Nhớ mùa xuân đại thắng

Bốn mươi năm đã qua. Mỗi độ tháng tư về, ký ức của mùa xuân năm 1975 lịch sử lại ùa về trong mỗi chúng tôi, những phóng viên mặt trận được chứng kiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

Sài Gòn ngày 30 tháng 4, quân đội giải phóng tiến vào Sài Gòn trên xe tăng và xe tải, chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam. Hình: Jacques Pavlovsky/ Sygma/CORBIS

Tháng 12 năm 1974, trong đợt học tập chính trị toàn quân, anh Dân Hồng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đem cho tôi bài tùy bút, viết cho chương trình Tết Ất Mùi – 1975. Anh cười và nói vui: “Tết này tớ viết vậy không phải “Tự tin” quá đâu, quy luật sẽ là như vậy”. Tôi đọc đi, đọc lại, không cắt được câu nào. Thích nhất vẫn là đoạn anh viết về khí thế của cả nước ra trận: “Mùa xuân này, cả Trường Sơn đổ xuống đồng bằng, nghe khắc khoải tiếng mẹ ta nhắn nhủ, tiếng em thơ nức nở gọi ta về…”. Đọc bài viết đó, trên nền nhạc réo rắt, chị Kim Ngôn, người Sài Gòn, phát thanh viên Đài phát thanh giải phóng (CP90) phải ngắt để đọc lại ba lần vì xúc động. Bài tùy bút được phát đi, phát lại đến 6 lần trên sóng chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam và chương trình thời sự Đài phát thanh giải phóng, nghe xúc động và thôi thúc đến nao lòng trước Mùa xuân 1975 đầy háo hức.

Thế rồi, những ngày tết qua nhanh. Mùa xuân tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam đã đến. Ngày 10 tháng 3 năm 1975, với lối nghi binh sắc sảo, quân ta đã bất ngờ nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, thủ phủ của địch trên Tây Nguyên hùng vĩ. Chỉ hơn một ngày liên tục chiến đấu, quân địch ở Buôn Ma Thuột đã bị tiêu diệt nặng, buộc phải tháo chạy, lập vành đai bảo vệ Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn. Cuộc rút quân chiến lược của địch khỏi Tây Nguyên bắt đầu.

Sáng ngày 24 tháng 3 năm 1975, anh Trần Tất Đắc, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam và anh Lê Hào, Phó trưởng Ban biên tập gặp tôi, giao nhiệm vụ.

Chuẩn bị mọi điều kiện để đi theo đoàn cán bộ của Tổng cục chính trị vào Quảng Trị và theo sự phát triển của tình hình để vào thành phố Huế.

15 giờ ngày 24 tháng 3 năm 1975, đoàn xe Ru – Ma – Ni gồm 2 chiếc do anh Vũ Quang Đạo, cán bộ Cục tuyên huấn dẫn đầu, tạm biệt Thủ đô để đi chiến dịch. Mỗi xe còn có 2 đồng chí lái xe, lần lượt thay nhau lái, lương khô và nước uống đầy đủ để cả trên xe. Đường hành quân liên tục, không có thì giờ nghỉ. 7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã đến Sở chỉ huy quân đoàn 2, đóng ở miền Tây Quảng Trị. Tại đây, Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị và anh Thái, Cục trưởng, anh Kính, Phó cục trưởng Cục bảo vệ đang ở đó, chờ đoàn chúng tôi vào là xuất phát, tìm đường vào Huế.

Chúng tôi đến Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu Trị – Thiên, đóng ở huyện Hương Trà, cùng nghe Chính ủy Quân khu báo cáo tình hình với Trung tướng Lê Quang Hòa và các cán bộ của Tổng cục, lúc ấy quân đoàn 2 đang chặn địch rút lui ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Các lực lượng bộ đội của quân khu Trị – Thiên phối hợp với lực lượng quân đoàn 2 chia cắt đường số 1 và các cửa sông, chặn đường rút lui của địch từ Huế vào Đà Nẵng. Đoàn đang chăm chú nghe tình hình, thì một Sỹ quan tác chiến của Quân khu, nét mặt rạng rỡ bước vào và báo cáo: “10 giờ 30 ngày 25 tháng 3 năm 1975 quân ta đã giải phóng thành phố Huế, cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phú Văn Lâu!”.

Các anh: Bùi Kim, Nguyễn Hải Chinh – phóng viên báo Quân giải phóng và Thông tấn xã Giải phóng Trị Thiên – Huế kéo tôi ra ngoài trao đổi, rồi vào báo cáo Trung tướng Lê Quang Hòa và Chính ủy Quân khu để vào Huế. Theo tổ vệ binh dẫn đường, chúng tôi đi nhờ xe lam của nhân dân Hương Trà, tiến thẳng vào Huế. Cờ giải phóng rợp trời, tung bay trên đỉnh Phú Văn Lâu và các ngả đường của Huế. Đêm ấy, sau khi viết bài,Tê–lê–típ ra Hà Nội, sáng 26 tháng 3 bài đã phát trên sóng Đài phát thanh giải phóng.

Đang mê mải lấy tài liệu, viết bài về Huế giải phóng thì một tin vui từ mặt trận Đà Nẵng lại ập đến. Ngày 29 tháng 3 năm 1975, lực lượng quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang quân khu 5 đã giải phóng thành phố Đà Nẵng, tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã trên 100 nghìn tên địch.

Dọc đường vào Đà Nẵng, chúng tôi gặp các nhà báo: Phan Hải Tân, Lê Khắc Sỹ, Ngọc Sương – Phóng viên phát thanh Quân đội nhân dân và các đồng chí lãnh đạo báo chí: Trần Lâm, Lưu Quý Kỳ đang đi theo chiến dịch. Nhà báo Thắng Lộc cùng các phóng viên: Kim Anh, Anh Trang, Phạm Thị Sửu (Phóng viên Đài phát thanh giải phóng, thường trú tại khu 5 từ năm 1973); các nhà báo: Nguyễn Duy Quyền, Nguyễn Khắc Thông, Việt Long, Nguyễn Đăng Tuân (Phóng viên Báo quân giải phóng miền Trung – Trung Bộ) đều hội quân ở Đà Nẵng.

Ngày đó, vào Đà Nẵng giải phóng, anh Thắng Lộc và các bạn đồng nghiệp ở chiến trường quen thuộc giúp đỡ chúng tôi rất tận tình. Thành phố sau cách mạng tháng 8 năm 1945, sau kháng chiến chống Pháp 9 năm và sau 20 năm đấu tranh với Mỹ – Ngụy, biết bao điều muốn nói. Chúng tôi lấy tài liệu, viết bài rồi lại được chị Anh Trang tìm thuyền đưa qua sông Hàn, vào “Đài phát thanh Đà Nẵng giải phóng” do chính chị Anh Trang – có giọng nói Bình Định trực tiếp đọc bài. Theo tần số phát sóng, Đài phát thanh giải phóng (B) và Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhận và phát trên sóng. Từ đài, đi công tác chiến trường, nghe bài mình được phát trên sóng mới thấy hết sự vui mừng trong lúc hành nghề ở nơi xa.

Ngày 10 tháng 4 năm 1975, anh Lê Hào, Phó trưởng ban biên tập chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam, Đài phát thanh giải phóng đi máy bay DC4 của quân ta thu được của quân Ngụy (do người của chế độ ngụy quyền Sài Gòn lái) bay vào Đà Nẵng. Cùng lúc đó, chiếc xe tải do nhà báo Trần Huy Vĩnh Ổn, phóng viên chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam, Đài phát thanh giải phóng chỉ huy đã đến tòa Thị chính Đà Nẵng. Đoàn gồm hai lái xe, một cán bộ sử dụng máy Tê – lê – típ và một cán bộ sử dụng máy phát âm thanh với đầy đủ thiết bị và súng, đạn AK. Anh Lê Hào quyết định: Để anh Võ Văn Lục, phóng viên chương trình phát thanh Quân giải phóng miền Nam (đã vào khu 5 từ tháng 12 năm 1974) và tôi  cùng nhà báo Trần Huy Vĩnh Ổn đi chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng đi còn có nhà báo Nguyễn Tư Đương, phóng viên Báo quân đội nhân dân.

Đường số 1 qua Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nha Trang, lên Buôn Ma Thuột, xe đi thẳng vào miền Đông Nam Bộ, đến vành đai Sài Gòn. Dọc đường đi, tin chiến thắng cứ dồn dập đến qua sóng Đài phát thanh giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975 trên 300 quả đạn pháo từ Nhân Trạch bắn dồn dập vào Tân Sơn Nhất, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiều ngày 28 tháng 4 năm 1975, một biên đội 5 chiếc máy bay A37 ta thu được của địch do phi công của ta luyện tập và trực tiếp lái, Nguyễn Thành Trung dẫn đường, đã cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) tiến về Sài Gòn, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, làm tê liệt cảng hàng không lớn nhất của địch. Dương Văn Minh vừa nhận chức Tổng Thống Ngụy quyền từ Trần Văn Hương đã bị một cú sốc tái mặt. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, năm cánh quân của ta từ các hướng: Đông, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam đồng loạt tiến công Sài Gòn, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng trong nội đô.

Trên đường tiến vào Sài Gòn, xe chúng tôi dừng lại ở rừng cao su Phúc Lợi. Cột ăng ten được dựng trên ngọn cây. Đồng chí kỹ thuật viên truyền bài viết của chúng tôi về Hà Nội. Trong bài : “Trên một chặng đường đi tới Sài Gòn”, tôi viết thật sảng khoái: “Quân ta đi trùng điệp, tiến vào thành phố. Các em gái Củ Chi bận áo bà ba đen, khăn rằn quàng cổ, đầu đội mũ tai bèo, giơ tay tạm biệt các anh đi, chiến thắng nhé. Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn”.

10 giờ 30, Tổng Thống ngụy quyền Sài Gòn – Dương Văn Minh và nội các Chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng. 11 giờ 30, trước Đài phát thanh Sài Gòn, ý chí đầu hàng của Tổng Thống ngụy quyền Sài Gòn đã hiện hữu trên sóng phát thanh. Tháng 5 bốn mươi mốt năm trước, toàn thắng đã về ta.

Khánh Toàn

Nguồn: congluan.vn

Tin nổi bật