Tổng Bí thư Trường Chinh từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng

Tổng Bí thư Trường Chinh (1907 -2017) không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, ông còn là một nhà báo - nhà thơ.

Diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đọc tại lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (ngày 9.2, tại Nam Định) có đoạn: Tổng Bí thư Trường Chinh là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 -1939), những bài báo của đồng chí Trường Chinh luôn có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí đã từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng, tiếp đó là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các cơ quan ngôn luận của Đảng như “Cứu quốc”, “Cờ Giải phóng”, “Sự thật”, “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”…

Tổng Bí thư Trường Chinh (bên phải ảnh)

Vào tháng 9.1941, bốn tháng sau ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, tại Hội nghị Cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ, đồng chí Trường Chinh với cương vị Tổng Bí thư đã đề xuất chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức Mặt trận.

Ngày 25.1.1942, tại thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), báo Cứu Quốc chính thức xuất bản số đầu tiên. Người trực tiếp chỉ đạo nội dung tờ báo khi đó, chính là Tổng Bí thư Trường Chinh...

Khi viết báo, trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, Tổng Bí thư Trường Chinh thường sử dụng nhiều bút danh khác nhau như Q.N, Qua Ninh, C.G.P, T.Tr, Trường Chinh... Những bài viết điển hình của ông như “Trở lại bài phỏng vấn Tơ-rốt-kít của ông Trương Tiêu” đăng trên báo Tin tức số 42, ra ngày 12-15 tháng 10.1938 hoặc bài “Luận điệu “cách mạng mồm” nông nổi và vô chính trị của bọn Tơ-rốt -kít”, cũng đăng trên tờ báo này vào năm 1938 hay bài “Cuộc kháng chiến anh dũng của chúng ta” (Báo Cờ Giải phóng, số 14, ra ngày 28.6.1945).

Cũng trong số báo này Tổng Bí thư Trường Chinh còn có bài “Hạnh phúc cách mạng - Mười chính sách lớn trong Khu Giải phóng” ký tên là Tân Trào…

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, Tổng Bí thư Trường Chinh là người rất nghiêm túc trong việc thể hiện câu chữ, văn phong. “Những người làm báo Nhân Dân hay những người làm văn kiện Đảng ở thời kỳ ông Trường Chinh đã học được rất nhiều điều từ tấm gương của ông” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Tổng Bí thư Trường Chinh còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Với gần 70 bài thơ đã sưu tập được, trong đó có nhiều bài thơ nổi tiếng. Thơ Sóng Hồng thể hiện cảm xúc của tác giả trước hầu hết các sự kiện của đất nước bằng một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ xán lạn của cách mạng.

Thơ Sóng Hồng đánh dấu từng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam, của thơ ca cách mạng Việt Nam, có sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Theo Tổng Bí thư Trường Chinh “Thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính đảng, tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không thể thơ nào cũng có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ”.

Khi nói đến Sóng Hồng, nhiều người vẫn nhớ hai câu thơ nổi tiếng của ông: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

Nguồn: Lương Kết/danviet.vn


Tin nổi bật