Về với Côn Sơn - Kiếp Bạc
(ICTPress) - Cứ vào ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm, chúng tôi, những cán bộ trung tâm Hỗ trợ Khách Hàng và Quản lý cước, VNPT TP. HCM lại thực hiện những chuyến đi về nguồn, ôn lại lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của lớp cha ông. Năm nay, chúng tôi đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc và Yên Tử.
Côn Sơn, Kiếp Bạc - âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại
Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia trong tổng số 24 di tích xếp hạng quốc gia. Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cách Hà Nội khoảng 70km.
Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn - Yên Tử - Quỳnh Lâm); đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía Tây Bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng với sông núi huyện Chí Linh.
Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Đây là cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang.
Về Kiếp Bạc mới thấy tầm nhìn chiến lược của vị anh hùng dân tộc nhà quân sự tài ba Trần Hưng Đạo. Kiếp Bạc có đường thủy, đường bộ rất thuận tiện. Từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm" mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh.
Thế “Ỷ sơn quan thủy” của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc), tạo thành thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo là một thế rất đẹp trong thuật Phong Thủy. Đội quân Nguyên Mông từng làm mưa, làm gió trên khắp lục địa Á - Âu thế kỷ thứ 13 mà phải chùn bước trước tinh thần chiến đấu bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn của quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Về đây mới thấy tư tưởng “khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc” là tư tưởng chủ đạo của các nhà cai trị triều Trần tiếc rằng những nhà làm chính sách của ta vẫn hay quên điều đó với những chính sách tận thu như hiện nay.
Đền thờ Nguyễn Trãi |
Thế nhưng về Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng để thấy hai “bất toại nguyện”, hai niềm bi phẫn của hai vị anh hùng. Với Nguyễn Trãi là vụ Lệ chi viên nổi tiếng. Với Trần Quốc Tuấn là lời giối giăng của phụ thân Trần Liễu "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được? Đọc Đại Việt Sử ký cuốn VI, Kỷ nhà Trần [1] mới thấy sự phân vân của vị anh hùng khi ở đỉnh cao quyền lực bởi quyền lực là sự ám ảnh khôn tả; ngôi cửu đỉnh vốn hấp dẫn ít ai cưỡng lại khi có đủ uy quyền trong tay. Đem cái băn khoăn hỏi hai tâm phúc là Dã Tượng, Yết Kiêu, hỏi con là Hưng Vũ Vương để nhận được câu trả lời không tán thành; rồi câu khuyến khích soán đoạt của người con thứ Trần Quốc Tảng: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ" càng làm bậc anh hùng lúng túng. Giữ đạo vua tôi chỉ có Trần Quốc Tuấn làm được còn Hồ Quý Ly đã không thể.
Có một quyền thần như Trần Quốc Tuấn thì cũng có một minh quân như Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Nhà vua từng nói: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu". Ngoài chiến công vĩ đại mà không một vị vua đương thời nào có thể làm được là ông đã chỉ huy cả dân tộc hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông (1285 - 1288) ta còn thấy cái đức nhân ái của người đứng đầu nhà nước. Ở cái thời mà người ta đua nhau ngợi ca vua chúa, quý tộc thì Trần Nhân Tông làm thơ ca ngợi cả một người lính già:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong
Sau chiến thắng, vào thành Thăng Long thấy thư đầu hàng giặc chất đầy mấy rương lớn, Trần Nhân Tông sai đốt hết để khỏi phải truy xét, khỏi phải giết thêm hàng trăm người lầm đường theo giặc [2]. Rồi sau khi nhường ngôi cho con ở tuổi 35, Ít lâu sau quay lại thăm nom con cái, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Phật Hoàng Trần Nhân Tông tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét: Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi? Tiếng thét đó đã bay qua 7 thế kỷ rồi mà ta vẫn thấy như mới hôm trước, hôm nay. Thì ra, nguyên tắc vì dân của Trần Nhân Tông giản dị lắm: Bộ máy cai trị càng ít, quan lại ít phải điều hành là điều vì dân hiệu quả nhất, thiết thực nhất [2].
Yên Tử - đất tổ Phật giáo Việt Nam
Núi Yên Tử (安子山, 1.068 m) là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng Đông Bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân Sơn. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi... Hành trình lên Yên Tử ngày nay sẽ không vất vả như xưa nữa vì hệ thống cáp treo 1 lên gần Hoa Yên đã hoàn thành năm 2002 và hệ thống cáp treo 2 lên cổng trời (khu vực đỉnh Yên Tử) đã được đưa vào sử dụng từ mùa lễ hội 2008. [3]
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Tục truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.
Năm 1299, Trần Nhân Tông (1258 -1308) 42 tuổi, chính thức xuất gia và lên tu tại Yên Tử. Thật là trùng hợp khi năm nay tôi cũng 42 tuổi lần đầy viếng danh lam thắng cảnh này, có duyên với Phật pháp chăng?
Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.
Tiếp đó tới chùa Hoa Yên (các tên gọi khác: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên) nằm ở độ cao 543 m với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3 m, rộng 12 m², nặng 60 tấn) đã được đưa lên đỉnh Yên Tử.
Chùa Đồng |
Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam. [3]
"Trăm năm tích đức tu hành.
Chưa lên Yên Tử chưa thành quả tu"
Khi lên được đỉnh cao nhất của Yên Tử 1.068 m, nơi tọa lạc của Chùa Đồng, có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng. Đến Yên tử không mong ước gì hơn ngoài thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.
Hành trình Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử kết thúc, chúng tôi lại “hò hẹn” năm sau đi vòng cung Tây Bắc - Điện Biên - Lai Châu để lại có những khoảnh khắc đáng nhớ về đất nước mình.
Tham khảo:
[1] http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt11.html
[2] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-03-05-phat-hoang-tran-nhan-tong-da...
[3] http://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Y%C3%AAn_T%E1%BB%AD
Trung Thành