Đồng bằng Bắc Bộ: chọn 1 hay 2 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình?

(ICTPress) - Theo “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020", Việt Nam sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự theo khu vực giai đoạn từ 2015 - 2020.

Ảnh minh họa

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và lân cận gồm 14 tỉnh, thành phố thuộc Nhóm I và Nhóm II sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31/12/2015 và 31/12/2016.

Như vậy, tính từ thời điểm hiện nay còn 2,5 năm ngừng phát analog, trong đó phải dành 1,5 năm đến 2 năm phát sóng song song analog và số. Để thực hiện được đề án số hóa cả trung ương và địa phương đều phải có nỗ lực rất lớn”, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông Đoàn Quang Hoan cho biết Hội thảo Truyền dẫn phát sóng truyền hình (TDPSTH) số mặt đất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ ngày 10/5.

Thường trực Đề án số hóa Truyền hình đề xuất phương án hình thành dịch vụ truyền hình số khu vực đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận gồm:

Vùng dịch vụ gồm 14 tỉnh, thành phố thuộc Nhóm 1 và 2: Hà Nội, Hải Phòng (Nhóm 1), Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh (Nhóm 2).

Phương án hình thành doanh nghiệp TDPSTH số khu vực gồm: Một doanh nghiệp TDPSTH khu vực có vùng dịch vụ gồm 14 tỉnh, thành phố nêu trên và hai doanh nghiệp TDPSTH khu vực. Nếu 2 doanh nghiệp thì doanh nghiệp thứ nhất có vùng dịch vụ gồm Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và doanh nghiệp thứ hai có vùng dịch vụ gồm Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định.

Trong khi đó, Hanel và Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) Hải Phòng đã cùng đề xuất thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất. Theo đó, Hanel đề xuất phạm vi khu vực đồng bằng sông Hồng gồm 13 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Còn Đài PTTH Hải Phòng lại muốn thành lập công ty TNHH MTV Truyền dẫn phát sóng Hải Phòng đáp ứng các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Bắc Bộ gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hải Dương.

Đại diện  Đài PTTH Quảng Ninh thì cho biết Quảng Ninh có 10.700 hộ thu sóng truyền hình mặt đất, hơn 1000 dân hộ sử dụng truyền hình cáp. Đài PTTH Quảng Ninh không chỉ phủ sóng Quảng Ninh mà đã phát ở 40 mạng cáp trên cả nước. Trách nhiệm của Đài PTTH Quảng Ninh là không chỉ tuyên truyền cho nhân dân tỉnh Quảng Ninh, không chỉ ở Quảng ninh, không chỉ trong nước mà còn ở Trung Quốc, Hàn Quốc.

Sở TT&TT Vĩnh Phúc thì cho rằng việc chọn doanh nghiệp TDPSTH để các đài PTTH tự xem xét, Bộ TT&TT chỉ định hướng.

Đại diện của Đài PTTH Bắc Giang cho biết khi chọn doanh nghiệp TDPSTH phải tính đến các đồng bào vùng sâu, xa, nghèo và chỉ chọn một doanh nghiệp. Đài PTTH Hà Nam cũng đồng quan điểm vì để phát huy sử dụng chung hạ tầng và tần số.

Việc cấp phép cho các doanh nghiệp TDPSTH khu vực có những phức tạp. Khó khăn nhất là hai khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, nơi có mật độ dân cư cao, mật độ các tỉnh, thành cao, yêu cầu về tần số khắt khe vì không thể có đủ tần số cho các phát mạng đa tần cho nên việc liên kết trong một mạng đơn tần để phát sóng trong khu vực là quan trọng. Để giải quyết vấn đề này không phải là vấn đề công nghệ, kỹ thuật, tần số mà vấn đề sắp xếp tổ chức toàn bộ hệ thống TDPSTH trong khu vực và cấp phép”, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết.

HM

Tin nổi bật