Thời sự ICT
Tim Cook: “Tôi nóng lòng muốn thăm Việt Nam”
Submitted by nlphuong on Sat, 10/09/2022 - 10:34CEO Apple nói muốn ghé thăm Việt Nam trong bối cảnh thị phần Apple tăng trưởng mạnh tại đây.
Apple vừa tổ chức xong buổi giới thiệu loạt sản phẩm mới quan trọng nhất trong năm, trong đó chủ lực là dòng iPhone 14. Tại sự kiện hôm 8/9 (giờ Mỹ), CEO Tim Cook dừng lại trao đổi bên lề với những người được Apple mời trực tiếp tham dự lễ ra mắt sản phẩm.
Cuộc nói chuyện giữa người đứng đầu Apple và các khách mời chủ yếu nói những chuyện bên ngoài công việc, không phải buổi phỏng vấn chính thức.
Khi PV VietNamNet tự giới thiệu đến từ Việt Nam, CEO Apple nói: “Tôi nóng lòng muốn đến (đất nước các bạn - PV)”. Khi PV đang định hỏi thêm Tim Cook về các vấn đề khác, người đi cùng ông cho hay ông không trả lời các câu hỏi phỏng vấn chính thức. Thấy PV đang cầm điện thoại quay video, CEO Apple lặp lại: “Hãy nói với họ (khán giả - PV) rằng tôi nóng lòng muốn ghé thăm”.
Tim Cook (bên trái) chụp ảnh selfie cùng PV VietNamNet. (Ảnh: Hải Đăng) |
Câu nói của CEO Apple diễn ra trong bối cảnh thị phần iPhone tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong thời gian qua. Theo số liệu của Counterpoint, trong quý 2/2022, doanh số iPhone tại Việt Nam tăng trưởng 115% so với cùng kỳ, một trong những mức tăng kỷ lục của Apple từ trước đến nay. Kết quả, thị phần của hãng đạt 15,4% trong quý 2, đứng thứ 3 các hãng smartphone trong nước.
Trong báo cáo do Apple phát hành, trong quý 2/2022, thị trường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số, nằm trong số các quốc gia tăng trưởng mạnh toàn cầu.
Việc Apple lần đầu mời giới truyền thông Việt Nam tham dự sự kiện ra mắt sản phẩm cũng chứng tỏ hãng “Táo” đang đầu tư nghiêm túc vào thị trường này.
iPhone 14, dòng sản phẩm mới được giới thiệu hôm qua, đang chứng tỏ sức hút đối với người dùng Việt. Các nhà bán lẻ liên tục ghi nhận mức đặt mua rất cao từ trước đến nay.
Dòng iPhone 14 Pro đang chứng tỏ sức hút trên thị trường nhờ thay đổi về thiết kế. (Ảnh: Hải Đăng) |
TopZone, chuỗi bán lẻ chuyên hàng Apple của Thế Giới Di Động, tuyên bố số người đăng ký mua iPhone 14 tại đây đã chạm mốc hơn 5.000 người chỉ sau 2 giờ mở cổng, và nhanh chóng vượt qua con số 10.000 người sau 6 giờ giúp Thế Giới Động xác lập được kỷ lục chưa từng có trước đây.
Số liệu tại FPT Shop cho hay, tính đến tối ngày 8/9, số lượng đăng ký sở hữu sớm iPhone 14 đã lên đến gần 15.000 suất. Trong đó, hơn 2/3 tổng số lượt đăng ký chọn iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.
Sức hút của dòng iPhone 14 chủ yếu đến từ dòng sản phẩm Pro do những cải tiến mới trên sản phẩm. Ở hai thiết bị này, màn hình máy được thay phần “tai thỏ” thành một cụm nằm trong màn hình, khiến phần không gian hiển thị rộng rãi và trải nghiệm thoải mái hơn.
Bên cạnh đó, iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max cũng được nâng cấp lên vi xử lý A16 Bionic. Đồng thời, camera chính của máy tăng lên mức 48MP so với 12MP của thế hệ trước.
Tại Việt Nam, iPhone 14 có giá dự kiến thấp nhất 24,99 triệu đồng, riêng iPhone 14 Pro có giá từ 30,99 triệu đồng.
Hải Đăng/vietnamnet.vn
Tránh tình trạng độc quyền, thâu tóm tần số vô tuyến điện
Submitted by nlphuong on Fri, 19/08/2022 - 17:19Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết ngay sau Kỳ họp thứ 3, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bám sát các mục tiêu chính sách (như về quy hoạch, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; nghĩa vụ tài chính khi sử dụng tần số vô tuyến điện; quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả khai thác các tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh...); tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm; phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng, với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số, các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp, không trái với khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013, Luật Cạnh tranh.
Kinh nghiệm quốc tế tại 22 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 19/22 quốc gia (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật.
Về phương thức cấp phép, nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân do quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai và giải pháp khắc phục.
Ông Lê Quang Huy cho biết, vướng mắc trong quy định pháp luật: Năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực. Trong giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa mới được cấp phép băng tần cho mạng 3G thông qua thi tuyển vào năm 2009 và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G.
Trong những năm này, các quy định pháp luật về đấu giá tần số vô tuyến điện đã cơ bản được hoàn thiện. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá các băng tần này.
Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng Nghị định.
Cuối năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Vướng mắc trong thực tiễn triển khai, đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá.
Về giải pháp, dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua: Thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp; làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.
Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, quy định tại dự thảo Luật đặt ra hai mốc thời gian: 3 năm là thời điểm xem xét doanh nghiệp có nằm trong diện được cấp lại hay không, để doanh nghiệp chuẩn bị các phương án kinh doanh mới; 6 tháng là thời điểm để doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục, cấp giấy phép và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Trong đó, khoảng thời gian xem xét cấp lại giấy phép cần đảm bảo đủ dài. Trường hợp không được cấp lại giấy phép, doanh nghiệp còn có thời gian để thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng. Nếu dài quá (ví dụ 5 năm) thì việc quy hoạch tần số vô tuyến điện có thể không theo sát sự thay đổi của công nghệ.
Tham khảo kinh nghiệm 32 quốc gia trên thế giới có quy định về cấp lại giấy phép trong Luật, thời điểm xem xét cấp lại sớm nhất là 3 năm trước khi giấy phép hết hạn. Vì vậy, việc chọn các mốc thời gian như dự thảo Luật là phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phạm vi sửa đổi của Luật Tần số vô tuyến điện không nhiều nhưng rất quan trọng.
Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo đánh giá, giải trình đầy đủ hơn nguyên nhân đến nay vẫn chưa thực hiện đấu giá sử dụng tần số vô tuyến điện trong khi ở nhiều nước, đây là “tài nguyên đặc biệt” mang lại giá trị kinh tế lớn khi thực hiện đấu giá.
“Băng tần là tài nguyên đặc biệt, nên việc xử lý, thu hồi sau khi doanh nghiệp phá sản khác với các loại tài sản khác. Đây là nội dung quan trọng cần được rà soát, quy định đầy đủ,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Đối với vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo đánh giá đầy đủ, toàn diện về mặt quy hoạch, kỹ thuật và đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về quản lý, phân bổ, thu hồi tần số vô tuyến điện; quy định về giới hạn, đồng bộ tổng độ rộng, băng tần các phương thức cấp phép, chuyển nhượng, nhất là thời điểm áp dụng việc nộp tiền, cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đặc biệt là tiêu chí đấu giá việc sử dụng tần số vô tuyến điện./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=811788
'Thời 4.0 vẫn cần loa phường'
Submitted by nlphuong on Sat, 06/08/2022 - 12:00Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, trả lời VnExpress về loa truyền thanh xã, phường, chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
- Hệ thống truyền thanh cơ sở, hay ở đô thị người dân quen gọi là "loa phường", đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Vì sao phương tiện này tiếp tục được phát triển trong thời gian tới?
- Hoạt động thông tin cơ sở là truyền thông tin trực tiếp đến người dân ở xã, phường, thị trấn bằng nhiều loại hình, phương tiện khác nhau, như loa truyền thanh, bảng tin, tờ rơi; truyền thông trên mạng xã hội; họp dân, hội nghị cung cấp thông tin tại tổ dân phố. Mỗi loại hình phương tiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng miền, từng nhóm nhỏ người dân, với tính chất, yêu cầu khác nhau về nội dung thông tin.
Hệ thống truyền thanh cơ sở là kênh thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở mà người dân cần biết để thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trên địa bàn.
Truyền thanh cơ sở là phương tiện truyền thông có giá thành rẻ, tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc trưng tiếp nhận thông tin của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở. Ảnh: MIC |
- Ông có thể nói cụ thể hơn về lợi thế của loa truyền thanh cơ sở?
- Trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của các phương thức thông tin hiện đại như truyền hình, báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn so với trước.
Tuy nhiên, đài truyền thanh vẫn là kênh thông tin thiết yếu phục vụ người dân ở cơ sở. Nội dung các bản tin phát thanh ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, gần gũi, mang tính thuyết phục cao vì được thực hiện bởi chính những người địa phương, nói tiếng nói của địa phương, phạm vi chỉ bao gồm thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh ở địa phương đó.
Loa truyền thanh đặc biệt hiệu quả khi thông tin trong các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai, cháy nổ; sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đây là kênh hiệu quả để phổ biến chính sách liên quan trực tiếp đến người dân, như: Giải phóng mặt bằng, sửa đường, làm cầu, thuế, nghĩa vụ quân sự; hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, hay nâng cao kỹ năng người dân ở nông thôn, miền núi trồng cây gì, nuôi con gì và làm thế nào.
Chính vì những yếu tố đó mà truyền thanh cơ sở vẫn được coi là một trong phương tiện thông tin thiết yếu trong hệ thống báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước. Điều này đã được khẳng định trong Chỉ thị số 07 ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Quyết định số 52 ngày 6/12/2016 của Thủ tướng ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở và Quyết định số 135 ngày 20/1/2020 của Thủ tướng phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
- Những công nghệ nào sẽ được ứng dụng với loa truyền thanh cơ sở trong thời gian tới?
- Từ nay đến 2025, các địa phương sẽ từng bước chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, hay còn gọi là truyền thanh kỹ thuật số. Việc phát thanh sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tức là sử dụng phần mềm để chuyển văn bản cần thông tin đến người dân sang giọng nói và giọng nói có thể theo từng vùng, miền để người dân dễ nghe, dễ hiểu.
Với công nghệ truyền thanh kỹ thuật số, cán bộ phụ trách đài truyền thanh có thể sử dụng điện thoại thông minh, laptop để xử lý, biên tập thông tin và đưa ngay lên hệ thống phát thanh thay vì phải đến trụ sở UBND để đọc bản tin như trước. Công nghệ này đặc biệt hữu dụng trong những tình huống phổ biến thông tin khẩn cấp, đột xuất.
Công nghệ truyền thanh kỹ thuật số cũng khắc phục được tình trạng loa truyền thanh công nghệ cũ dùng một thời gian có hiện tượng nhiễu, rè âm thanh, hoặc bị chèn sóng do trùng tần số với các thiết bị phát thanh khác.
Cụm loa phường ứng công nghệ mới có bộ thu sử dụng Internet ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
- Lộ trình chuyển đổi cũng như chi phí thay đổi công nghệ này thế nào, thưa ông?
- Về lộ trình thực hiện, Chiến lược phát triển thông tin cơ sở xác định không làm đồng loạt mà theo nguyên tắc thay thế dần những đài truyền thanh công nghệ cũ đã hỏng, xuống cấp, hết khấu hao để tránh lãng phí trong đầu tư.
Đối với công nghệ truyền thanh cũ, mỗi đài truyền thanh sử dụng một máy phát sóng, cột ăng-ten và các thiết bị kỹ thuật kèm theo. Với gần 10.000 đài truyền thanh xã, phường hiện nay trên cả nước, chúng ta đang sử dụng mỗi đài là một hệ thống truyền dẫn phát sóng riêng.
Nhưng khi chuyển sang công nghệ truyền thanh kỹ thuật số thì không cần đầu tư máy phát sóng, cột ăng-ten mà sử dụng hạ tầng viễn thông sẵn có để truyền dẫn âm thanh. Các địa phương chỉ cần đầu tư cụm thu phát thanh là sử dụng được. Hàng tháng địa phương chỉ trả chi phí thuê bao viễn thông khoảng 30.000-50.000 đồng với mỗi cụm thu phát thanh.
Chi phí đầu tư ban đầu với một cụm thu phát thanh khoảng 20 triệu đồng, đài truyền thanh xã, phường có 10 bộ thu phát thanh thì khoảng 200 triệu đồng, giảm khoảng 20-30% so với đầu tư truyền thanh có dây/không dây FM, và khi các địa phương sử dụng càng nhiều thì chi phí sẽ thấp hơn nữa.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang giao các cơ quan nghiên cứu thiết kế "trợ lý ảo" để có thể hỗ trợ cán bộ truyền thanh cơ sở các kỹ năng tuyên truyền, khai thác thông tin, các quy định pháp luật.
- Sau nhiều năm hoạt động, loa phường vẫn chịu định kiến từ một số người dân ở khu vực thành thị. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?
- Để phát huy được hiệu quả của hệ thống truyền thanh trong thời đại công nghệ 4.0, có hai việc cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần làm là đổi mới công nghệ truyền thanh như tôi đã nói để khắc phục những hạn chế về chất lượng tín hiệu của hệ thống truyền thanh có dây/không dây FM và nâng cao chất lượng nội dung thông tin phổ biến đến người dân.
Đối với khu vực thành thị, dân cư đông đúc, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, cần bố trí cụm loa ở địa điểm công cộng, âm lượng không quá lớn; có thời lượng và khung giờ phát phù hợp, nội dung thông tin chỉ đạo, điều hành của chính quyền cần ngắn gọn, trọng tâm.
Chính quyền từng địa phương cũng cần thực hiện khảo sát để biết người dân muốn nghe thông tin gì, vào thời gian nào, để việc phát thanh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.
Đội ngũ làm truyền thanh cơ sở cần được bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền để nâng cao chất lượng biên tập tin, bài phát thanh. Việc bồi dưỡng, tập huấn cũng được chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến, sử dụng hệ thống này đưa lên các tài liệu bồi dưỡng, các chuyên đề tập huấn để cán bộ truyền thanh cơ sở nghiên cứu, tự học, tự đánh giá.
Theo Chiến lược thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư; đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Thống kê của Cục Thông tin cơ sở, hiện cả nước có 9.793 đài truyền thanh/10.599 xã, phường, thị trấn, với khoảng 13.800 nhân viên. Ở cấp huyện, 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình đang hoạt động trên tổng số 705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với 7.300 nhân viên.
Ngoài ra, hệ thống thông tin cơ sở còn có hơn 5.000 trang thông tin điện tử của UBND cấp xã; 67.400 bảng tin công cộng các loại; 179.000 tuyên truyền viên cơ sở.
Nguồn: Sơn Hà thực hiện/vnexpress.net
Thương vụ Twitter: Chuyện thật như đùa
Submitted by nlphuong on Sun, 10/07/2022 - 20:25Toàn bộ câu chuyện về vụ mua bán giữa tỷ phú Musk và Twitter đã khiến các nhà quan sát bối rối.
Biểu tượng của mạng xã hội Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau khi tỷ phú Elon Musk thông báo từ bỏ thương vụ mua lại Twitter, các chuyên gia cho rằng mạng xã hội này có lợi thế để giành chiến thắng trong vụ kiện yêu cầu khoản bồi thường trị giá 1 tỷ USD hoặc cao hơn nữa, song lưu ý Twitter cũng không tránh được thiệt hại.
Toàn bộ câu chuyện về vụ mua bán giữa tỷ phú Musk và Twitter đã khiến các nhà quan sát bối rối. Nhà phân tích Dan Ives của công ty đầu tư tư nhân Wedbush, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) mô tả là đây là một trong những câu chuyện kinh doanh điên rồ nhất từ trước đến nay.
Theo ông, thương vụ này bắt đầu như một buổi biểu diễn xiếc và kết thúc cũng như như một buổi biểu diễn xiếc.
Ngày 8/7, ông Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla, đã gửi một lá thư tới Twitter cho biết, ông sẽ rút khỏi thỏa thuận đã thực hiện vào tháng Tư để mua nền tảng này với giá 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, Ann Lipton, Giáo sư luật tại Đại học Tulane, lưu ý những thỏa thuận mua bán như vậy luôn được soạn thảo để ngăn người mua “bỏ đi”.
Tỷ phú Musk đã cáo buộc Twitter không đáp ứng hoặc từ chối cung cấp thông tin về những tài khoản rác và ảo trên nền tảng này. Đây vốn được cho là quy tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh của công ty.
Các luật sư của ông Musk cũng đưa ra vấn đề sa thải nhân viên gần đây của Twitter và đóng băng tuyển dụng và coi đây là điều trái với nghĩa vụ của nền tảng này để tiếp tục hoạt động bình thường. Bà Lipton cho rằng những lập luận trên có thể hợp lệ, nhưng không đủ thuyết phục để ông Musk rút khỏi thỏa thuận.
Một số chuyên gia cho rằng động thái của ông Musk có thể được thực hiện nhằm đàm phán lại mức giá mua. Chiến thuật này đã được sử dụng thành công trong một số thỏa thuận khác, chẳng hạn như tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH hai năm trước, đã phá vỡ thỏa thuận mua lại Tiffany trước khi được giảm giá.
Dù vậy, theo các chuyên gia, tỷ phú Musk và Twitter khó có thể đồng ý về một mức giá khác vào thời điểm này, khi giá cổ phiếu của nền tảng này đã mất hơn một phần tư giá trị kể từ cuối tháng Tư. Bà Lipton lưu ý cả hai đều có nhiều thứ để mất.
Nếu Twitter thắng trước tòa, ít nhất, tỷ phú Musk sẽ phải bồi thường thiệt hại vài tỷ USD, thậm chí bị buộc phải thực hiện cam kết mua lại Twitter, trong khi giá trị tài sản của vị tỷ phú này đã “bốc hơi” hàng chục tỷ USD trong những tháng gần đây.
Theo bà Lipton, mọi thủ tục tại tòa dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng./.
Nguồn: Trà My (Theo AFP)/bnews.vn
https://bnews.vn/thuong-vu-twitter-chuyen-that-nhu-dua/250528.html
Tin giả, tin xấu độc lan truyền chủ yếu trên Google, Facebook
Submitted by nlphuong on Sat, 02/07/2022 - 09:20Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook.
Những thông tin không chính xác xuất hiện nhiều trên nền tảng xuyên biên giới do người dùng có thể phát biểu ẩn danh, không sợ bị truy cứu. Ngoài ra, các nền tảng xuyên biên giới cũng chưa hoàn toàn hợp tác với cơ quan chức năng trong nước trong việc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Nhiều thông tin xấu độc trên các nền tảng số xuyên biên giới
Trong buổi Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử 6 tháng đầu năm 2022, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Lưu Đình Phúc cho rằng, dù các nền tảng xuyên biên giới đã có cam kết, thỏa thuận với Bộ TT&TT để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, tuy nhiên do có sự khác biệt về quan điểm và môi trường pháp lý, nên việc xử lý các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng này còn chậm.
Đặc biệt, những tài khoản, fanpage thường xuyên bị Bộ TT&TT yêu cầu gỡ thông tin vi phạm, song các nền tảng chưa chịu xử lý triệt để, dẫn đến hiệu quả chưa cao, mất nhiều thời gian và công sức xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lưu Đình Phúc. (Ảnh: Hải Đăng) |
Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên giới chủ yếu là do người sử dụng cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý.
Thêm vào đó, các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.
Ngoài ra, người dân trong nước ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok trong bối cảnh nước ta chưa có các dịch vụ tương tự phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Ông Lưu Đình Phúc nhận định, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook.
Trong khi hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, mà chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm. Ngoài ra, các giải pháp hiệu ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube và Tik Tok chưa đạt hiệu quả.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm vừa qua, Cục PTTH&TTĐT đã đẩy mạnh tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, đề nghị 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok và Apple ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.
Tin giả phát tán chủ yếu trên mạng xã hội
Trong thời gian qua, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho rằng, hành vi loan truyền tin giả, tin sai sự thật diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới.
Nguyên nhân một phần do người sử dụng vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định, công bố là tin giả thì người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội.
Lễ ký kết hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng giữa Cục PTTH&TTĐT với các Sở TT&TT |
Tin giả phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Để đối phó tình trạng này, Cục PTTH&TTĐT đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả. Cụ thể, Cục nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt tin giả.
Cục PTTH&TTĐT cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân; chỉ đạo các cơ quan báo chí chính thống chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh.
Tăng cường đẩy mạnh việc khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng. Qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích.
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp, song Cục trưởng Lưu Đình Phúc đánh giá, thời gian qua việc xác minh tin giả còn chậm chễ dẫn tới các tin giả vẫn được lan truyền trên mạng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân có thể kể như các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động rà quét, việc phối hợp xác minh còn mất nhiều thời gian…
Do đó, Cục PTTH&TTĐT đã chủ động thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ với các Sở Thông tin và Truyền thông về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng, tiến tới Bộ TT&TT sẽ ký kết với các bộ ngành để tăng cường công tác phối hợp, giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả. Cụ thể, trong sáng 30/6, Cục PTTH&TTĐT đã ký kết biên bản ghi nhớ với các Sở TT&TT gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và Cần Thơ.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để tạo áp lực buộc Facebook, Google, TikTok... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Apple, Tiktok... phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này.
Nguồn: Hải Đăng/vietnamnet
2022 là năm nhiều trở ngại đối với các nền tảng mạng xã hội
Submitted by nlphuong on Wed, 08/06/2022 - 08:12Năm 2022 là năm không hề dễ dàng với những nhà đầu tư khi giá cổ phiếu của công ty chủ quản Facebook và Instagram là Meta Platforms giảm hơn 40%; giá cổ phiếu của ứng dụng Snapchat giảm gần 70%.
Biểu tượng Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN |
2022 là năm không hề dễ dàng đối với những người đã đầu tư vào các công ty mạng xã hội.
Giá cổ phiếu của công ty chủ quản Facebook và Instagram là Meta Platforms giảm hơn 40% kể từ đầu năm. Các nhà đầu tư lo ngại về các kế hoạch của Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg trong việc đưa Meta trở thành một công ty vũ trụ ảo, trong khi Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg sẽ nghỉ trong năm nay.
Giá cổ phiếu của ứng dụng nhắn tin Snapchat giảm gần 70% trong năm nay. Trong khi đó, giá cổ phiếu của trang web chia sẻ ảnh Pinterest đã mất gần một nửa giá trị. Thậm chí, giá cổ phiếu của YouTube và công ty mẹ của Google là Alphabet cũng giảm.
Cái tên được nhắc đến tiếp theo là Twitter. Mặc dù CEO của hãng xe điện Tesla, tỷ phú Elon Musk, đã chào mua Twitter với giá khoảng 44 tỷ USD, giá cổ phiếu của mạng xã hội này vẫn giảm 11% trong năm nay và giảm hơn 30% so với mức giá 54,2 USD/cổ phiếu mà ông Musk đã trả.
Các nhà đầu tư trên phố Wall đang nghi ngại liệu thỏa thuận có được hoàn tất với mức giá ban đầu.
Các nhà đầu tư có thể cuối cùng đã nhận thấy rằng cổ phiếu của các công ty mạng xã hội thực chất là cổ phiếu truyền thông.
Điều này có nghĩa là dù tốc độ tăng trưởng cao hơn, các công ty mạng xã hội vẫn chịu tác động trước những thay đổi trong ngân sách dành cho quảng cáo và hành vi của người dùng như các hãng truyền thông truyền thống, các kênh truyền hình và các tờ báo.
Việc coi cổ phiếu của các nền tảng mạng xã hội là cổ phiếu công nghệ có thể là một sự nhầm lẫn.
Các nền tảng mạng xã hội cũng đối mặt với các thách thức khác khiến giá cổ phiếu giảm trong năm nay.
Giá cổ phiếu của Global X Social Media ETF, công ty sở hữu một loạt các cổ phiếu mạng xã hội trên toàn cầu, giảm hơn 30%.
Những thay đổi của Apple đối với tính năng theo dõi người dùng trong hệ điều hành iOS có tác động đến toàn bộ hoạt động của mạng xã hội.
Hồi tháng Hai, Meta cảnh báo thiệt hại 10 tỷ USD trong doanh thu và ông Zuckerberg khi công bố kết quả kinh doanh quý I trước các nhà phân tích vào tháng Tư nói rằng những thay đổi đó là rào cản lớn đối với Meta và các đối thủ.
Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng là một trở ngại. Các nền tảng mạng xã hội tồn vong do tăng trưởng lượng người dùng.
Sau báo cáo lợi nhuận quý I của Alphabet, nhà phân tích Ali Mogharabi tại Morningstar cho rằng nguyên nhân khiến tăng trưởng doanh thu quảng cáo của YouTube phần nào gây thất vọng một phần là do sự cạnh tranh gia tăng từ Meta, Snap, Twitter, và Pinterest, cũng với sự phát triển của TikTok, khi các thương hiệu lớn ngày càng quan tâm nhiều hơn./.
Nguồn: Lê Minh (Theo CNN)
https://bnews.vn/2022-la-nam-nhieu-tro-ngai-doi-voi-cac-nen-tang-mang-xa-hoi/246660.html
Google trả phí tiếp cận nội dung cho hơn 300 nhà xuất bản
Submitted by nlphuong on Thu, 12/05/2022 - 21:44Google, thuộc Tập đoàn công nghệ Alphabet, đã ký thỏa thuận trả phí cho hơn 300 nhà xuất bản tại Đức, Pháp và 4 quốc gia châu Âu khác để sử dụng tin tức do các đơn vị này sản xuất.
Theo Giám đốc phụ trách tin tức và xuất bản của Google, Sulina Connal, tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã có thỏa thuận được quyền tiếp cận các nguồn nội dung của hơn 300 tổ chức cung cấp tin tức quốc gia, địa phương ở Đức, Hungary, Pháp, Áo, Hà Lan và Ireland.
Khoảng 2/3 trong số các đơn vị này là các tờ báo của Đức như Der Spiegel, Die Zeit và Frankfurter Allgemeine Zeitung.
Theo Reuters, Google hiện đang đàm phán thêm với các nhà sản xuất tin tức ở những quốc gia khác nhưng không tiết lộ số tiền chi ra là bao nhiêu và số tiền mỗi bên được nhận.
Bà Sulina Connal cho biết, Google cũng đang phát triển một công cụ cho phép các nhà sản xuất tin tức ở nhiều quốc gia khác có thể kiếm tiền từ các nội dung mà Google sử dụng. Công cụ này trước tiên sẽ được thử nghiệm tại Đức và Hungary, sau đó là các nước thành viên của Liên minh châu Âu khác trong những tháng tới.
Động thái này của Google được thực hiện sau gần 3 năm khi Liên minh châu Âu thông qua đạo luật bản quyền mang tính bước ngoặt yêu cầu Google và các nền tảng trực tuyến khác phải trả tiền cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà xuất bản tin tức và nhà báo... nếu sử dụng những tác phẩm của họ.
Các nhà sản xuất tin tức là những đối tượng chỉ trích Google mạnh mẽ nhất vì đã sử dụng miễn phí nội dung của họ trong nhiều năm.
Từ lâu, các tổ chức xuất bản tin tức trên thế giới đã có những động thái thúc giục các chính phủ yêu cầu những nền tảng trực tuyến trả phí bản quyền công bằng cho việc tiếp cận các nguồn nội dung của họ.
Năm ngoái, Australia đã thông qua luật yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng truyền thông, báo chí địa phương khi sử dụng, tìm kiếm hay chia sẻ các bài viết mà các tổ chức này sản xuất. Một đạo luật tương tự cũng đã được Canada ban hành vào tháng 4 vừa qua./.
Theo ictvietnam.vn
Nhật Bản - Việt Nam kỳ vọng giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua chuyển đổi số
Submitted by nlphuong on Sun, 01/05/2022 - 21:05Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio sáng 1/5 đã dự hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Hội thảo do Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế Nhật Bản (JETRO) tổ chức.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và là quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển nhanh và bền vững.
Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định: "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…", "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...".
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Đến nay, kinh tế số đang dần được hình thành, phát triển nhanh; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hình thức kinh doanh, dịch vụ, chuỗi cung ứng... dựa trên nền tảng công nghệ số, từ đó tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Mặc dù vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và còn nhiều dư địa cho phát triển.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Hai Thủ tướng và các Bộ trưởng tại hội thảo |
Thủ tướng cho rằng, đây là một quá trình không hề dễ dàng với vô vàn thách thức, đòi hỏi những giải pháp phù hợp, toàn diện, hiệu quả và đặc biệt là cần phải tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa.
Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Với tinh thần đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Hai quốc gia có thể hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của 2 quốc gia, theo đó chúng ta có thể tiến tới thiết lập một quan hệ hợp tác đối tác số.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhắc lại chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản vào tháng 11/2021, hai bên đã khởi động 3 sáng kiến về hợp tác đổi mới công nghệ, công nghiệp, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng Nhật Bản-Việt Nam. Kể từ đó, hai bên đã hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực này.
Thủ tướng Nhật Bản: Việt Nam nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Về công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Do đó, hai bên cần hợp tác nâng cao năng lực, công nghệ cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Thỏa thuận về hợp tác đào tạo kỹ sư vừa được hai bên trao đổi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản được kỳ vọng sẽ góp phần cho mục tiêu đó.
Nhật Bản và Việt Nam kỳ vọng giải quyết các vấn đề kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua chuyển đổi số, như số hóa các thủ tục thương mại, chuyển từ thực hiện thủ tục trên giấy sang thủ tục trên môi trường điện tử.
Về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, qua đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này. Việt Nam nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, trong tổng số 92 dự án nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng được Nhật Bản hỗ trợ tại ASEAN, Việt Nam đứng đầu với 39 dự án.
"Khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn. Tháng 1 vừa qua, Nhật Bản công bố "Sáng kiến đầu tư tương lai châu Á" và tôi mong muốn cùng ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa quan hệ giữa hai nước mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai nước", Thủ tướng Kishida Fumio chia sẻ.
Thành Nam - Phạm Hải/vietnamnet.vn
Cảnh giác trước tình trạng lợi dụng tính năng chuyển hướng cuộc gọi
Submitted by nlphuong on Sat, 26/03/2022 - 15:25Thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng kẻ gian lợi dụng tính năng “Chuyển hướng cuộc gọi" (Call Forwarding" của nhà mạng để đánh cắp mã OTP các dịch vụ của khách hàng.
Khách hàng lưu ý khi điện thoại có biểu tượng này ngoài ý muốn. |
Theo đó, kẻ gian thường giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng (CSKH) của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để gọi cho khách hàng hướng dẫn sử dụng dịch vụ, hay giải quyết sự cố bất kỳ và yêu cầu khách hàng có các thao thác xác nhận trên máy điện thoại.
Sau khi khách hàng đồng ý thực hiện theo hướng dẫn, chúng yêu cầu khách hàng thao tác mã lệnh trên bàn phím là **21*số điện thoại kẻ lừa đảo#OK (lệnh theo giao thức USSD). Thực chất đây là tính năng chuyển hướng cuộc gọi cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác.
Khi thực hiện lệnh chuyển cuộc gọi thành công theo hướng dẫn thì thuê bao khách hàng vẫn có sóng, vẫn nhận được tin nhắn SMS hay vào mạng bình thường nhưng tất cả các cuộc gọi đến từ thời điểm đó đã được chuyển hướng nhận cuộc gọi đến "số điện thoại kẻ lừa đảo".
Sau khi lừa đảo chiếm quyền nhận cuộc gọi, kẻ gian sẽ đăng nhập các ứng dụng như ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo "Quên mật khẩu đăng nhập", chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP.
Do trước đó khách hàng đã bị lừa thực hiện thao tác chuyển cuộc gọi nên các cuộc gọi từ tổng đài ứng dụng sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ gian. Từ đó, chúng có thể dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Cần liên hệ với nhà mạng ngay khi thấy hiện tượng bất thường
Để bảo vệ khách hàng hạn chế tối đa thiệt hại do kẻ lừa đảo gây ra, VinaPhone khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác tối đa trước các cuộc gọi lừa đảo hướng dẫn thực hiện chuyển cuộc gọi, không thao tác thực hiện mã lệnh **21*Số điện thoại# theo hướng dẫn từ các cuộc gọi này.
Khi điện thoại có các dấu hiệu bất thường như không nhận được cuộc gọi đến (có biểu tượng chuyển cuộc gọi ở cạnh logo nhà mạng) khách hàng cần lập tức thao tác lệnh ##21# để hủy lệnh Chuyển cuộc gọi ngoài ý muốn, đồng thời liên hệ với VinaPhone qua số tổng đài miễn phí 18001091 để kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, giải đáp hoặc khuyến nghị cách xử lý.
Ngoài việc lừa đảo chuyển cuộc gọi, gần đây cũng xuất hiện những trường hợp lừa đảo thay Sim 4G miễn phí. Do đó, Vinaphone cũng khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác trước các cuộc gọi mời thay Sim 4G.
VinaPhone cho biết, nhà mạng này chỉ thực hiện mời thay SIM cho khách hàng đang sử dụng phôi SIM cũ (phôi SIM 2G/3G). Cách kiểm tra loại phôi SIM đang dùng: Soạn tin nhắn SMS nội dung "DS4G" gửi đến số 888 hoặc bấm giao thức USSD với câu lệnh *0888#.
Đối với các thuê bao đang sử dụng phôi SIM 4G, VinaPhone sẽ không gọi mời thay SIM khác. Nhân viên VinaPhone sẽ liên hệ và đến trực tiếp tại địa chỉ khách hàng, không thay SIM từ xa qua điện thoại hay bất kỳ hình thức trực tuyến nào.
Sau khi nhân viên VinaPhone thực hiện thao tác thay SIM xong, khách hàng kiểm tra xác thực lại thuê bao bằng cách thực hiện cuộc gọi đi/đến từ số thuê bao đảm bảo liên lạc thông suốt 2 chiều từ thuê bao của mình.
Ngoài ra, VinaPhone khuyến cáo trường hợp phát hiện SIM điện thoại có các dấu hiệu bất thường như: mất tín hiệu, không nhận được cuộc gọi, tin nhắn… mà không rõ nguyên nhân thì khách hàng cần nhanh chóng liên hệ với nhà mạng qua số tổng đài miễn phí 18001091 để được hỗ trợ kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, khuyến nghị hướng xử lý kịp thời./.
Theo ictvietnam.vn
Nga khuyến cáo truyền thông cảnh giác với tin giả liên quan chiến sự
Submitted by nlphuong on Sun, 27/02/2022 - 15:30Ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố khuyến cáo các phương tiện truyền thông đại chúng nên cảnh giác với việc lan truyền tin giả, thông tin sai lệch về hoạt động của quân đội nước này.
Một tòa nhà dân cư bị hư hại do các cuộc pháo kích gần đây ở Mariupol, Ukraine .(Ảnh: REUTERS) |
Ngày 26/2, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố khuyến cáo các phương tiện truyền thông đại chúng nên cảnh giác với việc lan truyền tin giả, thông tin sai lệch về hoạt động của quân đội nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phía Nga cho rằng các lực lượng an ninh Ukraine (SBU) đang tăng cường phát tán tin giả nhằm làm mất uy tín quân đội Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự hiện nay.
Cơ quan quốc phòng Nga chỉ đích danh báo Novaya Gazeta, một tờ báo đối lập hàng đầu tại nước này, đang phát tán thông tin giả mạo.
Cụ thể, báo này đưa thông tin từ phía Ukraine về việc “Nga tổn thất hàng nghìn quân nhân, hàng trăm xe bọc thép và máy bay bị phá hủy.”
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin đáng tin cậy về tiến trình hoạt động quân sự đặc biệt của các lực lượng vũ trang Nga, đồng thời, kêu gọi tất cả các cơ quan báo chí hãy cảnh giác, không trở thành nạn nhân của những tin giả này.
[Bộ Quốc phòng Nga nối lại chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine]
Cùng ngày, một nguồn tin thuộc cơ quan khẩn cấp của Nga cho hay một số đối tượng không rõ danh tính đã thông báo về nguy cơ nổ tại 2 sân bay Sheremetyevo và Vnukovo, một số chuyến bay, các nhà ga xe lửa và trung tâm mua sắm ở thủ đô Moskva.
Nguồn tin này nói rõ qua thư điện tử đã xuất hiện các thông báo ẩn danh rằng thiết bị nổ đã được đặt tại các sân bay Sheremetyevo và Vnukovo, trên các chuyến bay Moskva-Yuzhno-Sakhalinsk và Moskva-Petropavlovsk-Kamchatsky. Ngoài ra, cũng có thông tin về nguy cơ nổ các nhà ga xe lửa và trung tâm mua sắm.
Nguồn tin nói thêm rằng lực lượng an ninh Nga đã sơ tán trung tâm mua sắm Okhotny Ryad và Columbus để tiến hành rà soát bom mìn. Hiện chưa có thông tin về việc sơ tán các sân bay, nhà ga. Những địa điểm này vẫn hoạt động bình thường trong bối cảnh những biện pháp an ninh đã được tăng cường.
Trước đó cùng ngày, một nguồn tin đã thông báo về bom được đặt tại sân bay Sheremetyevo. Cũng có thông tin nặc danh rằng một thiết bị nổ đã được đặt tại chi nhánh ngân hàng Sberbank ở địa chỉ số 22 phố Bratislavskaya, Moskva.
Kết quả kiểm tra cho thấy những thông tin này là giả./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=775256