Syndicate content

Chuyện dọc đường

Thành lập Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế

Tóm tắt: 

Dự kiến, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ khai trương vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967-6/7/2022).

Chiều 6/6, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã trao Quyết định cho phép hoạt động đối với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại diện gia đình Đại tướng đón nhận quyết định. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương trao quyết định cho ông Nguyễn Chí Vịnh - đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
 
Theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là bảo tàng ngoài công lập được hoạt động tại địa chỉ số 144, Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Bảo tàng hoạt động theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức hoạt động của bảo tàng và theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự kiến, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ khai trương vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967-6/7/2022).

Buổi trao Quyết định cho phép hoạt động đối với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Tại buổi trao quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của gia đình Đại tướng trong việc xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; đồng thời bày tỏ vui mừng khi trên địa bàn tỉnh có thêm 1 thiết chế văn hóa về bảo tàng ngoài công lập, góp phần phong phú thêm các điểm đến du lịch, là địa chỉ để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ Bảo tàng trong công tác trưng bày, hướng dẫn nghiệp vụ; liên kết với các bảo tàng trên địa bàn tỉnh, tạo thành hệ thống điểm đến thu hút người dân và du khách đến tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, gắn với văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương Thừa Thiên Huế. 

Nguồn: CÔNG HẬU/nhandan.vn
https://nhandan.vn/dong-chay/thanh-lap-bao-tang-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-tai-hue-700240/
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

"Tiếng gọi đò": Tiếng vọng từ ký ức

Tóm tắt: 

Lật dở cuốn sách, bạn đọc như được lên một chuyến đò trở về với những miền ký ức đẹp trong các bức ảnh của ông.

“Tiếng gọi đò” là cuốn sách đầu tiên của NSND Nguyễn Hữu Tuấn về chủ đề Nhiếp ảnh.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn là người đứng sau máy quay những bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như “Thương nhớ đồng quê”, “Hi vọng cuối cùng”, “Hoa ban đỏ”, “Bến không chồng”,… Xen kẽ các đợt đi làm phim là những chuyến đi dã ngoại tìm bối cảnh của ông. Xen kẽ các đợt đi làm phim là những chuyến đi dã ngoại tìm bối cảnh. NSND Nguyễn Hữu Tuấn đã rong ruổi tới nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Tài sản 40 năm chụp ảnh là hàng chồng hộp ảnh xếp đầy trong các căn phòng của ông.

Mấy chục năm đi chụp ảnh nông thôn, NSND Nguyễn Hữu Tuấn đặc biệt rất yêu thích chụp ảnh những bến đò. Bến đò trong ảnh của ông không chỉ là phong cảnh mà đằng sau nó là những chuyện đời, chuyện người. Để rồi sau rất nhiều năm góp nhặt, ông đã gói gọn những hình ảnh ấy vào cuốn sách “Tiếng gọi đò” – một tiêu đề gợi nhiều ý nghĩa và cảm xúc về những con sông, những bến đò cũ nơi ông từng ghé qua.

Gói gọn trong 147 trang, cuốn sách bao gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức đã chụp trong hơn 30 năm, từ 1987 đến 2018. Nội dung sách được chính tác giả phiên dịch sang cả tiếng anh với hi vọng bạn bè quốc tế cũng có thể đón nhận. Toàn bộ ảnh được in với hai sắc đen trắng gợi không khí hoài cổ.

Lật dở cuốn sách, bạn đọc như được lên một chuyến đò trở về với những miền ký ức đẹp trong các bức ảnh của ông. Chú thích trong sách hầu như là chữ viết tay của tác giả; chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Ông đã tìm đến những bến đò truyền thống quen thuộc của dân cư Bắc bộ, như bến đò Đông Trù (Hà Nội), bến đò Nương (Hiệp Hòa, Bắc Giang), bến đò Vân (Bắc Ninh)...

Đôi nghĩ tác giả cũng kể lại câu chuyện khi qua mỗi chuyến đò ấy. Ở đó, những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những lời qua tiếng lại, những tin đồn hay những giai thoại dân gian, cứ thế hiện ra rõ nét. Tất cả đều xoay quanh những bến sông, bến đò, những dòng chảy trôi nơi làng quê Việt.

Điều ấn tượng trong những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn đó là ống kính của ông luôn hướng về những người phụ nữ. Hơn 80% những bức ảnh trong những bến đò của ông chụp về người phụ nữ ở nông thôn. Càng chụp ông càng gặp nhiều phụ nữ ở chợ lao động, bến sông, chợ dân sinh, những lúc nắng hay cả những ngày mưa họ đều xuất hiện.

Họ phải xếp lốt cả tháng được 2 lần, mỗi lần 6km, được 300.000 đồng, xã lấy mất 150.000 đồng, hai bà mỗi bà còn 150.000 đồng. Bóng của họ vẫn là bóng đen, vẫn là những người chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Ông chụp ảnh thênh thang thế, nhưng những câu chuyện ông kể trong ảnh của mình lại khiến người xem dừng lại suy ngẫm.

Tôi luôn thấy họ đẹp, và tôi yêu những con người đó, yêu đất nước đã sinh ra những con người như vậy. Cũng như tôi đã đi qua nhiều vùng quê Việt Nam, chụp ảnh về những con người, những ngôi làng… Tôi thấy, không có nơi nào đẹp hơn đất nước chúng ta bởi chính những con người bình dị đó” - NSND Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Mặc dù sách ảnh là chủ yếu nhưng cuốn sách lại cuốn hút từ đầu đến cuối trang sách bởi lối viết dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông. Những bến đò và con người ở đó mang vẻ đẹp của thời gian và ký ức, những nỗi niềm chung của những người con xa quê trước sự biến đổi nhanh chóng của làng; gợi cho ta nhiều suy ngẫm về cuộc sống hôm nay.

Đến một ngày, những bến đò, bãi sông sẽ chỉ còn trong ảnh. Cuộc sống đi lên và những bến đò sẽ được thay thế bằng những chiếc cầu, dần thiếu vắng tiếng ai gọi “đò ơi, chờ với… Những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn rất giá trị, cùng thời gian nó sẽ là nhân chứng cho mai sau…

“Tiếng gọi đò: Tiếng vọng về ký ức” là chủ đề buổi trò chuyện tâm tình quanh cuốn sách này cùng tác giả Nguyễn Hữu Tuấn và các khách mời - cùng lắng nghe, gọi lại những câu chuyện của bến đò, của những bãi sông, của những con người từng qua lại – neo đậu và quay lưng. Những con người không ngừng phá huỷ - không ngừng dựng xây và không ngừng thương nhớ.

Tại đây, câu chuyện về đò không chỉ được kể ra qua những bức ảnh đen trắng hiếm có, mà còn qua góc nhìn hội họa, văn chương... qua sự đối thoại mở giữa khán giả về xưa nay, về thành thị nông thôn. Những người yêu mến giá trị xưa cũ và mong tìm kiếm được một hướng đi thuận hoà cho con người - thiên nhiên - đô thị - phát triển sẽ cùng gặp gỡ.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bản hòa tấu của âm thanh và ánh sáng “Thanks you, Vienam"

Tóm tắt: 

Sự kiện được phát sóng trực tiếp/livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Fanpage/Youtube/Tiktok VNPT VinaPhone, ứng dụng DigiLife,….để phục vụ cho khán giả toàn quốc.

Tối ngày 11/06/2022 tới đây, VinaPhone sẽ gửi tới các tín đồ âm nhạc Hà Nội với Đại nhạc hội “Thank you, Vietnam” được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám – Hà Nội. Sự kiện hứa hẹn một đêm nhạc thăng hoa, bùng cháy cảm xúc với sự góp mặt của hàng loạt các nghệ sĩ trẻ như JustaTee, Erik, Vũ Cát Tường, Dalab, Phương Ly,…

Bản hòa tấu của âm thanh và ánh sáng

Thank you, Vietnam by VinaPhone” là sự kiện mở màn chuỗi hoạt động kỷ niệm 26 năm thành lập của nhà mạng VinaPhone, được đầu tư với quy mô hoành tráng, quy tụ các nghệ sĩ nổi tiếng trong giới trẻ hiện nay như JustaTee, Erik, Vũ Cát Tường, Dalab, Phương Ly, DJ Tuấn Kruise, Rapper Hoàng Anh…

Sự kiện sẽ được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám (trước cửa Nhà hát lớn - Hà Nội) và phát sóng trực tiếp/livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Fanpage/Youtube/Tiktok VNPT VinaPhone, ứng dụng DigiLife,….để phục vụ cho khán giả toàn quốc.

Tại Đại nhạc hội lần này, bên cạnh những màn trình diễn bùng cháy cảm xúc, khán giả cũng sẽ được dịp mãn nhãn với hiệu ứng sân khấu được trang bị công nghệ 4D mapping hiện đại. Điểm nhấn của Thank you, Vietnam là sân khấu với quả cầu mapping đường kính lên đến 30m, được các chuyên gia nước ngoài xây dựng với hệ thống hỗ trợ hiệu ứng tân tiến nhất hiện nay sẽ mang đến những trải nghiệm “chất lừ” cho các tín đồ.

Không những vậy, tại sự kiện, khán giả cũng sẽ có cơ hội được tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ thần tượng và nhận những phần quà hấp dẫn từ Ban tổ chức.

Hơn cả một đại nhạc hội

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, VinaPhone buộc phải “lỡ hẹn” với đại nhạc hội Light up Vietnam, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào đêm giao thừa 2021. Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian này, bất chấp những khó khăn do đại dịch đem lại, tinh thần Việt Nam lại càng tỏa sáng, kiên cường và tràn đầy hi vọng.

Tại SEA Games 31 vừa qua, Việt Nam đã chính thức thiết lập kỷ lục mới về số huy chương vàng nhiều nhất mà một đoàn thể thao giành được trong một kỳ Đại hội, vượt qua kỷ lục trước đó của Indonesia. Với cương vị là nhà tài trợ kim cương, VNPT VinaPhone vô cùng tự hào vì đã góp phần ý nghĩa, tiếp sức cho đoàn thể thao Việt Nam chiến thắng vẻ vang. Thông điệp “Thank you, Vietnam” mà VinaPhone muốn truyền tải tại Đại nhạc hội lần này chính là lời tri ân một Việt Nam vô cùng lạc quan, kiên định và đoàn kết vượt trận “đại khủng hoảng”, hướng về tương lai tươi sáng.

Đây không phải lần đầu tiên VinaPhone tổ chức đại nhạc hội với quy mô hoành tráng và được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Chuỗi sự kiện EDM by VinaPhone mang tầm vóc quốc tế giai đoạn từ năm 2016-2019 với sự hiện diện của các ngôi sao EDM hàng đầu như Armin Van Buuren (2018), Martin Garrix (2016), Hardwell (2017), được fans ưu ái ví như sự kiện Tomorrowland của Việt Nam. Nhà mạng đã gây ấn tượng và khẳng định được độ “chơi lớn” khi tuyên bố: “Đi với âm nhạc, chúng tôi chỉ chọn ngôi sao”.

Thank you, Vietnam hứa hẹn sẽ nối tiếp chuỗi sự kiện âm nhạc đỉnh cao gắn với thương hiệu VinaPhone, mang đến cho khán giả những bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với đa dạng cung bậc cảm xúc./.

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Cuốn sách cô đọng và hấp dẫn nhất về lịch sử hồi sinh của đất nước Israel

Tóm tắt: 

Dù là đất nước nhỏ bé cả về diện tích và dân số, Israel và câu chuyện của quốc gia này luôn là tâm điểm chú ý của thế giới.

Nhà nước Israel là một quốc gia nhỏ nằm ở phía tây của lục địa châu Á. Xét về nhiều khía cạnh, Israel cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác, song lịch sử quốc gia này lại là một câu chuyện phi thường. Dù là đất nước nhỏ bé cả về diện tích và dân số, Israel và câu chuyện của quốc gia này luôn là tâm điểm chú ý của thế giới.

Trong cuốn sách “Lịch sử Israel: Câu chuyện về sinh hồi sinh của một dân tộc”, học giả tài năng Daniel Gordis đã viết lại một cách cô đọng và hấp dẫn nhất về lịch sử của Israel - một đất nước thành công với rất ít cơ hội, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều kẻ thù và trở ngại đáng sợ. Câu chuyện về đất nước Israel là câu chuyện phức tạp, vừa kịch tính vừa đáng buồn, một câu chuyện kỳ diệu và đầy cảm hứng, tác động đến thế giới của chúng ta ở hầu hết mọi khía cạnh. 

Nếu như các cuốn sách đã xuất bản về Israel thường đề cập đến vấn đề tôn giáo, thì tác phẩm Lịch sử Israel: Câu chuyện về sinh hồi sinh của một dân tộc” tập trung kể về câu chuyện hình thành nên nhà nước này. Qua cuốn sách, độc giả sẽ biết thêm những câu chuyện chưa kể về Israel, khi tác giả đi sâu vào phân tích những dấu mốc, sự kiện, vấn đề lớn của người Do Thái nói chung và đất nước Israel nói riêng, từ khi có những ý tưởng manh nha về việc phục quốc đến khi họ thực sự tập hợp lại ở cố hương Jerusalem. 

Tháng 5/1948, Nhà nước Israel ra đời. Những năm đầu thành lập vô cùng khó khăn. Nhà nước mới, không có các nguồn dự trữ tài chính và rất ít cơ sở hạ tầng, đột nhiên phải tiếp nhận một lượng khổng lồ người nhập cư, lớn hơn nhiều so với dân số của chính quốc gia này. Sau khi Israel được thành lập, hàng trăm nghìn người Do Thái bị các nước sở tại trục xuất, từ Bắc Phi, Iran, Iraq và những nơi khác đều đổ tới đây; 150.000 người tị nạn khác trở về từ cuộc thảm sát diệt chủng Holocaust, mang trên mình tất cả những chấn thương từ trải nghiệm kinh hoàng, cũng đã về đến biên giới Israel.

Từng là đầm lầy và vẫn còn hoang hóa ở một số khu vực, trong khi phần còn lại chủ yếu là sa mạc cằn cỗi, thiếu tài nguyên thiên nhiên và gần như hoàn toàn không có tiền, Israel có rất ít lựa chọn để nuôi sống và cung cấp chỗ ở cho tất cả những người này, và tình trạng khan hiếm lương thực bắt đầu. Chỉ vài năm sau khi thành lập, đất nước này có nguy cơ sụp đổ tài chính. Tuy nhiên, người Israel đã không bỏ cuộc, một phần vì họ đã không còn nơi nào để đi.

Tuy cuốn sách này kể câu chuyện về những gì đã xảy ra, nhưng nó đặc biệt nhấn mạnh đến việc tại sao chúng lại xảy ra. Ý tưởng của người Do Thái về việc di cư đến Palestine và xây dựng đất nước nảy sinh từ đâu? Tại sao những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở tất cả mọi nơi lại nhấn mạnh rằng đất nước của họ phải nằm tại Palestine? Điều gì sẽ xảy đến với tương lai của Israel?

Mặc dù là câu chuyện về đất nước, nhưng câu chuyện về Israel cũng là câu chuyện về một cuộc cách mạng. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là phong trào cam kết thay đổi điều kiện sinh tồn của người Do Thái. Những người theo chủ nghĩa này khẳng định đã đến lúc dân tộc họ phải được hồi sinh.

Sau nhiều thế kỷ người Do Thái mòn mỏi sống lưu vong, chủ nghĩa phục quốc Do Thái ưu tiên việc khôi phục dân tộc trên bình diện phong phú về văn hóa, điều mà họ có được khi sống ở quê cha đất tổ, nói ngôn ngữ riêng, [và] tự vạch ra lộ trình tương lai của chính mình. Nếu người Do Thái đã bị phân tán đến nơi mà nghi thức tế lễ của họ gọi là ‘bốn góc của Trái Đất’, những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái hi vọng sẽ tập hợp dân tộc mình lại với nhau một lần nữa.

Nếu hàng thiên niên kỷ lưu đày đã làm suy tàn tiếng Do Thái, vốn từng được sử dụng và đầy sống động, thành thứ ngôn ngữ chỉ được sử dụng cho các kinh văn thiêng liêng và việc thờ phụng, thì chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thứ ngôn ngữ cổ xưa đó. Dân tộc Do Thái sẽ sáng tạo nên âm nhạc, mỹ thuật, văn chương và thơ ca như tất cả các dân tộc khác. Họ sẽ có nền văn hóa tinh hoa và nền văn hóa đại chúng.

Người Do Thái sẽ sống trong những thành phố mà tổ tiên của họ đã từng biết, sẽ đi trên những con đường đã từng là quê hương của các bậc tiền bối trong Kinh Thánh. Các nhà lãnh tụ Do Thái sẽ hoạch định chính sách về chiến tranh và hòa bình, kinh tế, chăm sóc sức khỏe và sự nhập cư. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã thành công trong tất cả những phương diện đó đó, và hơn thế nữa. Cách Israel phản ánh sự hồi sinh này của người Do Thái là một phần trong câu chuyện mà cuốn sách này sẽ kể.

Bên cạnh đó, tác giả Daniel Gordis cũng kể lại nhiều câu chuyện xoay quanh cách người Israel hiểu về bản thân và đất nước họ. Giống như những câu chuyện về chuyến đi lúc nửa đêm của Paul Revere, về việc George Washington không ngại gian khó vượt sông băng Delaware và cuộc chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ở Alamo là trọng tâm trong câu chuyện mà người Mỹ kể về bản thân, những câu chuyện mà người Israel kể về lịch sử của họ cũng tương tự như vậy.

Những ký ức đó là nền tảng để hiểu được tư duy của người Israel, cách họ nhìn nhận về lịch sử, về nhà nước của mình cũng như cách thế giới nhìn nhận họ; vì vậy, cuốn sách này cũng kể về những câu chuyện quan trọng nhất trong số đó.

Nói về cuốn sách, Ilan Troen, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về Israel chia sẻ: ‘Gordis dệt nên giai thoại với sự phán xét lịch sử, và sử dụng hiệu quả cả những nguồn tư liệu lẫn các dẫn nhập về các đặc tính giúp hình thành nên Israel để phản ánh về lịch sử, chính trị và đặc biệt là tâm hồn của Israel. Israel: Lược sử về sự hồi sinh quốc gia rất sống động, rõ ràng và tràn đầy trí tuệ‘.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Ban nhạc ABBA gây ấn tượng mạnh với đêm diễn mở màn "ABBA Voyage"

Tóm tắt: 

Theo TTXVN, đông đảo người hâm mộ ban nhạc ABBA từ nhiều nơi trên thế giới đã đổ về công viên Queen Elizabeth Olympic ở phía Đông thủ đô London (Anh), để được hòa mình vào không khí sôi động của đêm mở màn chương trình hòa nhạc "ABBA Voyage".

Theo TTXVN, đông đảo người hâm mộ ban nhạc ABBA từ nhiều nơi trên thế giới đã đổ về công viên Queen Elizabeth Olympic ở phía Đông thủ đô London (Anh), để được hòa mình vào không khí sôi động của đêm mở màn chương trình hòa nhạc "ABBA Voyage".

Ảnh cắt từ trailer quảng bá sự kiện. (ẢNH: REUTERS)

Sau buổi biểu diễn chỉ dành cho khách mời ngày 26/5 - với sự tham dự của Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia, đêm diễn 27/5 là cơ hội đầu tiên để những người hâm mộ ABBA có thể trải nghiệm chương trình hòa nhạc công nghệ cao này.

Khán giả tới thưởng thức đa dạng về lứa tuổi, trong đó có cả những người từng là những cô bé, cậu bé xưa kia thường nhịp chân theo những giai điệu nhạc bất hủ của ABBA.

Trong trang phục lộng lẫy - quần sa-tanh bó sát, đính cườm và đi bốt, những người hâm mộ này trông chẳng khác gì những nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại chương trình hòa nhạc kỹ thuật số.

Nhiều người trong số họ đã thực hiện những chuyến đi xuyên lục địa và không ngần ngại mua sẵn vé cho nhiều đêm diễn để thỏa mãn niềm đam mê dành cho ban nhạc huyền thoại Thụy Điển.

Mặc một chiếc áo dài trắng viền vàng, đi bốt vàng, cùng đôi hoa tai lấp lánh hình chữ A và B, bà Roxanne Dixon cho biết: “Tôi là một người hâm mộ ABBA từ năm 1975. Tôi từ Australia đến đây chỉ để hòa mình vào không khí này."

Trong khi đó, anh Caleb Graham (33 tuổi, từ Florida) chọn cho mình chiếc áo phông đen đơn giản, in dòng chữ "ABBA." Anh cho biết: "Chúng tôi đến từ Mỹ và chuyến đi này thật sự xứng đáng."

Anh Jordan Charlesworth - một nhân viên y tế 27 tuổi, đến với buổi biểu diễn trong trang phục đính cườm toàn thân - thì thốt lên rằng: "Tôi không thể hình dung ra bằng cách nào ABBA đã thu hút mọi người đến vậy. Ban nhạc đã kết nối mọi cuộc đời, mọi lứa tuổi."

Còn bà Sarah Armstrong thì thừa nhận: "Chúng giống như những giai điệu nhạc của cuộc đời vậy, khi bạn đã ở tuổi 56."

Chương trình hòa nhạc "ABBA Voyage" được tổ chức tại một nhà hát 3.000 chỗ ngồi, được thiết kế đặc biệt để có thể trình diễn những hình ảnh kỹ thuật số của các thành viên của ABBA.

Hình ảnh thời trẻ của các thành viên của ABBA được tạo ra bằng công nghệ ghi hình chuyển động, tương tự cách mô phỏng bằng công nghệ CGI trong phim hoạt hình của Hollywood.

Đây là sản phẩm của một dự án kéo dài nhiều năm, do ABBA hợp tác thực hiện cùng một công ty chuyên về những hiệu ứng đặc biệt của nhà làm phim George Lucas - người đã sáng tạo nên bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao."

Mỗi buổi biểu diễn kéo dài 90 phút, với hàng chục nghệ sĩ tham gia trực tiếp trên sân khấu hỗ trợ các ngôi sao ABBA kỹ thuật số. Chương trình hòa nhạc "ABBA Voyage" được xây dựng để diễn ra trong bảy ngày/tuần, kéo dài cho đến đầu tháng 10 tới.

Các ngôi sao ca nhạc sẽ biểu diễn các bản hit từ những năm 1970 và 1980, cũng như bài hát được phát hành vào năm ngoái, khi các thành viên cũ của ban nhạc thông báo họ đã tái hợp để thu âm một album mới.

Theo tờ The Times, chương trình hòa nhạc đầy tham vọng này là một dự án vô cùng tốn kém. ABBA sẽ cần thu về 140 triệu bảng (tương đương 177 triệu USD) để trang trải chi phí tổ chức.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới trước buổi diễn, thành viên Bjorn Ulvaeus (77 tuổi) của ABBA khẳng định: "Chúng tôi biết rõ điều đó. Đây là một trong những dự án táo bạo nhất mà bất kỳ ai đã thực hiện trong ngành âm nhạc, từ trước đến nay."

Báo The Guardian cho biết các hiệu ứng kỹ thuật số trong đêm diễn là một "chiến thắng thực sự" và đã gây ấn tượng "đáng kinh ngạc” đối với không chỉ người hâm mộ mà cả giới truyền thông và những nhà phê bình.

Trong khi đó, người hâm mộ cho biết họ cảm thấy như đang được xem một chương trình trực tiếp với các thành viên ABBA bằng xương bằng thịt.

Ông Dawn Waugh, 63 tuổi, thốt lên rằng: "Thật tuyệt vời, quá chân thực và thuyết phục, tôi thực sự cảm thấy như họ đang ở đó."

Còn ông Stan Papoulias, 56 tuổi, người Hy Lạp thì cho biết: "Đó là cảm giác tuyệt vời nhất khi được quay ngược thời gian. Tôi đã hâm mộ ABBA trong 45 năm qua và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thấy họ bằng xương bằng thịt hoặc thứ gì đó tương tự."

ABBA là một trong những nhóm nhạc thành công nhất lịch sử thế giới với hàng trăm triệu album được bán ra từ năm 1972.

Tuy chỉ hoạt động 10 năm, âm nhạc của họ để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả và truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ đàn em.

Nhóm tan rã năm 1982 vì sự đổ vỡ trong hôn nhân của cả hai cặp. Năm 2016, ABBA tuyên bố tái hợp, bắt đầu những dự án mới nhưng nhiều lần lỡ hẹn khán giả.

Hồi tháng 9/2021, ABBA thông báo tái hợp, ra mắt các ca khúc "Just A Nation," "I Still Have Faith in You," "Don’t Shut Me Down."

Nguồn: TTXVN

https://nhandan.vn/dong-chay/ban-nhac-abba-gay-an-tuong-manh-voi-dem-dien-mo-man-abba-voyage--699145/

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc

Tóm tắt: 

Tác giả cuốn sách Joe Miller là nhà báo của tờ Financial Times tại Franfurt, Đức. Trong đại dịch Covid-19, ông đã phỏng vấn 60 nhà khoa học, chính trị gia, nhân viên y tế công cộng để tường thuật lại một cách hấp dẫn, lôi cuốn, dễ hiểu câu chuyện phi thường...

Vaccine mRNA là cuốn sách thuật sống động quá trình hai nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin cùng các nhân viên Công ty BioNTech đã vượt qua vô vàn trở ngại để tạo ra loại vắc xin đầu tiên giúp ngăn chặn đại dịch Covid 19 và cứu sống hàng triệu người.

Xuất hiện cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 đã nhanh chóng trở thành dịch bệnh toàn cầu làm gần 500 triệu người bị mắc bệnh và gần 5 triệu người tử vong, gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế thế giới… và con số này vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại vắc- xin (trong đó vắc-xin mRNA BioNTech- Pfizer là loại vắc-xin đầu tiên được phê duyệt) đã khiến tình hình dịch bệnh đã được cải thiện đáng kể, và cuộc sống bình thường đang dần quay trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Cuốn sách “Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc” của tác giả Joe Miller giúp độc giả có thể đồng hành cùng hai nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin, cùng những nhân viên của họ trong Công ty BioNTech trên con đường tìm ra loại vắc-xin đầu tiên cứu giúp con người đối phó với thảm họa dịch bệnh: vắc-xin COVID-19 BioNTech-Pfizer sử dụng công nghệ mRNA.

Trong câu chuyện này, độc giả sẽ thấy được nghị lực cũng như câu chuyện truyền cảm hứng của họ trong việc đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, trắc trở trong công việc của mình để mang lại giải pháp hiệu quả cho nhân loại trong đại dịch.

 Sinh ra và lớn lên từ gia đình có nguồn gốc xuất thân Thổ Nhĩ Kỳ bị định kiến là những người buôn bán rau củ thu nhập thấp, hai vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin thường xuyên phải đối mặt với sự khinh miệt, thù ghét.

Về phần công việc, được các công ty đầu tư mạo hiểm tài trợ, họ thành lập Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (thủ phủ bang Rhineland-Palatinate của Đức). Trong đó Uğur Şahin giữ vai trò giám đốc điều hành, còn vợ là giám đốc y khoa. Tuy nhiên công nghệ mRNA mà Özlem Türeci và Uğur Şahin tập trung nghiên cứu suốt nhiều năm cũng bị cộng đồng khoa học coi thường, chối bỏ, cho là bất khả thi, thậm chí là chế giễu. Dầu vậy với năng lực và bản lĩnh của mình, ngay khi dịch bệnh Covid mới manh nha dấu hiệu bùng phát, họ đã nhanh chóng nhận ra nguy cơ và thuyết phục Chủ tịch HĐQT của công ty chuyển hướng đầu tư phát triển vắc- xin chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Cặp đôi nhà khoa học được đánh giá là vô cùng dũng cảm cũng như tràn đầy lòng nhân ái khi đưa ra quyết định này trong bối cảnh BioNTech sau 11 năm hoạt động đang mắc phải khoản nợ tích lũy lên tới 400 triệu đô la, và nếu việc chuyển hướng sang phát triển vắc-xin Covid 19 bị thất bại, thì đó có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của công ty.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để đưa nghiên cứu vào chương trình thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm với hàng chục nghìn tình nguyện viên ở nhiều quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe về khoa học và quản lý; rồi xây dựng các nhà máy sản xuất vắc-xin… cũng là những thách thức lớn khác mà họ phải đương đầu để giải quyết; chưa kể đến những rắc rối và rào cản về chính trị, những lời đồn thổi vô căn cứ...

Vượt qua các khó khăn thách thức, khi đại dịch xảy ra, chỉ trong 9 tháng họ đã tạo ra được loại vắc-xin đối phó hiệu quả với căn bệnh, thay vì phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời, mà vẫn không cắt bỏ đi bước nào trong quá trình phát triển vắc-xin, đảm bảo sự hiệu quả cũng như an toàn của nó.

Tiếp theo cuốn sách “Vaxxer: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid 19 của các nhà khoa học Oxford”, tác phẩm “Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc” tiếp tục là một cuốn sách giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn về quá trình phát triển loại vắc-xin có đóng góp to lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; cũng như hiểu rõ hơn về các nhà khoa học với những khó khăn họ phải trải qua, những sự hiểu lầm họ bị gán ghép… sự dũng cảm cũng như nỗ lực phi thường của họ trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học.  

Để rồi công chúng sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, bản thân các nhà khoa học vững bước hơn trên con đường mình đã chọn, và thậm chí tốt hơn nữa, những con người trẻ sẽ được truyền cảm hứng để bước trên con đường ấy, nhằm đem lại các tiến bộ vượt bậc cho nhân loại.

Tác giả cuốn sách Joe Miller là nhà báo của tờ Financial Times tại Franfurt, Đức. Trong đại dịch Covid-19, ông đã phỏng vấn 60 nhà khoa học, chính trị gia, nhân viên y tế công cộng để tường thuật lại một cách hấp dẫn, lôi cuốn, dễ hiểu câu chuyện phi thường, sự ra đời của vắc-xin mRNA BioNTech- Pfizer, loại vắc-xin đầu tiên được cấp phép sử dụng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Vui giải chạy Pháp ngữ “Elle peut!”

Tóm tắt: 

Với chủ đề “Elle peut” (Cô ấy có thể), Giải chạy Pháp ngữ 2022 là lời cam kết của mỗi cá nhân trong cộng đồng Pháp ngữ đóng góp cho sự phát triển bền vững của quốc gia và xã hội.

Sau một năm bị hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, Giải chạy Pháp ngữ “Elle peut!”, được khởi xướng bởi Bộ Ngoại giao, UBND TP. Hà Nội, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) đã diễn ra sáng nay ngày 21/5/2022 tại Hồ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Dự lễ khai mạc về phía Việt Nam có sự hiện diện của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Nguyễn Thúy Anh; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung cùng đại diện các bộ, ngành và các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Về phía quốc tế có sự xuất hiện của Đại sứ Canada, Chủ tịch Nhóm các đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) Shawn Steil; Đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Chékou Oussouman; Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương Laurent Sermet, …

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Hà Nội là Thủ đô cổ kính với hơn 1.000 năm tuổi, có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trong đó, văn hóa Pháp, ngôn ngữ Pháp là một phần quan trọng trong lịch sử phát triển của TP Hà Nội. Tiếng Pháp vẫn được nhiều người dân Hà Nội sử dụng, yêu mến và tiếp tục phổ biến, nhân rộng”.

Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: “Sự kiện càng thêm ý nghĩa khi diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31, đồng thời góp phần hỗ trợ thiết thực cho 3 sáng kiến của nữ giới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Giải chạy còn biểu hiện sinh động sự ủng hộ các giá trị về hòa bình, phát triển bền vững, đa dạng, bình đẳng, tôn trọng và đoàn kết".

Với chủ đề “Elle peut” (Cô ấy có thể), Giải chạy Pháp ngữ 2022 là lời cam kết của mỗi cá nhân trong cộng đồng Pháp ngữ đóng góp cho sự phát triển bền vững của quốc gia và xã hội.

Bên lề Giải chạy Pháp ngữ 2022 được diễn ra trong bầu không khí hết sức sôi nổi và "máu lửa" tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội thì các hoạt động âm nhạc, trò chơi, gian hàng, triển lãm, … của các học sinh đến từ các Trường Tiểu học, Trung học và Đại học cũng náo nhiệt không kém.

Tuy chỉ mới 2 năm kể từ ngày quyết định thành lập lớp song ngữ tiếng Pháp (năm 2020-2021) tại Trường Tiểu học Thịnh Quang nhưng với sự hưởng ứng phong trào của Nhà trường cùng với sự nhiệt huyết của phụ huynh, năm nay Trường Tiểu học Thịnh Quang đã tham gia gian trại và đóng góp 3 tiết mục văn nghệ cho hoạt động bên lề của Giải chạy Pháp ngữ 2022 đến từ các em học sinh lớp 1P và lớp 2P.

Một số hình ảnh của cô và trò Trường Tiểu học Thịnh Quang:

Cô và trò lớp 1P trường Tiểu học Thịnh Quang
Cô và trò lớp 2P trường Tiểu học Thịnh Quang
Học sinh lớp 2P trường Tiểu học Thịnh Quang khởi động trước giờ biểu diễn
Tiết mục biểu diễn của học sinh trường Tiểu học Thịnh Quang

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Phát hành cuốn sách “Mật mã ung thư - Hiểu biết mới đột phá về bí ẩn ung thư”

Tóm tắt: 

Cuốn sách “Mật mã ung thư - Hiểu biết mới đột phá về bí ẩn ung thư” cung cấp những hiểu biết mới nhất về căn bệnh được mệnh danh là “hoàng đế của các loại bệnh”, cũng như những hi vọng mới trong cuộc chiến chống lại nó.

Cuốn sách “Mật mã ung thư - Hiểu biết mới đột phá về bí ẩn ung thư” cung cấp những hiểu biết mới nhất về căn bệnh được mệnh danh là “hoàng đế của các loại bệnh”, cũng như những hi vọng mới trong cuộc chiến chống lại nó.

Những hiểu biết mới

Ung thư vẫn luôn là điều bí ẩn nhất của y học. Y học từ lâu đã làm sáng tỏ nguyên nhân của nhiều loại bệnh. Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm gây ra. Tắc nghẽn động mạch dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên.

Xơ nang là một bệnh di truyền. Bệnh gout là do thừa axit uric. Trong số những căn bệnh phổ biến, ung thư lại hoàn toàn khác biệt. Nguyên nhân gây ung thư là gì? Tại sao ung thư tồn tại? Ung thư là loại bệnh gì?”

Nhân loại đã đi qua ba mô hình lớn trong quá trình tìm hiểu về ung thư. Mô hình ung thư 1.0 coi ung thư là bệnh của sự tăng trưởng quá mức. Mô hình ung thư 2.0 coi ung thư là bệnh của các đột biến gen ngẫu nhiên gây tăng trưởng quá mức. Cả hai mô hình trên đều làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về ung thư, nhưng chúng vẫn có thiếu sót. Bằng cách theo đuổi bí ẩn về sự hình thành ung thư, đi qua thời điểm khởi đầu của nhân loại, về đến tận khi sự Sống đa bào mới manh nha, mô hình ung thư 3.0 đã phát hiện ra những hiểu biết mới sâu sắc về kẻ thù đáng quan tâm này.

Trong cuốn sách “Mật mã ung thư - Hiểu biết mới đột phá về bí ẩn ung thư”, bác sĩ Jason Fung đã giải thích rõ cho độc giả về ung thư theo mô hình 3.0 này. Theo đó, nhiều nhà khoa học cho rằng: Hạt giống ung thư nằm trong mọi tế bào của mọi sự sống đa bào. Ung thư là một hiện tượng lại giống, một sự quay trở lại với quy tắc cũ, vốn được hình thành khi một tế bào phải đấu tranh để tồn tại (sự biến đổi). Việc hạt giống phát triển mạnh hay không phụ thuộc vào môi trường sống (đất trồng). Khía cạnh quan trọng nhất của sự tiến triển là những lộ trình tăng trưởng của cơ thể - đồng thời cũng là những lộ trình cảm ứng dinh dưỡng.

Bệnh của sự tăng trưởng chính là bệnh của sự trao đổi chất. Bệnh của sự trao đổi chất cũng chính là bệnh của sự tăng trưởng. Ung thư là một bệnh của tiến hóa và sinh thái học. Mặc dù chắc chắn là còn nhiều điều chưa được khám phá, mô hình ung thư mới này chính là biểu hiện của một bước tiến lớn.

Những hiểu biết mới sâu sắc này đã đem lại những phương pháp điều trị mới. Cuối cùng chúng ta cũng được thấy tỉ lệ mắc ung thư và tử vong do ung thư giảm xuống, khi chúng ta hiểu được những lợi ích và cả những hạn chế của các chương trình tầm soát. Cùng với việc nhận ra bản chất hai mặt của những thứ vũ khí điều trị ung thư bằng cách hủy diệt tế bào hàng loạt, chúng ta đã cải thiện chúng, nhằm mang lại độ chính xác cao hơn. Có lẽ chúng ta không cần lúc nào cũng phải tiêu diệt tế bào ung thư.

Chúng ta đang phát triển những loại vũ khí tác động toàn thân thông qua hệ miễn dịch, thứ sẽ săn lùng và tiêu diệt các tế bào ung thư, dù chúng có trốn ở bất cứ đâu.

Nhưng một trở ngại mới đã phát sinh. Đại dịch béo phì đang làm tăng tỉ lệ mắc những loại ung thư có liên quan tới nó, bao gồm ung thư gan, ung thư vú và ung thư đại tràng. Trong khi tỉ lệ mắc phần lớn các loại ung thư đang giảm dần, tỉ lệ mắc các loại ung thư này lại có chiều hướng tăng lên. Nhưng chúng ta vẫn có lý do để lạc quan. Dinh dưỡng là thứ vũ khí chính của chúng ta để chống lại các loại ung thư liên quan đến béo phì. Bằng cách thay đổi chế độ ăn của mình, chúng ta có thể giúp giảm thiểu mối đe dọa này.

Niềm hy vọng mới

Chuyên ngành ung thư đã không thay đổi gì nhiều trong hàng thập niên khi cộng đồng khoa học và y khoa chậm chạp đi qua từng mô hình. Nhưng BS. Fung cho rằng nhân loại có thể hi vọng vào tương lai, bởi vì những hiểu biết mới của chúng ta có thể thúc đẩy sự tiến bộ theo những cách không ngờ. Ung thư không giống bất kỳ căn bệnh nào khác mà y học từng đối mặt. Câu chuyện về ung thư còn lạ lùng hơn cả khoa học viễn tưởng, và chúng ta phải cần đến những kiến thức sâu sắc từ một nhà sinh học vũ trụ để tìm được phương hướng đúng.

Sự nhận thức về một mô hình ung thư mới đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trong nhiều thập niên, chúng ta có cơ hội tạo ra tiến bộ thực sự trong cuộc chiến chống ung thư dai dẳng. Một niềm hi vọng mới bắt đầu xuất hiện. Bình minh ngày mới bắt đầu lộ diện.

Dinh dưỡng là thứ vũ khí chính của chúng ta để chống lại các loại ung thư liên quan đến béo phì. Bằng cách thay đổi chế độ ăn của mình, chúng ta có thể giúp giảm thiểu mối đe dọa này.

Việc phòng ngừa và tầm soát phát hiện sớm ung thư đã giúp tỷ lệ mắc nhiều căn bệnh ung thư như ung thư phổi, cổ tử cung, đại trực tràng giảm tỷ lệ đáng kể từ năm 1970 đến nay.

Cuối cùng là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch đang hứa hẹn mang đến cho nhân loại phương pháp điều trị ung thư triển vọng nhất trong 30 năm qua.

Và cuốn sách “Mật mã ung thư - Hiểu biết mới đột phá về bí ẩn ung thư” này sẽ giúp soi rọi một phần ánh sáng nào đó vào căn bệnh khó hiểu nhất trong những bí ấn của y học này.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Khởi động dự án vì sông Mê Kông không rác

Tóm tắt: 

Các hoạt động của dự án sẽ góp phần giúp TP. Cần Thơ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực Chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn, một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố.

Các hoạt động của dự án sẽ góp phần giúp TP. Cần Thơ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực Chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn, một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố.

Thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm: (i) Thực hiện các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển; (ii) Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

TP. Cần Thơ là địa điểm du lịch sông nước nên thơ và đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Nhằm góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ văn minh và sạch đẹp, thời gian qua, thành phố đã tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu gom, phân loại rác thải trên địa bàn.

Trong những nỗ lực đó, dự án Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ do Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam (Dow Việt Nam) tài trợ và được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) với sự ủng hộ và đồng hành của UBND TP. Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Cần Thơ và chính quyền địa phương hai Quận Bình Thủy và Cái Răng đã được phê duyệt vào tháng 3/2022 sau khi tiến hành khảo sát điều kiện triển khai thực tế tại TP. Cần Thơ.

Ngày 18/05/2022, tại TP. Cần Thơ, nhằm chính thức khởi động dự án và hướng tới nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP. Cần Thơ phối hợp cùng GreenHub và RECERD đã tổ chức Lễ khởi động Dự án Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ do Dow Việt Nam tài trợ. 

Nổi bật là trong khuôn khổ sự kiện, đại diện của các bên bao gồm: Sở TN&MT TP. Cần Thơ, UBND quận Bình Thủy, UBND quận Cái Răng, Dow Việt Nam và GreenHub đã tiến hành kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác, chính thức khởi động dự án và tạo tiền đề hợp tác chặt chẽ và lâu dài để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải trên sông Mê Kông thuộc địa phận Cần Thơ.

Tại buổi lễ khởi động, bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ phát biểu: ”Dự án “Vì sông Mekong không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở thành phố Cần Thơ”, sẽ được triển khai thực hiện tại cồn Sơn và chợ nổi Cái Răng của thành phố Cần Thơ. Với mục tiêu là thúc đây nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý rác thải của cộng đồng địa phương; tăng cường hoạt động thu gom, phân loại rác thải, tái sử dụng và tái chế rác thải. Các hoạt động của dự án sẽ góp phần giúp TP. Cần Thơ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực Chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn, một trong những điểm nhấn du lịch của thành phố.

Dự án này còn mang ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động hợp tác, chung tay bảo vệ môi trường của Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như hy vọng mở ra các hoạt động hợp tác lâu dài giữa thành phố Cần Thơ với Tổ chức CAF, và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.”

Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám Đốc Dow Việt Nam cho biết: Là nhà tài trợ của dự án, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng kết quả và các bài học chính của dự án này sẽ là thực hành tốt nhất để thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường và Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đóng góp vào mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là giảm lần lượt 50% và 75% chất thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 2030 trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030.”

Thông qua quản lý chất thải từ các nguồn xả rác chính vào sông Mê Kông thuộc địa phận Cần Thơ, dự án Vì sông Mê Kông không rác - Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ sẽ thúc đẩy Mô hình Thí điểm Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam, giảm thiểu rác từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý chất thải đối với các cộng đồng địa phương sống trên sông.

Chợ nổi Cái Răng

 

Dự án sẽ đóng góp cải thiện môi trường sống và bảo tồn hệ sinh thái bằng việc giảm khoảng 300 – 400 tấn rác thải mỗi năm trên sông Mê Kông và trực tiếp giúp đỡ cuộc sống của hơn 150.000 người (15 cộng đồng) sinh sống tại 2 quận nơi dự án sẽ triển khai: Quận Bình Thủy và Quận Cái Răng. Ngoài ra, đây cũng là dự án chủ đạo của Hợp tác Công - Tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa mà Dow Việt Nam cùng với Bộ TT&MT và các công ty khác thành lập vào năm 2020.

Dow hoạt động kinh doanh toàn cầu; tập trung vào đổi mới, sáng tạo và chuyên sâu về khoa học vật liệu; dẫn đầu các vị trí kinh doanh trên thị trường; và đứng đầu về chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để đạt được tăng trưởng lợi nhuận và hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Dow đã có mặt ở Việt Nam kể từ năm 1995. Hiện nay công ty có khoảng 110 nhân viên tại 03 cơ sở: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và 01 nhà máy sản xuất ở tỉnh Đồng Nai. Dow là đối tác đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam bằng cách tạo giá trị gia tăng cho những ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến, cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo và bền vững hơn nhằm giúp Việt Nam giải quyết các thách thức, đồng thời cũng là một thành viên quan tâm chăm lo đến cộng đồng Việt Nam.

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) là Tổ chức Khoa học - Công nghệ thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA), được chính thức thành lập vào ngày 15/3/2016 với sứ mệnh tạo dựng nền tảng, kết nối cộng đồng và nguồn lực để thực hành lối sống xanh, sản xuất xanh và bảo tồn thiên nhiên. GreenHub tập trung hoạt động trong các lĩnh vực chính: Không rác thải; Ô nhiễm nhựa và Rác thải biển; Kinh doanh Bao trùm và Nông nghiệp bền vững; bảo tồn thiên nhiên.

 ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Về làng rau ven phố Hội

Tóm tắt: 

Trở lại thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam) vào đúng kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, những ấn tượng, xúc cảm trong tôi vẫn vẹn nguyên như lần đầu.

Trở lại thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam) vào đúng kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, những ấn tượng, xúc cảm trong tôi vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Cách đầu làng vài trăm mét đã cảm nhận rõ hương rau thơm ngát lan tỏa dìu dịu trong không gian. Điểm đến xanh nổi tiếng với du khách quốc tế này cứ như thể đứng ngoài cơn lốc đô thị hóa để giữ được vẻ đẹp yên bình, mộc mạc mà độc đáo...

Vẻ đẹp làng rau Trà Quế nhìn từ trên cao. (Ảnh KIM LIÊN)

Làng rau Trà Quế cách trung tâm phố cổ Hội An chỉ khoảng 2,5 km về phía đông bắc, nếu có thể thì di chuyển bằng xe đạp là lý tưởng nhất. Được bao bọc bởi sông Đế Võng và đầm Trà Quế, nơi đây có không khí trong lành quanh năm.

Nghề trồng rau thành di sản

Với tôi, "bức tranh" Trà Quế đẹp mơn mởn, đầy sức sống với những dải mầu xanh đa dạng sắc độ từ đậm đến nhạt. Thôn xóm chung quanh là những nếp nhà nhỏ đặc trưng nông thôn xứ Quảng với hàng cau thẳng tắp, cây mai trước sân, ngói đỏ tường vàng… Khác biệt lớn nhất so với mấy năm trước có lẽ là việc vắng hẳn khách Tây. Tuy nhiên, vẫn có một số du khách quốc tế đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ, đã nghe danh Trà Quế và tìm đến đây ngay khi du lịch Việt Nam mở cửa. Hiroki Tanaka (quốc tịch Nhật Bản), sinh viên khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét chuyến đi rất bổ ích đối với việc học của mình, nhưng hơn thế còn là những trải nghiệm đáng nhớ: "Những ruộng rau tươi tốt không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Những người nông dân hiền hậu, chân thành... Vùng quê này gần khu phố du lịch nhưng không xô bồ, ồn ào. Tôi mong sớm có dịp quay lại và sẽ giới thiệu cho bạn bè".

Vào làng rau, dù đi theo tua hay không thì vẫn có cơ hội nghe nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa. Có thể nhập hội với các đoàn khách có hướng dẫn viên để nghe thuyết minh, hoặc hỏi chuyện chính những người dân quê ở đây. Những con đường nhỏ trong làng được đặt theo tên các loại rau, rất thân thiện và dễ thương, như đường Mùng Tơi, đường Rau Cải… Thật thú vị khi biết rằng làng Trà Quế đã được lập từ hơn bốn thế kỷ trước, với danh xưng đầu tiên là Nhự Quế, ngụ ý rau thơm nồng nàn như cây quế. Theo cứ liệu được ghi chép tại làng, vào đầu thế kỷ 18, một vị vua triều Nguyễn du ngoạn trên sông Đế Võng đã ghé làng, vua ăn và cảm nhận rau không chỉ cay nồng như quế mà còn có vị thơm mát của hoa trà, nên đổi danh xưng Nhự Quế thành Trà Quế. Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, hiện Trà Quế có 207 hộ chuyên trồng rau với 345 lao động, cho sản lượng gần 800 tấn rau mỗi năm, giá trị đạt hơn 10 tỷ đồng. Làng Trà Quế có khoảng 18 ha trồng 55 loại rau, nổi bật là các loại rau thơm, rau gia vị. Vẫn là húng quế, hành lá, ngò rí (rau mùi), ngò gai (mùi tàu), tía tô, rau é, rau răm, xà lách, diếp cá… nhưng rau Trà Quế đã khẳng định được thương hiệu rau sạch, rau an toàn. Những món ăn địa phương hấp dẫn như cao lầu, mỳ Quảng, cơm gà, bánh xèo… cũng không thể thiếu vị rau thơm Trà Quế. Qua kinh nghiệm truyền đời, nhiều loại rau còn được dùng như các vị thuốc dân gian, có tác dụng giải cảm, chữa phong hàn, phát ban, đau bụng và một số bệnh thông thường.

Tận mắt chứng kiến công việc thường ngày của người dân Trà Quế, sẽ thấy được quá trình vất vả, kỳ công nhưng cũng đầy cảm hứng của họ. Nông dân áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng hóa chất và có hệ thống tưới tiêu tự động hỗ trợ. Song song với đó là duy trì những bí quyết truyền thống để tạo nên những luống rau thơm ngon nổi danh. Chẳng hạn như việc trừ sâu bằng chế phẩm từ tỏi và ớt, trồng xen kẽ các loại hoa dẫn dụ sâu bọ. Hoặc dùng rong chân vịt, rong đuôi chồn vớt từ đầm Trà Quế để làm phân xanh bón ruộng. Ông Mai Cử (55 tuổi), cư dân Trà Quế cho biết, rong phân hủy nhanh, giữ độ ẩm tốt và làm tơi xốp đất. Trong làng, hộ trồng rau nào mà lao động chính tuổi cao sức yếu không đi lấy rong được thì hộ khác sẽ lấy giúp để cùng bón rau. Không chỉ đẹp mắt hay ngon miệng, cây rau nhỏ bé ở Trà Quế còn chứa đựng tình cảm quê hương, xóm giềng đoàn kết, nhân văn như vậy.

Với những giá trị nổi bật, mới đây nghề trồng rau Trà Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hạng mục tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.

Một ngày làm nông dân

Ca dao xứ Quảng xưa có câu: "Muốn về Trà Quế trồng rau/ Sợ e gánh nước hai gàu không quen" (hoặc "Sợ e gánh nước hai gàu chai vai"). Nhưng đó là chuyện thuở nào, giờ đây, muốn về trồng rau ở Trà Quế, người ta phải trả tiền, đặt chỗ. Trên nền tảng tư vấn và dịch vụ du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, làng rau Trà Quế xếp thứ 6/106 hoạt động vui chơi, trải nghiệm ở Hội An, do du khách bình chọn. Không chỉ đến ngắm rau, chụp những tấm ảnh đẹp, bạn còn có dịp tìm hiểu về các công đoạn trồng rau, thử làm nông dân ra đồng tưới rau hoặc thu hoạch. Ngoài ra, trải nghiệm đạp xe quanh làng, cưỡi trâu, tập nấu các món ăn bản địa... cũng được nhiều du khách đánh giá cao. Giá vé tham quan là 35 nghìn đồng/lượt, các hoạt động khác cũng có mức giá hợp lý, hoặc có thể được miễn phí nếu khách lưu trú tại chính homestay của chủ vườn rau. Tôi đã có dịp tham gia một "cooking class" (buổi dạy nấu ăn cho du khách) với món gỏi (nộm) đu đủ và tam hữu (giọng Quảng phát âm là "tôm hữu"). Với hơn 200 nghìn đồng, các "học viên" từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước ngoài được hướng dẫn nhiệt tình trong không khí giao lưu vui vẻ, rồi thưởng thức luôn món ăn tự tay mình làm. Tam hữu là món ăn đặc biệt do người xứ Quảng sáng tạo. Tam hữu (nghĩa là ba người bạn), nôm na là món ăn gồm ba thức chính: tôm, thịt và rau thơm. Một cuộn tam hữu chỉ đơn giản là một con tôm đất xào chín, kèm theo một lát thịt heo (lợn) luộc và cọng rau húng, được quấn quanh bằng lá hành trụng tái rồi chấm vào chén nước mắm chua ngọt. Tất cả nguyên liệu đều là sản vật địa phương, đơn giản nhưng kết hợp lại thì trở thành một món ẩm thực ngon và ý nghĩa.

Năm 2015, nhật báo Le Figaro của Pháp đã giới thiệu Trà Quế là một trong 10 điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Việt Nam. Từ năm 2018, Trà Quế đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP gắn liền với du lịch nông nghiệp. Theo thống kê năm 2021 của địa phương, có 45 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, mở nhà hàng, homestay. Hoạt động tham quan làng rau Trà Quế được đưa vào chương trình của hầu hết các tua du lịch của các hãng lữ hành cả trong nước và nước ngoài. Trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" thì kén khách hơn một chút, dành cho những tâm hồn ưa khám phá, muốn tìm về thiên nhiên, quan tâm tới lối sống "xanh" và không ngại lao động nặng nhọc. Hình ảnh các "ông Tây" cao to, quần xắn cao, lom khom cuốc đất, hay những cô gái tóc vàng đội nón lá, gánh đôi gàu nghiêng nghiêng tưới nước… đã không còn xa lạ ở làng rau nhỏ này. Và đáng mừng là không chỉ khách ngoại quốc, mà ngày càng nhiều người Việt Nam cũng tìm đến và thích thú. Bà Đỗ Thị Thanh, một nông dân Trà Quế có hơn 20 năm trồng rau và chuyên bán sỉ, giờ đây cũng đã kiêm luôn công việc hướng dẫn du khách làm đất, rẽ luống, gieo hạt, nhổ cỏ... Bà bảo, thấy khách chăm chú lắng nghe và làm theo, tự mình cũng thấy vui. Một số khách nước ngoài còn chia sẻ trên blog cá nhân hoặc các diễn đàn du lịch về cách "mời gọi", "hẹn ước" đáng yêu, khó chối từ của dân Trà Quế: Sau khi họ tự tay trồng rau, homestay sẽ gìn giữ, chăm bón luống rau đó trong lúc khách tiếp tục đi thăm thú các vùng miền khác của Việt Nam, sau đó hai đến bốn tuần họ có thể quay lại thưởng thức thành quả của mình.

Những năm gần đây, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đã trở thành xu hướng và càng lan tỏa mạnh mẽ. Khi đến với một miền đất mới, du khách không chỉ cần những trải nghiệm ăn, ở mới lạ mà còn muốn tìm hiểu các giá trị của văn hóa bản địa, của cộng đồng. Tiếp bước làng rau Trà Quế, vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An) cũng dần ghi dấu trên bản đồ du lịch xanh. Cách phố cổ 4 km, vườn rau đẹp như một công viên với hàng chục loại rau, củ, quả theo mùa, xanh mướt từ trên những giàn cao xuống dưới mặt đất. Du khách ngoài tham quan, trải nghiệm làm nông, còn có thể mua các loại trái cây hay sản phẩm khô, chế biến sẵn như siro atiso, trà atiso, trà quế, trà sả,... Điểm nhấn độc đáo của tua du lịch ở đây là trải nghiệm được ngâm chân thư giãn trong nước nấu từ các loại lá thảo mộc, tham gia nấu ăn cùng người dân và thưởng thức ngay tại vườn.

Hiện nay, thành phố Hội An đã xây dựng được 5 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn chặt với hoạt động du lịch, gồm rau hữu cơ Thanh Đông, rau VietGAP Trà Quế, nông nghiệp hữu cơ Cẩm Kim, khai thác-tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng Cù Lao Chàm và nông nghiệp hữu cơ Thanh Tây (phường Cẩm Châu). Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, chính quyền đã đặt vấn đề phát triển bền vững di sản "nghề trồng rau Trà Quế", cũng như khẳng định thành phố sẽ phát triển điểm dừng chân tại làng rau theo hướng chất lượng bên cạnh kết nối làng rau với các điểm đến khác như Cẩm Châu, sông Cổ Cò, Điện Dương… bằng các tua xe đạp, sinh thái cùng với mở rộng không gian du lịch làng rau Trà Quế.

Với thông điệp "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" của Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, xứ Quảng đang nỗ lực trong khai thác thế mạnh, tiềm năng để trở thành địa phương tiên phong của du lịch xanh trên cả nước. Và những làng rau mênh mông mầu xanh như Trà Quế đang góp phần xây dựng thương hiệu du lịch xanh, cuộc sống xanh ở nơi đây.

 Nguồn: MỸ HẠNH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/ve-lang-rau-ven-pho-hoi-697079/

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường