Toàn văn bức thư đạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 46
(ICTPress) - Em Nguyễn Đỗ Huyền Vi, học sinh lớp 8/9 trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã đạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 46.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 (năm 2017) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức với đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?” (Tiếng Anh: “Imagine you are an advisor to the new UN Secretary-General; which world issue would you help him tackle first and how would you advise him to solve it?”.
Em Nguyễn Đỗ Huyền Vi tại Lễ trao giải cuộc thi viết thư UPU 46 |
Dưới đây trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư đạt giải Nhất.
Ngày 1 tháng 1 năm 2017
Kính gửi ông Antonio Guterres!
Hôm nay ông chính thức trở thành Tổng thư ký thứ 9 của Liên hợp quốc. Cháu gửi đến ông lời chúc mừng sâu sắc nhất và chúc ông giải quyết được nhiều vấn đề nan giải cho thế giới trong nhiệm kỳ của mình.
Tuy mới là học sinh lớp 8 nhưng cháu rất quan tâm đến những vấn đề chính trị của đất nước và thế giới. Ông Ban-Ki-moon nói rằng ông chính là “sự lựa chọn tốt thế giới, cho Liên hợp quốc”. Cháu vô cùng ngưỡng mộ ông!
Thưa ông! Ông nhậm chức trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, xung đột đẫm máu, khủng bố hoành hành, biến đổi khí hậu, sự thay đổi vai trò của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump… nên cháu rất ủng hộ khi ông tuyên bố: “Đã tới lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình”.
Trước đó, trên cương vị người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông được mệnh danh là “người bảo trợ không mệt mỏi cho người tị nạn”. Cháu biết nỗ lực của ông rất lớn, nhưng đây là bài toán khó của toàn cầu. Tại sao bà Merkel, Thủ tướng Đức mở cửa biên giới đón người tị nạn, lại bị lên án vì tạo ra những thách thức an ninh; hay ông Obama nhận 10.000 người tị nạn, cũng bị chỉ trích vì kẻ khủng bố sẽ trà trộn vào? Trái lại, ngôi làng giàu nhất châu Âu - làng Obewil Lieli (Thụy Sĩ) chấp nhận nộp phạt 30.000 USD thay vì nhận 10 người tị nạn Syria, cũng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc; hay ông Donald Trump ban lệnh cấm nhập cư với người tị nạn Syria và 6 nước khác, lại cũng bị phản đối gay gắt? Mỗi người đều có lý riêng, nhưng chẳng lẽ hễ ai không có nhà đều mất quyền được chở che? Chẳng lẽ mầm sống sắp héo khô lại không cần những giọt nước mát? Cháu không nghĩ ông hay bất cứ ai có lương tri trên trái đất lại ngồi yên chấp nhận điều đó! Nhưng cháu cũng nghĩ dù ông và Liên hợp quốc có nỗ lực chừng nào cũng không thể giải quyết bài toán tị nạn theo hướng cũ từ trước đến nay.
Bởi vậy cháu xin được làm cố vấn cho ông, đưa ra một ý tưởng vừa giải quyết bài toán tị nạn, vừa rất nhân văn. Xin ông dành ít phút lắng nghe cháu ông nhé!
Ý tưởng của cháu xuất phát từ việc tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris mua đảo tặng người tị nạn. Chính bức ảnh cậu bé Aylan 3 tuổi nằm úp mặt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã thức tỉnh ông ta. Ông đặt tên đảo là Aylan, xây nhà cửa, trường học, bệnh viện, cung cấp thức ăn, điện nước tạo công việc cho họ. Ý tưởng này đã được cơ quan UNHCR đồng tình và hợp tác tiến hành. Mặc dù còn nhiều rào cản, nhưng cháu tin rằng, nếu quyết tâm, chúng ta có thể biến dự án này thành hiện thực. Với cách này, các bên tham gia đều có lợi.
Bên thứ nhất, hàng triệu người tị nạn sẽ nhận được sự sống, sự bình yên. Và khi điều kiện sống ở đất nước họ tốt hơn, họ có thể trở về quê hương mình bất cứ lúc nào.
Bên thứ hai, châu Âu và Mĩ sẽ không phải đau đầu và tranh cãi về người tị nạn, không nhận thì vô nhân đạo, nhận thì rắc rối về an ninh.
Bên thứ ba, người mua đảo cho người tị nạn sẽ được lưu danh hậu thế. Cháu đồng quan điểm với ông Sawris rằng, ai góp vốn mua đảo đều hưởng lợi vì họ sẽ được nhận cổ phần, trở thành một đối tác trong dự án này. Sau khi hòn đảo đã hoàn thiện như một thành phố xinh đẹp, lợi nhuận từ kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch quả là rất lớn cho người đầu tư về lâu dài.
Bên thứ tư, quốc gia bán đảo thu được khoản lợi không nhỏ. Nếu họ ngần ngại khi phải tiếp nhận một đảo người tị nạn vào quốc gia mình thì có thể bán đứt và hòn đảo lập thành quốc gia riêng có quyền tự trị độc lập.
Ông thấy ý tưởng của cháu thế nào? Ông cứ viết thư cho cháu, mình sẽ trao đổi thêm cho thấu đáo ông nhé!
Và việc cuối cùng của chúng ta là tìm những tỉ phú có tiềm năng, kêu gọi họ bắt tay với Liên hợp quốc đầu tư vào dự án nhân đạo này.
Thưa ông, ông Sawris xếp vị trí 557/1810 tỷ phú thế giới, mà ông ấy đã tự tin mua đảo tặng người tị nạn, nên cháu tin sẽ tìm được 5 người đồng thuận với dự án này, thế là đủ cho số người tị nạn của thế giới. Những tỉ phú khác có thể góp vốn cổ phần. Cháu tư vấn giúp ông 5 tỷ phú này nhé: ông Bill Gates, CEO Microsoft; ông Warren Buffett, CEO hãng Berkshire Hathaway; ông Mark Zukerberg, CEO Facebook; ông Jeff Bezos, CEO Amazon, anh em Koch, CEO tập đoàn công nghiệp Koch Industries.
Họ có điểm chung là cam kết dành 99% tài sản cho hoạt động từ thiện. Cháu sẽ giúp ông viết thư cho các tỉ phú này. Cháu tin họ đều hào hứng với dự án của ông cháu mình; từ đó, sẽ mang lại thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người, giải quyết được bài toán cho Liên hợp quốc, châu Âu và Mỹ.
Cháu xin kết thúc bức thư của mình bằng lời cô bé 7 tuổi ở Syria, Bana Al-Abed: “Ông Trump kính mến, cấm người tị nạn là rất tệ! Nếu điều đó là đúng, cháu có ý tưởng này cho ông: Hãy làm cho các quốc gia khác hòa bình”. Chúng ta yêu hoa bình, đang hành động vì hòa bình, để không còn người tị nạn rời bỏ quê hương phải không ông?
Cố vấn nhỏ tuổi của ông!