Cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp Ngô Tất Tố

(ICTPress) - Tiếp theo hai cuốn sách lớn: Tổng thư mục Ngô Tất Tố (xuất bản năm 2011) và Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố (xuất bản năm 2012), nhân kỷ niệm 120 năm năm sinh của Ngô Tất Tố, Nhà xuất Thông tin Truyền thông xuất bản cuốn sách Chân dung Ngô Tất Tố.

Cuốn sách hệ thống lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Tất Tố, vẽ nên một bức tranh toàn diện và sinh động nhất về chân dung một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lớn qua danh mục các tác phẩm đã công bố, đã được đăng báo, in thành sách trong ba phần tư thế kỷ vừa qua cùng những tư liệu quý giá mới được phát hiện của Nhóm Nghiên cứu và Biên soạn. Đồng thời, Nhóm Nghiên cứu và Biên soạn cũng đính chính lại những thông tin chưa chính xác về nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố. Những điều đính chính trên sẽ giúp mọi người có những thông tin chính xác, đáng tin cậy hơn khi tìm hiểu, nghiên cứu về Ngô Tất Tố và sự nghiệp của cụ, đồng thời thêm yêu mến và trân trọng tài năng, cốt cách một trong những nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa tài năng trong thế kỷ XX của Việt Nam.                       

Sinh ra và lớn lên tại vùng địa linh nhân kiệt “Kinh Bắc”, “một cái nôi” sinh thành người Việt Kinh, nơi quy tập sức trường sinh bất diệt của tiếng Việt, nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa Ngô Tất Tố thỏa sức tận hưởng tư duy ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ - ẩn tàng dưới dạng “khẩu ngữ”. Gặp thời “tiếng mẹ đẻ” có chữ viết riêng, Ngô Tất Tố ra sức vận dụng lợi thế viết “theo luật tự nhiên của chữ Quốc ngữ” viết như “cha ông mình nói”, thần tình chuyển “khẩu ngữ” thành “bút ngữ”, chuyển "phiếm đàm" sang "bút đàm" để “hiện hình cuộc sống thực tại”, “tỏa sáng nhân bản” giữa biển đời.

Không qua một trường lớp đào tạo “tân học” nào và khá muộn mằn mới biết chữ Quốc ngữ, nhưng, với tâm niệm “viết có thần của ngòi bút”, với nhận thức sâu sắc về uy quyền “xác chỉ, trực diện của bút lực hiện thực”, về nghệ thuật biến hóa “tùy theo thế câu mà đặt chữ” của Quốc ngữ, Ngô Tất Tố đã sớm thành thuộc sử dụng các “thể văn mới” để sáng tạo văn chương và đã thành công ngay từ tác. Không chỉ là cây cầu nối từ “cựu học” sang “tân học”, dấn thân “giữa thời tân văn”, Ngô Tất Tố đã luôn đứng ở hàng tiên phong, góp phần tích cực vào tiến trình khai sinh và hiện đại hóa lần thứ nhất nền “quốc âm vừa mới ra đời” của dân tộc.

Nhờ tài năng bẩm sinh, lại có tố chất đặc biệt của “đức tự học”, sau nhiều lần tự vượt lên chính mình, với lao động trí óc đặc biệt, trăn trở với ý tưởng “phải làm cách mạng văn học” để thực thi thiên mệnh “làm nhân chứng của lịch sử”, Nhà Hán học “Đầu xứ” đã hóa thân thành “nhà báo bút chiến”, với “kho tản văn lớn” đứng hàng đầu trong làng báo, đã hiện thân thành “nhà văn tiên phong, văn hào sáng lập trào lưu hiện thực”. Sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố trải rộng trên nhiều lĩnh vực, hùng hậu phong phú về báo chí, rực rỡ đa dạng về văn học, nhiệt tâm biên soạn lịch sử, nghiêm túc trong khảo cứu, dịch thuật. Tác giả đã để lại “tài sản trí tuệ” đồ sộ với “bộ tổng thư mục Ngô Tất Tố” bao gồm gần 1.500 danh mục.

Bộ mặt xã hội đương thời của đất nước ta, từ nhiều phía, nhiều chiều, trên nhiều lĩnh vực đều được ghi lại đầy đủ và sinh động trong “pho sử tổng tập tản văn Ngô Tất Tố” bao gồm hơn 1.200 tác phẩm liên tục xuất hiện từ năm 1928 đến năm 1945 và trực tiếp, nhanh chóng đến với công chúng bằng báo chí - phương tiện truyền thông có sức lan truyền rất cao và kịp thời trong xã hội đương thời.

Là một trong số các cây bút thành thạo các hệ chữ viết trong lịch sử ngôn ngữ của dân tộc, đặc biệt là “uyên thâm chữ Hán, tài tình sử dụng chữ Quốc ngữ”, Ngô Tất Tố rất thuận lợi, ngược dòng thời gian “mở cửa quá khứ”, tiếp cận và khai thác truyền thống đạo đức, trí tuệ của tổ tiên, của tiền nhân. Tinh thông Hán học, Ngô Tất Tố có trong tay “một ngoại ngữ giỏi” để tiếp nhận và giao lưu với tri thức và văn hóa của thế giới.

Song hành với mảng sáng tác, Ngô Tất Tố đã liên tục triển khai hàng loạt các công trình khảo cứu, dịch thuật rất có giá trị. Các cuốn “Văn học đời Lý”, “Văn học đời Trần”, “Thi văn bình chú”, “Đường Thi”, “Lão tử”, “Mặc tử”, “Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim”, Dịch và chú giải “Kinh dịch”... là những tác phẩm sáng giá, đóng góp đáng kể của tác giả trên lĩnh vực khảo cứu triết học phương Đông và nghiên cứu văn học trung đại.

Với tầm vóc và nhân cách của mình, Ngô Tất Tố không chỉ là người cầm bút “làm nhân chứng lịch sử”, “là thư ký của thời đại” mà rất xứng đáng trở thành “nhân vật lịch sử”, “nhà văn hóa” của đất nước và dân tộc trong thế kỷ XX.

Bảo Ngọc

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật