Doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng Nam Bộ đang “nhanh nhạy” hơn Bắc Bộ

(ICTPress) - “Dù phải rất khó khăn mới thành lập được, nhưng giờ đây, doanh nghiệp (DN) truyền dẫn phát sóng khu vực Nam Bộ lại đang cho thấy sự quyết liệt và nhanh nhạy trong khâu triển khai hoạt động thực tế”, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước ngành TT&TT tháng 10/2014 ngày 3/11.

Tòa nhà trung tâm Đài truyền hình TP.HCM (Ảnh: wikiamapia.org)

Ông Đoàn Quang Hoan cho biết cụ thể hơn hiện tại, hai DN truyền dẫn phát sóng khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ đã hình thành xong. Đây là một bước tiến tích cực bởi cho tới tận tháng trước, giữa hai đài Truyền hình TP. HCM và Truyền hình Vĩnh Long vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung trong việc thành lập DN truyền dẫn phát sóng khu vực Nam Bộ. Ngược lại, DN truyền dẫn phát sóng khu vực Bắc Bộ - một liên doanh giữa Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Hải Phòng và Hanel đã thành lập xong từ giữa năm. Cục Tần số Vô tuyến điện đã có lúc đề xuất Bộ TT&TT xem xét các phương án như đấu thầu cung cấp dịch vụ hoặc giao doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng toàn quốc (VTV, VTC, AVG) kiêm luôn kinh doanh cấp độ khu vực vì lo ngại việc chậm trễ này sẽ làm ảnh hưởng đến lộ trình triển khai Đề án số hóa truyền hình của cả nước. Tuy nhiên, đến phút cuối thì hai đài TP. HCM và Vĩnh Long cũng đã thống nhất được với nhau về cơ chế và mô hình hợp tác.

"Tuy nhiên, hai DN Bắc Bộ và Nam Bộ đang đi theo những cách khác nhau. DN truyền dẫn phát sóng khu vực Bắc Bộ thành lập rất nhanh nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy chuyển động để triển khai giấy phép được cấp. Trong khi đó, DN truyền dẫn phát sóng khu vực Nam Bộ khá nhanh nhạy khi ngay trong thời gian làm hồ sơ xin cấp phép thành lập, đơn vị này đã xin cấp tần số và làm các thủ tục cần thiết để có thể đi vào hoạt động ngay sau khi thành lập", ông Hoan cho biết thêm.

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện giám sát, đôn đốc các DN truyền dẫn phát sóng mới thành lập để đảm bảo các đơn vị này sau khi hoạt động sẽ đạt hiệu quả cao nhất, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho việc triển khai đề án Số hóa truyền hình được thuận lợi.

Cũng theo Cục trưởng Đoàn Quang Hoan, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình dự kiến sẽ tiến hành họp vào tháng 12 để thông qua phương án tắt sóng analog tại các thành phố lớn. Cuộc họp này dự kiến thông qua thời điểm tắt sóng để thông báo cho người dân trước khi chính thức tắt sóng analog ít nhất là trước vài tháng. Theo đề xuất tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án số hóa giữa năm 2013, Đà Nẵng cũng sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự sớm 6 tháng so với kế hoạch (30/6/2015), kết hợp với phát sóng truyền hình số và ngừng phát sóng truyền hình tương tự cho các địa bàn phía Bắc Quảng Nam.

Trong tháng 10, triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, Cục Tần số Vô tuyến điện đã xây dựng dự thảo Đề án điều tra phương thức thu xem và đối tượng hỗ trợ; chỉ đạo về việc phủ sóng số DVB-T2 của Đài Truyền hình Việt Nam và hỗ trợ thiết bị Set-top-Box phục vụ số hóa truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam; triển khai Dự án Hệ thống đo kiểm thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 và tiếp tục thông tin, tuyên truyền về Đề án.

HM

Tin nổi bật