Ngày sách Việt Nam 21/4 nên ấn tượng bởi khối lượng và số lượng

(ICTPress) - Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho việc tổ chức Ngày Sách lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 21/4, hôm nay 17/3, Cục Xuất bản, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về nội dung và hình thức tổ chức ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh: laodong.com.vn

Việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam thực sự cần thiết, nhằm động viên khuyến khích tinh thần đọc của người Việt, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của sách. Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh việc tổ chức phải hướng đến việc ngày sách thực sự là một ngày hội của toàn dân, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Không gian tổ chức không nhất thiết phải trong một phạm vi bó hẹp mà có thể lựa chọn không gian mở là các phố sách, phối hợp với bộ giáo dục tổ chức ở các điểm trường học, xác định lớp trẻ là đối tượng trọng tâm của các hoạt động. Trong khuôn khổ ngày hội, có thể tiến hành trưng bày, giới thiệu sách theo chủ đề.

Ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch, Tổng thư ký Hội thư viện Việt Nam cho biết:Xu hướng đọc thì khác hơn ngày xưa. Ngày xưa thì do không có nhiều chỗ vui chơi giải trí cho nên người ta đến thư viện như là một cách để giải trí. Người ta đến đó, tất cả các đối tượng có cái gì đọc cái đó, còn bây giờ thì người ta lựa chọn, đọc cái gì thiết thực".

Lần đầu tiên chúng ta có một quốc định mang tầm quốc gia là ngày sách Việt Nam sánh với các nước xung quanh chúng ta. Không phải nhiều nước có. Thế giới có ngày sách 23/4, chúng ta có Ngày Sách Việt nam 21/4; một gạch nối rất gần. Chúng ta làm sao tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho mọi người, để người ta hiểu sách như là cơm ăn nước uống, không khí thở, làm giàu cho trí tuệ con người. Các cơ quan có trách nhiệm phải đi đầu tổ chức các hoạt động ấn tượng nhưng phải hấp dẫn, thu hút, chứ không mang tính khiên cưỡng, ông Phạm Thế Khang cho biết thêm.

GS. Sử học Lê Văn Lan cho biếtDù chỉ còn rất ít thời gian và như vậy hướng đầu tư này phải cần đến việc tạo ấn tượng bằng khối lượng và số lượng. Tôi thấy TP. Hồ Chí Minh đã và đang làm việc này rất hay tức là phát hành mấy vạn đầu sách, mấy chục triệu cuốn sách, thì khối lượng đó sẽ có tác dụng gây ấn tượng. Tôi hy vọng với sự cố gắng công sức của mọi người mọi ngành sẽ đẩy văn hóa sách đang gặp khó khăn như bây giờ tới được chỗ chuyển mình, chuyển hóa mạnh mẽ, để trở thành truyền thống”.

Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta mới chỉ đạt 3,2 cuốn sách/người (bao gồm cả sách giáo khoa). Còn theo bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách một năm tại thư viện. Những con số này cho thấy nhu cầu đọc sách tìm hiểu của nước ta còn thấp hay nói cách khác đọc sách chưa phải là nhu cầu thường xuyên của người Việt Nam.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Ngày Sách Việt Nam sẽ được tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc. Sẽ còn rất nhiều công việc phải làm để Ngày sách Việt Nam phát huy được ý nghĩa cũng như mục đích của nó là khuyến khích tinh thần đọc sách của mỗi người. Điều quan trọng là tinh thần ấy không chỉ có trong ngày sách 21/4 nói riêng mà còn phải lan tỏa trong toàn xã hội ngay cả khi ngày hội sách kết thúc.

Minh Anh

Tin nổi bật