu Thân 1968 ngay trên đường phố của phóng viên ảnh Eddie Adams. Bức ảnh trở thành biểu tượng của sự hung tàn của một cuộc chiến tranh; sự tàn bạo của nó dẫn đến tội ác nhân loại – sự lạnh lùng của con người hành hình một con người, ngay giữa ban ngày, ngay trên mảnh đất cùng được sinh ra.

Tấm ảnh ấy đã thổi bùng nhiệt huyết chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam trên toàn thế giới. Cuộc xử bắn dã man này cũng được phát hình trên sóng của đài NBC và thật sự làm biến động mạnh đến chính trường nước Mỹ năm đó. Làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao và sau đó hai tháng, Tổng thống Lyndon B. Johnson (D) tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử nhiệm kỳ sau. Bức ảnh từng làm sửng sốt toàn thế giới còn mang đến cho Eddie Adams cả hai giải thưởng danh giá bậc nhất: Pulitzer Prize for Spot News Photography và World Press Photo Award 1969. Danh tiếng của Eddie Adams trong làng báo chiến trường tại miền Nam Việt Nam được củng cố và khẳng định cũng chính từ bức ảnh lịch sử này.

Dĩ nhiên gia tài báo chí của Eddie Adams không chỉ có bức ảnh “Xử bắn trên đường phố Sài Gòn 1968”. Eddie Adams đã cầm máy ảnh qua 13 cuộc chiến tranh trên thế giới và trở thành phóng viên có nhiều ảnh được đưa lên trang bìa nhiều tạp chí nổi tiếng, như His Time, Newsweek, Life, Paris Match, Parade, Penthouse, Vogue, The London Sunday Times Magazine, The New York Times, Stern and Vanity Fair. Ống kính của ông đã ghi lại hình ảnh nhiều chính khách nổi tiếng vào những thời khắc quan trọng như Richard Nixon, G.W.Bush, Mikhail Gorbachev, Anwar Sadat, Đặng Tiểu Bình, Fidel Castro và Đức Giáo hoàng John Paul.

40 năm cầm máy, ngoài giải thưởng danh giá Pulitzer, Adams còn nhận hơn 500 giải thưởng khác như Erro! Bookmark not de ned cho ảnh báo chí năm 1968, 1977 và 1978, cùng vô số các giải từ World Press Photo, NPPA, Sigma Delta Chi, Overseas Press Club… Với riêng Việt Nam, Adams đến Việt Nam ba lần, năm 1962, 1965 và 1968. Năm 1968, ông là một trong số phóng viên được đặc cử đến Việt Nam để chụp ảnh về cuộc chiến tranh tại thời điểm xảy ra cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đánh thẳng vào đầu não của chính quyền Mỹ – ngụy. Và đó cũng là chuyến đi giúp ông gặt hái được bức ảnh để đời.

Edwin Q. White- bình tĩnh trong mọi cuộc khủng hoảng

Trong con mắt các đồng nghiệp ở AP, White là hình mẫu của một phóng viên – triết gia, được biết đến với biệt danh “Ed kiên định”, người bình tĩnh nhất trong bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào. Sinh thời, White cho biết, hối tiếc lớn nhất trong sự nghiệp của mình rời khỏi Sài Gòn khi miền Nam Việt Nam được giải phóng ngày 30/4/1975, một thời điểm lịch sử mà ông không bao giờ quên. Ông là một trong những người đã di tản trên chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi mái nhà của Đại sứ quán Mỹ.

Ông John Daniszewski, biên tập viên cao cấp của AP về mảng tin tức quốc tế nhận xét: “White đã lãnh đạo một văn phòng xuất sắc của AP trong thời gian Mỹ tham chiến ở Việt Nam, t thời điểm bắt đầu cho tới khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Ông đã thể hiện sự bình tĩnh, chính xác và khách quan trong các báo cáo của mình và những đóng góp của ông vào việc tường thuật lịch sử đó sẽ không bao giờ bị các đồng nghiệp lãng quên”.

Horst Faas- người khổng lồ của ảnh chiến trường

Với giới nhiếp ảnh,Horst Faas chính là người đã tạo nên những chuẩn mực mới về ảnh chiến tranh. “Faas là một trong những tài năng lớn nhất của thời đại chúng ta, một phóng viên ảnh dũng cảm, một biên tập viên can đảm, người đã tạo nên một số hình ảnh có sức bùng nổ nhất thế kỷ. Ông là một đồng nghiệp tuyệt vời và là một người bạn hào phóng” - Kathleen Carroll, biên tập viên cấp cao của hãng tin AP, nhận định. Sinh ra ở Berlin (Đức) vào ngày 28/4/1933, Faas làm việc tại hãng tin AP từ năm 1956. Trong sự nghiệp của mình, ông đã chụp ảnh về các cuộc chiến tranh, cách mạng, Thế vận hội và nhiều sự kiện trên thế giới, nhưng Faas vẫn nổi tiếng nhất với những bức ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam, nơi ông đã bị thương nặng vào năm 1967, và đã đoạt 4 giải nhiếp ảnh lớn, trong đó có 2 giải Pulitzer.

Không chỉ có vậy, là trưởng nhóm phóng viên ảnh của hãng AP ở Sài Gòn trong 1 thập kỷ, bắt đầu từ năm 1962, Horst Faas không chỉ chụp những hình ảnh về cuộc chiến, mà ông còn tuyển và đào tạo nhiều tài năng mới là người nước ngoài và Việt Nam. Trong số những học trò của ông có Huỳnh Thanh Mỹ, một diễn viên trở thành phóng viên AP và đã tử nạn năm 1965. Người em của ông là Nick Út đã thay thế vị trí của anh trai mình tại hãng AP và dưới sự dìu dắt của Faas, Nick Út đã đoạt giải Pulitzer với bức ảnh Em bé Napalm chụp năm 1972 về một bé gái trần truồng đang chạy trốn giữa trận bom napalm.

Nguồn: Hà Trang/congluan.vn

Tin nổi bật