Facebook sẽ đưa các mạng 4G tới các vùng xa xôi

(ICTPress) - Facebook vừa khai trương một nền tảng truy nhập di động nguồn mở mới được gọi là OpenCellular, sẽ cung cấp cả phần cứng và phần mềm để thiết lập các mạng di động quy mô nhỏ, theo MIT Technology Review.

Facebook kiểm thử các dịch vụ băng rộng ở Ấn Độ

Mục tiêu của nền tảng này là cho phép những khu vực nghèo nhất của thế giới có thể vào mạng nhờ sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) của họ.

Trong khi ĐTDĐ đã phổ biến trên thế giới thì việc sở hữu một thiết bị di động ở nhiều quốc gia như châu Phi để được tiếp cận các dữ liệu di động còn hạn chế. Cũng có nhiều người sử dụng phải phụ thuộc vào SMS và cũng còn nhiều nơi ở thế giới phương Tây thì cũng còn gặp khó để bắt tín hiệu dữ liệu.

OpenCellular là một kế hoạch để giải quyết các vấn đề trên. Đây là nỗ lực đầu tiên để tạo ra các phương thức phù hợp hơn trong việc triển khai các điểm truy cập mạng di động ở cả các nước đang phát triển và ở các vùng xa xôi của các nước phát triển hơn.

Nền tảng này kết hợp cả phần cứng kiểm soát cơ bản và các chip radio bên trong một vỏ nhựa giá rẻ, sau đó có thể được buộc vào một vật gì đó, như là treo lên cây, cột đèn hay bất cứ vật cao nào khác.

Hệ thống này đòi hỏi một “backhaul” - một kết nối tới Internet, thường được một kết nối hữu tuyến cung cấp hoặc có thể là một máy bay không người lái hay một khinh khí cầu ở phía trên cao. Mặc dù không có đường kết nối dữ liệu này thì phần cứng vẫn có thể cho phép người dân liên lạc với nhau, với phần còn lại của thế giới.

Cho tới nay, các thử nghiệm đã cho thấy phần cứng có thể được sử dụng để gửi và nhận SMS, các cuộc gọi thoại và dữ liệu qua một kết nối 2G.

Nhưng Facebook cho biết công ty này đang nỗ lực đảm bảo OpenCellular có thể hỗ trợ LTE. Đồng thời, Facebook cũng cho biết sẽ thực hiện các thiết kế cho toàn bộ hệ thống khả thi như một nền tảng nguồn mở - từ phần mềm kiếm soát tới các bộ khuếch đại, các bộ lọc, các thiết bị treo và anten.

OpenCellular là một phần thuộc sáng kiến do Facebook dẫn dắt, được gọi là dự án Telecom Infra Project, thu hút sự tham gia của các công ty viễn thông lớn – bao gồm Deutsche Telekom, SK Telecom, Intel, và Nokia – để thiết kế và xây dựng các loại phần cứng mạng di động mới. Facebook cũng đã và đang thúc đẩy 5G và các dự án Wi-Fi công cộng siêu nhanh.

Kế hoạch này không chỉ sẽ đưa Facebook bước vào thế giới di động với tư cách là một nhà cung cấp phần cứng. Thay vào đó, đây là một phần trong một kế hoạch chiến lược: kế nối nhiều hơn có nghĩa là nhiều thuê bao di động hơn và cuối cùng nhiều người vào Facebook hơn.

QM

Tin nổi bật