Ngoài Google, ai "thông hiểu” hành vi Internet của người dùng Việt Nam nhất?

(ICTPress) - Nếu chúng ta đồng ý về giả định, Google là công ty Internet lớn nhất toàn cầu và nhờ đó Google cũng chính là công ty "thông hiểu" thói quen và hành vi của người dùng, thì để trả lời câu hỏi “Ai đang thông hiểu hành vi và thói quen Internet của người dùng Việt Nam nhất?”, chúng ta chỉ cần biết ai là công ty Internet lớn nhất Việt Nam.

Ảnh: the guardian

Để biết ai là công ty Internet lớn nhất Việt Nam, chúng ta tiếp cận theo cách sau: phân tích mô hình kinh doanh Internet của một công ty lớn nhất châu Á; Việt Nam thuộc châu Á, từ đó đối chiếu xem công ty nào ở Việt Nam có mô hình kinh doanh giống công ty đó, thì xem như chúng ta có đáp án. Hiện công ty Internet lớn nhất châu Á là Tencent; là chủ quản của phần mềm thoại tin miễn phí Wechat.

Mô hình kinh doanh Tencent

Doanh thu năm 2012 của Tencent đạt khoảng 6,9 tỉ USD, trong đó doanh thu đến từ 4 nhóm kinh doanh chính:

Dịch vụ gia tăng trên Internet (Internet VAS): Doanh thu năm 2012 của Tencent nhóm này đạt khoảng 5 tỉ USD, trong đó doanh thu từ Game chiếm khoảng 70%, tức khoảng hơn 3,5 tỉ USD, một con số không nhỏ. Khoảng 1,5 tỉ USD còn lại thu được từ các dịch vụ giá trị tăng trên PC, như mua bán vật phẩm ảo, ảnh avatar …

Dịch vụ gia tăng trên Mobile (Mobile VAS): Tencent đang dịch chuyển toàn bộ dịch vụ và sản phẩm của mình qua nền tảng Mobile, và một trong những sản phẩm chiến lược nhất trên nền tảng Mobile chính là phần mềm thoại và tin miễn phí Wechat.

Quảng cáo trực tuyến (Online Advertising): nhờ phủ rộng cộng đồng Internet và “thông hiểu’ thói quen và hành vi người Internet, doanh thu quảng cáo năm 2012 của Tencent đạt khoảng hơn nửa tỉ USD.

Bán buôn điện tử (eCommerce): mặc dù Alibaba là công ty bán buôn trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, nhưng nền tảng bán buôn và thanh toán trực tuyến của Tencent cũng giúp mang về hơn 700 triệu USD cho năm 2012.

Công ty “thông hiểu” thói quen và hành vi người dùng Việt Nam?

Cũng là quốc gia thuộc châu Á, một số công ty tại Việt Nam có thể được xem có mô hình kinh doanh khá giống Tencent.

Xuất phát điểm từ Game

Hơn 10 năm trước, một số công ty Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển Game trong nước, họ đã học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ các nước bạn rồi mang về nước thực hiện. Thời gian đầu kinh doanh Game, họ đã gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi. Tuy Game mang lại lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đặc biệt vướng nhiều rào cản từ cơ quan ban ngành, cũng như cảm tính chưa tốt của dư luận.

Và cuộc chinh phục Internet mới

Sau thời gian phát triển Game, các công ty Game nhận ra được mối liên quan mật thiết giữa Game và các dịch vụ giá trị gia tăng Internet (Internet VAS), cũng như các rủi ro tiềm ẩn nếu chỉ tập trung làm Game. Các công ty Game tiến hành tái cấu trúc chiến lược kinh doanh của mình, chẳng hạn như thay đổi bộ nhận diện thương hiệu để phù hợp hơn với chiến lược mới là “thấu hiểu người dùng Internet” hơn.

Các công ty Game bắt đầu tung ra các sản phẩm “miễn phí” nhằm thâm nhập vào tất cả các ngõ ngách trên Internet để tiếp cận người dùng, từ các trang tin tức thường ngày, âm nhạc, mạng xã hội, sàn mua bán điện tử, trang tin tổng hợp, nền tảng quảng cáo… Và gần đây có một số công ty cũng đã bắt đầu thâm nhập cộng đồng người dùng Mobile, đình đám nhất là ứng dụng gửi thoại và tin miễn phí.

Hiện các công ty cung cấp các dịch vụ và sản phẩm nêu trên tại Việt Nam, đa phần ở dạng “miễn phí”, và nhờ vậy, theo thời gian, họ sẽ phát triển được cộng đồng người dùng đủ lớn để hoàn thu, để thông hiểu thói quen, sở thích, điểm mạnh và điểm yếu của người dân trong nước.

Mỗi người đều có trải nghiệm Internet khác nhau, vì vậy sẽ có những đáp án khác nhau. Tuy nhiên, với các ý phân tích ở trên, hy vọng chúng ta sẽ có chung một đáp án.

Phm Văn Vit TrueBlue

Tin nổi bật