Truyền thông thế giới 2013: Ồn ào “cuộc chiến trong bóng tối”

Làng truyền thông thế giới 2013 dày đặc sự kiện, nhưng tuyệt nhiên không có sự kiện vui. Báo giấy gần như đã “chạm đáy” khủng hoảng, truyền hình đã hết thời “kiếm tiền như nước” còn báo điện tử thì chẳng mấy dễ chịu trong trào lưu “thu phí truy cập”. Ồn ào nhất trong năm là “cuộc chiến trong bóng tối”, cuộc chiến mà ở đó các báo đua nhau phơi bày những sự thật chấn động về hoạt động nghe lén của Mỹ và phương Tây.

Lộ diện những sự thật chấn động

Cuộc chiến trong bóng tối đã gây ra cơn khủng hoảng ngoại giao chưa từng có.

“Cuộc chiến trong bóng tối” là cách ví von của một tờ báo về cuộc chiến đấu của giới truyền thông trong công cuộc săn tìm những thông tin mật - những thông tin còn trong bóng tối - về hoạt động do thám của nhiều nước.

Có thể nói, chưa bao giờ báo chí lại “tung bom” nhiều đến thế như trong năm 2013. Chỉ trong tháng 10/2013, 5 nhật báo hàng đầu của Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha đã liên tiếp tung ra những “quả bom” thông tin chấn động. Nổ phát súng đầu tiên là ngày 21/10, nhật báo Pháp Le Monde dẫn những tài liệu của cựu điệp viên Snowden tiết lộ NSA đã ghi âm tới 70,3 triệu cuộc điện đàm và tin nhắn SMS của công dân Pháp trong giai đoạn từ ngày 10/12/2012 đến ngày 8/1/2013. Điều đáng nói là, theo Le Monde, hơn 70 triệu cuộc nghe lén mà NSA thực hiện trong vòng chưa đến 20 ngày này không chỉ nhằm vào những nghi phạm khủng bố mà còn cả những nhân vật cấp cao trong giới kinh tế hoặc chính trị của nước Pháp. 3 ngày sau, ngày 24/2, nhật báo Anh The Guardian tung ra cú đấm khác vào Washington với tiết lộ Mỹ lén theo dõi điện thoại của 35 nguyên thủ quốc gia. Cơn choáng váng chưa kịp tan thì ngày 25/10, tuần báo “L’Espresso” của Italia tung hê việc cơ quan chuyên “nghe ngóng” của Anh là GCHQ đã hợp tác với tình báo Mỹ và Anh, không chỉ nghe ngóng mỗi chuyện “chống khủng bố” - vốn là lý lẽ biện minh cho hoạt động do thám - mà còn nghe ngóng cả các “ý định chính trị” của Chính phủ Ý (như chuyện tại sao thủ tướng Ý hồi năm 2011 lại chống lại kế hoạch can thiệp vào Libya...). Chỉ một ngày sau, ngày 26/10, tờ Der Spiegel của Đức tuyên bố có trong tay nhiều tài liệu mật khẳng định Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén Thủ tướng Angela Merkel của họ từ năm 2002 đến nay, từ khi bà còn chưa làm Thủ tướng Đức. Tờ Der Spiegel còn khiến anh bạn Mexico điên tiết khi tiết lộ rằng NSA còn thâm nhập vào hệ thống thư điện tử của ông Felipe Calderon khi ông giữ chức Tổng thống Mexico. Chưa hết, 4 ngày sau, nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha khiến cuộc khủng hoảng nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiếp tục lan rộng khi dẫn tài liệu mật của Edward Snowden chứng minh chỉ trong vòng một tháng (từ tháng 12/2012 đến đầu tháng 1/2013) NSA đã nghe lén tới 60,5 triệu cuộc điện thoại tại Tây Ban Nha. Thậm chí có ngày “cao điểm”, NSA nghe lén tới 3,5 triệu cuộc gọi.

“Cuộc chiến trong bóng tối” đã bùng nổ, khốc liệt và vượt ra khỏi những ranh giới mà các tòa soạn dự đoán. Người dân các nước thì tự hỏi: đâu rồi tự do và quyền riêng tư cá nhân khi mọi thứ bị xâm phạm nghiêm trọng? Lòng tin về cái gọi là “dân chủ”theo đó cũng biến mất. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước, các châu lục rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có. Từ sự thật được phơi bày này, quốc gia nào cũng rơi vào cả hai khả năng nghe lén và bị nghe lén. Bản thân chính những người tung “bom”- các cơ quan báo chí- cũng nhận ra một sự thật chua chát rằng họ cũng là một trong những đối tượng trọng yếu chịu sự theo dõi gắt gao của các cơ quan an ninh.

Năm 2013 là một năm không mấy dễ chịu với giới truyền thông Anh và Nhật Bản khi xuất hiện các quy định, dự luật giám sát, hạn chế quyền tác nghiệp. Tại nước Anh, ngày 19/3 khi Thủ tướng Anh David Cameron ký ban hành bộ quy định mới về việc “đặt các cơ quan báo chí, truyền thông Anh vào vòng giám sát của hệ thống luật pháp”, các tờ báo và tập đoàn truyền thông của xứ sở sương mù đã phản đối vô cùng gay gắt trước việc bị “cưỡng ép” đeo lên đầu chiếc “vòng kim cô”. Theo họ, quy định mới đã đi quá giới hạn và đe dọa 318 năm tự do ngôn luận tại Anh. Tại Nhật, tình hình cũng gay gắt không kém khi ngày 6/12/2013, Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật bảo vệ bí mật quốc gia. Dư luận và giới truyền thông Nhật Bản đã phản ứng dữ dội trước những điều khoản quy định hình phạt cứng rắn hơn đối với những quan chức để rò rỉ thông tin hoặc các nhà báo nỗ lực săn tin tuyệt mật...

Báo giấy “chạm đáy” khủng hoảng

Ngày 31/7/2013, Tổng thống Mỹ B. Obama, trong chuyến thăm trung tâm hoàn thiện hàng (Fulfillment Center) của công ty thương mại điện tử Amazon ở TP. Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ, đã tuyên bố một câu “xanh rờn”: thời hoàng kim của báo giấy đã xa. Nhìn vào bức tranh ảm đạm của báo in trong năm 2013 vừa qua, sẽ thấy rõ rằng báo giấy không những đã đi qua quá xa thời hoàng kim mà còn đang gần như chạm đáy của cơn khủng hoảng tồi tệ. Tại Mỹ, tổng doanh thu quảng cáo của ngành công nghiệp báo giấy trong năm 2013 không bằng doanh thu quảng cáo của một mình hãng tìm kiếm Google (ước tính chừng 60 tỷ USD). Cuộc khủng hoảng báo in ở Đức tồi tệ đến mức không chỉ đã buộc cả những hãng thông tấn lớn nhất nước này như DAPD phải ngừng hoạt động mà còn dẫn tới sự ra đời của một từ phức mới: “Zeitungssterben”, có nghĩa là “cái chết của báo in”. Có cảm giác như việc mà các các ông chủ báo in quan tâm nhất cũng như thực hiện thành công nhất trong năm qua chỉ là... bán. Bán hết mọi thứ có thể, từ bán trụ sở như nhật báo Mỹ Washington Post, bán bớt báo để giảm gánh nặng tài chính như Tập đoàn New York Times bán tờ Boston Globe với giá rẻ mạt, đến rao bán... chính mình, như tập đoàn Forbes Media. Cái thu được lớn nhất từ những cuộc mua bán đổi chác ấy, đơn giản chỉ là tiền, tiền để các tờ báo hoặc “tiêu dè qua ngày” để tồn tại hoặc để phục vụ cho một nguồn mưu sinh khác. Còn nếu không phải là bán, mua thì là chuyện “tách” hay “phân khu” mảng xuất bản, báo giấy thành khu vực riêng biệt để dễ bề phân chia lợi nhuận vì đôi khi với kết quả kinh doanh èo uột, mảng báo chí xuất bản trở thành “gánh nặng” với cả tập đoàn. Thu hút dư luận nhất là việc cả hai tập đoàn truyền thông lớn Time Warner, đều tuyên bố tách mảng xuất bản.

Thực ra, nói cho công bằng, các ông chủ báo in đích thị không phải là những kẻ “há miệng chờ sung” và câu chuyện “bán mình” chỉ là giải pháp cuối cùng họ bất đắc dĩ phải thực hiện mà thôi. Chẳng phải tận đến bây giờ mà trước đó từ rất lâu, họ đã làm mọi cách có thể để duy trì sự sống cho những đứa con báo chí của mình, trong đó, phổ biến nhất là cuộc “di dân” hay chuyển đổi sang loại hình báo điện tử. Tuy nhiên, “sống khỏe” được trên vùng đất mới không phải là chuyện dễ dàng. Nó không nằm ở câu chuyện tài năng mà là ở khía cạnh “thích ứng”, “hợp đất, hợp người” trên mảnh đất truyền thông kỹ thuật số- báo điện tử. Thế nên, người thành công nhiều mà kẻ thất bại cũng chẳng ít. Sự thất bại của tờ Times-Picayune có tuổi đời lên tới 175 năm, tạp chí danh tiếng Newsweek hay trước đó là Philadelphia Inquirer trên hành trình số hóa thực sự là những bài học đáng giá cho các tờ báo in đang “ngăm nghe” chuyển sang dạng thức điện tử. Bối rối, lạc lối trên hành trình bảo vệ sự tồn tại của mình, nhiều tờ báo hiện đang ở thế “có bệnh vái tứ phương”, trong đó có việc hết mua lại bán, hết tách lại nhập như đã nói ở trên, hồi hộp chờ đợi điều kì diệu sẽ đến, làm thay đổi tình cảnh của họ. Nhưng trong bối cảnh kinh doanh báo in “siêu khó” như hiện nay, kể cả những ông trùm được mệnh danh là “phù thủy truyền thông” như R.Murdoch cũng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Tỷ phú Jeff Bezos, người vừa thâu tóm tờ Washington Post và đang được các cổ đông của tờ này nuôi hy vọng sẽ vực dậy, đưa báo trở lại thời hoàng kim, thậm chí còn thừa nhận “báo in sẽ chết trong 20 năm tới”.

“Tử địa” Syria

Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới, trong năm 2013, ít nhất 52 nhà báo đã bị sát hại. Trong đó, phần lớn thiệt mạng tại Syria- đất nước giờ đây được coi là một trong những “tử địa” kinh hoàng nhất với giới báo chí. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải vì sao tác nghiệp tại Syria lại nguy hiểm đến thế, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chính phủ Damascus luôn tìm cách hạn chế tối đa các phóng viên nước ngoài tác nghiệp

tại nước mình. Để có thể đưa tin tại đây, phóng viên nước ngoài chỉ còn có một lựa chọn khả dĩ hơn là đi theo quân nổi dậy. Đơn cử như hai phóng viên chiến trường nước ngoài nổi tiếng nhất chết trong cuộc nội chiến Syria trong năm 2013 là Marie Colvin và Anthony Shadid đều đã phải “lẻn vào Syria” với sự giúp đỡ của phe nổi dậy. Nhưng điều này có nghĩa là họ phải hứng chịu một cuộc sống vô cùng bất trắc khi bất cứ lúc nào, ở đâu, mọi vũ khí hạng nặng, tên lửa, bom sát thương cao đều có thể trút xuống đầu họ. Chưa hết, điều kiện sống và tác nghiệp vô cùng tốn kém, khắc nghiệt: trước khi đi phải đóng tiền bảo hiểm nhân mạng khoảng 1.000 USD/ tháng, phải ngủ ở căn cứ phe nổi dậy, dưới làn đạn pháo và trên cái chiếu trải ở sàn với giá thuê 50 USD/đêm, thuê một chiếc xe tốn 250 USD/ngày, rất khó kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch, nỗi lo sợ hằng đêm bị cưỡng hiếp hay phân biệt giới tính, và đặc biệt là “nếu bạn bị thương nặng thì thà chết quách đi còn hơn vì bạn sẽ không đủ tiền trả cho việc cứu chữa!”- một phóng viên chiến trường cay đắng tâm sự. Cánh phóng viên chiến trường vẫn ví von một cách chua chát: Những nhà báo đến chiến trường Syria phải nín thở vượt biên “như những kẻ buôn lậu”, đôi khi viết một bài chỉ hưởng nhuận bút “bèo” 70 USD và chết tức tưởi từ bom rơi đạn lạc. Nguy hiểm, vất vả, thiếu thốn, là thế dường như không cản nổi tình yêu nghề báo, sự say mê với nghiệp “làm báo chiến trường” của những phóng viên chân chính.

Truyền thông bị tin tặc hoành hành

Chưa năm nào cánh hacker lại chĩa mũi dùi vào các cơ quan truyền thông nhiều và gay gắt như năm 2013 vừa qua. Tại Mỹ, hầu hết các nhật báo, kênh truyền hình lớn đều lần lượt trở thành nạn nhân tấn công của tin tặc. “Quý bà tóc bạc” - The New York Times là nạn nhân đầu tiên trong giới truyền thông Mỹ bị hacker tấn công. The Wall Street Journal (WSJ) cũng lên tiếng tố cáo hacker Trung Quốc đã nhằm vào tờ báo của mình trong nhiều năm qua. Hãng thông tấn Bloomberg cho biết hệ thống máy tính của mình đã gặp phải nhiều vụ xâm phạm, cố gắng thâm nhập trái phép, truyền hình Mỹ cũng bị hack. Ngày 21/2/2013, mạng Twitter phát đi tin trang web chính thức của kênh truyền hình NBC- một trong bốn mạng truyền hình lớn nhất tại Mỹ- tại địa chỉ NBC.com đã bị hacker hạ gục và lây n h i ễ m mã độc. Không c h ỉ truyền thông M ỹ , các cơ sở truyền t h ô n g của nhiều nước khác như Reuters, BBC, Financial Times, Guardian của Anh, AFP của Pháp, Al Jazeera của Arab cũng chịu chung số phận.

Hệ quả tiêu cực của những cuộc tấn công này thì đã rõ, nhưng điều khiến các cơ quan truyền thông cũng như các cơ quan chức năng đau đầu nhất lại là rất khó xác định một cách chính xác thủ phạm thực sự của những vụ tấn công đình đám này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nguyên nhân chính của những vụ tấn công liên tiếp vào các cơ quan truyền thông nằm nhiều hơn ở khía cạnh chính trị. Tuy nhiên, những trường hợp “bắt tận tay day tận mặt”, có biện pháp xử lý cụ thể như trên không phải là nhiều bởi bản chất thế giới mạng là ảo và những tội phạm trên thế giới đó phần lớn là chẳng dễ vạch rõ chân tướng. Nhưng khó mấy, cũng phải tìm cho ra cách để... diệt tin tặc. Bởi nói như một chính khách Mỹ : cuộc tấn công mạng, tình báo mạng hiện là mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ, nguy hiểm hơn cả những vụ tấn công khủng bố trên đất liền.

Năm 2013 là năm mà giới truyền thông bị dư luận “rung chuông” phê phán nhiều nhất với tội danh “ngày càng cạn dần tính nhân văn”. Công chúng báo chí đã vô cùng phẫn nộ trước việc tờ tạp chí nổi tiếng Rolling Stone số xuất bản trung tuần tháng 7/2013 đã “giương” ảnh Dzhokhar Tsarnaev- đồng phạm của vụ đánh bom đẫm máu tại Boston, Mỹ ngày 15/4 - lên làm nhân vật trang bìa. Một câu hỏi được đặt ra: đạo đức, tính nhân văn của người làm báo ở đâu khi tung lên trang bìa ảnh một nghi phạm khủng bố nhưng trông không khác gì một ngôi sao nhạc rock? Sau sự việc trang bìa của Rolling Stone, dư luận và báo giới lại một lần nữa phẫn nộ trước sự vụ đài truyền hình Hàn Quốc KBS tường thuật trực tiếp cảnh tự vẫn. Việc một tên giết người cũng có thể trở thành nhân vật trang bìa, hay cảnh tự vẫn cũng có thể lên sóng truyền hình trực tiếp khiến dư luận chua chát “ngộ” ra rằng thời nay, lên báo, lên truyền hình, đơn giản chỉ phụ thuộc vào độ “hot”, khả năng câu... view cao mà thôi.

Hồng Sâm

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật