Muốn đảm bảo được ATTT thì phải có "lực lượng"

(ICTPress) - Nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong triển khai Luật an toàn thông tin (ATTT) và xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT).

Đây là quan điểm của hầu hết các đại biểu tham dự Tọa đàm “Định hướng triển khai Luật ATTT và công tác đảm bảo an toàn trong xây dựng CPĐT” do Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay 23/12, tại Hà Nội.

Tọa đàm là dịp đánh giá lại những nỗ lực, thành tựu cũng như tồn tại trong công tác đảm bảo ATTT trong 10 năm qua; đề ra giải pháp đảm bảo ATTT trong xây dựng CPĐT thời gian tới.

Buổi tọa đàm “Định hướng triển khai Luật ATTT và công tác đảm bảo an toàn trong xây dựng CPĐT” do VNCERT tổ chức tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập

Ngày 19/11/2015, Quốc hội chính thức thông qua Luật ATTT mạng. Triển khai Luật này, Bộ TT&TT đã, đang xây dựng 2 nghị định hướng dẫn về tiêu chí, thủ tục, thẩm quyền Luật ATTT và điều kiện kinh doanh ATTT.

Cho rằng, Luật này ra đời nhằm tăng cường hoạt động đảm bảo ATTT tại Việt Nam phù hợp với xu hướng trên thế giới, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ, nhấn mạnh muốn đảm bảo được ATTT thì phải có "lực lượng", người làm. "Lực lượng dân sự cần phải nhập cuộc, dù tất nhiên là các cơ quan chức năng vẫn làm nhiệm vụ của mình".

Ông Hà cho nêu rõ quan điểm về việc ATTT cần huy động nguồn lực của toàn xã hội và là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, thay vì chỉ phó mặc cho Chính phủ.

VNCERT cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là có cơ chế để thu hút nhân lực chất lượng cao, phát huy nhiệt huyết, tài năng của lực lượng trẻ trong hoạt động này, ông Lê Mạnh Hà đề nghị.

Cơ chế thu hút theo ông Lê Mạnh Hà trước tiên vẫn là công việc phải hấp dẫn, hấp dẫn thì đội ngũ đến. CNTT nhiều việc hay, chúng ta "có thể làm công việc trở nên hấp dẫn như việc chơi game”.

Ông Lê Mạnh Hà mong Bộ TT&TT đưa ra cơ chế về thu nhập, trong TP. HCM đã có vị trí làm CNTT được trả lương đến 50 triệu đồng. Các vị trí đó không cần nhiều và bộ phận đặc biệt như VNCERT có thể tính đến các vị trí này thì mới có thể “túm” được người giỏi. Bộ TT&TT có thể trình lên, nếu được trong năm tới. Văn phòng Chính phủ luôn ủng hộ.

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập VNCERT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đã chỉ đạo các công tác trọng tâm của VNCERT trong thời gian tới, trong đó VNCERT chủ động nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất cơ chế đột phá để thu hút nhân lực có trình độ cao cho công tác đảm bảo ATTT, ứng cứu sự cố.

Là đại diện cơ quan nhà nước đầu tiên chuyên trách về ATTT, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT cam kết phát triển nhân lực đảm bảo ATTT, ứng phó sự cố của Trung tâm và các cơ quan chuyên trách trong mạng lưới ứng cứu sự cố.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đây là một nghị quyết quan trọng, thể hiện "quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT. Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ TT&TT đã ban hành Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, định hướng cho việc xây dựng CPĐT tại các Bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến vấn đề ATTT, ban hành nhiều chính sách, đề án liên quan... mà tiêu biểu nhất là Luật ATTT mạng, vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/11 vừa qua. "Giờ đây chúng ta đã có một văn bản pháp lý mạnh mẽ, định hướng sự phát triển của ngành, kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu bảo vệ CPĐT, bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu Quốc gia, phù hợp và phát triển được môi trường Internet tại Việt Nam, bắt kịp xu hướng ATTT trên thế giới", Thứ trưởng cho biết.

HM

Tin nổi bật