Tòa án Nhân dân tối cao Ban hành Thông tư về nội quy phiên tòa: Không đúng tinh thần Luật Báo chí

Thông tư  01.2014 của Tòa án nhân dân Tối cao về nội quy phiên tòa, có hiệu lực từ ngày 16.6.2014. Thông tư này đã gây phản ứng  đối với các cơ quan báo chí và các nhà báo.

Các nhà báo đợi trước cửa phòng xử án TAND TP.HCM để đưa tường thuật một phiên tòa. Ảnh: HTD

Điều 2 Nội quy phòng xử án quy định: “Các nhà báo, phóng viên (PV) được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa…”.

Nhiều người đặt câu hỏi: Một trong những nhiệm vụ của báo chí là giám sát, chống các biểu hiện tiêu cực, vậy tại sao Tòa án phải đưa ra những quy định gây khó PV tác nghiệp đúng luật?

Bạn đọc Trần Nguyên Trung cho rằng: “Trên thực tế, báo chí đã góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, tạo tính răn đe khi đưa tin về vụ án tại các phiên tòa. Bên cạnh đó, không ít bài báo cũng đã mổ xẻ, phân tích, phản ánh một số thẩm phán điều hành phiên tòa chưa tuân thủ Bộ luật Tố tụng hình sự  (nhiều vụ án bị kháng nghị hoặc bị hủy án - PV).

Điều 7 Luật Báo chí quy định: “Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

Vụ án khi đã được đưa ra xét xử (trừ những vụ án có nội dung cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục, bí mật của đương sự…) không nằm trong quy định này. Hơn nữa, trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định nào ngăn cản báo chí tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai nên quy định trong Thông tư của TAND Tối cao là khó chấp nhận.

Cũng theo quy định của Luật Báo chí, thì chỉ các PV có thời gian công tác nhất định tại tờ báo mới được cấp thẻ nhà báo. Các PV của các cơ quan báo chí thì sao? Với các phóng viên chưa được cấp thẻ thì giấy giới thiệu được xem như một thẻ hành nghề do cơ quan cấp để có thể tác nghiệp. Còn đã xuất trình thẻ nhà báo mà còn đòi thêm giấy giới thiệu nữa thì giống như một loại đòi hỏi “giấy phép con”.

Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Công ty luật Hòa Lợi nhận định: “Thông tư này trái Luật Báo chí và nghị định. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 8 Nghị định số 51 ngày 26.4.2002 (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí), nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), phát biểu: “Theo tôi, quy định báo chí tác nghiệp tại tòa phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác là không thể hiện đúng tinh thần của Luật Báo chí, làm hạn chế quyền hành nghề, từ đó dẫn đến hạn chế sự giám sát của truyền thông và xã hội.”

                                                                                                                          Bảo Trung

Nguồn: Nguoilambao.vn

Tin nổi bật