Thúc đẩy dịch vụ nội dung để “hút” người sử dụng chuyển đổi IPv6

(ICTPress) - Trong thời gian qua, công tác thúc đẩy IPv6 được quan tâm và triển khai tích cực. Việt Nam đã hoàn thành Giai đoạn I, chính thức bước sang Giai đoạn II của Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6. Mục tiêu và lộ trình triển khai IPv6 ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với lộ trình chung của khu vực và thế giới.

Ngày 6/5/2014 vừa qua đánh dấu năm thứ 3 Việt Nam tổ chức Sự kiện "Ngày IPv6". Nhân dịp này, ICTPress đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Thường trực Ban Công tác Thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia về việc thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam trong thời gian tới:

Ông Trần Minh Tân tại Hội thảo ngày IPv6 Việt Nam 6/5/2014

Năm 2014 là năm thứ 3 tổ chức Ngày IPv6, ông có thể cho biết việc tổ chức sự kiện Ngày IPv6 đã mang lại những kết quả như thế nào?

Trong các sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam, "Hội thảo IPv6" với các chủ đề lựa chọn theo từng năm đã được tổ chức. Đây là nơi các cán bộ kỹ thuật, chính sách, các chuyên gia công nghệ gặp gỡ, chia sẻ các kinh nghiệm, hiện trạng, khó khăn vướng mắc và định hướng triển khai IPv6 tại các đơn vị, doanh nghiệp. Các kỳ hội thảo Ngày IPv6 được triển khai trong 3 năm qua đều có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực công nghệ của các hãng công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp lớn và các nước đi tiên phong trong việc triển khai chuyển đổi sang IPv6 trên thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể cập nhật, học hỏi kinh nghiệm từ các hãng công nghệ, sản xuất thiết bị, doanh nghiệp, tổ chức, các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực trong việc triển khai chuyển đổi IPv6. Qua hội thảo, Ban công tác cũng đã phổ biến, truyền đạt đến cộng đồng mạng, công nghệ về những thách thức của vấn đề cạn kiệt địa chỉ IPv4, sự cần thiết tất yếu và lộ trình kế hoạch quá trình chuyển đổi sang IPv6 tại Việt Nam.

Việc chuyển đổi IPv6 đang bước vào giai đoạn mới, ông có thể cho biết những điểm nào mà Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia muốn các ISP, người dùng cần lưu ý trong thời gian tới?

Hiện tại hệ thống mạng lõi Internet bao gồm mạng DNS quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia, mạng Internet của các ISP đã triển khai sẵn sàng hỗ trợ song song IPv4/IPv6 và kết nối hình thành mạng IPv6 quốc gia. Trong thời gian tới, các ISP cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, tập trung triển khai IPv6 cho các dịch vụ nội dung trên mạng, tham gia phát triển, sản xuất các thiết bị đầu cuối khách hàng hỗ trợ IPv6, triển khai thử nghiệm các dịch vụ IPv6 tới người sử dụng cuối cùng (end-user). Đối với người sử dụng cuối cùng quá trình chuyển đổi cần trong suốt, không ảnh hưởng đến các dịch vụ đang sử dụng. Điều này có nghĩa là quá trình chuyển đổi cần phải được thực hiện như thế nào để ít ảnh hưởng tới người sử dụng nhất. Thực tế, đối với các thiết bị đầu cuối của khách hàng (home gateway, ở đây là các thiết bị kết cuối - home appliance, home rourer ...) cần phải hỗ trợ IPv6, và hiện tại hầu hết các hãng sản xuất đầu cuối, trong đó có cả các doanh nghiệp Việt Nam đều đã sản xuất các thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 (như Cisco, TPlink, Dlink, Zyxcel, Ruckus, VNTechnology, Viettel, FPT Telecom ...). Đối với các thiết bị đầu cuối cũ cần phải nâng cấp phần mềm (firmware) để hỗ trợ IPv6, có thể tải và nâng cấp online, một số thiết bị không hỗ trợ cần phải thay đổi sang model mới để hỗ trợ IPv6. Các thiết bị đầu cuối trên thị trường hiện tại như các modem adsl, modem wifi model mới đều hỗ trợ IPv6 với chi phí không thay đổi so với các thiết bị chỉ hỗ trợ IPv4 trước đây. Đây là những điểm rất thuận lợi cho quá trình chuyển đổi IPv4 sang IPv6 giai đoạn hiện tại.

Bên cạnh các vấn đề về mặt kỹ thuật, công nghệ, việc phát triển các công nghệ nội dung trên nền IPv6 cũng là nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy, thu hút người dùng tham gia sử dụng các dịch vụ trên nền IPv6. Nhận thức được vấn đề đó nên các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn trên thế giới như Google, Yahoo, FaceBook,... đã nhanh chóng tiếp cận và triển khai cung cấp song song dịch vụ trên nền IPv6 ngay từ khi mạng IPv6 thế giới bắt đầu phát triển và chính thức cung cấp ổn định dịch vụ trên nền IPv6 kể từ thời điểm phát động Ngày IPv6 thế giới. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung của Việt Nam cũng cần lưu ý vấn đề này trong lộ trình phát triển dịch vụ của mình. Thực tế, ngoài các dịch vụ cơ bản như DNS, Website, FTP, Mail, đối với các dịch vụ nội dung trên nền IPv6, hiện tại một số doanh nghiệp đã có kế hoạch cung cấp thử nghiệm các dịch vụ như xDSL, FTTx, Video Streaming, Games... Vì đa số các nền tảng công nghệ (OS, Application, Webserver, Database, Ngôn ngữ lập trình...) đều đã hỗ trợ IPv6 đầy đủ nên việc phát triển các ứng dụng trên nền IPv6 cũng được hỗ trợ các điều kiện thuận lợi khi triển khai.

Trong kế hoạch hành động năm 2014 của mình, Ban Công tác Thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cũng đã xác định và đưa nhiệm vụ thúc đẩy triển khai các dịch vụ nội dung trên nền IPv6 vào làm một trong các nhiệm vụ chính phải thực hiện trong năm, đồng bộ với việc xây dựng điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các doanh nghiệp nội dung trong phát triển IPv6 vào Kế hoạch hành động IPv6 quốc gia giai đoạn 2 để đảm bảo quá trình chuyển đổi được đồng bộ và thành công. 

Trong năm nay, Ban công tác và VNNIC sẽ tiếp tục có những hoạt động nào để thúc đẩy IPv6?

Trong năm 2014 Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, VNNIC sẽ tập trung vào các hoạt động chính sau để thúc đẩy IPv6:

+ Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp về các ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các thiết bị, phần mềm, nội dung số hỗ trợ IPv6.

+ Tiếp tục thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Tổ chức các hội thảo, hội nghị, ban hành các tài liệu hướng dẫn về chính sách, lộ trình và triển khai IPv6. Triển khai chương trình chứng nhận sẵn sàng IPv6 (IPv6 Ready Logo) đối với các sản phẩm, trang web, hệ thống thông tin, dịch vụ/nhà cung cấp dịch vụ., nhằm tăng cường sự tin cậy của người sử dụng đối với các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng IPv6.

+ Tiếp tục tăng cường đào tạo cộng đồng, hợp tác quốc tế về IPv6.

+ Tiếp tục triển khai hoàn thiện mạng lưới IPv6, triển khai các dịch vụ IPv6 thử nghiệm tới người dùng đầu cuối.

+ Tập trung triển khai IPv6 trong các doanh nghiệp nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ di động (Mobile operator), các doanh nghiệp sản xuất phần cứng, phần mềm trong nước.

Nguyễn Dung thực hiện

Tin nổi bật