Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong các vấn đề nóng

Ngày 27/2, bên lề Khóa họp thường kỳ lần thứ 37 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã tổ chức Tọa đàm quốc tế về "Vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc thúc đẩy các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và giảm bất bình đẳng."

Đại sứ Dương Chí Dũng. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Sự kiện được Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Phillipines, Bangladesh, Maldives và Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU) đồng bảo trợ, thu hút hơn 60 đại diện từ các nước, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tham dự. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng chủ trì buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Dương Chí Dũng gợi mở một số hướng thảo luận, đồng thời đề cập đến chính sách, tình hình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ công, sản xuất và mua bán sản phẩm nông nghiệp… Đại sứ cũng nêu một số thách thức công nghệ thông tin và truyền thông đặt ra hiện nay như tình trạng thiếu nguồn lực đầu tư, lạc hậu về công nghệ và sự biến mất của một số ngành nghề truyền thống.

Trong phát biểu của mình, các diễn giả và đại biểu tham dự có chung quan điểm về tác động tích cực của công nghệ thông tin và truyền thông đối với phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy quyền con người và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030. Nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Bắc-Nam, Bắc-Nam-Nam trong việc tận dụng cơ hội và giải quyết các thách thức của công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm cả vấn đề quyền con người. Bên cạnh đó, thông tin về sáng kiến, thành tựu công nghệ thông tin và truyền thông của từng quốc gia và hiệu ứng tích cực của nó đối với việc thúc đẩy các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội cũng được chia sẻ rộng rãi.

Diễn giả từ Maldives, bà Zenysha Shaheed Zakia, Bộ trưởng Giới và Gia đình, chia sẻ kinh nghiệm của nước này về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế, chống bạo lực đối với trẻ em, tăng quyền cho phụ nữ để lãnh đạo doanh nghiệp. Maldives là quốc gia có tỷ lệ sử dụng ​Internet cao nhất vùng Nam Á. Với những lợi ích to lớn mà công nghệ thông tin và truyền thông mang lại cho giáo dục, Maldives đặt mục tiêu hoàn thành số hóa hệ thống giáo dục trước giữa năm 2018.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ấn Độ tại Geneva Rajiv Kumar Chander khẳng định Chính phủ Ấn Độ xem công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ để phát triển thoát nghèo. Ấn Độ đã đầu tư nghiêm túc vào công nghệ thông tin và truyền thông với hàng loạt sáng kiến, dự án của Chính phủ trên các lĩnh vực, bắt đầu với việc phát triển chương trình vũ trụ, thành lập trung tâm tin học quốc gia, đến ban hành kế hoạch chính phủ điện tử, chương trình định danh số, chương trình Digital India... Đại sứ Chander nêu những ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp tại Ấn Độ và các thách thức hiện nay như thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, mất an ninh dữ liệu, tình trạng "mù kỹ năng, kiến thức số"….

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nhật Bản tại Geneva, ông Junichi Ihara cũng đánh giá công nghệ thông tin và truyền thông mang lại hiệu ứng tích cực trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, chính trị, nhân đạo, quyền con người, giúp tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia....Tuy nhiên, để tận dụng được những mặt tích cực, cần phải đầu tư nguồn lực lớn vào phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Với nhận thức đó, Nhật Bản cam kết đóng góp 300 triệu USD trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại các nước đang phát triển. Đại sứ Ihara cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế tại Geneva tăng cường trao đổi, phối hợp để khai thác hết tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông.

Diễn giả Francois Gave, Phó Trưởng phái đoàn đại diện Pháp tại Geneva, nhận định công nghệ thông tin và truyền thông có tiềm năng to lớn trong giảm nghèo và thúc đẩy quyền con người. Theo ông Gave, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông giúp những người ở vùng sâu vùng xa, vùng bị cô lập kết nối tốt hơn với thế giới bên ngoài; dịch vụ y tế, giáo dục được cung cấp với mức chi phí thấp hơn và chất lượng cao hơn; người nghèo tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Nước Pháp đã triển khai rất nhiều dự án y tế có ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại vùng Tây Phi và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đại diện Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU), ông Catalin Marinescu đưa ra những con số rất ấn tượng về công nghệ thông tin và truyền thông: tăng 10% chỉ số sử dụng băng thông rộng có thể giúp tăng trưởng kinh tế thêm 1.4%, tăng gấp đôi tốc độ băng thông rộng có thể dẫn đến tăng 0.3% GDP bình quân đầu người, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sản xuất, nông nghiệp, nhà ở, giao thông và năng lượng có thể giúp giảm 20% lượng khí thải CO2 vào năm 2030. Ông Marinescu cũng phân tích ba nguyên tắc hợp tác, không bỏ rơi và đối thoại trong nỗ lực vượt qua thách thức đối với phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Các diễn giả đại biểu tham dự đều hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam và các nước đồng bảo trợ trong việc tổ chức Tọa đàm về chủ đề này. Kết thúc Tọa đàm, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy phát triển bền vững, giảm bất bình đẳng và qua đó thúc đẩy các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân; gợi ý các tổ chức, cơ quan chuyên môn như ITU, WHO, FAO, UNIDO, Hội đồng nhân quyền… dù hoạt đồng trong những lĩnh vực rất khác nhau nhưng nên tăng cường trao đổi, phối hợp để có cách tiếp cận đa chiều, xuyên suốt về công nghệ thông tin và truyền thông.

Nguồn: TTXVN

Tin nổi bật