UNESCO: 94% nhà báo thiệt mạng ngay tại đất nước mình

Chỉ 6% số nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp ở nước ngoài, còn lại đều ở ngay tại đất nước của họ. Tuy nhiên phần lớn những vụ giết hại nhà báo vẫn chưa bị trừng phạt.

Biểu tình chống giết hại nhà báo ở Pakistan. (Ảnh minh họa)

Theo Ria Novosti, bản báo cáo đăng trên website của UNESCO cho biết: Trong khoảng từ 1/1/2006 đến 31/12/2013 trên khắp thế giới đã có 593 nhà báo thiệt mạng.

“Nghĩ đến những rủi ro liên quan đến nghề báo, gần như tất cả chúng ta đều liên tưởng đến hình ảnh các phóng viên tác nghiệp ở nước ngoài. Đặc biệt là sau vụ việc hai nhà báo bị giết hại dã man ở Syria là James Foley và Steven Sotloff… 

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy nguy cơ rình rập những người làm nghề thực sự nguy hiểm này lại ở ngay trong đất nước mình” - tạp chí The New Republic (Mỹ) bình luận thêm về tài liệu này.

Chỉ có 6% trong 593 nhà báo thiệt mạng ở nước ngoài. Số còn lại đều bị giết hại ở ngay chính đất nước của họ.

Theo báo cáo phân tích, các quốc gia hiện đang là nơi nguy hiểm nhất đối với nghề này gồm: Iraq (107 người đã bị giết hại), Philippines (63), Syria (49), Somalia (45), Pakistan và Mexico (khoảng 43), Honduras (23), Brazil (19), Nga (18), Ấn Độ (17), Afghanistan (16) và Colombia (12). 

Số nhà báo thiệt mạng trong vòng 8 năm qua đã tăng ở khu vực Mỹ Latin, các nước ở khu vực Caribbe và các nước thuộc Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Con số thống kê những phóng viên bị giết hại dã man ở châu Phi vẫn giữ nguyên, còn ở Mỹ và châu Âu đã giảm.

Chỉ có 35 trong 62 nước có nhà báo bị giết hại đã đệ trình lên tổ chức thế giới những thông tin liên quan đến quá trình xét xử của họ, và chỉ có 38 vụ việc có thể được coi là đã tiết lộ đầy đủ.

Phần lớn các nhà báo bị giết hại (244 người, chiếm 41%) đang làm việc trong các tòa soạn báo viết. Tiếp đến là những người làm cho kênh truyền hình (154 người, 26%) và đứng thứ ba là phóng viên đài phát thanh (123 người, 21%)

Khoảng 94% trong số họ là nam. Tuy nhiên nữ giới cũng gặp phải không ít rủi ro liên quan đến xâm hại tình dục hay bị theo dõi mà báo cáo đã không đề cập đến.

Bản báo cáo dài 56 trang sẽ được đệ trình tại phiên họp thứ 29 của Chương trình Quốc tế về Phát triển Truyền thông (IPDC) diễn ra vào cuối tháng 11 này ở Paris. Chương trình này được Liên Hợp Quốc thành lập năm 1980 nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện lĩnh vực phương tiện truyền thông đại chúng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.

Nguồn: Huỳnh Linh (lược dịch)/Infonet.vn

Tin nổi bật