Syndicate content

Tiếng nói ICTPress

Suy tư về 20 năm Internet vào Việt Nam

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Nhìn lại thời điểm 20 năm trước khi Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu, chúng ta phải thừa nhận rằng, để đưa được Internet vào Việt Nam cũng như để Internet phát triển mạnh mẽ như bây giờ là cả một quá trình.

(ICTPress) - Ngày mai - 19/11, tròn 20 năm Internet vào Việt Nam. 20 năm đủ cho một đứa trẻ mới sinh vươn mình thành những chàng trai, cô gái trưởng thành tràn đầy sinh lực. Ở cái tuổi 20 căng tràn nhiệt huyết, lại sống trong thời đại công nghệ 4.0, chắc hẳn họ sẽ không thể nào tưởng tượng được mấy chục năm trước, bố mẹ mình làm gì khi không có Internet.

20 năm trước khi Internet mới “bước chân” vào Việt Nam, tôi đang học năm đầu tiên ở một trường đại học. Tuy nhiên phải đến khi ra trường rồi đi làm, tôi mới biết gửi bức thư điện tử đầu tiên. Hơn nữa, việc làm tưởng đơn giản này của tôi cũng được sự hỗ trợ kiểu ”cầm tay chỉ việc” của một người đồng nghiệp.

Bây giờ, chứng kiến 2 đứa con đang học tiểu học của mình sử dụng máy tính thành thạo, lách chách vào mạng “chát” với bạn bè hay lướt facebook, sử dụng Youtube nhoay nhoáy, tôi thầm cảm thán: Đúng là thời đại của Internet! Và cũng thật đáng mừng là con cháu chúng ta, dù chỉ rất ít tuổi nhờ Internet đã trở thành những “công dân toàn cầu”.

Mới hôm qua thôi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội đã nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của khu vực. Mạng xã hội, Internet phát triển với tốc độ rất nhanh tại Việt Nam giúp con người xích lại gần nhau hơn.Bên cạnh đó, kho kiến thực đồ sộ, khổng lồ của mạng xã hội làm chúng ta lúc nào cũng có cơ hội tìm kiếm kiến thức mọi lúc, mọi nơi.

Trong khi trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn còn cảm khái: Chỉ trong một thời gian rất ngắn, vào khoảng 15 năm trước đây chúng ta không nghĩ rằng mạng xã hội và Internet phát triển như ngày nay. Và trong 15 năm tới, chúng ta không thể biết được nó sẽ phát triển đến mức độ nào?

Nhìn lại thời điểm 20 năm trước khi Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu, chúng ta phải thừa nhận rằng, để đưa được Internet vào Việt Nam cũng như để Internet phát triển mạnh mẽ như bây giờ là cả một quá trình. Có thể khẳng định sau Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, thị trường Internet mới chính thức được “mở cửa” và phát triển với tốc độ chóng mặt.

Sau 2 thập kỷ kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Internet, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, gần 70% dân Việt Nam sử dụng Internet.

Theo Trung tâm Internet Việt  Nam (VNNIC) 20 năm vừa qua, tài nguyên Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc, đóng góp cho sự phát triển vững vàng của Internet Việt Nam. Việt Nam đang giữ vị trí cao trong xếp hạng số lượng tài nguyên cả về tên miền, địa chỉ. Hai hạ tầng kỹ thuật trọng yếu của Internet Việt Nam là Hệ thống máy chủ tên miền quốc gia DNS và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX được quản lý tốt, phục vụ đắc lực cho phát triển, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của Internet Việt Nam.  Đặc biệt, các hoạt động hợp tác, kết nối về tài nguyên Internet được phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Internet Việt Nam đã được chuyển đổi thành công sang thế hệ mới IPv6, phù hợp với quốc tế làm nền tảng phát triển cho Internet Việt Nam.

Là người chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của đất nước từ khi chưa có Internet, tới khi nó trở thành một phần không thể thiếu của xã hội, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đã có nhận định rất khả quan về tương lai phát triển Internet tại đất nước hơn 94 triệu dân này. Đại diện của Hội Tin học Việt Nam này tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng Internet trong đời sống nhờ nhanh chóng hội nhập với những xu thế mới.

Đó là một tương lai sáng lạn, song trước mắt, chúng ta đang phải đối mặt với những mặt trái của Internet. Chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí nơi chúng tôi đang “đứng”, Internet cũng có tác động không nhỏ.

Có đôi khi những ồn ào, náo nhiệt của dòng chảy 4.0 lắng xuống, nhiều anh em “làng báo” lại bần thần nhớ về quãng thời gian hoàng kim của báo giấy và họ cũng không quên Internet ra đời đã buộc nhiều tòa soạn báo đến gần hơn với bờ vực đóng cửa. Để bắt kịp với “thời đại số”, các tòa soạn đã phải nỗ lực thay đổi phương thức hoạt động. Kết quả là báo điện tử ra đời và đang thay thế dần những tờ báo giấy truyền thống.

“Vai trò của mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung thì chúng ta không thể phủ nhận, không ai có thể đi ngược những xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rất lớn đó, những tác hại do mạng xã hội mang lại cũng không phải là nhỏ. Có thể kể đến như những thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn…”- người đứng đầu cơ quan quản lý về báo chí đã phải thừa nhận như vậy. 

Đó là sự thật hiển nhiên, song đáng mừng là chúng ta không “quay lưng” lại với Internet. Bạn có thể tưởng tượng được rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một ngày Internet, Facebook, Youtube hay Google không tồn tại ở Việt Nam?

Mới đây, thảo luận tại tổ về các dự luật An ninh mạng và Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đá đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, Internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, văn hóa,...

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin điện tử, Internet vì bất kể lý do gì.

"Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trao đổi với truyền thông mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết ngày nay Internet đã trở thành thiết yếu trong đời sống kinh tế và xã hội của thế giới. Sức mạnh kết nối đang đem lại giá trị cho con người, cho môi trường quanh ta và trí tuệ sẽ kết nối cho chúng ta nhiều ngỡ ngàng hơn nữa. Internet là nơi nuôi dưỡng phần hồn của cuộc sống. Hãy chung tay xây dựng một xã hội văn minh bằng văn hóa Internet.

MB - HM

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress

ASEAN cần phát triển nền kinh tế số để tạo nên diện mạo riêng

Tóm tắt: 

(ICTPress) -Điều có thể làm thay đổi cuộc chơi trong khu vực là công nghệ và sáng tạo.

(ICTPress) - Những ai đã chứng kiến ASEAN được thành lập vào tháng 8/1967 không thể hình dung được những thành tựu ASEAN đã đạt được trong 50 năm qua.

ASEAN hiện nay có 10 quốc gia thành viên, với diện tích 4,4 triệu km2, chiếm 3% tổng dịch tích toàn cầu và có dân số 625 triệu dân, chưa đến 9% dân số thế giới.

Tổng GDP đã đạt hơn 2,8 nghìn tỷ USD và nếu tính là một thực thể, ASEAN sẽ đứng thứ 6 trên toàn thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức.

Về mặt địa lý, ASEAN may mắn nằm trong là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với đường biển tự nhiên kéo dài đến tận Ấn Độ (có tăng trưởng hơn 7%), Trung Quốc (6,5%) và là một trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong ASEAN, các quốc gia mới gia nhập ASEAN sau là Cambodia, Myanmar và Lào có tốc độ tăng trưởng hơn 7%/năm, trong khi các nước thành viên có dân số hơn 100 triệu dân là Indonesia, Philippines và Việt Nam đều đang đạt tốc độ tăng trưởng 5- 6%.

Asean+3 (Trung Quốc gồm Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc) được dự báo tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm trong các năm 2017 - 2018, có sức tiêu thụ trong nước ổn định, mặc dù có một số trở ngại mang tính bảo hộ. Sức tiêu thụ của các nước này gần như gấp đôi các nước phát triển và các thị trường mới nổi ở châu Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông.

Mặc dù có những căng thẳng và cạnh tranh khu vực, ASEAN vẫn là khu vực quan trọng để duy trì sự cân bằng, các cái đầu mát và là một khu vực hòa bình và ổn định.

Hình ảnh một lái xe Uber đang kiểm tra smartphone thì đằng sau có một lái xe Go-Jek chở một người khách và một lái GrabBike đang theo dõi giao thông ở Jakarta, Indonesia. Các nước ASEAN có thể sử dụng công nghệ số và Internet để cải thiện việc sử dụng năng lượng và nguồn lực, cắt giảm ô nhiễm và tăng tổng công suất. Ảnh: Bloomberg.

Ngày nay, ASEAN cùng với phần thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã vượt Mỹ, khi ngày càng nhiều các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy các liên kết thương mại của các nước.

Tỷ lệ tham gia của ASEAN+3 trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã hơn một nửa xuất khẩu, cao hơn Mỹ (40%) và khu vực euro (chỉ hơn một nửa).

ASEAN cũng là nơi có một số nguồn lực sinh học đa dạng giàu có và lâu đời nhất thế giới, trong đó có các cánh rừng nhiệt đới, các bãi đá ngầm và gần 13 triệu km2 biển.

Điều có thể gây trở ngại cho tốc độ tăng trưởng của khu vực là hạ tầng phát triển còn thiếu đồng bộ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo các nước ASEAN cần đầu tư hơn 60 tỷ USD/năm cho hạ tầng từ nay đến năm 2020 để duy trì sự tăng trưởng, nhưng chi tiêu cho hạ tầng hiện nay đang khoảng là 3 - 4% GDP, so với tốc độ tăng trưởng GDP theo mong muốn là 5 - 8%.

Hạ tầng không chỉ cần thiết để tăng cường kết nối khu vực và trong nước, mà còn giải quyết các nhu cầu cơ bản như cải thiện nước, điện, chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu.

Phần lớn các nghiên cứu cho thấy hiện vẫn còn thiếu những khoản  tiết kiệm dài hạn để đáp ứng cho các đầu tư hạ tầng, nhưng đồng thời cũng có các trở ngại nghiêm trọng để đáp ứng cầu và cung nguồn tiền.

Điều có thể làm thay đổi cuộc chơi trong khu vực là công nghệ và sáng tạo. Một nghiên cứu năm ngoái của Temasek và Google cho thấy chỉ riêng 6 nền kinh tế ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có thể trở thành khu vực có Internet tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với hơn 480 triệu người sử dụng vào năm 2020.

Nền kinh tế Internet của ASEAN (chủ yếu là Thương mại điện tử - TMĐT) sẽ tăng trưởng tỷ lệ kép hàng năm (compound annual growth rate - CAGR) khoảng 14% lên 200 tỷ USD vào năm 2025.

Những lý do cho sự tăng trưởng nhanh này là do khu vực ASEAN có dân số trẻ đông với 70% dân số dưới 40 tuổi, và có sức mua tăng trưởng nhanh chóng.

TMĐT của ASEAN sẽ phát triển nhanh hơn vì khu vực này thiếu các hệ thống phân phối bán lẻ tiên tiến và đã chín muồi về đột phá công nghệ. Sự chuyển đổi số ASEAN cũng được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng hơn so với TMĐT. Lý do là chuyển đổi số sẽ không chỉ làm thay đổi mô hình tiêu thụ, mà còn thay đổi sản xuất của khu vực nhờ IoT và thậm chí các mô hình quản trị.

Một báo cáo của Frost và Sullivan 2015 cho thị trường Chứng khoán ASEAN dự báo vào năm 2025, thị trường IoT (các thiết bị kết nối) sẽ có một quy mô thị trường 79,3 tỷ USD vào năm 2020, tăng 26,8% CAGR.

ASEAN có vị trí rất phù hợp để thúc đẩy IoT phát triển, do thị trường thu nhập tầm trung có cả các kỹ năng CNTT do có trình độ giáo dục tốt và khả năng thích ứng với công nghệ mới bẩm sinh.

Trong số 20 nước hàng đầu toàn cầu về Internet, 11 nước nằm ở châu Á, trong đó 4 nước ở ASEAN là Indonesia, Phillipines, Việt Nam và Thái Lan.

Ngoài Mỹ và Ấn Độ, số người sử dụng của Facebook ở Đông Nam Á rất lớn, trong đó có 126 triệu người ở Indonesia. Malaysia có hơn 50% số người sử dụng Facebook cho các mục tiêu công việc so với trung bình của thế giới. Philippines đã đạt doanh thu 25 tỷ USD từ các dịch vụ BPO (Thuê ngoài qui trình kinh doanh) trong năm ngoái, mang lại hơn 1,3 triệu việc làm.

Ngân hàng thế giới đã dự báo doanh thu từ dịch vụ BPO sẽ vượt hơn 50 tỷ USD và tạo thêm 1,3 triệu việc làm vào năm 2020. Thái Lan, đã quốc gia sản xuất các bộ phận ô tô và sản xuất chế biến thực phầm, đang hướng tới Thái Lan 4.0 để nâng cấp khả năng số của nước này trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Chiến lược này cũng cùng thời điểm với chiến lược Internet+ và Made in China 2025 và chiến lược công nghiệp 4.0 của châu Âu.

Công ty khởi nghiệp của Malaysia là Grab đã thành công trong việc cạnh tranh với Uber ở ASEAN về nền tảng gọi xe.

Bên cạnh TMĐT và IoT, làn sóng sản xuất tiếp theo sẽ xuất phát từ các sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xã hội. Viện toàn cầu McKinsey đã dự báo những tiến bộ trong công nghệ xã hội số có thể làm tăng năng suất của người lao động lên 20 - 25%.

Giới trẻ ở ASEAN đang khám phá ra công nghệ truyền thông xã hội có thể giúp di động hóa hành động xã hội số nhanh chóng, với khả năng điều phối các dự án quy mô và phức tạp thông qua việc sử dụng công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo đang chỉ mới bắt đầu.

Các nước ASEAN do đó có thể sử dụng số hóa và công nghệ Internet để cải thiện việc sử dụng năng lượng và nguồn lực, giảm ô nhiễm và gia tăng tổng năng suất.

Không đâu quan trọng hơn ASEAN là nâng cấp chất lượng thực phẩm và sản xuất nông nghiệp, cũng như gia tăng năng suất của các thành phố đông đúc ở khu vực. Ví dụ, Go-Jek, một ứng dụng điện thoại di động, có hơn 250.000 lái xe ở Indonesia đã giúp giảm tắc nghẽn giao thông và các thời điểm chuyển phát và mang lại sự thuận lợi cho người dân ở các thành phố luôn bị kẹt xe như Jakarta.

Khả năng của truyền thông xã hội sẽ tăng cường sự điều phối trong các công việc hành chính, cũng như hỗ trợ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong việc ra các quyết định thông minh hơn, chỉ mới bắt đầu và ASEAN đang dẫn đầu thế giới về nhiều thử nghiệm trong lĩnh vực này. Khả năng này đạt được cũng nhờ sự đa dạng văn hóa và các giai đoạn phát triển, mang lại nhiều cơ hội cho sự cạnh tranh sáng tạo.

ASEAN đang phát triển nhờ sự đồng lòng, sự đa dạng văn hóa và sẽ tạo nên một mô hình thích ứng tồn tại với sự linh hoạt riêng của khu vực này trong 50 năm tới.

LP (Theo straitstimes.com)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress

Thế nào là một Đô thị thông minh? Và một số cách tiếp cận

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Đó có lẽ là một câu hỏi chính đáng, tưởng dễ trả lời và hầu như ai cũng có ý niệm về nó. Tuy nhiên, sự việc cũng không đơn giản như thế.

(ICTPress) - Đó có lẽ là một câu hỏi chính đáng, tưởng dễ trả lời và hầu như ai cũng có ý niệm về nó. Tuy nhiên, sự việc cũng không đơn giản như thế.

Theo như một giai thoại mà TS. Nguyễn Trọng, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, cố vấn Hội Tin học TP.  HCM kể trong Hội thảo Smart Cities 360 - Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh ngày 19/09/2017 tại TP. Hồ Chí Minh thì trong một buổi họp của Hội Tin học TP. HCM, một lãnh đạo cấp cao thành phố nay công tác ở trung ương cũng nói: “Người ta nói nhiều về thành phố thông minh mà tôi không hiểu nó là gì?”.

Gần đây, từ trung ương và địa phương đã nói về xây dựng các “Đô Thị Thông Minh” (ĐTTM) hoặc “Thành phố Thông minh “ (TPTM). Chúng ta sẽ sử dụng 2 thuật ngữ ĐTTM và TPTM như 2 thuật ngữ tương đương. Giới học giả, lãnh đạo vài quốc gia và một số thành phố trên thế giới thì bắt đầu nói về các ĐTTM từ khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, chúng ta thấy khá nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai xây dựng đề án ĐTTM/TPTM, đó là Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh, TP. HCM, Cần Thơ, Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc, Lâm Đồng (TP. Đà Lạt), Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, …

Tuy nhiên, cách hiểu và cách tiếp cận của giới học giả, chuyên gia, các hãng tư vấn công nghệ, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ khác nhau và dẫn đến sự hoang mang cho người đọc và cả những lãnh đạo ra quyết định.

ĐTTM là gì? Cụ thể hơn là: Cấu trúc cơ bản của một ĐTTM gồm những gì? Để tạo nên cấu trúc đó thì chúng ta phải làm những việc gì, làm như thế nào, tốn kém ra sao, và cuối cùng thì người dân được gì trong những ĐTTM ấy? Phải chăng người dân TP. HCM sẽ hết lo ngập úng, hết lo ách tắc giao thông, hết lo nạn thực phẩm bẩn.

Có hàng trăm định nghĩa về ĐTTM trên thế giới và theo như dự thảo đề án xây dựng TP. HCM thành ĐTTM, nhóm tư vấn viết rằng: “Một ĐTTM bền vững là một thành phố sáng tạo, sử dụng các CNTT và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các hoạt động và dịch vụ đô thị, và năng lực cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.”

Và định nghĩa của Washburn, D., trong “Helping CIOs Understand Smart City” (Trợ giúp các Giám đốc thông tin hiểu về TPTM) cho rằng “Thành phố thông minh là sử dụng các công nghệ máy tính thông minh để tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt và dịch vụ của một thành phố - bao gồm quản trị thành phố, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh cộng đồng, xây dựng, giao thông và các tiện ích khác… một cách thông minh, thông suốt và hiệu quả”. Định nghĩa TPTM này của Washburn giúp ta một cách tiếp cận đến cấu trúc cụ thể của một TPTM khi nhấn mạnh 2 ý quan trọng: “sử dụng các công nghệ máy tính thông minh” và “tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt”. 

Trên thế giới đã hình thành hàng vạn đô thị, trong đó có hàng ngàn các đô thị hiện đại đủ mọi quy mô.

Mọi đô thị dù là hiện đại hay chưa, dù là thông minh hay chưa thì đều phải có hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ bao gồm 6 nhóm chủ yếu sau: (1) Quy hoạch bền vững; (2) Hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện; (3) Điện - năng lượng - chiếu sáng, cấp - thoát nước đầy đủ và ổn định; (4) Viễn thông - thông tin liên lạc thông suốt; (5) Hệ thống các dịch vụ như hành chính công, y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh, hiệu quả và (6) Hệ thống sử lý chất thải hoàn thiện, ít ô nhiễm.

TS. Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM tham luận tại Hội thảo

Bài tham luận của TS. Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM nói về sự cần thiết phải xây dựng một TPTM và những thách thức mà Đảng bộ và nhân dân TP.HCM gặp phải trong quá trình xây dựng dự án quan trọng này. Trong thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, điển hình như ở các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT chuyên ngành trong giao thông vận tải, y tế, môi trường, giáo dục, quản lý nguồn nhân lực...  Tuy nhiên, bản chất của việc ứng dụng CNTT này vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong công tác điều hành của chính quyền và phục vụ người dân, và đặc biệt, chưa đáp ứng được nhu cầu về dự báo phát triển cho thành phố. 

Do đó, cần tận dụng thời cơ này để bắt đầu triển khai xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh nhằm phát huy các thế mạnh của Thành phố, hỗ trợ tốt cho 07 chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và định hướng cho Thành phố phát triển một cách khoa học, chính xác.

7 chương trình đột phá và quan hệ với ĐTTM của TP.HCM

Ông Cường cũng trình bày 7 nhóm giải pháp cho một TPTM (ĐTTM) của TP. HCM:

1/ Xây dựng Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

2/ Đề xuất Khung công nghệ tổng quan.

3/ Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở thành phố.

4/ Thành lập Trung tâm an toàn an ninh thông tin thành phố.

5. Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM.

 6/ Các lĩnh vực ưu tiên: Chính quyền điện tử; Giao thông; chống ngập; môi trường; Y tế; an toàn thực phẩm; an ninh trật tư; chỉnh trang đô thị (bám sát 7 Chương trình đột phá ĐH Đảng bộ TP lần thứ X và những vấn đề bức xúc liên quan đến cuộc sống người dân);

7/ Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về tài chính; giải pháp khuyến khích sự tham gia của người dân; giải pháp về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng mang đến hội thảo một đóng góp quan trọng. Đó là kinh nghiệm của Đà Nẵng, một thành phố đi đầu trong cả nước về Ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử và bây giờ là xây dựng ĐTTM.

Đà Nẵng tham khảo kinh nghiệm triển khai của nhiều thành phố: Barcelona, Valencia, Amdalusia (Tây Ban Nha); Yokohama, Keihanna, Kitatyushu, Kashiwa-no-ha (Nhật Bản);  Seoul, Songdo, Pangyo, Anyang, Busan, Dongtan (Hàn Quốc); London (Anh), Dubai, Singapore.

Đà Nẵng đã ban hành “Đề án xây dựng TPTM hơn tại Quyết định số 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 với sự tư vấn của Đoàn chuyên gia của Tập đoàn IBM, tập trung vào 5 lĩnh vực: Giao thông thông minh, Cấp nước thông minh; Thoát nước thông minh; Kiểm soát vệ sinh An toàn thực phẩm và Xây dựng thành phố kết nối.

Mô hình ĐTTM của Đà Nẵng

TS. Nguyễn Quang Thanh cũng nêu rõ: “Công nghệ là chưa đủ và ý niệm rằng công nghệ và quản trị đô thị sẽ tự động đem đến đô thị tốt hơn là CHƯA CÓ CƠ SỞ.”

Đà Nẵng chọn cách tiếp cận Nền tảng là Chính quyền điện tử với Khung kiến trúc TPTM: 

Khung tham chiếu ĐTTM của Đà Nẵng

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đã soạn thảo Đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025; đồng thời cũng khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực đóng góp ý kiến và phản biện cho lãnh đạo thành phố. Hội thảo Smart City 360o được tổ chức lần này chính là để thiết lập một diễn đàn để các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực giới thiệu và trao đổi giải pháp, thảo luận, đóng góp cho thành phố; cũng như tạo cơ hội kết nối các cơ quan chính quyền trong và ngoài TP.HCM, các doanh nghiệp, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, các trường Đại học - Viện nghiên cứu.

Các bài tham luận khác tại Hội thảo cũng giới thiệu các giải pháp chung cho ĐTTM với nhiều hướng tiếp cận khác nhau giúp các đại biểu có thêm cái nhìn tổng quát về các giải pháp công nghệ đã và đang được nghiên cứu và triển khai, và tiếp cận một hệ sinh thái công nghệ nhiều tiềm năng và cơ hội. Hy vọng qua Hội thảo Smart Cities 360 lần này sẽ có nhiều hợp tác của tất cả các đơn vị, các cấp quản lý và các doanh nghiệp, tạo nên một nền tảng vững chắc để cùng phát triển các ĐTTM trên cả nước.

Đào Trung Thành

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress

Cuốn sách quý đến từ Nhật Bản dành cho bạn đọc VN

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét “Kyojinka: Tăng cường Năng lực Quốc gia Ứng phó Thảm họa ở Nhật Bản, Châu Á và Thế giới” - Một cuốn sách quý dành cho bạn đọc Việt Nam.

(ICTPress) - “Kyojinka: Tăng cường Năng lực Quốc gia Ứng phó Thảm họa ở Nhật Bản, Châu Á và Thế giới” - Một cuốn sách quý dành cho bạn đọc Việt Nam.

Đó là nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành cho cuốn sách “Kyojinka: Tăng cường Năng lực Quốc gia Ứng phó Thảm họa ở Nhật Bản, Châu Á và Thế giới” do Nhà xuất bản TT&TT vừa xuất bản và ra mắt bạn đọc.

Nhật Bản là một trong những nước đã và đang chịu nhiều thảm họa nhất thế giới, hàng năm đất nước này thường xuyên phải gánh chịu từ thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, hạn hán… đến những thảm họa do con người gây ra như nhà máy điện hạt nhân, chiến tranh... Vì vậy việc bảo vệ an toàn và tính mạng con người khỏi các thảm họa này luôn được coi là nhiệm vụ chính trị cao của những tổ chức đứng đầu Nhà nước Nhật Bản, đặc biệt là Đảng Dân chủ Tự do - Đảng tập hợp những nhà chính trị có bản lĩnh đương đầu với mọi thử thách và khó khăn để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đảng Dân chủ Tự do đã đề xướng việc “Chấn hưng đất nước” hay nói theo cách khác là “Kokudo Kyojinka - Tăng cường năng lực quốc gia” nhằm phòng, chống, giảm thiểu thiên tai và chuẩn bị tinh thần về giáo dục, khoa học xã hội, văn hóa, lịch sử.

Xuất phát từ những hoàn cảnh khó khăn và nhiều biến cố đó đã góp phần tạo nên tinh thần kiên cường, bản sắc văn hóa độc đáo và sự thông minh của con người Nhật Bản trong cuộc sống cũng như những thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên và lịch sử.

Nhận xét về cuốn sách này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho rằng, đây là một tài liệu quan trọng mà tất cả người dân đều nên đọc. Theo đó, Nhật Bản là một đất nước tươi đẹp nhưng cũng là một quốc gia phải hứng chịu rất nhiều thảm họa thiên nhiên. LDP đã và đang cố gắng hết sức phát huy các giá trị tốt đẹp của Nhật Bản để bảo vệ đến cùng cuộc sống của nhân dân trong thảm họa thiên tai.

Cuốn sách gồm các bài viết và tư liệu quý giá của một số nhà chính trị lớn, học giả và tổ chức nghiên cứu chính sách nổi tiếng của Nhật Bản về ứng phó với thảm họa thiên tai - một chủ đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết đối với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trong thời đại ngày nay. Cuốn sách là một công trình đúc kết từ những bài học lớn lao mà chính dân tộc Nhật Bản đã phải trả giá bằng tính mạng hàng trăm nghìn người dân của mình qua suốt lịch sử xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam cũng là quốc gia phải hứng chịu và chống chọi với nhiều tai họa do thiên nhiên mang tới và những di chứng mà lịch sử để lại. Nhật Bản và Việt Nam là hai đối tác chiến lược sâu rộng của nhau, có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên. Vì vậy, cuốn sách này sẽ là tài liệu tham khảo quý để độc giả Việt Nam nghiên cứu, vận dụng trong quá trình xây dựng chính sách, quản lý, tổ chức xã hội để phát triển bền vững; phòng ngừa, thích ứng, vượt qua những thách thức mà chúng ta đang đối mặt; nhất là trong bối cảnh của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bìa cuốn sách

Bên cạnh đó, cuốn sách còn là tài liệu giúp độc giả tăng cường hiểu biết của mình về đất nước và con người Nhật Bản; có sự đồng cảm về suy nghĩ, tình cảm, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nhà nước và Nhân dân hai nước.

Cuốn sách hướng đến đối tượng bạn đọc rất đông đảo từ các tổ chức, cá nhân ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau.

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành
Các chuyên mục liên quan: 
Tiếng nói ICTPress

Sàng lọc thông tin với báo điện tử

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hơn lúc nào hết, công việc “sàng lọc thông tin” của báo điện tử phải được đặt lên hàng đầu và phải được thực hiện một cách cẩn thận và chuyên nghiệp.

(ICTPress) - Nếu như Internet ra đời cùng với sự hình thành của báo điện tử đã làm thay đổi toàn bộ nền tảng báo chí truyền thống thì sự xuất hiện của mạng xã hội đã có tác động rất lớn với báo điện tử.

Khi bất cứ ai cũng có thể đăng tải, chia sẻ tin tức, với đông đảo cộng đồng một cách dễ dàng trên Internet thông qua mạng xã hội, báo điện tử đã đứng trước một bước ngoặt lớn: nguồn thông tin được mở ra vô biên, vô tận, phong phú, hết sức dễ dàng nhưng đồng thời cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi khi người người, nhà nhà có thể xuất bản “tin” riêng của mình lên mạng mà không theo bất cứ quy chuẩn nào thì câu hỏi đặt ra là mảnh đất tiếp cận và thu hút độc giả của báo điện tử sẽ còn được bao nhiêu? 

Có rất nhiều người đã từng đặt ra câu hỏi liệu các báo điện tử có nên ngăn chặn sự chiếm lĩnh ngày càng mạnh của mạng xã hội khi xuất hiện ngày càng nhiều tin không lành mạnh, thông tin giật gân chỉ nhằm mục đích câu "like", câu "share" ở đó. Chúng tôi cho rằng không nên và cũng không thể làm như vậy. Các báo điện tử rất nên tận dụng thế mạnh về thông tin nhanh, nhiều, đa dạng của mạng xã hội nhưng lại phải rất cẩn trọng để không bị cuốn theo tính “ảo” của mạng xã hội. Thực tế cho đến nay, không một tờ báo điện tử nào không tận dụng mạng xã hội để hỗ trợ cho công việc của mình. Vấn đề quan trọng là “sàng lọc thông tin” thế nào để báo điện tử không trở thành “nạn nhân” cho những thông tin “rởm” trên mạng. 

Cơ hội cũng là thách thức

Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, báo chí không chỉ bám theo những nguồn tin truyền thống trước đây mà đã có một nguồn tin phong phú và đa dạng hơn nhiều: thông tin từ mạng xã hội. Ví dụ: khi lũ lụt xảy ra ở miền Trung, phóng viên của báo có mặt tại điểm nóng, kịp thời phản ánh tình hình lũ lụt và những ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một số lượng phóng viên nhất định của báo không thể nào so với số lượng hàng trăm, hàng ngàn bạn đọc cũng có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm vùng lũ, trực tiếp chụp ảnh nơi họ trải qua và đăng tải thông tin trên trang cá nhân của họ. Có được những hình ảnh quý này, thông tin trên báo sẽ phủ khắp, đa và sinh động hơn nhiều. 

Tuy nhiên, cũng trong những hình ảnh này, đã có những bức ảnh là giả, cũng là hình ảnh rất xúc động về vùng lũ nhưng mà là hình ảnh của mùa lũ năm trước được những người sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức tung lên hoặc cũng do những người sử dụng nhầm tưởng đó là ảnh của mùa lũ năm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà báo dễ dàng sử dụng những bức hình này trên trang báo của mình. Thái độ của bạn đọc đối với sai sót thông tin của một facebooker nào đó sẽ khác hẳn đối với sai sót của một tờ báo . Đây cũng chính là thách thức “sàng lọc thông tin” của nhà báo trong thời đại “biển” thông tin như hiện nay. 

Thông tin trên mạng rất đa dạng nhưng là thông tin chưa được kiểm chứng. Thông tin đó có thể được chia sẻ một cách vô tư nhưng cũng có thể được đưa với một chủ đích nào đó của người viết, có thể tốt nhưng cũng có thể nhằm mục đích xấu. Với một tờ báo điều này là không thể. Mới đây, một tờ báo đã bị phạt vì đưa thông tin về một dàn siêu xe mang biển xanh, đặt ra nghi vấn về dàn siêu xe này trong khi trên thực tế, đó chỉ là xe mô hình đồ chơi.

Cũng có khi câu chuyện “sàng lọc thông tin” không phải ở chỗ đúng sai mà ở độ “nhạy cảm” của nhà báo. Cách đây vài tháng câu chuyện diễn viên MC Minh béo ra khỏi tù ở Mỹ và về Việt Nam rất "hot" trên mạng xã hội. Nhân vật nổi tiếng này đưa lên trang cá nhân của mình hình ảnh trở về nước, chào hỏi người hâm mộ. Đã có những tờ báo “vô tư” đăng tải những hình ảnh này lên mà không tính đến độ phản cảm của thông tin khi một nhân vật vừa chịu án lại có biểu hiện như một ngôi sao. Những tờ báo này cũng đã phải chịu phạt nghiêm khắc vì đã bị “cuốn” theo mạng xã hội.

 Một trong những sứ mệnh quan trọng của báo chí là định hướng dư luận, tạo niềm tin cho công chúng và hướng công chúng đến những giá trị chân thiện mỹ. Trong những lúc người dân chưa biết tin vào đâu, thông tin nào là chính xác thì vai trò của báo chí là phải lấp đầy khoảng trống nghiêm trọng này, ngay lập tức cung cấp cho công chúng thông tin chính xác từ nguồn tin cậy, được kiểm chứng một cách khách quan. Cách đây chưa lâu, tin đồn lan tràn khắp nơi về việc sắp đổi tiền. Tâm lý người dân hoang mang, lo lắng vì lo ngại những nguy cơ của việc đổi tiền như đã từng diễn ra trong quá khứ. Đến khi báo chí đăng tin chính thức rằng không có chuyện đổi tiền thì tin đồn này ngay lập tức được dẹp bỏ, người dân đã yên tâm hơn. 

Tuy nhiên, làm công việc này không phải lúc nào cũng đơn giản. Bởi thông tin được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội cũng luôn là những thông tin hot, những đề tài ăn khách mà báo chí có thể khai thác nhằm tăng thêm lượng truy cập cho báo mình. Có không ít tờ báo, trang tin điện tử đã chạy theo những thông tin trên mạng xã hội chỉ nhằm một mục đích tăng view.  Cách đây vài năm có tin đồn về câu chuyện bố chồng và con dâu quan hệ bất chính, bị dính vào nhau và phải đến viện cấp cứu ở Tiền Giang. Cũng vì đây là một câu chuyện có yếu tố hút bạn đọc nên đã có những báo đi viết nhiều kỳ về câu chuyện gợi tò mò này và cuối cùng đã bị phạt vì câu chuyện này hoàn toàn không có thực mà chỉ là đồn đại. 

Trước áp lực của kinh tế thị trường, việc báo điện tử phải tăng số lượng bạn đọc để có thể tự nuôi mình là điều dễ hiểu, tuy nhiên báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng vẫn luôn phải đảm báo tính định hướng, có tôn chỉ, mục đích của mình. Nếu báo chí cũng chạy theo mạng xã hội với những thông tin giật gân, câu view thì sẽ sớm đánh mất mình và mất luôn khả năng cạnh tranh với mạng xã hội. 

Hơn lúc nào hết, công việc “sàng lọc thông tin” của báo điện tử phải được đặt lên hàng đầu và phải được thực hiện một cách cẩn thận và chuyên nghiệp. Một thông tin không chỉ kiểm tra, xác minh 1 nguồn mà phải 2-3 nguồn để đảm bảo tính chính xác. Đây cũng chính là điểm có thể giúp báo chí cạnh tranh được với mạng xã hội, với những thông tin trôi nổi. Người đọc có thể tìm được những thông tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm trên báo điện tử, họ có thể đặt niềm tin rằng tin đó là chính xác chứ không cần phải phân vân chuyện đó có thật hay không. Làm được điều này cũng chính là thể hiện tính trung thực, lương tâm, trách nhiệm và đạo đức của nghề báo. 

 Bản lĩnh người làm báo

 Để có thể làm tốt công việc sàng lọc thông tin, mỗi tờ báo và mỗi nhà báo cần những gì để có thể vừa đảm bảo được tính nhanh nhạy, hấp dẫn của thông tin, vừa giữ được tính chính xác, khách quan của tờ báo?

Trước hết trên khía cạnh pháp luật, nhà báo phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, luật Báo chí khi hành nghề. Dù là thông tin ở mạng xã hội hay ở bất cứ nguồn nào thì thông tin đó khi đăng lên cũng phải theo đúng quy định của pháp luật. Một tờ báo không thể đăng những thông tin xúc phạm cá nhân giống như một status đầy khiêu khích được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.

 Luôn có một trái tim nóng để có thể xông pha vào những điểm nóng, đề tài khó, những nơi nguy hiểm nhưng cũng cần có một cái đầu lạnh, đủ tỉnh táo để nhận ra những phần “chìm” ở đằng sau mỗi một thông tin “nổi”. Vì sao một loạt tờ báo bị phạt trong vụ nước mắm nhiễm asen. Đối với hoạt động thông thường của một nhà báo, khi được mời đến cuộc họp báo chính thức do một cơ quan trực thuộc nhà nước tổ chức, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia thuộc đúng lĩnh vực đó thì trong đầu phóng viên đã mặc định đó là thông tin chính thống và sẽ sử dụng thông tin từ cuộc họp báo đó mà không cần phải kiểm tra, xác minh thêm nguồn nào nữa.

Những người làm báo khi đó đã không đủ tỉnh táo để xác định rõ rằng cho dù một cơ quan nhà nước công bố ra như vậy nhưng trước một thông tin ảnh hưởng đến hàng triệu người sử dụng nước mắm, hàng trăm, hàng nghìn nhà sản xuất nước mắm như vậy thì vẫn cần phải kiểm chứng, xác minh thông tin từ các nguồn khác nữa. Các nhà báo đã không đủ minh mẫn để nhìn ra được phần chìm là “ai” đã đứng đằng sau để công bố những thông tin này và những thông tin này có lợi cho những người công bố ra sao và có hại cho biết bao người khác ra sao?

Đây là bài học xương máu cho báo chí và bởi vậy mà với mỗi bài báo, chúng tôi bắt buộc các cấp biên tập, trưởng ban, thư ký tòa soạn phải hỏi phóng viên của mình nhiều lần câu hỏi: “Làm sao anh/chị biết điều đó?”. Câu hỏi này để đảm bảo rằng mỗi một thông tin đưa ra đều đã được kiểm chứng, xác minh một cách rõ ràng, chính xác.         

Ngoài trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, hơn lúc nào hết, đạo đức của nghề báo lại càng phải được đặt lên hàng đầu trong tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay. Bên cạnh các chuẩn mực về độ chính xác, về tính khách quan thì một điều không thể thiếu là tin đó có ích gì cho bạn đọc không. Chúng tôi thường xuyên hỏi những người làm báo VietNamNet rằng: tin đó để làm gì, bạn có muốn đưa tin đó cho con cái, người thân của bạn đọc không? Điều này cũng là để tránh việc sa đà chạy theo view mà quên mất trách nhiệm định hướng thông tin, định hướng xã hội của người cầm bút.

Với sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, với đội ngũ những người làm báo điện tử trẻ trung, nhiệt huyết, có kỹ năng và lòng yêu nghề, thời gian qua các báo điện tử đã và đang có sự chuyển hướng rõ rệt theo hướng nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn… Chúng tôi tin rằng với bản lĩnh của mình, công việc sàng lọc thông tin của báo điện tử sẽ ngày càng được nâng cao, mỗi tờ báo sẽ thể hiện được trách nhiệm, độ tin cậy của mình và giành được sự tin yêu của độc giả.

               Báo Điện tử Vietnamnet

Tham luận tại Hội thảo “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress
Các chuyên mục liên quan: 
Nghề báo

Cổng 1400 - Đồng hành cùng người nghèo

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Tính đến hết năm 2016, Cổng 1400 đã tiếp nhận được hơn 100 tỷ đồng qua các đợt vận động ủng hộ, trong đó có các chương trình đạt hiệu quả cao, tạo được sức lan toả lớn đến toàn xã hội.

(ICTPress) - Thực hiện kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mở cuộc vận động nhắn tin ủng hộ, đóng góp vì người ngèo thông qua Cổng Thông tin Nhân đạo Quốc gia 1400.

Chương trình phát động từ ngày 15/10/2016 đến ngày 31/12/2016 với tên gọi “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã nhận được trên 3 tỷ đồng, với trên 203.000 tin nhắn.

Ngay từ ngày đầu phát động chương trình đã tạo ra sự lan tỏa lớn trong xã hội, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách” mọi người không phân biệt nam nữ, tuổi tác, công việc đều cầm điện thoại lên và nhắn tin ủng hộ với cú pháp VNN gửi đến tổng đài 1409. Sự thành công của chương trình không thể không nói đến sự vào cuộc của các nhà mạng, tất cả 5 nhà mạng đều vào cuộc rất quyết liệt trong đó phải kể đến Viettel, Mobifone, Vinaphone...

Và đặc biệt, là có sự đóng góp rất lớn của Tổng công ty VTC đơn vị được giao vận hành Cổng Thông tin Nhân đạo Quốc gia 1400. Chỉ tính đến hết năm 2016, Cổng 1400 đã tiếp nhận được hơn 100 tỷ đồng qua các đợt vận động ủng hộ, trong đó có các chương trình đạt hiệu quả cao, tạo được sức lan toả lớn đến toàn xã hội.

Đáng ghi nhận phải kể đến chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” với mục đích nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển đảo và sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân cả nước đối với quân, dân và bà con ngư dân trên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, chỉ trong vòng 2 tháng đã nhận được 1,066,429 tin nhắn, tương ứng với hơn 19 tỷ đồng. Trước đó, vào năm  2014, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” cũng tiếp nhận được hơn 5 tỷ đồng. Đây quả là những con số ấn tượng, thể hiện rõ ý nghĩa to lớn của chương trình, cho thấy tinh thần yêu nước của đồng bào Việt Nam, đồng thời khẳng định hiệu quả hoạt động của Cổng 1400.

Các đại biểu cùng hành động nhắn tin ủng hộ chương trình "Vườn rau Trường Sa"

Trong những năm gần đây, Cổng 1400 đã phối hợp với các tổ chức từ thiện thực hiện ngày càng nhiều chương trình nhắn tin thiện nguyện có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Một số chương trình trở thành thường niên với những kết quả đáng ghi nhận như: chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là đơn vị chủ trì tổ chức; Chương trình “Tri ân liệt sĩ” do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chủ trì tổ chức, chương trình “Trái tim cho em” do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt – Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức; Chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân da cam” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì tổ chức…

Các chương trình đều nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ của người dân trong và ngoài nước, gần như trở thành một chương trình thiện nguyện có thương hiệu, nhiều người biết đến.

Cổng 1400 đã và đang làm tốt và sẽ làm tốt hơn nữa Sứ mệnh của mình đó là nhịp cầu cho các chương trình từ thiện, trong đó có các chương vì người nghèo.

QA

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress

Đổi mới để tiến lên

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, mọi thông tin truyền thông đều hướng đến mục đích cuối cùng đó là vì quyền lợi của nhân dân và của đất nước, nghĩ được như vậy hẳn mỗi nhà báo sẽ thấy được trách nhiệm của chúng ta trước nhân dân là vô cùng to lớn.

(ICTPress) - Cách đây 30 năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện cụm từ “Đổi mới”, “Đổi mới hay là chết”, cùng với nó là tác giả có tên NVL có nhiều bài được đăng tải trên báo Nhân dân. Không nói thật tên nhưng ai cũng biết đó là những bài báo của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Nhiều độc giả còn đặt tên cho tác giả là “Nói và làm”… Có thể nói, luồng gió đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được tổ chức vào cuối năm 1986.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của Báo chí Việt Nam, chúng ta thật sự vui mừng, tự hào trước sự vươn mình cùng đất nước. Vẫn còn đó các bậc lão thành của ngành báo chí như: nhà báo Phan Quang, Hà Đăng, Hồng Minh và rất nhiều các anh chị khác đã một thời lăn lộn, một thời đồng cam cộng khổ cùng dân tộc vượt qua bao khó khăn thử thách, gian khổ hy sinh…

Hẳn chúng ta còn nhớ những tháng năm trước đổi mới, những nhà báo đêm viết bài để sáng sớm đạp xe hoặc cuốc bộ đi xếp hàng mua gạo, mua rau, mua dầu, mua mắm muối… Những nhà báo gầy còm ngồi vê thuốc lá cuộn, “căng thẳng” chia cho nhau 3 người 2 đôi tất, 5 người 1 bộ xăm lốp xe đạp để rồi người được cũng không vui, người không được cũng buồn lòng chẳng kém… Mấy ví dụ nhỏ như vậy để mỗi nhà báo chúng ta ôn lại chút kỉ niệm của một thời đã qua, ôn lại để chúng ta có cái mốc để nói và bàn về chặng đường đổi mới sau 30 năm của báo chí cách mạng Việt Nam.

Làn gió mới

Xóa bỏ quan liêu bao cấp, xóa bỏ cấm chợ ngăn sông, thực hiện khoán nông nghiệp… Kết quả bước đầu đạt được là dân hết đói, thóc gạo, ngô khoai, lợn gà, tôm cá ngày một nhiều hơn, nụ cười trên môi người dân tươi hơn…

Trong giai đoạn này, trên tất cả các diễn đàn báo chí đều tập trung viết về vấn đề xóa bỏ quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người có nhiều bài báo với tiêu đề “Những việc cần làm ngay” để định hướng dư luận xã hội, định hướng những bước đi ban đầu của kinh tế Việt Nam. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra một chân trời mới cho cách mạng Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách để cứu nguy cho dân tộc thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Khẩu hiệu của thời kỳ đó là: “Đổi mới hay là chết”, “Đổi mới để tiến lên”. Tất cả các báo trong nước và quốc tế đều tập trung viết về nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc. Có thể nói, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng vươn mình như Phù Đổng. Từ chỗ bị hạn chế đưa tin và lấy tin, từ viết bài dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ nay chuyển hẳn sang cơ chế thoáng đãng hơn.

Tôi còn nhớ tháng 12 năm 1986, tôi và cơ quan trực tiếp đón và hướng dẫn các đoàn phát thanh và truyền hình các nước đến Việt Nam đưa tin về đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Khi đó các nước XHCN ở Đông Âu chưa tan rã nên nước nào cũng có các nhà báo đi theo đoàn đại biểu của các Đảng anh em đến Việt Nam dự đại hội. Phía “Tư bản” khi ấy chỉ có đoàn ZDF của Cộng hòa liên bang Đức. Không ngờ lần đón các bạn nhà báo các nước XHCN ấy lại là lần cuối cùng. Lý do tại sao thì tất cả chúng ta ở đây đều biết. Khi chia tay các bạn ở sân bay Nội Bài, một số nhà báo đã nắm chặt tay chúng tôi và nói: “Nhất định công cuộc đổi mới của các bạn sẽ thành công”. Đến đại hội VII và VIII, Đảng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, chủ động hội nhập quốc tế. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói trong buổi họp báo rằng “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”… Tuy nhiên sau khi mở cửa nền kinh tế và tiến hành hội nhập sâu rộng, chúng ta đã vấp phải một số khó khăn phức tạp. Nói một cách cụ thể đó là chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là công tác truyền thông.

Những khó khăn của thời kỳ đổi mới:

Mở cửa đi đôi với việc văn hóa ngoại lai ùa vào, từ phim ảnh, sách báo, internet, thời trang, lối sống, phong tục tập quán… nhanh chóng làm cho giới trẻ học theo và làm theo. Cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đi theo đúng quỹ đạo, sự buông lỏng quản lý, buông lỏng về khâu giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ làm báo chưa kịp thời. Tư tưởng chạy theo cơ chế thị trường, thương mại hóa báo chí bắt đầu xuất hiện. Nhiều nhà báo không theo kịp cái mới, còn lúng túng trong công tác chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Một số nhà báo lại quá nhanh nhạy, muốn đi trước thời đại dẫn đến sự sai lệch trong tư tưởng… trong khi đó việc định hướng tư tưởng cho toàn dân trong thời kỳ hội nhập còn chậm, luôn rơi vào thế bị động. Lợi dụng vấn đề này các thế lực thù địch trong và ngoài nước đẩy mạnh việc chống phá chúng ta ở nhiều mặt…

Đứng trước tình hình phức tạp và khó khăn này, Đảng và nhà nước ta đã kịp thời đưa ra những chủ trương đúng đắn và kịp thời. Đảng tiếp tục kiên trì con đường đổi mới, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hội nhập sâu rộng trên tinh thần “ Hòa nhập không hòa tan”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, động viên quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, từng bước đưa đất nước thoát ra khỏi đói nghèo lạc hậu. Chúng ta vừa làm, vừa rút ra kinh nghiệm, có tổng kết 10 năm, 20 năm và 30 năm qua đó chúng ta thấy được kết quả to lớn, thành tích to lớn của công cuộc đổi mới. Góp phần vào thắng lợi chung đó có công sức không nhỏ của lực lưỡng những người làm báo chí cả nước. Họ đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tất cả chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, giúp định hướng cho nhân dân có cái nhìn đúng, có sự hiểu biết sâu sắc về công cuộc đổi mới đất nước…

Một số nguyên nhân yếu kém của đội ngũ báo chí

Như đã phân tích ở trên, sự yếu kém của đội ngũ báo chí chúng ta đã và còn tồn tại. Nhiều nhà báo ở những năm đầu hội nhập nay đã nghỉ hưu, các nhà báo trẻ còn thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, quá đà để chạy theo cái mới.

Việc bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt trong các cơ quan báo chí còn thiếu chặt chẽ, có những người vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiều nghiệp vụ chuyên môn. Có một số người lợi dụng báo chí để lồng lợi ích cá nhân của mình vào, bất chấp kỷ cương phép nước. Công tác thưởng phạt chưa tốt, đời sống của nhiều nhà báo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế (làm nghề không đủ sống)…

Một số giải pháp

Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức người làm báo.

Hoạch định và sắp xếp lại đội ngũ báo chí trong cả nước, cần rút gọn và sát nhập một số cơ quan báo chí ở cả TW và ở các tỉnh thành trong cả nước.

Xem xét lại chế độ nhuận bút, chế độ lương, thưởng để tạo điều kiện cho các nhà báo có cuộc sống tốt để cống hiến cho nghề.

Kiên quyết loại các nhà báo không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ trình độ nghiệp vụ ra khỏi các cơ quan báo chí.

Tăng cường công tác quản lý báo chí, tăng cường cán bộ đủ khả năng trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm trong giai đoạn mới của cách mạng hiện nay.

Xiết chặt kỷ luật nghề nghiệp, thực thi pháp luật nhà nước, thực hiện dân chủ trên cơ cở đặt trách nhiệm và nghĩa vụ các nhà báo trước đất nước, trước nhân dân tất cả vì mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Lời kết:

Báo chí Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã có bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ hơn 100 tờ báo và tạp chí đến nay chúng ta đã có trên 800 tờ báo và tạp chí, mạng lưới truyền thông đại chúng có thể nói là đã và đang hiện đại sánh tầm với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên trước yêu cầu và nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện nay, báo chí Việt Nam cần phải có sự chuyển mình hơn nữa. Hãy bắt đầu từ mỗi nhà báo, hãy nghĩ suy, trăn trở, hãy đặt câu hỏi cho mình mỗi khi viết, mỗi khi nói. Hãy luôn nhớ rằng, báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, mọi thông tin truyền thông đều hướng đến mục đích cuối cùng đó là vì quyền lợi của nhân dân và của đất nước, nghĩ được như vậy hẳn mỗi nhà báo sẽ thấy được trách nhiệm của chúng ta trước nhân dân là vô cùng to lớn.

Trần Bình Tám

Phó Chủ tịch thường trực LCH nhà báo TT&TT

Tham luận tại Hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress

Những bước chuyển biến tích cực trong hoạt động truyền thông Y tế

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Ngành Y tế cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ phóng viên theo dõi y tế, tránh tình trạng thông tin chuyển tải sai lệch bản chất, chuyên ngành.

(ICTPress) - Y tế là một ngành đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân do đó các thông tin liên quan đến y tế trên các phương tiện truyền thông được cộng đồng quan tâm đặc biệt.

Trong 2 năm qua, không ai có thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của ngành Y tế trong việc giảm tải, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống dịch bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, áp dụng kĩ thuật tiên tiến... thu được những kết quả tích cực được nhân dân ghi nhận.

Với vai trò cầu nối, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền sâu rộng những kết quả đó đến với toàn dân, đồng thời phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về y tế.

Ngoài ra báo chí là kênh phản biện hiệu quả các thông tin y tế chưa chính xác mà gần đây nhất là câu chuyện vắc xin Quinvaxem, câu chuyện nhập 9 tấn chất tạo nạc Salbutamol...

Thông qua báo chí, ngành Y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý hàng loạt sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm từ chuyện vòi vĩnh nhận phong bì, tiêu cực trong khám chữa bệnh, đạo đức xuống cấp đến chuyện trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT), lạm dụng khám dịch vụ... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để kịp thời cổ vũ, báo chí viết nên những gương sáng của ngành y, đồng hành với những cống hiến hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế để cộng đồng sẻ chia, thấu hiểu, khâm phục.

Xác định được tầm quan trọng của truyền thông, những năm qua, ngành y tế đã có những bước chuyển tích cực trong hoạt động truyền thông, các đầu mối đã cởi mở, cung cấp thông tin chủ động hơn cho báo chí. Tuy nhiên thực tế người dân vẫn chưa hiểu được những yếu tố đặc thù của ngành Y và những khó khăn của y tế Việt Nam, nói như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, những việc làm được thì không được nêu nhưng khi có “sự cố”, có sai sót thì bị dư luận phản ứng, bức xúc.

Hiện ngành Y đã có quy chế về việc phát ngôn thông tin, tuy nhiên thực tế nhiều sự cố, vụ việc nóng xảy ra, báo chí không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía ngành chức năng. Tình trạng né tránh, đùn đẩy, vòng vo còn diễn ra, nhiều nhà báo theo dõi “ăn chực nằm chờ” để canh thông tin nhưng vẫn không được.

Khi nguồn tin chính thống bị o bế sẽ dẫn đến nhiễu loạn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả chuyên gia, mạng xã hội... mà nhỡn tiền là câu chuyện dịch sởi 2013, vụ 3 cháu bé tử vong ở Quảng Trị, Quinvaxem. Chính điều này khiến người dân mất niềm tin và hệ thống y tế, dễ có những phản ứng tiêu cực khi có bất kỳ tai biến y khoa xảy ra.

Tình trạng né tránh thông tin cũng xảy ra tại các bệnh viện - nơi chăm sóc, điều trị trực tiếp cho người dân. Khi tai biến xảy ra, trong khi vụ việc đã chia sẻ hầu khắp mạng xã hội thì thông tin chính thức từ phía bệnh viện vẫn chưa có. Báo chí có liên hệ thì đùn đẩy hết người này đến người kia, yêu cầu để lại giấy giới thiệu, liên lạc lại sau... Sự chậm chễ này vô hình trung tạo ra hiệu ứng ngược.

Đứng ở góc độ báo chí, nhiều nhà báo, tờ báo cũng phải rút kinh nghiệm. Do ngành Y đặc biệt nhạy cảm nên trong những vụ tai biến y khoa cần đưa thông tin thận trọng, đa chiều, thay vì đơn thuần phản ánh bức xúc một phía từ gia đình.

Một bài học sâu sắc gần đây nhất là câu chuyện nước mắm. Vì áp lực tốc độ, bạn đọc, nhiều tờ báo đã vội vã đăng nguyên văn thông cáo báo chí của Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng VN trong khi chưa kiểm chứng đầy đủ tính chính xác của thông tin, một số ít đã đưa được ý kiến 2 chiều nhưng vẫn còn thông tin trên tít dễ gây hiểu lầm.

Cũng liên quan vụ việc này, khi nhìn nhận trách nhiệm từ phía ngành Y tế, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng khi có thông tin nước mắm nhiễm asen, Bộ Y tế đã phản ứng không kịp thời trong việc trấn an dư luận để bảo vệ người dân, bảo vệ hàng Việt.

Theo bà Lan, khi xảy ra sự việc về mặt chuyên môn, Bộ Y tế phải phân tích đúng sai xem asen vô cơ toàn phần, asen tổng là gì, asen hữu cơ có sẵn trong nước mắm ra sao để chia sẻ cho cộng đồng kịp thời, nhưng thực tế việc này đã chậm trễ.

Do đó, tôi hy vọng trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ có những cơ chế cung cấp thông tin chủ động và cởi mở hơn, giao trách nhiệm phát ngôn tới từng đơn vị để thông tin đa chiều kịp thời đến với đông đảo người dân.

Để chủ động, theo tôi Bộ Y tế nên tổ chức các cuộc giao ban với báo chí hàng tháng, hàng tuần để có thể kịp thời giải đáp những vấn đề nóng dư luận đang đặt ra như nhiều Bộ, ngành khác đã và đang triển khai.

Hiện mỗi cơ quan báo chí thường phân công 01 phóng viên chuyên trách theo dõi y tế. Tuy nhiên do liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyên môn đặc thù, nên ngoài kiến thức chung về hoạt động báo chí, phóng viên theo dõi mảng phải thường xuyên cập nhật các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực được phân công. Do đó, ngành Y tế cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ phóng viên theo dõi y tế, tránh tình trạng thông tin chuyển tải sai lệch bản chất, chuyên ngành.

Phạm Anh Tuấn

Tổng Biên tập Vietnamnet

Tham luận của Báo Vietnamnet tại Hội thảo

“Công tác truyền thông thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân”

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress
Các chuyên mục liên quan: 
Nghề báo

Truyền thông Y tế đã đến lúc phát triển trên mạng xã hội

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Trong sự phát triển mạnh mẽ của CNTT ngày nay, đã đến lúc truyền thông y tế cần phát triển mạnh trên mạng xã hội.

(ICTPress) - Báo Bưu điện Việt Nam, cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có 2 ấn phẩm: Báo Bưu điện Việt Nam bản giấy và Báo điện tử Infonet. Với chức năng nhiệm vụ của mình, báo luôn dành một vị trí xứng đáng cho lĩnh vực tuyên truyền về y tế nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của người dân về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng như tuyên truyền đường lối chính sách về y tế của chính phủ đến với người dân.

Hiểu được vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe là đặc biệt quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hoạt động truyền thông y tế được thực hiện tốt sẽ giúp các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về y tế đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn; người dân nhận biết được các yếu tố nguy cơ bệnh tật, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh... Chính vì thế, báo luôn dành nội dung ưu tiên cho những bài tư vấn về sức khỏe của các chuyên gia, bác sĩ có uy tín, báo còn theo kịp các vấn đề nóng trong ngành để người dân có thể tiếp cận được chính sách y tế một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, từ thực tế làm công tác truyền thông y tế trên Báo Bưu điện Việt Nam thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng sức mạnh của truyền thông y tế không chỉ dừng lại ở các kênh truyền thống mà cần mở rộng hơn - đó là truyền thông, quảng cáo y tế trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo, ngày nay truyền thông thông minh không phải là ti vi, đài tiếng nói hay các loại báo chí truyền thống, xu hướng thay đổi đó là sự tiếp cận ngày càng tăng của người dân với Internet và thiết bị liên lạc di động cần được kết hợp với ứng dụng chiến lược truyền thông xã hội để mang thông tin sức khỏe kịp thời tới người dân.

Thực tế, số lượng điện thoại di động và máy tính cá nhân đang tăng dần vượt qua số lượng ti vi. Tại Việt Nam, dân số Việt Nam 90 triệu nhưng có đến hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu người dùng Internet, 28 triệu tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, trong đó có 24 triệu người lướt bằng điện thoại di động. Mỗi ngày, một người truy cập điện thoại khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6,5 phút, 43% người Việt Nam có Internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, 37% có điện thoại thông minh (smartphone), tỉ lệ người sử dụng Internet bằng di động lên tới 31%, trong khi máy tính bàn là 18% và máy tính xách tay là 10%, 8% sử dụng điện thoại để đọc tin tức, trong khi 21% nghe tin từ radio và 19% đọc tin từ báo in. Chỉ những con số trên đã cho thấy xu hướng truyền thông y tế thời gian tới thiên về hướng nào. Ưu việt nữa, thông tin từ Internet và mạng xã hội được cho là rộng rãi, không bị áp đặt, dễ tiếp cận, cập nhật và có tính tương tác cao có thể ảnh hưởng đến cảm nhận về tính kịp thời và sự tin cậy của thông điệp so với các phương tiện thông tin truyền thống.

Thực tế ngày nay, người ta không còn dành thời gian 30 phút để nghe một chương trình tư vấn sức khoẻ trên đài, trên ti vi mà thay vào đó họ vừa vuốt màn hình điện thoại, vừa có thể cập nhật được các chương trình về truyền thông y tế. Xu hướng này càng phát triển và chiếm ưu thế bởi vì người sử dụng đã tăng lên kể cả đối tượng người trẻ và trung niên. Đây mới là nhóm người tiên quyết tới sức khoẻ của gia đình mình.

Đã đến lúc ti vi, đài phát thanh và các tấm pano không còn là những kênh thông tin duy nhất đem lại hiệu quả cao. Cơ quan công vụ cần lấp đầy khoảng trống trên mọi kênh thông tin, liên tục xây dựng sự tin cậy không chỉ qua hoạt động cập nhật thông tin hai chiều mà còn bằng thái độ coi người dân như “khách hàng” và những hành xử có trách nhiệm cao. Cơ quan y tế cần tạo ra những cách truyền thông mới đa chiều trên mạng xã hội để tránh người tiếp nhận hiểu sai lệch đi vấn đề.

Câu chuyện về tiêm phòng văcxin là một ví dụ điển hình cho thấy sự thiếu hụt của truyền thông y tế. Mặc dù chúng ta liên tục nói trên tivi, đài tiếng nói, báo chí truyền thống rằng cần tiêm phòng để phòng ngừa bệnh nhưng trên Internet người dân lại dễ dàng tiếp nhận thông tin ngược chiều về loại vắc xin này đó là những bằng chứng cho thấy sốc phản vệ, các con số thống kê hay những nước sử dụng loại vắc xin này. Chính vì thế, người dân sợ vắc xin Quivaxem và bùng nổ dịch sởi năm 2014.

Đây không phải là do người dân thiếu kiến thức về loại vắc xin này, người dân bị mạng xã hội dẫn lối mà nguyên nhân chính là trên các chia sẻ này không bao giờ thấy sự góp mặt của cơ quan quản lý y tế chính thống. Nếu những chia sẻ này không bị coi là spam mà hãy coi nó là kênh thông tin kiểu mới và bổ sung thêm vào để đa chiều thì sẽ tốt hơn rất nhiều thay vì coi nó là không chính thống.

Trong mọi câu chuyện, truyền thông y tế đã đi chậm hơn mạng xã hội một bước bởi chẳng mấy bà mẹ trẻ ngồi xem tivi, nghe đài mà họ thích lướt web, họ thích cập nhật, thích chia sẻ những điều họ cho là đúng. Ở vị trí một người cha, một người mẹ, ai cũng đôi lần đắn đo trước thông tin sức khoẻ họ nhận được và họ nhanh chóng lấy lại thăng bằng quyết định của mình đó chính là bác sĩ google.  

Ngành y tế đừng trách người dân mải mê chạy theo những bác sĩ google mà nên tìm hiểu lại cách truyền thông của mình làm thế nào để dễ gần gũi với người dân hơn. Nhiều bác sĩ cho rằng thay vì họ chia sẻ thông tin về y tế, cách phòng bệnh họ chọn fanpage, Zalo… các mạng xã hội khác họ còn cảm thấy vui hơn là lên tham gia một tọa đàm trên ti vi bởi ở đó họ có sự tương tác trực tiếp với khách hàng của mình chính là người dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế xử lý kịp thời các thông tin nóng liên quan về y tế, giảm thiểu khủng hoảng truyền thông trong y tế trên mạng xã hội sẽ tạo được dư luận tích cực, từng bước thay đổi cách nhìn nhận về công tác y tế; tiếp nhận và xử lý thông tin về công tác y tế, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế thông qua hoạt động của đường dây nóng ở các cấp, mạng xã hội

Trong thời gian tới, nhất là hướng tới cơ chế tự chủ trong y tế, truyền thông y tế của cơ sở nào phát triển mạnh trên mạng xã hội họ sẽ thắng thế hơn so với các đơn vị đi theo lối mòn truyền thông cũ. Và trong sự phát triển mạnh mẽ của CNTT ngày nay, đã đến lúc truyền thông y tế cần phát triển mạnh trên mạng xã hội. 

                                                             Vũ Hoàng Huệ

Tham luận của Báo Bưu điện Việt Nam tại Hội thảo

“Công tác truyền thông thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân”

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Tiếng nói ICTPress

Phát ngôn của ông Mẫn và bầy sâu trong làng báo

Tóm tắt: 

Chủ trương qui hoạch báo chí cùng với việc xây dựng lại, sớm ban hành Qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là một bước đi quan trọng, nhằm loại bỏ và ngăn chặn những con sâu, lấy lại uy danh cho nghề báo.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về một clip được cho là của một quan chức ngành Thanh tra với những lời lẽ nhằm cấm cửa báo chí; “dạy" cách bưng bít thông tin, đối phó với báo chí trong quá trình thanh tra. 

Ông ấy “khuyên" thế này: “Kể cả trong quá trình thanh tra, không tiếp khách, không tiếp báo chí (trừ báo Đảng). Tôi nói rõ bất kỳ nhà báo nào vào quấy nhiễu, các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi.…”.

Sao trong thời đại này mà vẫn có tư duy cấm cửa báo chí nhỉ? Thật ra chỉ khi nào sai, có “lợi ích” khác với dân với nước, người ta mới phải “sợ” đến mức như vậy. 

Tôi còn nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói về báo chí thế này: luôn đi đầu bám sát thực tiễn sinh động chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng”.

Xem ra bưng bít thông tin, cấm cửa nhà báo là đi ngược sự phát triển tự nhiên. 

Tuy nhiên khi xem lại clip của vị quan nọ một cách bình tĩnh, và dám đặt câu hỏi nghiêm túc: Vì sao ông ấy, và nhiều người khác đang ghét báo chí một cách cực đoan như vậy?

Nói thẳng luôn, cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề báo cũng có người tử tế, nghiêm túc và cũng có cả những con sâu đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách len lỏi vào. 

Chúng ta đều biết, cả xã hội cũng biết, những con sâu này không làm báo, họ làm tiền. Đây đó người ta đã nói về chuyện những nhà báo tiếp tay cho các nhóm lợi ích. Đây đó người ta đã nói về chuyện những nhà báo nhận đồng tiền từ các tập đoàn cá mập để đưa tin một chiều hoặc chọn cách im lặng. Và còn vô khối những câu chuyện khác. 

Thi thoảng trên báo lại có cái tin về chuyện một nhà báo tham gia “tống tiền doanh nghiệp”. Đã có những con sâu trong làng báo bị lôi ra ánh sáng, bị khởi tố, bị điều tiếng để đời do có các hành vi không đúng tôn chỉ của nghề báo. Hãy thử vào google gõ cụm từ “nhà báo tống tiền doanh nghiệp”. Trong tích tắc, có tới  146.000 kết quả.

Tôi biết, cả xã hội cũng biết, có những tòa soạn thực hiện “khoán” cho nhân viên, phóng viên thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp. Năng lực, hiệu quả công việc được đánh giá trên số tiền ký được. 

Thủ đoạn “gây sự cố gặt hợp đồng” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp, các địa phương. 

Bởi thế mới đây thôi, khi nói về mối quan hệ mờ ám giữa một số con sâu trong làng báo và những nhóm lợi ích, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã gọi thẳng đó là “truyền thông bất lương”. 

Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục”, người đứng đầu Bộ Thông tin- Truyền thông nghiêm khắc chỉ ra: 

Một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy,... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,... 

Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù”…

Đồng thời ông cũng lưu ý, đừng vì một bộ phận tha hóa, một con sâu đó mà lại cấm cửa các nhà báo, không công khai minh bạch, bưng bít thông tin… Vì đó là ngăn cản sự phát triển của xã hội, là đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Xem ra, chủ trương qui hoạch báo chí cùng với việc xây dựng lại, sớm ban hành Qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là một bước đi quan trọng, nhằm loại bỏ và ngăn chặn những con sâu, lấy lại uy danh cho nghề báo. 

Nguyễn Đăng Tấn/Vietnamnet

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo
Các chuyên mục liên quan: 
Tiếng nói ICTPress