Ngày đọc Sách Việt Nam nên chọn ngày nào

(ICTPress) - Văn hóa đọc là một bộ phận cấu thành nền văn hóa, là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành và phát triển con người mới, những công dân để thích ứng với sự phát triển hiện đại, xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.

Ảnh: nld.com.vn

Chính vị vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang một ý nghĩa chiến lược của quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực, nhân tố quyết định của mọi thành công.

Đánh giá cao văn hóa đọc ngay sau kỳ họp lần thứ 28 (1995) của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris, Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là Ngày sách và bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day). Theo đó, ngày này có mục tiêu tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả cho sự ra đời các tác phẩm, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc.

Trong khoảng 10 năm qua, đã có 150 nước, trong đó có Việt Nam, hưởng ứng quyết định này. Việc Việt Nam hưởng ứng quyết định của UNESCO cho thấy chúng ta đã ý thức rất rõ về việc phải nhanh chóng xây dựng xã hội đọc và xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Với mong muốn xây dựng ngày đọc sách cho riêng Việt Nam, tại  Hội thảo Khoa học Văn hóa đọc và Ngày đọc sách Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam vừa được tổ chức nhân dịp 60 năm ngành Xuất bản - In - Phát hành sách (10/10/1952 - 10/10/2012) nhiều đại biểu là các nhà khoa học, quản lý văn hóa, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa đọc đã có những ý kiến trình bày về việc chọn một ngày trong tháng 4 hàng năm làm ngày Sách Việt Nam.

Ngày nào trong tháng 4 hàng năm

Theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam nên lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam với những lý do sau:

Trong những năm gần đây, các nhà xuất bản và Thư viện quốc gia đều phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4 do UNESCO phát động. Đây là những hoạt động thiết thực, được sự ủng hộ rộng rãi của xã hội, của các cơ quan chức năng, trước hết là các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông. Ngày sách và Bản quyền thế giới đã được các đơn vị trong nước và nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài, cơ quan quốc tế ở Việt Nam tham gia tích cực với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, đặc biệt là với sinh viên và thiếu nhi. Chọn ngày 21/4 chúng ta sẽ có được môi trường truyền thông tốt cả ở trong nước và quốc tế, thể hiện mong muốn hội nhập của Xuất bản Việt Nam.

Mặt khác, tháng 4 vẫn đang tiết xuân, trên địa bàn cả nước chưa bước vào mùa mưa và cũng chưa nắng gắt, thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời như thi diễn thuyết về tác phẩm được giải thưởng, thi vẽ tranh theo sách, triển lãm, giới thiệu sách…

Tháng 4 là khoảng thời gian sau Tết nguyên đán, không khí xã hội đang thuận lợi cho các hoạt động lễ hội, lại không trùng với một ngày lễ lớn nào đó nên sẽ thuận lợi hơn cho công tác tuyên truyền, quảng bá và thu hút sự chú ý của xã hội.

Ông Võ Tử Thành, Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất Bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nay là Ban Tuyên giáo Trung ương nên chọn Ngày đọc sách là ngày 21/4 hàng năm. Vì ngày này không những gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam: thời gian công bố việc xuất bản cuốn Đường kách mệnh, cuốn sách lý luận cách mạng đầu tiên của Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào khoảng đầu năm 1927), mà còn gắn liền với sự kiện quan trọng khác đã được quốc tế công nhận: Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4.

Cũng trong tháng 4 này gợi nhắc chúng ta nhớ đến một câu nói nổi tiếng của V.I. Lê Nin về sách và đọc sách: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản”.

“Hơn nữa, thời gian dự định tổ chức Ngày đọc sách này sẽ không quá gần hoặc trùng lặp với những ngày kỷ niệm quan trọng khác của đất nước nhất là vào những năm chẵn. Do đó, sẽ có điều kiện tổ chức ngày hội với nhiều hình thức, phương pháp để thu hút được nhiều loại bạn đọc tham gia, làm cho ngày hội sinh hoạt văn hóa này càng thêm sôi động và nhộn nhịp”, Ông Võ Tử Thành cho biết thêm.

Trong khi đó, TS. Đỗ Kim Thịnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản đề nghị Nhà nước ra quyết định chính thức lấy ngày 23/4 hàng năm là Ngày đọc sách Việt Nam. Căn cứ quyết định này giao cho Bộ chủ quản, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng đề án về việc tổ chức Ngày đọc sách Việt Nam. Trong đó, không chỉ dừng lại ở nội dung tổ chức kỷ niệm cho ngày này, mà còn có nội dung kế hoạch tổng thể lâu dài về phát triển văn hóa đọc, trình nhà nước thông qua.

Bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện quốc gia thì cho biết nên chọn tuần thứ 3 của tháng 4 hàng năm là tuần lễ sách và đọc sách để tôn vinh người viết sách, xuất bản sách, phát hành sách trên giấy và trên mạng; tôn vinh bản quyền trên giấy và trên mạng, tôn vinh nghề thư viện - thông tin (nơi sử dụng sách mang tính xã hội); tôn vinh các gia đình xây dựng thư viện gia đình, người đọc sách, những người tuyên truyền, giới thiệu, hướng dân đọc; tôn vinh phương tiện truyền thông tuyên truyền cho văn hóa đọc.

“Trong khoảng thời gian 1 tuần (từ 21 - 25/4) sẽ giúp những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, xuất bản, in, phát hành, thư viện, thông tin phối hợp, liên kết, hợp lực mở các hội chợ sách, nói chuyện sách, giao lưu giữa tác giả và người đọc trong thư viện, thi đọc sách, triển lãm sách của một tác giả, công bố những sách Việt Nam được đọc nhiều nhất trong hệ thống thư viện nhằm thu hút người đọc đến với thư viện, đến với các cửa hàng sách, đến với tác giả sách nhiều hơn. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay cần biết trân trọng sách - trân trọng thông tin tri thức, yêu quý sách - yêu quý thông tin tri thức và đọc sách nhiều hơn - thỏa mãn khát khao thông tin tri thức”, Bà Dung lý giải nên có tuần đọc sách.

Tên gọi nào cho ngày Sách Việt Nam

Một trong những bàn thảo nữa liên quan đến hình thành Ngày đọc sách Việt Nam là tên gọi cho ngày này. Theo ông Võ Tử Thành, cần cân nhắc để chọn lựa một trong những tên gọi sau đây: Ngày đọc sách Việt Nam, Ngày hội đọc sách, Ngày sách Việt Nam… Cá nhân ông đề nghị nên dùng tên gọi Ngày hội đọc sách.

Theo ông Nguyễn Kiểm thì nên gọi là Ngày Sách Việt Nam sẽ bao hàm được nhiều ý nghĩa hơn. Ngày Sách Việt Nam không phải chỉ để tôn vinh những người có công sức và trí tuệ làm ra cuốn sách mà phải thực sự trở thành ngày hội của người đọc, của những người yêu mến sách, từ đó khơi dậy và nuôi dưỡng đam mê đọc sách của xã hội, trước hết là giới trẻ.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết chọn Ngày đọc sách Việt Nam thì chọn ngày có ý nghĩa, gắn kết mọi người trong xã hội, mọi giới, người Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản sau Hội thảo này sẽ tổng hợp các ý kiến và bàn thảo thêm để trình Chính phủ quyết định Ngày Sách Việt Nam với các lý giải thuyết phục.

 Minh Anh

Tin nổi bật