Tuyên truyền về ASEAN thực chất, thiết thực cho người dân

Ngày 5/6/2019, tại Hà Nội, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO. Tham dự Hội nghị có 100 phóng viên chuyên trách.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Bộ TTTT là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về công tác thông tin tuyên truyền trong rất nhiều mảng, một trong số đó là hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO. Hiện Bộ TTTT là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền quảng bá ASEAN và là cơ quan chủ trì Tiểu ban Thông tin thuộc Uỷ ban Quốc gia UNESCO.

Với vai trò đó, Bộ TTTT, thường trực là Vụ Hợp tác quốc tế đã bước đầu xây dựng được một mạng lưới các phóng viên chuyên trách về các chủ đề trên với mục đích kết nối nhóm phóng viên này với các Bộ, Ngành, cơ quan liên quan, mong muốn cung cấp cho phóng viên các thông tin vừa cập nhật, vừa chuyên sâu để truyền tải đến công chúng cả nước.

Thứ trưởng cho biết, Hội nghị là dịp để các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và đại diện các Bộ, ngành liên quan được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp. Các bên cùng trao đổi về cơ chế cung cấp và chia sẻ thông tin, nhằm góp phần tăng cường hiệu quả, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nhận thức về hội nhập, về Cộng đồng chung ASEAN, về các chủ đề quan tâm của UNESCO của người dân trên cả nước.

Việt Nam thúc đẩy kết nối ASEAN, tận dụng CMCN 4.0

Tại Hội nghị, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã thông tin về các nội dung chính và chủ đề ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ông Vũ Hồ (giữa), Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao

Để chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam. Các Ủy viên của Ủy ban gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

"Khi Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 sẽ có một số thuận lợi và thách thức", ông Vũ Hồ cho biết thêm. Thuận lợi là vai trò của ASEAN nhận được sự quan tâm, thu hút sự chú ý của quốc tế và khu vực. Các diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt từ cuối năm 1990 đến nay đang phát huy được vai trò. Kinh tế của ASEAN phát triển bền vững, ổn định, tốc độ phát triển vẫn giữ được trên 6%/năm. Xu thế đối thoại hợp tác vẫn được duy trì. Châu Á và khu vực ASEAN hưởng lợi từ cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0), nhân tố tác động tích cực tới sự phát triển của ASEAN. Việt Nam đang trong thế và lực mới với những thay đổi tích cực, đáng khích lệ như kinh tế ổn định, đời sống của nhân dân nâng cao….

Các thách thức của ASEAN có thể kể đến như tăng trưởng chưa bền vững, tụt hậu chưa hẳn bị loại trừ, những thay đổi của môi trường quốc tế, những biến động trong khu vực như Trung Đông, bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh tại các nước trong ASEAN vẫn chưa hẳn ổn định; Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc đang tác động lớn đến ASEAN; Đoàn kết, bản sắc trong ASEAN cần được tăng cường; Tính cộng đồng chưa cao, trên thực tế nhiều người dân chưa biết về ASEAN; Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn cả chiều sâu, rộng, trên tất cả các diễn đàn; Xu thế bảo hộ đóng cửa, đơn phương được nâng cao và ngày càng trở thành xu thế trào lưu, chống lại phong trào toàn cầu hoá... Ngoài ra, còn có các thách thức phi truyền thống đối với khu vực như: biến đổi khí hậu, rác thải.

Bước vào năm 2020 với cả những thách thức và thuận lợi đó, ông Vũ Hồ cho biết, với việc tiếp nhận vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nhận thấy 4 điểm cần tập trung là: Tăng cường đoàn kết của ASEAN để xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong tiến trình khu vực; Tận dụng các nguồn lực để xây dựng cộng đồng ASEAN như thúc đẩy kết nối khu vực nhất là tận dụng CMCN 4.0; Thúc đẩy quan hệ song phương giữa các nước ASEAN, đối tác của ASEAN và Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam để đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam. Các bộ ngành đang đẩy mạnh xây dựng các sáng kiến để áp dụng trong  ASEAN.

Tuyên truyền về ASEAN thiết thực cho người dân

Về công tác tuyên truyền về ASEAN trong thời gian vừa qua, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT cho biết: Cơ quan báo chí đã chủ động trong tuyên truyền ASEAN. Các đài, báo lớn đều có chuyên mục ASEAN và tuyên truyền hiệu quả, cập nhật. Các kênh truyền hình VTV, VOV… đều khai thác các nội dung khác nhau về ASEAN đã “kéo” ASEAN gần hơn với người dân Việt Nam. Hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin cho cơ quan báo chí về ASEAN rất chủ động.

Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế

Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, việc tuyên truyền ASEAN trong năm 2018 còn có một số hạn chế như: chưa nhiều tin bám sát chủ đề ASEAN là “Tự cường và Sáng tạo”, chưa tạo được sức lan toả mạnh mẽ, chưa thực sự đi sâu xuống từng địa phương và gắn với các mảng chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương.

Kinh phí và nguồn lực còn eo hẹp, công tác tuyên truyền ASEAN vẫn đang phải lồng ghép, chưa được đầu tư sâu để làm rõ lợi ích, cơ hội của hội nhập ASEAN cho từng đối tượng, tuyên truyền để tạo ra các sản phẩm, ấn phẩm phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ.

Tuyên truyền trong ASEAN thời gian vừa qua chủ yếu trên các kênh truyền thống. Hiện nay, mạng xã hội cũng đã phổ cập khi Việt Nam có 65 – 70% người sử dụng Facebook, Việt Nam lọt top 10 quốc gia xem Youtube nhiều nhất thế giới, nhưng việc tuyên truyền trên mạng xã hội vẫn còn hạn chế.

Về phương hướng tuyên truyền năm 2019 – 2020, ông Phan Thảo Nguyên đề nghị các cơ quan báo chí tập trung bám sát vào các hoạt động theo chủ đề nước Chủ tịch ASEAN đưa ra như Chủ đề của Thái Lan làm chủ tịch ASEAN năm 2019 là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” và chủ đề của Việt Nam sẽ đưa ra cho năm 2020.

Cách thức tuyên truyền cần tạo mạch tuyên truyền xuyên suốt, thường xuyên, liên tục xuống tới địa phương; ưu tiên tuyên truyền đi vào từng vấn đề cụ thể, thực chất, có lợi ích thiết thực cho người dân; chia sẻ để khai thác kho dữ liệu chung tuyên truyền về ASEAN; Đưa các sáng kiến truyền thông đi vào khu vực chuẩn bị cho năm Chủ tịch 2020.

Mục tiêu tuyên truyền là tập trung triển khai một cách mạnh mẽ, thể hiện dòng chảy chính của công tác hội nhập ASEAN, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và sự ủng hộ của người dân cũng như dư luận cho năm Chủ tịch ASEAN.

Ông Nguyên nhấn mạnh, ASEAN rất đa dạng về dân tộc, bản sắc nên cần có chương trình truyền thông cho phù hợp, cần tiếp tục tuyên truyền về du lịch, kinh tế ASEAN. ASEAN là một thị trường lớn, thuế xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khối gần như bằng không, nên cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi thế này cho Việt Nam, ASEAN. Bên cạnh đó, cũng cần thông tin nhiều hơn về giới trẻ ASEAN.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Công thương đã cập nhập tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao đã trao đổi một số hoạt động trọng tâm của Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong thời gian vừa qua và định hướng trong thời gian tới. Đại diện Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thông tin về các nội dung tuyên truyền về UNESCO giai đoạn 2019 – 2020 trong lĩnh vực di sản, văn hóa. Trong khi, đại diện Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thông tin về các hoạt động mạng lưới công viên địa chất của Việt Nam trong tình hình hiện nay.

 Lan Phương/ictvietnam.vn
Tin nổi bật