Hai cuốn sách đầu tiên trong bộ sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư”

“Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” và “Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư” là hai cuốn sách đầu tiên nằm trong bộ sách “Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư” được TS. BS. Phạm Nguyên Quý viết cùng nhóm BS, tác giả trong Tổ chức Y học cộng đồng.

Hai cuốn sách nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tìm kiếm thông tin đa dạng về ung thư, và chung tay kết nối các địa chỉ hỗ trợ bệnh nhân uy tín trên toàn quốc để giúp người bệnh có thêm “người đồng hành”.

Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân

Nhận xét về cuốn sách “Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân”, PGS. BS. Wynn Huynh Tran, hiện đang sống và làm việc tại Los Angeles Hoa Kỳ viết: “Một buổi chiều tháng 10/2018, hàng người vẫn xếp hàng bên ngoài phòng chờ đến lượt mình để nghe TS BS Phạm Nguyên Quý từ Nhật giải thích về bệnh ung thư. Từ phòng tư vấn kế bên, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn qua phòng bên cạnh thấy bác sĩ Quý ngồi lọt thỏm giữa bệnh nhân, trán anh lấm tấm mồ hôi, kiên nhẫn giải thích bệnh cho từng bệnh nhân và gia đình.

Lúc đó, tôi ước gì có một cuốn sách về ung thư dễ đọc, dễ hiểu để bệnh nhân của chúng tôi có thể hiểu những điều cơ bản nhất về chẩn đoán, chữa trị, dinh dưỡng, và theo dõi ung thư. Và tôi cũng ước cuốn sách này có cả những câu chuyện thật về chăm sóc, điều trị ung thư để bệnh nhân có thêm cảm thông chia sẻ từ những người đồng cảnh ngộ.

Lời ước năm 2018 giờ đã thành hiện thực.

Cuốn sách “Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân” trên tay quý vị đang cầm là tâm huyết của TS BS Phạm Nguyên Quý, một trong những bác sĩ người Việt hiếm hoi có bằng chứng nhận chuyên khoa ung thư tại Nhật Bản viết cùng ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh về ung thư.

Cuốn sách này giúp quý vị mới nghe tin dữ về chẩn đoán ung thư bình tĩnh lại, tìm ra cách chữa trị phù hợp nhất với mình. Quý vị nào đã mắc ung thư sẽ tìm thấy những câu chuyện đồng cảnh ngộ và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Và quý vị nào chưa bị ung thư sẽ hiểu hơn về ung thư, cùng giúp đỡ người thân bạn bè trong cuộc chiến chống ung thư.

Cuốn sách chia sẻ cả những kiến thức thực tế như cách ăn uống, tiểu tiện khi mắc ung thư, cách hạn chế tác dụng phụ của thuốc, hay danh sách đồ dùng cần thiết khi nhập viện vì ung thư.

Thời gian là vàng trong chẩn đoán và chữa trị ung thư, kể cả thời gian đi gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư. Nghiên cứu đăng trên Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ ASCO chỉ ra bác sĩ dành trung bình 29 phút cho mỗi cuộc gặp với bệnh nhân ung thư.

Tại Việt Nam, thời gian bác sĩ dành cho bệnh nhân còn có thể ít hơn. Vì vậy, kiến thức cơ bản về ung thư từ cuốn sách này sẽ giúp quý vị và bác sĩ tiết kiệm thời gian cho những thắc mắc cơ bản về ung thư. Thay vào đó, quý vị và bác sĩ sẽ có thể dùng toàn bộ thời gian trong cuộc gặp để tập trung vào các vấn đề chuyên sâu, giúp chất lượng chữa trị ung thư tốt nhất.

Tôi quen BS Quý đã lâu, dù ở cách nhau nửa vòng trái đất nhưng chúng tôi gặp nhau thường xuyên trên online và cùng nhau làm các dự án cộng đồng. Tôi ấn tượng và nể phục BS Quý hơn khi biết anh là một trong những người sáng lập trang Y Học Cộng Đồng từ gần chục năm nay, nhất là nhóm chia sẻ hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Y Học Cộng Đồng.

Cuốn sách này, một lần nữa khẳng định tâm huyết của anh, một bác sĩ chuyên khoa ung thư luôn tận tâm với bệnh nhân của mình.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Với cuốn sách “Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư”, TS. BS. Đào Thị Yến Phi, Chuyên gia dinh dưỡng, Nguyên Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đánh giá:

Có lẽ, không có một căn bệnh nào gây ra nỗi ám ảnh cho cả người bệnh, người thân, và người điều trị như căn bệnh ung thư. Đã từ rất lâu rồi, khái niệm “bệnh ung thư” hầu như luôn gắn liền với những gì dễ sợ nhất, đau đớn nhất, khó khăn nhất, bi quan tuyệt vọng nhất… mà một người sống trong trần thế có thể trải qua.

Cũng chính cái tâm lý sợ hãi và tuyệt vọng này đã dẫn đến những ứng xử với căn bệnh đôi khi là quá cực đoan, đôi khi là sai lạc, và hậu quả cuối cùng của tất cả những cực đoan sai lệch đó đôi khi là điều xấu nhất với người bệnh Nói đôi khi, là bởi vì bên cạnh những cực đoan và sai lệch đó, nhân loại vẫn đang tiếp tục những bước tiến của mình trong việc cố gắng tìm hiểu và có những biện pháp trị liệu chính xác hơn, hiệu quả hơn cho căn bệnh khó khăn này. Những tiến bộ của khoa học điều trị đã giữ cho hàng triệu người không may mắc phải căn bệnh này được cứu chữa mỗi năm, giúp họ vượt qua, sống sót, và tiếp tục cuộc sống của mình với chất lượng sống tốt nhất có thể.

Việc trị liệu một bệnh lý ung thư hiện nay không còn đơn thuần là phẫu thuật cắt bỏ cơ quan bị ung thư hay là uống một loại thuốc có tác dụng phá hủy khối u nữa, mà đã được mở rộng thành một chương trình trị liệu phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp khác nhau cho từng bệnh nhân cụ thể.

Một chương trình trị liệu tốt phải vừa đạt được hiệu quả của điều trị, tức là phải tiêu diệt được tế bào ác tính, lại phải vừa duy trì được sức khỏe và tinh thần của người bệnh, tức là người bệnh phải đủ sức vượt qua các khó khăn của trị liệu hay hậu quả từ khối u, lại phải phục hồi sức khỏe nhanh chóng và không chịu các mệt mỏi suy kiệt trong suốt thời gian điều trị.

Vì vậy, bạn có thể thấy một chương trình trị liệu ung thư cần có sự tham gia của rất nhiều chuyên khoa khác nhau như ngoại khoa, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng… và chắc chắn không thể thiếu dinh dưỡng. Dinh dưỡng tốt sẽ cung cấp nguyên liệu để xây dựng, sửa chữa những tế bào của cơ thể đã bị tổn thương do sự tấn công của ung thư hay do trị liệu; dinh dưỡng giúp các tế bào có năng lượng để hoạt động, duy trì sự sống, phục hồi sức khỏe; dinh dưỡng giúp khôi phục các kho dự trữ của cơ thể đã bị hao hụt, cạn kiệt trong suốt thời gian chống chọi với căn bệnh; học
về dinh dưỡng và chuẩn bị bữa ăn cho chính mình là một biện pháp trị liệu về tinh thần cho người bệnh ung thư…

Quan trọng là vậy, nhưng trong thực tế tại Việt Nam hiện nay, người bệnh ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng mức, và có không ít những người bệnh tiến triển xấu dần đi khi cơ thể suy mòn đến mức không thể phục hồi. Có nhiều lý do để điều đau lòng đó xảy ra, trong đó có cả việc người bệnh không biết mình cần ăn những thức ăn gì, chọn lựa thức ăn ra sao, chế biến món ăn như thế nào, ăn bao nhiêu là đủ, hay cần phải làm gì để có thể ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng của chính mình khi gặp những tác dụng ngoại ý của việc điều trị làm ăn uống trở nên khó khăn.

Tập sách nhỏ “Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư” này sẽ cung cấp cho người bệnh ung thư những điều căn bản và dễ thực hiện nhất trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho chính mình. Tập sách được soạn thảo công phu từ những người có tâm huyết hỗ trợ cho người bệnh, nên các kiến thức khoa học phức tạp đã được trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu, đồng thời cũng được chú trọng đến phần trình bày để đạt được hiệu quả tốt nhất với màu sắc và hình ảnh minh họa.

 ND

Tin nổi bật