New York Times: Trung Quốc còn gây rối ở Biển Đông nhiều lần nữa

Khi một con tàu trắng cỡ lớn của Trung Quốc tiến lại gần, tàu CSB-8003 Việt Nam đã quay đầu chuyển hướng di chuyển để lại những cuộn sóng phía sau trong lúc cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 20 km.

Theo New York Times, trong khoảng thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã cố tình ngăn tàu tuần tra của cảnh sát biển Việt Nam CSB-8003 tiến gần tới vị trí hạ đặt giàn khoan. 

Ngay cả khi mặt trời khuất bóng phía sau đường chân trời, tàu CSB-8003 vẫn luôn nằm trong vòng theo dõi sát sao của Trung Quốc. Thông qua hệ thống loa phát thanh, tàu CSB-8003 đã nhiều lần phát đi bản thông báo bằng tiếng Trung với độ dài 2 phút. Nội dung của thông báo nhấn mạnh đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu cảnh sát biển của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công gần khu vực Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.

Vào lúc 6h sáng ngày 15/7, sau 2 tháng rưỡi hạ đặt trái phép Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã bắt ngờ di chuyển giàn khoan về phía đảo Hải Nam và ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau 3 tuần xảy ra sự kiện này, các nhà phân tích vẫn tranh cãi liệu rằng có phải Trung Quốc vì đối mặt với sức ép từ cộng đồng quốc tế mà có động thái giảm thiểu căng thẳng với Việt Nam hay đây chỉ là chiến thuật tạm dừng để chuẩn bị cho một chiến dịch hung hăng hơn. 

Ý đồ rút giàn khoan

Trong khi Việt Nam tuyên bố thành công trong việc buộc Hải Dương-981 di chuyển ra khỏi vùng biển quốc gia, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc - đơn vị quản lý dự án, lại cho hay giàn khoan này đã hoàn thành công việc khai thác và di chuyển như kế hoạch đã định. 

Hành động di chuyển Hải Dương-981 về phía đảo Hải Nam diễn ra đúng thời điểm vùng biển này sắp đón một cơn bão lớn. Tuy nhiên, giàn khoan trị giá 1 tỷ USD thuộc sở hữu của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, được di chuyển tới khu vực cách phía đông nam đảo Hải Nam 60 dặm. Đây cũng là khu vực thường xuyên hứng chịu những cơn bão mạnh trên Biển Đông. 

Mặc dù, lực lượng Bảo vệ bờ biển Việt Nam tỏ ra vui mừng khi giàn khoan Trung Quốc rời khỏi vùng biển quốc gia, một số quan chức cho biết họ cảm thấy quan ngại về khả năng đây là giai đoạn mở ra thái độ khiêu chiến mạnh mẽ hơn của Trung Quốc. 

"Ngay từ thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai ngày càng nhiều cuộc tấn công bằng cả lời nói và hành động. Tại sao ư? Đây là một phần trong chiến lược kiểm soát đường biển của Trung Quốc. Đây là bước đầu tiên nhằm tạo nền móng cho việc mở rộng sang vùng biển xa phía nam. Nó không chỉ là mối đe dọa với Việt Nam mà còn Philippines và nhiều quốc gia khác. Hành động này được thực hiện một cách có hệ thống và là một phần trong chiến lược. Nó không hề mang tính ngẫu hứng", Trung tá Trần Văn Thọ vừa đứng vừa hút thuốc trên boong tàu CSB-8003 chia sẻ. 

Giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định lâu nay, Trung Quốc luôn có tỏ thái độ hung hăng trước các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng giờ là lúc, Bắc Kinh hiện thực hóa chúng.  

"Nếu có chuyện gì thay đổi thì là việc  Trung Quốc có khả năng tăng cường và triển khai một cách cẩn trọng hơn và họ có tiền để tài trợ cho mục đích của mình. Đối với tôi đây là yếu tố đang làm thay đổi tình hình", ông Goldstein nói. 

Việt Nam đã mời nhiều đoàn phóng viên quốc tế tới tới đưa tin trực tiếp trên các tàu bảo vệ bờ biển nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về hành động sai trái hạ đặt trái phép giàn khoan của Trung Quốc. Khi có mặt trên tàu CSB-8003, các phóng viên nước ngoài đều nhận thấy rằng số lượng tàu thuyền Trung Quốc đã chiếm áp đảo so với Việt Nam.

Ngư dân Đà Nẵng.

Trong ngày thứ hai trên hành trình tới gần khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 xuất phát từ Đà Nẵng, tàu CSB-8003 đã đối mặt với 70 tàu Trung Quốc bao gồm tàu cá, tàu bảo vệ bờ biển, tàu tuần tra từ các tổ chức hàng hải khác của Trung Quốc. Trong đó, tàu cảnh sát biển Việt Nam xác nhận 2 trong số 70 tàu này là tàu hộ tống mang tên lửa của Hải quân Trung Quốc. 

Còn theo giới chức Việt Nam, ngoài tàu bảo vệ bờ biển, tàu của các cơ quan hàng hải khác và hàng chục tàu cá, trong số hơn 100 tàu Trung Quốc tiến hành tuần tra bảo vệ cho Hải Dương-981 có khoảng 4 – 6 chiếc là tàu quân sự. 

Xâm chiếm có hệ thống

Cách đây 2 năm, nhiều nhà quan sát cho rằng chính sách về Biển Đông của Trung Quốc đã bị chi phối bởi mối quan hệ lỏng lẻo giữa các ban ngành. Tuy nhiên, một số người lại có nhận định khác rằng chính sách trên Biển Đông của Trung Quốc đã thể hiện khả năng phối hợp đồng bộ và có tổ chức. Điển hình, vụ việc các tàu Trung Quốc truy đuổi tàu trinh sát của Mỹ mang tên Impeccable trên Biển Đông hồi năm 2009.

Song một số nhà phân tích cho rằng Hải quân, Cơ quan giám sát hàng hải, Cục quản lý ngư nghiệp, chính quyền địa phương và các công ty năng lượng nhà nước tại Trung Quốc đang hoạt động hoàn toàn độc lập và khiến tình hình căng thẳng trong khu vực ngày một gia tăng bởi họ vẫn chỉ hoạt động với mục đích tăng tầm ảnh hưởng và tìm kiếm cơ hội cho riêng mình. 

Nhà nghiên cứu cấp cao Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore lại có quan điểm khác. Ông chia sẻ: "Ý tưởng cho rằng Trung Quốc đang thiếu một chính sách mạch lạc rõ rằng là hoàn toàn không đúng trong vụ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981. Hành động này đã minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hàng hải dân sự, quân đội và các công ty dầu mỏ tại Trung Quốc". 

Một trong những nỗ lực thể hiện tình đoàn khết giữa các cơ quan thực thi luật biển của Trung Quốc là hồi năm ngoái, 4 trong số đơn vị này đã theo chỉ đạo của Cơ quan Hải dương quốc gia thành lập lực lượng Bảo vệ bờ biển. 

Ngoài ra, hành động hạ đặt giàn khoan còn cho thấy sự sẵn sàng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong nỗ lực đẩy mạnh các tuyên bố hàng hải. "Rõ ràng, hành động này đã được cấp quản lý cao nhất trong chính phủ Trung Quốc phê chuẩn. Nói cách khác, nó đã minh chứng cho việc đẩy nhanh tiến trình củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình", ông Storey nói.

Trung Quốc rút giàn khoan về đảo Hải Nam sau 2 tháng rưỡi hạ đặt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Các công ty năng lượng Trung Quốc đã hủy bỏ nhiều kế hoạch khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông sau khi dư luận Việt Nam lên tiếng phản đối vào các năm 1994 và 2009. Tuy nhiên, giờ đây, Bắc Kinh không còn do dự. Nhà nghiên cứu Su Xiaohui tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp với các nước liên quan rằng Trung Quốc có quyền hợp pháp khai thác năng lượng và phát triển các dự án trên Biển Đông". 

Trong thời gian hạ đặt Hải Dương-981 trên Biển Đông, Trung Quốc còn điều động một lực lượng lớn tàu thuyền tới bảo vệ cho hoạt động trái phép của giàn khoan đồng thời ngăn cản các tàu Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Nghiêm trọng hơn, hôm 26/5, một tàu cá của Việt Nam đã bị nhiều tàu cá của Trung Quốc cố tình đâm va và đánh chìm ngay trong vùng biển của Việt Nam. 

Mặc dù, hành động kéo giàn khoan ra xa vùng biển phía bắc sẽ giúp Trung Quốc và Việt Nam tránh được các cuộc đối đầu căng thẳng. Song, những vấn đề lớn hơn như chủ quyền trên Biển Đông và quốc gia nào có quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trong khu vực này hiện vẫn chưa có hướng giải quyết. 

Trong các buổi thảo luận ngoại giao cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương hôm 9/8 tại Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã một lần nữa kêu gọi các nước trong khu vực tránh có thêm động thái làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. 

"Chúng ta cần cùng nhau hợp tác để xử lý các căng thẳng trên Biển Đông và xử lý chúng trong hòa bình cũng như dựa trên quy định của luật pháp quốc tế", ông Kerry phát biểu trong hội nghị ASEAN. 

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết họ đang cân nhắc các đề xuất phương hướng giải quyết tranh chấp nhưng đồng thời khẳng định Trung Quốc và ASEAN "có năng lực và sự sáng suốt để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông", website Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. 

Mặc dù, Bắc Kinh không trực tiếp đề cập tới Mỹ trong tuyên bố này nhưng trong quá khứ, Trung Quốc từng chỉ trích Washington can thiệp vào những tranh chấp hàng hải của các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines. 

Hồi tháng trước, Trung Quốc cũng thông báo sẽ đưa thêm 4 giàn khoan vào Biển Đông. Nhận định về sự tự tin của Bắc Kinh, cựu quan chức Hải quân Mỹ, Bernard D. Cole chia sẻ: "Tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến Trung Quốc tái diễn hành động này". 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Minh Thu (lược dịch)

Infonet

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật