Công khai điều kiện chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao cho toàn dân

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đối với các nhà mạng tại cuộc họp sơ kết 6 tháng triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao (MNP) chiều 17/5, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Mở đầu cuộc họp Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết sơ kết là dịp nhìn lại quá trình triển khai MNP và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ này tốt hơn nữa.

Dịch vụ MNP được cung cấp nhằm thúc đẩy cạnh tranh, buộc các nhà mạng phải chăm sóc khách hàng tốt hơn và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thế giới, dịch vụ MNP đã được triển khai từ lâu và là một dịch vụ viễn thông cơ bản. Dịch vụ cũng đáp ứng quyền cơ bản cho người sử dụng bởi số điện thoại di động ngày càng quan trọng.

Được biết dịch vụ MNP đã được triển khai trong 6 tháng. Tháng 11 và 12/2018, dịch vụ khả thi đối với các thuê bao trả sau và từ tháng 1/2019 cho các thuê bao trả trước.

Theo Cục Viễn thông - Bộ TTTT, dịch vụ MNP sau khi triển khai đã được xã hội và dư luận đặc biệt quan tâm. Lượng thuê bao đăng ký có xu hướng tăng trưởng, đặc biệt sau thời điểm 01/01/2019 khi dịch vụ được triển khai cho cả thuê bao trả sau và trả trước.

Sơ kết sau 6 tháng triển khai, đã có 424.455 thuê bao đăng ký chuyển mạng (chiếm 0,32% trên tổng số 133,3 triệu thuê bao đang phát sinh cước), chưa thực sự gây ra ảnh hưởng, biến động lớn trên thị trường di động.

Cụ thể, nhà mạng Viettel vẫn có tỉ lệ chuyển đi cao nhất từ thời gian đầu chuyển mạng đến nay. Trong 04 tháng gần đây Viettel liên tục duy trì và đạt được tỉ lệ chuyển mạng thành công trên 80% theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TTTT. Mạng Vinaphone đạt xấp xỉ 63% (tháng 3, 4/2019); Mobifone đã tăng dần tỷ lệ từ ~ 24% (tháng 1/2019) lên xấp xỉ 70% (tháng 4/2019). Cả 2 nhà mạng tiếp tục cải thiện tỷ lệ chuyển đi thành công để đạt được mục tiêu trên 70% theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

Mạng Vietnamobile hiện đang là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng đi thành công thấp nhất trong 04 mạng hiện đang cung cấp dịch vụ, tính đến hết tháng 4/2019 tỷ lệ này mới đạt được gần 48%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu mà Vietnamobile từ chối cho thuê bao chuyển mạng đi là do thuê bao có cam kết số đẹp (DNO07) và nhà mạng này mới bắt đầu cung cấp dịch vụ từ tháng 1/2019.

Cũng theo Cục Viễn thông, có nhiều thông tin phản ánh liên quan đến việc chuyển mạng đã được Cục tiếp nhận, trong đó thuê bao chủ yếu bức xúc vì không được doanh nghiệp (DN) chuyển đi hỗ trợ khi thực hiện thủ tục chuyển mạng (ví dụ, thuê bao bị từ chối chuyển mạng do còn cam kết sử dụng dịch vụ nhưng khi gọi điện đến tổng đài thì được trả lời là không có cam kết; hoặc tổng đài viên hướng dẫn ra cửa hàng để giải quyết, thông báo cho thuê bao không còn cam kết nhưng vẫn từ chối chuyển mạng).

Trong tháng 5/2019, số lượng khiếu nại của các nhà mạng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ hoàn thành xử lý khiếu nại đúng thời hạn tăng đáng kể (Viettel và Mobifone xử lý 100%, Vinaphone 99%, Vietnamobile đã đạt 76%).

Việc triển khai cung cấp dịch vụ ban đầu gặp nhiều khó khăn với những lý do như: Thời gian chuyển mạng kéo dài, nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng vẫn không được điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, quy trình nghiệp vụ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện... đặc biệt là việc DN từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng.

Tuy vậy, Cục Viễn thông cho biết đến nay những vấn đề này đang được giải quyết quyết liệt, tỷ lệ chuyển mạng thành công tăng dần theo từng tuần, tháng.

Đánh giá chung về 6 tháng triển khai dịch vụ, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định các nhà mạng đã tích cực tham gia cung cấp dịch vụ MNP cho khách hàng, đảm bảo quyền của người sử dụng dịch vụ.

Công khai minh bạch điều kiện chuyển mạng và không dùng “tiểu xảo”

Tại buổi sơ kết, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã lắng nghe các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai.

Toàn cảnh buổi sơ kết

Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone cũng đã thông tin về tình hình triển khai MNP, trong đó, có nêu đâu đó vẫn có hiện tượng “thủ thuật”, “tiểu xảo” trong việc thực hiện chuyển mạng cho thuê bao.

Cục Viễn thông cho biết còn có thực trạng là thông tin điều kiện chuyển mạng của nhà mạng còn chưa đủ thông tin, khó tìm trên website nhà mạng. Cục đã phối hợp với các nhà mạng thực hiện chế độ đối soát hàng ngày đối với các thuê bao chuyển mạng không thành công, với mục đích để kiểm tra bằng chứng từ chối chuyển mạng. Quá trình đối soát cho thấy, có rất nhiều thuê bao chuyển đi bị DN từ chối sai vì không cung cấp được đủ bằng chứng từ chối (có thời điểm tỷ lệ từ chối sai chiếm tới hơn 40% tổng số thuê bao bị từ chối chuyển mạng), sau đối soát nhiều thuê bao đã được chuyển mạng thành công.

Qua báo cáo của Cục Viễn thông và nhà mạng, Thứ trưởng cho biết dịch vụ MNP ảnh hưởng chưa nhiều đến doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng nhưng đã có dấu hiệu “thủ thuật”, “tiểu xảo”, không thống nhất trong cách làm.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới không được để tình trạng này tiếp diễn. Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông tiếp tục giao ban các nhà mạng, nếu phát hiện tiểu xảo thì Cục Viễn thông trước tiên cảnh báo nhà mạng, nếu tiếp diễn thì đưa lên thông tin đại chúng để báo chí vào cuộc. Nếu tiểu xảo quá mức thì Bộ sẽ có ý kiến, thậm chí yêu cầu nhà mạng trả lời báo chí.

Thứ trưởng yêu cầu tinh thần là khi làm việc phải thống nhất, phải trao đổi thẳng thắn. Thống nhất rồi thì phải nghiêm túc thực hiện.

Về việc cần làm ngay, theo Thứ trưởng, là Cục Viễn thông phối hợp với nhà mạng công khai, minh bạch điều kiện chuyển mạng lên website của các nhà mạng theo cách dễ tra cứu để bất cứ người dùng nào cũng hiểu dễ dàng. Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone và Vietnamobile cần công khai thông tin theo cách dễ dàng truy cập, tra cứu trong tháng 6/2019. Các nhà mạng phải công bố tường minh các điều kiện cho thuê bao muốn chuyển mạng phải làm thế nào hay không được chuyển cũng phải cung cấp thông tin. Thông tin thuê bao phải đền bù để được chuyển mạng cũng phải công khai. Các DN chủ động quyết định điều kiện đền bù.

Thứ trưởng cũng đề nghị nghiên cứu cung cấp công cụ để thuê bao tra cứu, biện pháp để DN có thuê bao được chuyển đến làm các nghĩa vụ với DN có thuê bao chuyển đi như thanh toán, hoàn thành hậu kiểm, chấm dứt hợp đồng (có thể thông qua nhắn tin hay thanh toán số tiền nợ đọng bằng cách thức thế nào để hỗ trợ người dùng). Nhà mạng chuyển đến chắc chắn sẵn sàng làm việc này.

Thứ trưởng nhấn mạnh lại quan điểm và tinh thần làm việc triển khai MNP là thống nhất các công việc thực hiện rồi thì không “tiểu xảo” nữa. Nếu tiểu xảo thì các nhà mạng chuẩn bị sẵn sàng lên mặt báo. Nếu DN nào phát hiện ra “tiểu xảo” của nhà mạng khác thì báo, điện thoại cho Cục Viễn thông. Cục Viễn thông kiểm tra thấy có dấu hiệu không ổn thì đưa lên mặt báo để thúc đẩy nhanh MNP.

 Lan Phương/ictvietnam.vn
Tin nổi bật