Sách thiếu nhi đến từ nước Ý: “Chuyện kể trên điện thoại”
(ICTPress) - Gianni Rodari, nhà văn Ý nổi tiếng, trong tiểu truyện “Chơi đùa với cây gậy” đã gửi gắm một thông điệp giản dị về hạnh phúc “trên đời có ai hạnh phúc hơn một người già tặng được gì đó cho trẻ nhỏ”.
“Chơi đùa với cây gậy” là 1 trong hơn 70 câu chuyện được thuật lại trong “Chuyện kể trên điện thoại” do một người cha, ông Bianchi, kể để dỗ ngủ cô con gái bé bỏng của mình, khi ông vì công việc phải xa nhà.
Hơn 70 câu chuyện là hơn 70 đêm người cha dừng bước bên trạm điện thoại, thì thầm qua ống nghe một câu chuyện mà ông nghĩ ra trên đường đi.
Hơn 70 câu chuyện là hơn 70 đêm, cô con gái bé bỏng của ông chờ đợi tiếng reo điện thoại để lắng nghe giọng nói của bố hồi hộp với từng câu chuyện rồi hạnh phúc đi vào giấc ngủ.
Hơn 70 đêm kể chuyện đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được của người cha và con gái.
Và trọn vẹn “Chuyện kể trên điện thoại” là niềm-hạnh-phúc của cảm- giác-được-thương-yêu mà những người lớn chúng ta có thể dành tặng cho các em nhỏ...
Tất cả những câu chuyện trong cuốn sách đều rất nhẹ nhàng, những câu chuyện ta vẫn gặp hàng ngày với chút kì ảo cổ tích lung linh, như đi ra từ trí tưởng tượng trẻ thơ. Đó là cơn mưa kẹo đủ màu đã từng một lần rơi xuống thị trấn, từ đó không lần nào quay lại, đó là “Con đường sô cô la”, “Lâu đài kem”, “Thang máy lên các vì sao”…
Gianni Rodari là một nhà sư phạm tuyệt vời, bởi trong mọi câu chuyện của ông “dấu vết của sự dạy dỗ” đều được xóa bỏ, chỉ thuần nhất một niềm vui. “Chàng thợ săn đen đủi” mà mỗi lần bắn khẩu súng lại vang lên tiếng kêu như trẻ con chơi trò súng gỗ Pằng, Pùm, Bùm còn đạn thì rơi ngay dưới chân. Hay “Cuộc dạo chơi của kẻ đãng trí” kể về câu bé đãng trí đến nỗi mà bỏ quên và đánh rơi cả tai, cả chân, tay, mũi của chính mình, hay lâu đài được sinh ra để đập phá,…Những bài học đến sau niềm vui của việc thưởng thức khiến trí tưởng tượng của các bé nở bừng như một bông hoa để tỏa ra một mùi hương dịu ngọt thoang thoảng mà bền lâu.
“Chuyện kể trên điện thoại” mang hơi thở hiện đại, không chỉ bởi nội dung gần gũi hàng ngày, mà còn ở cách kể chuyện đơn giản, như thường thấy trong những mái ấm, bên những chiếc giường trẻ con trước giờ đi ngủ của các cô bé và cậu bé.
Nhưng không chỉ dành cho trẻ nhỏ, không chỉ dành riêng cho các cô bé như con gái ông Bianchi, “Chuyện kể trên điện thoại” còn dành cho cả các bậc cha mẹ. Hơn 70 câu chuyện không chỉ đưa họ trở lại thời thơ ấu, mà còn là hơn 70 chìa khóa mật mã mà nếu yêu trẻ, chúng ta càng cần có để hiểu chúng.
Chuyện ‘Bríc, brúc, brắc’ kể về hai đứa trẻ chơi trò sáng tạo ra ngôn ngữ đặc biệt để nói chuyện với nhau, những người lớn thấy đó là trò ngớ ngẩn, chỉ có một ông lão nhận ra chúng đang ca ngợi cuộc sống và cảm nhận niềm may mắn vì được sinh ra trên đời.
Rồi chuyện về chú chuột trong thế giới truyện tranh đã sống cô đơn và bị ruồng bỏ chỉ vì chú chỉ biết nói bằng ngôn ngữ truyện tranh và cuối cùng tìm được tình bạn với chú mèo cũng ở thế giới truyện tranh bước ra.
Để có thể hiểu được những mật mã của con trẻ, chúng ta cần không phải chỉ tình yêu, mà cả sự tinh tế. Nếu không, chúng ta có thể giống như bà mẹ trong chuyện “Cậu bé Gilberto hiếu thảo”, vì không hiểu hành động sẵn lòng làm bất cứ việc gì cho mẹ, kể cả dùng tai lấy nước, mà bà đã bạt tai cậu con trai của mình.
Hay như người dân thành phố đã không nhận ra tín hiệu “Đèn xanh” trong chuyện cùng tên để lên được thiên đàng… Hiểu để yêu hơn, yêu để hiểu hơn, Gianni Rodari đã muốn nhắn gửi đến tất cả các bậc phụ huynh qua những câu chuyện của ông.
“Chuyện kể trên điện thoại” tập truyện cổ tích hiện đại là tác phẩm mới nhất của Gianni Rodari được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến độc giả sau một loạt tác phẩm đã nổi tiếng khắp thế giới của ông: “Cuộc phiêu lưu của chú Hành”, “Cuộc phiêu lưu của Mũi Tên Xanh”, “Gelsomini ở xứ sở nói dối”, “Giữa trời chiếc bánh gatô”. Với những tác phẩm đó, ông đã nhận nhiều giải thưởng, đặc biệt là giải Hans Christian Andersen, giải thưởng cao quý tương tự như Nobel văn học dành cho các tác phẩm cho nhi đồng.
Bảo Ngọc