Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

Hơn 1 tỷ người trên thế giới sẽ được phủ sóng 5G vào cuối năm 2020

Năm 2030, dự báo doanh thu tiêu dùng tiềm năng từ 5G của các nhà cung cấp dịch vụ ở Đông Nam Á, châu Đại Dương và Ấn Độ sẽ là 297 tỷ USD.

5G là thế hệ công nghệ di động được triển khai nhanh nhất từ trước đến nay

Theo báo cáo Di động mới nhất (Mobility Report) của Ericsson, đến năm 2026, cứ 10 thuê bao di động thì có 4 thuê bao 5G. Tốc độ tăng trưởng thuê bao và tốc độ mở rộng vùng phủ 5G hiện tại khẳng định rằng 5G là thế hệ công nghệ kết nối di động được triển khai nhanh nhất từ trước đến nay.

Theo ước tính của báo cáo, đến cuối năm 2020, hơn 1 tỷ người - 15% dân số thế giới - sẽ được phủ sóng 5G. Đến cuối năm nay, dự kiến toàn thế giới sẽ có 220 triệu thuê bao 5G.

Đến năm 2026, dự báo 60% dân số thế giới sẽ được phủ sóng 5G và số lượng thuê bao 5G đạt 3,5 tỷ, chiếm 50% lưu lượng dữ liệu. 5G cũng sẽ là công nghệ phổ biến thứ nhì tại Đông Nam Á và châu Đại Dương vào năm 2026, chỉ sau LTE, với hơn 380 triệu thuê bao, chiếm 32% tổng số thuê bao di động.

Tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, lưu lượng dữ liệu di động tiếp tục tăng ổn định với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 33% trong giai đoạn dự báo. Năm 2026, dự kiến tổng lưu lượng dữ liệu di động mỗi tháng sẽ lên tới 32 EB, tương đương 33 GB trên mỗi điện thoại thông minh. Các nhà mạng ở những vùng địa lý khác nhau đưa ra những gói cước đa dạng và hấp dẫn, đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dữ liệu di động.

Nửa cuối năm nay đã chứng kiến một số mạng 5G thương mại được ra mắt ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, với một số mạng đang được vận hành khai thác tại Úc, New Zealand và Thái Lan. Trong năm tới, các quốc gia như Malaysia sẽ triển khai mạng 5G sau các cuộc đấu giá phổ tần thực hiện theo kế hoạch năm 2021.

Báo cáo Di động của Ericsson nêu rõ lý do tại sao thành công của 5G sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi phủ sóng hoặc số lượng thuê bao. Giá trị của 5G cũng sẽ được xác định bởi các phương án sử dụng và ứng dụng mới đang từng bước hình thành. Mạng 5G sẽ hỗ trợ các công nghệ IoT thiết yếu, được sử dụng trong cho các ứng dụng có yêu cầu chặt chẽ về thời gian cung cấp dữ liệu. Nhờ đó, các mạng 5G công cộng và chuyên dụng có thể tạo ra các dịch vụ có yêu cầu chặt chẽ về thời gian cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và các đơn vị công lập trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trò chơi điện tử trên nền tảng đám mây là một loại hình ứng dụng mới nổi khác. Sự kết hợp của mạng 5G và công nghệ tính toán vùng biên mạng tiên tiến cho phép tạo ra các dịch vụ phát trực tuyến trò chơi trên điện thoại thông minh với chất lượng trải nghiệm (QoE) ngang bằng với máy tính PC hoặc máy chơi điện tử, đưa các trò chơi cuốn hút và sáng tạo lên thiết bị di động.

5G giúp Việt Nam phát huy hết tiềm năng, đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số

Còn theo báo cáo Khai thác tiềm năng công nghệ 5G cho người tiêu dùng mới từ Ericsson ConsumerLab, đến năm 2030, giá trị thị trường 5G cho người tiêu dùng toàn cầu có thể lên đến 31.000 tỷ USD, trong đó doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) chiếm 3,7 nghìn tỷ USD - con số này có thể tăng thêm khi có thêm những cơ hội dịch vụ số mới.

Báo cáo ước tính rằng ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, các CSP có thể thu được 297 tỷ USD từ người tiêu dùng sử dụng 5G đến năm 2030. Thị trường dịch vụ băng thông rộng 5G sẽ có giá trị gần 229 tỷ USD vào năm 2030. 79% tổng doanh thu từ dịch vụ số 5G của nhà cung cấp dịch vụ, ước tính đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2030, sẽ đến từ video và âm nhạc chất lượng cao HiFi. Các dịch vụ số 5G sẽ bao gồm video, âm nhạc, trò chơi, thực tại ảo/thực tại tăng cường và IoT cho người tiêu dùng.

Trước số liệu của các báo cáo, ông Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Mạng của Công ty Ericsson, cho biết: "Trong năm nay, xã hội đã có một bước tiến lớn hướng tới số hóa. Đại dịch đã chỉ rõ tác động của kết nối đến cuộc sống của chúng ta và chính đại dịch cũng đóng vai trò chất xúc tác cho sự thay đổi nhanh chóng. Điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong báo cáo Di động mới nhất của Ericsson".

5G đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, khi mà các thiết bị và ứng dụng mới tận dụng tối đa những lợi ích do 5G mang lại trong khi các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục triển khai 5G. Mạng di động là một cơ sở hạ tầng quan trọng đối với nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày và 5G sẽ là chìa khóa cho sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai.

Còn theo nhận định của ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam và Myanmar, với độ tin cậy vượt trội, tốc độ dữ liệu cao và độ trễ thấp, 5G hứa hẹn sẽ giúp các nhà mạng tại Việt Nam quản lý hiệu quả hơn lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng trong giai đoạn đầu, sau đó từng bước phát triển các phương án sử dụng 5G phù hợp với người tiêu dùng và các DN trong nước. 

Ông Denis Brunetti cũng cho rằng: "5G sẽ giúp Việt Nam phát huy hết tiềm năng, đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số và đón nhận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng sẽ thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với tầm nhìn chiến lược của Chính phủ."

Nguồn: ictvietnam.vn

Mô hình làm việc lai: Xu hướng tất yếu của DN trong trạng thái bình thường mới

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách thức con người sống và làm việc. Làm việc từ xa trước đây còn là một khái niệm khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và lãnh đạo hoài nghi về tính hiệu quả so với làm việc tại văn phòng nhưng nay đã có những thay đổi.

Hiệu quả làm việc từ xa tăng lên

Theo kết quả khảo sát mới đây với hơn 1000 nhân viên văn phòng tại Anh của công ty tư vấn và dịch vụ trực tuyến Hoxby, các lãnh đạo DN đã thực sự ngạc nhiên khi hiệu quả làm việc từ xa của nhân viên trong bối cảnh Covid-19 tăng 52% so với trước đây.

Hầu hết 2/3 nhân viên được khảo sát cho biết họ thực sự thoải mái khi làm việc từ xa vì họ có thể dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Thậm chí con số này là 72% với các nhân viên có con nhỏ.

1/4 nhân viên được khảo sát cho biết họ mong muốn được tiếp tục làm việc từ xa ít nhất nửa thời gian trong tuần sau khi kết thúc đại dịch Covid-19 và 12% tin rằng họ sẽ tiếp tục làm việc từ xa hoàn toàn.

Đặc biệt, khảo sát đã chỉ ra 70% chủ DN và 78% lãnh đạo cấp cao đều cho rằng làm việc từ xa sẽ là "tương lai" trong DN của họ. 1/3 lãnh đạo còn cho biết họ đang cân nhắc chuyển toàn bộ DN của mình sang hình thức làm việc từ xa, và 42% chủ DN cho biết họ đang thu hẹp diện tích mặt bằng công ty.

Google cho biết 10% nhân viên của họ hoàn toàn không muốn đến văn phòng trong tương lai, 15% cho biết họ chỉ thấy cần đến văn phòng khi có việc cần hoặc sự kiện đặc biệt. 62% muốn thỉnh thoảng đến văn phòng nhưng không muốn đến văn phòng mỗi ngày. Trong khi đó, Facebook khẳng định khoảng 50% nhân viên có thể làm việc từ xa trong 5 - 10 năm tới. Twitter sẽ cho phép một số nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà "vĩnh viễn" nếu họ chọn. Microsoft mới đây cũng cho phép nhân viên linh hoạt lựa chọn làm việc từ xa với thời lượng dưới 50% tổng thời lượng giờ làm việc.

Hình thức làm việc lai sẽ phổ biến

Vậy, chúng ta có quay trở lại văn phòng làm việc như trước kia không? Theo nghiên cứu, một phần lớn lực lượng lao động sẽ tiếp tục làm việc từ xa và chỉ đến văn phòng vài lần trong tuần khi cần thiết. Họ sẽ duy trì cả hình thức làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa. Đây sẽ là hình thức làm việc phổ biến trong tương lai, gọi là "hybrid working", hình thức làm việc lai.

Theo số liệu từ ASUS Việt Nam, 75% DN Việt Nam sẵn sàng làm việc từ xa trong đại dịch Covid-19. Khoảng 82% DN đã ban hành chính sách làm việc linh động cho nhân viên và 66% nhân viên khẳng định chính sách làm việc linh hoạt đã được áp dụng tại nơi làm việc của họ. Tuy nhiên, khi Covid-19 qua đi, đứng trước trạng thái bình thường mới, các DN Việt đã sẵn sàng để thích nghi với hình thức làm việc lai hay chưa?

Để sẵn sàng và đạt được tối đa những lợi ích từ mô hình làm việc lai, bên cạnh việc xây dựng chính sách, triển khai nền tảng công nghệ đám mây, thì việc trao quyền cho nhân viên cũng như trang bị đầy đủ những công cụ phù hợp đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công khi nhân viên làm việc từ xa cần cần thiết và cần chú ý một số yếu tố:

Thiết bị hiện đại:

Cũng theo nghiên cứu của ASUS Việt Nam, 34% DN e ngại về thời lượng pin của máy tính xách tay hay iPad kém hạn chế khả năng làm việc từ xa và sự linh hoạt của nhân viên. 31% DN lo lắng thiết bị máy tính và phần mềm CNTT hiện tại của nhân viên không đủ mạnh, làm giảm hiệu suất. 33% DN lo lắng đến chi phí mua sắm và thay mới thiết bị CNTT cho nhân viên khi làm việc từ xa.

Do đó, để có thể thích nghi với hình thức làm việc từ xa, nhân viên cần được trang bị những thiết bị làm việc hiện đại, phù hợp với những tiêu chuẩn và yêu cầu việc làm việc từ xa và di chuyển. Tùy vào tính chất công việc và vị trí của mỗi nhân viên mà đó có thể là máy tính xách tay, máy tính bảng hay máy tính để bàn. Chúng cần được DN quản lý từ xa để có thể nâng cao năng suất, hiệu quả và kiểm soát được ai sử dụng và sử dụng cho mục đích gì.

Khả năng cộng tác:

Để có thể làm việc từ xa, các thiết bị làm việc của nhân viên phải được trang bị các ứng dụng cộng tác, trao đổi, chia sẻ hiện đại, hỗ trợ cùng lúc các tính năng trao đổi thông tin, chia sẻ tài liệu, hình ảnh, video, họp trực tuyến, trình chiếu tài liệu, ghi âm cuộc họp, trao đổi thảo luận đa chiều.

Tháng 3/2020 vừa qua, Microsoft đã ghi nhận tổng số video cuộc họp được ghi lại trên ứng dụng cộng tác Microsoft Teams tăng kỷ lục 1000%. Trong một ngày, Microsoft Teams cũng đã truy xuất lưu trữ 2,7 tỷ biên bản họp trên toàn thế giới.

An toàn và bảo mật:

Khi đã được trang bị các công cụ và thiết bị làm việc từ xa cần thiết, nhân viên cần được cấp quyền truy cập và đảm bảo việc truy cập vào hệ thống và dữ liệu DN phải được bảo mật. Điều đó có nghĩa là không chỉ cần triển khai những nền tảng và giải pháp bảo mật cho hệ thống mà các thiết bị được sử dụng làm việc từ xa như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng… cần được tích hợp sẵn lá chắn bảo mật cao cấp, bao gồm tường lửa và các tính năng bảo vệ internet giúp ngăn chặn các loại virus, malware và ransomeware.

Thực tế cho thấy sau khi xuất hiện đại dịch Covid-19, phần lớn các DN nhỏ và vừa đã quan tâm hơn rất nhiều đến bảo mật và an ninh mạng. Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn bình thường mới, họ có xu hướng trang bị cho DN mình những thiết bị máy tính xách tay được tích hợp sẵn các công cụ bảo mật và làm việc từ xa.

Theo công ty vi tính Nguyên Kim, trong 6 tháng vừa qua, số lượng khách hàng mua máy tính xách tay gia tăng đáng kể, 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Góp phần vào sự gia tăng này đó là những chính sách hỗ trợ kịp thời của các nhà cung cấp công nghệ lớn dành cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, đối phó với đại dịch Covid-19. Microsoft cung cấp miễn phí ứng dụng cộng tác Microsoft Teams cho các DN nhỏ và vừa khi mua Windows 10 và Office 365.

Ngoài ra, nếu DN trang bị cho nhân viên các thiết bị máy tính hiện đại sẽ có thêm tính năng bảo mật bằng vân tay và nhận dạng khuôn mặt giúp tăng tính bảo mật cũng như rút ngắn thời gian truy cập so với phương pháp đăng nhập thông thường bằng mật khẩu.

Nguồn: ictvietnam.vn


12 sản phẩm, giải pháp CNTT tiêu biểu cho thành phố thông minh của VNPT

Với 12 sản phẩm/giải pháp đạt giải, Tập đoàn VNPT được bình chọn là doanh nghiệp (DN) xuất sắc cung cấp giải pháp CNTT cho thành phố thông minh (TPTM) 2020.

Lễ trao giải "Giải thưởng TPTM Việt Nam 2020" (Smart City Award Vietnam) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức vừa được diễn ra tại Hà Nội.

2 sản phẩm đạt hạng 5 sao và 10 sản phẩm/dịch vụ đạt hạng mục qua trọng

Từ 131 đề cử của 73 đơn vị, trải qua các vòng sơ loại, thuyết trình - thẩm định và bình chọn chung tuyển, ban tổ chức đã chọn ra 54 đơn vị, sản phẩm và dịch vụ để trao giải.

Bên cạnh 12 sản phẩm/giải pháp đạt giải, Tập đoàn VNPT còn được bình chọn là DN xuất sắc cung cấp giải pháp CNTT cho TPTM 2020. Đây là giải thưởng cao nhất và danh giá nhất dành cho DN đã triển khai nhiều giải pháp cho TPTM của giải thưởng năm nay.

Cụ thể, hai sản phẩm gồm Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC) và VNPT IoT Platform được hội đồng đánh giá xuất sắc nhất (xếp hạng 5 sao) tại hạng mục giải pháp Chính quyền số và Hạ tầng số cho thành phố thông minh.

Đại diện VNPT nhận giải thưởng CNTT cho giải thưởng TPTM

Các sản phẩm/dịch vụ còn lại cũng đạt các hạng mục quan trọng của Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2020 gồm Hệ thống thông tin đất đai (VNPT iLIS), VNPT Smart Cloud, Hệ thống Quản lý phản ánh và tương tác trực tuyến (VNPT ORIM-X), Hệ sinh thái giáo dục thông minh (VNPT Vnedu), Hệ thống giám sát an ninh và giao thông thông minh (VNPT AI Camera), Giải pháp định danh xác thực điện tử (VNPT eKYC), Tổng đài thông minh thông tin khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn hợp, Giải pháp nông nghiệp thông minh (ONE Farm) và Ngân hàng số di động (VNPT PAY).

Đầu tư, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao

Để đạt được những thành tựu trên, ngay từ năm 2017, Tập đoàn VNPT đã định hướng chuyển dịch từ nhà cung cấp viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu và là trung tâm CNTT lớn của khu vực. Đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống CNTT, phát triển và chú trọng nguồn nhân lực chất lượng công nghệ cao, VNPT từng bước khẳng định là đơn vị dẫn đầu trong thế giới của vạn vật kết nối, xác lập nên kỷ nguyên thông minh của chính mình.

Tầm nhìn của Tập đoàn VNPT là trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025, trở thành Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030 và trở thành lựa chọn số một của khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) tại thị trường. Phát triển và xây dựng TPTM chính là một trong những lĩnh vực khẳng định quyết tâm đó của VNPT.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm từng chia sẻ, các lĩnh vực trọng tâm được VNPT đề xuất để xây dựng TPTM cho nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua và nhận được đánh giá cao. Đó là chính quyền số, nông nghiệp, du lịch thông minh, môi trường và các lĩnh vực khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông.

Đến nay, VNPT đang hợp tác triển khai đô thị thông minh cho gần 30 tỉnh, thành phố. Trong đó 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng đều tham gia vào mạng lưới TPTM của ASEAN. Đây là cơ hội tốt thúc đẩy sự phát triển của thành phố cũng như giúp các đô thị kết nối tốt hơn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của khu vực.

Năm nay là năm đầu tiên "Giải thưởng TPTM 2020" được tổ chức. Giải thưởng nhằm góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển TPTM bền vững tại Việt Nam và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các mục tiêu, định hướng cũng như các chủ trương chính sách của Chính phủ.

Nguồn: ictvietnam.vn

Thêm dự án đáp ứng cung cấp dịch vụ CNTT theo nhu cầu

Dell Technologies đã mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ (as-a-Service) với dự án APEX để đơn giản hóa phương thức khách hàng và đối tác tiếp cận các sản phẩm của Dell Technologies theo nhu cầu, như lưu trữ, máy chủ, mạng lưới, cơ sở hạ tầng siêu hội tụ, máy tính cá nhân và các giải pháp khác.

Dự án APEX sẽ hợp nhất các chiến lược dịch vụ và đám mây của Dell Technologies, các dịch vụ công nghệ và nỗ lực mang sản phẩm đến thị trường. Các doanh nghiệp sẽ có một trải nghiệm dịch vụ theo nhu cầu nhất quán, bất kể họ chạy các tải ở trên máy chủ, chi nhánh và các đám mây công cộng.

Các doanh nghiệp có thể mua và triển khai hệ thống CNTT với trải nghiệm đám mây đơn giản, nhất quán với các danh mục sản phẩm rộng nhất trong ngành.

Ông Jeff Clarke, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch tại Dell Technologies cho biết: "Dự án APEX sẽ mang đến cho khách hàng sự lựa chọn, tính đơn giản và trải nghiệm nhất quán xuyên suốt các máy tính cá nhân và cơ sở hạ tầng CNTT. Chúng tôi đang xây dựng dự án này dựa trên lịch sử của công ty trong việc cung cấp dịch vụ công nghệ theo yêu cầu. Mục tiêu của chúng tôi là mang đến cho khách hàng sự tự do trong việc mở rộng các tài nguyên sao cho phù hợp nhất với doanh nghiệp (DN), để họ có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi và giảm bớt sự bận tâm về CNTT và tập trung nhiều hơn vào những nhu cầu kinh doanh".

Còn theo ông Rick Villars, Phó Chủ tịch tập đoàn, Nghiên cứu Toàn cầu tại IDC chia sẻ: "Đến cuối năm 2021, tốc độ và khả năng thích ứng cùng với việc tiêu thụ dịch vụ theo nhu cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng tại DN tăng 3 lần thông qua các giải pháp tiêu dùng linh hoạt/dịch vụ theo nhu cầu".

Trải nghiệm độc nhất, xuyên suốt trong việc quản lý đám mây

Dell Technologies Cloud Console mới sẽ cung cấp nền tảng cho Dự án APEX, đồng thời mang đến một trải nghiệm độc nhất, xuyên suốt cho khách hàng trong việc quản lý đám mây và hành trình dịch vụ theo nhu cầu. Các DN có thể xem và đặt trực tuyến các dịch vụ đám mây và các giải pháp dịch vụ theo nhu cầu để giải quyết nhu cầu của DN. Chỉ với vài cú nhấn chuột, khách hàng có thể triển khai các tải, quản lý các tài nguyên trên đa nền tảng đám mây, theo dõi chi phí theo thời gian thực, cũng như thêm các tính năng.

Được phân phối trong nửa đầu năm tới, Storage as-a-Service của Dell Technologies là một danh mục các sản phẩm máy chủ DN và dịch vụ theo yêu cầu với khả năng mở rộng và linh hoạt. Các tài nguyên lưu trữ này cung cấp các dịch vụ dữ liệu khối và tập tin và một loạt tính năng dành cho DN. StaaS hỗ trợ các giao dịch OPEX, giúp khách hàng dễ dàng quản lý các tài nguyên StaaS thông qua Dell Technologies Cloud Console.

Dell tiếp tục mở rộng các dịch vụ đám mây và dịch vụ cung cấp theo nhu cầu của Dell Technologies với một số cải tiến:

Dịch vụ Dell Technologies Cloud Platform (nền tảng đám mây) dựa trên thực thể – Các khách hàng có thể bất đầu với đám mây lai với mức 47 USD trên mỗi thực thể/tháng khi đăng ký thuê bao, giúp việc mua và mở rộng các tài nguyên đám mây dễ dàng với cấu hình được định trước thông qua Dell Technologies Cloud Console.

Mở rộng về mặt địa lý - Dell Technologies đang mở rộng cung cấp thuê bao Dell Technologies Cloud Platform đến Vương Quốc Anh, Pháp và Đức, việc mở rộng tại nhiều quốc gia khác trên toàn cầu sẽ sớm được tiến hành.

Dell Technologies Cloud PowerProtect cho đa nền tảng đám mây - Dịch vụ quản lý toàn phần này hỗ trợ khách hàng bảo vệ dữ liệu và ứng dụng của họ trên các đám mây công cộng tại một địa điểm với kết nối có độ trễ thấp đến các đám mây công cộng chính. Các DN có thể tiết kiệm chi phí thông qua công nghệ giảm trùng lặp PowerProtect, và có thể giảm thêm chi phí khi truy xuất dữ liệu từ Microsoft Azure.

• Giải pháp thanh toán linh hoạt theo yêu cầu (Flex On Demand) – Mức giá được định sẵn giúp các DN dễ dàng lựa chọn và triển khai các giải pháp của Dell Technologies theo phương pháp thanh toán qua mỗi lần sử dụng. Các đối tác của Dell Technologies trên toàn cầu sẽ được giảm đến 20% với các giải pháp Flex On Demand.

Tập trung vào phát triển bền vững

Dự án APEX của Dell Technologies sẽ giúp các DN xử lý các cơ sở hạ tầng cũ theo cách bảo mật và thân thiện với môi trường. Dell sẽ quản lý việc trả lại và tân trang các thiết bị công nghệ thông tin đã qua sử dụng, đồng thời hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của khách hàng. 

Dell đang thực hiện những bước bổ sung trong việc đạt được những mục tiêu của dự án Progress Made Real:

• Bán 100% những tài sản được trả lại sau khi cho thuê.

• Tân trang và bán 89% những tài sản vẫn còn hoạt động tại Bắc Mỹ và các khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông, châu Phi).

• Bán 10% số tài khoản không còn hoạt động cho những đối tác xử lý chất thải thân thiện với môi trường để sửa, tái sử dụng, bán lại và tái chế. Hồi năm ngoái, Dell đã tái chế 240.257 kg kim loại, kính và nhựa thông qua chương trình này.

• Hỗ trợ khách hàng bán lại hoặc tái chế phần cứng thừa và sẵn sàng thu hồi những thiết bị đã thuê một cách an toàn và thân thiết với môi trường thông qua Dịch vụ bán lại tài sản và Tái chế của Dell (Dell Asset Resale & Recycling Services).

Chương trình thử nghiệm rộng rãi Dell Technologies Cloud Console sẽ có từ ngày 21/10 tại Mỹ, khu vực EMEA được lên kế hoạch vào Quý I/2021, trong khi thời gian cho châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản dự kiến vào khoảng nửa đầu năm 2021.

Dịch vụ cung cấp lưu trữ theo nhu cầu Dell Technologies sẽ có tại Mỹ vào nửa đầu năm 2021.

Các dịch vụ nền tảng đám mây (Cloud Platform) dựa trên thực thể của Dell Technologies với phí dịch vụ trả theo thuê bao hiện đã có tại Mỹ, Pháp, Đức và Vương Quốc Anh, trong khi châu Á – Thái Bình Dương và Nhật dự kiến sẽ có vào nửa đầu năm 2021. Giải pháp Dell Technologies Cloud PowerProtect cho đa nền tảng đám mây hiện đã có tại Mỹ, Vương Quốc Anh và Đức.

Giải pháp Flex On Demand hiện có mặt tại một số quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Mỹ Latin và khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (trừ Philippines, Indonesia và Việt Nam).

ND

Ra mắt cuốn sách chuyển đổi số đến cốt lõi

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, là cơ hội bứt phá cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp (DN) Việt nói riêng vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nếu không tận dụng cơ hội để chuyển đổi số, sức cạnh tranh của ngành nghề, doanh nghiệp sẽ giảm và sớm muộn cũng sẽ thất bại, bởi nếu đi nhanh, đi trước sẽ dễ thu hút nguồn lực còn nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Để cung cấp kiến thức và cách thức về chuyển đổi số cho các nhà quản lý, lãnh đạo DN, hoạch định chiến lược…, Nhà xuất bản TT&TT đã nghiên cứu, lựa chọn và xuất bản cuốn sách “Chuyển đổi số đến cốt lõi: Nâng tầm năng lực lãnh đạo cho ngành nghề, DN và chính bản thân bạn” của đồng tác giả Mark Raskino và Graham Waller - những nhà phân tích xuất sắc của Gartner, Inc (Công ty nghiên cứu và tư vấn về CNTT, tài chính, DN, khách hàng… hàng đầu thế giới).

Để chuyển đổi số thành công, mỗi DN và đội ngũ lãnh đạo cần tự làm mới mình, bắt đầu bằng việc xác định các chiến lược tổng thể chủ đạo, sau đó dẫn dắt tổ chức của họ ở ba cấp độ: ngành nghề, DN và bản thân.

Ba cấp độ này đã được trình bày cụ thể trong nội dung của cuốn sách với những chỉ dẫn và thực tiễn điển hình từ các thành công của các nhà lãnh đạo kỹ thuật số, từ các nghiên cứu của Gartner và dữ liệu khảo sát hàng năm với hơn ba mươi nhà lãnh đạo cấp điều hành của các công ty toàn cầu, tổ chức chính phủ cũng như dữ liệu khảo sát từ CIO, CEO, giám đốc kỹ thuật số của Gartner.

Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về các tổ chức đã thành công khi đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh số, như: Để ứng dụng phát triển công nghệ số, Ford đã đầu tư phát triển công nghệ tự vận hành cho sản phẩm xe hơi của mình hay như Bệnh viện Bundang của Đại học Quốc gia Seoul đã ứng dụng công nghệ số cho hoạt động quản lý điều trị ngoại trú tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường bằng phương pháp giám sát từ xa, hoặc Tập đoàn ngân hàng đa quốc gia (BBVA) phân tích dữ liệu vị trí và lịch sử các giao dịch thanh toán để tạo ra điểm tín dụng tốt hơn cho các lĩnh vực bán lẻ...

Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng về nhận thức. Trong đó vai trò của người đứng đầu DN là rất quan trọng, để từ đó có thể xây dựng chiến lược kinh doanh, mô hình hoạt động, nhân sự, quy trình làm việc cũng như thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, văn hóa công ty… nhằm xây dựng và phát triển DN một cách bền vững, lớn mạnh và hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số đến cốt lõi hứa hẹn sẽ giúp các nhà quản lý, lãnh đạo DN hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số, tác động của chuyển đổi số đến cốt lõi của DN, nắm bắt được các cơ hội một cách kịp thời cũng như phải tự thay đổi chính bản thân mình để chuyển đổi số thành công. Đây cũng là vận hội, thời cơ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên thành nước phát triển.  

ND

Giải thưởng cho Giải pháp truy cập cố định tốt

Nhờ bộ tính năng sáng tạo cung cấp các trải nghiệm mạng gia đình cao cấp và giúp các nhà khai thác di động nhanh chóng xây dựng mạng cố định, Huawei AirPON đã được trao giải thưởng Giải pháp truy cập cố định tốt nhất (Best Fixed Access Solution) tại lễ trao giải trực tuyến của Diễn đàn Thế giới băng thông rộng 2020 (BBWF 2020).

Thành tích này đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Huawei nhận được giải thưởng này, trước đó công ty đã giành được giải thưởng cho giải pháp SingleFAN Pro. Sự công nhận ngành nhất quán như vậy càng củng cố thêm sự đổi mới sáng tạo và dẫn đầu liên tục của Huawei trong lĩnh vực băng thông rộng toàn cáp quang.

Là năm thứ 19 - và được tổ chức hoàn toàn trực tuyến lần đầu tiên vào năm 2020 - BBWF vẫn là triển lãm thường niên hàng đầu trong lĩnh vực mạng cố định. Là giải thưởng quan trọng nhất do BBWF trao tặng, Giải thưởng Giải pháp Truy cập Cố định Tốt nhất vinh danh các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực truy cập cố định và cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng cuối.

 Vào tháng 2/2020, sau khi phân tích sâu về các xu hướng kinh doanh của hội tụ di động - cố định và tăng tốc xây dựng mạng cáp quang, Huawei đã chính thức ra mắt giải pháp AirPON tại London.

Giải pháp có ba cải tiến quan trọng: không cần điểm đặt trạm, không cần nối cáp và cố định khung dịch vụ. Giải pháp có thể giúp các nhà khai thác giải quyết những thách thức chính, như thời gian hoàn vốn kéo dài, xây dựng mạng cáp quang chậm và các trải nghiệm người dùng không ổn định.

Không cần điểm đặt trạm:

Các OLT dạng phiến đầy sáng tạo có thể được lắp đặt trên các trạm gốc di động hiện có để tái sử dụng nguồn điện và tài nguyên mạng đường trục cáp quang. Nhờ việc không phải xây dựng một trạm mới, khoảng cách truy cập cáp quang được rút ngắn từ 5km xuống dưới 1km, việc xây dựng mạng sẽ được thực hiện nhanh hơn, và chi phí đầu tư (CAPEX) giảm 27%. 

Không nối cáp:

Tính năng DQ ODN hỗ trợ trước kết nối tổng thể (end-to-end) mà không cần nối cáp, cải thiện 70% hiệu quả thi công và rút ngắn 30% thời gian đưa ra thị trường (TTM). Ngoài ra, các công nghệ AI được sử dụng để số hóa việc quản lý tài nguyên ODN thụ động, đạt được hình ảnh hóa cấu trúc liên kết mạng, quản lý tài nguyên chính xác, định vị lỗi chính xác, cung cấp dịch vụ nhanh chóng, cũng như giảm chi phí ODN 20%.

Cố định khung dịch vụ:

Các sản phẩm dòng ONT gia đình được nhúng AI đầu tiên của ngành có thể xác định các loại dịch vụ một cách thông minh, bao gồm trò chơi trực tuyến, giáo dục và hội thảo từ xa. Công cụ tăng tốc thông minh có thể giảm hơn 50% độ trễ của các dịch vụ cụ thể, cho phép các nhà khai thác tung ra các gói dịch vụ giá trị gia tăng với khả năng tăng tốc dịch vụ.

Jeffrey Zhou, Chủ tịch Dòng Sản phẩm Mạng Truy cập Huawei, cho biết, "Hội tụ di động - cố định đã trở thành sự đồng thuận trong ngành và cáp quang là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất. Giải pháp Huawei AirPON có thể giúp các nhà khai thác di động xây dựng mạng cáp quang hiệu quả và tiết kiệm, và cung cấp trải nghiệm băng thông rộng FTTH tối ưu".

Chỉ 6 tháng sau khi chính thức ra mắt, giải pháp Huawei AirPON đã được ngành công nhận rộng rãi và được hơn 45 nhà khai thác trên toàn thế giới áp dụng, bao phủ hơn 1 triệu hộ gia đình. Trong tương lai, Huawei sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong chuỗi ngành để xây dựng các kết nối cáp quang phổ biến và đẩy nhanh việc xây dựng một thế giới thông minh, được kết nối trọn vẹn.

ND

Giải pháp không gian họp mới giúp tăng năng suất khi làm việc bất kỳ đâu

Dell nâng tầm công nghệ và thiết kế màn hình với loạt sản phẩm UltraSharp mới và các giải pháp không gian họp (meeting space) mang đến những cuộc họp truyền hình liền mạch cho các doanh nghiệp (DN) kết hợp làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa. 

Tập đoàn công nghệ Dell Technologies chính thức giới thiệu những mẫu sản phẩm hiển thị và giải pháp họp trực tuyến mới, mang đến sự tiện lợi và tối ưu năng suất công việc cho các nhà sáng tạo và chuyên viên tại văn phòng cũng như khi làm việc từ xa. 

Theo nghiên cứu từ IDC, 81% nhân viên văn phòng tin rằng những mẫu màn hình tân tiến với độ phân giải cao hơn, thiết kế mang tính công thái học nhiều hơn, và màu sắc chuẩn hơn sẽ cải thiện tổng thể trải nghiệm làm việc.

Các sản phẩm UltraSharp mới được trang bị những công nghệ cao cấp nhất hiện nay như màn chiếu mini-LED, công cụ cân màu tích hợp cùng màn hình hạn chế ánh sáng xanh. 

Ông Martin Wibisono, Giám đốc mảng phần mềm và sản phẩm thiết bị ngoại vi, khu vực Đông Nam Á và các thị trường mới nổi của châu Á tại Dell Technologies, chia sẻ: “Công nghệ giúp chúng ta đạt hiệu suất làm việc tốt nhất đóng vai trò quan trọng khi tất cả đều đang thích nghi với môi trường làm việc kết hợp mới. Các mẫu màn hình của chúng tôi luôn được tín nhiệm bởi khả năng tương thích cao với mọi cỗ máy tính cá nhân và thế hệ sản phẩm mới vẫn giữ nguyên thế mạnh đó. Chúng tôi muốn giúp khách hàng tăng tối đa hiệu suất làm việc với hiệu năng cao, phong cách và sự thoải mái”. 

Với cương vị thương hiệu màn hình màn hình số 1 thế giới trong 7 năm liên tiếp, Dell cung cấp một hệ sinh thái đầu cuối với những công cụ đáp ứng các nhu cầu của mọi nhân viên văn phòng.

Độ chuẩn màu, tương phản và chính xác tuyệt hảo dành cho những nhà sáng tạo

Các chuyên gia thiết kế cần những sản phẩm màn hình chuẩn màu để hoàn thiện những siêu phẩm. Dell UltraSharp 32 HDR PremierColor (UP3221Q) là màn hình chuyên nghiệp dùng đèn chiếu mini-LED với 2.000 vùng tối (dimming zone). Mỗi vùng này sẽ điều khiển ánh sáng cục bộ để mang đến độ tương phản cực cao với màu đen sâu và màu trắng sáng. 

Với độ bao phủ màu DCI-P3 lên đến 99,8% dành cho màn hình chuyên nghiệp, độ phân giải 4K và chuẩn DisplayHDR 1000 theo VESA, màn hình UltraSharp 32” mang đến khả năng tái tạo màu sắc chính xác và đồng nhất trên phim ảnh hoặc video.

Mẫu màn hình chuyên nghiệp 31.5” này được tích hợp công cụ cân màu từ Calman® Powered, mang sự linh hoạt đến cho các nhà sáng tạo trong việc cân chỉnh theo yêu cầu hoặc theo lịch trình dù có hay không có máy tính. 

Tăng cường khả năng làm dịu mắt và nhiều không gian hiển thị cho chuyên gia “bàn giấy”

Với những chuyên gia “bàn giấy” thường xuyên phải làm việc với các bảng tính và tác vụ liên quan đến phần mềm văn phòng, màn hình Dell UltraSharp 24 USB-C Hub (U2421E) và Dell UltraSharp 34 Curved USB-C Hub (U3421WE) mang đến sự cân bằng lý tưởng giữa sự thoải mái và tính năng. 

Nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe cho người dùng, màn hình UltraSharp 24” với tỉ lệ 16:10 là màn hình đầu tiên của Dell tích hợp ComfortView Plus, một giải pháp phần cứng về ánh sáng xanh được chứng nhận bởi TÜV Rheinland, giúp giảm thiểu phát xạ ánh sáng xanh để tạo sự thoải mái cho mắt và duy trì màu sắc chuẩn xác của màn hình.

Màn hình tràn cạnh InfinityEdge 24” với tỉ lệ 16:10 cho nhiều diện tích hiển thị hơn. Màn hình UltraSharp 34 có độ phân giải WQHD (1440p), độ bao phủ màu DCI-P3 ở mức 95%, mang đến trải nghiệm nghe nhìn sống động với viền mỏng ở ba cạnh cùng loa kép tích hợp. 

Các giải pháp không gian họp liền mạch cho DN kết hợp làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa 

Khi văn phòng đang dần hoạt động trở lại, các DN sẽ cần điều chỉnh lại không gian họp để hỗ trợ tốt hơn cho những buổi làm việc nhóm giữa nhân viên tại văn phòng và nhân viên làm việc từ xa.

Giải pháp không gian họp cho Microsoft Teams Rooms mới nhất của Dell cung cấp một hệ sinh thái làm việc nhóm toàn diện bao gồm OptiPlex 7080 Micro dùng phần mềm Teams Room trên Windows, các mẫu màn hình Dell khổ lớn cùng các thiết bị ngoại vi nghe nhìn. Với cảm biến tiệm cận và kết nối cuộc gọi chỉ với 1-chạm giúp cuộc họp diễn ra đúng giờ và nội dung được trình chiếu ngay trong phòng cũng như đồng thời đối với người tham gia từ xa. 

Loa thanh nam châm cắm và chạy 

Các mẫu màn hình thuộc dòng P mới (P2721Q, P3421W) và màn hình UltraSharp 24” mới có thể kết nối với thiết bị âm thanh mới nhất của Dell – Slim Soundbar (SB521A). Sản phẩm có thể gắn vào đáy màn hình nhờ nam châm, từ đó tạo sự tiện lợi cho người dùng khi cần phải nghiêng, xoay ngang hoặc dọc mà không lo bị vướng.

Slim Soundbar của Dell cho chất âm ấn tượng với công suất 3,6W cùng tính năng cắm và chạy tiện lợi mà không phải cài đặt phần mềm. 

ND

Sách cảnh báo mặt trái của công nghệ

Trong guồng quay của thế giới hiện đại, sự phát triển của công nghệ là điều then chốt thúc đẩy xã hội đi lên. Thế nhưng điều gì cũng có hai mặt được - mất song hành.

Kỹ thuật, công nghệ đóng vai trò quan trọng, tạo nên những bước phát triển đột phá của xã hội loài người. Điều này càng đúng trong thế giới hiện đại khi công nghệ dần trở thành trụ cột cho sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực trên thế giới.

Thực tế, công nghệ ngày nay, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, đã mang lại cho chúng ta bước tiến vượt bậc cùng nguồn tri thức khổng lồ. Nhưng nó cũng gieo xuống mầm mống nguy hại.

Cuốn sách Mặt trái của công nghệ (tác giả Peter Townsend) liệt kê ra hàng loạt các phát kiến về công nghệ trên thế giới cùng những mặt không mong muốn của chúng. Nếu không có sự thay đổi về nhận thức cũng như hành động thì mọi chuyện có thể dần chuyển biến tồi tệ hơn.

Tác giả cảnh báo những điều này có thể xuất hiện trong tương lai không xa. Ở khía cạnh tích cực, con người đang dần nhận ra các mối nguy hại và đã có hành động bước đầu để hạn chế những chuyển biến xấu đó.

Công nghệ giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nó cũng đem tới nhiều vấn đề đáng lo ngại. Ảnh: Ngọc Hiền.

Với 15 chương, nội dung cuốn sách đề cập đến nhiều câu chuyện cụ thể như: Việc con người biết sử dụng than đá, phát triển mạnh khai thác khoáng sản, nhưng lại làm thay đổi điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, nhiều thiên tai gây ra cho nhân loại.

Bên cạnh đó, các phát minh, sáng chế liên quan đến chữ viết, giấy, da, thuốc kháng sinh, phim ảnh, mạng xã hội… cũng được nhắc tới chi tiết. Ngoài lợi ích vô cùng to lớn mà chúng mang đến cho con người thì cũng có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, văn hóa hay sự an toàn thông tin trong xã hội.

Tác giả Peter Townsend là giáo sư danh dự Vật lý Thực nghiệm về Kỹ thuật tại Đại học Sussex, Anh. Ông cảnh báo, công nghệ có thể đem lại nhiều lợi ích nhưng không nên hoàn toàn phụ thuộc và bị động trước chúng.

Chúng ta cần tích cực dự báo rủi ro để có biện pháp đề phòng trước những thách thức, mặt trái mà công nghệ mang lại. Điều này có thể xuất phát cả do lòng tham cũng như sự hiểu biết chưa đầy đủ của con người về công nghệ.

Tiêu biểu, ngày càng có nhiều trẻ em hiện nay thích ở yên trong nhà xem tivi, chơi iPhone, iPad hơn là ra ngoài đi chơi cùng bạn bè hoặc tham gia các hoạt động cùng gia đình.

Hoặc nghiêm trọng hơn là việc môi trường đang ngày càng ô nhiễm, trái đất nóng dần lên, băng ở hai cực đang tan dần với tốc độ đáng báo động vì lượng xe cộ cũng như số lượng nhà máy công nghiệp tăng lên quá nhiều...

Cuốn Mặt trái của công nghệ sẽ giúp chúng ta nhận biết đầy đủ về những hạn chế của công nghệ cũng như ảnh hướng của chúng tới cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: Hứa Mộc/zingnews.vn

https://zingnews.vn/sach-canh-bao-mat-trai-cua-cong-nghe-post1137464.html

Những cuốn sách cẩm nang cho chuyển đổi số

Bộ sách gồm 6 cuốn như là cẩm nang thiết thực về chuyển đổi số, giúp các tổ chức, doanh nghiệp (DN) của Việt Nam nắm bắt được cơ hội và thực hiện chuyển đổi số thành công, cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng; Nhà xuất bản (NXB) TT&TT, Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia thực hiện mua bản quyền, dịch và xuất bản bộ sách về Chuyển đổi số. Bộ sách gồm 6 cuốn như sau:

1. Internet vạn vật (IoT): Chuyển đổi số hay là chết

Cuốn sách được viết bởi tác giả Nicolas Windpassinger - hiện là Phó Chủ tịch toàn cầu của Chương trình đối tác EcoXpertTM của Schneider Electric, là người tiên phong về tòa nhà thông minh và Internet vạn vật.

Cuốn sách giới thiệu cụ thể chiến lược chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tham khảo để vận dụng

Nội dung cuốn sách nêu bật giá trị của IoT và việc chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi rất nhiều thị trường và DN, giúp cho các nhà lãnh đạo nhận thức được thay đổi này, hiểu và tận dụng lợi thế của chúng để phát triển và vượt lên đối thủ cạnh tranh, dẫn đầu trong chính thị trường của mình. 

Nicolas Windpassinger đã phân tích hiện tượng chuyển đổi số từ công nghệ đến mô hình kinh doanh, từ các tổ chức am hiểu kỹ thuật số đến các chiến lược, tất cả đều theo một phương pháp tinh tế và độc đáo mà ông đã phát triển. Ông đưa ra đánh giá những tiềm năng và hứa hẹn của IoT, cũng như cách để chuẩn bị chiến lược chuyển đổi số một cách thành công cho tất cả các DN.

Đặc biệt, nội dung sách giới thiệu cụ thể chiến lược chuyển đổi số giúp các DN tham khảo để vận dụng cho mình, gồm các bước: từ chiến lược, lập danh mục đầu tư đến chuyển đổi mô hình kinh doanh và tổ chức. Cuốn sách là cẩm nang thiết thực về chuyển đổi số, giúp các tổ chức, DN của Việt Nam nắm bắt được cơ hội và thực hiện chuyển đổi số thành công, cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường.

2. IoT Inc. Ứng dụng Internet vạn vật - Cơ hội để DN của bạn dẫn đầu trong nền kinh tế dựa trên kết quả

IoT là một công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với IoT, những vật vô tri vô giác có thể cất tiếng nói, giao tiếp với nhau và với con người. Đây chính là cơ hội to lớn cho những ai dám chấp nhận một thế giới mới khác biệt, dám làm chủ nó và đi đầu.

Bằng nhiều năm kinh nghiệm trong triển khai và ứng dụng IoT, tác giả Bruce Sinclair đã biên soạn nên cuốn sách này,  giúp cho các DN hiểu được kiến thức nền tảng của việc thiết lập và tạo ra giá trị từ IoT với mô hình kinh doanh dựa trên kết quả.

Cuốn sách giúp cho các DN hiểu được kiến thức nền tảng của việc thiết lập và tạo ra giá trị từ IoT

Bên cạnh đó, cuốn sách còn trình bày về công nghệ IoT với các sản phẩm đa dạng phần cứng, phần mềm, mạng, dữ liệu, hệ thống phân tích dữ liệu BigData kèm các vấn đề về an ninh mạng IoT,... qua đó giúp các DN công nghệ Việt hiểu và nắm bắt cơ hội, tiên phong trong việc thâm nhập thị trường với sản phẩm IoT; ứng dụng IoT để đưa ra giải pháp phát triển đột phá trong thực hiện chiến lược kinh doanh của mình.

Đây là cuốn sách có giá trị thực sự cho các nhà quản lý và các DN công nghệ; góp phần giúp các DN Việt Nam thực hiện được khát vọng làm chủ công nghệ, dùng công nghệ của thế giới để ứng dụng vào Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam đi ra toàn cầu, làm thay đổi thứ hạng ICT của Việt Nam trên thế giới.

3. Chuyển đổi số đến cốt lõi - Nâng tầm năng lực lãnh đạo cho ngành nghề, DN và chính bản thân bạn

Cuốn sách trình bày định hướng và phương pháp chuyển đổi số đến cốt lõi để nâng tầm năng lực lãnh đạo cho ngành nghề, DN và chính bản thân các nhà quản lý; giúp các nhà lãnh đạo DN hiểu tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đối với ngành nghề, DN của họ cũng như phong cách lãnh đạo và thực tiễn.

Cuốn sách cung cấp những hiểu biết thực tế từ những người đi đầu về ứng dụng kỹ thuật số

Dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 30 giám đốc điều hành cấp cao hàng đầu tại một số công ty và tổ chức chính phủ quyền lực nhất thế giới, bao gồm GE, Ford, Tory Burch, Babolat, McDonalds, Publicis…, cuốn sách này cung cấp những hiểu biết thực tế từ những người đi đầu về ứng dụng kỹ thuật số.

Các tác giả kết hợp nghiên cứu khảo sát toàn cầu về CIO và CEO hàng năm của Gartner, đồng thời áp dụng kiến thức sâu sắc và hiểu biết định tính mà họ có được với tư cách là các học viên, nhà nghiên cứu quản lý và cố vấn trong nhiều thập kỷ trong DN. Trên hết, Raskino và Waller muốn các công ty và các nhà lãnh đạo hàng đầu của họ hiểu được tác động đầy đủ của thay đổi kỹ thuật số và tích hợp nó vào cốt lõi DN của họ.

4. Cẩm nang chuyển đổi số: 200 Câu hỏi - đáp về chuyển đổi số

Cuốn sách được thiết kế với 200 câu hỏi - đáp, mỗi câu hỏi về một vấn đề của chuyển đổi số và câu trả lời thường đi cùng ví dụ minh họa, cùng với diễn giải đơn giản nhất có thể. Các câu hỏi được chia thành 4 nhóm, gồm: câu hỏi chung về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong DN, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, và chuyển đổi số cho mọi người. Câu hỏi trong mỗi nhóm tiếp tục được gộp theo các loại câu "là gì", "tại sao", "thế nào", "ai", "khi nào"…

Với những nhận thức và kinh nghiệm nhiều năm tìm hiểu về chuyển đổi số, nhóm tác giả đã đưa ra những chia sẻ, trao đổi, gợi mở để từ đó mỗi cá nhân, mỗi tổ chức tự tìm lấy câu trả lời của chính mình, nhận thức được vấn đề của mình để vạch được lộ trình, kế hoạch hành động để chuyển đổi số thành công.

5. The FinTech Book - Công nghệ tài chính dành cho nhà đầu tư, doanh nhân và người nhìn xa trông rộng

The FinTech Book là cuốn cẩm nang hàng đầu về cuộc cách mạng công nghệ tài chính (FinTech) được kiến tạo bởi các nhà lãnh đạo tư tưởng lỗi lạc và cộng đồng đầu tư trong ngành. Cuốn sách đề cập đến những đột phá, phát kiến đổi mới và các cơ hội sinh lợi; làm rõ những nhân tố đang dẫn dắt ngành FinTech.

Cuốn sách đề cập đến những đột phá, phát kiến đổi mới và các cơ hội sinh lợi; làm rõ những nhân tố đang dẫn dắt ngành FinTech.

Các doanh nhân và nhà đầu tư sẽ nhận ra đây là một nguồn thông tin vô giá để khai phá những cơ hội mới và tối đa hóa tỷ suất đầu tư của mình trong thị trường đang tăng trưởng này. Cuốn sách đi sâu vào mọi sự phát triển lớn trong ngành FinTech bằng những am hiểu sâu sắc và những bài học kinh nghiệm trực tiếp từ các nhà thực tiễn tiên phong.

Hơn thế nữa, cuốn sách toàn diện đầu tiên này về trạng thái toàn cầu của ngành FinTech sẽ mang đến cho bạn một lợi thế riêng biệt bằng cách: Minh họa mọi ngóc ngách của FinTech bằng những biểu tượng tiêu biểu nhất trong thực tiễn ngành; Mô tả chi tiết những tính năng động thị trường độc đáo của cuộc cách mạng FinTech; Minh họa tiềm năng đa dạng của FinTech và nhiều cách thức khác nhau mà ngành này có thể tác động đến các ngành liên quan; Trực tiếp chỉ ra cho bạn thấy làm thế nào các nhà đầu tư và các doanh nhân khác đã vươn lên đỉnh cao của môi trường năng động này; Giải thích các chủ đề quan trọng như nền kinh tế API, sinh trắc học hành vi, công nghệ blockchain, tiền tệ kỹ thuật số, sự tham gia tài chính, các trung tâm Fintech, phương thức thanh toán di động, các thuật toán dự báo và các nhà cố vấn robot.

6. Tiền di động để thúc đẩy tài chính toàn diện

Mobile Money hay Tiền di động, nền tảng thanh toán trên thiết bị di động, hiện đã có mặt và phát triển tại 95 quốc gia trên thế giới với hơn 1 tỷ USD/ngày, không những cho phép khách hàng nạp tiền, lưu trữ, thanh toán, rút tiền và chuyển khoản nhanh chóng dưới dạng tiền điện tử thông qua mạng thông tin di động, mà còn cung cấp các dịch vụ khác như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm ... tới mọi người dân.

Mobile Money đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng toàn cầu về thương mại điện tử, đồng thời là cơ sở vững chắc góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị - nông thôn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Cuốn sách sẽ đề cập cách nhìn toàn diện để triển khai dịch vụ tiền di động ở Việt Nam

Cuốn sách sẽ giúp các nhà quản lý, các DN viễn thông có được cách nhìn toàn diện để triển khai dịch vụ tiền di động ở Việt Nam, nơi có độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% dân số, với các nội dung như: Sổ tay chính sách và quản lý thực thi tiền di động; Báo cáo thực trạng ngành tiền di động các năm 2018 và 2019; Triển khai chính sách tiền di động ở Kenya nhằm thúc đẩy cách mạng tài chính số; Tiền di động tại Philippines - Thị trường, mô hình và quy định; Chứng chỉ tiền di động GSMA.

Bạn đọc có thể truy cập các địa chỉ để tìm hiểu thêm về bộ sách tại http://nxbthongtintruyenthong.vn; https://book365.vn.

ND

Người dùng trực tuyến Đông Nam Á còn thờ ơ với bảo mật mạng

Đại dịch COVID-19 đã khiến các chuyến du lịch trong nước và quốc tế gần như tạm ngưng, nhưng cuộc sống của con người vẫn tiếp diễn và chuyển dần sang hoạt động trực tuyến.

Với tiêu đề "Kết nối hơn bao giờ hết: Làm thế nào để xây dựng Vùng An toàn Kỹ thuật số (Digital Comfort Zones)",  nghiên cứu mới của Kapersky cho thấy 60% người dùng internet tại Đông Nam Á nhận thấy thời gian trực tuyến của họ đã tăng nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, 38% thừa nhận rằng cuộc sống bận rộn đã đẩy an toàn mạng xuống cuối danh sách việc cần làm của họ.

Ngiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát tiến hành vào tháng 5/2020 được tham gia bởi 760 người dùng trực tuyến tại Đông Nam Á đã tìm hiểu sâu hơn về cách người dùng tạo ra vùng kết nối internet an toàn cho bản thân trong thời gian giãn cách vì đại dịch.

Theo nghiên cứu, 5 hoạt động phổ biến nhất mà người dùng ở Đông Nam Á chuyển sang trực tuyến là mua sắm (64%), trò chơi trực tuyến và phát trực tuyến nội dung (58%), kết nối với gia đình và bạn bè (56%) , thực hiện giao dịch tài chính (47%) và tham gia các lớp đào tạo trực tuyến (39%).

Những thay đổi về số giờ người dùng trực tuyến trong thời gian thực hiện giãn cách

Cũng theo báo cáo, việc thực hiện các hoạt động trực tuyến tuy thuận tiện trong thời điểm giãn cách, nhưng lại khiến không ít người dùng lo ngại. Đặc biệt, phần lớn những người được hỏi (81%) lo ngại về việc hẹn hò trực tuyến, chứng tỏ rằng những người độc thân ở Đông Nam Á vẫn thích gặp mặt trực tiếp hơn.

69% người dùng lo ngại khi thực hiện giao dịch tài chính trực tuyến và 62% cảm thấy không thoải mái khi tham gia họp trực tuyến. Tỷ lệ người dùng tỏ ra lo lắng về an ninh mạng đối với hoạt động "networking" trực tuyến là 60% và kết nối với gia đình và bạn bè trực tuyến là 54%.

Khi được hỏi về mức độ lo lắng, 42% người được hỏi thừa nhận sợ ai đó truy cập thông tin tài chính; 37% lo lắng về việc các tài liệu cá nhân có thể bị bên thứ ba truy cập, trong khi 35% lo sợ bị kiểm soát thiết bị thông qua kết nối internet không an toàn.

Phần mềm gián điệp, một phần mềm được cài đặt mà không có sự đồng ý của chủ thiết bị, gây ra lo lắng cho 30% người dùng trực tuyến tại Đông Nam Á. Trong khi đó, 30% người dùng đang tìm cách chống lại việc bị theo dõi vị trí bởi các tổ chức, trang web hoặc cá nhân khác.

Đã đến lúc nên suy xét thật kỹ các biện pháp bảo vệ an toàn trực tuyến

Trước những khảo sát nghiên cứu tại Đông Nam Á, ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: "Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy hầu hết người dùng trong khu vực hiện dành từ 5 - 10 giờ để trực tuyến mỗi ngày, và điều này hoàn toàn dễ hiểu. Đông Nam Á luôn là khu vực tập trung đông đảo người dùng trẻ và hoạt động trực tuyến tích cực. Sự khác biệt trong thời gian này là các hoạt động trực tuyến đều được thực hiện tại nhà, từ họp hành, mua sắm, giao dịch tài chính, tham gia lớp học, giao tiếp xã hội,.. 

Việc này, theo ông Yeo Siang Tiong đánh giá: công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống chúng ta, nhưng đồng thời cũng cần suy xét lại về hoạt động bảo mật mạng gia đình trước những mối đe dọa trực tuyến.

"Những lo ngại mà chúng tôi đã ghi nhận trong nghiên cứu của mình chứng minh rằng người dùng ngày càng nhận thức về hậu quả nghiêm trọng của các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu, vẫn có 37% người dùng Internet trong khu vực nghĩ rằng họ không phải mục tiêu hấp dẫn của tội phạm này. Suy nghĩ này cần phải thay đổi. Đã đến lúc nên suy xét thật kỹ về các biện pháp bảo vệ an toàn trực tuyến cho cuộc sống kỹ thuật số, cũng như xếp nó vào ưu tiên hàng đầu của chúng ta.", ông Yeo nói thêm.

Để người dùng xây dựng bảo mật tốt hơn cho thiết bị, Kaspersky đề xuất: Thay đổi cách nhìn về an ninh mạng. Bất cứ ai sở hữu dữ liệu và tiền đều có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng, sử dụng mật khẩu mạnh trên tất cả các tài khoản và thiết bị, bao gồm cả bộ định tuyến tại nhà.

Người sử dụng có thể quan tâm tới Privacy Checker giúp cài đặt hồ sơ mạng xã hội ở chế độ riêng tư. Công cụ khiến các bên thứ ba khó tìm thấy thông tin cá nhân của bạn hơn. Cài đặt các giải pháp bảo mật điểm cuối cũng là một lưu ý để giúp thiết bị được bảo vệ khỏi phần mềm độc hại.

Đối với người dùng đang làm việc tại nhà, người dùng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu quan trọng để bảo vệ dữ liệu và thiết bị của công ty, bao gồm bật bảo vệ bằng mật khẩu, mã hóa thiết bị làm việc và đảm bảo dữ liệu luôn được sao lưu. Thiết bị, phần mềm, ứng dụng và dịch vụ cần được cập nhật các bản vá mới nhất...

Theo Kapersky