“Kế hay” để Hà Nội dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong CQNN

(ICTPress) - Theo báo cáo đánh giá về Chỉ số Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng về CNTT - Truyền thông năm 2011, Hà Nội xếp thứ 7 về xếp hạng chung, thứ 3 về hạ tầng kỹ thuật, thứ 32 về hạ tầng nhân lực, thứ 27 về ứng dụng, thứ 7 về sản xuất CNTT, và thứ 20 về môi trường chính sách trên 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Sở TT&TT Hà Nội ký kết hợp tác với Hiệp hội An toàn Thông tin và Hội Tin học Viễn thông Hà Nội

Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với TP. Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, UBND TP. Hà Nội ngày 28/8/2012, đã ban hành Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) TP. Hà Nội theo Quyết định số 3855/QĐ-UBND.

Theo đó, Chương trình có 5 mục tiêu tổng quát: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử Thủ đô đạt mức 3; Ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước; Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp; Nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo các cấp Ủy Đảng, chính quyền về tầm quan trọng của ứng dụng và phát triển CNTT và TP. Hà Nội sẽ đi đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông, về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng môi trường tổ chức và chính sách.

Thứ 5 ngày 6/12 tuần này, Quy hoạch phát triển CNTT TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ được UBND TP. Hà Nội thông qua. Đây là một tin mừng cho Sở TT&TT Hà Nội, mừng cho người yêu CNTT, và cống hiến cho CNTT Hà Nội”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Tô Văn Động thông báo.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Tô Văn Động cũng cho biết thêm TP. Hà Nội đã coi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước là 1 trong 2 chương trình mục tiêu của thành phố cùng với chương trình chống ùn tắc giao thông.

Để triển khai thành công Chương trình mục tiêu và Quy hoạch ứng dụng CNTT trong các CQNN thành công ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước TP. Hà Nội còn cần sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp (DN) CNTT.

Giám đốc Sở TT&TT Tô Văn Động đã mong muốn các DN CNTT cho Hà Nội biết còn vướng ở đâu, còn chưa vào được với Hà Nội hãy đối thoại, chia sẻ các ý kiến, tư vấn, đề xuất thực hiện Chương trình để những tâm huyết, tình yêu CNTT Hà Nội được chứng minh.

Theo “thông điệp” này của Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, nhiều DN CNTT mới đây đã chia sẻ nhiều ý kiến rất “mở”, rất thẳng thắn cho Hà Nội. Những ý kiến này cũng có thể xem là một tham khảo cho các địa phương khác trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong các CQNN.

Cần một hoạch định, tầm nhìn dài hạn

Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, ông Hoàng Sơn cho biết Sở TT&TT cần có 1 hoạch định, tầm nhìn dài hạn. Thực tế, Viettel triển khai một số dự án CNTT cho một số tỉnh đã nhận thấy không phải một số tỉnh không có kinh phí chi cho CNTT, nhưng mỗi năm đầu tư cho một bộ phận một chút và qua một số năm thì các hệ thống không liên thông và đến lúc Chủ tịch, hay Bí thư tỉnh cần dữ liệu tổng thể để ra quyết sách thì rất khó khăn. Một chương trình mục tiêu tổng thể ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN như Hà Nội đã phê duyệt là tốt, mỗi năm Hà Nội nên lắp ghép một ô còn trống, còn thiếu thì Hà Nội sẽ tiến được đến đích. Sở TT&TT Hà Nội cũng cần quy định quận, huyện làm gì để có đồng bộ và phải có người tổng chỉ huy.

Để thực hiện chiến lược, tầm nhìn dài hạn Sở TT&TT cần ban hành văn bản pháp lý, bắt buộc, thống nhất từ trên xuống dưới. Nếu Sở Hà Nội làm được 30% bắt buộc như với Đà Nẵng cũng là thành công, đại diện công ty ECO IT cho biết.

Tính pháp lý của chương trình mục tiêu cần đưa vào phần hạ tầng. Pháp lý là cái lề nên cần Sở TT&TT Hà Nội cần đầu tư để ổn định làm ít nhất là từ Sở TT&TT, cao hơn là từ thành phố đưa xuống để công dân, DN tuân thủ nếu không mỗi đơn vị phát triển một kiểu, công dân làm một nẻo thì không thể nào “nói chuyện” được với nhau.

Nên đứng đầu về chất lượng

Đại diện của công ty DTT và một số công ty cho biết quan điểm Hà Nội nên đứng đầu cả nước về chất lượng, trong thời gian tới. Tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu ứng dụng CNTT nên hướng tới chất lượng, đặc biệt là năng lực ứng dụng. Năng lực ứng dụng được đo bằng chất lượng dịch vụ, chất lượng hệ thống cung cấp dịch vụ. Chúng ta nói nhiều cung cấp bao nhiêu cho người dân nhưng thực sự hệ thống cung cấp như thế nào mới là một vấn đề, người dân và DN được lợi gì.

Hướng tới thuê phần mềm - dịch vụ giảm đầu tư

Để hiệu quả trong đầu tư và phát triển, ông Hoàng Sơn cho rằng Hà Nội nên tư duy theo hướng mới là thuê và sử dụng dịch vụ vì bản thân vay vốn ODA vẫn phải trả lãi, chẳng hạn có vốn ODA giao cho DN làm thì chỉ mất mỗi phí, không phải đi vay. Sở TT&TT hãy giao DN đầu tư cả hạ tầng, server để Sở thuê đỡ phải đi vay. Hoặc DN nào đã đầu tư dịch vụ nào tốt cho Sở thuê lại rồi thu phí hợp lý, người dân thấy tiện ích thì Sở cũng không phải đầu tư, bỏ tiền. Ở nước ngoài, hầu hết dịch vụ thu phí. Ví dụ, một dịch vụ xếp hàng cả ngày mà nay chỉ xếp hàng 5 phút thì người dân có thể trả một mức nào đó rất rẻ rồi lại được nhận hồ sơ tại nhà.

Đồng quan điểm về thuê phần mềm, dịch vụ, đại diện của công ty cổ phần phần mềm Việt Vietsoftware cho rằng chiến lược mục tiêu để đầu tư và lại đầu tư thì đến năm 2020, số ứng dụng đếm được trên đầu ngón tay, vì đầu tư cần nhiều DN tham gia triển khai vì ít DN triển khai hộ, nhất là DN lớn. Vậy giải pháp là thuê phần mềm, thuê các dịch vụ vì phương án này hiệu quả. Nếu thuê phần mềm có thể thu từ 2 nguồn: ngân sách thường xuyên của các đơn vị (ví dụ, 1 phần mềm thuê 1 - 2 triệu đồng) và từ phí của các giấy phép (một giấy phép có thể cộng thêm giá CNTT hợp lý như 2000 - 3000 đồng) và Sở TT&TT Hà Nội có thể trả  tiền cho DN nào có phần mềm tốt, không tốt trả tiền. Do vậy, DN luôn phải nâng cấp phần mềm, đảm bảo phần mềm hoạt động tốt nếu không thì thay thế. Vietsoftware đang vận động nhiều địa phương thực hiện xu hướng này. Nếu thuê phần mềm thì sau 1 - 2 năm Hà Nội sẽ có nhiều ứng dụng được triển khai, nếu đầu tư mua thì khó triển khai thành công vì khối lượng lớn.

Quan điểm lại cách tin học hóa và đào tạo

“Để đạt được mục tiêu ứng dụng CNTT đến năm 2015 mà không nhắm đến tin học hóa hóa lĩnh vực thì năm 2020 Hà Nội chưa đạt được vì tin học hóa mới là khối lượng công việc lớn. Chẳng hạn, 1 quận, huyện cần hàng trăm dịch vụ cần phải tin học hóa chứ không phải luân chuyển hồ sơ”, công ty Vietsoftware cho biết.

Tin học hóa liên quan đến đào tạo ứng dụng CNTT. Đào tạo ứng dụng CNTT không đơn giản là ngồi ở hội trường. Nếu muốn ứng dụng CNTT thành công thì phải hướng dẫn từng chuyên viên, lãnh đạo thực hiện suôn sẻ, mỗi người phải thực hiện 3 - 5 hồ sơ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Cách đào tạo kiểu này dự án sẽ thành công hơn vì một dự án triển khai khoảng 12 tháng, khi hết dự án hết trách nhiệm. Sau đó phần mềm chết, phần mềm hỏng, hoặc có người mới thì người ứng dụng không biết làm sao vì vẫn chưa thành thạo ngay cả khi chỉ sửa một từ. Kinh phí xin sửa chữa, đào tạo sau đó không thể nào trong 1 tháng vì phải xin qua dự án, kinh phí đầu tư. Vậy, nhiều người được “cầm tay chỉ việc” sử dụng phần mềm thành công là dự án thành công.

“Chúng ta càng đào tạo tốt bao nhiêu thì thành công của hệ thống càng cao”, đại diện của công ty giải pháp Thuận An cho biết. Hiện nay có một xu hướng một số lãnh đạo yêu cầu cán bộ trước khi vào hệ thống phải tự đào tạo, hoặc qua bạn bè, người đi trước bàn giao công việc lại. Nếu người mới trong một mắt xích không được đào tạo sẽ bị thải loại. Đây là điều kiện tiên quyết cho cán bộ trước khi tham gia vào “dây chuyền” ứng dụng CNTT. Sở Nội vụ Hà Nội được biết đã đưa ra yêu cầu chi tiết này áp dụng cho một số quận, huyện Hà Nội.

“Sở làm gì, các ban ngành làm gì, cái gì DN làm và phải chịu trách nhiệm, chức năng cần làm rõ. Một DN không thể có tiền làm tất cả mọi thứ, phải thuê nhân lực chuyên ngành” là ý kiến về đào tạo đối với Sở TT&TT của Viettel.

Cần ban hành chuẩn dữ liệu

Một vấn đề quan trọng mà nhiều DN cho rằng Sở TT&TT Hà Nội nên ban hành chuẩn dữ liệu. Công ty giải pháp Thuận An cho biết trong quá trình triển khai phần mềm cho  một số CQNN những đơn vị nào đã áp dụng chuẩn ISO thực tế, thành thạo thì khi Thuận An đưa phần mềm vào thì hầu hết các phần mềm đều chạy và thành công từ chuyên viên đến lãnh đạo cao nhất. Thuận An đã triển khai hệ thống 1 cửa đến cơ quan thuế. Cơ quan thuế trực tiếp vào thụ lý hồ sơ đồng thời giảm bớt cấp mã số thuế trong các dịch vụ đất đai. Tuy nhiên, lãnh đạo cao nhất của một đơn vị tập trung chỉ đạo và kiểm soát được quy trình thủ tục thì đòi hỏi sự gắn bó giữa Sở TT&TT và các Sở quản lý chuyên môn để đưa ra được quy trình, thủ tục chuẩn cấp quận, huyện, phường xã. Từ đó, các đơn vị áp dụng đưa vào đó chuẩn ISO, từ chuẩn ISO hệ thống này kiểm soát mức độ nào, khâu nào. Không có chuẩn ISO thì mỗi đơn vị một kiểu. Một số đơn vị đã đi theo hướng hội tụ vì nhận thấy hệ thống giúp họ làm được gì.

“Phần mềm là quan trọng. Nhưng sau 1, 2 năm triển khai ứng dụng CNTT dữ liệu mới quan trọng. Nếu chuyển sang phần mềm khác, chuẩn dữ liệu khác thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động. Sở TT&TT phải có ý kiến với Bộ TT&TT để xây dựng chuẩn dữ liệu để các DN xây dựng phần mềm phù hợp với chuẩn và có thể “nói chuyện” với nhau và dữ liệu đó mới thực sự thuộc sở hữu của CQNN", công ty Thuận An cho biết.

Chỉ đột phá khi giải hai bài toán khó

Đại diện của công ty DTT, DN chưa bao giờ vào được các hệ thống của Hà Nội, cho rằng muốn dẫn đầu về ứng dụng CNTT, Hà Nội phải giải quyết bài toán khó vì không thể nào số lượng triển khai ứng dụng CNTT có thể dẫn đầu, đó là:

Thứ nhất, tích hợp giữa hệ thống địa phương và trung ương vì từ trước tới nay các loại hệ thống do trung ương đưa xuống, địa phương cho rằng không phù hợp. Hà Nội có thể thực hiện được vì Trung ương nằm trong Hà Nội. Hà Nội nên có một số ví dụ đi đầu để nói rằng hệ thống trung ương và địa phương tích hợp tốt. Công ty này đang làm 11 hệ thống cho Đà Nẵng thì có 6 hệ thống mâu thuẫn với trung ương, mà chưa biết giải quyết thế nào. Mỗi lần công văn mất 2 tuần mà cả dữ liệu có 9 tháng.

Thứ hai, tích hợp dữ liệu rồi phải công khai dữ liệu nhà nước cho DN và nhân dân dùng vì DN và người dân rất cần nhiều dữ liệu để làm giàu từ dữ liệu.

Sở TT&TT Hà Nội cũng không nên đấu thầu các giải pháp nhỏ lẻ, không giao việc nhỏ lẻ xuống dưới, tập trung các bài toán lớn để giải quyết đột phá, đấu thầu lớn yêu cầu DN liên doanh để làm, giải quyết bằng được bài toán lớn.

Tại “Hội nghị diên hồng” này nhiều DN cũng đã đề xuất những công việc có thể làm ngay cho Hà Nội, như Viettel hiện đang thực hiện hệ thống quản lý văn bản đến cấp quận, huyện, xã, 18 bộ, 64 tỉnh, thành, Văn phòng chính phủ rồi, Hà Nội mong muốn thì Viettel sẽ làm luôn, đồng bộ cơ sở dữ liệu, chuyển đổi các phần mềm để về cùng 1 văn bản để báo cáo. Trong khi đó, công ty Eco IT cho biết 6 tháng sẽ làm được cho các hệ thống phần mềm “nói chuyện” được với nhau.

Rất nhiều ý kiến đã được đề xuất cho Hà Nội và Sở TT&TT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục gặp gỡ các DN CNTT để tiếp tục bàn thảo, thực hiện, triển khai chương trình mục tiêu chi tiết hơn để Hà Nội sớm đạt mục tiêu.

HM

Tin nổi bật