Thời sự ICT
Làm rõ thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng"
Submitted by nadung on Sat, 03/09/2011 - 00:37Theo VietnamPost, gọi "khoản lỗ 1.026 tỷ đồng" là không chính xác do chưa trừ đi phần kinh phí sẽ được Nhà nước thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mà Tổng Cty đã thực hiện trong năm 2009-2010.
Theo VietnamPost, báo chí gọi "khoản lỗ 1.026 tỷ đồng" là không chính xác do chưa trừ đi phần kinh phí sẽ được Nhà nước thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mà Tổng Cty đã thực hiện trong năm 2009-2010.
Ngày 30/8/2011, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán năm 2010 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán năm 2009. Theo kết quả này, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) không những nằm trong nhóm 3 Tổng Công ty nhà nước có mức thua lỗ cao nhất, mà còn là doanh nghiệp lỗ "nặng" hơn cả, tới 1.026 tỷ đồng trong năm 2010.
Liên tục trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng và các website tổng hợp tin, diễn đàn trên mạng Internet đã đăng tải thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng".
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng với hơn 4 vạn lao động trên mạng lưới Bưu chính Việt Nam nếu chỉ nêu con số "vô tri" thua lỗ hơn 1.026 tỷ đồng trong năm 2010 của VietnamPost. Bởi lẽ, trong hơn 3 năm tách ra hoạt động độc lập với viễn thông, vừa kinh doanh, vừa đảm đương nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tới mọi miền đất nước, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, "người bưu chính" đã nỗ lực rất nhiều để hướng tới mục tiêu cân bằng "thu-chi" từ sau năm 2013.
Bên cạnh việc kinh doanh, VietnamPost còn phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - những thị trường "cầm chắc thua lỗ". |
Trên thực tế, theo số liệu thống kê, năm 2009 tỷ lệ giảm lỗ của VietnamPost so với năm 2008 là 17,4%, tương đương 229 tỷ đồng. Và trong năm 2010 vừa qua, Bưu chính Việt Nam cũng đã giảm lỗ hơn 232 tỷ đồng so với năm 2009.
Hơn thế, một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến con số trên 1.000 tỷ đồng thua lỗ của Bưu chính Việt Nam trong những năm qua là VietnamPost được Nhà nước "đặt hàng", chỉ định là đơn vị thực hiện nghĩa vụ bưu chính công ích, đảm bảo để mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước được quyền tiếp cận, cung ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản.
Chiều ngày 1/9/2011, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ TT&TT xem xét, hỗ trợ Tổng Công ty làm rõ thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng" trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây.
Trong công văn này, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc VietnamPost cho biết, căn cứ vào các quyết định của Chính phủ và của Bộ TT&TT phê duyệt đề án thành lập, quyết định thành lập và Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam thì Tổng Công ty thực hiện 2 chức năng là phục vụ công ích và kinh doanh.
Trước năm 2008, Bưu chính Việt Nam hạch toán phụ thuộc trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), các khoản chi phí phục vụ công ích do lĩnh vực viễn thông bù đắp. Việc chia tách Bưu chính Viễn thông, hình thành nên Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam cũng là chủ trương nhằm phân định rõ, hạch toán riêng rõ chức năng phục vụ công ích (chủ yếu là lĩnh vực bưu chính) và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đề án thành lập Tổng Công ty được Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định lộ trình của Bưu chính bảo đảm đến năm 2013 cân bằng thu - chi toàn bộ các dịch vụ.
Kể từ ngày 1/1/2008, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam ra đời và là doanh nghiệp độc lập thuộc Tập đoàn VNPT. Mục tiêu và nhiệm vụ của Bưu chính là phải bảo đảm lộ trình cân bằng thu-chi đã được Chính phủ phê duyệt. Trong cơ cấu doanh thu của Tổng Công ty thì tỷ trọng doanh thu công ích (thông qua hợp đồng giữa Nhà nước với Tổng Công ty) là trên 28,5%. Số liệu cụ thể của khoản bù đắp chi phí do thực hiện nghĩa vụ công ích trong 3 năm qua là: 1.423,5 tỷ đồng (2008), 1.102,4 tỷ đồng (2009) và chỉ còn lại 815 tỷ đồng trong năm 2010.
Qua các số liệu trên cho thấy, việc cắt giảm hỗ trợ công ích của Nhà nước với Tổng Công ty là khá lớn trong khi đó Bưu chính Việt Nam vẫn tiếp tục phải bảo đảm nhiệm vụ công ích, vừa phải mở rộng sản xuất kinh doanh để sớm cân bằng thu chi. Trong ba năm qua, VietnamPost đã phấn đấu duy trì bảo đảm tốc độ tăng trưởng chung trên 12% và các dịch vụ Bưu chính truyền thống tăng gần 30%; phấn đấu giảm lỗ trên 700 tỷ đồng.
Cũng theo công văn của VietnamPost gửi Bộ TT&TT chiều 1/9, từ ngày 11/11/2010 đến ngày 29/11/2010, Tổ kiểm toán số 2 thuộc Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Biên bản kiểm toán tại Tổng Công ty đã được công bố ngày 6/12/2010.
Thời gian Đoàn kiểm toán làm việc tại Tổng Công ty, cũng là thời gian các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ TT&TT và Bộ Tài chính đang phối hợp rà soát dự thảo "Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích năm 2009-2010". Hợp đồng chưa ký kết, do đó các số liệu của hợp đồng chưa được tổng hợp trong báo cáo tài chính của năm và vì vậy Kiểm toán Nhà nước cũng chưa tổng hợp vào Biên bản kiểm toán.
"Như vậy, số liệu 1.026 tỷ đồng do một số phương tiện thông tin đại chúng gọi là "khoản lỗ của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam" chính là phần kinh phí sẽ được Nhà nước thanh toán cho việc thực hiện dịch vụ bưu chính công ích mà Tổng Công ty đã thực hiện trong gian đoạn 2009-2010", ông Bình nói.
Từ nhiều năm gần đây, khi Internet, viễn thông, di động... ngày càng phát triển dẫn tới nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ bưu chính cũng liên tục sụt giảm, đặc biệt là ở những thị trường "màu mỡ" như các thành thị. Trong khi đó, hạ tầng bưu chính quốc gia là không thể thay thế, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... thị trường được coi là "phi lợi nhuận" của ngành bưu chính. Việc đảm bảo dịch vụ bưu chính cho mọi người dân trên cả nước được coi là nhiệm vụ công ích nhưng nguồn ngân sách của các chính phủ hỗ trợ cho mảng này cũng liên tục bị giảm dần, đòi hỏi các hãng bưu chính phải tự cáng đáng. Trên thế giới, Bưu chính Mỹ (USPS) là một ví dụ điển hình. Ngày 5/8/2011, bản báo cáo kết quả kinh doanh quý III của USPS cho biết: Tính đến hết ngày 30/6/2011, USPS tiếp tục lỗ thêm 3,1 tỷ USD trong quý tài chính thứ 3 cùng với đó là sản lượng thư khai thác thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,1 tỷ bức (giảm 2,6%). Dự báo, kết thúc năm 2011 Bưu chính Mỹ sẽ phải gánh thêm khoản lỗ lên tới 7,8 tỷ USD. Để "chữa cháy", USPS đã thực hiện các giải pháp như: Ngừng đưa thư vào các ngày thứ Bảy, đóng cửa các bưu cục ở nông thôn nhằm tiết giảm chi phí hoạt động. Theo USPS, việc dừng hoạt động vào ngày thứ Bảy sẽ giúp cho hãng này tiết kiệm thêm 3,5 tỷ USD mỗi năm còn việc đóng cửa hàng ngàn bưu cục ở các vùng nông thôn, các vùng có địa bàn khó khăn sẽ giúp họ tiết kiệm thêm khoảng 4,5 tỷ USD nữa. |
Minh Tú
Theo ICTNews
* Tít bài do ICTPress đặt.
"Đau đầu" vì thuê bao cố định rời mạng
Submitted by nadung on Fri, 02/09/2011 - 21:03VNPT đang phải bù lỗ cho điện thoại cố định rất lớn. Không chỉ vậy, VNPT cũng như một số doanh nghiệp viễn thông khác đang phải đối mặt với việc "rũ áo ra đi" của khá nhiều thuê bao.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm 73% thị phần điện thoại cố định đang "khóc dở" vì số thuê bao "rũ áo ra đi" ngày càng tăng. Trước nhiều lần "kêu cứu", Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Thông tư 22/2011/TT-BTTT nhằm giảm bớt phần bù lỗ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cố định bằng cách nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút kể từ ngày 1/10.
Khi khách hàng không mặn mà
Giá cước di động ngày càng rẻ, cộng với các chương trình khuyến mại ồ ạt đã khiến người dân sử dụng dịch vụ viễn thông không còn mặn mà với cố định - dịch vụ vốn lên "ngôi" từ nhiều năm.
Gia đình anh Nguyễn Sơn Nam - Phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) nói: "Tôi vừa làm thủ tục ngừng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định có dây và một máy không dây. Cả ngày gia đình đi vắng hết, tối về liên lạc lại sử dụng di động vì tài khoản khuyến mại còn nhiều. Vì vậy, mấy tháng gần đây, gia đình tôi chỉ còn phải trả tiền cước thuê bao điện thoại cố định gần 30.000 đồng/tháng và tiền cước cuộc gọi phát sinh trả thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/tháng". Anh Nam cho biết thêm: Vài năm trước, khi giá cước di động còn đắt đỏ thì mỗi tháng gia đình anh phải tiêu tốn vài trăm nghìn đồng tiền cước.
Nhà mạng “khóc dở” khi thuê bao "rũ áo ra đi" ngày càng tăng. |
Không chỉ gia đình anh Nam, mà giờ đây, rất nhiều gia đình tại Hà Nội cũng không còn mặn mà với điện thoại cố định. Thậm chí một số thanh niên còn ví von nói ngược về việc dùng điện thoại cố định như là một dịch vụ "xa xỉ".
Đại diện VNPT cho rằng: Doanh thu từ dịch vụ cố định đang giảm rất nhanh (khoảng 20%/năm) và VNPT đã phải lấy các nguồn thu khác để bù vào bởi chi phí để phát triển và duy trì một số thuê bao điện thoại cố định mới vẫn tăng lên nhưng lợi nhuận lại đi xuống.
Ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT từng cho hay: Doanh thu của mỗi thuê bao điện thoại cố định của VNPT hiện chỉ còn 40.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi thuê bao chỉ gọi khoảng 20.000 đồng/tháng, còn lại 20.000 đồng là cước thuê bao. VNPT đang phải bù lỗ cho điện thoại cố định rất lớn. Không chỉ vậy, VNPT cũng như một số doanh nghiệp viễn thông khác đang phải đối mặt với việc "rũ áo ra đi" của khá nhiều thuê bao. Theo ước tính, VNPT mất đi khoảng 1 triệu thuê bao cố định/năm. Trong khi đó, "việc ngành điện tăng giá thuê cột điện cũng khiến VNPT gặp khó khăn. Với giá treo cáp để cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tới nhà khách hàng khoảng 20.000 đồng/cột/tháng, thì những nơi có ít thuê bao, doanh nghiệp lỗ rất nặng", một cán bộ của VNPT trần tình.
Phía VNPT Hà Nội cũng cho hay: Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 60.000 thuê bao điện thoại cố định ngừng hoạt động để chuyển sang dùng di động. Trong khi đó, chi phí để phát triển và duy trì thuê bao điện thoại cố định mới vẫn tăng lên, nhưng lợi nhuận lại ngày càng giảm, thậm chí là lỗ.
Theo các chuyên gia viễn thông, nếu như việc gia nhập thị trường di động đang khó khăn do liên quan đến tài nguyên tần số, thì dịch vụ cố định lại được mở cho tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện. Nhiều giấy phép cung cấp dịch vụ cố định đã được cấp cho SPT, FPT... hay những tên tuổi mới như Gtel, AVG... vẫn chỉ mang nặng tính "hữu danh vô thực".
Chia sẻ khó khăn
Không chỉ đối mặt với việc thuê bao cố định ngày càng sụt giảm mà VNPT cũng đã từng đề cập tới sự bất ổn của chính sách cước kết nối giữa di động và cố định, gây bất lợi cho dịch vụ điện thoại cố định. Cụ thể: Với mỗi phút kết nối từ mạng di động sang mạng cố định, nhà mạng di động chỉ phải trả cho nhà mạng cố định 270 đồng/phút. Trong khi đó, nhà mạng cố định phải trả tới 415 đồng với mỗi phút kết nối từ dịch vụ điện thoại cố định sang mạng di động.
Trước sự việc này, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư 22, được xem là biện pháp "cứu" thuê bao cố định. Theo đó, từ ngày 1/10 tới, cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt, cước kết nối cuộc gọi là 415 đồng/phút (chưa bao gồm VAT). Như vậy, mức cước kết nối này đã tăng thêm 145 đồng/phút. Các mức cước trên không phân biệt giờ bình thường, thấp điểm hay cao điểm.
Trao đổi với Tin Tức, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT-TT Hà Nội) cho biết: Bộ TT-TT đã có cơ chế điều tiết để tạo điều kiện cho dịch vụ điện thoại cố định phát triển bởi mạng cố định băng rộng là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia. Không chỉ vậy, trên nền dịch vụ điện thoại cố định còn có sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng khác như: Truyền hình cáp IPTV, chương trình MyTV, Internet ADSL...
Theo ông Sỹ, việc Bộ TT-TT đã chuẩn bị Dự thảo cho Chương trình phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân trong cả nước, trong đó có đề cập việc ưu tiên hỗ trợ phát triển mới điện thoại có dây nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững là giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp phát triển dịch vụ điện thoại cố định.
Theo đó, giai đoạn 2011-2015, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) sẽ hỗ trợ các gia đình sử dụng dịch vụ viễn thông tại 69 huyện nghèo, các xã đảo xa bờ cùng 32 xã hiện vẫn "trắng" dịch vụ viễn thông và Internet. Chương trình này không sử dụng chỉ tiêu mật độ thuê bao điện thoại cố định/100 dân để đánh giá mức độ phát triển dịch vụ VTCI mà tính theo số hộ dùng điện thoại cố định (có dây và không dây). Đặc biệt, Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2011-2015 đã xác định rõ mục tiêu ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu phát triển để sản xuất ra các trang thiết bị, nhất là thiết bị đầu cuối phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI.
Minh Phương
Theo TTXVN
10.000 USD cho ứng dụng “tái chế thông minh” trên di động
Submitted by nlphuong on Fri, 02/09/2011 - 21:00(ICTPress) - Lis Lugo Colls, người Tây Ban Nha đã thiết kế ứng dụng "Tái chế thông minh" nhằm giúp những người sử dụng điện thoại di động định vị các thùng rác và tái chế trong khu vực của mình và nhận được những tư vấn toàn diện về tái chế.
(ICTPress) - Lis Lugo Colls, người Tây Ban Nha đã thiết kế ứng dụng này nhằm giúp những người sử dụng điện thoại di động định vị các thùng rác và tái chế trong khu vực của mình và tư vấn toàn diện về tái chế.
Ứng dụng “Tái chế thông minh” (Smart Recycling) đã giành giải quán quân của Cuộc thi thách thức ứng dụng ICT xanh (ITU Green ICT Application Challenge) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Cuộc thi toàn cầu này được ITU tổ chức và được Telefónica và Research In Motion tài trợ để tìm kiếm những ứng dụng sáng tạo giúp tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi thời tiết. Cuộc thi được phát động từ ngày 1/5 - 15/7/2011.
Lis Lugo Colls, người Tây Ban Nha đã thiết kế ứng dụng "Tái chế thông minh" nhằm giúp những người sử dụng điện thoại di động định vị các thùng rác và tái chế trong khu vực của mình và nhận được những tư vấn toàn diện về tái chế. Ứng dụng này mang lại nhiều lợi ích cho các công dân, các chương trình tái chế của chính phủ và các công ty tái chế tư nhân bằng cách tạo ra một tương lai bền vững và hiệu quả nguồn lực hơn thông qua cam kết công đồng và thiết kế kinh tế.
Ban giám khảo của cuộc thi cũng đã trao 4 giải đặc biệt cho các ứng dụng: “Mỗi người hãy sống xanh - Cung cấp những gợi ý cho từng hoàn cảnh để có một phong cách sống xanh” do Stephen Reiter và Simone Ferlin (Đức) thiết kế; “Thực hiện Xanh” của Maria Dolores Rodriguez De Azero (Tây Ban Nha); “Ứng dụng di động sử dụng phương tiện để đạt được công suất đầy đủ nhất” của Praneel Raja (Ấn Độ) và “Một hệ thống cộng đồng để giảm cấp đa dạng sinh học” của Euphraith Muthoni Masinde (Kenya).
Các ứng dụng di động này đã chạm đến được các vấn đề như nâng cao nhận thức về tác động mà các phong cách sống đã ảnh hưởng tới môi trường, giám sát tiêu thụ năng lượng và nước ở các khách sạn, thúc đẩy việc dùng chung ô tô và chia sẻ các kiến thức truyền thống và bản địa về đa dạng sinh hoạt và bảo tồn.
Lis Lugo Colls sẽ trình diễn ứng dụng của mình tại Tuần lễ Tiêu chuẩn xanh của ITU (ITU Green Standards Week) được tổ chức tại Rome, Italy từ 5 – 9/9/2011. Lis Colls cũng sẽ nhận được 10.000 USD để phát triển ứng dụng này hơn nữa.
ITU cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả những người phát triển ứng dụng vì sự yêu thích và tham gia vào cuộc thi thách thức ứng dụng lần đầu tiên này. Ban tổ chức đã nhận được tất cả là 54 ứng dụng về các chủ đề như giám sát sự biến đổi khí hậu, đo lường khí thải hiệu ứng nhà kính (GHG), thích nghi và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và cam kết cộng đồng.
Linh Hoàng
Xem thêm:
Cơ hội đến Geneva trình bày ý tưởng số
Xây dựng kho ứng dụng di động: Thị trường nhiều tiềm năng
Submitted by nadung on Thu, 01/09/2011 - 22:30Theo các doanh nghiệp, đây là "miếng bánh" béo bở siêu lợi nhuận nhưng chưa được tận dụng khai thác.
Khi điện thoại thông minh (Smartphone) ngày càng trở nên phổ biến cùng với mạng 3G phát triển mạnh, các nhà mạng, nhà sản xuất điện thoại đua nhau phát triển phần mềm nội dung số, xây dựng kho ứng dụng cho di động. Theo các doanh nghiệp (DN), đây là "miếng bánh" béo bở siêu lợi nhuận nhưng chưa được tận dụng khai thác.
Người tiêu ngày dùng càng thích sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Hải Yên |
Đua nhau xây dựng kho ứng dụng
Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc Trung tâm giải pháp di động TMA (TMA Mobile Solutions), cho biết: Số lượng người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam lớn và tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là ở các dòng điện thoại thông minh. Thêm vào đó, hai năm qua mạng 3G đã trở nên rất phổ biến. Đây là hai điều kiện rất tốt để thúc đẩy các ứng dụng trên điện thoại thông minh phát triển nhanh chóng. Các hãng điện thoại di động trong nước như Viettel, VinaPhone, MobiFone, FPT, Q-Mobile, BlueFone... đã lần lượt công bố tìm đối tác xây dựng kho ứng dụng cho người Việt.
Viettel là đơn vị tiên phong xây dựng kho ứng dụng di động Mstore. Hiện, Mstore có 900 ứng dụng thuộc các nội dung văn phòng, giải trí, tiện ích, kết nối, khuyến mãi miễn phí... Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tiện ích với 35%, giải trí 33%, còn lại là các ứng dụng khác. Cùng với Viettel, MobiFone cũng tung ra thị trường kho ứng dụng Mspace. Đây là cổng cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người sử dụng có thể tìm kiếm, lựa chọn những nội dung cơ bản như giải trí, văn phòng, giáo dục sức khỏe, kết nối bạn bè, tải các trò chơi... Giá cước dịch vụ của MobiFone thấp nhất là 3.000 đồng, ngang mức của Viettel.
Trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, FPT chính là người đi tiên phong khi tung ra kho ứng dụng F-Store cho dòng điện thoại FPT F99 vào tháng 5/2010. Hiện F-Store có khoảng 150 ứng dụng, trong đó 140 ứng dụng là trò chơi, còn lại là các ứng dụng như tin tức, lịch âm dương... Trung bình mỗi ngày F-Store có 15.000 lượt tải về. Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng Phòng quan hệ đối tác của Công ty TNHH Nội dung số FPT (FMA) cho biết: Từ nay đến cuối năm, F-Store sẽ xây dựng 1.000 ứng dụng, chạy trên hệ điều hành Android.
Đi cùng với hãng điện thoại trong nước, các hãng di động nước ngoài như Nokia, Samsung và RIM cũng không bỏ lỡ "cuộc chơi", tham gia xây dựng kho ứng dụng. Trong đó, Nokia là hãng duy nhất đầu tư quảng bá cho kho tải Ovi Store của mình tại thị trường Việt Nam. Mới đây, ngày 23/8 Nokia đã hợp tác với 2 trường Đại học, gồm ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Bách khoa TP.HCM xây dựng những trung tâm ứng dụng di động, đồng thời nhằm giúp phát triển hệ cộng sinh di động cho thị trường Việt Nam. Ông Neil Gordon – Phó Chủ tịch bộ phận bán hàng Nokia Đông Dương cho hay: Hiện phần mềm Việt Nam trên Ovi đạt mức 2 triệu lượt tải, nằm trong top những nước truy cập Ovi Store nhiều nhất thế giới.
Chỉ mới tập trung cho ứng dụng giải trí
Mặc dù thị trường nội dung số cho di động đang là mảnh đất béo bở, đầy tiềm năng, nhưng phần lớn các DN chỉ mới tập trung cho các ứng dụng giải trí, còn các ứng dụng thiết thực thì chưa nhiều, đặc biệt là ứng dụng cho doanh nghiệp. Cụ thể như FPT, đầu quý IV năm nay, F-Store sẽ cho ra phiên bản mới. Tuy nhiên, FPT chỉ đưa thêm 14 ứng dụng tiện ích mới, còn lại là ứng dụng chuyên về giải trí với 40.000 bài hát, 1.500 hình nền và 300 video giải trí.
Ông Trần Phúc Hồng thừa nhận: "Thông thường, khi xây dựng ứng dụng di động, các DN thường nhắm đến hai đối tượng là người sử dụng cá nhân và doanh nghiệp. Riêng tại Việt Nam, ứng dụng cho người sử dụng cá nhân đang chiếm số lượng áp đảo, trong khi ứng dụng cho khối doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức". Ngay cả các kho ứng dụng như Appstore của Iphone, Market của hệ điều hành Android cũng chưa tập trung phát triển các ứng dụng dành cho doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát gần đây của IBM với 2.000 chuyên gia công nghệ ở 87 quốc gia cho thấy, ứng dụng doanh nghiệp di động bán trên các kho ứng dụng trực tuyến được hãng Gartner xếp thứ 5 về doanh thu trong năm 2010, sau ứng dụng di động cho game, mua sắm, mạng xã hội và tiện ích.
Chính vì vậy, ông Dany Bolduc - Phó chủ tịch hãng RIM tại Việt Nam, cho biết, RIM tìm cơ hội hợp tác với các nhà lập trình di động địa phương để phát triển ứng dụng di động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hữu hiệu hơn. Cũng theo ông Bolduc, chi phí ứng dụng di động cho doanh nghiệp không quá lớn, một doanh nghiệp vừa hay nhỏ cũng có thể sử dụng được.
Theo RIM, các doanh nghiệp phát triển ứng dụng di động Việt Nam nếu có sản phẩm độc đáo cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường thế giới. Và trong tương lai, thị trường ứng dụng di động cho doanh nghiệp mới là mảnh đất màu mỡ đem lại giá trị gia tăng cao, thiết thực cho cộng đồng phát triển ứng dụng di động ở từng địa phương. Vấn đề còn lại là làm sao sáng tạo ra các ứng dụng chuyên sâu cho từng lĩnh vực và phù hợp với nhu cầu thực tế của từng mô hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Hải Yên
Theo Tin tức
Kinh doanh sim số đẹp đến thời phá sản
Submitted by nadung on Wed, 31/08/2011 - 12:02Kinh doanh sim số đẹp một thời là nghề hái ra tiền. Tuy nhiên, buôn bán sim số sắp hết thời, thậm chí, sẽ có những chủ kinh doanh sẽ phá sản khi nhiều sim số đẹp đang tích trữ bị "xóa".
Kinh doanh sim số đẹp một thời là nghề hái ra tiền. Tuy nhiên, buôn bán sim số sắp hết thời, thậm chí, sẽ có những chủ kinh doanh sẽ phá sản khi nhiều sim số đẹp đang tích trữ bị "xóa".
Càng lớn càng dễ phá sản
Gần hai tháng nay, giới buôn sim số điện thoại như ngồi trên đống lửa vì cơ hội kinh doanh đang bị thu hẹp, thậm chí trắng tay, mất toàn bộ vốn liếng khi kho sim số đẹp mà tích trữ được có thể sẽ bị thu hồi.
Theo quy định mới của VinaPhone và MobiFone, từ ngày 1/8, các loại sim, kit phát hành trước 0h ngày 1/8/2011 chỉ có thời hạn sử dụng tối đa đến hết ngày 31/12/2013. Các sim, bộ kit phát hành sau 0h ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng tới 24h00 ngày 31/12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành. Sau thời gian này, các số đã phát hành ra thị trường nhưng không được kích hoạt, hoặc đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước sẽ bị thu hồi.
Sự thay đổi trong chính sách quản lý lại khiến cho giới kinh doanh sim số gặp rắc rối. Thậm chí, càng kinh doanh lớn, thu gom nhiều sim số càng có nguy cơ thiệt hại lớn.
Theo lý giải chung của các đại lý, từ trước đến nay, việc buôn đi, bán lại các số di động giữa các đại lý và nhất là việc lựa chọn, thu gom các sim số đẹp để bán kiếm lãi là chuyện diễn ra từ lâu trên thị trường sim số. Từ trước đến nay, các sim số phát hành, bán đứt cho các đại lý đều không quy định thời hạn lưu hành nên các đại lý mua số đều yên tâm "đầu tư" để "ăn dần". Thế nhưng, với quy định mới này thì hàng ngàn mà các đại lý đã mua và nắm giữ có bị "xóa" khi đến hạn nếu không bán kịp. Thậm chí, những sim số đẹp có giá cả trăm triệu cũng có thể bị thu trắng.
Trước tình thế này, chủ một đại lý sim ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trong kho và đại lý của anh hiện có khoảng 3000 ngàn sim mua từ trước và không quy định thời hạn. Với giá 65 ngàn đồng/sim - kit thì số tiền tồn trữ trong đó cũng lên đến 130 triệu đồng. Trong số đó, có hàng trăm số đẹp có giá trên thị trường, là khoản lãi chính của các đại lý được tích trữ từ nhiều năm qua và ngày càng có giá, các đại lý sẽ để dành bán dần.
Tuy nhiên, với quy định mới thì buộc phải bán tháo sớm với giá rẻ, nếu không sẽ mất trắng khi đến hạn theo quy định. Việc tích trữ và kinh doanh sim không trái với các quy định trước đây, nay quy định hạn lưu hành 2 năm và thực hiện khá đột ngột sẽ gây ra nhiều khó khăn.
Kinh doanh sim số đẹp sẽ không còn dễ làm ăn nữa. |
Trong khi đó, một đại lý khác ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, các đại lý thường thu gom và lựa chọn sim số đẹp qua 3 cách sau: mua thẳng từ nhà mạng với số lượng lớn; mua gom lại trên thị trường từ các đại lý khác nhau và mua lại từ những người đang dùng. Trừ cách cuối là sim số đã được kích hoạt, hai cách đầu, địa lý đều trực tiếp thanh toán với nhà mạng và cấp sim số chưa kích hoạt.Chủ đại lý cho biết, khi mua sim, đại lý đều phải thanh toán tiền ngay với nhà mạng. Nếu có 10.000 sim với giá 50.000 đồng thì phải đầu tư 500 triệu đồng. Trong số đó, chỉ có khoảng 200 - 300 số đẹp được tích trữ bán dần. Còn lại hơn 9.000 sim sẽ phải bán ngang giá, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc thu tiền không thể nhanh đươc vì phải chờ cửa hàng nhỏ bán lẻ trả tiền dần. Tiền lãi trông chờ vào các số đẹp kia.
Nếu theo quy định mới thì đại lý sẽ khó nhiều đường. Các sim phân phối cho đại lý chưa bán hết đã bị thu hồi, sim số đẹp nếu không bán được cũng bị thu hồi, hoặc phải tìm cách bán tháo. Trong thời điểm thị trường đang bão hòa , việc bán được sim số, đặc biệt là sim số giá trị lớn càng không dễ, nguy cơ thiệt hại là thấy rõ. Các đại lý cũng đang rất lúng túng vì ngoài thông báo thu hồi, chưa có những biện pháp xử lý nào đi kèm.
Một đại lý cho biết, đại lý đầu tư nhiều và nắm giữ số vì các quy định trước đây không giới hạn thời gian. Khi mua sim, thì đã trả tiền đầy đủ nên dù chưa kích hoạt thì đây vẫn có thế coi là "tài sản" đã được mua bán nay thay đổi chính sách chẳng lẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra mua.
Chủ một đại lý khác cho biết, đành rằng, có sự thay đổi về quy định của nhà nước, các nhà mạng có lý khi thực hiện các quy định mới nhưng cần phải xem xét để đảm bảo quyền lợi cho các đại lý và các cánh tay nối dài của nhà mạng bởi quy định mới có hiệu lực từ 1/8 nhưng áp dụng cho cả các sim số phát hành trước đó, nhưng lại không đề cập đến việc xử lý tiếp theo.
Chấm dứt số ảo, số đẹp?
Động thái của các nhà mạng di động là điều dễ hiểu. Đây là bước tiếp theo trong việc thực hiện các quy định mới về quản lý tài nguyên số, thực hiện tiết kiệm, không lãng phí kho số cho các mạnh viễn thông và quản lý sim số một cách hiệu quả hơn. Việc này càng có ý nghĩa hơn khi thời gian gần đây các nhà mạng luôn cháy kho số và đề xuất cấp đầu số mới trong khi đó lại phải đối phó với một lượng sim số ảo ngày càng nhiều, tốn chi phí duy trì.
Với mục đích đó, về cơ bản ý nghĩa có quy định được sự ủng hộ của nhà quản lý và các chuyên gia. Tuy nhiên, phát sinh từ quyết định này là các đại lý đã mua sim từ trước nay có thể bị thiệt hại.
Theo các đại lý, với quy định này, chắc chắn nghề buôn bán sim số sẽ co hẹp, các đại lý sẽ không dám nhập nhiều sim về bán, và không ai dám kích hoạt sim để bán vì như thế sẽ rất tốn kém và mạo hiểm. Về dài hạn, có thể sẽ hạn chế nhất định được sim số ảo nhưng chấm dứt sim số ảo không thể trông chờ mỗi biện pháp này.
Theo các đại lý, sim của các đại lý đang cầm giữ thuộc quy định mới là sim chưa kích hoạt. Vì thế, so với quan điểm sim số ảo là sim đã kích hoạt, nhưng gọi hết tiền, thì việc sim số bị khóa hai chiều mà chưa thu hồi khiến nhà mạng tốn chi phí duy trì. Trong khi sim số này vẫn còn nguyên, và về cơ bản dù đã bán và giao cho đại lý nhưng vẫn nằm trong "kho" và thuộc quản lý của nhà mạng nên khó có thể coi là "rác" và "ảo", hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì và sử dụng.
Trong khi đó, các sim số "ảo", vốn là hậu quả của một thời kỳ dài chạy đua khuyến mãi, tăng thuê bao ồ ạt mà không tính đến cách chính sách cam kết, đã được kích hoạt nhưng không hoạt động và phát sinh cước lại không nằm trong quy định này.
Với các quy định hiện nay, các đại lý nếu muốn vẫn có thể lách để duy trì các số mong muốn khi kích hoạt, rồi duy trì số để kinh doanh. Đây là việc khá tốn kém nhưng với một số lượng nhỏ các sim số đẹp thì các đại lý vẫn có thể làm.
Sau thời kỳ dễ dãi và ồ ạt tăng thuê bao bằng nhiều cách, ưu ái với các đại lý để phát triển bán hàng, đến nay, các nhà mạng đã vào thời kỳ ổn định, việc phát triển thuê bao cũng "kịch trần" nên buộc phải tìm cách quản lý hiệu quả nhất trong đó có việc hạn chế sim số ảo, quản lý tốt kho số. Thực chất, dù việc mở rộng thuê bao không còn khả thi và ưu tiên, thì các đại lý cũng không còn được ưu ái nữa.
Kinh doanh sim số sẽ không còn là nghề dễ làm ăn nữa. Trước mắt, quy định này có thể sẽ khiến hàng loạt cửa hàng, đại lý đóng cửa, nhiều đại lý có nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng vì sim lưu trong kho chưa hề bóc ra khỏi bộ kit nhưng vẫn hết hạn và bị thu hồi. Còn về lâu dài, muốn kinh doanh sim số chắc hẳn sẽ cần nhiều điều kiện và sẽ kém hấp dẫn hơn.
Hoàng Sơn
(Theo VietNamNet)
HP - Con tàu mất phương hướng?
Submitted by nadung on Tue, 30/08/2011 - 10:01Người ta nói, Hewlett-Packard (HP) đã chọn sai vị "thuyền trưởng" và con tàu này đang mất phương hướng, tự hủy hoại mình để trở về cái ga-ra ô tô cũ kỹ, nơi họ đã khởi đầu cách đây 72 năm.
Người ta nói, Hewlett-Packard (HP) đã chọn sai vị "thuyền trưởng" và con tàu này đang mất phương hướng, tự hủy hoại mình để trở về cái ga-ra ô tô cũ kỹ, nơi họ đã khởi đầu cách đây 72 năm.
"Bỏ phố, lên rừng"
HP đang mất phương hướng và trở về cái ga-ra ô tô cũ kỹ |
Có vẻ chưa chính xác lắm nhưng việc tuyên bố từ bỏ toàn bộ mảng sản xuất máy tính, tháo chạy khỏi thị trường di động của HP đang được nhiều người cho rằng đó là hành động "bỏ phố lên rừng". Ra đời trong một chiếc gara ô tô cũ kỹ từ năm 1939, và phải tới 20 năm sau ngành công nghiệp bán dẫn thế giới mới ra đời. Sau suốt 72 năm đó, HP đã trở thành kẻ thống trị toàn bộ thị trường máy tính thế giới hay cao hơn nữa, HP đã được cả giới công nghệ của thung lũng Silicon coi đó là biểu tượng của sự phát triển bền vững và ổn định bất chấp sức cạnh tranh không ngừng nghỉ của các đối thủ.
Nhưng kể từ khi ông Léo Apotheker trở thành CEO hồi năm ngoái, HP lại đang đi theo con đường ngược lại. Ông Apotheker tuyên bố hạ thấp mức doanh số kỳ vọng trong 3 quý liên tiếp. Hồi tháng 3 năm nay, ông lấp lửng ý định khai tử các dòng thiết bị chạy webOS, hệ điều hành di động mà HP có được nhờ thương vụ thâu tóm hãng Palm hồi đầu năm 2010. Ngày 18/8, Apotheker thông báo HP sẽ "giải tán" mảng máy tính (PC) trị giá tới 41 tỷ USD của mình đồng thời bán tống, bán tháo toàn bộ các dòng smartphone, máy tính bảng... Nói một cách đơn giản nhất là HP sẽ rút lui khỏi thị trường hàng điện tử tiêu dùng để tập trung vào mảng sản phẩm phần mềm. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của HP giảm 20% trước những thông tin này còn ông Apotheker vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vô số câu hỏi chất vấn của các nhà đầu tư và những nhà phân tích thị trường.
Có thể, lý do mà HP quyết định rút lui là vì họ nhìn thấy một viễn cảnh không mấy sáng sủa của thị trường này khi doanh số máy tính ngày càng sụt giảm còn trên thị trường di động, không còn "cửa" cho những đối thủ cạnh tranh khác trước sự lớn mạnh của Apple và Google.
Theo những phát biểu ít ỏi của ông Apotheker, HP sẽ không ôm đồm như trước mà thay vào đó là dành toàn bộ năng lực của mình cho mảng phần mềm. Năm ngoái, doanh thu của mảng này là 3,6 tỷ USD, chiếm gần 3% tổng doanh thu của cả hãng nhưng đó cũng chỉ là một giọt nước bé nhỏ nếu so với hơn 41 tỷ của mảng máy tính.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, "con tàu" HP đã bị trao vào nhầm tay của một thuyền trưởng. Với 20 năm kinh nghiệm làm việc tại SAP (hãng phần mềm Đức), ông Apotheker chỉ thành thạo một lĩnh vực duy nhất là phần mềm và đó chính là lý do vì sao ông này muốn HP trở thành một hãng phần mềm để ông có thể phát huy sở trường và kinh nghiệm của mình.
Đụng đầu vào đá tảng
Nhưng việc HP sẽ đi về đâu vẫn là một câu hỏi mở. Nếu từ bỏ thị trường phần cứng và điện tử tiêu dùng để sang phần mềm thì ban lãnh đạo HP không thể không biết rằng họ chỉ là một "chú bé" trước những tên tuổi như IBM, Oracle hay Microsoft.
Để củng cố hướng đi này của mình, HP đã mua lại Autonomy, hãng phần mềm Anh với giá 10,3 tỷ USD và doanh thu hàng năm vào khoảng 1 tỷ USD. Hồi tháng 2/2011, HP thâu tóm hãng phân tích dữ liệu Vertica. Nhưng ít người biết rằng, trong những năm vừa qua đối thủ của họ là IBM đã chi tới 14 tỷ USD để thâu tóm tới 25 hãng phân tích dữ liệu khác nhau. Với 13 tỷ USD tiền mặt trong két, HP sẽ cần phải tăng tốc mạnh mẽ hơn trên thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nhưng có điều những "con mồi ngon nhất" như VMware và SAP lại nằm ngoài tầm với của họ.
Điểm tựa duy nhất còn lại của HP chỉ là mảng In ấn và hình ảnh (sản xuất và tiêu thụ máy in, mực in).
Trong 12 năm qua, các nhân viên của HP đã được làm việc với 3 đời CEO khác nhau và bây giờ, 300.000 người này đang đứng trước một thử thách rất lớn: Gây dựng lại HP từ chiếc gara ô tô cũ kỹ.
Bao giờ thì thế giới công nghệ được chào đón "gã khổng lồ phần mềm HP"?
Trần Du Phong
(Theo ICTNews/NYT, BusinessWeek)
Supercookie: hiểm họa mới theo dõi người dùng Internet
Submitted by nadung on Mon, 29/08/2011 - 15:00MSN và Hulu âm thầm cài đặt lên máy tính người dùng những file "supercookie" có khả năng tái tạo toàn bộ hồ sơ hoạt động của người dùng, ngay cả khi họ đã... tự tay xóa bỏ cookie thông thường.
Một loại "siêu cookie" (supercookie) đã luôn theo dõi thói quen lướt web của người dùng Internet theo cách thức tinh vi và khó bị phát hiện hơn loại cookie truyền thống.
Supercookie là gì?
Cách thức này vẫn được xem là hợp pháp vào thời điểm hiện tại, và chúng đã vượt xa khái niệm "cookie"(*) mà chúng ta vẫn quen thuộc. Cụ thể hơn, MSN và Hulu đã và đang âm thầm cài đặt lên máy tính người dùng những file "supercookie" (tạm dịch: siêu cookie), có khả năng tái tạo toàn bộ hồ sơ hoạt động của người dùng, ngay cả khi họ đã... tự tay xóa bỏ cookie thông thường. Đây là những gì mà các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Stanford và Đại học California vừa phát hiện.
Nhiều trang web do Microsoft sở hữu, trong đó có MSN.com và Microsoft.com, đã sử dụng supercookie để "do thám" người dùng.
Supercookie được trang web "để lại" ở những vị trí khác với cookie thông thường trên máy tính người dùng, chẳng hạn như ở trong phần "cache" (bộ nhớ đệm) của các trang web vừa ghé thăm trước đó. Vì thế, kể cả những người dùng có kiến thức về bảo mật cũng sẽ gặp khó khăn trong việc "tìm và diệt" những supercookie này.
Ảnh minh họa: Wall Street Journal - Việt hóa: Trí Vương |
Các chủ trang web và các hãng quảng cáo luôn hứng chịu luồng chỉ trích mạnh mẽ cho việc lén lút thu thập và bán lại dữ liệu cá nhân của người lướt web. Vấn đề này thậm chí đã được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ trong năm nay.
Đại diện Microsoft và Hulu nói gì?
Ngay sau khi báo cáo được công bố, tất cả công ty đang sử dụng supercookie đã lên tiếng rằng trò "theo dõi người dùng" là... vô tình, và họ đã "dừng ngay sau khi biết về nghiên cứu trên".
Mike Hintze, phó trưởng ban pháp lý của MSN, cho biết vụ việc về supercookie là "đi ngược lại tôn chỉ và chính sách kinh doanh của công ty". Ông cũng trấn an đoạn mã chứa loại "siêu cookie" được chế tạo bởi chính... Microsoft đã bị loại bỏ khỏi hệ thống trang MSN.
Đối với Hulu, dịch vụ truyền hình trực tuyến này đã đăng tải một thông báo cho biết họ đã "hành động ngay lập tức để điều tra về vụ việc", đồng thời không bình luận gì thêm.
Tình trạng đáng lo ngại
Sự lan rộng của một loạt công nghệ tiên tiến có mục đích duy nhất là theo dõi người dùng Internet cho thấy mức độ "thần tốc" trong việc tự cải tiến công nghệ của các công ty theo dõi dữ liệu (data tracking). Chỉ mới năm ngoái, khi tờ Wall Street Journal tiến hành cuộc kiểm tra các công cụ theo dõi trên các trang web lớn, supercookie vẫn chưa "xuất đầu lộ diện".
Nhà nghiên cứu Jonathan Mayer, thuộc Đại học Stanford, đã giám định thứ được biết đến dưới danh nghĩa một dịch vụ theo dõi chuyên "ăn cắp lịch sử lướt web" (history stealing) trên trang Flixster.com, dịch vụ mạng xã hội dành cho người hâm mộ điện ảnh vừa được Hãng Time Warner thâu tóm, và trang Charter.net.
Cụ thể, Flixster.com đã "đào sâu" vào lịch sử lướt web của người dùng để xem liệu họ đã ghé thăm đủ ít nhất là 1.500 trang web hay chưa, bất kể nội dung "thượng vàng hạ cám", từ sức khỏe như bệnh béo phì, giai đoạn mãn kinh cho đến dịch vụ phục hồi thẻ tín dụng bị mất... Tóm lại, theo các nhà nghiên cứu, trò "ăn cắp lịch sử lướt web" (history stealing) đã xuất hiện được vài năm và ngày càng lan rộng hơn.
Việc thu thập thông tin về lịch sử lướt web có khả năng mang lại những dữ kiện rất giá trị về các dữ liệu riêng tư như sở thích, những mối lo ngại hoặc thông tin tài chính của người khác. Việc Washington chậm trễ trong việc ban hành bộ luật về bảo mật sự riêng tư trực tuyến đã thúc đẩy công nghiệp quảng cáo trực tuyến tự thiết lập những quy định của riêng ngành này.
Theo đó, việc thu thập dữ liệu tài chính và sức khỏe của từng cá nhân sử dụng Internet được xem là hợp lệ chừng nào những dữ liệu trên không bao gồm số tài khoản ngân hàng, đơn thuốc hoặc hồ sơ bệnh án. Nhưng việc lạm dụng history stealing hay supercookies đã chính thức phạm vào "giới luật" trên.
Ông Mayer cũng tìm thấy sự hiện diện của supercookie trong mạng lưới quảng cáo của Microsoft, vốn sắp xếp các mẩu quảng cáo từ các công ty khác trên Internet. Và kết quả là người dùng vẫn có thể bị "dính" supercookie mà không cần phải ghé thăm trực tiếp vào trang web của Microsoft. Thậm chí ngay cả sau khi họ đã xóa những cookie thông thường, các thông tin sử dụng Internet của họ rất có thể đã lọt vào tay... Steve Ballmer.
(*): Cookie được xem là những tin nhắn đơn giản được máy chủ, đang quản lý một website, chủ động gửi đến trình duyệt web đang dùng để lướt trang web đó, nhằm mục đích theo dõi các hoạt động của người đang xem website. Khi tắt trình duyệt thì cookie vẫn còn lưu trữ trong máy và vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở các lần ghé thăm sau. Dựa vào các thông tin mà cookie gửi về, chủ nhân trang web có thể biết được khách lướt web đang quan tâm về những vấn đề gì để sau đó tung quảng cáo phù hợp để bán sản phẩm. |
Theo Thúy Quỳnh (TTO)
Sử dụng Internet trên máy bay: Trong tầm tay
Submitted by nadung on Mon, 29/08/2011 - 10:12Hãng cung cấp dịch vụ Internet trên máy bay Gogo cho biết, hiện nay đã có ít nhất 1.200 máy bay thương mại tại Mỹ có dịch vụ wifi.
Trước đây, khi đi máy bay coi như là "ngoài vùng phủ sóng". Với sự xuất hiện của dịch vụ Internet trên máy bay, hành khách có thể yên tâm khi bay những chặng dài mà vẫn liên lạc, điều hành được công việc. Dịch vụ này đang được nhiều hãng hàng không trên thế giới quan tâm, ứng dụng.
Kết nối qua anten mặt đất
Mỹ là nước đi tiên phong trong ứng dụng Internet trên máy bay. Dịch vụ này xuất hiện khá phổ biến trong các chuyến bay nội địa còn những chuyến bay quốc tế thì chưa có. Điều này thực sự gây phiền toái cho những hành khách mà công việc của họ thường xuyên cần đến sự kết nối.
"Internet trên máy bay làm cho quãng thời gian của tôi trên không trung như ở trong phòng làm việc vậy" - Ramsey Qublein, doanh nhân tại North Carolina, người đi máy bay hơn 300.000 dặm mỗi năm chia sẻ. "Khi tôi đi máy bay ra nước ngoài, điều gây khó chịu cho tôi là không nhận được email. Khi máy bay hạ cánh tôi không thoải mái vì phải xử lý quá nhiều email".
Dịch vụ truy cập Internet trên máy bay của Gogo thông qua hệ thống anten mặt đất đang được ứng dụng tại Mỹ và Nam Alaska |
Gogo là hãng cung cấp dịch vụ Internet trên máy bay. Hãng này đã lắp đặt một hệ thống anten wifi mặt đất trên khắp địa phận Mỹ và Nam Alaska từ năm 2006. Khi ra mắt năm 2008, dịch vụ này đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, những chuyến bay phải đi qua biển hoặc những nơi chưa lắp anten wifi thì không kết nối được. Ông Jon Cobin, Phó Chủ tịch Gogo cho biết, hiện nay đã có ít nhất 1.200 máy bay thương mại tại Mỹ có dịch vụ wifi.
Truy cập Internet vệ tinh
Dù chỉ mới ở giai đoạn triển khai nhưng hệ thống truy cập Internet qua vệ tinh trên máy bay đang được sự chú ý của nhiều hãng hàng không lớn. Các hãng cung cấp dịch vụ này nhận định Internet vệ tinh sẽ ứng dụng rộng rãi vào năm 2013.
Hãng hàng không Lufthansa (Đức) mới đây đã triển khai dịch vụ Flynet cho 25/102 máy bay đường dài chủ yếu là các máy bay Airbus A330, A340-300 và A340-600 khai thác tuyến đến Mỹ và Canada. Phát ngôn viên Martin Reicken của Lufthansa cho biết, khi vùng phủ sóng mở rộng đến châu Á, châu Phi và Trung Đông thì Flynet sẽ sớm được cung cấp trên toàn bộ các chuyến bay đường dài của Lufthansa.
Lufthansa sử dụng dịch vụ Flynet cho 25/102 máy bay đường dài |
Trả lời trên tờ Australian Business Traveller, ông John Borghetti, chủ tịch HĐQT hãng hàng không Virgin Australia tuyên bố: "Hiện nay chúng tôi chưa cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Australia, nhưng 2 đến 3 năm nữa máy bay của chúng tôi sẽ có dịch vụ này". OnAir là một trong những hãng cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh.
Phát ngôn viên của hãng này, bà Aurelie Branchereau cho biết, nhiều hãng hàng không như Egyptair, Oman Air, Saudi Arabian Airlines và Emirates đang sử dụng mạng Internet OnAir. Các hãng khác như: TAM, Singapore Airlines và Hong Kong Airlines cũng sẽ sử dụng dịch vụ này trong tương lai gần.
11 máy bay của hãng hàng không Na Uy - Norwegian Air Shuttle đang sử dụng Internet qua vệ tinh và đến cuối năm sẽ có 21 chiếc kết nối dịch vụ Internet vệ tinh của hãng Row 44 có trụ sở tại Mỹ. Đây cũng là hãng cung cấp dịch vụ cho 75 máy bay trong 550 chiếc của hãng hàng không Southwest Airline tại Mỹ.
Các hãng hàng không Mỹ như: Delta, AirTran và Virgin America hiện đang sử dụng hệ thống Gogo mặt đất trên tất cả các chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, trước sự phát triển của Internet vệ tinh trên máy bay, các hãng này sẽ phải lắp đặt hệ thống mới cho những chuyến bay quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh.
(Theo GTVT/BBC)
Hội chứng suy nhược do Facebook
Submitted by nadung on Mon, 29/08/2011 - 09:43"Trẻ đang đứng trước nguy cơ mắc nhiều dạng khủng hoảng tâm lý nguy hiểm do tiếp xúc với mạng xã hội."
Các bác sĩ và chuyên gia tâm thần học tại nhiều bệnh viện trên thế giới đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lạm dụng mạng xã hội facebook trong giới trẻ, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên đang gây ra vấn đề đáng báo động, làm gia tăng các trường hợp mắc chứng suy nhược và stress trong giới trẻ.
Trẻ đang đứng trước nguy cơ mắc nhiều dạng khủng hoảng tâm lý nguy hiểm do tiếp xúc với mạng xã hội (Ảnh minh họa - nguồn: Getty) |
Theo các nghiên cứu mới đây của các chuyên gia tâm lý học thuộc Trường đại học Boston - Mỹ, sự phát triển của mạng xã hội đang thu hút ngày càng đông đảo số người sử dụng là giới trẻ. Rất nhiều các dạng khủng hoảng khác thường có liên quan đến việc sử dụng các trang mạng trực tuyến đã được phát hiện. Ngoài các dạng bệnh liên quan đến tâm lý như: tự kỷ, các dạng bệnh liên quan đến suy giảm thể chất, suy giảm miễn dịch cũng đang gia tăng.
Theo Giáo sư Gwenn O'keeffe, chuyên gia tâm lý học, đồng thời là người đứng đầu Viện Nghiên cứu ảnh hưởng của phương tiện thông tin đại chúng đến tâm lý người cho biết, trẻ đang đứng trước nguy cơ mắc nhiều dạng khủng hoảng tâm lý nguy hiểm do tiếp xúc với mạng xã hội.
Ban đầu với việc gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người trên mạng, chia sẻ thông tin, tâm sự có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái. Song khi lạm dụng sự giao tiếp qua mạng xã hội, trẻ sẽ dần bị rơi vào trạng thái ảo của cuộc sống trên mạng. Điều này có thể khiến trẻ bị tổn thương khi tiếp xúc với cuộc sống thực tế ngoài trường học, ngoài xã hội, thậm chí có thể dẫn tới suy sụp.
Việc online không thể giúp đứa trẻ biết được cách mọi người thể hiện cảm xúc gương mặt của họ, cũng như các ngôn ngữ cơ thể khác bên ngoài nội dung được viết thành chữ trên màn hình máy tính.
Abby Abolt, một học sinh 16 tuổi đang học tại Trường đại học Chicago là một nạn nhân tiêu biểu cho sự ảnh hưởng của facebook. Cô bé đam mê kết bạn trên facebook này không chỉ bị mắc chứng suy nhược mà còn mắc chứng khó kết bạn. Bản thân Abolt cũng gặp rắc rối trong các mối quan hệ gia đình và bạn bè.
Tiến sĩ Megan Mereno - chuyên gia nghiên cứu về tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ tại Trường Đại học Wisconsin, Mỹ cho biết, lạm dụng mạng xã hội có thể khiến gia tăng tâm lý ngại giao tiếp thực tế, khiến cho trẻ sống khép mình và mặt trái của việc kéo dài tình trạng này là dẫn tới suy nhược.
(Theo ANTG/Daily Mail)
Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu ICT Index
Submitted by nadung on Sat, 27/08/2011 - 23:35Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT Index). TP.HCM tiếp tục xếp ở vị trí thứ 2, trong khi Bắc Ninh tiến thêm 24 bậc, xếp thứ 3.
Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT Index). TP.HCM tiếp tục xếp ở vị trí thứ 2, trong khi Bắc Ninh tiến thêm 24 bậc, xếp thứ 3.
Công viên phần mềm Đà Nẵng - Khu CNTT tập trung đầu tiên của khu vực miền Trung và là thứ hai của cả nước. |
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, tại Hội thảo hợp tác phát triển diễn ra vào sáng 26/8 tại Tiền Giang, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam đã công bố báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá chỉ số ICT Index cho khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Dẫn đầu bảng khối các tỉnh, thành phố, Đà Nẵng có chỉ số ở các lĩnh vực như sau: hạ tầng kỹ thuật: 0,82; ứng dụng: 0,94; hạ tầng nhân lực: 0,8; sản xuất kinh doanh: 0,41; môi trường tổ chức – chính sách: 1.
Tính chung các chỉ số, Đà Nẵng đạt 0,7547. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu và là lần thứ 6 liên tiếp có mặt trong top 5 về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT trong khối các tỉnh, thành Trung ương.
Trong đó, về xếp hạng theo các lĩnh vực, Đà Nẵng dẫn đầu về xếp hạng hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng. Ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Đà Nẵng đứng thứ 2 sau Bắc Ninh. Ở mảng hạ tầng nhân lực và môi trường tổ chức – chính sách, Đà Nẵng xếp vị thứ 3.
Bắc Ninh tiến bộ nhảy vọt
Trên bảng xếp hạng chung, tiếp sau Đà Nẵng là TPHCM với 0,6739 điểm, 3 năm liền xếp ở vị trí thứ 2. Bắc Ninh nhảy vọt 24 bậc từ vị trí 27 năm 2010 nỗ lực vươn lên vị trí thứ 3 vào năm 2011 với số điểm 0,6571.
Nằm trong top 5 còn có Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Hà Nội xếp từng vị thứ 3 năm 2010 đã “rớt hạng” 4 bậc năm 2011. Bắc Kạn cũng “lội ngược dòng” từ vị trí 40 lên 29, tăng 11 bậc.
Không cải thiện nhiều về điểm số, Hà Giang thay vị trí cuối bảng của Cao Bằng năm ngoái. Nằm trong top 5 các tỉnh thành có ứng dụng CNTT ở mức thấp còn có Đắk Nông, Sơn La, Điện Biên và Cao Bằng.
Các đánh giá về ICT Index năm nay dựa trên 35 chỉ tiêu, tăng 2 chỉ tiêu so với năm ngoài, bao gồm tỷ lệ cán bộ, công nhân viên chức được được tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng và tỷ lệ máy tính trong các cơ quan nhà nước của tỉnh/thành có kết nối với mạng chuyên dùng của tỉnh/thành phố hoặc của Chính phủ (CPNet).
Năm 2011 là năm thứ 6 liên tiếp Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT thực hiện việc thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và đưa ra Báo cáo về về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam.
Theo Hồng Hạnh (Chinhphu.vn)